Thực tiễn kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số giải pháp góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện
Tác giả: Trần Văn Duy [1] Nguyễn Thị Phương Thảo [2]
TÓM TẮT
Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự phát triển vượt bậc về quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, thực tiễn kiểm tra, thanh tra cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) còn diễn ra phổ biến. Đặc biệt trong thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nhiều nội dung mới cần được triển khai trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó, bài viết phân tích thực tiễn hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số giải pháp góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện.
1. Tình hình thực thi việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện, công ước quốc tế như Tuyên bố thế giới về nhân quyền năm 1948, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1962 về phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên; Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966… Với việc ký nhiều cam kết quốc tế, Việt Nam đã thừa nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, mà trực tiếp nhất là hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Vấn đề quyền được sống trong môi trường trong lành được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng chính sách bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, tại Việt Nam, pháp luật bảo vệ môi trường đang dần được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 tại Điều 43 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Như vậy, Quyền được sống trong môi trường trong lành có quan hệ chặt chẽ với các quyền khác của con người. Sự ô nhiễm, suy thoái môi trường ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người đó là quyền sống, quyền về sức khỏe, quyền về nước, quyền làm việc, kiếm kế sinh nhai. Hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này không ngừng được hoàn thiện như: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Luật đa dạng sinh học năm 2008; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường ngày 23 tháng 12 năm 2014 và Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi một số mức phạt vi phạm môi trường. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/05/2021 và chính thức có hiệu lực vào ngày 10/07/2021. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua thực tiễn hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian qua cho thấy:
Thứ nhất, tình trạng cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường năm sau luôn cao hơn năm trước.
Giai đoạn năm 2018 – 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà trọng tâm là các cơ sở có lượng xả thải lớn, có loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở có đơn, thư, có phản ánh của báo chí. Qua thanh tra, kiểm tra 3.440 cơ sở và khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó xử phạt đối với 2.170 tổ chức vi phạm với số tiền trên 277 tỷ đồng và buộc các đơn vị phải khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định3. Trong hai năm gần đây, năm 2020 – 2021, Bộ TN&MT tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất các vấn đề người dân, dư luận quan tâm; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, trong đó, Bộ đã triển khai 2 Đoàn kiểm tra về đất đai tại 4 tỉnh, thành phố; 14 cuộc kiểm tra đột xuất về lĩnh vực địa chất, khoáng sản trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương4. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm, xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường tại các địa phương.
Bên cạnh hoạt động thanh tra thường xuyên, Bộ TN&MT cũng rất quan tâm đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo phản ánh của báo chí và qua xử lý đơn thư của công dân. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay đã có 28 cơ sở sản xuất được kiểm tra, thanh tra đột xuất; qua đó đã xử phạt 8,7 tỷ đồng, buộc các cơ sở phải khắc phục các vi phạm và bồi thường thiệt hại5. Thanh tra đột xuất đã phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ việc xả chất thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng loạt vụ việc đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ của các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm bảo vệ môi trường6.
Thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc như việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn kéo dài do nhiều đối tượng vi phạm trốn tránh hoặc không hợp tác; các vi phạm về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp; hoạt động thanh tra chuyên ngành còn bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính và chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời như phải có Quyết định thanh tra, kiểm tra, phải thông báo trước, chỉ làm việc trong giờ hành chính… làm hạn chế việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính. Hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn chồng chéo, trong khi lực lượng thanh tra 6 Vụ chôn lấp chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) trái phép diễn ra tại ấp Mỹ Ðức, thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước); hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017),… chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng và chất lượng7…
Thứ hai, mức độ và phạm vi địa bàn vi phạm rộng, đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo điều tra việc chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh… đa số các DN chưa thực hiện nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Các hành vi vi phạm thường là: không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải hoặc các DN có xây dựng, lắp đặt nhưng không đảm bảo hoặc không hoạt động vì chi phí vận hành hoạt động thường xuyên tốn kém; có DN đã đi vào sản xuất nhưng chưa có đầy đủ đủ hồ sơ về BVMT; không thực hiện đúng các nội dung trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy phép xả thải; không có hệ thống quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại8…
Thứ ba, hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa nghiêm.
Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường ở nước ta hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ở cấp xã, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường gần như bị bỏ trống. Công tác BVMT ở các làng xã thường được giao cho một cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đôn đốc, theo dõi công tác vệ sinh ở thôn xóm, khu dân cư. Nhiều khu công nghiệp, làng nghề không có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về môi trường. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về môi trường thiếu về số lượng, kém về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, không đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng và thẩm quyền được giao. Công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm túc. Tỷ lệ các dự án đầu tư được kiểm tra, xác nhận tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cho phép vận hành còn thấp. Nhiều dự án đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở tỷ lệ rất cao, qua thanh tra, có 70% khu công nghiệp vi phạm các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, 60% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải9. Không ít các Sở TN&MT chưa chấp hành nghiêm, chưa thực hiện tốt trách nhiệm của các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở thuộc thẩm quyền quy định của pháp luật. Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường10.
Thứ tư, khung xử phạt còn nặng về biện pháp phòng ngừa, răn đe, chưa coi trọng hơn nữa việc áp dụng các biện pháp kinh tế phù hợp với kinh tế thị trường.
Các cơ chế chính sách về sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý nhà nước về môi trường đã được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới, song ở Việt Nam mới chỉ áp dụng dưới dạng thuế, phí BVMT, ký quỹ, đặt cọc,….
Thực chất của phương pháp kinh tế trong BVMT là việc dùng những lợi ích vật chất để kích thích chủ thể thực hiện những hoạt động có lợi cho môi trường, cho cộng đồng. Các biện pháp kinh tế cần được thực hiện triệt để nhiều hơn nữa bao gồm:
– Thành lập các quỹ BVMT;
– Áp dụng các ưu đãi nhiều hơn về thuế đối với những doanh nghiệp, những dự án có các giải pháp tốt về BVMT;
– Áp dụng thuế suất cao đối với những sản phẩm mà việc sản xuất chúng có tác động xấu đến môi trường;
– Gắn hạn chế hoặc khuyến khích thương mại vói việc BVMT. Các hiệp định của WTO (Tổ chức thương mại thế giới) trước đây và CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hiện nay đã tích cực áp dụng biện pháp này.
Các biện pháp kinh tế rất phong phú và đa dạng. Việc sử dụng chúng trong BVMT phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các biện pháp kinh tế thường mang lại hiệu quả cao hơn trong BVMT so với các biện pháp khác.
Thứ năm, mức xử phạt còn thấp, chưa kịp thời, chưa đủ mạnh để răn đe phòng ngừa vi phạm.
Thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, nhưng chưa bị xử phạt tình trạng vi phạm kéo dài. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/05/2021 và có hiệu lực ngày 10/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tăng mức xử lý đối với một hành vi vi phạm như: phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định; lưu giữ phế liệu nhập khẩu tại khu vực không đáp ứng điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu; hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Đặc biệt, phạt tiền từ 230.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ- CP. Nghị định trên sẽ phát huy hiệu quả và là công cụ hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường với mức phạt tiền tăng cao và các hình thức xử phạt nghiêm khắc, do đó Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có tính răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, do việc xử phạt không chỉ kịp thời, mà mức xử phạt còn quá nhẹ, quá thấp không đủ sức răn đe. Mức xử phạt áp dụng đối với các hành vi không nộp lệ phí rất thấp, không đủ để cưỡng chế các DN chây ỳ không chịu nộp phí. Ví dụ: hành vi vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng TN&MT, Ủy ban nhân dân cấp huyện thì mức phạt quá thấp chỉ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận quy định tại Điều 8 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP,…
2. Một số giải pháp đảm bảo thực thi pháp luật việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Một là, tăng cường sử dụng chế tài mạnh để xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, Bộ TN&MT cần tiếp tục chú trọng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong nhiệm vụ BVMT; đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm BVMT của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sau khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua, cần sớm ban hành hệ thống nghị định, thông tư,… bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra và một số quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Quy định bổ sung trách nhiệm kiểm tra, thanh tra đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, trách nhiệm kiểm tra của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nhằm tăng cường lực lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra; quy định thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết để khắc phục hạn chế, bất cập trong pháp luật về thanh tra và tăng cường hiệu quả, kịp thời phát hiện vi phạm đối với các đoàn thanh tra trong bối cảnh các DN luôn có xu hướng đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra; quy định về hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT để bổ sung cho nội dung hiện nay chưa được pháp luật về thanh tra quy định. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cần chú trọng vào việc xây dựng chế tài xử phạt với mức phạt cao, mang tính răn đe cao, ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn nữa Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/05/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Theo đó, các hành vi hành chính đã được cập nhật, bổ sung với các chế tài phù hợp với các quy định hiện hành và theo hướng chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn.
Hai là, tăng cường nghĩa vụ tài chính đối với các chủ thể khi tiến hành khai thác, sử dụng môi trường.
Qua nghiên cứu thực tiễn kết hợp với kinh nghiệm của các nước, chính sách thuế bảo vệ môi trường ở các nước thường nhằm 2 mục tiêu chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Hiện nay, nhiều nước áp dụng biện pháp kinh tế liên quan đến mục đích BVMT đối với sản phẩm, hàng hóa khi được sử dụng sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Việt Nam có thể tham khảo để sớm ban hành Luật thuế BVMT.
Bên cạnh đó, mở rộng việc áp dụng chế độ nhằm khuyến khích việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên một cách đầy đủ từ các chủ thể tiến hành hoạt động khai thác tài nguyên và bảo đảm mục tiêu BVMT. Áp dụng các loại phí BVMT nằm trong danh mục phí và lệ phí theo Pháp lệnh Phí và lệ phí. Việc áp dụng các loại phí BVMT vào cuộc sống cần có sự chuẩn bị thật kỹ về thời gian và nhân lực, có thể bước đầu áp dụng một số loại phí BVMT không bao hàm tiền phạt vi phạm qua việc thực hiện thí điểm tại một vài địa phương để lấy kinh nghiệm trước khi áp dụng trên phạm vi cả nước11.
Ba là, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về môi trường.
Nhà nước cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường các cấp; cần có cơ chế đảm bảo thực thi bằng các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành và phải có sự chỉ đạo của Đảng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tăng cường số lượng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường, trước mắt cần tăng cường lực lượng cho các địa bàn đang trống và những địa bàn kinh tế phát triển và nhạy cảm về môi trường cao.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp, thống nhất hành động trong cộng đồng.
Các cơ quan thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng thông tin, làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đến với mọi người dân, đến với từng địa bàn dân cư,…qua đó, tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân đối với nhiệm vụ BVMT./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Nghiên cứu viên chính, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Thạc sỹ, Giảng viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tr.3. 4 Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tr.2. 5 Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tr.4.
- Chính phủ (2015), Báo cáo UBTVQH về việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, tr.4
- Điển hình như công ty TNHH dệt len Lantian ở tỉnh Vĩnh Phúc đã không thực hiện đầy đủ các nội dung đã ghi trong bản cam kết BVMT; Nhà máy bia Sài Gòn – Nghệ An thuộc công ty bia Sài Gòn vi phạm về không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường,…
- Nguyễn Thị Thơm, An Như Hải (2013), Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 195.
- Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, tính đến hết năm 2020 tại Hà Nội có hơn 1.000m3 rác thải và gần 400.000m3 nước thải thải ra môi trường mỗi ngày nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó được xử lý. Lượng nước thải của Thủ đô đổ hết ra các sông ngòi, kênh rạch như: Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đà, hồ Linh Đàm,… Đáng chú ý con sông Tô Lịch từng được xem là “Long Mạch của Thủ đô” nay tình trạng ô nhiễm đã rất cao. Nước bốc mùi hôi thối khiến người dân, du khách không thể “thở nổi” khi đi ngang qua đây.
- Nguyễn Thế Chinh (2005), “Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường”, Báo cáo tại Hội nghị môi trường toàn quốc năm 2005, tr.17.
Trả lời