• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Môi trường » Giảng dạy học phần Luật Môi trường bằng phương pháp tình huống đáp ứng chuẩn đầu ra, qua thực tiễn tại trường Đại học Luật, Đại học Huế

Giảng dạy học phần Luật Môi trường bằng phương pháp tình huống đáp ứng chuẩn đầu ra, qua thực tiễn tại trường Đại học Luật, Đại học Huế

29/12/2020 20/12/2020 ThS. Phan Vĩnh Tuấn Anh Leave a Comment

Mục lục

  • Tóm tắt:
  • 1. Phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong học phần Luật Môi trường đáp ứng chuẩn đầu ra
  • 2. Thực tiễn áp dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế
    • 2.1. Mô hình giảng dạy thông qua tình huống
    • 2.2. Lợi ích của phương pháp giảng dạy qua tình huống
    • 2.3. Một số hạn chế, bất cập
  • 3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng phương pháp tình huống trong giáo dục Đại học
  • 4. Kết luận
  • DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giảng dạy học phần Luật Môi trường bằng phương pháp tình huống đáp ứng chuẩn đầu ra, qua thực tiễn tại trường Đại học Luật, Đại học Huế

Tóm tắt:

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mang đến những biến chuyển mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của con người. Tuy vậy, cơ chế thị trường cạnh tranh mạnh mẽ buộc người lao động thay vì chỉ cần đáp ứng yêu cầu về trình độ, kiến thức đơn thuần mà buộc họ phải sở hữu những hiểu biết nền tảng về kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp. Đây không chỉ là thách thức đối với người lao động mà là vấn đề chung mà các cơ sở đào tạo Đại học. Với phương châm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đang nghiên cứu việc đưa phương thức dạy học bằng tình huống vào thực tiễn. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu thực tiễn áp dụng tình huống vào giảng dạy học phần Luật Môi trường, từ đó đưa ra những đề xuất giúp mô hình này phát huy tính hiệu quả, đáp ứng chuẩn đầu ra.

Xem thêm:

  • Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với các môn chuyên ngành luật – kinh nghiệm áp dụng cho môn Luật Quốc tế – TS. Trần Thăng Long
  • Thực trạng và ý nghĩa của việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở Việt Nam – TS. Bùi Xuân Hải
  • Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật – TS. Phan Nhật Thanh
  • Sử dụng bản án trong giảng dạy pháp luật phần lý thuyết – Kinh nghiệm qua một trường hợp ở Anh – TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
  • Sử dụng bản án của Tòa án trong giảng dạy thảo luận – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Việc sử dụng và định hướng xây dựng casebook trong giảng dạy luật – TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
  • Phương pháp học tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành pháp lý cho sinh viên Đại học Luật TP.HCM – ThS. Lê Hà Huy Phát & ThS. Võ Thị Cẩm Giang

1. Phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong học phần Luật Môi trường đáp ứng chuẩn đầu ra

Phương pháp giảng dạy bằng tình huống (Case-based teaching method) mang bản chất là tiến hành việc giảng dạy bằng cách sử dụng các tình huống điển hình, được Trường Đại học Stanford áp dụng vào năm 1994′, trong đó người học được đặt vào vị trí của chủ thể trong tình huống để tự đưa ra cách thức giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, bảo vệ cho quyền lợi của chính mình. Phương thức này trong xã hội hiện tại đã dần chứng minh được tính hiệu quả của nó, đặc biệt phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chi, lấy người học làm trung tâm, còn người giảng dạy đóng vai trò là người gợi mở vấn đề. Xuất phát từ ưu điểm này, phương thức giảng dạy bằng tình huống được biết đến là một công cụ hữu hiệu, được các cơ sở đào tạo Đại học lớn cả ở trong và ngoài nước áp dụng nhằm thay thế phương thức giảng dạy thụ động truyền thống. Với phương pháp nghiên cứu tình huống, học tập bằng tình huống, điểm hạn chế lớn nhất của phương thức giảng dạy “đọc – chép” hay “nghe – chép” truyền thống là tính chủ động của đối tượng thu nhận kiến thức – người học được cải thiện đáng kể. Giảng dạy bằng tình huống trong các cơ sở đào tạo nhân lực chuyên ngành pháp lý thể hiện sự phù hợp đặc biệt. Pháp luật được sinh ra, trở thành công cụ quan trọng trong việc vận hành, tổ chức, quản lý nhà nước và xã hội theo một trật tự, định hướng trong khuôn mẫu thống nhất được thừa nhận trở thành quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung đối với tất cả công dân trong xã hội. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế – xã hội, các quan hệ xã hội cũng biến chuyển theo hướng ngày càng phức tạp hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cơ bản phải thường xuyên thay đổi, cập nhật hệ thống pháp lý để đảm bảo cơ chế vận hành, quản lý xã hội đáp ứng xu hướng thời đại và mang tính hiệu quả. Xu hướng này đặt ra không ít những thách thức đối với người học trong việc nắm bắt, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó vận dụng kiến thức lý luận nền tảng để giải quyết vấn đề phát sinh. Mỗi ngành luật trong hệ thống pháp luật lại hướng đến điều chỉnh một hoặc một số các quan hệ xã hội đặc trưng với các phương pháp vận hành khác nhau. Phương pháp học tập thông qua tình huống điển hình sẽ giúp sinh viên trang bị được kỹ năng làm việc chủ động, sáng tạo để tìm kiếm, lập luận, áp dụng các quy phạm pháp luật vào thực tiễn giải quyết tình huống. Bên cạnh đó, khi tham gia với vai trò là chủ thể trực tiếp trong tình huống, kỹ năng tư duy, lập luận nhạy bén của sinh viên cũng có cơ hội được tiếp cận, rèn giũa một cách tự nhiên và hiệu quả.

Đào tạo đại học, xét cho cùng là cung cấp nguồn nhân lực thể hiện rõ sự thích nghi, phù hợp với những yêu cầu của xã hội đặt ra. Với mục tiêu hướng đến chính là việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực pháp lý cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã ban hành các mục tiêu chuẩn đầu ra với 3 nội dung căn bản gồm yêu cầu về kiến thức và năng lực chuyên môn; yêu cầu về kỹ năng và yêu cầu về phẩm chất đạo đức, làm căn cứ để xây dựng khung chương trình đào tạo, mô hình giảng dạy phù hợp. Cụ thể, sinh viên ngành Luật sau quá trình đào tạo phải tiếp cận được những tri thức khoa học cơ bản và hiện đại về nhà nước và pháp luật, có khả năng thông hiểu, vận dụng các kiến thức cơ sở, các nhóm ngành liên quan để giải quyết các vấn đề thực tế từ đó mà bước đầu làm quen với công việc tương lai để tự định hướng và thích nghi với môi trường làm việc. Quá trình đào tạo, sinh viên ngành Luật phải được trang bị các kỹ năng cứng như kỹ năng tra cứu pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để vận dụng vào thực tiễn; kỹ năng tư duy, phản biện và trình bày quan điểm cá nhân. Thông qua quá trình giải quyết vấn đề thực tiễn, sinh viên phải được rèn luyện khả năng cảm nhận công lý, chịu trách nhiệm cá nhân trong thực tiễn hành nghề. Để thực hiện được các kỹ năng cứng, các kỹ năng bổ trợ bắt buộc phải được hình thành và sử dụng linh hoạt như kỹ năng nghiên cứu, tra cứu văn bản, tra cứu thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ trong quá trình làm việc… Ngoài ra, bên cạnh các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, sinh viên ngành Luật phải được rèn luyện tinh thần vượt khó, cầu thị, ham học hỏi, có thái độ, cách thức ứng xử đúng mực trong công việc, chủ động sáng tạo, đưa ra quan điểm cá nhân. Đối với đặc thù nghề Luật, sinh viên ngành Luật cần rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức của một Luật gia, có ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật… Đối với sinh viên ngành Luật Kinh tế, bên cạnh những yêu cầu chung về kiến thức, chuyên môn; yêu cầu về kỹ năng và thái độ đối với sinh viên ngành Luật, các sinh viên khối ngành này sau khi đào tạo ra trường phải có những hiểu biết chính xác về mặt lý luận và thực tiễn liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận dụng được các kiến thức pháp lý được trang bị vào giải quyết các vấn đề nền tảng trên thực tế liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại. Lĩnh vực kinh doanh thương mại có thể nói là yếu tố then chốt, tác động trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể kinh doanh với giá trị lớn, vì vậy đòi hỏi sinh viên theo học chuyên ngành này phải có được kỹ năng cứng cơ bản trong việc nhìn nhận chính xác vấn đề pháp lý, tra cứu văn bản áp dụng phù hợp, đồng thời phải có khả năng nhận diện, đánh giá mối liên hệ giữa sự kiện, tình huống phát sinh trong hoạt động kinh doanh với các quy phạm pháp luật để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Ngoài ra, sinh viên ngành Luật Kinh tế phải được trang bị các kỹ năng cơ bản về quản trị, thành lập doanh nghiệp, bước đầu có khả năng tư vấn pháp luật kinh doanh độc lập, có kỹ năng đàm phán, giao kết, tổ chức thực hiện hợp đồng kinh doanh – thương mại… Để thực hiện được các yêu cầu này, sinh viên cần được trang bị các kỹ năng mềm phù hợp, buộc thuần thục, sử dụng linh hoạt các kỹ năng hành nghề luật, kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ để đảm bảo hiệu quả trong xử lý số liệu từ vụ việc thực tế, tiếp cận chính xác với nội dung trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Sinh viên ngành Luật Kinh tế phải có ý thức cầu thị, luôn học hỏi, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo trong công việc đồng thời có ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của khách hàng.

Học phần Luật Môi trường được đưa vào giảng dạy là học phần bắt buộc đối với sinh viên ngành Luật và ngành Luật Kinh tế. Trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu chuẩn đầu ra, học phần này được xây dựng nhằm trang bị các kiến thức pháp lý cơ bản về môi trường và bảo vệ môi trường, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường; quan hệ quốc tế về bảo vệ môi trường. Thông qua học phần, rèn luyện và phát triển khả năng tư duy sáng tạo, độc lập cho sinh viên trong việc tiếp thu, nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về Luật Môi trường, giúp cho sinh viên tiếp cận và ứng dụng được các kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến bảo vệ môi trường bằng pháp luật (kỹ năng xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp môi trường; kỹ năng tư vấn và phản biện chính sách môi trường…). Sinh viên có thái độ tôn trọng pháp luật bảo vệ môi trường, có nhận thức đúng đắn trong việc thực hiện hành vi bảo vệ môi trường, đồng thời lên án các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái, cũng như gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với tốc độ phát triển của xã hội, tính chất các mối quan hệ xã hội cũng có những biến đổi theo chiều hướng phức tạp hơn. Môi trường sống của nhân loại trước những thách thức từ quá trình phát triển kinh tế – xã hội luôn nằm trong bối cảnh đáng báo động. Chính vì vậy, việc cung cấp các nền tảng lý luận và thực tiễn về các chế định pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vốn dĩ đóng vai trò là yếu tố cơ bản chi phối, tác động đến sự sống, phát triển của con người và sinh vật trong thời lượng hạn chế dành cho học phần (30 tiết) là không đủ. Mô hình giảng dạy “đọc – chép” khi áp dụng vào giảng dạy học phần Luật Môi trường, đối chiếu với yêu cầu chuẩn đầu ra là hoàn toàn không đáp ứng được. Cụ thể, xét về yêu cầu kiến thức, áp dụng mô hình giảng dạy thụ động, một chiều từ giảng viên lên nhận thức, tư duy người học sẽ không đảm bảo đủ thời lượng để trao đổi các vấn đề pháp lý về bảo vệ môi trường. Xuất phát từ sự thiếu hụt trong hàm lượng kiến thức trao đổi mà việc cung cấp một cái nhìn tổng thể về thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường cũng không đảm bảo. Đối với các kỹ năng cứng và kỹ năng bổ trợ, phương thức giảng dạy truyền thống có thể được xem là cách thức làm triệt tiêu các yếu tố tư duy, sáng tạo độc lập của từng sinh viên. Sinh viên quen với cách thức đào tạo theo mô hình “dọn sẵn”, chỉ “nghe” “chép” lại toàn bộ những ý kiến đôi khi mang quan điểm cá nhân người giảng dạy mà hầu như không diễn ra hoạt động tư duy, sẵn sàng phản biện, trao đổi ý kiến. Môi trường rõ ràng là vấn đề mang tính toàn cầu vì vậy việc đề xuất, đưa ra các mô hình, các giải pháp hữu ích phù hợp với thực tiễn luôn cần được đánh giá cao. Phương thức giảng dạy truyền thống khiến cho những kỹ năng quan trọng như kỹ năng tìm hiểu, phân tích vấn đề, kỹ năng tư duy độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày quan điểm cá nhân,… không có môi trường được rèn luyện và đương nhiên không đảm bảo tính hiệu quả. Từ sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng thu nhận được khiến cho không ít sinh viên xem việc lên lớp như là “nghĩa vụ”, với mục đích chỉ để điểm danh. Sinh viên xem nhẹ việc học tập, có tâm lý chủ quan, dửng dưng với việc học tập khiến cho việc tiếp xúc với thực tiễn nghề nghiệp sau này gặp rất nhiều bỡ ngỡ do đã quen việc được giảng viên “soạn sẵn” cho và chỉ việc học thuộc. Phương pháp giảng dạy truyền thống trong thực tế hiện nay, khi sử dụng để giảng dạy học phần Luật Môi trường đã thể hiện rõ tính bất cập khi xa rời hoàn toàn các yêu cầu trong chuẩn đầu ra ban hành, buộc phải được thay thế bằng phương pháp tiên tiến hơn mà việc giảng dạy thông qua tình huống đề cao vai trò chủ động của người học là một phương pháp tiêu biểu cần quan tâm nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn.

Giảng dạy học phần Luật Môi trường bằng phương pháp tình huống đáp ứng chuẩn đầu ra, qua thực tiễn tại trường Đại học Luật, Đại học Huế

2. Thực tiễn áp dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Trường Đại học Luật, Đại học Huế từ lâu đã xem chất lượng nguồn nhân lực là nền tảng cốt lõi tư duy đào tạo của nhà trường. Với mục tiêu này, phương pháp giảng dạy bằng tình huống điển hình đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, không riêng gì trong học phần Luật Môi trường mà các học phần trước đó như Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Dân sự… đã tiến hành giảng dạy thử nghiệm thông qua phương pháp giảng dạy thông qua tình huống điển hình đáp ứng yêu cầu của chuẩn đầu ra. Mô hình này được triển khai cụ thể như sau:

2.1. Mô hình giảng dạy thông qua tình huống

Thứ nhất: Về nguồn của tình huống

Việc sử dụng bộ tình huống vào quá trình giảng dạy học phần Luật Môi trường để đảm bảo tính hiệu quả, việc lựa chọn các tình huống cần có tính cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua tình huống sinh viên có cơ hội thực hành việc giải quyết dựa trên các nền tảng lý luận đã được trang bị. Nhằm cung cấp cho sinh viên yếu tố “chân thực” nhất, giúp sinh viên có cái nhìn tổng thể đối với các vấn đề pháp lý có khả năng này sinh cao trên thực tế, các tình huống ưu tiên sử dụng chất liệu thực tế từ đời sống, là bản án, quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua cách thức này, sinh viên tự rèn luyện khả năng tư duy độc lập, làm việc nhóm, vận dụng các kiến thức lý luận đã được trang bị để giải quyết vấn đề. Trên cơ sở này, đối chiếu, so sánh với cách thức giải quyết của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tự rút ra kinh nghiệm giải quyết thực tiễn cho bản thân. Tuy vậy, các bản án về môi trường tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại nếu có chi mang bản chất là giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường (được giải quyết như bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong quan hệ pháp luật dân sự), các quyết định đa phần là quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không phản ánh hết được bản chất kinh tế của quan hệ này. Vì vậy, tiến hành lồng ghép thêm các tình huống giả định có chọn lọc để sinh viên tiếp cận mô hình học tập bằng tình huống hiệu quả, bao quát hơn.

Thứ hai: Về cấp độ tình huống

Các tình huống được bố cục theo các nội dung cơ bản như kiểm soát ô nhiễm môi trường, đánh giá môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tranh chấp môi trường theo các cấp độ vận dụng từ thấp đến cao. Để đảm bảo hiệu quả giảng dạy bằng tình huống, hạn chế tình trạng tình huống yêu cầu tính vận dụng, tư duy logic quá sâu không phù hợp với toàn bộ sinh viên, gây ra tình trạng chán nản trong học tập, các tình huống được bố trí theo hướng vận dụng từ thấp đến cao. Ở cấp độ đơn giản, sinh viên có thể thông qua tình huống để áp dụng quy phạm pháp luật phù hợp để giải quyết, trong khi đó ở mức độ cao hơn, đòi hỏi sinh viên phải trải qua quá trình cân nhắc, lựa chọn quy phạm phù hợp để giải quyết, điển hình tách biệt được các yêu cầu trong giải quyết tranh chấp môi trường gồm thiệt hại về giá trị môi trường và thiệt hại về quyền lợi của người dân. Việc lựa chọn quy phạm buộc phải diễn ra chính xác, làm căn cứ xác định chủ thể được trao quyền trong khởi kiện, giải quyết tranh chấp môi trường.

Thứ ba: Mục đích của bộ tình huống

Tập trung giải quyết các hạn chế cơ bản của phương pháp giảng dạy truyền thống, phương pháp giảng dạy bằng tình huống, đồng thời hướng đến việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên và tạo môi trường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Như đã trình bày ở phần đầu, phương pháp giảng dạy bằng tình huống đề cao vai trò của người học. Chuyển từ vai trò của giảng viên, sinh viên là chủ thể trung tâm của hoạt động học tập, tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp thu kiến thức. Thông qua các tình huống được giảng viên đưa ra, sinh viên trải qua quá trình tư duy độc lập, hoạt động nhóm để xác định vấn đề pháp lý cần điều chinh từ đó mà giải quyết vấn đề trên thực tiễn. Quá trình này giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận hơn với các quy định pháp luật trong bảo vệ môi trường, từ đó mà việc ghi nhớ kiến thức cũng dễ dàng, hiệu quả hơn so với cách thức ghi nhớ để phục vụ kỳ thi kết thúc học phần vốn đã quen thuộc. Tham gia vào mô hình học tập này, sinh viên không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ đầu đến cuối của giảng viên mà phải tự vận động để lĩnh hội vấn đề. Đây là nền tảng quan trọng để sinh viên dần rèn luyện được các khả năng nền tảng của nghề luật như kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng lập luận, trình bày quan điểm cá nhân và rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.

2.2. Lợi ích của phương pháp giảng dạy qua tình huống

Mô hình giảng dạy thông qua phương pháp tình huống bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan đáng khích lệ. Những yếu tố tích cực được ghi nhận ở cả người học – sinh viên và người giảng dạy – giảng viên

Thứ nhất, đối với sinh viên

Phương pháp giảng dạy bằng tình huống điển hình đã cải thiện đáng kể tình trạng nhàm chán, mỏi mệt thường bắt gặp ở sinh viên với phương pháp giảng dạy truyền thống. Với việc phân chia lớp học thành các nhóm thảo luận, sau phần kiến thức lý luận liên quan đến đối tượng pháp lý cần điều chỉnh, giảng viên cung cấp cho sinh viên tình huống pháp lý để sinh viên tự mình vận dụng các kiến thức lý luận được trang bị để giải quyết hiệu quả tình huống. Với số lượng từ 8 – 10 sinh viên/nhóm kích thích tốt hơn tính tư duy, sáng tạo, vận dụng các kiến thức nền tảng đã được trang bị về hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng, giúp sinh viên “thoát” khỏi tình thế lên lớp ngồi nghe giảng một cách bị động, không phản biện, không bày tỏ quan điểm cá nhân và kết thúc buổi lên lớp là các kiến thức được ghi nhớ mơ hồ, không rõ nét và dễ dàng lãng quên.

Cùng một tình huống đưa ra tuy nhiên mỗi sinh viên lại có thể lựa chọn một hướng đi riêng biệt trong việc áp dụng kiến thức vào giải quyết tình huống. Đây chính là nền tảng cho việc phát triển khả năng tư duy phản biện cho sinh viên, yếu tố nền tảng cần trang bị cho sinh viên ngành Luật. Mỗi quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề mang lại một góc nhìn tiếp cận mới mẻ về vấn đề, giúp việc khai thác tình huống triệt để và trở nên hiệu quả hơn. Với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, một quan điểm cá nhân đưa ra không nên đặt nặng tính đúng, sai mà quan trọng hơn là việc tận dụng hiệu quả, giúp sinh viên học hỏi từ chính những quan điểm đó. Các quan điểm cá nhân sinh viên được đưa ra giúp cho kỹ năng phản biện, tư duy, lý luận của sinh viên được trang bị, rèn luyện hiệu quả, đồng thời giúp không khí lớp học trở nên năng động và hiệu quả hơn. Thực tiễn áp dụng mô hình này vào giảng dạy cho thấy, sinh viên được tạo cơ hội “nói” lên các quan điểm của riêng mình nên tự tin, mạnh dạn hơn trong việc xung phong phát biểu, trình bày, thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình, đồng thời phân tích, phản biện ngược lại quan điểm của các sinh viên khác giúp cho việc khai thác, phân tích vấn đề hiệu quả nhất.

Quá trình áp dụng phương pháp giảng dạy tình huống vào thực tiễn cho thấy sự thành công trong việc tạo môi trường phát triển, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Trước đây, với phương thức giáo dục truyền thống, kỹ năng “đọc”, tự tìm hiểu vấn đề trước khi đến lớp dường như không khả thi và thực tế cũng không hề thu hút sinh viên thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, thông qua các tình huống được cung cấp, để chuẩn bị tốt nhất cho các quan điểm của bản thân sinh viên, của nhóm thảo luận đối với vấn đề pháp lý trong tình huống đưa ra trong thời gian hạn hẹp trên lớp, đồng thời sẵn sàng đưa ra những quan điểm đối lập, bác bỏ quan điểm của các nhóm thảo luận khác, sinh viên đã dần dần có thói quen nghiên cứu, chuẩn bị trước các vấn đề trước khi đến lớp. Thông qua việc tiếp cận nhiều hơn với các tình huống mang bản chất là các bản án, quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước, các sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất, năm hai có cơ hội trải nghiệm thực tế với đặc thù nghề nghiệp tương lai. Qua cách thức này, sinh viên dần dần có kỹ năng đọc và phân tích các bản án, quyết định thực tế để nắm bắt các vấn đề sao cho hiệu quả nhất. Thực tiễn cho thấy, giải quyết vấn đề thực tiễn hiệu quả không đồng nghĩa đọc từng câu, từng chữ nội dung của vấn đề mà quan trọng là phát hiện mấu chốt vấn đề cần giải quyết. Giảng viên thông qua tình huống, ấn định thời gian tiếp cận, buộc sinh viên tóm tắt ngắn gọn có bao nhiêu vấn đề pháp lý cần giải quyết và cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề. Cách thức này buộc sinh viên quen với áp lực làm việc trong thời gian ngắn, giúp cho tính “nhanh nhạy” trong phát hiện vấn đề, tính tích cực trong suy nghĩ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, trên cơ sở đưa ra quan điểm về tính hợp lý/ bất hợp lý của cách thức giải quyết vấn đề, sinh viên tự rèn luyện được khả năng trình bày, lập luận cũng như kỹ năng kết thúc vấn đề, yếu tố cuối cùng quyết định đến cách thức áp dụng pháp luật vào đời sống thực tiễn.

Thứ hai, đối với giảng viên

Với phương thức giảng dạy truyền thống, sinh viên luôn ở thế bị động, luôn trong tâm thế là người nghe, người ghi chép và tiếp thu toàn bộ các quan điểm của giảng viên đưa ra đôi khi lại không thực sự hiệu quả. Hệ thống nền tảng lý luận trong góc độ pháp lý rất rộng lớn, kể cả trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách giảng dạy, giảng viên cũng không thể chắc chắn việc nắm bắt toàn bộ các kiến thức. Điều này lại càng có căn cứ trong học phần Luật Môi trường vốn dĩ có phạm vi điều chỉnh rất rộng, mặc dù có tính độc lập nhưng cơ chế độc lập lại tương đối khi để thực hiện mục đích chính của ngành Luật này là bảo vệ môi trường cần đến sự hỗ trợ của các ngành luật khác vào quá trình thực thi. Với phương pháp giảng dạy bằng tình huống, giảng viên cụ thể hóa vai trò là người định hướng, người dẫn dắt, gợi mở vấn đề, phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Trên cơ sở các định hướng chung, sinh viên sẽ tự tiếp cận, làm rõ và đưa ra định hướng giải quyết vấn đề. Tính đa dạng hóa trong cách thức tiếp cận, nhìn nhận vấn đề của sinh viên dẫn đến các cách thức giải quyết vấn đề khác nhau giúp giảng viên hoàn thiện hơn góc độ tiếp cận của mình. Nói cách khác, phương thức này đòi hỏi ở giảng viên phải luôn thường xuyên tiếp cận, trau dồi, nâng cao trình độ, chuyên môn để có hướng tiếp cận phong phú, đa diện hơn. Một khi việc tiếp cận vấn đề được rộng mở sẽ dễ dàng cân nhắc trong việc chọn lựa phương thức giải quyết cho vấn đề, đặt các vấn đề trong mối tương quan đối sánh lẫn nhau sẽ dễ dàng hơn trong việc làm nổi bật góc độ tiếp cận. Từ đó, dễ dàng hơn trong việc đánh giá tính hợp lý của các quan điểm, trên cơ sở đó, chọn lựa phương thức tối ưu nhất vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa mang tính linh hoạt, hiệu quả trên thực tế.

2.3. Một số hạn chế, bất cập

Với những yếu tố tác động tích cực, không quá khó hiểu khi phương thức giảng dạy bằng tình huống đang được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và áp dụng vào hoạt động giảng dạy trên thực tiễn tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Tuy vậy, phương thức này trên thực tiễn áp dụng vẫn còn bộc lộ một số các hạn chế, vướng mắc có thể tiếp cận thông qua các vấn đề sau:

Thứ nhất, số lượng sinh viên tham gia vào mô hình giảng dạy bằng tình huống chưa có sự đồng đều

Mặc dù ghi nhận tính tích cực của sinh viên tham gia vào hoạt động học tập bằng tình huống, tuy nhiên điều này không báo quát toàn bộ sinh viên trong lớp học. Với bản chất là giai đoạn thử nghiệm, thay thế dần phương thức giảng dạy truyền thống, phương pháp này có thể xem là khá mới mẻ đối với cả giảng viên và sinh viên. Xét dưới góc độ sinh viên, vốn dĩ đã quá quen với phương thức học tập bị động theo phương thức cũ nên đòi hỏi sinh viên phải thay đổi, chuyển hoàn toàn sang thế chủ động nắm bắt mọi vấn đề, đưa ra, trình bày, phân tích, làm sáng tỏ, thậm chí phản biện lại các quan điểm khác là yêu cầu khá đột ngột. Phương thức giảng dạy thụ động vô hình chung đã làm triệt tiêu khả năng tư duy, sáng tạo, thể hiện quan điểm của sinh viên, từ đó cũng hạn chế đáng kể các kỹ năng phản biện, kỹ năng trình bày, lập luận cho quan điểm của mình trước đám đông khiến không ít các sinh viên “sợ” khi tham gia vào phương thức này, luôn có tâm trạng lo lắng khi giảng viên mời trình bày quan điểm, hướng giải quyết vấn đề sẽ không giải quyết được, ở một góc độ nhất định sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp cận kiến thức, khiến hiệu quả giảng dạy không đạt được như mong muốn của giảng viên.

Ở một góc độ khác, nhiều sinh viên còn tâm lý ỷ lại, phụ thuộc quá nhiều vào các thành viên “chủ chốt” trong các nhóm thuyết trình, mọi công việc từ lên ý tưởng, tiếp cận vấn đề, tư duy lý luận, kết luận vấn đề hầu như không tham gia mà phó thác cho các sinh viên chủ động trong nhóm. Kết quả là, với phương thức mới các sinh viên vốn dĩ luôn tích cực chủ động trong hoạt động thảo luận mới thực sự phản ánh rõ nét nhất của phương thức học tập bằng tình huống, còn các sinh viên thiếu mục đích học tập mặc dù đang ở trong phương thức đào tạo mới nhưng bản chất, tư duy vẫn là phương thức truyền thống, bị động trong học tập, “trông chờ” các kiến thức, quan điểm trao đổi từ phía giảng viên và các sinh viên khác thay vì tư duy, sáng tạo và thiết lập quan điểm cho riêng mình.

Thứ hai, giảng dạy bằng tình huống chưa thực sự rõ nét

Như đã trình bày ở trên, bản chất việc giảng dạy tình huống là việc đưa ra các tình huống phát sinh từ thực tiễn đời sống cho sinh viên, buộc sinh viên muốn giải quyết hiệu quả vấn đề pháp lý phát sinh phải tự đặt mình vào trong tình huống được đưa ra. Với phương thức này, giảng viên chỉ dừng ở giai đoạn định hướng vấn đề, việc khai thác, đưa ra hướng giải quyết vấn đề thuộc về sinh viên. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng cho thấy với thời gian trên lớp hạn chế cùng với việc thích nghi với phương pháp giảng dạy bằng tình huống còn khá chậm khiến trong một số trường hợp buổi học đã kết thúc nhưng sinh viên vẫn chưa tự giải quyết được vấn đề. Về lâu dài, xu hướng này khiến cho việc tiếp cận vấn đề lý luận và thực tiễn không mang tính liền mạch, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo. Chưa kể đến trường hợp một tình huống đưa ra, sinh viên mất thời gian quá lâu để giải quyết sẽ khiến cho việc kiểm soát thời lượng các nội dung lý luận bị ảnh hưởng, tệ hơn có thể xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, tiếp cận kỹ về các vấn đề ở đầu chương trình và sơ lược, để sinh viên tự tìm hiểu toàn bộ các nội dung cuối chương trình do không đủ thời gian. Để giải quyết vấn đề này, đôi khi để tiết kiệm thời gian, giảng viên sẽ tiếp tục gợi mở cho sinh viên cho đến khi sinh viên tự giải quyết được vấn đề. Trong một số trường hợp, cách thức này lại đi vào lối truyền thống với phương thức truyền đạt bị động khi giảng viên tự giải quyết vấn đề từ đầu đến cuối. Tựu chung lại, vấn đề này xảy ra do cơ chế thích nghi với phương thích giảng dạy bằng tình huống chưa đảm bảo đối với sinh viên và sự thiếu kinh nghiệm thực tế trong sử dụng phương pháp tình huống vào giảng dạy thực tiễn khiến đôi khi giảng viên gặp khó khăn trong kiểm soát “nhịp độ” của buổi dạy. Đối với các sinh viên không có mục đích học tập, giảng dạy bằng tình huống có thể là “cơ hội tốt” cho việc nghỉ ngơi, giải lao hoặc làm các công việc cá nhân, sự tập trung của nhóm sinh viên này chỉ quay trở lại khi có sự nhắc nhở từ giảng viên hoặc khi có quan điểm được đưa ra bởi các sinh viên khác và muốn ghi chép lại.

Thứ ba, giảng dạy bằng tình huống có thể gây nên sự hoài nghi về năng lực của cơ quan nhà nước

Các tình huống được lựa chọn đưa vào giảng dạy là các tình huống điển hình thay vì lựa chọn tràn lan. Yếu tố thực tiễn của tình huống được ưu tiên lựa chọn giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với các văn bản đặc thù trong lĩnh vực pháp lý, tạo tính thực tế trong quá trình tiếp cận so với các tình huống giả định. Các tình huống trong học phần Luật Môi trường cũng ưu tiên sử dụng nội dung các bản án, quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho sinh viên tự giải quyết bằng quan điểm của mình, sau đó đối chiếu với cách thức giải quyết vấn đề của các văn bản có hiệu lực pháp lý được ban hành để xem xét tính đúng, sai của vấn đề. Ở góc độ tích cực, sinh viên trước nhất sẽ rèn luyện được kỹ năng tư duy độc lập để làm sáng tỏ vấn đề, sau đó dựa trên nội dung bản án, quyết định có hiệu lực đã ban hành để đối chiếu tính hợp lý/ bất hợp lý trong quan điểm giải quyết của bản thân, kết quả là học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân khá hiệu quả. Tuy vậy, nhìn nhận ở góc độ ngược lại, một số bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền “có vấn đề”, có xảy ra sai trái trong các văn bản đó được ban hành, gây ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Xu hướng này có khả năng dễ dẫn đến hệ quả là sự hoài nghi của sinh viên đối với hệ thống pháp luật cũng như năng lực của các cán bộ trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành ra các bản án, quyết định có vấn đề, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành pháp lý đang đào tạo.

3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng phương pháp tình huống trong giáo dục Đại học

Với các tiếp cận đã làm sáng tỏ cho thấy phương pháp giảng dạy bằng tình huống đang chứng minh tính phù hợp là phương pháp thay thế phương thức đào tạo truyền thống, coi người học là trung tâm của hoạt động giảng dạy và tiếp nhận tri thức trên cơ sở định hướng, dẫn dắt của người giảng dạy. Trong tương lai, mô hình này cần được tiếp tục phát triển trên cơ sở giải quyết các vấn đề cốt lõi còn tồn tại như sau:

Thứ nhất, đối với giảng viên

Trong quá trình đưa nội dung các tình huống vào quá trình giảng dạy, giảng viên cần hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng phương thức giảng dạy bằng tình huống điển hình đối với học phần Luật Môi trường, trên cơ sở này khoanh vùng nội dung những kiến thức trọng tâm muốn truyền dạy đến sinh viên trong từng buổi học để có sự lựa chọn nội dung tình huống hợp lý. Với hoạt động này, giảng viên sẽ đảm bảo được tính hiệu quả bước đầu của giảng dạy bằng tình huống khi lựa chọn chính xác vấn đề pháp lý cần giải quyết, giúp sinh viên nắm được các vấn đề trọng tâm, tránh lan man, dàn trải, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, giúp sinh viên cũng dễ dàng hơn trong việc khoanh vùng trọng tâm về đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp lý để lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp cũng dễ dàng hơn, đảm bảo hiệu quả giải quyết vấn đề.

Giảng viên cần thực hiện tốt vai trò gợi mở các vấn đề, định hướng giải quyết vấn đề từ tình huống cho sinh viên, giúp hoạt động học tập của sinh viên từ tình ống có sự thu hẹp về phạm vi và tác động trực tiếp vào vấn đề, tránh lan man để tiết kiệm thời gian hạn hẹp trên giảng đường. Giảng viên cần giải thích chi tiết về tình huống cũng như làm rõ vai trò của sinh viên khi tham gia vào giải quyết tình huống. Tuy nhiên, cần lưu ý đến vai trò định hướng giải quyết vấn đề của giảng viên, kể cả hoạt động giải thích chi tiết tình huống cũng chỉ nhằm mục đích định hướng, thu gọn phạm vi nghiên cứu các văn bản pháp luật cho sinh viên khi xác định đúng vấn đề, giúp tiết kiệm thời gian cho việc đưa ra các quan điểm và lập luận cá nhân để làm rõ vấn đề thay vì làm thay cho sinh viên. Ngoài ra, để giúp việc giảng dạy bằng tình huống hiệu quả hơn, giảng viên cần tự trau dồi kinh nghiệm khi thực hiện phương pháp này để giải quyết, kiểm soát tốt hoạt động giảng dạy, đảm bảo hiệu quả truyền đạt.

Thứ hai, đối với sinh viên

Điểm mấu chốt tạo nên sự thành công cho phương thức giảng dạy bằng tình huống là sự nỗ lực của bản thân sinh viên. Bởi lẽ, cho dù giảng dạy bằng tình huống hay giảng dạy theo phương thức truyền thống qua thực tiễn cho thấy, sinh viên mới chính là chủ thể quyết định đến hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả đóng vai trò tạo lập nền tảng, môi trường, cơ hội cho sinh viên tham gia, thử thách và rèn luyện chính mình về kiến thức, kỹ năng chứ không thể quyết định được hàm lượng kiến thức, số lượng, chất lượng kỹ năng sinh viên nắm giữ mà phụ thuộc hoàn toàn vào sinh viên. Sinh viên cần tự nhận thức rõ về mục đích học tập của mình, tạo động lực cho việc thực hiện các hoạt động của giảng dạy bằng tình huống như đọc trước tình huống, phân tích, làm sáng tỏ vấn đề; tư duy, lý luận độc lập; phản biện quan điểm và kết thúc vấn đề. Để thực hiện được mục đích học tập đặt ra, sinh viên nhất thiết phải loại bỏ tư duy hưởng thụ, ỷ lại, tư duy hưởng thụ thành quả lao động của sinh viên khác, mà thay vào đó là quan điểm, suy nghĩ của cá nhân. Cho dù là quan điểm đúng hay sai cũng là thành quả lao động đáng được ghi nhận, trường hợp chưa chính xác, bản thân sinh viên cũng đã thành công trong việc học hỏi kinh nghiệm từ những lỗi sai đó để hoàn thiên tốt hơn. Có được nhận thức đúng đắn, sinh viên sẽ trở nên chủ động, tích cực trong các buổi học, tham gia hợp tác có hiệu quả với giảng viên trong hoạt động giảng dạy.

4. Kết luận

Không phải bàn luận nhiều về tính hiệu quả của việc giảng dạy bằng phương thức truyền thống khi không phải nói quá về việc xem đây là bước ngoặt đáng ghi nhận trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tiễn áp dụng phương pháp này vào việc giảng dạy học phần Luật Môi trường tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế giúp nhìn nhận những ưu điểm và cả những hạn chế của việc giảng dạy bằng tình huống trên thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp cơ bản đối với cả giảng viên và sinh viên trong hoạt động giảng dạy, giúp phát huy tối đa tính hiệu quả mà phương thức này mang lại./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 206/QĐ-ĐHL-ĐT ban hành ngày 29/5/2017 về việc điều chinh và ban hành chuẩn đầu ra đào tạo trình độ đại học ngành Luật.
  2. Quyết định số 207/QĐ-ĐHL-ĐT ban hành ngày 29/5/2017 về việc điều chinh và ban hành chuẩn đầu ra đào tạo trình độ đại học ngành Luật Kinh tế.
  3. Stanford University Newsletter On Teaching, Speaking Of Teaching, http://81.47.175.201/ersilia/kaau/wp-content/uploads/2016/02/Teaching_case_studies.pdf
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Học tập học phần Luật Môi trường, Nxb Công an nhân dân./.

Phan Vĩnh Tuấn Anh – ThS. Giảng Viên Đại học Luật, Đại học Huế.

Share by Fanpage Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Việc sử dụng và định hướng xây dựng casebook trong giảng dạy luật
Sử dụng và định hướng xây dựng Casebook trong giảng dạy luật
Áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong giảng dạy kiến thức và kỹ năng pháp lý cho sinh viên luật
Áp dụng mô hình “Phiên tòa giả định” trong giảng dạy luật
Sử dụng bản án trong giảng dạy pháp luật phần lý thuyết – Kinh nghiệm qua một trường hợp ở Anh
Sử dụng bản án trong giảng dạy pháp luật phần lý thuyết – Kinh nghiệm qua một trường hợp ở Anh
Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật:
Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Ý nghĩa của việc nghiên cứu bản án, quyết định của Tòa án
Sử dụng bản án của Tòa án trong giảng dạy thảo luận
Sử dụng bản án của Tòa án trong giảng dạy thảo luận

Chuyên mục: Học luật, Môi trường Từ khóa: Phương pháp giảng dạy

Previous Post: « Đánh giá tác động môi trường theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi
Next Post: Một số vấn đề pháp lý về condotel ở Việt Nam hiện nay »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật So sánh pdf
  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật So sánh pdf
  • Thanh Hoa trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam pdf
  • hahehe trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng