• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Những thành tố pháp lý bảo đảm tính hiệu quả của Luật Thuế tài sản

Những thành tố pháp lý bảo đảm tính hiệu quả của Luật Thuế tài sản

01/05/2020 22/05/2021 ThS. Trương Thị Tuyết Minh

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Phạm vi điều chỉnh của thuế tài sản
    • 1.1. Đối tượng chịu thuế tài sản
    • 1.2. Hành vi chịu thuế tài sản
  • 2. Xác định giá trị tài sản chịu thuế và mức độ điều tiết thuế dựa trên các yếu tố tích hợp
  • 3. Phương pháp xác định giá trị tính thuế
  • 4. Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Những thành tố pháp lý bảo đảm tính hiệu quả của luật thuế tài sản

Tác giả: ThS. Trương Thị Tuyết Minh

TÓM TẮT

Một câu hỏi được đặt ra cho việc xây dựng và ban hành Luật Thuế tài sản là: nếu hành vi tác động đến tài sản hay những thu nhập được tạo ra từ tài sản đã được điều tiết ở các sắc thuế khác thì việc xây dựng Luật Thuế tài sản nên như thế nào để không bị trùng lặp với các quy định trước đó, dành được sự đồng thuận của người nộp thuế? Xác định các thành tố pháp lý căn bản của Luật Thuế tài sản là chìa khóa để giải mã câu hỏi này. Những tài sản nào là đối tượng chịu thuế, điều kiện chịu thuế như thế nào, mức độ chịu thuế trong tương quan với đặc tính của tài sản ra sao, căn cứ để tính thuế, đó là những thành tố có ý nghĩa quyết định sự hình thành và tuổi thọ của Luật Thuế tài sản.

Những thành tố pháp lý bảo đảm tính hiệu quả của luật thuế tài sản

Xem thêm:

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Nhận diện thuế tài sản và khuynh hướng xây dựng thuế tài sản ở Việt Nam
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
  • Xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở và vấn đề bảo đảm quyền con người
  • Đánh giá tác động của Dự thảo Luật Thuế tài sản đối với thị trường bất động sản
  • Pháp luật thuế tài sản của Pháp – Từ thực tiễn áp dụng đến kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Khía cạnh pháp lý trong việc xây dựng nội dung quy định đối tượng chịu thuế tài sản
  • Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam
  • Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế
  • Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng: Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
  • Đánh giá tác động của Dự thảo Luật Thuế tài sản đối với thị trường bất động sản – ThS. Trần Minh Hiệp
  • Những thành tố pháp lý bảo đảm tính hiệu quả của luật thuế tài sản – ThS. Trương Thị Tuyết Minh
  • Khía cạnh pháp lý trong việc xây dựng nội dung quy định đối tượng chịu thuế tài sản – ThS. Lê Thị Ngân Hà
  • Pháp luật thuế tài sản của Pháp – Từ thực tiễn áp dụng đến kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Thúy

TỪ KHÓA: Thuế tài sản,

Thuế tài sản dù đã xuất hiện từ lâu ở nhiều quốc gia, song về bản thân sự tồn tại của sắc thuế này cũng có nhiều quan điểm trái ngược. Quan điểm bảo vệ cho rằng, thuế tài sản vừa tạo thêm nguồn thu – một cách ổn định – cho ngân sách nhà nước vừa tái phân phối các nguồn lực vật chất một cách công bằng, qua đó giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội. Ngược lại, quan điểm phản đối cho rằng, tài sản bản thân nó không phải là sự giàu có mà chỉ là một yếu tố có khả năng tạo nên sự giàu có và việc đánh thuế tài sản không thể tạo nên cái gọi là tái phân phối nguồn lực cũng như công bằng xã hội. Nói cách khác, quan điểm này cho rằng, nếu tiếp cận từ góc độ tài sản để thực hiện sứ mệnh tạo lập công bằng của thuế là không đảm bảo bởi vì các sắc thuế về thu nhập, thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) có góc độ tiếp cận một cách trực tiếp hơn rất nhiều xét về khía cạnh công bằng. Trong khi đó, tài sản là động lực căn bản để con người khai phá khả năng sáng tạo của họ, và việc đánh thuế tài sản, có thể tạo ra nguy cơ triệt tiêu hoặc ít nhất là giảm động lực một thành tố căn bản cho sự phát triển của xã hội. Dựa trên lập luận đó, quan điểm này cho rằng việc đánh thuế chỉ nên được thực hiện trước khi có tài sản (tức là đánh vào thu nhập hay các giao dịch trước tài sản).[1] Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, việc thừa nhận và áp dụng Luật Thuế tài sản là một thực tiễn chung của pháp luật thuế ở nhiều quốc gia bởi những ưu điểm của sắc thuế này: (i) tạo thêm một nguồn thu cho ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương; (ii) gia tăng khả năng sử dụng, khai thác một cách có hiệu quả đối với tài sản; (iii) thực hiện nguyên tắc công bằng – tái phân phối nguồn lực của người giàu, sở hữu nhiều tài sản cho tầng lớp trung lưu và người nghèo; (iv) tăng tính chịu trách nhiệm và sự minh bạch của chính quyền địa phương trong việc sử dụng, phân bổ tiền thuế thu được. Ở Việt Nam, thuế tài sản hiện đang còn ở dạng khởi thảo, với rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tài sản có lẽ là một tương lai không xa. Vậy làm thế nào để thuế tài sản đảm bảo tính hiệu quả, thể hiện đúng mục đích của sắc thuế ở Việt Nam? Bài viết này đưa ra một số thành tố pháp lý căn bản gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, hành vi chịu thuế, xác định giá trị tính thuế trong thuế tài sản, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho tính hiệu quả của thuế tài sản.

1. Phạm vi điều chỉnh của thuế tài sản

Làm sao để đảm bảo tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tái phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả nhưng vẫn tạo động lực cho sự sáng tạo của tất cả các cá nhân, tổ chức trong một nền kinh tế còn rất trẻ trong khi vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản: (i) nguyên tắc không trùng thuế hoặc chồng thuế, (ii) nguyên tắc công bằng; (iii) nguyên tắc hiệu quả của pháp luật thuế? Việc xác định phạm vi điều chỉnh của thuế tài sản, một phần nào trả lời cho câu hỏi này.

Phạm vi điều tiết của thuế tài sản được thể hiện qua hai thành tố pháp lý: (i) xác định tài sản chịu thuế gồm những loại nào (đối tượng chịu thuế tài sản); (ii) hành vi nào là hành vi chịu thuế.

1.1. Đối tượng chịu thuế tài sản

Ý tưởng khởi nguồn của thuế tài sản là điều tiết đối với tất cả các dạng thức của tài sản. Theo đó, từ bất động sản (đất đai và các bất động sản gắn với đất) đến các động sản hữu hình (máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển…) và cả những động sản vô hình (quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản…) đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của thuế tài sản.[2] Tuy nhiên, ý tưởng này không được thể hiện trong quy định về thuế tài sản ở nhiều quốc gia vì sự bất khả thi của nó. Sự xuất hiện của nhiều sắc thuế khác như thuế thu nhập, thuế xe… là minh chứng cho yêu cầu thay đổi phương thức điều chỉnh và phạm vi điều tiết của thuế tài sản.

Xét dưới góc độ quản lý, việc xác định tài sản chịu thuế chỉ có thể được lựa chọn theo một trong  5 dạng cơ bản sau: (i) Các tài sản có giá trị lớn của người nộp thuế; (ii) Các tài sản của người nộp thuế mà Nhà nước cần quản lý; (iii) Các tài sản của người nộp thuế mà Nhà nước có thể quản lý; (iv) Các tài sản của người nộp thuế mà Nhà nước cần và có thể quản lý; (v) Các tài sản có giá trị lớn của người nộp thuế mà Nhà nước cần và có thể quản lý. Dù ở dạng nào, thì yếu tố “nhà nước có thể quản lý” luôn hiện hữu ở 5 dạng tài sản này bởi các quy định của pháp luật thuế luôn chịu sự tác động từ nguyên tắc hiệu quả. Vì vậy, hiện nay, đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tài sản được xác định (1) chỉ đối với bất động sản (quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất) hoặc (2) đối với bất động sản và đối với một số tài sản đặc biệt khác. Các tài sản đặc biệt khác này là những quyền hưởng dụng gắn với bất động sản mà Nhà nước có thể quản lý được.

Chúng tôi đồng ý với việc xác định đối tượng chịu thuế theo cách (2) vì nếu chỉ áp dụng  theo cách (1) thì (i) có thể dẫn tới bỏ sót một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước; (ii) phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế tài sản bị thu hẹp, chỉ xoay quanh tài sản là bất động sản; (iii) không phù hợp với những biến động về quyền tài sản gắn với đất trong bối cảnh đất đai là một tài sản đặc biệt ở Việt Nam; (iv) làm suy giảm chức năng điều tiết của thuế đối với một số lĩnh vực kinh tế xã hội. Một doanh nghiệp được độc quyền lắp đường cáp trong một khu vực địa lý nhất định hay độc quyền khai thác một bất động sản (gồm cả bên dưới và bên trên của khu bất động sản đó), một doanh nghiệp được độc quyền cung cấp dịch vụ trong khu vực cảng hàng không hay đường thủy… – những quyền này, không phải là bất động sản (mặc dù có gắn với bất động sản), nhưng đem lại nguồn lợi rất lớn cho các chủ thể sở hữu chúng. Nói cách khác, chủ thể hưởng dụng, khai thác hoàn toàn không phải là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như không có các giao dịch tác động trực tiếp (mua bán, cho thuê..) lên bất động sản đó nhưng lại sở hữu một tập hợp quyền khai thác đối với bất động sản – là những quyền mà có thể những chủ thể khác rất khó hoặc không thể tiếp cận. Trong khi đó, thuế thu nhập chỉ đánh vào phần thu nhập nhận được, tức là chỉ đánh vào “hậu” hành vi khai thác các tài sản này. Điều này là không đủ đảm bảo thực hiện chức năng tạo lập công bằng của thuế vì những chủ thể được tiếp cận quyền khai thác này đang có được một vị trí có ưu thế hơn so với các chủ thể tiềm năng khác, và ưu thế này xuất phát từ hành vi được quyền khai thác đối với bất động sản – là quyền tài sản gắn với bất động sản, một loại tài sản đặc biệt. Việc không quy định những quyền như vậy là đối tượng chịu thuế tài sản sẽ gây nên sự bất bình đẳng giữa những chủ thể được tiếp cận quyền, sở hữu quyền với các chủ thể tiềm năng, và vì vậy, có thể làm giảm khả năng phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất, cũng là một trong những mục đích của pháp luật thuế.

Như vậy, đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tài sản nên được xác định đối với hai nhóm là bất động sản và các quyền hưởng dụng, khai thác bất động sản. Nếu như ở nhóm (i), tài sản mang tính hữu hình thì ở nhóm (ii) lại là các tài sản vô hình. Mặc dù vậy, cả hai nhóm tài sản này đều chịu sự quản lý của Nhà nước và có thể kiểm soát được. Điều này sẽ phù hợp với nguyên tắc khả thi của pháp luật thuế.

1.2. Hành vi chịu thuế tài sản

Ngoài đối tượng chịu thuế thì việc xác định hành vi chịu thuế là căn cứ thứ hai, có ý nghĩa rất quan trọng để xác định phạm vi điều chỉnh của thuế tài sản.

Hành vi chịu thuế trong thuế tài sản có thể được xác định theo một trong ba cách sau: (i) hành vi sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản; (ii) chỉ hành vi sở hữu tài sản; (iii) hành vi sở hữu và sử dụng tài sản (như trong dự thảo Luật Thuế tài sản hiện nay); (iv) hành vi sở hữu, sử dụng, hưởng dụng tài sản.

Nếu thuế tài sản xác định hành vi chịu thuế đối với cả hành vi sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản, sẽ gây nên hiện tượng chồng thuế bởi vì các sắc thuế thu vào thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) đã điều tiết hành vi chuyển nhượng tài sản và điều tiết một phần đối với hành vi sử dụng tài sản[3]

Theo phương án (ii), tức là chỉ đánh thuế tài sản đối với hành vi sở hữu, thì sẽ tạo ra sự không tương thích giữa đối tượng chịu thuế và hành vi chịu thuế. Cụ thể, ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, các chủ thể khác chỉ có quyền sử dụng tài sản này. Trong khi đó, quyền sử dụng đất lại là một trong những đối tượng chịu thuế của thuế tài sản và “toàn dân” không thể được coi là người nộp thuế trong pháp luật thuế. Như vậy, không thể chỉ xác định hành vi sở hữu mới là hành vi chịu thuế bởi vì sẽ không đảm bảo tính bao quát cũng như không đảm bảo sự tương thích với các đối tượng chịu thuế trong thuế tài sản.

Theo phương án (iii) là phương án được áp dụng trong bản thảo của Bộ Tài chính hiện nay, điều tiết thuế đối với cả hành vi sở hữu và hành vi sử dụng tài sản. Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng tài sản, các quy định của pháp luật thuế thu nhập đã điều tiết một phần hành vi này. Ví dụ, một doanh nghiệp cho thuê một phần trụ sở, tạo ra thu nhập. Phần thu nhập này là đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là hành vi khai thác giá trị sử dụng của tài sản đã được điều tiết bởi thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, một cá nhân cho thuê nhà, phát sinh thu nhập thì thu nhập này là thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh và đã là đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, hành vi sử dụng, khai thác hoa lợi dân sự của tài sản nếu phát sinh thu nhập đã được điều tiết bởi các sắc thuế thu nhập. Vì vậy, quy định về hành vi sử dụng trong thuế tài sản phải được quy định như thế nào để tránh sự chồng lấn giữa thuế tài sản và thuế thu nhập? Căn cứ để phân biệt hành vi sử dụng tài sản trong thuế tài sản với hành vi sử dụng tài sản trong thuế thu nhập ở chỗ, nếu thu nhập là một điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ của các sắc thuế thu vào thu nhập thì trong thuế tài sản, thu nhập không phải là điều kiện quyết định nghĩa vụ thuế. Nói cách khác, bản thân hành vi sử dụng đối tượng chịu thuế là căn cứ xác lập nghĩa vụ thuế tài sản mà không cần xét đến yếu tố thu nhập.

Bên cạnh đó, ngoài hành vi sở hữu và sử dụng (có khoanh vùng) tài sản, cần bổ sung thêm các hành vi chịu thuế khác bởi lẽ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thứ cấp từ thị trường bất động sản trong thực tiễn thời gian qua dường như đã “bỏ xa” khái niệm quyền sở hữu truyền thống của pháp luật dân sự. Một doanh nghiệp độc quyền khai thác một khu rừng tự nhiên, một doanh nghiệp duy nhất được quyền cung cấp dịch vụ du lịch trên một hòn đảo… là những ví dụ rõ nhất cho thấy, khái niệm truyền thống về sở hữu, hay sử dụng tài sản – coi tài sản là khách thể trực tiếp duy nhất của quyền, đã không theo kịp với những “quyền thứ cấp” – coi tài sản không phải là khách thể duy nhất mà chính là những lợi ích có thể  nhận được từ tài sản, của quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung hành vi hưởng dụng từ tài sản (hoặc hành vi khai thác tài sản). Điều này không làm xuất hiện hiện tượng trùng thuế với thuế thu nhập bởi vì thuế thu nhập chỉ điều tiết vào phần thu nhập – tức là kết quả của quá trình hưởng dụng tài sản, trong khi đó, tinh thần của Luật Thuế tài sản là đánh vào bản thân hành vi hưởng dụng tài sản. Đây là hai giai đoạn chịu thuế được phân bổ ở hai sắc thuế với những mục đích điều tiết hoàn toàn khác nhau.

Việc bổ sung này là phù hợp với sự thống nhất của pháp luật vì Bộ luật Dân sự cũng đã có quy định về quyền này. Nó cũng thể hiện đúng tinh thần của Luật Thuế tài sản (chủ thể có thể hưởng lợi từ tài sản phải nộp thuế TS), theo kịp với các biến động về quyền đối với bất động sản diễn ra rất sôi động trên thực tế, từ đó tăng tính ổn định của luật thuế này.

2. Xác định giá trị tài sản chịu thuế và mức độ điều tiết thuế dựa trên các yếu tố tích hợp

Các tài sản là đối tượng chịu thuế trong bản thảo Luật Thuế của Bộ Tài chính xây dựng gồm hai dạng chính là đất và nhà, công trình thương mại, dịch vụ.

Đối với đất, bản thảo chia thành hai trường hợp cơ bản là: đất ở và đất sản xuất kinh doanh. Trong bản thảo này, chỉ có hai mức thuế suất (0,4% áp dụng với đất ở và nhà ở có phần giá trị từ 700 triệu trở lên và 0,3% đối với đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh).

Theo chúng tôi, việc phân chia như vậy tương đồng với các quy định của pháp luật đất đai và Luật Nhà ở. Tuy nhiên, soi chiếu dưới nguyên tắc công bằng của Luật Thuế thì việc phân loại tài sản chịu thuế làm cơ sở xác định mức độ chịu thuế, nếu chỉ dựa vào pháp luật đất đai, sẽ không được đảm bảo. Nên chăng, cần tích hợp các yếu tố khác nhau trong việc xác định mức độ chịu thuế gồm: (i) đặc tính tự nhiên của tài sản (phân loại bất động sản theo bản chất đất và mục đích sử dụng đất, nhà); (ii) mức độ sử dụng thực tế của tài sản; (iii) đặc tính của chủ thể sử dụng tài sản; (iv) tính chất của mối quan hệ giữa người nộp thuế và tài sản (mức độ tham gia của người nộp thuế đối với tài sản) và (v) ngưỡng giá trị tối thiểu không chịu thuế của tài sản phù hợp với tình hình của nơi có tài sản. Các quan điểm phản đối việc phân loại tài sản một cách chi tiết, phối hợp quá nhiều yếu tố, có thể sẽ cho rằng, việc phân loại tài sản như vậy sẽ tạo nên một sự không bình đẳng trong việc xác định thuế xét về khía cạnh sở hữu; tăng chi phí và khó khăn cho cơ quan thuế trong việc phân loại tài sản và sự phân loại này sẽ ngày càng phức tạp hơn theo thời gian. Tuy nhiên, sự phân loại này, theo chúng tôi, là cần thiết để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và phù hợp của Luật Thuế tài sản.Yếu tố (i) đã được chuyển tải tương đối tốt trong dự thảo luật thuế tài sản. Cụ thể, dự thảo phân loại đất theo mục đích sử dụng đất và tương ứng với sự phân loại này là các mức thuế suất khác nhau.

Về yếu tố (ii) ví dụ, cùng là một căn nhà ở (giống nhau về bản chất tự nhiên), nhưng một căn nhà bỏ trống, không có người ở, không được khai thác (khác ở yếu tố (ii)), thì thuế suất áp dụng trong hai trường hợp này không nên được quy định như nhau. Một số nước thường áp dụng đánh thuế suất cao hơn đối với căn nhà để trống, qua đó, tăng áp lực lên chủ sở hữu nhà và có thể làm giảm giá cho thuê nhà, khuyến khích khai thác các nguồn lực hiệu quả.

Về yếu tố (iii) chủ căn nhà là một người đang trong chế độ hưu trí hoặc người khuyết tật với trường hợp chủ căn nhà đang trong độ tuổi lao động, mức độ chịu thuế theo chúng tôi, không thể như nhau bởi vì một trong những nguyên tắc căn bản của Luật Thuế là nguyên tắc dựa vào khả năng chi trả. Trong khi đó, bản thân hành vi sở hữu, hưởng dụng không hoặc ít nhất, ở mức độ không chắc chắn, phát sinh dòng tiền cho chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, cần tích hợp yếu tố tính chất của người sở hữu, hưởng dụng tài sản trong tương quan với mức độ chịu thuế. Các tính chất có thể được xây dựng dựa trên: tình hình tài chính (có việc làm hay không có việc làm, có thu nhập thường xuyên hay không), đặc tính nhân thân (độc thân hay đã kết hôn, số lượng cha mẹ, con), các đặc tính khác (có phải người khuyết tật, người có công với cách mạng…) của chủ thể sở hữu hoặc hưởng dụng.

Với yếu tố (iv) một người sở hữu một căn nhà và một người sở hữu ba căn nhà, thì thuế suất của ba căn nhà này không thể giống nhau. Đối với người thứ nhất, căn nhà phục vụ nhu cầu ở, là nhu cầu tối thiểu của con người. Hành vi sở hữu tài sản này để phục vụ cho một nhu cầu có tính chất tối thiểu thuộc về quyền con người (quyền cư ngụ), vì vậy, theo chúng tôi, không chịu thuế tài sản. Điều này có nghĩa là, chỉ nên áp dụng thuế tài sản đối với bất động sản thứ hai trở đi dựa trên ngưỡng diện tích tối đa. Trong trường hợp vượt quá ngưỡng diện tích phục vụ cho mục đích cư ngụ sẽ chịu thuế tài sản.

Về yếu tố (v) cần xác định ngưỡng giá trị tối thiểu chịu thuế suất 0% của bất động sản phù hợp với giá trị của bất động sản tương ứng với từng địa phương bởi giá trị bất động sản ở các địa phương hiện nay có chênh lệch một cách đáng kể. Trong dự thảo hiện nay, quy định nhà ở có giá trị dưới 700 triệu chịu thuế suất 0%. Quy định như vậy (i) đánh đồng các tài sản với nhau; (ii) không thể hiện được nguyên tắc xác định giá trị tài sản theo nơi có tài sản; (iii) không đảm bảo nguyên tắc công bằng của thuế; (iv) có thể gây ra hiện tượng chuyển thuế. Ví dụ, giá nhà đất tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có một khoảng cách rõ rệt với các địa phương khác. Việc quy định ngưỡng 700 triệu có thể dẫn đến trường hợp hầu như tất cả các bất động sản ở hai thành phố này đều là đối tượng chịu thuế của thuế tài sản. Trong khi đó, đây là những thành phố tập trung nhiều dân cư từ nhiều địa phương khác nhau. Điều này tạo ra hai hệ quả xã hội: (i) gây bần cùng hóa người nộp thuế ở hai thành phố này; (ii) thuế được chuyển từ người sở hữu sang người đi thuê, làm đẩy giá thuê nhà lên cao, tăng chi phí giao dịch của các chủ thể kinh doanh khi những người hay những tổ chức này thuê nhà;[4] (iii) giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần có quy định riêng trong việc xác định ngưỡng giá trị tối thiểu ở Hà Nội  và TP. Hồ Chí minh; hoặc có cơ chế xác định đặc thù riêng và địa phương tự quyết định. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, ngưỡng 700 triệu không dựa trên các căn cứ khoa học xã hội được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trong tình hình nền kinh tế lạm phát hiện nay, vì vậy, cần thay đổi ngưỡng này để đảm bảo phản ánh được (i) giá trị tối thiểu của tài sản – mà những tài sản này phục vụ cho nhu cầu sinh sống của các cá nhân; (ii) giá trị tối thiểu này phải có tính “phổ quát nhất định” – tức là phù hợp với các địa phương trong những điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; (iii) loại trừ nghĩa vụ thuế hoặc áp thuế suất 0% đối với những tài sản có mức giá từ ngưỡng tối thiểu này trở xuống.

Vì những lý do trên, theo chúng tôi, cần xác định giá trị tài sản chịu thuế và mức độ điều tiết thuế dựa trên các căn cứ hội tụ những đặc tính không chỉ của tài sản mà còn của chủ thể sở hữu, sử dụng, khai thác tài sản.

3. Phương pháp xác định giá trị tính thuế

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của thuế tài sản, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã áp dụng sắc thuế này, nằm ở phương pháp xác định giá trị tính thuế tài sản. Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, bản thân việc xác định giá trị của tài sản nếu không đúng, có thể tạo ra một sự phân loại tài sản thực tế, phá vỡ các quy tắc phân loại đối tượng chịu thuế và thuế suất của Luật Thuế tài sản.

Tuy nhiên, xác định giá trị tính thuế trong thuế tài sản khó hơn thuế thu nhập hay thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) rất nhiều vì những thuế trên dựa trên dòng tiền (bản thân hành vi tạo ra thu nhập hay mua bán hàng hóa hoàn toàn “động” hơn hành vi sở hữu, sử dụng). Vì vậy, khác với thuế thu nhập hay thuế giá trị gia tăng, việc xác định trị giá tính thuế trong thuế tài sản thường mang trong bản thân nó một “sự giả định” nhất định. Tính “giả định” này đặt ra các yêu cầu trong việc xác định giá trị tính thuế để vừa công bằng, khách quan, hiệu quả, khả thi.

Về căn bản, Luật Thuế tài sản chọn một trong 4 căn cứ sau đây để xác định giá trị tính thuế: (1) theo đơn vị diện tích hoặc số lượng tài sản nhân với giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định; (2) theo giá trị thị trường của tài sản; (3) theo giá trị vốn của tài sản; (4) theo giá trị sử dụng (thường dựa vào giá cho thuê của tài sản). Giá trị thị trường của tài sản được hiểu là giá bán tài sản dựa trên giả định tài sản được bán cho bên thứ ba với các nguyên tắc của thị trường minh bạch tại thời điểm định giá.[5] Giá trị vốn của tài sản được xác định dựa trên giá trị thực tại của tài sản + tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai (hoặc một biên độ theo tỷ lệ %).[6] Giá trị sử dụng của tài sản chủ yếu dựa trên giá trị cho thuê của tài sản, được thể hiện qua số lượng dòng tiền mà chủ sở hữu hoặc sử dụng tài sản thu được.

Trong số các căn cứ trên, thì căn cứ dựa vào giá trị thị trường được đánh giá là có nhiều ưu điểm vì (i) phản ánh được đúng bản chất của thuế tài sản là đánh thuế vào hành vi “có” tài sản (sở hữu hoặc các dạng quyền đặc biệt); (ii) có thể theo kịp với sự thay đổi về giá trị của tài sản với các biến động thị trường; (iii) công bằng hơn. Căn cứ (3) được đánh giá là khó áp dụng và tăng chi phí cho cơ quan thuế trong việc quản lý, theo dõi và cập nhật biến động giá vốn của tài sản. Căn cứ (4) bị xem là quá gần với căn cứ trong việc xác định thuế thu nhập và rất khó để đảm bảo không bị chồng lấn trong việc xác định giá tính thuế tài sản của thuế tài sản với thu nhập nhận được của chủ sở hữu tài sản trong thuế thu nhập. Vì vậy, việc áp dụng các căn cứ (3), (4) được xem là không phù hợp ở Việt Nam. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, nên áp dụng căn cứ nào?

Bản thảo Luật Thuế tài sản hiện nay áp dụng căn cứ (1), theo chúng tôi là phù hợp với lộ trình áp dụng thuế tài sản vì căn cứ này phù hợp với khả năng quản lý của cơ quan thuế ở Việt Nam, giảm chi phí quản lý thuế so với các căn cứ còn lại, dễ hiểu đối với người nộp thuế và tăng khả năng hiệu quả của sắc thuế. Tuy nhiên, đối với trường hợp hành vi chịu thuế là những hành vi khai thác đặc biệt đối với tài sản (đã trình bày ở phần trước), theo chúng tôi, nên dựa trên căn cứ giá trị thị trường, bởi vì đây là những loại tài sản đặc biệt, không được hình thành dựa trên đơn vị (không giống như nhà hay đất có đơn vị là m2), không ảnh hưởng đến quyền cư ngụ của cá nhân, không ảnh hưởng đến đời sống dân cư và có thể xây dựng cơ chế để đảm bảo tính công bằng trong việc xác định giá trị đối với loại tài sản này.[7]

4. Kết luận

Ngay cả khi chưa ra đời, bản thảo Luật Thuế tài sản không dành được sự ủng hộ của số đông người dân. Sự không đồng thuận này không hẳn xuất phát từ tâm lý tránh thuế mà xa hơn, nằm ở những nền tảng pháp lý của dự thảo không có cơ sở khoa học, các nội dung dự thảo có thể gây ra sự công bằng khi điều tiết, thậm chí không đảm bảo các nguyên tắc của pháp luật thuế nói chung. Dự thảo này sẽ không thể trở thành một đạo luật thuế được tuân thủ với kiểu đánh thuế “toàn dân” bằng phong cách “tận thu” ở các mức độ đầy cảm tính với con số mơ hồ. Để đảm bảo một đạo luật phù hợp với nguyện vọng của người dân – nhân tố chính yếu tạo nên,  duy trì và khai thác các tài sản – đối tượng chịu thuế của thuế tài sản, rất cần thiết xây dựng các thành tố pháp lý của đạo luật thuế tài sản dựa trên kinh nghiệm quốc tế nhưng phù hợp với một nền kinh tế đặc thù Việt Nam.

CHÚ THÍCH

[1] Joseph M. Dodge, The logic of tax, West Publishing Co, 1989, tr. 21-30.

[2] Joan M. Youngman, “Tax Law Design and Drafting”, International Monetary Fund, Chapter 9, Tax on Land and Buildings, 1996.

[3] Thu nhập từ kinh doanh đều là thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

[4]  Joan Youngman, A good tax, Legal and issues for the property tax in the United States, Lincoln Institute of Land Policy, 2016, tr. 22 – 29.

[5] Ira M. Sockowitz, New York’s Real Property Tax Law: The More Changes that are Made, the More Things Stay the Same, 7 Touro L. Rev. 59, 1990.

[6] Mieszkowski, P., “The Property Tax: An excise tax or a profits tax”, Journal of PublicEconomics, Vol. 1. No. 1, 1972, tr. 73–95.

[7] Nội dung này sẽ được trình bày trong một nghiên cứu khác.

    • Tác giả: ThS. Trương Thị Tuyết Minh
    • Tạp chí Khoa học pháp lý số 07(119)/2018 – 2018, Trang 17-23
    • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chuyên mục: Luật Thuế Từ khóa: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2018/ Thuế tài sản

Previous Post: « Đánh giá tác động của Dự thảo Luật Thuế tài sản đối với thị trường bất động sản
Next Post: Khía cạnh pháp lý trong việc xây dựng nội dung quy định đối tượng chịu thuế tài sản »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2022 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng