Mục lục
Luận bàn về trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm kỷ luật lao động
Tác giả: TS. Lê Ngọc Thạnh
TÓM TẮT
Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật ở nước ta về trách nhiệm kỷ luật, trong đó có trách nhiệm kỷ luật lao động, tác giả bài viết đưa ra một số nhận xét về loại hình trách nhiệm pháp lý này trong mối tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Xem thêm:
- Một số vấn đề về trách nhiệm kỷ luật của viên chức – TS. Cao Vũ Minh & TS. Nguyễn Thiện Trí
- Tính quyền lực nhà nước của hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Căn cứ truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Trách nhiệm pháp lý là gì? Trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi pham luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Truy cứu trách nhiệm pháp lý là gì? Đặc điểm truy cứu trách nhiệm pháp lý – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Thời hạn, thời hiệu trong chế định kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam – ThS. Lường Minh Sơn
- Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị – TS. Hoàng Thị Minh Tâm & ThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm
TỪ KHÓA: Trách nhiệm pháp lý, Trách nhiệm kỷ luật,
1. Các quan điểm về trách nhiệm pháp lý và các hình thức của trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý (TNPL) là nội dung không thể thiếu trong các giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật. Theo các nhà khoa học thì các nội dung trên có thể được hiểu như sau:
Thứ nhất, TNPL là một loại quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm pháp luật. Trong đó, bên vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở phần chế tài của các quy phạm pháp luật. TNPL có nhiều loại, thông thường được chia thành: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm dân sự.
Thứ hai, TNPL là hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hoặc giám hộ). Khác với các loại hình trách nhiệm khác, TNPL luôn gắn liền với với sự cưỡng chế nhà nước, với việc áp dụng chế tài do pháp luật quy định.
Như vậy, khi nói đến TNPL, cho dù cách diễn đạt có khác nhau thì đều phải có những nội dung sau:
Một là, đây là quan hệ pháp luật giữa nhà nước và chủ thể vi phạm pháp luật, có thể là tổ chức hoặc cá nhân tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nói cách khác, trong bất luận trường hợp nào thì chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này phải có sự xuất hiện của nhà nước – chủ thể đặc biệt.
Hai là, nhà nước với tư cách là chủ thể quyền lực được nhân dân ủy quyền được quyền: (i) Áp dụng các quy phạm pháp luật phù hợp để trừng trị các đối tượng vi phạm pháp luật; (ii) Buộc chủ thể vi phạm có nghĩa vụ phải khôi phục lại các quan hệ pháp luật bị xâm phạm; (iii) Bồi thường vật chất hoặc tinh thần tương ứng với hành vi vi phạm đối với các chủ thể khác có liên quan… Nói cách khác, chủ thể có hành vi vi phạm buộc phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do nhà nước quy định.
Ba là, tương ứng với nhóm quan hệ pháp luật mà chủ thể có hành vi vi phạm, có các loại TNPL: hình sự, hành chính, dân sự, kỷ luật.Như đã trình bày, trong TNPL có trách nhiệm kỷ luật. Theo đó, TNPL kỷ luật là loại TNPL do thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp… áp dụng đối với cán bộ, nhân viên, người lao động nói chung khi họ vi phạm kỷ luật lao động, kỷ luật nhà nước.[1] Chế tài trách nhiệm kỷ luật thường là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn…[2] Khi đề cập đến trách nhiệm kỷ luật, trong đó có trách nhiệm kỷ luật lao động, nhiều tác giả chỉ giới hạn trong khu vực công mà thôi. [3] Tuy nhiên, khi đã xác định trách nhiệm kỷ luật, trong đó có trách nhiệm kỷ luật lao động là một dạng của TNPL thì tất nhiên bất luận trong trường hợp nào, ở khu vực nào cũng phải có sự xuất hiện của nhà nước với tư cách là chủ thể đặc biệt. Trong khi đó, khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nghĩa là ngoài nhà nước còn có các thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất kinh doanh. Do đó, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động không chỉ còn giới hạn trong khu vực công nữa.
Bằng các quy định pháp luật thực định có liên quan ở nước ta từ năm 1945 đến nay, tác giả sẽ tiếp tục làm rõ nội dung này.
2. Pháp luật về kỷ luật, kỷ luật lao động ở nước ta từ năm 1945 đến nay
2.1. Theo Sắc lệnh số 55 ngày 03/11/1945
Ngay từ thời kỳ mới giành được chính quyền, Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 55 ngày 03/11/1945; trong đó có nội dung:
Thứ nhất, bãi bỏ những thể lệ về Hội đồng kỷ luật, do Nghị định ngày 21/9/1935 (Điều thứ 27) ấn định.
Thứ hai, thành phần Hội đồng kỷ luật các viên chức gồm có: (i) Chủ tịch: Bộ trưởng các Bộ hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân hàng xứ, hoặc người đại diện (tuỳ theo viên chức thuộc quyền các Bộ hay Ủy ban nhân dân hàng xứ); (ii) Tiên thẩm Ủy viên: Giám đốc (hay người đại diện) sở có viên chức bị đưa ra Hội đồng kỷ luật; (iii) Hội viên: Một viên chức cùng ngạch với người bị đưa ra Hội đồng kỷ luật, chọn trong hàng những người cao trật hơn và thâm niên trong trật ấy (nếu không có người nào cao trật hơn,thì có thể lấy một viên chức trong ngạch khác.
Hội đồng kỷ luật sẽ tuỳ trường hợp do Bộ trưởng các Bộ hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân hàng xứ ra nghị định lập lên.
Như vậy, đối tượng tác động của Sắc lệnh nói trên là những viên chức thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân hoặc các Sở.
Ngày 20/5/1950, Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh số 76/SL quy định công chức; trong đó có nội dung “Công chức phạm kỷ luật – các trừng phạt” quy định tại Điều 56 như sau:
“Tùy lỗi nhẹ hay nặng, công chức phạm lỗi sẽ phải chịu một trong những hình phạt sau này:
– Cảnh cáo
– Khiển trách
– Hoãn dụ thăng thưởng trong hạn một hay hai năm
– Xóa tên trong bảng thăng thưởng
– Giáng một hay hai trật
– Từ chức bắt buộc
– Cách chức”.
Đối tượng bị xử lý kỷ luật nói trên phải là công chức, có nghĩa là “Những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, ở trong hay ở ngoài nước, đều là công chức theo Quy chế này, trừ những trường hợp riêng biệt do Chính phủ định”.[4]
2.2. Theo Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963
Ngày 13/3/1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 24/CP Ban hành Điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức nhà nước. Trong Nghị định này không quy định riêng thành chế định pháp luật kỷ luật lao động, mà lồng ghép trong nội dung thôi việc. Theo đó, có các trường hợp thôi việc như sau:
Thứ nhất, do ý chí của công nhân, viên chức nhà nước có thể xin thôi việc trong các trường hợp:
(i) Khi cần thôi việc để vào học các trường lớp đào tạo cán bộ, công nhân;
(ii) Khi gặp hoàn cảnh khó khăn riêng.
Thứ hai, khi xí nghiệp, cơ quan nào vì hoàn cảnh đặc biệt mà phải giải thể hoặc phải giảm bớt biên chế, thì đối với số công nhân, viên chức thừa ra, xí nghiệp, cơ quan ấy:
(i) Cố gắng sắp xếp công việc cho những người đó đúng với khả năng của đương sự và có lợi ích thật sự;
Hoặc: (ii) Quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc vì cơ quan giải thể nhưng phải được sự thỏa thuận của Ủy ban hành chính địa phương; đối với công nhân viên chức là Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, thì phải được sự thỏa thuận của Ban chấp hành công đoàn.
Thứ ba, công nhân, viên chức nhà nước bị buộc thôi việc như là hệ quả của trách nhiệm pháp lý hình sự trong những trường hợp sau đây:
(i) Khi công nhân, viên chức bị phạt giam về tội có liên quan đến công tác của mình trong xí nghiệp, cơ quan;
(ii) Khi công nhân, viên chức bị phạt giam trên sáu tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, hoặc tuy bị phạt giam dưới sáu tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, nhưng kèm theo phạt giam còn bị phạt tước quyền công dân hay là cấm không được làm nghề cũ trong một thời gian.
Thứ tư, do ý chí chủ quan của xí nghiệp, cơ quan quản lý, hay nói cách khác đây là ứng xử, áp đặt hậu quả bất lợi bằng hình thức buộc thôi việc của nhà nước:
(i) Khi công nhân, viên chức phạm kỷ luật lao động một cách nghiêm trọng hoặc phạm những sai lầm nghiêm trọng khác, tuy đã được giáo dục nhiều lần nhưng không chịu sửa chữa;
(ii) Khi công nhân, viên chức không nhận sự điều động của xí nghiệp, cơ quan;
(iii) Khi công nhân, viên chức làm giấy tờ giả mạo hoặc khai man lý lịch để được tuyển dụng. Nếu việc giả mạo hoặc khai man có tính chất nghiêm trọng, thì đương sự còn có thể bị truy tố trước pháp luật.
Các trường hợp cho thôi việc nói trên đây phải được đưa ra Hội đồng kỷ luật của xí nghiệp, cơ quan xét. Khi quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc vì kỷ luật, xí nghiệp, cơ quan sở quan phải báo cho Ủy ban hành chính biết.[5]
Như vậy, đối tượng bị xử lý kỷ luật nói trên là công nhân, viên chức nhà nước.
2.3. Theo Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1964
Ngày 31/12/1964 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 195/CP ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp cơ quan nhà nước; trong đó có nội dung:
Điều lệ này quy định cụ thể kỷ luật lao động ở các xí nghiệp, cơ quan nhà nước; mọi công nhân, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành, không được vi phạm. Thủ trưởng các xí nghiệp, cơ quan cần lấy điều lệ này làm cơ sở để giáo dục công nhân, viên chức thuộc quyền mình. Theo đó, pháp luật ấn định các hình thức kỷ luật sau nếu công nhân, viên chức nào phạm khuyết điểm trong việc chấp hành kỷ luật lao động thì tuỳ theo mức độ sai lầm nặng hay nhẹ:
(i) Khiển trách;
(ii) Cảnh cáo;
(iii) Hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác;
(v) Buộc thôi việc.
Trong đó, buộc thôi việc là hình thức kỷ luật chỉ thi hành đối với những người phạm kỷ luật thật nghiêm trọng, đã gây tổn hại lớn cho nhà nước.[6]
Như vậy, đối tượng chịu sự tác động của Nghị định nói trên cũng là công nhân, viên chức nhà nước. Điều đó có nghĩa là, trong thời kỳ này không có sự phân biệt giữa nhân viên trong đơn vị hành chính với công nhân thuộc các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, còn có một số văn bản điều chỉnh trách nhiệm kỷ luật như: Nghị định số 49/CP ngày 09/4/1968 của Hội đồng Chính phủ Ban hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của nhà nước; Nghị định 217/CP ngày 08/6/1979 của Hội đồng Chính phủ Ban hành Bản quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, đối tượng chịu sự tác động của văn bản nói trên vẫn là cán bộ, nhân viên làm việc trong khu vực nhà nước và cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Mãi đến ngày 14/11/1987, Hội đồng Bộ trưởng mới ban hành Quyết định số 217-HĐBT Ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh, trong đó tại Điều 47 có quy định:
“Từ nay xí nghiệp quốc doanh thực hiện việc chuyển dần từng bước chế độ tuyển dụng vào biên chế nhà nước sang chế độ hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động do giám đốc xí nghiệp và người lao động thỏa thuận và ký trên cơ sở những nguyên tắc và hướng dẫn do Bộ lao động – Thương binh và xã hội có sự tham gia của Tổng công đoàn Việt Nam xây dựng và ban hành.
Hình thức hợp đồng bao gồm hợp đồng không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, hợp đồng theo vụ, theo việc.”
Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của nhà nước ta xây dựng lộ trình tách những người làm việc trong khối doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh ra khỏi biên chế nhà nước.
Cho đến khi Nghị định số 169-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công chức nhà nước được ban hành ngày 25/5/1991, trong đó có quy định: những người làm việc trong các tổ chức sản xuất, kinh doanh của nhà nước không phải là công chức[7] thì coi như, nhà nước đã phân định rõ địa vị pháp lý của những người làm việc trong bộ máy nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó là các văn bản: Pháp lệnh Cán bộ Công chức năm 1998 (đã được sửa đổi, bổ sung qua các năm: 2000, 2003), Luật Cán bộ Công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ nội dung về trách nhiệm kỷ luật đối với công chức, viên chức; còn đối với người lao động (tức là người làm việc trong các doanh nghiệp không phân biệt thuộc nhà nước hay thành phần kinh tế khác, trừ một số trường hợp là người đứng đầu của doanh nghiệp nhà nước) thì nội dung kỷ luật lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 1994 (đã được sửa đổi, bổ sung qua các năm: 2002, 2006, 2007) và hiện nay là Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản pháp luật hình thức có liên quan.
3. Một số nhận xét về pháp luật kỷ luật, kỷ luật lao động ở nước ta từ năm 1945 đến nay và đề xuất thay đổi quan niệm về trách nhiệm pháp lý
Qua việc tìm hiểu về pháp luật kỷ luật, kỷ luật lao động ở nước ta từ năm 1945 đến nay, tác giả có một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, từ năm 1945 đến 1986, tức là đến thời điểm Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, những người làm việc trong bộ máy nhà nước, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội và cả xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nữa đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (đối với khối sản xuất kinh doanh) và được gọi chung là cán bộ, công nhân viên nhà nước. Do đó, khi họ vi phạm những quy định pháp luật có liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ thì bị nhà nước (lúc này còn là người sử dụng lao động) áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của họ (người lao động). Như vậy, quan hệ pháp luật kỷ luật nói trên có sự tham gia của nhà nước hoặc người được nhà nước ủy quyền. Nói cách khác, đây là trách nhiệm kỷ luật, trong đó có trách nhiệm kỷ luật lao động, là một hình thức của TNPL.
Thứ hai, ngày nay, người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cho dù thuộc loại hình chủ sở hữu nào đi nữa đều không thuộc biên chế nhà nước. Quan hệ giữa họ với chủ doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Hợp đồng lao động nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quá trình thực hiện. Tranh chấp lao động phát sinh giữa cá nhân, giữa người lao động với người sử dụng lao động, trong đó có liên quan đến kỷ luật lao động được giải quyết bằng pháp luật tố tụng dân sự. Và lẽ đương nhiên, nguồn gốc của tranh chấp phát sinh ấy không hề có sự xuất hiện của nhà nước. Nói cách khác, bản chất trách nhiệm kỷ luật lao động trong trường hợp này là trách nhiệm dân sự phát sinh trong quá trình thực hiện các nội dung trong hợp đồng lao động được các bên tham gia ký kết.
Thứ ba, đối với đội ngũ công chức, viên chức thì mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên (hay người sử dụng lao động với người lao động nếu xét trong quan hệ lao động) là mối quan hệ chấp hành và điều hành của pháp luật hành chính. Mọi tranh chấp phát sinh trong mối quan hệ đó, trong đó có quyết định kỷ luật làm phương hại đến quyền và lợi ích của đối tượng bị tác động được giải quyết bởi pháp luật khiếu nại hoặc tố tụng hành chính, hoặc cả hai tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ.[8] Như vậy, bản chất của trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp này suy cho cùng là trách nhiệm hành chính. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, thực tế đã cho thấy, trách nhiệm kỷ luật, trong đó có trách nhiệm kỷ luật lao động về bản chất đã chuyển hóa thành trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự. Thiết nghĩ, khi đề cập đến các hình thức của TNPL, tác giả cho rằng chỉ nêu đến ba loại hình: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự mà thôi.
CHÚ THÍCH
[1] Lê Minh Tâm (chủ biên), Giáo trình Lý luận về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Giáo dục, 1996, tr. 413 – 418.
[2] Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 422 – 423.
[3] Nguyễn Quốc Việt, Đinh Thế Công, Nguyễn Bình, Thuật ngữ Pháp lý phổ thông Tập 2 (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Nxb. “Sách Pháp lý” tại Matxcơva năm 1973), Nxb. Pháp lý, 1987, tr. 240 – 241.
[4] Điều 1, Sắc lệnh số 76/SL năm 1950 của Chủ tịch nước.
[5] Từ Điều 13 – Điều 16, Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ về Điều lệ Tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức nhà nước.
[6] Điều 5 – Điều 6 Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1964 Hội đồng Chính phủ về Điều lệ về Kỷ luật lao động trong các xí nghiệp cơ quan nhà nước.
[7] Khoản 2 Điều 2, Nghị định số 169-HĐBT ngày 25/5/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về công chức nhà nước.
[8] Điều 21, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức; Điều 22 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Điều 7, Luật Khiếu nại năm 2011.
Tác giả: TS. Lê Ngọc Thạnh
Tạp chí Khoa học pháp lý số 06(118)/2018 – 2018, Trang 58-62
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời