Phân tích ý nghĩa của từng bộ phận trong cơ cấu của quy phạm pháp luật (Ý nghĩa của bộ phận giả định, quy định và chế tài)
- Phân tích cơ cấu của quy phạm pháp luật
- Quy phạm pháp luật là gì? Các đặc điểm của quy phạm pháp luật
- Hiệu lực theo không gian và đối tượng tác động của VBQPPL
- Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là nguồn quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam
- Ưu thế của văn bản quy phạm so với nguồn khác của pháp luật
- Ưu điểm và hạn chế của các loại nguồn của pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Phân tích khái niệm VBQPPL
- Án lệ là gì? Phân tích khái niệm tiền lệ pháp (Án lệ)
- Tập quán pháp là gì? Phân tích khái niệm tập quán pháp
1 – Ý nghĩa của bộ phận giả định
Giả định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống mà khi gặp thì mọi người cần phải xử sự theo quy định của pháp luật và chỉ rõ chủ thể nào cần phải xử sự trong điều kiện, hoàn cảnh đó. Phần này còn nêu lên những điều kiện, hoàn cảnh để áp dụng các biện pháp tác động của nhà nước và chỉ rõ chủ thể nào sẽ là đối tượng để áp dụng chế tài hoặc các biện pháp tác động khác của nhà nước. Vì thế, ý nghĩa của bộ phận này là cho mọi người biết quy phạm đó điều chỉnh quan hệ xã hội nào, ai và khi nào, trong điều kiện và hoàn cảnh nào thì cần phải xử sự theo quy phạm đó. Bộ phận này cũng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết là khi nào thì họ cần phải áp dụng các biện pháp tác động của nhà nước được quy định trong quy phạm, áp dụng đối với ai, đối tượng nào và điều kiện để áp dụng các biện pháp đó là gì.
2 – Ý nghĩa của bộ phận quy định
Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên cách xử sự hay quy tắc xử sự cho chủ thể khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm. Ý nghĩa của bộ phận này là hướng dẫn cách xử sự cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do quy phạm đó điều chỉnh, chỉ cho mọi người biết khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm thì họ được làm gì hay hành vi nào họ được phép thực hiện; họ không được làm gì hay hành vi nào họ không được phép thực hiện; họ phải làm gì hay hành vi nào họ bắt buộc phải thực hiện. Nói cách khác, bộ phận quy định của quy phạm chỉ cho mọi người biết các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ khi tham gia vào quan hệ xã hội do quy phạm điều chỉnh; đồng thời, nó cũng chỉ cho mọi người biết ý chí, mong muốn, mục đích của nhà nước khi điều chỉnh quan hệ đó.
3 – Ý nghĩa của bộ phận chế tài
Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên các biện pháp cưỡng chế mang tính chất trừng phạt mà nhà nước dự kiến có thể áp dụng đối với các chủ thể được nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật khi họ vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý đã được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Ý nghĩa của bộ phận này là chỉ cho mọi người biết những biện pháp cưỡng chế nhà nước nào hay những hậu quả pháp lý bất lợi nào họ có thể phải gánh chịu nếu tham gia vào quan hệ xã hội do quy phạm điều chỉnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý được nêu trong phần quy định của quy phạm, tức là thực hiện không đúng những yêu cầu, mệnh lệnh của nhà nước đối với họ. Vì thế, phần chế tài của quy phạm pháp luật được đặt ra nhằm răn đe, phòng ngừa sự vi phạm pháp luật và nhằm trừng phạt các chủ thể vi phạm pháp luật để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh hay bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, có thể nói, trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật thì chế tài là biện pháp quan trọng nhất, có tác dụng lớn nhất và có hiệu quả nhất.
Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu
Trả lời