Mục lục
Pháp luật được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhưng đôi khi các chủ thể trong mối quan hệ xã hội không thực hiện theo quy định pháp luật thì sẽ phát sinh các vi phạm pháp luật và chủ thể thực hiện phải gánh chịu các trách nhiệm về mặt pháp lý. Vậy các dấu hiệu cơ bản giúp xác định hành vi vi phạm pháp luật, có bao nhiêu loại vi phạm pháp luật trong thực tế và trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm ra sao? Bài này sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề trên.
1. Vi phạm Pháp luật
1.1. Khái niệm vi phạm Pháp luật
Vi phạm Pháp luật là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức cụ thể được thể hiện dưới dạng hành động hay không hành động trái với Pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội hoặc các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ.
Tuy nhiên để xác định hành vi VPPL cần phải hội đủ các điều kiện (dấu hiệu) cơ bản của vi phạm.
1.2. Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm Pháp luật
1.2.1. Vi phạm Pháp luật phải thể hiện bằng một hành vi cụ thể của chủ thể
Chỉ những hành động hay không hành động cụ thể mới bị coi là VPPL còn những ý nghĩ của chủ thể dù tốt hay xấu cũng không bị xem là VPPL.
Ví dụ: Một người chỉ có ý định cướp giật tài sản của người khác thì không bị buộc tội cướp giật tài sản.
1.2.2. Hành vi thể hiện là hành vi trái với quy định của Pháp luật
Khi luật pháp quy định nhưng chủ thể hành động ngược lại với quy định đó thì xem là trái quy định Pháp luật nhưng nếu những hành vi gây phiền toái, không lịch sự nhưng không trái luật thì không xem là VPPL.
Ví dụ: Một người nói chuyện hay lớn tiếng với người khác.
1.2.3. Hành vi có lỗi của chủ thể được thực hiện
Lỗi là thái độ, trạng thái tâm lý của chủ thể khi thực hiện hành vi trái Pháp luật và làm phương hại đến xã hội. Theo Pháp luật quy định, hành vi VPPL là những hành vi do con người có ý thức đối với hành động của mình, như vậy khi con người không ý thức được hành vi và hậu quả của hành vi gây ra thì không xem là VPPL. Lỗi là yếu tố không thể thiếu trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật. Do đó trong một số trường hợp có hành vi trái pháp luật nhưng thực hiện trong hoàn cảnh mà chủ thể không thể chọn lựa cách xử sự khác, thì hành vi đó không có lỗi nên cũng không xem là VPPL.
Ví dụ: Hành vi của người tâm thần; Hành vi trái luật được thực hiện trong “tình thế cấp thiết” hay “phòng vệ chính đáng”
1.2.4. Chủ thể của hành vi trái Pháp luật phải có năng lực hành vi
Dấu hiệu này đòi hỏi chủ thể phải có đủ điều kiện về nhận thức đối với hành vi thực hiện. Những hành vi trái Pháp luật nhưng do chủ thể không có năng lực hành vi thực hiện thì không xem là VPPL.
Chủ thể là cá nhân có năng lực hành vi là cá nhân hội đủ điều kiện về tuổi (được quy định theo từng quan hệ pháp luật) và có khả năng nhận thức làm chủ được hành vi của mình. Chủ thể là tổ chức có năng lực hành vi khi tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập và hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động nếu trường hợp pháp luật yêu cầu.
Ví dụ: Hành vi gây thiệt hại của người chưa hội đủ điều kiện về tuổi để có năng lực hành vi (căn cứ quy định pháp luật trong từng loại quan hệ pháp luật).
1.3. Các loại vi phạm Pháp luật
Vi phạm Pháp luật được chia thành: vi phạm hình sự (tội phạm), vi phạm dân sự, vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật và vi phạm công vụ.
1.3.1. Vi phạm hình sự (tội phạm)
Vi phạm dân sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ Luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ.
Chủ thể vi phạm hình sự (tội phạm) là các cá nhân hoặc pháp nhân.
1.3.2. Vi phạm dân sự
Vi phạm dân sự là những hành vi nguy hại cho xã hội, xâm hại tới những quan hệ tài sản, những quan hệ nhân thân phi tài sản có liên quan với các chủ thể khác trong lĩnh vực hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng. Chủ thể vi phạm dân sự là cá nhân hoặc tổ chức.
1.3.3. Vi phạm hành chính
Vi phạm hành chính là những hành vi nguy hại cho xã hội, nhưng khác với tội phạm ở mức độ nguy hiểm, thiệt hại cho xã hội do nó gây ra.
Chủ thể vi phạm hành chính là cá nhân hoặc tổ chức.
1.3.4. Vi phạm kỷ luật
Vi phạm kỷ luật là những hành vi xâm hại tới chế độ kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức và gây thiệt hại đối với hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đó.
Chủ thể vi phạm kỷ luật là cá nhân làm việc trong cơ quan, tổ chức.
1.3.5. Vi phạm công vụ
Vi phạm công vụ là hành vi VPPL của công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước gây ra trong hoạt động công vụ làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay tổ chức trong xã hội.
Xem thêm bài viết:
- Quy phạm pháp luật và Văn bản QPPL là gì?
- Khái niệm, đặc điểm, thành phần của quan hệ pháp luật
- Khái quát về Hệ thống pháp luật Việt Nam
- Khái quát về Luật Dân sự Việt Nam
- Khái quát về Luật Hình sự Việt Nam
2. Trách nhiệm pháp lý
2.1. Khái niệm của trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý là loại quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) với chủ thể VPPL, trong đó Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định ở các phần chế tài của quy phạm Pháp luật đối với các chủ thể VPPL và bắt buộc chủ thể đó phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về mặt vật chất, tinh thần theo quy định Pháp luật.
2.2. Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý có những đặc điểm như sau:
- Có sự vi phạm Pháp luật của chủ thể.
- Là sự lên án của Nhà nước, sự phản ứng của Nhà nước đối với vi phạm Pháp luật.
- Thể hiện tính cưỡng chế của Nhà nước đối với hành vi vi phạm Pháp luật.
- Trách nhiệm pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng Pháp luật theo thủ tục trình tự luật định.
2.3. Các loại trách nhiệm pháp lý
Tương ứng với hành vi vi phạm Pháp luật là các dạng trách nhiệm pháp lý như sau:
2.3.1. Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm này chỉ được xác định khi Tòa án áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm Pháp luật được quy định trong Luật Hình sự do Quốc hội ban hành. Chế tài đối với trách nhiệm hình sự là chế tài nghiêm khắc nhất (chế tài hình sự).
Ví dụ: Tòa án tuyên phạt một người thực hiện hành vi trộm cắp với mức hình phạt là 3 năm tù giam (tội danh trộm cắp tài sản được quy định trong Bộ Luật Hình sự).
2.3.2. Trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm này được Tòa án áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm Pháp luật dân sự. Chủ thể chịu trách nhiệm dân sự phải dùng tài sản hoặc công sức của mình bồi thường thiệt hại đã gây ra cho bên bị thiệt hại (thiệt hại do vi phạm hợp đồng và thiệt hại ngoài hợp đồng).
Ví dụ: Một bên trong quan hệ hợp đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết bị Tòa án tuyên bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.
2.3.3. Trách nhiệm hành chính
Trách nhiệm này do các cơ quan Nhà nước áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật hành chính. Chế tài đối với trách nhiệm hành chính ít nghiêm khắc so với chế tài hình sự.
Ví dụ: Cảnh sát giao thông áp dụng phạt hành chính đối với người vi phạm Pháp luật “Đua xe trái phép”.
2.3.4. Trách nhiệm kỷ luật
Là loại trách nhiệm do các cơ quan Nhà nước áp dụng đối với các chủ thể (cán bộ, nhân viên, người lao động) khi họ có hành vi vi phạm kỷ luật (kỷ luật lao động, kỷ luật Nhà nước). Chế tài kỷ luật thường được áp dụng như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc…
Ví dụ: Doanh nghiệp áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với người lao động trong doanh nghiệp vi phạm nội quy lao động của doanh nghiệp.
2.3.5. Trách nhiệm công vụ
Là loại trách nhiệm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với chủ thể (công chức, viên chức Nhà nước và cơ quan công quyền) trong khi thi hành công vụ có hành vi hoặc quyết định hành chính gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trong xã hội, bị khiếu nại, khiếu kiện đòi bồi thường.
Ví dụ: Tòa án tuyên phạt đối với cơ quan Nhà nước có quyết định hành chính trái luật làm thiệt hại đến tài sản công dân bị khiếu kiện.
2.4. Mối quan hệ giữa trách nhiệm pháp lý và vi phạm pháp luật
Trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với vi phạm pháp luật được thể hiện như sau:
– Vi phạm Pháp luật là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý.
– Ứng với mỗi hành vi vi phạm Pháp luật, chủ thể có thể chịu một hay nhiều trách nhiệm pháp lý.
– Khi vi phạm Pháp luật chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng trong quan hệ dân sự, hành chính chủ thể có thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý khi không có hành vi vi phạm Pháp luật.
TÓM LƯỢC
- Vi phạm Pháp luật là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức cụ thể được thể hiện dưới dạng hành động hay không hành động trái với Pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội hoặc các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ.
- Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm Pháp luật: Vi phạm pháp luật phải thể hiện bằng một hành vi cụ thể của chủ thể; Hành vi thể hiện là hành vi trái với quy định của pháp luật; Hành vi có lỗi của chủ thể được thực hiện và Chủ thể của hành vi trái pháp luật phải có năng lực hành vi.
- Có 5 loại vi phạm pháp luật: Vi phạm Hình sự, Dân sự, Hành chính, Kỷ luật và Công vụ.
- Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm bắt buộc đối với các chủ thể vi phạm Pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần theo quy định Pháp luật.
- Có 5 loại trách nhiệm pháp lý: Trách nhiệm Hình sự, Dân sự, Hành chính, Kỷ luật và Công vụ.
Tài liệu cùng môn học
- 229 câu Trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương – CÓ ĐÁP ÁN
- 118 Câu hỏi ngắn thi vấn đáp môn Pháp luật đại cương – CÓ ĐÁP ÁN
- 223 Nhận định môn Pháp luật đại cương – CÓ ĐÁP ÁN
- Like fanpage iluatsu.com tại https://facebook.com/iluatsu/
Trả lời