Phân tích ưu thế (ưu điểm) của pháp luật so với các công cụ khác trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội
- [SO SÁNH] Phân biệt “Pháp luật” với “Tập quán”
- [SO SÁNH] Phân biệt “Pháp luật” với “Đạo đức”
- [SO SÁNH] Phân biệt pháp luật và công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác
- Phân tích khái niệm điều chỉnh quan hệ xã hội
- Chủ nghĩa Mác – Lênin về sự ra đời của pháp luật
- Pháp luật là gì? Đặc trưng của pháp luật?
- Vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị
- Hình thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Chế độ chính trị là gì? Phân biệt chế độ dân chủ với phản dân chủ
- Hình thức cấu trúc là gì? Phân biệt nhà nước đơn nhất với nhà nước liên bang
1 – Pháp luật và các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội là gì?
a – Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của nhà nước
b – Các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác là gì?
– Đạo đức được hiểu là tổng thể những quan niệm, quan điểm về chân, thiện, mỹ, nghĩa vụ, danh dự… (trong đó cốt lõi là điều thiện) cùng những quy tắc xử sự được hình thành trên cơ sở những quan niệm, quan điểm đó nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử của con người, chúng được bảo đảm thực hiện bởi lương tâm, tình cảm cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội.
– Phong tục, tập quán hay tập quán đều là những quy tắc xử sự chung hình thành từ những thói quen xử sự có tính chất lặp đi lặp lại hàng ngày trong một cộng đồng dân cư nào đó và được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, niềm tin nội tâm của mỗi cá nhân cũng như dư luận xã hội. .
– Hương ước là tổng thể các quy tắc xử sự điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi một thôn, làng.
– Luật tục là tất cả những quy tắc xử sự mang tính chất dân gian, nguyên thủy, bản địa, không thành văn, bao gồm cả phong tục, tập quán, lệ làng…
– Tín điều tôn giáo bao gồm giáo lý, giáo luật (luật giáo hội) của một tôn giáo, tức là lý luận, học thuyết của một tôn giáo, đó là những quan niệm, quan điểm về thượng đế, về đức tin, về suy nghĩ và hành vi của con người đối với thượng đế… và hệ thống quy tắc xử sự do một tổ chức giáo hội đặt ra nhằm quy định về các lễ nghi tôn giáo và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một cộng đồng tôn giáo.
– Quy định của tổ chức phi nhà nước (kỷ luật của một tổ chức) là tổng thể những quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức để đảm bảo tính chặt chẽ của tổ chức đó, được bảo đảm thực hiện bằng sự tự giác của các hội viên cũng như các hình thức kỷ luật của tổ chức.
2 – So với các công cụ khác điều chỉnh quan hệ xã hội, pháp luật có các ưu thế sau:
– Pháp luật được hình thành bằng con đường nhà nước, do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, do vậy luôn thể hiện ý chí nhà nước, có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi tổ chức và cá nhân trong phạm vi lãnh thổ thuộc quyền quản lý của nhà nước – Vì thế, pháp luật có phạm vi tác động rộng lớn hơn tất cả các loại quy phạm xã hội khác, không chỉ tới mọi tổ chức và cá nhân mà còn tới mọi miền lãnh thổ, mọi địa phương trên toàn quốc – Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hầu hết các lĩnh vực cơ bản của đời sống.
Trong khi đó, các loại quy phạm xã hội khác có thể được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư nhất định hoặc do các tổ chức phi nhà nước đặt ra nên thường chỉ có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với một bộ phận của dân cư hoặc trong một cộng đồng dân cư nhất định, có tác động tới một khu vực lãnh thổ nhất định và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định.
– Pháp luật tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách thường xuyên, liên tục, hàng ngày, hàng giờ. Còn các loại quy phạm xã hội khác chỉ tham gia điều chỉnh quan hệ xã hội trong thời điểm nhất định.
– Pháp luật được nhà nước tổ chức thực hiện và bảo vệ, tức là được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng chính sức mạnh của nhà nước, bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước, trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế nhà nước, do vậy, hiệu quả điều chỉnh quan hệ xã hội của pháp luật cao hơn các loại quy phạm xã hội khác.
– Pháp luật có tính xác định về mặt hình thức, vị trí, vai trò của các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng quan trọng và hiện tại đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong pháp luật của nhiều nước – Ngôn ngữ pháp luật thể hiện trong văn bản thường một nghĩa, rõ ràng, cụ thể, không trùu tượng, chung chung. Do đó, thông qua pháp luật, các cá nhân, tổ chức trong xã hội nắm bắt được một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất, rõ ràng nhất các hành vi được phép, các hành vi bắt buộc, các hành vi bị cấm cũng như cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện các hành vi…, từ đó có đầy đủ cơ sở để lựa chọn và thực hiện hành vi. Vì thế, pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội một cách cụ thể, rõ ràng nhất.
– Pháp luật dễ thích ứng với điều kiện thực tế của đời sống xã hội. Là hình thức pháp lý của các quan hệ kinh tế – xã hội, vì vậy, về cơ bản, pháp luật quy định về vấn đề gì, quy định như thế nào, điều đó trước tiên phụ thuộc vào thực trạng của điều kiện kinh tế – xã hội. Khi điều kiện kinh tế – xã hội thay đối, pháp luật có sự thay đổi theo. Chính vì vậy, pháp luật có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Ngược lại, đạo đức, phong tục, tập quán… thường có quá trình hình thành và biến đổi khá chậm chạp, thậm chí là bất di bất dịch nên thường không phản ánh kịp thời sự phát triển của cuộc sống.
Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu
Trả lời