Truy cứu trách nhiệm pháp lý là gì? Phân tích khái niệm truy cứu trách nhiệm pháp lý. Cho ví dụ?
- Luận bàn về trách nhiệm pháp lý, kỷ luật và kỷ luật lao động
- Truy cứu trách nhiệm pháp lý là gì? Đặc điểm truy cứu trách nhiệm pháp lý
- Tính quyền lực nhà nước của hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý
- Căn cứ truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật
- Yếu tố đánh giá mức độ nguy hiểm của vi phạm pháp luật
- Cho ví dụ và phân tích mặt chủ quan của vi phạm pháp luật đó
- Cho ví dụ và phân tích mặt khách quan của vi phạm pháp luật đó
- Cho ví dụ và phân tích các dấu hiệu của vi phạm pháp luật đó
- Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật
- Về quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính với người vi phạm pháp luật
1 – Truy cứu trách nhiệm pháp lý là gì?
Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động thể hiện quyền lực nhà nước do cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hoá bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.
Ví dụ: Khi cảnh sát giao thông ra Quyết định xử phạt người vi phạm pháp luật giao thông có nghĩa là cảnh sát đã truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm đó.
2 – Các đặc điểm của truy cứu trách nhiệm pháp lý
a – Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động thể hiện quyền lực nhà nước.
Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:
– Hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý do các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc chủ thể được pháp luật trao quyền tiến hành theo quy định của pháp luật và mỗi chủ thể đó cũng chỉ được truy cứu trách nhiệm pháp lý trong một phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật. Chủ thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý là chủ thể vi phạm pháp luật.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ có quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Trường khi họ vi phạm kỷ luật lao động hoặc học tập của Trường.
– Truy cứu trách nhiệm pháp lý là sự tiếp tục thể hiện ý chí của nhà nước. Thông qua hoạt động này, ý chí của nhà nước thể hiện qua việc quy định các biện pháp cưỡng chế nhà nước cần áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật sẽ trở thành hiện thực trong thực tế.
– Nội dung các quyết định được ban hành trong quá trình truy cứu trách nhiệm pháp lý luôn thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý trên cơ sở nhận thức và niềm tin nội tâm của họ về bản chất của vụ việc và các quy định của pháp luật mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể vi phạm pháp luật. Các quyết định này có ý nghĩa bắt buộc thực hiện đối với các chủ thể vi phạm pháp luật và các chủ thể khác có liên quan.
Ví dụ: Nội dung bản án hình sự định tội và định hình phạt cho người phạm tội chỉ thể hiện ý chí đơn phương của Hội đồng xét xử mà không phụ thuộc vào ý chí của người phạm tội và có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với người phạm tội.
b – Truy cứu trách nhiệm pháp lý là việc cá biệt hoá các biện pháp cưỡng chế nhà nước
Truy cứu trách nhiệm pháp lý là việc cá biệt hoá các biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật, tức là áp dụng một biện pháp cưỡng chế nhà nước cụ thể được quy định trong phần chế tài của quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm của họ.
Ví dụ: Quyết định kỷ luật sinh viên A với hình thức cảnh cáo của Nhà trường là sự cá biệt hóa quy định về các hình thức kỷ luật đối với sinh viên trong Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c – Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động có trình tự, thủ tục chặt chẽ
Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động có trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ do pháp luật quy định để có thể bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính đúng đắn, chính xác của hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý, hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm có thể xảy ra, tránh hiện tượng oan sai, bỏ lọt vi phạm. Ví dụ: việc xủ lý nguời vi phạm Luật giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông phải theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
d – Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động đòi hỏi phải sáng tạo.
Bởi vì: các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trong thục tế rất đa dạng và phức tạp, trong khi đó pháp luật thường chỉ dự liệu nhũng tình tiết có tính chất phổ biến, điển hình mà không mô tả tỉ mỉ từng tình tiết của vụ việc.
Do vậy, khi truy cứu trách nhiệm pháp lý, các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền phải thu thập và xử lí thông tin một cách đầy đủ, chính xác, xem xét một cách toàn diện và kĩ lưỡng nhằm xác định sự thật khách quan của vụ việc, so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng chủ thể, đúng tính chất, mức độ vi phạm.
Ví dụ: Để quyết định một hình thức kỷ luật cụ thể đối với sinh viên vi phạm kỷ luật, nhà trường phải căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể của sinh viên để lựa chọn và áp dụng một hình thức kỷ luật cụ thể là khiển trách, cảnh cáo hay buộc thôi học.
Trả lời