Mục lục
Thực hiện pháp luật nhìn từ phương diện hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp luật của công dân
Tác giả: Hoàng Thị Kim Quế
Tóm tắt:
Bài viết tập trung phân tích hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp luật của công dân, mối tương quan giữa hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật. Tác giả đề cập các yếu tố tác động đến hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp luật của công dân cùng những điều kiện bảo đảm việc thực hiện chúng trên thực tế.
Về giải pháp, bài viết nêu nhiệm vụ tạo lập môi trường pháp luật và xã hội để thực hiện hành vi hợp pháp, tính tích cực pháp luật của công dân. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm những điều kiện cần thiết về pháp luật, về tổ chức, cơ chế thực hiện, kiểm tra, giám sát; bảo đảm sự an toàn và khuyến khích những hành vi hợp pháp, tính tích cực pháp luật của công dân.
Xem thêm bài viết về “Thực hiện pháp luật“
- Vai trò của ý thức pháp luật đối với xây dựng và thực hiện pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích các hình thức thực hiện pháp luật? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Thực hiện pháp luật là gì? Đặc điểm và ý nghĩa thực hiện pháp luật? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân – GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế
1. Hành vi hợp pháp
Vai trò, sức mạnh của các quy định, các nguyên tắc pháp luật chỉ thực sự hiện hữu khi chúng được thực hiện trong đời sống. Trong thực tiễn, có nhiều quy định pháp luật vì những lý do khác nhau không được tôn trọng và thực hiện. Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều, trong đó có thể nhận thấy rằng, tình trạng không bị xử lý hay xử lý không đúng, không công bằng, không kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật, thiếu những điều kiện đảm bảo cho những hành vi hợp pháp… là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng vi phạm pháp luật.
Lâu nay, về phương diện lý luận và thực tiễn, trong việc tìm hiểu, đánh giá, nghiên cứu thực hiện pháp luật, hành vi pháp luật mới chủ yếu về hành vi vi phạm pháp luật. Còn đối với hành vi hợp pháp, tính tích cực pháp luật của cá nhân, công dân thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Lý luận pháp luật cũng đã từ lâu đề cập đến vấn đề hành vi pháp luật cả trên hai phương diện: hợp pháp và không hợp pháp[1].
Hành vi pháp luật là những hành vi được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, là sự thống nhất của hai mặt đối lập – hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi pháp luật phản ánh hiện thực khách quan của xã hội, các hiện tượng tâm lý – xã hội và hàng loạt những yếu tố chủ quan khác. Ranh giới pháp lý chính là tiêu chí cơ bản để nhận dạng và phân biệt hành vi pháp luật với các hành vi khác của con người được điều chỉnh bởi nhiều loại quy phạm, nguyên tắc và quan niệm xã hội khác. Cơ chế thực hiện pháp luật cũng khác nhau đối với hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp. Bởi vì, hành vi hợp pháp liên quan đến các hành vi cho phép và bắt buộc thực hiện, còn trong trường hợp hành vi không hợp pháp lại là những hành vi bị pháp luật cấm.
Hành vi pháp luật là hành vi mà xét cả về chủ quan và khách quan được pháp luật điều chỉnh. Các yếu tố khách quan của hành vi pháp luật đó là những yếu tố trông thấy được, nhận thấy được. Về chủ quan đó là những hoạt động tâm lý nội tại, từ những yếu tố đó mà xác định ranh giới của hành vi pháp luật hay không phải là hành vi pháp luật. Đa số các hành vi pháp luật được thực hiện trên cơ sở ý thức, ý chí của các cá nhân (hành vi ký hợp đồng, đăng ký tạm trú, tạm vắng; kết hôn, công chứng; ra quyết định hành chính, thực hiện một hành vi phạm tội…). Nhưng không phải lúc nào mọi hành vi đều có ý thức đầy đủ như vậy, hành vi cá nhân còn được thực hiện do thói quen, phản xạ nghề nghiệp vv…
Hành vi hợp pháp là hành vi được thực hiện trên cơ sở nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết của các quy định, các nguyên tắc pháp luật. Hành vi hợp pháp cũng là những hành vi được thực hiện trên cơ sở nhận thức được giá trị của các chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức. Hành vi hợp pháp còn là sự biểu hiện của văn hoá và kinh nghiệm cuộc sống của con người.
Hành vi hợp pháp là hành vi phù hợp yêu cầu của pháp luật, là hành vi cần thiết, mong muốn, cho phép của các chủ thể pháp luật, phù hợp lợi ích xã hội đựợc các quy phạm pháp luật quy định, được nhà nước đảm bảo thực hiện và bảo vệ. Hành vi hợp pháp bao gồm những hành vi tích cực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật. Hành vi hợp pháp không chỉ là những hành vi không vi phạm pháp luật mà còn là thể hiện tính tích cực pháp luật của các cá nhân, công dân ở những mức độ nhất định. Nói một cách ngắn gọn, nội dung cơ bản của hành vi hợp pháp là sự thực hiện – chấp hành các nghĩa vụ pháp lý, sử dụng các quyền pháp lý nhằm thoả mãn các nhu cầu và lợi ích của các chủ thể thực hiện, góp phần đảm bảo lợi ích và trật tự, an toàn của cộng đồng, xã hội.
Có những hành vi về hình thức là hợp pháp, nhưng về ý thức của cá nhân không tự nguyện, mà là kết quả của sự miễn cưỡng hay từ các biện pháp cưỡng chế nhà nước, xã hội. Về nguyên tắc, các yếu tố pháp lý tích cực bao gồm: bản thân các quy định pháp luật, các hành vi hợp pháp luật; các quan hệ pháp luật và thực tiễn pháp lý; ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật; pháp chế và trật tự pháp luật; khoa học pháp lý và đào tạo luật học. Hành vi hợp pháp là hành vi phù hợp cái đúng, cái tiến bộ và luôn hướng tới việc xác lập chân – thiện – mỹ – ích. Nếu bản thân các quy định pháp luật không phù hợp lợi ích chính đáng của cá nhân và điều kiện xã hội thì hành vi hợp pháp lúc này sẽ dẫn đến những tác hại nhất định. Tất nhiên, mức độ có hại này cũng rất đa dạng và khác nhau, từ thiệt hại về vật chất, tinh thần, tâm lý vv… Những quy định pháp luật bất cập, lỗi thời nếu chậm được đổi mới sẽ góp phần làm trì trệ sự phát triển của các quan hệ xã hội. Đây cũng là một trong những yêu cầu (nguyên tắc) của pháp chế – mối tương quan giữa tính thống nhất pháp chế với tính hợp pháp và sự hợp lý, công bằng mà chúng ta sẽ đề cập ở những diễn đàn khác. Bên cạnh việc xây dựng những đạo luật pháp quyền, cần phải rà soát lại để sửa đổi, huỷ bỏ những quy định pháp luật không mang tính pháp quyền, không phù hợp cuộc sống.
2. Tính tích cực pháp luật
Tính tích cực pháp luật cần được phân biệt với hành vi hợp pháp ở mức độ nhất định. Không phải bất kỳ một hành vi hợp pháp nào cũng đều thể hiện tính tích cực pháp luật – xã hội của cá nhân. Tính tích cực pháp luật là một dạng của tích cực xã hội, bao gồm các yếu tố bên trong – các nhân tố chủ quan của chủ thể thực hiện và các yếu tố bên ngoài. Tính tích cực pháp luật là đại lượng của sự nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội thông qua việc chấp hành các nghĩa vụ pháp lý, sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của bản thân mình và của những người khác, bảo vệ trật tự, an toàn pháp luật, bảo vệ công lý.
Tính tích cực pháp luật của công dân mang tính tự giác, tự nguyện trên cơ sở nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của pháp luật, ý nghĩa của việc tham gia tích cực của mình trong lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật. Tính tích cực pháp lý của công dân thể hiện tính cảm, trách nhiệm đạo đức, pháp lý, xã hội của mỗi cá nhân, công dân đối với đối với con người, cộng đồng, xã hội.
Tính tích cực pháp luật của công dân luôn chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, xã hội chính trị và tinh thần. Các nhân tố kinh tế như tự do kinh doanh, đa dạng các hình thức sở hữu, tính chủ động cao của cá nhân trong hoạt động kinh tế… Các nhân tố chính trị được thể hiện ở quá trình dân chủ hóa mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, chủ quyền nhân dân, sự tham gia của nhân dân vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật quốc gia. Các nhân tố chính trị còn thể hiện ở hệ thống các quyền hiến định cùng những bảo đảm pháp lý thực hiện. Tính tích cực pháp lý được thể hiện trong việc các cá nhân tích cực tham góp ý về xây dựng và thực thi pháp luật.
Các nhân tố tinh thần có tác động quan trọng đến tính tích cực pháp luật – xã hội và hành vi hợp pháp của các cá nhân. Đơn cử như tác động từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, các hình thức tiếp cận pháp luật đa dạng, hệ thống các dịch vụ pháp luật phát triển… Trình độ giáo dục pháp luật càng cao thì trình độ tính tích cực pháp lý cũng càng cao. Sự tác động đồng thời của các nhân tố kinh tế, chính trị, tinh thần góp phần tạo lập và thúc đẩy tính tích cực pháp lý của công dân. Bằng cách đó mà góp phần tạo lập trình độ văn hóa pháp lý của các cá nhân, sự tôn trọng pháp luật, kỹ năng thực hành pháp luật, định hướng hành vi tích cực của họ trong đời sống pháp luật quốc gia.
Tác động mạnh mẽ đến tính tích cực pháp luật của cá nhân, công dân còn có các phương tiện pháp lý như quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật vv… Một trong những điều kiện quan trọng để hình thành, thúc đẩy tính tích cực pháp luật của cá nhân, công dân chính là quá trình xã hội hóa pháp luật của cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động xã hội. Xây dựng văn hóa pháp luật ở các cấp độ, lĩnh vực khác nhau là điều kiện căn bản nhằm tạo lập, nâng cao tính bền vững của tính tích cực pháp luật của các cá nhân, công dân.
Các hợp phần cơ bản của tính tích cực pháp luật công dân bao gồm ý thức đúng đắn về pháp luật, hành vi hợp pháp, sự tự nguyện, tham gia hoạt động xã hội góp phần bảo vệ giá trị, trật tự pháp luật; quyền, lợi ích con người và công lý.
Trong tuân thủ pháp luật, không làm điều cấm theo quy định pháp luật cũng đã thể hiện một phần tính tích cực pháp lý tối thiểu, bởi ở đây, cá nhân tự kìm chế không thực hiện hành vi bị pháp luật cấm như: không trộm cắp, lừa đảo, không vượt đèn đỏ… Còn các hình thức khác của hành vi hợp pháp lại đòi hỏi mức độ cao hơn về tính tích cực pháp lý của cá nhân. Để thực hiện các hành vi hợp pháp ở dạng chấp hành nghĩa vụ pháp lý hay sử dụng các quyền pháp lý một cách đúng pháp luật, cá nhân phải có ý thức trách nhiệm đạo đức và pháp lý cao, có văn hoá và phải có những hành vi mang ít nhiều tính sáng tạo trong giới hạn pháp luật. Hành vi hợp pháp còn bao gồm những hành vi đấu tranh chống vi phạm pháp luật, tố cáo, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật…
Cơ sở xã hội cơ bản nhất của hành vi tuân thủ pháp luật là sự hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội. Hành vi hợp pháp là kết quả của quá trình hình thành nhân cách dưới tác động mạnh mẽ của môi trường xã hội. Tuy vậy, có những người về nhân cách không có vấn đề gì nhưng vẫn có thể vi phạm pháp luật trong những điều kiện nhất định. Ví như, vi phạm pháp luật là do không biết pháp luật hoặc có biết song hiểu chưa đúng.
Sự hài hoà về nhu cầu là cơ sở cho một hành vi đúng pháp luật. Trong những yếu tố tâm lý nội tại quyết định việc hình thành động cơ cho một hành vi hợp pháp thì quá trình hình thành nhu cầu và lợi ích của con người có ý nghĩa đặc biệt. Hành vi hợp pháp của con người cũng như bất kỳ một hành vi cụ thể của họ là sự thống nhất mặt hoạt động bên ngoài và ý thức của họ, là những hành vi có ý thức. Không có một thước đo khách quan nào khác để đánh giá con người, dự định của con người bên ngoài nội dung và hình thức của hành vi của họ. Các Mác đã viết: ngoài hành vi của tôi, tôi không tồn tại cho luật pháp, không phải là đối tượng của luật pháp… [2].
Hành vi hợp pháp là hành vi phù hợp lợi ích xã hội của các cá nhân, tổ chức. Tuy vậy, không phải bất lỳ một hành vi phù hợp lợi ích xã hội nào cũng đều được coi là hành vi hợp pháp bởi lẽ, có những hành vi tuy phù hợp lợi ích xã hội nhưng do các quy phạm xã hội khác điều chỉnh mà không hay chưa được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Trong việc hình thành và thực hiện những hành vi hướng thiện, mỹ, ích, các loại phương tiện điều chỉnh xã hội khác có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đạo đức truyền thống và đạo đức tiến bộ của nhân loại.
3. Tạo lập môi trường xã hội – pháp lý cùng những điều kiện bảo đảm thực hiện hành vi hợp pháp và tính cực pháp luật của công dân
Để có thể đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, vào hành vi thực tế của con người, phải cần đến môi trường xã hội – pháp lý cùng những điều kiện bảo đảm thực hiện.
Một con người có phẩm chất đạo đức tốt, có tri thức pháp luật, học vấn pháp luật nhưng nếu rơi vào một môi trường thuận lợi của hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức thì sẽ có nguy cơ vi phạm pháp luật và đạo đức cao hơn. Tuy vậy, môi trường không vi phạm pháp luật cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với môi trường của những hành vi hợp pháp và hợp đạo đức. Môi trường “thứ hai” này rộng hơn, và phức tạp, nhiều khó khăn hơn trong quá trình tạo lập. Tuân thủ pháp luật – tức không làm điều pháp luật cấm đã khó, song để chấp hành nghĩa vụ pháp lý hay làm bổn phận đạo đức, sử dụng đúng pháp luật, giữ cho cái tâm trong sáng lại muôn ngàn lần khó hơn và thường khó bề kiểm soát…
Mục đích của xây dựng môi trường xã hội – pháp lý là tăng cường các hành vi hợp pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của pháp luật; giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lãnh đạm, thiếu hay mất niềm tin vào pháp luật. Tính ổn định tương đối, phù hợp cuộc sống, công khai, minh bạch của pháp luật sẽ là một trong những yếu tố căn bản tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, hiệu quả.
Sự hiểu biết pháp luật của cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cơ chế hình thành các hành vi phù hợp pháp luật. Tương tự như trong cơ chế tuân theo các chuẩn mực xã hội khác: đạo đức, tôn giáo, chính vì vậy mà các thiết chế xã hội rất coi trọng việc truyền bá bằng cách này hay cách khác các chuẩn mực xã hội cho các cá nhân. Cá nhân nhiều khi vẫn tự lựa chọn cách xử sự trái pháp luật một cách có ý thức dưới sự tác động mạnh mẽ của các quy tắc xã hội khác. Vì tập tục lạc hậu mà có người đã phạm tội ngay với người thân yêu nhất của mình…
Sự hiểu biết pháp luật của cá nhân không thể tự động hoá dẫn đến hành vi hợp pháp. Có rất nhiều lực cản đối với việc thực hiện hành vi hợp pháp. Ngoài những nguyên nhân về ý thức, đạo đức, trình độ, sự thiếu thông tin, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường; từ hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, tập tục lạc hậu… còn phải kể đến những tác động từ phía pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước. Đơn cử như tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo đã cản trở cho việc thực thi pháp luật, dẫn đến tâm lý coi thường, mất niềm tin vào các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho những chuỗi vi phạm pháp luật ngoài vòng xử lý (trong lĩnh vực đất đai, có lúc lên đến gần 600 văn bản pháp luật)[3]. Sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan trung ương hay thói quen chờ văn bản hướng dẫn thi hành cũng là những trở ngại cho việc thực hiện hành vi hợp pháp.
Vấn đề quan trọng là phải làm cho các cá nhân hiểu được ý nghĩa xã hội, giá trị xã hội của các quy định pháp luật, của những hành vi hợp pháp và tuân thủ nó một cách tự nguyện, chứ không chỉ vì sợ chế tài pháp luật. Nghĩa là phải quan tâm đến động cơ của những hành vi pháp luật, nguyên nhân và điều kiện của những hành vi hợp pháp.
Cơ chế thực hiện hành vi hợp pháp của cá nhân trong nhiều trường hợp có thể được thực hiện không phải trên cơ sở biết pháp luật mà là trên cơ sở nhận thức quy phạm pháp luật trực tiếp từ bản thân thực tiễn áp dụng các phạm pháp luật này, thực tiễn của việc tuân thủ pháp luật của những cá nhân khác. Do vậy, môi trường sống rất quan trọng, một thanh niên sống trong môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh sẽ có ý thức và hành vi hợp pháp cao hơn những thanh niên sống trong môi trường có nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm. Theo điều tra xã hội học, người dân thường nắm những yêu cầu chung của pháp luật mà ít biết các quy phạm pháp luật cụ thể; nhưng trong nhiều trường hợp, tuy không nắm được quy định cụ thể nào đấy nhưng do họ hành động theo nếp sống xã hội nên không vi phạm pháp luật[4]. Tuy vậy, vì các quy định pháp luật ngày càng đa dạng do sự phức tạp của bản thân các quan hệ xã hội mà con người tham gia nên việc hiểu biết pháp luật là rất cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật và gia tăng những hành vi hợp pháp trong cuộc sống hiện đại.
Việc phổ cập các quy phạm pháp luật trong xã hội có vậy tác động to lớn đến ý thức và hành vi hợp pháp của các cá nhân. Luật pháp muốn hiệu lực hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền, bằng cưỡng chế thì còn cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và của tinh thần, pháp luật phải được con người nhận thức như là cái cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự tôn trọng đối với pháp luật[5].
Giáo dục đạo đức kết hợp giáo dục pháp luật là điều kiện không thể thiếu được để hình thành hành vi hợp pháp và hợp đạo đức, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi, cách ứng xử theo pháp luật của mỗi cá nhân là kết quả tất yếu của quá trình hình thành ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật. Lênin cũng đã khẳng định: “ngoài đạo luật ra còn có trình độ văn hoá, cái không lệ thuộc vào bất kỳ một đạo luật nào”[6]. Một người có lòng nhân ái (một giá trị đạo đức) thì dù không biết có luật cấm làm thuốc giả, nhưng biết làm giả sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng thì không làm thuốc giả, hàng giả. Ngược lại người không có tính thiện, lòng nhân ái thì dù biết có luật cấm làm hàng giả, họ vẫn làm, trốn tránh pháp luật bằng mọi thủ đoạn. Chỉ báo của trình độ cao về văn hoá pháp luật cá nhân được thể hiện ở sự lĩnh hội các tư tưởng, nguyên tắc pháp luật, ở sự biết và thói quen sử dụng pháp luật, trong sự đánh giá các tri thức pháp lý. Các phạm trù của đạo đức, như: lẽ sống, hạnh phúc, nghĩa vụ đạo đức, lương tâm, thiện và ác; trung thành, nhân đạo, công bằng… có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp lý – xã hội của cá nhân, công dân.
Tạo lập dư luận xã hội để lên án những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Đồng thời, ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những hành vi hợp pháp, hợp đạo đức và tính tích cực pháp luật của cá nhân, công dân. Sự quan tâm đến đạo đức hiện nay không chỉ thuần tuý vì đạo đức đang bị xuống cấp mà còn là vì để khai thác sức mạnh, ưu thế của đạo đức, bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật, hạn chế những nhược điểm vốn có của pháp luật và đạo đức. Hiệu quả đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật sẽ được bảo đảm nếu như xã hội và nhà nước quan tâm xây dựng môi trường xã hội – pháp lý cho những hành vi hợp pháp, hợp đạo đức, tính tích cực pháp luật của cá nhân, công dân./.
Xem thêm bài viết về “Công dân”
- Trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân – GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế
- Về quyền dân sự của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Các quy chế pháp lý hành chính của công dân? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
Tài liệu tham khảo
[1] Trí Úc, Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1996, tr. 265 – 275.
[2] C. Mác, Anghen, TT, Tập 1, tr. 122, Tiếng Nga .
[3] Vũ Anh, Một số vấn đề pháp luật về thị trường bất động sản ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2/2004 tr. 21.
[4] Thanh Lê, Xã hội học pháp luật và xã hội học tội phạm, Nxb Khoa học xã hội, 2004, tr. 18 – 20.
[5] Đavưđốp, Dưới lăng kính triết học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2002, bản dịch tiếng Việt, tr. 185-186.
[6] Lênin, toàn tập, Tập 38, tr. 170 (Tiếng Nga).
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời