Mục lục
Quốc triều Hình luật – mẫu mực về pháp điển hóa trong thời kỳ phong kiến việt nam và bài học cho công tác pháp điển hóa, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp ở nước ta
TÓM TẮT
Bài viết tập trung phân tích Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) trên phương diện nội dung và kỹ thuật lập pháp. Bộ luật này được đánh giá là công trình pháp điển hóa đầy đủ nhất, mẫu mực nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam mà các bộ luật sau đó đã có sự tham chiếu kế thừa. Từ sự phân tích các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa của bộ luật này, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện kỹ thuật lập pháp ở Việt Nam. Từ khóa: Quốc triều Hình luật, hoạt động lập pháp
Xem thêm bài viết về “Quốc triều Hình luật”
1. Quốc triều Hình luật, mẫu mực về pháp điển hóa trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam
“Việc san định luật lệ cho thích dụng với thời thế”[1] biến thành điều khoản, làm thành chính sách hình thư của một triều đại để cho mọi người dễ hiểu, về cơ bản chính là pháp điển hóa, hệ thống hóa pháp luật, đã ra đời ở nước ta cách đây 1000 năm dưới triều đại vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) với Hình thư – Bộ luật thành văn đầu tiên ở nước ta. Tiếp theo sau nhà Lý là các triều đại nhà Trần gần 200 năm (1225 – 1400) với Hình luật thư do vua Trần Dụ Tông ra chỉ dụ soạn thảo. Kế tiếp là nhà Lê với 356 năm, trong đó thời Lê Sơ 100 năm (1428 – 1527) được xem là thời kỳ toàn thịnh với sự ra đời Quốc triều Hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức gắn liền với tên tuổi của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Đến thời nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử dân tộc về danh nghĩa kéo dài gần 150 năm (1802 – 1945) có Hoàng Việt luật lệ hay gọi là Bộ luật Gia Long.
Như vậy, trong thời kỳ phong kiến ở nước ta có 4 bộ luật thành văn, hình thư của nhà Lý, Hình luật của nhà Trần, Quốc triều Hình luật của nhà Lê và Hoàng Việt luật lệ của nhà Nguyễn. Các triều đại đều tiến hành việc “san định luật lệ cho thích dụng với thời thế” (hay nói như ngày nay là pháp điển hóa) để cho mọi người dễ hiểu.
Đánh giá nội dung cũng như kỹ thuật “san định luật lệ” của các bộ luật thời kỳ phong kiến là công việc không đơn giản. Các bộ luật này ra đời trong những điều kiện chính trị xã hội khác nhau, nên tính chất, đặc trưng của chúng cũng khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tất cả các bộ luật trên đều là kết quả của một quá trình pháp điển hóa công phu và về mặt lập pháp đều đạt trình độ cao. Trong đó Quốc triều Hình luật là công trình pháp điển hóa nổi tiếng, mẫu mực nhất gắn liền với công lao của vua Lê Thánh Tông.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã đưa ra nhận xét: “nước Việt ta các triều dựng nước đều định hình Chương: nhà Lý có ban hành Hình thư, nhà Trần có định Hình luật đều đã tham chước xưa nay để nêu thành phép tắc lâu dài. Nhưng hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng; hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức đều chưa gọi là phép nước được. Đến khi nhà Lê dựng nghiệp mới sửa định lại. Hình luật đời Hồng Đức tham dụng các đời Tùy, Đường, xử lý có những điều nhất định, nặng nhẹ có những mức cao thấp, các đời tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục lặt vặt có thêm bớt, nhưng đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân”.[2]
Ông vua đầu tiên của triều Nguyễn – Gia Long, với gần 20 năm trị vì ngôi báu đã ra lệnh đình thần biên soạn một bộ luật với chỉ lệnh “giờ xem Hình luật mà các triều đại trước của nước Việt ta, mỗi triều đại thành lập từ Lý, Trần, Lê đều có pháp chế riêng cho mỗi triều đại mà đầy đủ hơn cả là Bộ luật Hồng Đức (đời Lê)… Thế nên, ta ra lệnh cho triều thần lấy luật lệ của các triều đại nước ta làm căn cứ, tham chiếu Luật Hồng Đức và Luật Thanh Triều, rút lấy, thêm bớt, cân nhắc, biên tập thành bộ luật tiện dụng”.[3] Rõ ràng, vua Gia Long đã không nói chung chung mà chỉ đích danh phải tham khảo Quốc triều Hình luật và xem đây là bộ luật đầy đủ nhất.
Từ các tư liệu lịch sử, có thể khẳng định, Quốc triều Hình luật là công trình pháp luật mẫu mực trong chế độ phong kiến Việt Nam mà các bộ luật sau đó đã có sự tham chiếu kế thừa.
Xem thêm bài viết về “Pháp điển hóa”
- [SO SÁNH] Phân biệt tập hợp hóa và pháp điển hóa pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam – TS. Ngô Quốc Chiến
2. Quốc triều Hình luật – bộ tổng luật điều chỉnh các quan hệ xã hội
Quốc triều Hình luật là một bộ luật lớn với 722 điều, chia thành 13 chương, có đánh số chương, điều và đặt tên cho từng chương, điều. Dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, Quốc triều Hình luật đã được pháp điển hóa một cách kiên trì và mạnh mẽ. Công trình này được đời sau đánh giá cao là bởi vì cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp đều hơn hẳn các bộ luật khác trong thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Xét một số nội dung, Quốc triều Hình luật chứa đựng nhiều quy định nhân văn, tiến bộ vượt trội so với ý thức hệ phong kiến đương thời. Có được nội dung tiến bộ đó bởi trong quá trình “san định luật lệ cho thích dụng với thời thế biến thành điều khoản”, những người soạn thảo đã kế thừa, tiếp thu và phát triển những giá trị pháp lý vốn có ở trong và ngoài nước qua các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc.
Tư tưởng nhân văn cao cả của Quốc triều Hình luật là bảo vệ quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, người già, người tàn tật, người cô đơn và tầng lớp bình dân ở địa vị thấp nhất của xã hội. Các quyền bình đẳng nam, nữ trong một số quan hệ hôn nhân, tài sản, thừa kế thông qua việc bảo vệ các quyền của người phụ nữ về quyền ly hôn của người vợ.[4]
Nội dung của bộ luật phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội Việt Nam, thể hiện sâu đậm đặc thù, tâm sinh lý, tập quán, truyền thống tốt đẹp của xã hội Việt Nam. Đơn cử, Quốc triều Hình luật cũng quy định về thập ác (10 tội ác đặc biệt nguy hiểm), bát nghị (8 điều xét nghị giảm), ngũ hình (5 hình phạt) giống pháp luật triều Đường, triều Minh (Trung Quốc) nhưng với rất nhiều quy định về các tội danh đã được sửa đổi, bổ sung, thêm bớt cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tập quán, truyền thống đạo đức của con người Việt Nam. Ví dụ, “thập ác” (theo quan niệm ngày nay là 10 tội đặc biệt nghiêm trọng), theo luật nhà Đường quy định thì khi cha mẹ còn sống, con phải sống chung với cha mẹ, nếu bỏ cha mẹ xây dựng gia đình ra ở riêng là bất hiếu thuộc về một trong các tội “thập ác”. Ngược lại, Quốc triều Hình luật lại không coi là tội. Theo đó, con cái được phép xây dựng gia đình riêng khi cha mẹ vẫn còn sống. Chính vì thế, giáo sư Insun Yu đã đưa ra nhận xét: “Quốc triều Hình luật nhà Lê có 249 điều giống luật nhà Đường và 68 điều vay mượn từ luật nhà Minh, nhưng còn 456 điều của Quốc triều Hình luật thì không tìm thấy trong hai bộ luật đó của các triều đại phong kiến Trung Hoa”.[5] Theo quan niệm cổ điển, các điều thuộc về dân luật thường không được nhà làm luật phương Đông quy định, cũng không nói rõ ràng về cách thức thảo các văn tự, chứng thực, chúc thư, không định rõ về chế độ tài sản của vợ chồng trong lúc sinh thời cũng như trong khi góa bụa, không ấn định minh bạch các việc thừa kế. Trong khi đó, ba điều 374, 375, 376 thuộc mục “điền sản mới tăng thêm” của Quốc triều Hình luật lại ghi rất rõ những nội dung này. Về luật thừa kế, luật nhà Lê cũng giải thích cặn kẽ. Các điều về hương hỏa đã đề cập đến một chế độ hoàn toàn Việt Nam, không hề thấy trong luật nhà Đường, nhà Minh.[6]
Không như các bộ luật ngày nay, Quốc triều Hình luật có nội dung điều chỉnh rất rộng mà nhiều người xem là một bộ tổng luật. Bởi nội dung của nó điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội, bao gồm quy định của nhiều ngành luật như: hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, tố tụng, đất đai… Bộ tổng luật mang tính đa ngành luật là một phương tiện thuận lợi cho việc tra cứu, thực hiện và áp dụng pháp luật.
Trước hết, Quốc triều Hình luật là bộ tổng luật, chứa đựng quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật, nhưng đều được trình bày theo kỹ thuật lập pháp của luật hình sự. Điều này có nghĩa trong từng điều luật đều được xác định hành vi vi phạm và chế tài. Ở mỗi điều luật đều mô tả các dấu hiệu của hành vi và nếu vi phạm thì đều phải chịu chế tài tương ứng, tùy theo hành vi vi phạm nặng, nhẹ. Ngoài các chế tài hình sự mang tính đặc trưng, bộ luật còn chứa đựng các chế tài dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình. Bên cạnh hệ thống hình phạt ngũ hình: xuy hình (đánh roi), trượng hình (đánh bằng trượng), đồ hình (giam cầm và khổ dịch), lưu hình (đầy đi phương xa), tử hình (tội chết), Quốc triều Hình luật còn có các chế tài dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình như phạt tiền hay chế tài hành chính, phạt biếm hoặc bãi chức.[7] Điều 122 quy định phàm nhận được chế, sắc phải thi hành, việc gì mà làm trái đi thì phải tội đồ, làm sai thì xử tội biếm hay phạt[8]). Có thể nói, trong 722 điều của Quốc triều Hình luật, ngoài các quy định có tính chung, nguyên tắc ra thì hầu hết các điều luật nào đi liền với việc mô tả hành vi và tương ứng với nó nếu vi phạm đều có quy định về chế tài xử lý tương ứng. Có những điều luật quy định không những chế tài hình sự mà còn cả các chế tài dân sự, hành chính. Chế tài là một bộ phận không thể thiếu trong từng điều luật đi liền với từng điều luật là một đặc trưng của các bộ luật trong thời kỳ phong kiến, đặc biệt là Bộ tổng luật Hồng Đức thể hiện nhu cầu áp dụng pháp luật thống nhất tạo thuận tiện và dễ dàng trong việc thực hiện và áp dụng.
Hai là, pháp điển hóa Quốc triều Hình luật là quá trình chắt lọc để thu hút, kế thừa và phát triển các giá trị tiến bộ và phù hợp trong các quy định pháp luật của các triều đại Lý – Trần, nhất là các quy định pháp luật của các vua Lê trước đó (trước vua Lê Thánh Tông). Đây là đặc trưng vô cùng quan trọng trong công tác pháp điển hóa được thể hiện trong Quốc triều Hình luật.
Thông qua các chiếu dụ và thực tiễn áp dụng pháp luật được ghi chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư hay Lịch triều hiến chương loại chí cho thấy Quốc triều Hình luật đã có sự kế thừa, phát triển một số giá trị phù hợp trong Hình thư thời Lý và Hình luật thư đời Trần. Cụ thể, hình phạt đồ được quy định thêm, trở thành hình phạt đồ và lưu (hình phạt đồ được quy định nhẹ hơn so với hình phạt đồ thời Lý – Trần, còn hình phạt lưu là hình phạt bổ sung ba mức độ – ba bậc lưu khác nhau). Quốc triều Hình luật cũng sử dụng hình phạt tiền nhưng với ba bậc cao thấp khác nhau, cao nhất là từ 300 – 500 quan và điều đáng lưu ý là hình phạt tiền được sử dụng khá phổ biến có tới 166/ 722 điều (chiếm 23%) điều khoản quy định biện pháp phạt tiền (chủ yếu là áp dụng đối với hàng quan lại không hoàn thành công vụ và được xem là một chế tài độc lập). Luật nhà Trần quy định che giấu tội phạm chỉ những người là vợ chồng, cha con (theo Chiếu năm 1315), nhưng Quốc triều Hình luật đã mở rộng diện che giấu tội phạm cho nhau sang cả những người thân thuộc, phải để tang 9 tháng trở lên, đồng thời quy định cụ thể các tội mà người thân thuộc có nghĩa vụ phải tố cáo nhau (các điều 39, 504).
Ba là, song song với việc tập hợp, lựa chọn các quy định pháp luật đã ban hành qua các triều vua trước, Quốc triều Hình luật còn có nhiều quy định mới được đặt ra xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ. Ví như xuất phát từ nhu cầu bảo vệ vững chắc đất nước, hơn ai hết Lê Thánh Tông đã thấy mối họa to lớn của nạn ngoại xâm. Năm 1460, chưa đầy một tháng từ khi lên ngôi, ông đã ra chỉ dụ là đặt nhiệm vụ giữ nước lên vị trí hàng đầu, tiếp đến vào ngày 11/ 10 cùng năm, vua lại ra Sắc chỉ cho các quan phủ, lộ, trấn, châu, huyện rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được. Phải cương quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo có thể sai sứ sang tận triều đình của họ biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.[9] Xuất phát từ các quan điểm đó của Lê Thánh Tông, Quốc triều Hình luật đã thể chế thành nhiều điều luật về việc đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện canh phòng nghiêm ngặt các quan ải, vùng biên, đường biên. Các hành vi xâm phạm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, bị trừng trị nghiêm khắc. Đó là các quy định: “người trốn qua cửa quan ra khỏi biên giới đi sang nước khác thì bị chém” (Điều 71) hoặc “sứ thần đi ra nước ngoài hay sứ thần nước ngoài vào trong nước mà trò chuyện riêng hoặc lấy của hối lộ mà tiết lộ công việc của nhà nước đều bị chém. Các vị chánh, phó sứ và các nhân viên cùng đi, biết mà cố ý dung túng thì cũng cùng một tội. Nếu không biết thì được giảm tội” (Điều 79).
Bốn là, cùng với chọn lọc kế thừa các quy định pháp luật đã có, đặt ra các quy định mới xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn mới là khuynh hướng chính trong pháp điển hóa, hệ thống hóa Quốc triều Hình luật. Ngoài ra, qua các tư liệu lịch sử cũng cho thấy một khuynh hướng khác là tìm kiếm các giá trị tốt đẹp trong các quy phạm đạo đức, tập quán truyền thống của cư dân để kế thừa, phát triển thành các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật. Đó chính là những tập quán truyền thống tốt đẹp trong các quan hệ gia đình, quan hệ làng xã được kế thừa và phát triển trong Quốc triều Hình luật. Có thể nói, Quốc triều Hình luật đã có những điều quy định rất rõ ràng về nghĩa vụ đắp đê, tu bổ đê, bảo vệ đê của công dân và những nhà chức trách.[10] Trong đó có nhiều quy định dựa trên những hương ước, tập tục làng xã được hệ thống hóa phát triển nâng lên thành luật.
Trong quá trình pháp điển hóa, Quốc triều Hình luật còn phản ánh sâu sắc, sự kết hợp chặt chẽ giữa Nho giáo và phong tục tập quán truyền thống, giữa pháp luật với tục lệ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa điều chỉnh bằng pháp luật với điều chỉnh bằng các quy phạm đạo đức và quy phạm tập quán. Điều 40 Quốc triều Hình luật quy định: “những người miền Thượng du cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người Thượng du phạm tội với người Trung Châu thì theo luật mà định tội”. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, Quốc triều Hình luật kế thừa nhiều phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức của dân tộc, ví dụ: như các quy định về các nghi lễ kết hôn như lễ chạm mặt, lễ dẫn đồ cưới, lễ đón dâu. Đặc biệt là quyền bình đẳng nam nữ trong một số quan hệ hôn nhân, tài sản, thừa kế thông qua việc bảo vệ quyền của người phụ nữ. Điều 374, 375 và 376 quy định tài sản gia đình bao gồm ba loại: một là tài sản chồng được thừa kế từ gia đình mình, hai là tài sản vợ được thừa kế từ gia đình mình, ba là tài sản chung do cả hai vợ chồng cùng kiếm được sau khi lấy nhau. Điều 375 về quyền thừa kế quy định: “nếu một trong hai người mất đi mà không có con, thì tài sản được chia theo quy định thừa kế sau đây:
+ Một nửa tài sản của người vợ hay chồng đã mất được chuyển cho gia đình của người ấy để duy trì cúng giỗ của người ấy.
+ Nửa còn lại của tài sản người đã mất được chia cho người vợ hoặc chồng còn sống để sinh tồn.
+ Khi người vợ hay chồng còn sống nay mất thì nửa số tài sản đó lại chuyển cho gia đình người vừa mất.
+ Khi tái kết hôn, người vợ còn sống mất quyền hưởng hoa lợi của nửa tài sản dành cho người đó vốn là của người chồng đã mất trước đó, nhưng nếu người chồng còn sống mà tái kết hôn thì vẫn được hưởng hoa lợi từ nửa tài sản của người vợ mất trước đó dành cho người chồng.
+ Tài sản mới kiếm được kể từ khi kết hôn được chia làm hai phần, một nửa dành cho vợ hay chồng còn sống để làm tài sản của người đó, còn phần kia dành cho người chết.
+ Trong phần tài sản mới kiếm được dành cho người đã chết thì 1/3 được dành cho cha mẹ (nếu cha mẹ đã chết thì dành cho các thành viên khác trong gia đình đó) để duy trì sự cúng giỗ cho người ấy.
+ Hai phần ba còn lại của nửa nói trên được dành cho người vợ hoặc người chồng còn sống để hưởng hoa lợi trong lúc còn sống.
+ Còn về quyền sở hữu của hai phần ba đó sau khi người vợ hay chồng còn sống mất đi hoặc tái kết hôn thì các quy tắc 3 và 4 nói trên được áp dụng”.[11]
Các quy định trên chính là sự kế thừa và phát triển một cách hài hòa, sâu sắc truyền thống đạo đức tốt đẹp, đề cao vai trò bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình, trong việc thờ cúng những người đã mất.
Năm là, kỹ thuật soạn thảo Quốc triều Hình luật đạt đến trình độ cao vừa đủ cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng lại vừa đủ bao quát được nhiều quan hệ có liên quan nhau. Vì thế, bộ luật có tác dụng điều chỉnh sâu rộng, có sức sống lâu dài trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội. Các điều luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai… quy định rất cụ thể, thuận tiện cho việc áp dụng. Các quy định về hình sự, hầu hết đều được thể hiện bằng việc mô tả giả định, quy định và chế tài với khung hình phạt đủ rộng để không thể tùy tiện trong áp dụng. Các chương, điều sắp xếp rất hợp lý, thuận tiện cho việc tra cứu, thực hiện.
3. Kế thừa những kinh nghiệm quý của Quốc triều Hình luật trong hoạt động lập pháp
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta đã phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội về cơ bản đã có luật điều chỉnh, nhiều bộ luật đồ sộ đã ra đời. Tuy nhiên vì phải khẩn trương đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn nên hệ thống pháp luật mới chú trọng phát triển theo chiều rộng (nhiều về số lượng để đảm bảo đủ luật trên các lĩnh vực) mà chưa chú trọng nhiều theo chiều sâu (đảm bảo chất lượng). Vì vậy, nâng cao kỹ thuật lập pháp để có những bộ luật, đạo luật thực sự trở thành rường cột, ổn định lâu dài, đủ sức đảm đương vai trò là phương tiện hàng đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội; trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực là nhiệm vụ không kém phần quan trọng hiện nay. Trong điều kiện đó, việc nghiên cứu, tìm kiếm các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa của Quốc triều Hình luật để có thể kế thừa và phát triển trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý nghĩa thiết thực.
Từ phân tích các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa của Quốc triều Hình luật, có thể rút ra một số bài học cho công tác pháp điển hóa, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp sau đây:
Một là, pháp luật của nước ta hiện nay trên cùng một lĩnh vực của các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng rất nhiều văn bản pháp luật đơn hành bao gồm từ các đạo luật, bộ luật, pháp lệnh đến rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Điều đó không tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo và rất khó khăn trong thực hiện và áp dụng pháp luật. Vì vậy, nên chăng theo kinh nghiệm của Quốc triều Hình luật cần phải pháp điển hóa thành bộ tổng luật chứa đựng trong đó nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau. Từ các quy định thuộc luật kinh tế, dân sự, lao động… đến các quy định thuộc luật hành chính, hình sự điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất. Trong quá trình đó, vừa căn chỉnh loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo không phù hợp và bổ sung những quy định mới. Hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay cần kế thừa và phát triển kinh nghiệm này của Quốc triều Hình luật để có những bộ luật lớn có tính chất tổng luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội gần gũi nhau trong một lĩnh vực, hạn chế việc ban hành các đạo luật đơn hành có phạm vi điều chỉnh hẹp như kỹ thuật lập pháp hiện nay.
Hai là, một đặc điểm khá phổ biến trong lập pháp hiện nay ở nước ta là các điều luật chỉ là các quy định mang tính nguyên tắc, mà không có chế tài gắn liền với các quy định đó. Chế tài thường là các quy định trách nhiệm chung chung, phải xem và vận dụng ở một văn bản khác. Chính vì chế tài không gắn liền với một quy định trong một quy phạm pháp luật nên pháp luật vừa thiếu cụ thể, vừa khó khăn trong việc áp dụng, hạn chế tính bắt buộc chung của pháp luật. Ngược lại, ở các điều luật trong Quốc triều Hình luật, chế tài bao giờ cũng gắn chặt với quy định ngay trong một điều luật, đó có thể là chế tài hình sự, hành chính hay chế tài dân sự, hôn nhân gia đình. Kỹ thuật lập pháp này vừa làm cho các điều luật rất rõ ràng, minh bạch và cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật, lại vừa làm cho các quy định pháp luật có hiệu lực thực thi rất cao trong đời sống xã hội. Kỹ thuật lập pháp này càng cần được kế thừa và phát triển trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay.
Ba là, hoạt động pháp điển hóa không chỉ là quá trình hệ thống hóa, tập hợp hóa để loại bỏ những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp, bổ sung, nâng cấp những điều luật đã có và đặt ra các quy phạm pháp luật mới mà trong quá trình đó, còn phải tìm kiếm các giá trị mới mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ để kịp thời thể chế hóa. Theo kinh nghiệm pháp điển hóa của Quốc triều Hình luật, đó là các giá trị trong đạo đức, tập quán truyền thống trong hương ước làng xã… Những giá trị này được kịp thời thể chế hóa thành luật làm cho luật sẽ dễ đi vào cuộc sống, trở thành thói quen, thành sức mạnh bắt buộc chung của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì thế, đây là kinh nghiệm cần được kế thừa trong quá trình lập pháp hiện nay của nước ta.
Bốn là, các điều luật trong pháp luật nước ta còn rất dài dòng, thiếu chi tiết, cụ thể, vừa trừu tượng lại vừa thiếu tính bao quát nên rất khó nhớ, khó thực hiện. Quốc triều Hình luật là mẫu mực của các quy định, vừa cụ thể, chi tiết, vừa đủ bao quát nên rất dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống, hiệu lực thực thi lâu dài. Vì thế xét về phương diện kỹ thuật thể hiện cần phải kế thừa kinh nghiệm quý báu này trong hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay.
CHÚ THÍCH
[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập III, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Nxb. Sử học, 1961, tr. 94.
[2] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập III, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình Luật chí, Nxb. Sử học, 1961, tr. 95.
[3] Nguyễn Quốc Thắng, Lược khảo Hoàng Việt luật lệ (tìm hiểu Luật Gia Long), Nxb. Văn hóa thông tin, 2002, tr. 213.
[4] Ví dụ, Điều 308 Quốc triều Hình luật quy định: “phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn một năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm”.
[5] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 67.
[6] Vũ Văn Mẫu, Dân Luật khái luận, Nxb. Bộ Quốc gia giáo dục, 1960, tr. 248.
[7] Điều 6 quy định những người thuộc về nghị thân mà phạm tội thì họ tôn thất, họ hoàng thái hậu đều được miễn những tội đánh roi, đánh trượng, thích mặt; họ hoàng hậu thì được chuộc bằng tiền. Điều 14 quy định những quan viên, quân dân phạm tội nếu vì sự sơ suất lầm lỗi từ tội lưu trở xuống thì cho chuộc bằng tiền.
[8] Điều 220 quy định khi có chiếu lệnh triều đình ban xuống mà các quan ty không sao lục và niêm yết ra để hiển thị cho quân dân biết rõ đức ý của vua, lại coi thường chiếu lệnh ấy là lời hão thì bị phạt biếm hay bãi chức…
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, tập 1 và 2, Bản dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr. 112.
[10] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông – vị vua anh minh, nhà cách mạng vĩ đại, Nxb. Tư pháp, 2007, tr. 156.
[11] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 165.
- Tác giả: GS.TS.Trần Ngọc Đường
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(113)/2018 – 2018, Trang 3-8
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời