Phân tích sự biến đổi của chính thể quân chủ qua các kiểu nhà nước
- Hình thức chính thể là gì? Phân biệt chính thể quân chủ với cộng hòa
- Phân tích các đặc điểm của Bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam
- Nguyên tắc Bộ máy nhà nước tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật
- Nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân trong bộ máy nhà nước
- Nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước
- Phân loại cơ quan nhà nước. Cho ví dụ?
- [SO SÁNH] Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức khác
- Phân tích khái niệm và đặc điểm của Cơ quan nhà nước
- Bộ máy nhà nước là gì? Mối liên hệ với chức năng của nhà nước
- Chức năng Nhà nước là gì? Phân tích Chức năng của nhà nước?
Chính thể quân chủ tồn tại trong ba kiếu nhà nước chủ nô, phong kiến và tư sản, song biểu hiện của chính thể này trong mỗi kiểu nhà nước lại có những nét riêng.
1 – Trong nhà nước chủ nô
Chính thể quân chủ chỉ có dạng quân chủ chuyên chế (tuyệt đối) và chủ yếu tồn tại ở phương Đông. Quân chủ chuyên chế (tuyệt đối) là chính thể mà về mặt pháp lý, nhà vua có quyền lực tối cao và vô hạn trong cả ba lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp, không bị chia sẻ cho ai và cũng không chịu một sự hạn chế nào.
Ở phương Tây, chính thể quân chủ hĩnh thành tương đối muộn, nó thường thế hiện đan xen với chính thể cộng hòa.
2 – Trong nhà nước phong kiến
Chính thể quân chủ chiếm ưu thế tuyệt đối và có cả hai dạng: Quân chủ chuyên chế và quân chủ hạn chế.
Ở phương Đông, hầu hết các nhà nước đều có chính thể quân chủ tuyệt đối.
Ở phương Tây, chính thể quân chủ có các dạng khác nhau như quân chủ phân quyền cát cứ, quân chủ đại diện đẳng cấp và quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Quyền lực của nhà vua khác nhau trong các dạng chính thể này.
Trong chính thể quân chủ phân quyền cát cứ thì về mặt pháp lý, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhà vua, các lãnh chúa đứng đầu các lãnh địa đều phải tuyệt đối thần phục vua, phải nộp thuế, triều cống cho vua. Song thực tế, sự thần phục đó dần dần chỉ còn là hình thức, vì khi vua phong đất là phong luôn cả quyền lực kinh tế lẫn quyền lực chính trị cho họ. Quyền lực của vua trong các lãnh địa ngày càng suy yếu dần, quyền lực của lãnh chúa, quý tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, họ trở nên có toàn quyền trong lãnh địa của mình, tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa của vua, không phục tùng vua và thậm chí còn khống chế cả nhà vua ở trung ương. Nhà nước phong kiến trở thành tương tự như liên minh của các quốc gia nửa độc lập.
Trong chính thể quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền thì quyền lực tập trung trong tay nhà vua ở trung ương, về mặt pháp lý, nhà vua có quyền lực tối cao và vô hạn trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, không bị chia sẻ cho ai và không phải chịu một sự hạn chế nào. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy, nhiều khi vua bị khống chế bởi những thế lực nhất định như thái hoàng, thái hậu, tể tướng…
Ở phương Đông, chính thể này gần như là duy nhất. Ở phương Tây, chính thể này hình thành ở giai đoạn cuối của chế độ phong kiến. Một số nhà nước phong kiến phương Đông (Ví dụ Việt Nam) thì hầu như không có giai đoạn phân quyền cát cứ mà chỉ có chính thể quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Chính thể quân chủ đại diện đẳng cấp hình thành ở châu Âu thời kỳ phong kiến, vào thế kỷ XIII, XIV. Trong chính thể này, đứng đầu nhà nước là vua, lên ngôi theo nguyên tắc thế tập, bên cạnh vua là cơ quan gồm đại diện của các đẳng cấp khác nhau trong xã hội để chia sẻ quyền lực với vua và hạn chế quyền lực của vua. Cơ quan này là nơi để vua trao đổi ý kiến về công việc của quốc gia, nó có quyền khuyến nghị, tư vấn cho nhà vua các công việc của quốc gia, nhất là lĩnh vực về thuế và lập pháp, nó chính là tiền thân của nghị viện sau này. Ở Anh, cơ quan này gồm đại diện của ba đẳng cấp là quý tộc, dân cư các thành phố và dân cư các tỉnh; ở Pháp, cơ quan này gồm đại diện của ba đẳng cấp: Quý tộc, tăng lữ và bình dân.
3 – Trong các nhà nước tư sản
Chính thể quân chủ vẫn còn cả hai hình thức quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế, song chính thể quân chủ là chủ yếu với hai dạng cụ thể là quân chủ nhị hợp và quân chủ đại nghị.
a – Chính thể quân chủ tuyệt đối
Chính thể quân chủ tuyệt đối chỉ còn tồn tại trong phạm vi hẹp, đó là ở một số Vương quốc Hồi giáo như: Ảrập Xêut, Brunây, Ôman và đó là quân chủ lập hiến nên biểu hiện không hoàn toàn giống với chính thể quân chủ chuyên chế trong nhà nước phong kiến. Ở đây, mặc dù có Hiến pháp song quyền lực tập trung vào tay Quốc vương Hồi giáo. Quốc vương kiêm cả chức Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tống tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ trưởng Tài chính; nắm cả quyền lập pháp và hành pháp; thực hiện quyền lực tối cao với sự giúp việc và tư vấn của năm Hội đồng theo quy định của Hiến pháp.
b – Chính thể quân chủ nhị hợp
Chính thể quân chủ nhị hợp có các đặc trưng cơ bản:
– Quyền lực nhà nước về cơ bản được chia cho nghị viện và do vua nắm giữ, trong đó nghị viện nắm quyền lập pháp, vua nắm quyền hành pháp, vì thế, quyền lực của vua bị hạn chế trong lĩnh vực lập pháp nhưng được mở rộng trong lĩnh vực hành pháp.
– Vua vừa đứng đầu quốc gia, vừa đứng đầu chính phủ, có toàn quyền bổ nhiệm các bộ trưởng.
– Vua có quyền phủ quyết các dự luật do nghị viện thông qua, ngược lại, nghị viện có quyền luận tội nhà vua và các bộ trưởng.
– Bộ trưởng được gọi là bộ trưởng của nhà vua, vừa phải chịu trách nhiệm trước nghị viện, vừa phải chịu trách nhiệm trước vua. Nếu bị nghị viện bất tín nhiệm, bộ trưởng phải từ chức, nếu bị vua bất tín nhiệm, bộ trưởng cũng phải từ chức.
Chính thể này tồn tại ở Anh trong thế kỷ XVII, XVIII; ở Đức theo Hiến pháp năm 1871; ở Nhật theo Hiến pháp năm 1889.
c – Chính thể quân chủ đại nghị hay nghị viện
Chính thể quân chủ đại nghị hay nghị viện có các đặc trưng sau:
– Quyền lực của vua bị hạn chế trong cả lập pháp lẫn hành pháp, vì quyền lập pháp thuộc về nghị viện, quyền hành pháp thuộc về chính phủ mà đứng đầu là thủ tướng.
– Quyền lực của vua chỉ là hình thức, nghi lễ và tượng trưng. Vua là nguyên thủ quốc gia – người đại diện chính thức cho quốc gia, dân tộc trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, nhưng không trực tiếp giải quyết các công việc nhà nước, không có thực quyền. Hoạt động cửa vua là sự chính thức hoá về mặt nhà nước các hoạt động “đã rồi” của nghị viện và chính phủ, tức là vua chỉ “ngự trị nhưng không cai trị”.
– Vua là biểu tượng cho truyền thống và sự vững bền của dân tộc, sự thống nhất của quốc gia.
– Nhà vua được hưởng những đặc quyền nhất định.
– Chính phủ được hình thành bằng con đường nghị viện dựa trên kết quả bầu cử nghị viện (hạ nghị viện). Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện và thủ tướng.
Chính thể này đang tồn tại ở Anh, Nhật, Thụy Điển…
Ở nhà nước xã hội chủ nghĩa, chính thể quân chủ không còn tồn tại mà chỉ còn chính thể cộng hòa dân chủ.
Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời