Mục lục
Chủ thể quan hệ pháp luật là gì? Phân tích khái niệm chủ thể quan hệ pháp luật. Cho ví dụ?
- [SO SÁNH] Phân biệt quan hệ pháp luật với quan hệ xã hội khác
- [SO SÁNH] Phân biệt “Tập hợp hóa” với “Pháp điển hóa” pháp luật
- Quan hệ pháp luật là gì? Các đặc điểm của quan hệ pháp luật?
- Phân tích mục đích, ý nghĩa của hệ thống hoá pháp luật
- Phân tích các nguyên tắc của hoạt động xây dựng pháp luật
- Xây dựng pháp luật là gì? Phân tích khái niệm xây dựng pháp luật?
- Cấu trúc của hệ thống pháp luật thực định là gì?
- Hệ thống pháp luật là gì? Phân tích khái niệm hệ thống pháp luật?
- 5 Cách thức thể hiện quy phạm pháp luật trong VBQPPL
- Ý nghĩa của từng bộ phận trong cơ cấu quy phạm pháp luật
1 – Chủ thể quan hệ pháp luật là gì?
Chủ thể quan hệ pháp luật là các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào QHPL, có các quyền và nghĩa vụ pháp lý do nhà nước quy định hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện.
Định nghĩa trên cho thấy, chủ thể của QHPL chỉ gồm những tổ chức và cá nhân có đủ các điều kiện do pháp luật quy định, tức là có năng lực chủ thể.
2 – Về năng lực chủ thể của QHPL
Năng lực chủ thể của QHPL là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận là có thể tham gia vào quan hệ pháp luật một cách chủ động và độc lập.
Năng lực chủ thể của QHPL bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật.
a – Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận là có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật.
Thời điểm phát sinh và chấm dứt năng lực pháp luật của chủ thể được pháp luật quy định khác nhau giữa cá nhân và tổ chức cũng như giữa các quan hệ pháp luật khác nhau.
Cụ thể: Đối với chủ thể là cá nhân thì trong nhiều quan hệ pháp luật, năng lực pháp luật của họ phát sinh từ khi họ sinh ra và chấm dứt khi họ chết, ví dụ quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ thừa kế tài sản… Song có những quan hệ pháp luật mà năng lực pháp luật của cá nhân chỉ phát sinh khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định.
Ví dụ: trong các quan hệ kết hôn, bầu cử, ứng cử, thành lập doanh nghiệp tư nhân…
Đối với chủ thể là tổ chức thì năng lực pháp luật của nó sẽ phát sinh khi nó được thành lập hoặc được công nhận và chấm dứt khi nó bị giải thể hoặc bị sáp nhập.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý Việt Nam. Ngày 10/11/1979, Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập là ngày năng lực pháp luật trong lĩnh vực đào tạo luật học của nó phát sinh và cũng là ngày năng lực đào tạo luật học của hai cơ sở đào tạo tạo nên nó chấm dứt.
Một tổ chức hoặc cá nhân cụ thể chỉ cần có năng lực pháp luật trong quan hệ pháp luật nào đó là có thể trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật đó. Ví dụ: một đứa trẻ ra đời, được cấp Giấy khai sinh là đã trở thành chủ thể trong quan hệ giữa công dân và nhà nước, trong quan hệ giữa cha mẹ và con, giữa ông bà và cháu… Song đứa trẻ đó chưa thế tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ công dân của nó mà chỉ có thể thực hiện thông qua người giám hộ vì nó chưa có năng lực hành vi pháp luật.
Do vậy, một tổ chức hoặc một cá nhân muốn trở thành chủ thể độc lập và chủ động trong một quan hệ pháp luật cụ thể, tức là có thể tự mình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ đó thì ngoài năng lực pháp luật, các chủ thể này còn phải có năng lực hành vi pháp luật.
b – Năng lực hành vi pháp luật là gì?
Năng lực hành vi pháp luật là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận là bằng hành vi của chính mình có thể xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.
Thời điểm phát sinh và chấm dứt năng lực hành vi pháp luật của chủ thể được pháp luật quy định khác nhau giữa cá nhân và Tổ chức cũng như giữa các quan hệ pháp luật khác nhau.
Đối với chủ thể là cá nhân thì năng lực hành vi pháp luật của họ không phát sinh từ khi họ sinh ra mà sẽ hình thành dần dần theo độ tuổi của họ và cá nhân sẽ được coi là có năng lực hành vi pháp luật đầy đủ khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển hình thường. Đó là độ tuổi mà sự phát triển về trí lực và thể lực đã cho phép chủ thể có thể tự mình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Độ tuổi đó là khác nhau trong các quan hệ pháp luật khác nhau tuỳ theo quy định cụ thể của pháp luật.
Ví dụ: Trong quan hệ học tập ở lớp 1 thì độ tuổi đó là đủ 6 tuổi trở lên, còn trong quan hệ dân sự thì độ tuổi đó là đủ 18 tuổi trở lên (trừ một số trường hợp đặc biệt). Cũng trong quan hệ dân sự, người từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là người có năng lực hành vi dân sự hạn chế, người dưới 6 tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự và người mất trí là người mất năng lực hành vi dân sự.
Năng lực hành vi pháp luật của cá nhân chấm dứt khi họ chết. Thời điểm có năng lực hành vi pháp luật và có năng lực hành vi pháp luật đầy đủ của chủ thể là cá nhân có thể giống nhau (ví dụ trong quan hệ học tập ở lớp 1) hoặc khác nhau (ví dụ trong quan hệ dân sự) tùy từng quan hệ pháp luật.
Đối với chủ thể là tổ chức thì nó sẽ có năng lực hành vi pháp luật đầy đủ khi nó được thành lập hoặc được công nhận, năng lực hành vi của tổ chức sẽ chấm dứt khi nó bị giải thể hoặc sáp nhập.
Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật của chủ thể có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó năng lực pháp luật giữ vai trò quyết định, nó là tiền đề, là cơ sở để tạo ra năng lực hành vi pháp luật. Chủ thể không có năng lực pháp luật trong quan hệ pháp luật nào thì đương nhiên sẽ không có năng lực hành vi pháp luật trong quan hệ pháp luật đó.
3 – Về chủ thể của quan hệ pháp luật
Chủ thể của quan hệ pháp luật gồm: Cá nhân và tổ chức. Chủ thể là cá nhân gồm ba loại là công dân, người nước ngoài và người không quốc tịch cư trú và làm ăn sinh sống ở nước sở tại, trong đó năng lực pháp luật của công dân nước sở tại rộng hơn nhiều so với công dân nước ngoài, người không quốc tịch; công dân nước sở tại có thể trở thành chủ thể của hầu hết các quan hệ pháp luật, còn người nước ngoài, người không quốc tịch chỉ được tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định khi được pháp luật cho phép.
Chủ thể là tổ chức gồm nhà nước, cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức phi nhà nước và pháp nhân. Tổ chức là tập thế người liên kết chặt chẽ với nhau để thực hiện các hoạt động chung nhằm đạt được những mục đích nào đó. Trong số các tổ chức nói trên có tổ chức là pháp nhân, có tổ chức không phải là pháp nhân. Cụ thể:
– Nhà nước: Là chủ thể đặc biệt của nhiều quan hệ pháp luật, trong đó có những quan hệ chỉ nhà nước mới là chủ thể có quyền.
Ví dụ: đại diện chính thức cho quốc gia, dân tộc trong các quan hệ đối nội và đối ngoại thì chỉ nhà nước mới là chủ thể có quyền.
– Cơ quan, tổ chức nhà nước: Có thể trở thành chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật và là chủ thể không thể thiếu trong những quan hệ có liên quan tới việc thực hiện thẩm quyền của chúng.
Ví dụ: trong quan hệ lập pháp thì Quốc hội hoặc Nghị viện sẽ là chủ thể không thể thiếu vì lập pháp là thẩm quyền của các cơ quan này.
– Các tổ chức phi nhà nước: Có thể trở thành chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật, đặc biệt là những quan hệ có liên quan tới việc bảo vệ lợi ích của các hội viên của chúng.
Ví dụ: tổ chức đoàn thanh niên thường tích cực tham gia vào những quan hệ pháp luật có liên quan đến việc bảo vệ lợi ích của các đoàn viên.
– Pháp nhân: Là tổ chức do nhà nước thành lập hoặc thừa nhận, có thể trở thành chủ thể độc lập trong những quan hệ pháp luật nhất định.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội là một pháp nhân trong lĩnh vực đào tạo cử nhân luật học, thạc sĩ luật học và tiến sĩ luật học.
Theo pháp luật Việt Nam, một tổ chức sẽ được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:
+ Được thành lập một cách hợp pháp, tức là được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận; có tên gọi riêng.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội là do Nhà nước thành lập vì được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) với tên gọi Trường Đại học Pháp lý Hà Nội.
+ Có cơ cấu tổ chức thống nhất và hoàn chỉnh, thể hiện ở sự tồn tại của cơ quan lãnh đạo và các bộ phận cấu thành của nó.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội có cơ cấu tổ chức thống nhất và hoàn chỉnh, bao gồm Ban Giám hiệu, các khoa, phòng, ban…
+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội có tài sản hoàn toàn độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và có thể tự mình chịu trách nhiệm khi tham gia vào các giao dịch tài sản với các chủ thể khác.
+ Nhân danh mình tham gia vào các QHPL một cách độc lập.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội có thể nhân danh chính nó để tham gia vào tất cả các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cử nhân luật học, thạc sĩ luật học và tiến sĩ luật học cho người học.
Ngoài pháp nhân trong nước còn có thể có pháp nhân nước ngoài. Ví dụ: các doanh nghiệp nước ngoài ở nước ta.
Trả lời