Mục lục
Quy phạm pháp luật là gì? Phân tích cơ cấu của quy phạm pháp luật? Cho ví dụ của từng cơ cấu quy phạm pháp luật?
- Quy phạm pháp luật là gì? Các đặc điểm của quy phạm pháp luật
- Hiệu lực theo không gian và đối tượng tác động của VBQPPL
- Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là nguồn quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam
- Ưu thế của văn bản quy phạm so với nguồn khác của pháp luật
- Ưu điểm và hạn chế của các loại nguồn của pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Phân tích khái niệm VBQPPL
- Án lệ là gì? Phân tích khái niệm tiền lệ pháp (Án lệ)
- Tập quán pháp là gì? Phân tích khái niệm tập quán pháp
- Nguồn của pháp luật là gì? Các loại nguồn của pháp luật
1 – Quy phạm pháp luật là gì?
Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng, mục đích của nhà nước.
2 – Cơ cấu của quy phạm pháp luật
Trong nội dung này chỉ đề cập cơ cấu của các quy phạm pháp luật được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật (chứ không phải án lệ hay tập quán pháp). Theo quan điểm truyền thống thì cơ cấu của quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận: Giả định, quy định và chế tài.
a – Giả định
Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống mà khi gặp thì mọi người cần phải xử sự theo quy định của pháp luật và chỉ rõ chủ thể nào cần phải xử sự trong điều kiện, hoàn cảnh đó. Phần này còn nêu lên những điều kiện, hoàn cảnh để áp dụng các biện pháp tác động của nhà nước và chỉ rõ chủ thể nào sẽ là đối tượng để áp dụng chế tài hoặc các biện pháp tác động khác của nhà nước. Vì vậy, bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thường trả lời cho các câu hỏi: Ai? Khi nào? Trong điều kiện, hoàn cảnh nào?
Ví dụ 1: khoản 1 Điều 63 Luật giáo dục đại học năm 2012 quy định: “Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phỉ đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam, thì sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo, nếu không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”
Trong quy phạm trên thì phần giả định của nó bao gồm hai đoạn viết là: “Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam, thì sau khi tốt nghiệp” và “nếu không chấp hành”.
Giả định của quy phạm pháp luật gồm có hai loại là đơn giản và phức tạp. Đơn giản là giả định chỉ nêu lên một điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong thực tế cuộc sống (chẳng hạn, giả định trong quy phạm thuộc ví dụ trên). Phức tạp là giả định nêu lên nhiều điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống và khi xảy ra tất cả các điều kiện, hoàn cảnh đó thì cá nhân, Tổ chức được đề cập mới chịu sự tác động của quy phạm. Ví dụ 2: Điều 19 Nghị định số 71/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trong trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng”. Giả định của quy phạm pháp luật trên là giả định phức tạp.
b – Quy định
Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên cách xử sụ hay quy tắc xử sự cho chủ thể khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm. Đây là phần trực tiếp thể hiện ý chí của nhà nước, là mệnh lệnh của nhà nước đối với các chủ thể, phần này thường chỉ rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do quy phạm điều chỉnh. Vì vậy, bộ phận quy định của quy phạm thường trả lời cho các câu hỏi: Được làm gì? Không được làm gì? Phải làm gì và làm như thế nào?
Trong quy phạm thuộc ví dụ 1, bộ phận quy định gồm các từ: “Phải chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo”.
Phần quy định của quy phạm bao gồm hai loại là dứt khoát và tùy nghi. Quy định dứt khoát là quy định chỉ nêu lên một xử sự rõ ràng, dứt khoát cho chủ thể. Ví dụ: phần quy định của quy phạm trong ví dụ 1 là quy định dứt khoát. Quy định tuỳ nghi là quy định nêu lên nhiều cách xử sự, cho phép chủ thể lựa chọn và thực hiện một trong các cách đó. Ví dụ 3: Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”. Bộ phận quy định của quy phạm này là cụm từ “có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung” và là quy định tùy nghi.
c – Chế tài
Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên các biện pháp cưỡng chế mang tính chất trừng phạt mà nhà nước dự kiến có thể áp dụng đối với các chủ thể được nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật khi họ vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý đã được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.
Chế tài của quy phạm pháp luật thường trả lời cho các câu hỏi: Chủ thể đuợc nêu trong phần giả định của quy phạm có thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi gì hoặc biện pháp cưỡng chế nào nếu vi phạm pháp luật; hoặc các chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể áp dụng những biện pháp cưỡng chế nào đối với các chủ thể vi phạm pháp luật?
Ở quy phạm được nêu trong ví dụ 1, cụm từ: “thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo” là bộ phận chế tài của quy phạm này.
Chế tài là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho các quy định (những đòi hỏi, yêu cầu) của pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế, bởi vì, nó nêu lên các biện pháp cưỡng chế nhà nước nhằm trừng phạt các chủ thể vi phạm pháp luật và nhằm răn đe, phòng ngừa sự vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong thực tế.
Chế tài của quy phạm pháp luật có thể cố định, tức là chỉ nêu lên một biện pháp cưỡng chế nhà nước, chẳng hạn, chế tài của quy phạm trong ví dụ 1; song cũng có thể là không cố định, tức là nêu lên nhiều biện pháp cưỡng chế nhà nước, cho phép các chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể lựa chọn và áp dụng một trong các biện pháp đó tùy theo mức độ vi phạm của chủ thể vi phạm. Ví dụ: khoản 1 Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau: “Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”
Trong quy phạm trên, bộ phận chế tài gồm các từ “thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” và là chế tài không cố định.
Chế tài của các quy phạm pháp luật còn có thể được chia thành các loại như: Chế tài hình sự (được quy định trong Bộ luật hình sự); Chế tài hành chính (được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử lý vi phạm hành chính); Chế tài kỷ luật (được quy định trong nhiều văn bản như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, nội quy, quy chế do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành…); Chế tài dân sự (được quy định trong Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự…).
Ngoài chế tài, để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, nhà nước còn quy định các biện pháp tác động khác như: khen thưởng, khuyến khích về vật chất, tinh thần hoặc các lợi ích khác cho các chủ thể có thành tích trong học tập, công tác, phục vụ…; các biện pháp pháp lý bất lợi nhưng không mang tính chất trừng phạt… Vì thế, bộ phận thứ ba của quy phạm pháp luật nên gọi là biện pháp tác động của nhà nước hay biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật thì sẽ bao quát và chính xác hơn.
Trên đây là cơ cấu của quy phạm pháp luật, riêng quy phạm xung đột là loại quy phạm pháp luật đặc biệt, không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể hoặc các biện pháp tác động của nhà nước đối với các chủ thể mà chỉ nêu lên văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc pháp luật của nước nào sẽ được lựa chọn để áp dụng thì cơ cấu của nó chỉ gồm hai phần là phạm vi và hệ thuộc. Trong đó phạm vi là phần nêu lên quan hệ xã hội nào sẽ được điều chỉnh bởi quy phạm đó, còn hệ thuộc là phần nêu lên văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc pháp luật của nước nào sẽ được lựa chọn để áp dụng.
Trả lời