Mục lục
Phân tích chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
- Chức năng Nhà nước là gì? Phân tích Chức năng của nhà nước?
- Phân tích chức năng kinh tế của Nhà nước CHXNCN Việt Nam
- Vai trò khoa học của Lý luận chung về nhà nước và pháp luật
- So sánh và Phân biệt nhà nước với các tổ chức xã hội khác
- Quan điểm của Mác -Lênin về nguồn gốc nhà nước
- Kiểu nhà nước là gì? Phân tích khái niệm kiểu nhà nước?
- Phân tích quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin về thay thế kiểu nhà nước
- Phân tích khái niệm và đặc trưng của nhà nước
- Phân tích tính giai cấp và tính xã hội của nhà nước
- Tính xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Thế nào là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”
1 – Tầm quan trọng của chức năng xã hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam
– Đây là một trong những chức năng cơ bản, chủ yếu, thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước Việt Nam hiện nay.
– Mục đích của việc thực hiện chức năng là mang lại lợi ích cho đại bộ phận nhân dân lao động, làm hình thành nền văn hóa mới, con người mới, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2 – Nội dung chức năng của Nhà nước CHXHCN Việt Nam
Chức năng xã hội khá phong phú, thể hiện ở một số lĩnh vực sau:
Về văn hóa:
– Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là xây dựng nền văn hóa mới, con người mới nhằm phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
– Thực hiện nhiệm vụ trên, Nhà nước thực hiện các hoạt động sau:
+ Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể;
+ Bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát triển các lễ hội để góp phần nâng cao sự hiểu biết cho nhân dân, làm cho nhân dân ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng;
+ Quan tâm đặc biệt đến việc làm hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa;
+ Thường xuyên chăm lo đến đời sống tinh thần của người dân nhằm hình thành nhân cách tốt cho thế hệ trẻ, có tấm lòng bao dung, sẵn sàng sẻ chia để từ đó có lối sống lành mạnh, góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội.
Về giáo dục, đào tạo:
– Giáo dục, đào tạo có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước nên Nhà nước hết sức coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, coi đó là quốc sách hàng đầu.
– Yới phương châm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước cần:
+ Dành phần ngân sách đầu tư thoả đáng cho giáo dục, đào tạo;
+ Mở rộng và hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông; thực hiện giáo dục toàn diện, trước hết là giáo dục nhân cách, đạo đức;
+ Không ngừng hiện đại hoá nội dung, chương trình; gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, coi trọng đào tạo nghề;
+ Mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo; tôn vinh nghề dạy học, chú trọng chất lượng nhà giáo…
– Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng trong việc tổ chức và quản lý nền giáo dục quốc dân, tuy nhiên thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn còn một số bất cập:
+ Chương trình học của cấp tiểu học cũng như các cấp phổ thông đang quá tải đối với học sinh;
+ Hoạt động giáo dục nặng về trang bị kiến thức lý thuyết mà chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện thể lực, kỹ năng sống, cũng như thực hành;
+ Giáo dục đại học cũng còn hạn chế, có nhiều cơ sở đào tạo và tình trạng chồng chéo ngành nghề dẫn đến sự lãng phí trong xã hội;
+ Việc đổi mới phương pháp giáo dục chậm thực hiện và chưa xứng tầm với thời đại…
– Hiện nay, để nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý giáo dục, Nhà nước cần:
+ Tổ chức và quản lý giáo dục một cách toàn diện, từ nội dung, chương trình học, đến thời gian học cũng như phương pháp dạy và học;
+ Chú trọng việc đào tạo và chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ giáo viên; tạo ra những người thầy có phẩm chất, năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn vững vàng để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển;
+ Tiếp tục thực hiện chính sách phổ cập giáo dục phổ thông; thực hiện xã hội hóa trong giáo dục; có chính sách học phí, học bổng thỏa đáng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục…
Về khoa học, công nghệ:
– Khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, bởi vì khoa học, công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội.
– Đối với nước ta, khoa học, công nghệ còn là động lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm và có chính sách đúng đắn, đảm bảo phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Cụ thể, Nhà nước cần:
+ Xây dựng và phát triển chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; đầu tư thoả đáng về cơ sở vật chất, kĩ thuật cho khoa học, công nghệ phát triển;
+ Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo cũng như ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ;
+ Phát triển đồng bộ các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ, xã hội, nhân văn;
+ Chú trọng đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, có chính sách ưu đãi trọng dụng nhân tài; gắn khoa học, công nghệ với giáo dục, đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng trong thực tiễn;
+ Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, thị trường chất xám, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
+ Phát hiện tài năng trẻ để đào tạo, đồng thời thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người tài, khuyến khích họ tận tâm nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước, tránh tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám đã từng xảy ra;
+ Thực hiện tốt việc hợp tác với các nước khác để tiếp thu những tiến bộ của khoa học, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào việc phát triển đất nước.
Về giai cấp, dân tộc, tôn giáo:
– Từng bước khắc phục sự khác nhau về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, giảm dần sự khác biệt giữa công nhân với nông dân, giữa lao động trí óc với lao động chân tay, giữa thành thị với nông thôn.
– Có chính sách tôn giáo, dân tộc hợp lý, đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm sự kỳ thị dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
– Có chính sách đảm bảo sự phát triển hài hòa của mọi vùng miền trong cả nước, ưu tiên phát triển ở những vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiếu số.
Về y tế, môi trường, phòng chống thiên tai:
Nhà nước cần mở rộng mạng lưới y tế, chú trọng đào tạo đội ngũ thầy thuốc; hiện đại hoá các cơ sở khám, chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; bảo vệ môi trường sống, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ khi xảy ra những thiệt hại cho nhân dân trong nông, lâm, ngư nghiệp…
Về dân số, lao động, việc làm, thu nhập:
Nhà nước cần có chính sách dân số phù hợp với khả năng của đất nước; bảo đảm việc làm đầy đủ, phù hợp, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; giải quyết đúng đắn vấn đề tiền lương và thu nhập của người lao động; điều tiết thu nhập nhằm làm giảm sự chênh lệch về mức sống, thu nhập và tài sản giữa các tầng lóp dân cư, góp phần ổn định xã hội…
Ngoài ra, nhà nước còn tổ chức và quản lí nhiều mặt khác của đời sống xã hội như thể thao, du lịch, vấn đề xoá đói, giảm nghèo, chăm lo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, việc phòng và chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi xã hội, chính sách đền ơn, đáp nghĩa…
Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời