Mục lục
Nhà nước phong kiến Việt Nam với công cuộc phòng chống tham nhũng
Tác giả: TS. Đỗ Đức Minh*
Tóm tắt:
Tham nhũng là một “căn bệnh của quyền lực” xuất hiện từ khá sớm trong xã hội loài người, từ khi xã hội phân chia quyền lực, hình thành giai cấp và nhà nước. Là “hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi” – một “căn bệnh” mà lực lượng cầm quyền thường mắc phải nên tham nhũng luôn là vấn nạn gắn với thiết chế nhà nước trong các thời đại lịch sử. Ở Việt Nam, từ thời phong kiến, cha ông ta đã sớm nhận diện được tác hại của tham nhũng và kiên quyết phòng chống tệ nạn này bằng nhiều biện pháp tích cực, lấy pháp luật làm công cụ chủ yếu.
Xem thêm bài viết về “Thời kỳ phong kiến“
- Quốc triều Hình luật – mẫu mực về pháp điển hóa trong thời kỳ phong kiến việt nam và bài học cho công tác pháp điển hóa, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp ở nước ta – GS.TS. Trần Ngọc Đường
1. Mở đầu
Là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử loài người, phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử, “phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội” (Hồ Chí Minh). Ở Việt Nam, chế độ phong kiến không những là giai đoạn phát triển tất yếu mà còn là giai đoạn lịch sử dài nhất trong quá trình phát triển của các chế độ xã hội có giai cấp, kể từ khi bắt đầu hình thành vào đầu thế kỷ thứ II tr.CN đến khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (giữa thế kỷ XIX). Cũng như nhiều nước khác, giai cấp phong kiến Việt Nam là giai cấp thống trị xã hội qua nhiều thế kỷ, tích lũy nhiều kinh nghiệm quản lý xã hội và tinh hoa. Là một bộ phận/nội dung quan trọng của đường lối trị nước nên ngay từ thời phong kiến, ông cha ta đã tìm ra những “phương thuốc điều trị” căn bệnh tham ô, tham nhũng.
2. Tham nhũng là hành vi nguy hiểm xâm hại trật tự pháp luật, đạo đức luân lý và sự tồn vong của chế độ phong kiến, phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc
Tham ô, tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế – xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực và để lại hậu quả to lớn, như: làm tha hóa một bộ phận quan lại đương quyền, làm suy yếu tiềm lực của quốc gia – dân tộc, làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, xuống cấp đạo đức xã hội, làm mất/giảm lòng tin của người của nhân dân vào chính quyền; làm suy yếu thể chế chính trị, gây mất ổn định chính trị – xã hội. Cũng do tệ tham nhũng của quan lại và dân chúng cơ cực lầm than mà sinh ra nạn giặc giã, nổi loạn. Tệ nạn tham ô, tham nhũng trở thành “quốc nạn”, “nội nạn” hay “vấn nạn quốc gia” ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều đại mà nó can dự, đưa đến gãy đổ nền móng thể chế chính trị, thậm chí trở thành một trong những nguy cơ mất nước. Vì vậy, nạn tham nhũng là nỗi lo trăn trở thường trực của nhiều vị quân vương, trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách trong kế sách trị nước của các triều đại như “Quan coi đê sợ mối làm sụp đổ đê lúc nào không hay, người đi thuyền sợ hà đục thủng thuyền lúc nào chẳng biết”. Cũng bởi mối nguy hại ấy mà bất kỳ thể chế, triều đại nào cũng đều muốn bài trừ, tiêu diệt loại giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm này.
Xuất phát từ việc nhận định đúng đắn những nguy cơ của tham nhũng với nhà nước, chế độ xã hội mà các triều đại Lý – Trần- Lê – Nguyễn đã có thái độ và biện pháp kiên quyết bài trừ tham nhũng để bảo vệ vững chắc sự thống trị của vương triều. Nhận thức được mối nguy hiểm, hậu quả to lớn của tham nhũng và để phòng chống, xử lý tệ nạn này, các vị vua đã chỉ đạo triều đình xây dựng các luật lệ quy định việc xác định, xét xử và trừng trị tội phạm này theo quan điểm tham nhũng là một trọng tội không được dự phần khoan hồng, ân xá của nhà nước. Theo đó, quan lại ở mọi cấp, mọi chức vụ mà lợi dụng chức quyền và ảnh hưởng của mình (dù ở bất cứ hoàn cảnh nào với những cách thức nào) tham ô tiền bạc, tài sản của nhà nước, của công và của nhân dân đều được coi là vi phạm nghiêm trọng đạo đức, pháp luật và đều phải bị nghiêm trị.
Từ thời nhà Lý (1009 – 1225) đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Trong quy định về thể lệ thu thuế có định rõ, các quan lại thu thuế của nhân dân, ngoài mười phần đóng vào kho nhà nước, được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Khố ty thu thuế lụa, nếu ăn lễ lấy lụa của nhân dân thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng; một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm. Triều Lý cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình thư (năm 1042). Bộ luật này hiện không lưu giữ được, tuy nhiên qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, cùng với các tội về Thập ác1thì tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc.
Dưới các triều đại Lê Thánh Tông (1442 – 1497) và Minh Mệnh (1791-1840), phòng chống tham nhũng được các vị vua và triều đình hết sức quan tâm. Phòng chống tham nhũng trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong đường lối cai trị của nhà Lê sơ (1428-1527), đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông. Năm 1483 Lê Thánh Tông cho ban hành Quốc triều hình luật (hay Lê triều hình luật/Luật Hồng Đức) – bộ luật quan trọng và chính thống nhất dưới triều Lê sơ, cũng là bộ luật tiến bộ và hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Quốc triều hình luật có phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, bao quát nhiều khía cạnh quản lý xã hội; chứa đựng nhiều tư tưởng rộng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, là một trong những cơ sở, nền tảng trong việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước phong kiến thịnh trị thời Lê sơ. Một trong những nội dung chủ yếu trong bộ luật là phòng chống tham ô, tham nhũng. Bộ luật đã đưa ra nhiều điều luật, những quy định cụ thể để trừng trị nhóm tội phạm nguy hiểm này. Những điều luật, quy định không chỉ để loại trừ loại tội phạm nguy hiểm này mà còn chủ yếu nhằm kiến tạo một bộ máy nhà nước và đội ngũ quan lại, có chức có quyền luôn có đạo đức và nâng cao hiệu quả năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Luật Hồng Đức đã xem tham nhũng là một trong những tội danh nguy hiểm nhất đe dọa nghiêm trọng đến uy tín, địa vị tối thượng của nhà vua, sự tồn vong của chế độ phong kiến và trật tự, kỷ cương, sự ổn định của xã hội. Vì vậy những ai phạm vào tội danh này đều bị trừng trị với những hình phạt nghiêm khắc, như đồ, lưu, tử. Đa số các điều luật có nội dung phản ánh như trên đều quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi tham ô, nhận hối lộ của quan lại với những mức hình phạt cụ thể: nhẹ thì cách chức, bãi chức; nặng hơn thì xử lưu, xử đồ. Một số điều luật quy định mức hình phạt tử hình – hình phạt nặng nhất đối với các trường hợp phạm tội có tình tiết nghiêm trọng bằng cách chết thắt cổ (giảo), chém (trảm), chém bêu đầu (trảm khiêu) – tùy theo tội. Nội dung các điều luật phản ánh khá cụ thể chế tài xử phạt các hành vi, biểu hiện có liên quan đến tội tham ô, hối lộ và đối tượng chế tài của phần lớn những điều luật là đội ngũ quan lại và những người có chức có quyền đã cho thấy nhà Lê sơ rất coi trọng việc xử phạt tội này. Bên cạnh các hình phạt hình sự, tùy từng trường hợp, người có hành vi tham nhũng còn bị áp dụng thêm một số hình phạt phụ như: phạt tiền, tịch thu tài sản, biếm tước,… Đến thời nhà Nguyễn (1802- 1945) sau khi lên ngôi vua Gia Long (1762 – 1820) sai đình thần soạn một Bộ luật mới, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn Thành (Tổng trấn Bắc thành) làm Tổng tài biên soạn, Vũ Trinh (từng giữ chức Thượng thư bộ Lễ) và Trần Hựu (Đông các học sĩ). Nguyễn Văn Thành đã kê khảo lệnh điều các triều, tham chiếu Hồng Đức pháp điển và Đại Thanh luật lệ, biên soạn thành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long)2. Bộ luật gồm 22 quyển, chia thành 7 chương 398 điều và 30 điều tỷ dẫn; trong đó 17 quyển và 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này với những quy định rất hà khắc.
Nhìn lại các bộ luật cũng như các văn bản pháp luật của những triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, có thể thấy rõ những quy định khắt khe, thống nhất đối với giới quan lại, nghiêm cấm các hành vi mà quan lại không được làm. Đó là không được tham lam, tìm cách vơ vét của cải của dân; các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng; đi ra nước ngoài không được mua bán hàng vụng trộm, không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tùy theo số lượng tiền của mà trị tội; quan thu thuế không được ẩn lậu; không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi việc riêng; nghiêm cấm vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém tài, kém đức,…Việc xây dựng hệ thống pháp luật với nhiều chế định về phòng chống tham ô chứng tỏ quyết tâm cao độ của các triều đại phong kiến sử dụng pháp luật làm công cụ đẩy lùi tệ tham quan ô lại trong xã hội. Những quy định đó cho thấy rõ, ý thức, chủ trương và quyết tâm của các vị vua và triều đại trong việc loại trừ một cách kiên quyết nhất tệ nạn này.
Xem thêm bài viết về “Chống tham nhũng”
- Kiểm soát quyền lực và Liên hệ chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay – TS. Đỗ Minh Khôi
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng: Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú& ThS. Phạm Hồ Hương & ThS. Hoàng Ngọc Bích
- Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công – ThS. Vũ Thị Thúy
3. Kết hợp “xây” với “chống”, đạo đức và pháp luật (đức trị và pháp trị) trong phòng chống tham nhũng
Để phòng tránh tệ tham nhũng, các vị vua thường ban hành chỉ, dụ để khuyên răn quan lại thường xuyên rèn luyện bản thân, tránh phạm phải những điều cấm đoán; nếu đã mắc lỗi lầm, cần nghiêm khắc sửa chữa để trở thành người thanh liêm, chính trực. Đây là biện pháp có tính giáo dục, răn đe nhẹ nhàng mà các vị vua thường áp dụng để nâng cao đạo đức của người làm quan, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng. Cũng không chỉ có ý nghĩa khuyên răn, các chỉ dụ của nhà vua còn bắt buộc quan lại phải tuân theo và thực hiện những lời khuyên răn đó. Có thể nêu ví dụ: Ngày 3/01/1435, vua Lê Thái Tông (1423 – 1442) ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan văn võ: Từ nay về sau, coi quân, trị dân hay làm việc gì đều nên hết lòng công bằng, yêu thương quân dân, không được riêng tây, nếu không sửa đổi lỗi lầm nhất định bị trị tội nặng [5]. Năm 1448, nhà vua lại ra chỉ dụ khiển trách và răn đe quan lại: “Nhà nước ta đã có quy định lương bổng để giữ liêm khiết, lại ban bố phép tắc để theo đó mà làm. Nay bọn các ngươi không chịu giữ phép, khi làm việc công thì mượn tiếng việc công để lo chạy việc tư, khi xét kiện tụng thì lo nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước, khiến cho người đi đường ai cũng than oán. Xét về tệ nạn này hẳn không phải là việc nhỏ. Nay các người phải gội rửa lòng mình giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương quân dân khiến chúng dân dần dần được yên nghiệp, thì các người cũng được yên nghiệp. Nếu vẫn mê muội không chừa, bị người cáo giác, hoặc dò xét được thực trạng sẽ bị trị tội nặng hơn luật thường 2 bậc. Quan trên và đồng liêu không biết khuyên răn, thì khi việc bị phát giác cũng bị trị tội theo luật và cắt phần lương bổng” [5].
Là một trong những vị vua có tư tưởng phòng chống tham quan ô lại rất tích cực, trong 38 năm trị vì (1460-1497), vua Lê Thánh Tông đã dành nhiều tâm huyết cho việc tăng cường kỉ cương pháp luật, cải cách thể chế hành chính, chấn chỉnh bộ máy quan lại. Nhận thức được rằng, quan hệ vua – dân có tốt hay không, chính sách nhân đức của vua có đến với người dân hay không phụ thuộc vào yếu tố trung gian là quan lại. Lê Thánh Tông chuyển trọng tâm trị nước vào trị quan (trị quan rồi mới trị dân) và biện pháp quan trọng trước hết là giáo dục, tuyên truyền ý thức pháp luật cho đội ngũ quan chức, nhất là những quan chức cao cấp. Trong đó, việc phòng chống các hành vi tham ô, hối lộ, thanh trừng bè lũ tham quan ô lại được ông hết sức coi trọng và thực hiện thông qua nhiều biện pháp như: Giáo dục, cảnh tỉnh trăm quan từ bỏ thói tham ô nhũng nhiễu, mong muốn bộ máy quan chức trong triều đình chí công vô tư, tránh xa được tệ nạn tham ô, hối lộ ở chốn quan trường; Thi hành chính sách bổng lộc để hạn chế tham ô, hối lộ; Xây dựng hệ thống pháp luật với nhiều quy định về phòng chống tham ô; Thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát đối với quan lại các cấp,… Nhà vua đã nhiều lần dùng những lời tâm huyết để răn bảo triều thần, khuyên họ sửa đức chính, bỏ tà tâm. Và mặc dù là người kiên quyết chống nhũng lạm và tùy theo tội mà xử nặng hay nhẹ, nhưng có khi tội nặng Lê Thánh Tông vẫn tha mạng sống để họ hối lỗi, từ đó mà phụng sự triều đình tốt hơn. Ông từng nhắc nhở Thái bảo Lê Lăng nên thận trọng từ đầu đến cuối, phải thanh liêm công bằng [4]; cảnh tỉnh Tả đô đốc Lê Thọ Vực phải hết lòng thành, bỏ tình riêng [4]; khuyên Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Cư Đạo nên hết lòng hiệp sức, gắng sức báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn lấp hối lộ. Nhà vua cũng luôn đề cao ý thức tự giác của quan lại trong việc tu tâm, rèn đức và biết tự sửa chữa khuyết điểm của mình để tiến bộ. Mặc dù biết rõ một số quan lại có hành vi tham nhũng, ông vẫn cho họ cơ hội để sửa sai với hi vọng họ sẽ nhận ra lỗi lầm mà tự sửa mình, không tái phạm nữa, như trường hợp Đô đốc Nguyễn Như Hồi; Thượng thư bộ Binh Nguyễn Vĩnh Tích,…
Tiếp tục sau này, nhà Nguyễn lấy Nho giáo làm học thuyết nền tảng để xây dựng xã hội, đội ngũ quan lại phần đông được tuyển chọn từ các trí thức Nho học, chịu ảnh hưởng của luân lý Khổng-Mạnh. Nhận thức đúng đắn về tác hại của nạn tham nhũng trong bộ máy hành chính, ngay từ năm đầu lên ngôi (1820), khi bổ nhiệm các chức vụ Hiệp trấn, Trấn thủ, vua Minh Mệnh đã răn dạy quần thần: “Bề tôi làm việc, nhầm lẫn thì có thể tha, tham nhũng thì không khoan thứ được. Bọn các ngươi phải gắng giữ mình trong sạch, chớ để mất danh dự” [10]; hoặc: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Hoàng Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được” [10]. Là vị hoàng đế sùng Nho học nên Minh Mệnh nhận thức rằng sự liêm chính của quan lại là quan trọng nhất. Nhà vua nhiều lần xuống dụ và hướng dẫn cho quan lại Bắc Thành sao cho liêm chính và đúng phép công; chỉ dụ cho bộ Hộ về việc dùng người; dụ xuống các địa phương răn dạy, ngăn cấm tệ nhũng lại của quan viên; khuyên răn, khuyến khích Nội các đề cao và thực hành liêm chính,…
Cũng không chỉ khuyên răn nhắc nhở, nhà nước còn áp dụng nhiều biện pháp để kiểm tra sự thanh liêm chính trực của quan lại; cho phép các quan lại được tố cáo, tâu bầy, đàn hặc những hành vi tham nhũng lên thẳng vua, để nhà vua có biện pháp xử lý kịp thời. Hầu hết các triều đại đều có bộ máy chuyên trách thực hiện chức năng giám sát, đàn hạch các quan lại. Các quan lại giám sát được xếp vào hàng quan trọng và có phẩm hàm cao trong bộ máy nhà nước phong kiến. Để giám sát có hiệu quả, các triều đại cũng đề cao vai trò của cơ quan giám sát, người đứng đầu cơ quan giám sát chỉ chịu trách nhiệm trước Hoàng đế – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thời phong kiến và nhà nước phong kiến cũng trao quyền công tố cho các cơ quan giám sát.
Mặc dù các vị vua từng hết lời răn bảo, nhưng những kẻ tham quan sâu mọt trong xã hội vẫn không chịu từ bỏ tà tâm của mình, để ngoài tai những lời cảnh tỉnh. Khuyên răn chưa đủ, các nhà nước phong kiến thấy rõ cần phải dùng đến luật pháp để nghiêm trị những kẻ tham quan ô lại. Từ thời nhà Lý đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Và “bộ luật Hình thư được ban hành để khẳng định quyền lợi, địa vị của nhà nước phong kiến và giai cấp quý tộc quan liêu, đồng thời là công cụ để ổn định xã hội, giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp” [12]. Nhận thức sự nguy hại của tham nhũng đối với dân với nước nên các vị vua nhà Lê sơ cũng rất chú trọng tới việc phải diệt trừ vấn nạn này, mà trước hết là ở quy định pháp luật. Luật Hồng Đức đã đưa ra những điều luật quy định hết sức chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể nhằm ngăn cấm, trừng trị tội tham ô, tham nhũng của những tổ chức và cá nhân có chức, có quyền. Theo đó, những quan lại, người có chức có quyền mà tham ô, tham nhũng hoặc giấu giếm, bao che cho loại tội phạm này đều bị trừng trị nghiêm minh tùy thuộc vào tính chất, số lượng tài sản chiếm đoạt và hậu quả gây ra theo phương châm “đúng người, đúng tội”. So với thời Lý-Trần, pháp luật thời Lê Thánh Tông đã có bước tiến lớn trong việc pháp điển hóa các quy định về phòng chống tham ô, hối lộ. Kế tục những tư tưởng pháp luật về phòng chống tham nhũng thời Lê, Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về luật hình đối với tội nhận đút lót (hối lộ) và gần 20 điều khoản quy định liên quan tới nội dung này. Về nội dung, các bộ luật cũng như trong những văn bản pháp luật khác của các triều đại phong kiến đều có những quy định nghiêm cấm các hành vi mà quan lại không được làm (nếu quan lại nào vi phạm đều bị trị tội theo pháp luật). Bên cạnh những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử, nhà Nguyễn sau này cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước, tiêu biểu là việc ban hành và thực thi bộ Luật Gia Long – là bộ luật cuối cùng của chế độ quân chủ nước ta, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của xã hội đương thời và có giá trị rất lớn đối với sự phát triển của luật pháp đương đại. “Bộ Hoàng triều luật lệ là một cống hiến quan trọng của Gia Long đối với pháp luật triều Nguyễn” [2] vì nó là cơ sở để các vị vua sau này của nhà Nguyễn sử dụng để thực hiện quyền cai trị tuyệt đối của mình.
Nhìn chung, pháp luật phong kiến Việt Nam thường phân chia các hành vi tham nhũng ở nhóm tội ngoài thập ác và không được chuộc tội bằng tiền. Chế độ thưởng phạt được xác định và áp dụng thường xuyên một cách khá công minh để khuyến khích quan lại hết lòng phụng sự đất nước, ngăn ngừa tham ô, tham nhũng. Cùng với chủ trương nghiêm phạt, việc thưởng được các triều đại từng bước phối hợp để phát huy hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng. Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, như: chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình. Quan chế thời Lê Thánh Tông còn bao gồm các quy định, thiết chế về phòng chống, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng của quan lại. Việc chống tham nhũng cũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Các triều đại phong kiến cũng quy định rõ cách thức xử lý tài sản có được do tham nhũng: của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần “trả lại cho chủ”, không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách. Những quy định về xử lý tài sản tham nhũng trong Luật Hồng Đức cũng như trong Luật Gia Long3dựa trên nguyên tắc chung nhất là: người có hành vi tham nhũng phải có trách nhiệm bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng để sung công hoặc trả lại cho người dân. Ngoài việc phải gánh chịu các hình phạt nghiêm khắc, tất cả số tài sản, tiền bạc chiếm đoạt từ tham nhũng đều phải trả lại và sung vào của công (nếu là của công/của nhà nước), phải trả lại hoặc bồi thường gấp đôi (nếu là của dân). Hệ thống hình phạt mà các nhà nước phong kiến áp dụng cho hành vi tham nhũng bao gồm: i) Chế tài hình sự, đối với các hành vi tham nhũng tùy từng trường hợp có thể bị xử lý bằng các hình phạt chính như: chém đầu, lưu (đày đi xa và bắt làm việc khổ sai), đồ (bắt làm các công việc khổ nhục), xuy – trượng (đánh bằng roi hoặc gậy). Ngoài ra, người có hành vi tham nhũng có thể còn bị áp dụng một số hình phạt phụ, như: phạt tiền, tịch thu tài sản, bãi chức, biếm tước (bớt một phần danh vị); ii) Các biện pháp khác, như: cho về quê làm dân thường; làm cho nhục nhã hổ thẹn; bồi thường tài sản cho người khác,…
Luật pháp phong kiến cũng có một số quy định cần thiết và khá cụ thể, như: quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, dinh thự tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi (vì dễ dẫn đến cấu kết bè cánh, hội thuyền). Cùng với nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, các triều đại phong kiến còn đặt ra những quy định về tiêu chuẩn của một người làm quan liêm khiết.
Nhìn lại các bộ luật cũng như các văn bản pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, thấy rõ một điều: có những quy định khắt khe, hình phạt rất nặng, nhưng nhờ thế việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nạn tham ô công quỹ, nhũng nhiễu nhân dân đã được hạn chế. Chính nhờ những biện pháp kiên quyết và phù hợp như vậy mà nhiều triều đại đã duy trì được tồn tại lâu dài (các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn) đồng thời quản lý, điều hành đất nước vượt qua những thử thách, khó khăn (do nạn ngoại xâm, thiên tai đe dọa).
4. Chú trọng phòng ngừa và kiên quyết xử lý tham nhũng
Mặc dù còn bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến trong quản lý và điều hành xã hội, song các triều đại phong kiến Việt Nam đều chủ động phòng, chống tệ nạn tham nhũng, trong đó các biện pháp phòng ngừa luôn được ưu tiên, coi trọng. Mặc dù những đạo luật nổi tiếng của các triều đại phong kiến là những bộ hình luật cho thấy pháp luật thiên về quy định các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, các bộ hình luật cũng như những sắc, lệnh, chỉ dụ của các vị vua cũng thể hiện rất rõ tinh thần, tư tưởng của các triều đại là nhất quán quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đề cao biện pháp phòng ngừa tham nhũng, coi phòng ngừa là một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng và duy trì bộ máy nhà nước phong kiến trong sạch, không có chỗ cho những tham quan ô lại. Tuy rằng trong từng giai đoạn/thời kỳ ứng với mỗi triều đại khác nhau, những tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng những biện pháp khác nhau song luôn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, một đội ngũ quan lại thanh liêm. Trên thực tế, để ngăn chặn và phòng chống tệ nạn tham nhũng của quan lại, các nhà nước đã áp dụng rất nhiều biện pháp vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, có tác dụng hỗ trợ nhau, như:
– Vua quan nêu tấm gương sáng chống tham những để thiên hạ noi theo (trước là làm gương, sau là luật: Nhận thức được yêu cầu làm mực thước để dân noi theo, giữ vững trật tự và kỷ cương phép nước, nhiều vị vua đã nêu gương sáng về thực hành phòng chống tham nhũng, như: Lý Nhân Tông (1066 – 1128) sắp băng hà đã để lại di chiếu nhắc nhở việc tang lễ phải tiết kiệm. Thái úy Tô Hiến Thành một tấm gương ngay thẳng, liêm khiết, trung nghĩa, thưởng phạt công minh được xã hội và người đời ca ngợi về tinh thần thượng tôn pháp luật. Trần Thủ Độ (1194 – 1264) gương mẫu thực hiện các nguyên tắc khách quan, nghiêm minh, công bằng, bình đẳng của pháp luật. Lê Lợi (1385 – 1433) lên ngôi vua và luôn canh cánh nỗi lo giữ nghiêm phép nước, mong muốn quan lại, nhất là các bậc khai quốc công thần tự làm gương. Lê Thái Tông xuống chiếu tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ, mong các đại thần, các quan văn võ, chỉ ra lỗi lầm của bản thân [5]. Lê Thánh Tông là tấm gương luôn chăm lo việc công, “Trống dời canh còn đọc sách, Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Minh Mệnh – vị hoàng đế siêng năng, luôn thức khuya dậy sớm để xem xét công việc, có khi thắp đèn đọc sớ chương ở các nơi gửi về đến trống canh ba mới nghỉ.
Đồng thời, dưới ảnh hưởng của nhân sinh quan tiến bộ của tư tưởng Nho giáo và các bậc minh quân, trong lịch sử phong kiến đã xuất hiện nhiều quan lại bằng hành động thực tế, nêu tấm sáng về tài năng và đạo đức trong sạch, phẩm giá thanh liêm, kiên quyết lên án và đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng trong xã hội. Tiêu biểu như: Trần Thời Kiến (1260 -1330) – vị pháp quan nổi tiếng tài giỏi và thanh liêm cương trực. Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) luôn giữ khí tiết trong sạch, thanh liêm, chính trực, sống rất đạm bạc “suốt mấy chục năm làm quan trong triều, chỉ thấy dân ca ngợi, mà tuyệt chưa thấy một lời oán thoán” (vua Trần Anh Tông). Ông đã nhiều lần vạch mặt bọn tham quan trước triều đình, can gián nhà vua trước những việc làm chưa đúng. Chu Văn An (1292 -1370) – nhà Nho, nhà sư phạm mẫu mực đã dâng Thất trảm sớ xin vua chém đầu 7 tên gian thần4. Vũ Tụ (1466 – ?) Tả thị lang bộ Hình thời Lê Thánh Tông “tính liêm thẳng, làm quan trong sạch, cần kiệm, chưa từng lấy bậy của người” (Phan Huy Chú). Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) – một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần (trong đó có cả con rể của ông là Phạm Dao làm Trấn thủ Sơn Nam). Quan Tham tụng (Tể tướng) Nguyễn Công Cơ (1673- 1733) nổi tiếng là người điều hành công việc triều chính nghiêm minh và sống cuộc đời thanh bạch. Mấy chục năm làm quan, khi về nghỉ ở quê nhà vẫn chỉ có 3 gian nhà tranh, phên tre, vách đất, chẳng tiền của châu báu, sống cuộc đời giản dị, thanh bần. Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) – người thầy sáng và vị quan liêm đã viết sách Từ thụ yếu quy đưa ra 104 thủ đoạn hối lộ mà người làm quan phải từ chối và 5 trường hợp có thể nhận [8]. Cuộc đời làm quan của Đặng Huy Trứ lấy sự tu thân làm đầu, suốt đời giữ trọn thanh liêm. Làm quan, nhưng ông đã từng sống trong cảnh “cơm chỉ rau dưa, canh chủ chốt”, “tường kẻ vách bung, nhà khe mái dột,…Trước những cám dỗ của tiền tài và những mưu toan hối lộ, ông vẫn giữ “một tấm lòng băng chẳng bụi vương”.
– Cử quan lại thanh liêm giữ các chức vụ quan trọng: các triều đại phong kiến còn lựa chọn các viên quan vừa có tài vừa có đạo đức, thanh liêm, chính trực để bổ nhiệm những chức vụ quan trọng hoặc cử làm quan ở những nơi khó khăn phức tạp để phần nào hạn chế, ngăn ngừa tệ tham quan ô lại. Việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài trong sạch cũng được đề cao. Chính sách chọn lựa nhân tài qua thi cử, tiến cử, bảo cử đều nhằm một mục đích cao nhất để chọn được người có tài có đức, sắp xếp quan lại. Để ngăn chặn tệ tham nhũng, các vị vua thời phong kiến còn ban hành văn bản hoặc sách quy định rõ tiêu chuẩn về tài năng và đức độ của các bề tôi và quan lại từ Trung ương đến địa phương.
– Thường xuyên kiểm tra, khảo hạch quan lại để khen thưởng người liêm khiết, xử lý người có hành vi tham nhũng: Đây là biện pháp được áp dụng phổ biến ở các triều đại phong kiến, đặc biệt dưới thời nhà Lê sơ đã thực hiện rất hiệu quả để xét định năng lực quan lại nhằm chọn người đúng vị trí và năng lực; kịp thời cất nhắc người giỏi, thải loại người kém; thưởng người có công, trừng trị kẻ có tội. Chế độ khảo công nhằm đánh giá ưu khuyết điểm, sai phạm của quan lại, qua đó xác định tài năng và đức độ làm căn cứ để thưởng phạt, điều chuyển hoặc nhắc nhở quan lại phải tận tâm trách nhiệm hơn trong hoạt động quan trường. Nhà Lê quy định cứ 3 năm một lần khảo công, trên cơ sở đó cứ 9 năm một lần thăng, giáng.
– Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nạn tham nhũng: Không chỉ dừng lại ở những hành động cụ thể, các vị vua còn ban hành các đạo luật, chiếu chỉ, sắc, dụ để xử lý hành vi tham nhũng. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông và vua Gia Long còn cho ban hành các bộ Luật Hồng Đức, bộ Luật Gia Long là những bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, tích cực nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Việc ngăn ngừa và trừng trị tội tham ô, tham nhũng được đề cập ở tất cả các chương của các bộ luật, bao quát nhiều đối tượng nhưng chủ yếu là đội ngũ quan lại (những người có chức có quyền), nhiều biểu hiện với những nguyên nhân, mức độ, tính chất phạm tội khác nhau. Các hình phạt và biện pháp xử lý cũng rất đa dạng, được áp dụng từ thấp đến cao nhằm hạn chế tối đa sự phát triển của tệ nạn tham nhũng.
5. Phòng chống tham nhũng với các giải pháp phù hợp, hiệu quả
Đề ngăn chặn tham nhũng trong bộ máy, các nhà nước phong kiến đã tiến hành nhiều biện pháp như:
– Tuyển chọn, sử dụng, rèn luyện và sát hạch đội ngũ quan lại: các triều đại phong kiến Việt Nam đều nhận thức rất rõ được tầm quan trọng và quyết định sự thịnh suy của quốc gia là do đội ngũ quan lại tốt hay kém. Người làm quan đương nhiên là phải có đức tài, chức quan càng to thì đòi hỏi về đức tài càng lớn. Việc tuyển chọn người làm quan được xem như tuyển chọn nhân tài – việc hệ trọng của quốc gia và được xây dựng thành một chế độ có tính khách quan, nhằm quy tụ và sử dụng được nhiều nhân tài cho đất nước. Từ đời nhà Lý (1010 – 1225), với mục đích “truất bãi người ươn hèn, cất nhắc người mẫn cán”, nhà nước đã đặt lệ khảo khóa quan lại. Việc sử dụng tầng lớp tinh hoa (tầng lớp tri thức Nho giáo) tham gia trực tiếp vào bộ máy quản lý đã được xem là một nguyên tắc.Với nhận thức rằng người có đức, có tài nhậm chức thì trị. Người vô tài, thất đức nắm giữ quyền hành thì loạn [7], các vua triều Lê sơ đã đặc biệt coi khâu tuyển chọn quan lại như một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Sử dụng nhiều phương thức tuyển chọn khác nhau như khoa cử, tiến cử (hay bảo cử), tập ấm và bầu cử, nhà Lê sơ đã xây dựng một đội ngũ quan lại vừa có thực tài, vừa có tâm huyết cùng xây dựng nên một vương triều hưng thịnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc tuyển chọn quan lại thời Lê còn dựa vào nhiều biện pháp như khảo công, khảo khóa nhằm xem xét, đánh giá công lao, hiệu quả công việc của quan lại theo định kỳ làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ thăng, giáng, thưởng, phạt. Khảo công nhằm khảo xét việc hay, dở và đánh giá năng lực của quan lại các cấp do triều đình tổ chức các kỳ hàng năm. Khảo khóa để kiểm tra đánh giá năng lực thực hành- tức là kết quả công việc thực tiễn của viên quan có chức đương nhiệm, đánh giá lòng dân (tín nhiệm) ở địa phương về kinh tế và đời sống xã hội tại cộng đồng5. Triều đình còn tổ chức các khoa thi hoành từ để chọn người hiền tài trong số quan lại đương chức. Trong việc lựa chọn quan lại, thanh liêm luôn được xem là tiêu chuẩn hàng đầu. Đến thời nhà Nguyễn, việc tuyển chọn, sử dụng quan lại tuy chưa được xây dựng một cách bài bản nhưng cách lựa chọn quan lại luôn thể hiện sự chú trọng, quan tâm, cất nhắc. Mặc dù việc tuyển chọn và tin dùng quan lại cũng chưa được xây dựng thành một chính sách (quốc sách) xuyên suốt, rõ ràng, bài bản nhưng cách lựa người tài đức xuất thân từ giới tinh hoa xã hội, có công trạng với dân tộc, quốc gia, quan tâm đến nguồn gốc gia đình tinh hoa, khí phách để phát hiện, bồi dưỡng [6]. Điểm nổi bật, nguyên tắc và phương châm hiệu quả trong việc chọn người điều hành quản lý và duy trì trật tự xã hội của vua Minh Mạng là người tài, người có nhân cách “Hiền tài là đồ dùng của Nhà nước, vì vậy rất muốn trong triều có người tài giỏi, ngoài nội không sót người hiền, để tô điểm mưu to, vang lừng đức hóa” [9]. Dưới Triều Nguyễn những người tài giỏi đã được triều đình xem xét cẩn trọng để đưa vào bộ máy. Ai có năng lực chuyên môn đều được trọng dụng, cân nhắc, người yếu kém sẽ bị sa thải. Đây chính là những nguyên tắc mang lại hiệu quả trong việc chọn người điều hành quản lý và duy trì trật tự xã hội.
Một biện pháp quan trọng được coi là kinh nghiệm sử dụng quan lại của các triều đình phong kiến là thực hiện chế độ Hồi tỵ6- quy định cụ thể về việc bổ nhiệm, sử dụng quan lại để phòng chống tham nhũng quyền lực (nạn kéo bè kéo cánh, cả nhà làm quan) được sử dụng nghiêm ngặt dưới các thời Lê – Nguyễn. Tinh thần của hồi tỵ là ngăn chặn để không kéo bè kéo đảng, nâng đỡ người thân quen. Do đó luật không cho phép một người được làm quan trên quê quán của mình,cũng không cho phép những người thân như anh em, cha con, thầy trò, người cùng quê,… được làm quan cùng một chỗ. Nó cũng được áp dụng chặt chẽ trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, kiểu như con thi thì cha không được làm, không được tổ chức thi cùng một nơi,…
Cùng với Luật hồi tỵ, chế độ Luân quan (luân chuyển quan lại) cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện từ sớm và trở thành chính sách, chế độ được tiến hành thường xuyên trên phạm vi toàn quốc. Việc luân quan không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của vua, mà còn căn cứ vào những yêu cầu và tiêu chuẩn khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Việc đánh giá quan lại phục vụ luân quan thông qua các vị trí công việc đảm nhiệm, chủ yếu bằng chế độ khảo khóa, khảo công và kết hợp nhiều hình thức khác, như: thi cử, đánh giá thường xuyên, theo định kỳ (theo niên, khóa) và đột xuất bằng thanh tra, kiểm tra,… Việc luân quan được coi trọng cả đưa từ trung ương về địa phương, từ địa phương lên trung ương và từ địa phương này sang địa phương khác8. Như vậy, luân quan là biện pháp đào luyện qua thực tế và tăng cường năng lực quản lý cho địa phương, qua đó phát hiện, tuyển chọn những quan lại hiền tài vào giữ các vị trí chủ chốt trong triều đình. Đặc biệt, chế độ luân quan được kết hợp với luật “hồi tỵ” để khắc phục những hạn chế, tiêu cực có thể nảy sinh do làm quan lâu hoặc do các quan hệ huyết thống. Luân quan cũng thường gắn với thăng, giáng, phục chức và được triển khai thường xuyên, góp phần lành mạnh hóa bộ máy quan lại9.
– Quan tâm xây dựng một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại: Một trong những biện pháp được các triều đình phong kiến thiết lập và luôn cố gắng thực hiện là định rõ chế độ bổng lộc cho đội ngũ quan lại, tùy thuộc vào chức quan và tính chất công việc cũng như khả năng của từng người. Vua Lê Thánh Tông cho rằng: “Cấp bổng lộc để khuyến khích lập công, tùy theo trách nhiệm là nặng hay nhẹ. Các bậc hoàng tôn, công thần, tuy không hạn chế về phẩm trật, nhưng cũng có thứ bậc khác nhau; các chức quan văn võ trị nhậm trong ngoài, công việc, trách nhiệm khác nhau, cũng nên xét rõ khó nhọc hay nhàn rỗi” [4]. Dưới triều Nguyễn, chế độ lương bổng tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện chặt chẽ. Cuối thời Gia Long, nhà vua còn quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng/giữ gìn liêm khiết của quan lại – gọi là tiền dưỡng liêm10. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà từng triều đại quy định mức tiền dưỡng liêm khác nhau. Nhìn chung, chế độ tiền dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này. Các tài liệu lịch sử cho thấy, giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm mà quan lại được nhận dưới triều các vua Gia Long, Minh Mệnh là khá lớn, tương đương với số tiền lương bổng mà họ thực nhận hàng tháng. Điều này có ý nghĩa lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm mà giữ gìn liêm khiết của bản thân để có thể làm việc một cách công tâm. Vì vậy, tiền dưỡng liêm thực sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.
– Chú trọng cải cách hành chính: Là một đất nước có chiều dài lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn đều dần hướng tới sự ổn định, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đề cao liêm chính để nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước. Song song với cải cách, củng cố bộ máy nhà nước, để phòng chống tham nhũng, các triều đình phong kiến còn có những biện pháp, quy chế tương đối chặt chẽ để có thể giám sát hành vi của đội ngũ quan lại các cấp, kiện toàn và duy trì có hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát thực quyền.
Theo nhà sử học Phan Huy Chú, nhiều chức quan trong bộ máy chính quyền phong kiến Việt Nam được đặt ra từ thời nhà Lý, trong đó có đặt các chức quan giám sát đầu tiên (Lịch triều hiến chương loại chí). Đến thời nhà Trần đã thành lập thêm các cơ quan, kiện toàn một bước hệ thống giám sát, như: i) Ngự sử đài (đời sau gọi quan ngự sử là đài quan hay gián đài). Theo ghi chép, Ngự sử đài là cơ quan giữ phong hóa, pháp độ, giám sát quan lại trong việc thi hành pháp luật để tránh hiện tượng lạm dụng quyền lực nhà nước; ii) Đăng văn viện (sau đổi thành Đình úy ty) là cơ quan xét xử những án tình nghi tội nặng nhằm đảm bảo sự chính xác, khách quan trong quá trình áp dụng pháp luật. iii) Các quan Gián nghị đại phu (gián chức) có nhiệm vụ can gián vua (khuyên răn Hoàng đế), giám sát hoạt động của các quan đại thần triều đình. iv) Tả/hữu nạp ngôn là cơ quan có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại trong cả nước và trực tiếp theo dõi, kiến nghị những khiếu nại, tố cáo của người dân, giữ gìn kỷ cương trong triều đình. Đến thời nhà Hồ, tổ chức bộ máy nói chung, các chức quan giám sát nói riêng cơ bản giống nhà Trần. Hồ Quý Ly (1336 – 1407) đã đặt thêm Liêm phóng sứ là chức quan để tra xét các quan lại11 ở các lộ.
Nhà Lê đã cho thành lập tổ chức giám sát từ Trung ương đến địa phương: tháng 2/1429, Lê Thái Tổ cho đặt chức quan Ngự sử đài để coi việc kiểm soát quan lại và xét xử án kiện với các chức: Thị ngự sử, Trung thừa, Phó trung thừa, Giám sát ngự sử, Chủ bạ [3],… Là cơ quan đàn hặc những việc sai trái của quan lại trong triều, Ngự sử đài chỉ xét các việc ngục tụng lớn khi có đặc chỉ trao cho tra hỏi. Nhiệm vụ của các ngôn quan được quy định rõ ràng là can gián nhà vua và đàn hặc các quan. Tháng 2/1459, cùng với việc cho đặt lại Lục bộ (sáu cơ quan trung ương của triều đình), Lê Nghi Dân (1439 – 1460) đã cho thành lập Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ (điều tra, phát hiện những việc làm sai trái của quan lại ở các bộ). Vai trò của Lục khoa là giám sát các quan lại thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, đã tiến hành cải cách mạnh mẽ chế độ quan lại theo phương châm luôn ràng buộc, giám sát lẫn nhau. Cùng với tiến hành cuộc cải cách bộ máy hành chính, cơ quan giám sát của cả nước được phân thành hai cấp là Ngự sử đài trung ương và Ngự sử đài địa phương. Ở các địa phương, triều đình cho lập cơ quan Giám sát Ngự sử (Sát viện) để thường xuyên đi xem xét, kiểm tra công việc ở cấp đạo trở xuống. Mỗi đạo lại có Hiến sát sứ ty để thanh tra quan lại tránh sự nhũng nhiễu dân chúng, kịp thời phát giác và hạch tội các quan, làm rõ những điều uẩn khuất trong dân. Năm Quang Thuận 7 (1466), Lê Thánh Tông lập ra Lục tự là sáu cơ quan cao cấp trong triều đình, có nhiệm vụ thừa hành công việc của Lục bộ trao cho12, trong đó có Đại lý tự là cơ quan giữ vai trò quan trọng về tư pháp, có nhiệm vụ xét lại những án nặng đã xử rồi (các án về tử tội hay tội lưu) rồi gửi kết quả cuộc điều tra qua bộ Hình để đệ tâu lên vua xin quyết định13. Năm 1471, nhà vua cho đặt chức Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ ở các đạo. Chức Hiến sát mang hàm Lục phẩm và có nhiệm vụ “tâu trình việc phải trái, điều tra và đàn hặc những việc làm trái phép, tra cứu xét hỏi việc kiện tụng, xét thưởng công trạng của quan, quân trong một đạo” [12]. Chức năng chủ yếu của Hiến sát là thanh tra đồng thời tham gia giám sát. Trong khi đó, chức trách của Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ ở 13 đạo là “chuyên giữ các việc trình bày lời nói phải trái dò hỏi điều tra và đàn hặc những việc làm trái phép, thẩm cứu xét hỏi việc ngục tụng, xét duyệt công trạng của quan lại đi tuần hành trong địa phương hạt mình” [12]. Đến năm 1475, cùng với đặt sáu viện (lục viện), Lê Thánh Tông cho đổi đặt 6 khoa dưới thời Lê Nghi Dân để thống nhất với Lục bộ. Triều đình cũng quy định: nếu Đô ngự sử đài (chức quan đứng đầu viện đô sát, trông coi việc thanh tra các quan lại, thường có nhiệm vụ can gián vua) xét nghiệm không công bằng thì cho phép Lục khoa được đàn hặc để trị tội14.
Thời nhà Nguyễn, hệ thống cơ quan giám sát tiếp tục kế thừa, phát triển và hoàn thiện. Sau khi lên ngôi, cùng với thiết lập bộ máy trung ương tập quyền, vua Gia Long đặt ra các chức quan giám sát nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống quan lại cũng như các cơ quan hành chính trung ương. Năm 1804, cùng với việc định lại hệ thống quan chế, vua cho đặt các chức quan giám sát như: Tả hữu Đô ngự sử; Tả hữu phó Đô ngự sử [1, 429]. Năm Gia Long thứ 8 (1809), vua y cho đặt viên Ngự sử Đô sát ở Bắc Thành, với mục đích: “Phàm quan lại không theo pháp luật, kẻ quyền thế ức hiếp người dưới, việc nhỏ thì xét xử ngay, việc lớn thì đàn hặc tâu lên, cho nghiêm phép làm quan; cuối năm kiểm duyệt các án do thành trấn đã xét, nếu có việc oan thì xét lại” [9, 753]. Sau này, vua Minh Mệnh tiếp tục xây dựng để thiết lập một tổ chức giám sát hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương. Năm 1825, ông đặt thêm các chức quan giám sát như Cấp sự trung và Giám sát ngự sử của các đạo. Cùng với tiến hành cải cách bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, Minh Mệnh cho thành lập Viện đô sát (1831-1832), đứng đầu là Tả/Hữu Đô ngự sử ngang hàm với Thượng thư, giúp việc có Tả/Hữu phó Đô ngự sử ngang hàm với Tham tri lục bộ. Ngoài bốn trưởng quan trên còn có sáu viên Cấp sự trung Lục khoa theo dõi hoạt động của 6 bộ tương ứng và 16 viên quan Giám sát Ngự sử ở mười sáu đạo cùng một số thuộc lại giúp công việc của từng bộ phận. Các viên quan Đô ngự sử có nhiệm vụ đàn hặc vua và các quan đại thần của triều đình trung ương, còn việc giám sát quan lại của các cơ quan trung ương (chủ yếu là Lục bộ) do sáu viên Cấp sự trung Lục khoa chuyên trách và Ngự sử mười sáu đạo chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các đạo do triều đình phân công. Năm 1836, để tăng cường giám sát hoạt động của Tôn nhân phủ, Minh Mệnh cho đặt thêm 01 Lễ khoa Cấp sự trung và 01 Kinh kỳ đạo Giám sát ngự sử. Nhiệm vụ của 2 viên quan này là: Phàm người thừa hành trong phủ, nếu có điều gì bất công, trái phép, lừa gạt, che giấu, chuyên quyền, làm không hợp lý, thì cứ thực hặc tâu. Còn tư giáo các hệ, nhân viên Tôn thất và nhân viên dịch lại thừa hành trong nha, nếu xét thấy quả có những tệ bê trễ chức vụ, chấm mút, lừa gạt, gian dối thì cho được tham hặc15. Đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), để tăng cường vai trò, trách nhiệm của các quan giám sát, nhà vua cho đặt thêm chức Chưởng ấn Cấp sự trung ở 6 Khoa, trật Tòng tứ phẩm [11]. So với thời Trần Lê, cơ quan giám sát thời Nguyễn đã hoàn thiện hơn rất nhiều (mặc dù tính chất của Đô sát viện vẫn là cơ quan giám sát như Ngự sử đài của các triều đại trước). Đô sát viện được thành lập trong đó cả Lục khoa và Giám sát ngự sử đều “thuộc vào viện Đô sát” và “do Viện đô sát thống lĩnh” trở thành cơ quan giám sát độc lập có quyền lực lớn nhất ở trung ương, chịu trách nhiệm trước Hoàng đế khi hội đồng với bộ Hình và Đại lý tự). Hoạt động của cơ quan đặc biệt này đã góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội trong giai đoạn đầu của vương triều nhà Nguyễn. Ngoài ra, sự phối hợp giám sát, tư pháp và thanh tra chéo trong các ngành cũng là một sáng tạo của triều Nguyễn nhằm góp phần làm trong sạch và lành mạnh bộ máy chính quyền các cấp, các ngành.
Xem thêm bài viết về “Tham nhũng”
- Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự để thu hồi tài sản tham nhũng – TS. Nguyễn Đức Hạnh & ThS. Lê Văn Đông
- Nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam – TS. Lưu Quốc Thái
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng: Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú& ThS. Phạm Hồ Hương & ThS. Hoàng Ngọc Bích
- Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công – ThS. Vũ Thị Thúy
- Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
6. Chống tham nhũng là việc của toàn dân
Trong thời quân chủ, ông cha ta luôn quan niệm phòng, chống tham nhũng là công việc của toàn dân nhằm huy động sự tham gia của nhân dân vào công cuộc phòng chống tệ nạn này. Để phát huy vai trò của người dân tham gia vào công việc của triều đình nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng, các triều đại đều có các hình thức, cơ chế khuyến khích động viên người dân tố cáo hành vi tham nhũng (cáo gian – tố cáo kẻ gian) gắn với chính sách bảo vệ không để người tố cáo bị trả thù, trù dập. Từ thời Lý, Lý Công Uẩn (974 – 1028) cho đặt Lầu Chuông trong thành Thăng Long để “dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên” và tiếng dân chuông vọng là biểu hiện rõ tư tưởng trọng dân của triều Lý. Nhà Lý cũng quy định những người tố cáo việc biển thủ (ăn trộm) tiền thuế triều đình của các viên quan thu thuế thì được miễn lao dịch ba năm, người ở kinh thành cáo giác thì được trọng thưởng. Thời nhà Lê, Quốc triều hình luật cũng có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng xứng đáng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng của quan lại các cấp: Người thu lúa thuế ruộng mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực,… thì người cáo giác được thưởng, tùy theo việc nặng nhẹ (Điều 351); Tuyển chọn quân lính không đúng quy định thì người tố giác đúng sự thật có thưởng tùy theo việc lớn nhỏ (Điều 170). Vua Lê Thánh Tông còn cho đặt hòm thư tại sân đình để người dân có thể viết thư và bỏ vào đó để phản ánh hoặc cho phép dân được yết bảng nêu việc làm tốt, xấu của quan lại địa phương. Thời nhà Nguyễn, vua Gia Long quy định nếu người coi kho và người bảo vệ biết được hành vi, thủ đoạn người lấy trộm và tố cáo thì được miễn tội. Nếu người bên ngoài phát hiện quả tang hành vi thì được thưởng gấp 10 lần số tang vật. Nếu chủ kho và lính bắt được quả tang thì thưởng gấp 5 lần. Trong thời gian xây dựng chính quyền ở Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho mở hòm thư dân ý để thông suốt ý dân. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long ban chiếu Chiếu cầu ngôn để được nghe lời nói thẳng, quy tụ nhân tâm, chiều mộ hiền tài. Để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng, nhà vua quy định tất cả các quy chế nội dung công việc đều phải được công khai minh bạch, tạo điều kiện cho người dân giám sát thuận tiện. Vua Minh Mệnh e rằng người dân “thấp cổ bé miệng” khó có thể kêu oan thấu triều đình nên cho thiết kế một chiếc trống lớn, đem treo ở Công Chính Đường ở Đông Nam Kinh thành và xuống chiếu ai có điều oan khuất thì đến đánh lên. Vua sẽ cho triều đình nghị xử, nếu xét ra đúng thì được minh oan, nếu không thì trị tội, để tránh chuyện kêu oan bừa bãi làm mất thì giờ. Chiếc trống ấy được gọi là trống Đăng Văn (nghĩa là: đánh lên để mọi người nghe thấy)16. Triều đình cũng yêu cầu dân chúng, nhất là binh lính, thợ thuyền phải luôn quan tâm đến tài sản, vật tư của quốc gia. Trên các công trường, các chỉ dụ của vua về tội tham nhũng, cách xử tội, danh sách các quan vi phạm được làm thành nhiều bản, niêm yết nhiều nơi nhằm công khai cho mọi người biết thủ đoạn moi ruột công quỹ và biển thủ vật tư, để mọi người cảnh giác và phát hiện. Dưới triều Nguyễn, ngoài việc giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, hội đồng đại thần còn giúp nhà vua xét xử các vụ kiện tụng kéo dài, các vụ án oan khuất khiến người dân phải đến kinh đô Huế đánh trống kêu oan.
Nhìn chung, các triều đại phong kiến đều có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng và cho đây là việc làm cần thiết, mang lại những hiệu quả nhất định đối với việc xây dựng bộ máy phong kiến vững mạnh, thanh liêm, xây dựng niềm tin trong dân chúng. Các quy định của pháp luật phong kiến cũng đề cao chế định tố cáo tham nhũng cùng với các biện pháp bảo vệ người dân không bị trù dập khi tố cáo hành vi tham nhũng hoặc ngăn chặn sự trả thù của kẻ tham nhũng và vây cánh.
7. Kết luận
Là căn bệnh quyền lực có tính phổ biến ở mọi chế độ xã hội nên ngay từ thời xa xưa, ông cha ta đã đặc biệt chú trọng việc chống tham nhũng cũng không ngoài mục tiêu xây dựng quốc thái dân an, dân giàu nước. Nhìn lại lịch sử, suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta đã sớm nhận biết được nguy cơ của tệ tham nhũng và đã tìm ra những “phương thuốc đặc trị” căn bệnh này, để lại cho hậu thế những di sản và kinh nghiệm quý báu. Dù ở những mức độ khác nhau nhưng các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp ngăn ngừa, xử lý tệ tham nhũng khá toàn diện và hiệu quả17. Các vị quân vương Việt Nam đã chăm lo xây dựng, thực thi hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng; dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực – những hành vi phạm tội mà chủ thể là những quan lại. Những hình phạt đối với tội tham nhũng khá đầy đủ và bao quát, từ nhẹ đến nặng, phương pháp xử lý luôn hướng tới triệt tiêu tài sản có được từ tham nhũng. Nhờ thực hiện những biện pháp kiên quyết và phù hợp mà nhiều triều đại phong kiến đã duy trì tốt ổn định chính trị – xã hội, giữ gìn kỷ cương phép nước; góp phần quan trọng giúp các triều đại phong kiến phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đặc biệt ở những giai đoạn thịnh trị.
Ôn cố tri tân, những bài học hôm qua sẽ là hành động của chúng ta hôm nay. Như một chuyến đi ngược về quá khứ, nhìn lại vấn nạn này qua các triều đại trong lịch sử, những bài học kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng thời phong kiến vẫn còn nguyên giá trị thời sự, ý nghĩa thiết thực và gợi mở cho chúng ta suy ngẫm trong công tác phòng chống tham nhũng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1] Đỗ Bang, Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn: những vấn đề đặt ra hiện nay, NXB.Thuận Hóa, Huế, 1998.
[2] Đỗ Bang (chủ biên), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1884, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1997.
[3] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Viện Sử học, NXB. Khoa học Xã hội, 1992.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
[5] Nghĩ về phương sách dùng người giỏi thời nhà Nguyễn. Nguồn: www.hue.vn Ngày 24/1/2006. [6] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, NXB. Khoa học xã hội, 1994.
[7] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông – Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại, NXB.Tư pháp, Hà Nội, 2007 [8] Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy (Nguyễn Văn Huyền, Phạm Tuấn Khanh (dịch) NXB. Pháp lý – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1992.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
[12] Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1963.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời