Mục lục
Nhà nước kiến tạo phát triển – Những thách thức thể chế
Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
TÓM TẮT
Trong thời gian gần đây, một lượng nghiên cứu đáng kể gia tăng xung quanh chủ đề nhà nước kiến tạo phát triển. Nhà nước kiến tạo phát triển xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 20 và hiện nay được quan tâm về mặt học thuật cũng như thực tiễn ở Việt Nam. Bài viết giới thiệu những nét cơ bản về mặt khái niệm, mục tiêu, phương tiện của nhà nước kiến tạo phát triển và đưa ra những gợi ý cho quá trình xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước”
- Nguồn gốc, Bản chất, Đặc điểm và Hình thức của Nhà nước – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân – GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế
- Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand – TS. Trần Việt Dũng
- Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú& ThS. Lê Thị Ngọc Hà & ThS. Nguyễn Thị Nhung
- Phân tích vai trò của nhà nước đối với pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Nhà nước kiến tạo phát triển – khái niệm và lịch sử
Nhà nước phát triển (Developmental state) là quan điểm về nhà nước theo đó nhấn mạnh vai trò kiến tạo phát triển thông qua sự lựa chọn chính sách công một cách duy lý và có kế hoạch. Việc lựa chọn và thực hiện những chính sách phát triển này do một bộ máy chức nghiệp độc lập, chuyên nghiệp tiến hành.[1] Một cách chi tiết hơn, nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước phát triển có thể được hiểu là nhà nước ưu tiên cho phát triển kinh tế, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh về công nghệ. Về mặt quản trị, nó được dẫn dắt bởi nhóm chức nghiệp ưu tú có năng lực quản lý lãnh đạo thông qua việc hoạch định các chính sách công nghiệp và nhóm này được hệ thống chính trị hỗ trợ bằng việc tạo ra một khoảng tự do cần thiết để sáng tạo.[2]
Về mặt lịch sử, ý tưởng về vai trò can thiệp và định hướng phát triển kinh tế của nhà nước cũng đã hình thành từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Theo đó quan niệm này coi trọng chính sách kinh tế của nhà nước thúc đẩy năng lực cạnh tranh và ý tưởng này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa tiền tệ và an ninh quốc gia.[3] Nói cách khác, quan điểm về vai trò can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế ra đời khá sớm nhưng khái niệm về nhà nước kiến tạo phát triển ra đời muộn hơn. Nhà nước kiến tạo phát triển gắn với nghiên cứu của Johnson Chalmers về nền kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai[4] và sau này là những nghiên cứu về các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Xét từ nội dung vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường (liên quan tới việc khắc phục sự thất bại của thị trường) quan điểm nhà nước thân thiện với thị trường (the market friendly view) nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác thông qua cơ chế thị trường. Quan điểm này cho rằng thị trường không thể hoàn hảo. Do đó, vai trò của nhà nước là cung cấp cơ sở hạ tầng pháp lý cho các giao dịch trên thị trường và cung cấp những hàng hóa công cộng mà cơ chế thị trường thị trường không thể cung cấp (ví dụ môi trường trong sạch). Ngược lại, quan điểm nhà nước kiến tạo phát triển cho rằng sự thất bại của thị trường là phổ biến và sự can thiệp của nhà nước là cơ chế cần thiết cho giải pháp về những thất bại đó.[5]
2. Mục tiêu và phương tiện của nhà nước kiến tạo phát triển
Hầu hết các quan điểm cho rằng, một trong những đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển là nó thực hiện sự can thiệp nhằm mục tiêu phát triển kinh tế (sự phát triển kinh tế có sự gắn kết với chủ nghĩa dân tộc), bắt kịp các nền kinh tế phát triển và chuyển đổi nền kinh tế.[6] Như vậy, nhà nước kiến tạo phát triển có đặc tính cơ bản: (1) nền tảng chính trị của nó là chủ nghĩa quốc gia (chủ nghĩa dân tộc) cho nên nó đôi khi được coi là chủ nghĩa dân tộc kinh tế mà chủ nghĩa này hình thành trước sự lấn át của chủ nghĩa tư bản phương Tây; (2) nhà nước kiến tạo cũng dựa trên cam kết phát triển kinh tế, kiến tạo phát triển kinh tế hoặc kiến tạo cho sự chuyển đổi kinh tế.[7]
Từ mục tiêu kinh tế, có quan điểm nghiên cứu về sự phát triển của bốn con rồng châu Á cho rằng vấn đề không phải là nhà nước có nên can thiệp vào nền kinh tế hay không mà thực sự là can thiệp vào lĩnh vực nào, cách thức nào và ở mức độ nào. Tổng kết từ các quốc gia này, chúng tôi cho rằng bốn lĩnh vực quan trọng mà nhà nước can thiệp là: thị trường, công nghiệp, tài chính và ngân sách, dịch vụ công và hạ tầng. Theo đó, các hình thức can thiệp là chính sách và thể chế hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế (Economic fertilizers), hình thành các trụ cột của nền kinh tế và xác lập phúc lợi tối thiểu. Điểm chung của các nền kinh tế này là thúc đẩy một nền kinh tế thị trường tự do và vai trò định hướng phát triển của nền kinh tế là mở rộng thị trường, đồng thời duy trì những nguyên tắc của thị trường và duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân.[8]
Mục tiêu phát triển của thế giới hiện đại là một trong những yếu tố xác định vai trò, chức năng của nhà nước. Những mục tiêu này hiện nay đã có sự thay đổi, từ Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sang Mục tiêu phát triển bền vững. Nhìn chung, Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững là những yêu cầu về phát triển kinh tế đã gắn với những yêu cầu về xã hội, phát triển nhưng không bỏ mặc bất cứ ai, không ai bị gạt ra khỏi quá trình phát triển kinh tế, của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế (Leave no one behind). Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân của sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa quốc gia cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ… là có một bộ phận cư dân bị gạt ra khỏi hay không được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, từ quá trình toàn cầu hóa.
Xét từ góc độ thể chế, dù với mục tiêu nào thì nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng nhưng định vị vai trò này sẽ rất khác nhau. Với mục tiêu phát triển kinh tế, vai trò nhà nước kiến tạo là phù hợp nhưng với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Mục tiêu pháp triển bền vững, vai trò của nhà nước hiện đại đã có những thay đổi nhất định. Những mục tiêu này đòi hỏi một nhà nước chủ động (proactive) và năng lực mạnh để có thể theo đuổi những chương trình kết hợp giữa tính kinh tế và mục tiêu xã hội.[9] Như vậy, khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển theo nghĩa truyền thống có mục tiêu phát triển tập trung vào lĩnh vực kinh tế hoặc phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội. Do vậy, so với những mục tiêu thiên niên kỷ do Hội nghị lãnh đạo thế giới đưa ra là khá hẹp. Xét về mặt phạm vi, mục tiêu hẹp hay rộng đều có những ý nghĩa nhất định. Mục tiêu hẹp, cụ thể thì khả năng thực hiện và thành công dễ xác định. Ngược lại, mục tiêu đa dạng, rộng thì thực hiện và xác định được kết quả sẽ khó hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện đại, nhà nước hiện đại phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và mục tiêu phát triển của nhà nước có lẽ ngày càng phải rộng hơn và đa dạng hơn.
Một đặc trưng khác của nhà nước kiến tạo phát triển là lựa chọn các chính sách công để phát triển (chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tài chính, thu hút đầu tư, xuất khẩu, nghiên cứu phát triển…) và những chính sách này nhằm xác lập nền kinh tế thị trường tư bản tự do, hướng đến khối tư (Private sector) hơn là khối công.[10] Để thành công trong lựa chọn và thực thi chính sách công nghiệp, có quan điểm cho rằng nhà nước gắn kết với chủ nghĩa tư bản (Cohesive – Capitalist States) có hiệu quả cao nhất trong chính sách phát triển công nghiệp hóa và mô hình nhà nước phân hóa nhiều giai cấp (Fragmented – Multiclass States) không toàn quyền và kém hiệu quả hơn trong việc lựa chọn và thực thi chính sách công nghiệp bởi nó thiếu sự ủng hộ chính trị.[11]
Sự “thần kỳ” của các nền kinh tế Đông Á (nơi mà những nghiên cứu về nhà nước kiến tạo phát triển tập trung xem xét) được lý giải không chỉ là sự can thiệp của nhà nước bằng chính sách vào một số lĩnh vực nhằm tăng khả năng cạnh tranh kinh tế như mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental state) mà nó còn bao hàm nhiều nội dung xã hội khác như: những chính sách kinh tế – xã hội đúng đắn (ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư vào vốn con người, hệ thống tài chính ổn định và an toàn, đầu tư nước ngoài, đầu tư cho nông nghiệp…); vai trò của sự hợp tác công tư; công bằng trong phát triển; định hướng xuất khẩu.[12] Như vậy, lựa chọn chính sách (đặc biệt là chính sách công nghiệp) là một trong những phương cách đạt được mục tiêu chuyển đổi và phát triển kinh tế của nhà nước kiến tạo phát triển có lẽ khó thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội phát triển bền vững. Với nhà nước hiện đại, đa dạng hóa các nội dung chính sách, không quá tập trung vào lĩnh vực kinh tế có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan bởi mục tiêu phát triển của nhà nước hiện đại là đa dạng và bền vững thì chính sách phát triển cũng phải đa dạng và bền vững. Sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa của dòng vốn đầu tư có lẽ tác động làm thay đổi chính sách phát triển của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.[13]
Về mặt thực tế, sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 là sự thay đổi từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, tài sản của nền kinh tế tri thức hay kinh tế hậu công nghiệp mang tính vô hình hơn và phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng hơn. Về mặt nhận thức, lý thuyết phát triển mới cho rằng sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào thể chế chính trị và khả năng xác định các mục tiêu phát triển chung của xã hội. Do vậy, mối quan hệ của nhà nước với xã hội để phát triển sẽ mở rộng hơn về phạm vi (nhiều đối tác hơn) và thay đổi về tính chất (dân chủ hơn). Trên cơ sở đó, thiết kế, tái cấu trúc và vận hành thể chế là chìa khóa cho sự phát triển của nhà nước kiến tạo phát triển của thế kỷ 21, chứ không phải là lựa chọn chính sách công nghiệp như phiên bản nhà nước kiến tạo của thế kỷ 20.[14]
Tóm lại, mục tiêu phát triển hoặc chuyển đổi nền kinh tế bằng việc chủ động lựa chọn chính sách phát triển, bảo đảm các nguyên lý của kinh tế thị trường tư bản, thúc đẩy nền kinh tế thị trường tư bản là một trong những đặc trưng quan trọng của nhà nước kiến tạo phát triển. Bảo đảm và thúc đẩy nền kinh tế thị trường tư bản là điểm phân biệt (về mục tiêu) giữa nhà nước kiến tạo phát triển với nhà nước có mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, một thách thức quan trọng đối với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là xác định cho thật rõ tính chất, mức độ của tính xã hội chủ nghĩa trong so sánh với kinh tế thị trường tư bản nói chung. Mục tiêu, định hướng phát triển không rõ thì mức độ thành công khó có thể đạt được, thậm chí cái đạt được có thể không phải là kinh tế thị trường tư bản và cũng không phải là kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3. Đòi hỏi thể chế của nhà nước kiến tạo phát triển
Nhà nước kiến tạo phát triển cần có đội ngũ chức nghiệp ưu tú, tinh gọn và trong sạch. Hơn nữa, một yêu cầu quan trọng của nhà nước kiến tạo là sự độc lập, tự chủ của đội ngũ chức nghiệp và sự gắn kết trong nội bộ bộ máy nhà nước và gắn kết giữa đội ngũ chức nghiệp với giới đầu tư, giới kỹ thuật. Bởi lẽ, chính sách công nghiệp, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ phía nhà nước cần có sự gắn kết giữa người hỗ trợ (nhà nước) và người được hỗ trợ (doanh nghiệp và giới kỹ thuật). Sự độc lập, tự chủ này bao hàm cả độc lập với các nhóm lợi ích, độc lập với các chính trị gia và mặt trái của nó – sự không độc lập, tự chủ nhiều khi liên quan trực tiếp tới tình trạng tham nhũng.[15] Sự độc lập, tự chủ và gắn kết của đội ngũ chức nghiệp (hay còn gọi là bộ máy quan liêu) là yêu cầu quan trọng cho sự dẫn dắt đổi mới, sáng tạo và năng động trong lĩnh vực thương mại. Mặt khác, nó cũng đòi hỏi sự hỗ trợ chính trị của nhà nước trung ương và của toàn bộ hệ thống chính trị để đội ngũ này được lựa chọn và thực thi chính sách để phát triển.[16] Ngược lại, nhà nước gia trưởng hiện đại có hiệu quả thấp nhất trong việc lựa chọn và thực thi chính sách công nghiệp bởi quyền lực trong thể chế chính trị không tập trung, lãnh đạo cá nhân và chuyên quyền, bộ máy quan liêu, chức nghiệp yếu kém, chính sách phục vụ cho giới lãnh đạo và những nhóm số ít đặc quyền trong xã hội và do vậy chính sách của nó thường thể hiện lợi ích cá nhân lãnh đạo và những nhóm đặc quyền.[17]
Nhìn chung, nhà nước kiến tạo đòi hỏi năng lực chính trị để áp đặt và hiện thực hóa chính sách của nó đối với xã hội và do vậy có mối liên hệ nhất định giữa nhà nước kiến tạo phát triển và sự độc tài.[18] Mối quan hệ giữa dân chủ, độc tài và phát triển cũng là chủ đề gây tranh cãi nhất trong giới học thuật và thực tiễn cũng không cho thấy liên hệ nhân quả giữa dân chủ hay độc tài với sự phát triển.[19] Tuy nhiên, những quan điểm trên cũng hầu như nhất trí rằng, dân chủ nói chung cũng như đáp ứng các nhu cầu, lợi ích khác nhau trong xã hội là một yêu cầu quan trọng để nhóm kỹ trị ưu tú hình thành và thực thi chính sách có tính minh bạch hơn.[20]
Dù được coi là mô hình phát triển trong đó coi trọng vai trò của nhà nước, lấy nhà nước làm trung tâm phát triển, nhà nước có vai trò định hướng kinh tế vĩ mô, chọn lựa chính sách công nghiệp và bảo hộ thương mại thì bộ máy nhà nước và đội ngũ chức nghiệp phải chuyên nghiệp, có tầm nhìn và cách biệt với những ảnh hưởng của nhóm lợi ích. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước và đội ngũ chức nghiệp cách ly với những ảnh hưởng của nhóm lợi ích (tránh chủ nghĩa thân hữu) nhưng lại phải gắn kết với các đối tượng được hỗ trợ kỹ thuật, bảo hộ thương mại. Hơn nữa, đội ngũ này phải đại diện cho lợi ích quốc gia thống nhất và thực hiện đúng nguyên tắc của nền kinh tế tư bản.[21] Đây có lẽ là một trong những thách thức khá lớn đối với những nước đang phải đấu tranh với nạn tham nhũng, bè phái và chủ nghĩa tư bản thân hữu bởi chính chủ nghĩa tư bản thân hữu phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế năm 1997.[22]
Một thách thức rất lớn đối với việc kiến thiết nhà nước kiến tạo phát triển là sự độc lập, tự chủ của bộ máy quan liêu là một trong những điều kiện quan trọng nhưng sự tự chủ và độc lập này gắn liền với mô hình tổ chức và vận hành quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Nói cách khác, yêu cầu độc lập và tự chủ của bộ máy quan liêu đòi hỏi phải tái cấu trúc hệ thống chính trị nói chung và quyền lực nhà nước nói riêng. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, sự dung hợp của chủ trương “kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp” với sự độc lập, tự chủ trong hoạch định và thực thi chính sách của bộ máy quan liêu có lẽ là thách thức rất lớn cho các “kiến trúc sư của thể chế”.
4. Những gợi ý cho nhà nước kiến tạo phát triển Việt Nam
Thứ nhất, mô hình truyền thống về nhà nước kiến tạo phát triển có thể thích hợp trong điều kiện kinh tế – xã hội sau Thế chiến thứ hai đến cuối thế kỷ 20 nhưng khó có thể thích hợp trong thế kỷ 21 – thế kỷ của toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Liên quan đến nhà nước kiến tạo phát triển gắn với sự thần kỳ của các con rồng, con hổ châu Á, có quan điểm cho rằng: “Ngân hàng Thế giới (1993) đã ca ngợi chính sách can thiệp chức năng và can thiệp chiến lược của nhà nước vào thị trường và đánh giá rất cao vai trò của nhà nước đối với phát triển”.[23] Tuy nhiên, theo chúng tôi “thành tích của các nước này là khiêm tốn so với những gì đã được ca ngợi trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997 – 1998 và nó cũng không phải là một mô hình kinh tế đáng học hỏi”.[24] Ngân hàng thế giới cũng thừa nhận rằng: “… rất khó tìm thấy mối liên hệ giữa những chính sách cụ thể và sự phát triển và càng khó hơn để tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa chúng”.[25] Báo cáo tư vấn của Đại học Harvard cho Chính phủ Việt Nam cũng cho thấy những bài học nào nên tham khảo và những nội dung nào của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển không thể thực hiện trong điều kiện hiện tại.[26] Tóm lại, nhiều quan điểm hiện đại không khái quát sự thần kỳ châu Á là một mô hình chung cho sự phát triển và cũng không khuyến khích áp dụng mô hình này.[27]
Thứ hai, rõ ràng là nhà nước hiện đại vẫn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Tuy nhiên, điều kiện thay đổi, vai trò và phương thức thực hiện những vai trò truyền thống và vai trò mới của nhà nước cũng phải thay đổi. Có lẽ vai trò độc quyền quyết định, đánh thuế và chi tiêu sẽ chuyển dịch sang vai trò mới – vai trò điều tiết, phối hợp, hoạt động mạng lưới.[28] Mục tiêu phát triển nền kinh tế công nghiệp, cách mạng công nghiệp 3.0 gắn với tài sản hữu hình là đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển phiên bản của thế kỷ 20 sẽ khác với nhà nước kiến tạo phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức và tài sản vô hình gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 của thế kỷ 21 và nó đòi hỏi sự nâng cao năng lực của nhà nước và năng lực con người, vốn con người… để có thể gia tăng tài sản hữu hình. Nói cách khác, bối cảnh và mục tiêu, nhiệm vụ của nhà nước thay đổi dẫn đến vai trò của nhà nước cũng phải thay đổi nhưng điểm chung là vai trò của nhà nước vẫn rất quan trọng. Nếu thiết kế bộ máy chức nghiệp (quan liêu) và mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự là thách thức của nhà nước kiến tạo phát triển thế kỷ 20 thì mở rộng và nâng cao năng lực của con người và của nhà nước là thách thức của nhà nước kiến tạo pháp triển thế kỷ 21.[29]
Thứ ba, xây dựng chính phủ “kiến tạo” có thể là khẩu hiệu chính trị nhưng không nên là mục tiêu xây dựng thể chế bởi khái niệm này chưa có cơ sở về mặt khoa học (chính phủ kiến tạo rất khác biệt với nhà nước kiến tạo). Mặt khác, mô hình nhà nước kiến tạo (rộng hơn so với khái niệm chính phủ kiến tạo) cũng vẫn đòi hỏi sự hợp tác, hỗ trợ của các bộ phận khác trong hệ thống chính trị, hay muốn kiến tạo phát triển đòi hỏi toàn bộ nhà nước chứ không chỉ chính phủ. Mặt khác, quan niệm về nhà nước kiến tạo phát triển cũng nhận được không ít sự phê phán. Có quan điểm cho rằng, nghiên cứu về nhà nước kiến tạo phát triển trình bày sai lệnh về các nền kinh tế châu Á, chuyển sự tập trung vào nhà nước sang bộ máy quan liêu và thu hẹp nghiên cứu kinh tế – chính trị châu Á thành nghiên cứu phát triển kinh tế và vấn đề thực sự nảy sinh khi nhà nước kiến tạo phát triển nhưng không thể phát triển. Nói cách khác, lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển là sự diễn giải về sự phát triển hoặc tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm trong việc diễn giải sự phát triển kinh tế[30] chứ không phải là chính phủ. Hơn nữa, một số nội dung trong mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cần thay đổi bởi điều kiện hiện tại không cho phép. Ví dụ, “Việt Nam phải đi theo quỹ đạo phát triển của các nước Đông Á nhưng lại không được phép sử dụng những công cụ chính sách mà những nước này đã từng sử dụng trong quá trình công nghiệp hóa của chúng” bởi “cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 đã phơi bày một số điểm yếu ẩn chứa bên trong mô hình phát triển của các nước Đông Á và Đông Nam Á” và “ngày nay, các nước đang phát triển không thể dựa vào những chiến lược công nghiệp hóa đã từng thành công trong quá khứ”.[31]
Cuối cùng, trước khi trả lời câu hỏi chung nhất là nhà nước làm gì? và làm điều đó như thế nào? (mà một trong những câu trả lời là xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển) thì một câu hỏi quan trọng hơn, cần được trả lời trước tiên, đúng với chuyên môn của những luật gia, chính trị gia là thể chế sẽ được kiến thiết như thế nào? Nhà nước và quyền lực nhà nước sẽ được kiến thiết như thế nào?
Ngay cả Báo cáo tư vấn của Đại học Harvard cho Chính phủ Việt Nam năm 2008 về khuôn khổ chính sách cho phát triển kinh tế cũng chưa đưa ra một gợi ý có tính hệ thống về sự thay đổi thể chế cần thiết cho sự phát triển. Có lẽ vì chưa có những thay đổi cần thiết về thể chế (về lý thuyết cũng như thực tế) nhưng nhiều nội dung khuyến nghị trong Báo cáo này vẫn còn tính thời sự cho dù cách nay đã gần 10 năm. Không chỉ những khuyến nghị trong Báo cáo nêu trên, một số chủ trương, chính sách lớn (chủ trương về khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, chống tham nhũng…) cũng chưa được triển khai nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển đến năm 2020. Nói cách khác, sự thay đổi chính sách cho phát triển không chỉ đòi hỏi thay đổi trong nội dung chính sách mà nó cần thay đổi khuôn khổ thể chế và sự thay đổi này đóng vai trò tiên quyết cho việc thực thi có hiệu quả những chính sách đó trên thực tế.
Kiến thiết thể chế hiện nay cũng là một trong những yêu cầu, yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển. Vì vậy, có lẽ cần tập trung một cách tương xứng vào việc kiến thiết, tái cấu trúc thể chế cho một “chương” mới của sự phát triển – phát triển bền vững hay một nhiệm vụ mới của sự phát triển – thoát bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng thành công về tăng trưởng, công bằng và dân chủ trong tương lai của các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng phụ thuộc sự quản trị dân chủ. Do vậy, cải cách thể chế nhằm thực hiện dân chủ và phát triển một trong yêu cầu quan trọng để tạo môi trường cho phát triển kinh tế là: bảo đảm truyền thông trung lập để giám sát các quá trình chính trị; độc lập của tòa án để xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo vệ hiến pháp; thiết chế đại nghị mạnh và đủ năng lực để giám sát hành pháp.[32].
CHÚ THÍCH
[1]* TS, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí MinhRichard Boyd and Tak-Wing Ngo (eds), Asian States Beyond The Developmental Perspective, Routledge, 2005, tr. 1.
[2] Yin-Wah Chu (eds), The Asian Developmental State, Reexaminations and New Departures, Palgrave Macmillan, 2016, tr. 1.
[3] Bob Jessop,The Developmental State in an Era of Finance-Dominated Accumulation, Yin-Wah Chu (eds), 2016, tr. 28.
[4] Chalmers A. Johnson, “MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy 1925-1975”, Stanford University Press, 1992.
[5] Masahiko Aoki, Hyung-Ki Kim , Masahiro Okuno-Fujiwara, “The Role Of Government In The East Asian Economic Development”, Oxford Clarendon Press, 1998, tr. 1.
[6] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 6.
[7] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 5.
[8] Li, Kui-Wai, Capitalist Development And Economism In East Asia: The Rise Of Hong Kong, Singapore, Taiwan, And South Korea, Routledge, chương 4, 2003, tr. 80.
[9] Judith A. Teichman, The Politics of Inclusive Development Policy, State Capacity, and Coalition Building, Palgrave Macmillan, 2011, tr. 2.
[10] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 4.
[11] Atul Kohli, “State-Directed Development -Political Power and Industrialization in the Global Periphery”, Cambridge University Press, 2004, tr. 9 – 10.
[12] Masahiko Aoki, Hyung-Ki Kim, Masahiro Okuno-Fujiwara, Tlđd, tr. 3.
[13] Bob Jessop, Tlđd, chương 3.
[14] Peter B. Evans, “In Search Of The 21st Century Developmental State”, Working paper No 4, Centre for Global Political Economy University of Sussex, 2008, https://www.sussex.ac.uk/webteam/gateway/file.php?name=cgpe-wp04-peter-evans.pdf&site=359, truy cập ngày 15/6/2017.
[15] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 59.
[16] Peter Evans,“Embedded Autonomy: States And Industrial Transformation”, Princeton University Press, 1995, tr. 50; Yin-Wah Chu (eds), tlđd, tr. 63. Có quan điểm cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển gắn liền với đội ngũ quan liêu có thẩm quyền, xem thêm: Atul Kohli, Tlđd, tr. 10.
[17] Atul Kohli, Tlđd, tr. 9.
[18] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 8 – 10.
[19] Atul Kohli, “Democracy and development: Trends and Prospectstrong Atul Kohli, Chung-in Moon, George Sørensen-eds”, States, Markets, And Just Growth: Development In The Twenty-First Century United Nations University Press, 2003, tr. 57.
[20] Yin-Wah Chu (eds), Tlđd, tr. 18.
[21] Martin Andersson and Christer Gunnarsson, Development And Structural Change In Asia-Pacific: Globalising Miracles or End of a Model? Routledge Curzon, 2003, tr. 4.
[22] Martin Andersson and Christer Gunnarsson, Tlđd, tr. 193.
[23] Jomo K. S, Southeast Asian Paper Tigers? From Miracle to Debacle and Beyond, Routledge Curzon, 2003, tr. 3.
[24] Jomo K. S, Tlđd, tr. 15.
[25] The Word Bank, “The East Asian Miracle A Word Bank Economic Growth and Public Policy”, Oxford University Press, 1993, tr. 6.
[26] Đại học Harvard, Lựa chọn Thành công Chương trình Việt Nam, 2008 URL: http://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/library/poverty/choosing-success–the-lessons-of-east-and-southeast-asia-and-vie.html, truy cập ngày, 15/6/2017.
[27] Martin Andersson and Christer Gunnarsson, Tlđd, tr. 198.
[28] Đỗ Minh Khôi, “Quản trị nhà nước hiện đại”, trong Vũ Công Giao (eds) Quản trị tốt: Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 7.
[29] Peter B. Evans, The Challenge of 21st century Development: Building Capability Enhancing States, United Nations Development Programme, 2010, http://www.sfb597.uni-bremen.de/download/de/publikationen/ohts/EvansChallenge_21st_century.pdf, truy cập ngày.
[30] Richard Boyd and Tak-Wing Ngo (eds), Tlđd, tr. 2 – 4.
[31] Đại học Harvard, “Lựa chọn Thành công Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam”, 2008.
[32] Yun-han Chu, East Asia: Development Challenges In The Twenty-First Century, trong Atul Kohli, Chung-in Moon, George Sorensen-eds, 2003, tr. 148 – 149.
-
- Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(111)/2017 – 2017, Trang 3-9
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời