Mục lục
Luật Trẻ em năm 2016 và một số đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật về trẻ em
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoa Tâm
TÓM TẮT
Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017) về cơ bản đã khắc phục những bất cập và góp phần hoàn thiện các chính sách pháp luật về trẻ em ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện pháp luật hiện hành sẽ còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích sự cần thiết phải hoàn thiện các chính sách pháp luật về trẻ em, từ đó, đề xuất định hướng để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. Bài viết đề cập 02 vấn đề: (i) Khái quát pháp luật về trẻ em (ii) Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trẻ em.
Xem thêm bài viết về “Trẻ em”
- Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Vũ Thị Phượng
1. Khái quát pháp luật về trẻ em
Trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng đối với gia đình và xã hội. Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em. Để thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TW ngày 30/5/1994 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chỉ thị 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới cũng nhấn mạnh chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong các văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã nhấn mạnh cần coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc…; bảo đảm cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và quyền trẻ em.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về trẻ em. Có thể kể đến các chủ trương, chính sách như Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 về việc phê duyệt chương trình phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010; Quyết định 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 về việc phê duyệt đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 – 2010; Quyết định 84/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 267/QĐ-TTg, ngày 22/02/2011 về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015; Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2011, phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (trong đó đặt ra mục tiêu nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; thu hẹp sự khác biệt đáng kể về các chỉ báo sức khỏe trẻ em giữa các vùng, miền; cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên, trong đó tăng tỷ lệ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện…).
Ngày 15/6/2004, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích cho trẻ em. Trong hơn 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho các chủ thể trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này đang dần bộc lộ những hạn chế và không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay.
Nhằm bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời quy định chi tiết và cụ thể hơn về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm…, Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 11, ngày 05/4/2016 đã thông qua Luật Trẻ em thay thế cho Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004. Về kết cấu, Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều và có nhiều điểm mới như sửa đổi tên gọi của Luật nhằm phản ảnh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật; khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em; những hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em… Đồng thời, Luật Trẻ em năm 2016 đã cụ thể hóa quy định của Điều 37 Hiến pháp năm 2013: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em.[1] Các bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em phù hợp với chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến trẻ em còn được ghi nhận trong các bộ luật khác như Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Giáo dục năm 2005…
Có thể thấy, hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em hiện nay được quy định khá đầy đủ và toàn diện. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật về trẻ em khá rộng với quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Xu hướng nhân đạo hóa đã thể hiện rõ nét trong hệ thống các quy định pháp luật về truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Đồng thời, các biện pháp trách nhiệm pháp lý cũng tăng dần tính nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đây chính là cơ sở pháp lý thể chế chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện và bảo đảm thực hiện pháp luật về trẻ em
Mặc dù pháp luật về trẻ em được quy định khá đầy đủ và toàn diện, nhưng việc thực hiện các quy định pháp luật về trẻ em trên thực tiễn có thể phát sinh một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, vấn đề công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên
Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ trẻ em tránh khỏi các nguy cơ bị xâm hại, tại Điều 6 khoản 11 Luật Trẻ em năm 2016 quy định như sau:
“Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
…11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em…”.
Theo đó, mọi hành vi công bố, tiết lộ các thông tin đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên mà không được sự đồng ý của trẻ em và cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em đều bị nghiêm cấm.
Vậy, cần hiểu thế nào là “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”? Ví dụ, cha, mẹ của trẻ đăng tải hình ảnh của trẻ lên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như facebook, twitter… có phải là hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em? Đây là hiện tượng diễn ra rất phổ biến trên các trang mạng khi sự kết nối Internet ngày càng mở rộng.
Thế nhưng trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định giải thích chính xác thế nào là “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” mà chỉ ghi nhận đó là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) có quy định mở rộng hơn quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 38.
Tuy nhiên, quy định này cũng chưa đưa ra được một khái niệm rõ ràng để xác định những thông tin được coi là thông tin về “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều nhất. Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này để quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của công dân nói chung và trẻ em được bảo đảm trên thực tế.
Bên cạnh đó, để có thể công bố thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ đó và cha, mẹ, người giám hộ của trẻ. Vậy “sự đồng ý” trên được thể hiện bằng hình thức nào là phù hợp, nhất là trong trường hợp người công bố tiết lộ thông tin đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của trẻ em là những người thân thích như cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em? Đồng thời, cơ chế để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước sự xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân chưa rõ ràng.
Thứ hai, vấn đề bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng
Trước những đòi hòi bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên môi trường mạng, Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể tại khoản 2 Điều 54 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”. Theo đó, để đảm bảo an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện những biện pháp nhất định theo quy định pháp luật.
Quy định này phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử. Tại khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có văn bản nào quy định về hình thức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng. Chính vì thế, không có cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng đưa ra giải pháp để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật vừa đảm bảo an toàn và bí mật riêng tư cho trẻ em.
Vấn đề đặt ra là rất khó kiểm soát việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng có thực hiện việc bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho cá nhân nói chung và trẻ em nói riêng hay không. Bởi trên thực tế, chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn đang bối rối và gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng. Tại Hội thảo “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015”, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã công bố báo cáo Kết quả khảo sát thực trạng an toàn thông tin Việt Nam năm 2015 và đưa ra Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2015 – VNISA Index 2015. Theo đó, chỉ số trung bình của Việt Nam là 46,5%.[2] Điều này chứng tỏ mức độ an toàn thông tin ở nước ta còn thấp, chưa đảm bảo được bí mật riêng tư cho cá nhân. Đồng thời, các cơ chế về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng còn hạn chế và chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, tình trạng sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân trên môi trường mạng vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
Bên cạnh những bất cập nói trên, pháp luật về trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em còn nhiều bất cập như: các chủ thể có liên quan chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế để trẻ em có thể tự bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Nghiên cứu Luật Trẻ em năm 2016, tác giả có những kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần có quy định hướng dẫn cụ thể khái niệm “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” của công dân nói chung và trẻ em nói riêng. Việc này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em mà còn là cơ sở pháp lý để thực hiện các quy định pháp luật về hình sự, dân sự, thương mại… Tác giả đề nghị ghi nhận thông tin về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân về tình cảm, công việc, gia đình… mà cá nhân đó không muốn tiết lộ. Theo đó, có thể hiểu, thông tin về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là những thông tin có đặc điểm như: i) Có liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân; ii) Cá nhân đó có mong muốn giữ bí mật; iii) Không phải là thông tin, hiểu biết công cộng; iv) Gây ảnh hưởng đối với cá nhân nếu bị xâm phạm. Tuy nhiên, cần phân biệt thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây thiệt hại cho người khác mà cá nhân không muốn tiết lộ (Ví dụ: trường hợp trẻ em bị cha mẹ ngược đãi nhưng trẻ đó không muốn tiết lộ). Do đó, vấn đề này cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể đưa ra được một khái niệm chuẩn xác nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng cho trẻ em.
Thứ hai, Luật Trẻ em năm 2016 chỉ mới chỉ có quy định cấm các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà chưa quy định về xử lý đối với các hành vi vi phạm. Vì vậy, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này, trong đó có thể cân nhắc việc áp dụng cơ chế bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự trong trường hợp này, đồng thời cần đảm bảo sự phối hợp của các chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của trẻ.
Thứ ba, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế quy định về cách thức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời tư cho trẻ em; quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giám sát và xử lý đối với những hành vi không bảo đảm an toàn và bí mật riêng tư của trẻ em; đồng thời có văn bản quy định cụ thể khung, mức phạt xử lý vi phạm hành chính và mức độ cấu thành tội phạm hình sự đối với hành vi không đảm bảo an toàn, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em nói riêng và hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em nói chung.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, ngoài yêu cầu hoàn thiện pháp luật thì tăng cường các biện pháp xã hội hóa hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em cũng phải được chú ý. Việc giáo dục đạo đức, pháp luật tại nhà trường và gia đình có ý nghĩa rất lớn trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ em Đây là sự thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội đối với thế hệ tương lai để trẻ em Việt Nam được bảo vệ và phát huy quyền của mình, góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, phù hợp với trẻ em./.
Xem thêm bài viết về “Luật Trẻ em 2016”
CHÚ THÍCH
[1] Ví dụ: quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạn; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…
[2] Thế Hảo, “Thực trạng an toàn thông tin Việt Nam năm 2015”, Xem:.http://antoanthongtin.vn/Detail.aspx?NewsID=29d680af-9286-4f19-9c40-4a32db7de523&CatID=e1999c9a-5eeb-418c-9ea8-ae4c5e850d0c, truy cập ngày 19/01/2017
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoa Tâm
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(107)/2017 – 2017, Trang 76-80
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời