Mục lục
Kiểu nhà nước là gì? Phân tích khái niệm kiểu nhà nước?
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Lý luận nhà nước và pháp luật
- Vai trò khoa học của Lý luận chung về nhà nước và pháp luật
- So sánh và Phân biệt nhà nước với các tổ chức xã hội khác
- Quan điểm của Mác -Lênin về nguồn gốc nhà nước
- Phân tích quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin về thay thế kiểu nhà nước
- Phân tích khái niệm và đặc trưng của nhà nước
- Phân tích tính giai cấp và tính xã hội của nhà nước
- Tính xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Thế nào là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”
- Chức năng Nhà nước là gì? Phân tích Chức năng của nhà nước?
1 – Kiểu nhà nước là gì?
Kiểu nhà nước ỉà tổng thể những đặc điểm, đặc thù của một nhóm nhà nước, qua đó phân biệt với nhỏm nhà nước khác.
Theo cách hiểu này, việc phân chia kiểu nhà nước thực chất là sự phân nhóm (phân loại) nhà nước. Những nhà nước thuộc cùng một kiểu là những nhà nước có cùng những đặc điểm, đặc trưng nhất định, qua đó phân biệt với kiểu (nhóm) nhà nước khác.
2 – Các cách phân loại kiểu nhà nước
Có thể phân kiểu nhà nước theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau. Cụ thể:
Dựa vào sự phân chia các thời kỳ lịch sử của các nhà sử học
Dựa vào sự phân chia các thời kỳ lịch sử của các nhà sử học, có thể phân chia nhà nước thành các kiểu tương ứng với các thời kỳ lịch sử như: Nhà nước cổ đại, nhà nước trung đại, nhà nước cận đại và nhà nước hiện đại. Riêng đối với các nhà nước hiện đại, nếu dựa vào các chỉ số phát triển của quốc gia do Ngân hàng Thế giới đưa ra thì có thể chia thành nhà nước ở các nước có thu nhập cao, nhà nước ở các nước có thu nhập trung bình cao, nhà nước ở các nước có thu nhập trung bình thấp và nhà nước ở các nước có thu nhập thấp. Các mức thu nhập này thay đổi từng năm tùy theo sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nhà nước ở những nước có thu nhập cao là các nhà nước phát triển, còn lại là các nhà nước đang phát triển.
Dựa vào các nền văn minh
Dựa vào các nền văn minh, có thể phân chia thành các kiểu nhà nước: Nhà nước trong nền văn minh nông nghiệp, nhà nước trong nền văn minh công nghiệp, thậm chí ngày nay còn nói đến nhà nước trong nền văn minh hậu công nghiệp (văn minh tri thức).
Dựa vào cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước
Dựa vào cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, có thể phân chia thành các kiểu nhà nước: Nhà nước chuyên chế và nhà nước dân chủ.
Nhà nước chuyên chế là nhà nước mà quyền lực nhà nước không bị hạn chế, không bị kiểm soát bởi bất cứ thể chế, thiết chế nào, quan hệ giữa nhà nước với người dân là quan hệ mệnh lệnh, phục tùng một chiều một cách tuyệt đối, nhà nước sử dụng biện pháp bạo lực để thực hiện quyền lực nhà nước.
Nhà nước dân chủ là nhà nước mà quyền lực tối cao trong xã hội thuộc về nhân dân, nhân dân tổ chức nên nhà nước và kiểm soát hoạt động của nhà nước.
Dựa vào yếu tố địa lý
Dựa vào yếu tố địa lý, nhiều nhà sử học, luật học, chính trị học đã phân chia nhà nước thành các kiểu: Nhà nước phương Đông, nhà nước phương Tây. Quan niệm này lúc đầu là của người Hy Lạp và Roma cố đại, về sau được dùng phổ biến trên thế giới. Ngày nay, sự phân biệt nhà nước phương Đồng và nhà nước phương Tây không chỉ đơn thuần dựa trên yếu tố địa lý mà còn dựa vào nhiều tiêu chí khác (nhân chủng, ngữ hệ, văn hóa, kinh tế, chính trị…).
Dựa vào quan niệm về hình thái kinh tế – xã hội của Mác
Dựa vào quan niệm về hình thái kinh tế – xã hội của Mác, có thể chia nhà nước thành các kiểu tương ứng với các hình thái kinh tế – xã hội có giai cấp.
Mác phân chia lịch sử phát triển của xã hội loài người thành năm giai đoạn tương ứng với năm hình thái kinh tế – xã hội là cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Mỗi hình thái kinh tế – xã hội đó có một kiểu quan hệ sản xuất riêng biệt, đặc trưng cho xã hội đó, đồng thời có một cơ sở hạ tầng và một kiến trúc thượng tầng tương ứng. Trong thượng tầng kiến trúc của xã hội có giai cấp luôn tồn tại nhà nước. Do vậy, tương ứng với một hình thái kinh tế – xã hội có giai cấp là một kiểu nhà nước, đó là các kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa. Mỗi kiểu nhà nước trên là một loại hay một nhóm nhà nước ra đời, tồn tại và phát triển trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.
Như vậy, căn cứ đế xác định kiểu nhà nước chính là hình thái kinh tế – xã hội mà nhà nước đã ra đời, tồn tại và phát triển. Đặc điểm của mỗi kiểu nhà nước là do kiểu quan hệ sản xuất đặc thù trong xã hội tương ứng quy định.
3 – Phân tích quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về thay thế kiểu nhà nước
Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, sự thay thế kiểu nhà nước này bằng kiểu nhà nước khác tiến bộ hơn là một quy luật tất yếu, phù hợp với quy luật thay thế các hình thái kinh tế – xã hội. Cụ thể, kiểu nhà nước phong kiến ra đời để thay thế cho kiểu nhà nước chủ nô, kiểu nhà nước tư sản ra đời để thay thế cho kiểu nhà nước phong kiến và kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời để thay thế cho kiểu nhà nước tư sản. Kiểu nhà nước sau luôn tiến bộ hơn kiểu nhà nước trước vì nó được xây dựng trên cơ sở quan hệ sản xuất phù hợp hơn với trình độ của lực lượng sản xuất đã phát triển cao hơn, cơ sở xã hội của nhà nước rộng rãi hơn; xung đột giai cấp trong xã hội đó thường đỡ gay gắt hơn. Tuy nhiên, đối với mỗi nước cụ thể, do điều kiện lịch sử khách quan, có thể bỏ qua một hoặc một số kiểu nhà nước nhất định. Ví dụ: ở Việt Nam không có kiểu nhà nước chủ nô và kiểu nhà nước tư bản chủ nghĩa.
Nguyên nhân sâu xa của sự thay thế kiểu nhà nước là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong một phương thức sản xuất xã hội. Khi mâu thuẫn này được giải quyết thì phương thức sản xuất mới được thiết lập, cùng với nó có một kiểu kiến trúc thượng tầng mới và tương ứng là một kiểu nhà nước mới.
Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đưa đến sự thay thế các kiểu nhà nước, có thể thông qua cách mạng xã hội dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang, cũng có thể thông qua các cuộc cải cách xã hội một cách toàn diện, trong đó kiểu quan hệ sản xuất cũ dần dần bị thay thế bởi kiểu quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. Đó chính là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định.
Thực tế, sự phát triển của nhà nước rất đa dạng và phức tạp, do vậy, sự phân chia kiểu nhà nước theo tiêu chí này chỉ có ý nghĩa tương đối bởi vì: Sự hình thành và phát triển của mỗi hình thái kinh tế – xã hội là cả một quá trình, từ hình thái kinh tế – xã hội này sang hình thái kinh tế – xã hội khác đều phải trải qua một thời kỳ gọi là thời kỳ quá độ. Trong thời kỳ đó sẽ có những nhà nước không thuộc kiểu nào trong bốn kiểu nhà nước đã nêu. Đó là những nhà nước hình thành ở thời kỳ mà các giai cấp đang đấu tranh với nhau đã đạt tới một thế cân bằng lực lượng hoặc các lực lượng xã hội khác nhau có thể tạm thời hoà hoãn với nhau vì một mục đích chung nào đó, khiến cho chính quyền nhà nước tạm thời có sự độc lập nhất định đối với các giai cấp, các lực lượng xã hội, tựa hồ như một bên trung gian đứng giữa các giai cấp, lực lượng đó. Ví dụ: Chế độ quân chủ chuyên chế ở thế kỷ XVII và XVIII, chế độ Bô-na-pac của Đế chế thứ nhất và thứ hai ở Pháp, chế độ Bi-xmac ở Đức,…
Thực tế cho thấy, giữa các kiểu nhà nước không thế có ranh giới tách bạch, dứt khoát về mặt thời gian tại một thời điểm nhất định. Ngay trong cùng một kiểu, nhà nước ở thời kỳ đầu của mỗi hình thái kinh tế – xã hội có thể có nhiều điểm khác biệt so với nhà nước ở thời kỳ sau đó.
Như vậy, việc phân chia kiểu nhà nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận quá trình vận động, phát triển của nhà nước mà qua đó còn có thể nhận thức được điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Trên cơ sở đó, có thể nhận thức và giải thích đúng đắn bản chất, chức năng, bộ máy cũng như hình thức nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển của nó.
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời