Mục lục
Hệ thống pháp luật là gì? Phân tích khái niệm hệ thống pháp luật? Các hệ thống pháp luật trên thế giới (theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp).
- 5 Cách thức thể hiện quy phạm pháp luật trong VBQPPL
- Ý nghĩa của từng bộ phận trong cơ cấu quy phạm pháp luật
- Phân tích cơ cấu của quy phạm pháp luật
- Quy phạm pháp luật là gì? Các đặc điểm của quy phạm pháp luật
- Hiệu lực theo không gian và đối tượng tác động của VBQPPL
- Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là nguồn quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam
- Ưu thế của văn bản quy phạm so với nguồn khác của pháp luật
- Ưu điểm và hạn chế của các loại nguồn của pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Phân tích khái niệm VBQPPL
Thuật ngữ “hệ thống pháp luật” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
1 – Theo nghĩa rộng, hệ thống pháp luật có thể được hiểu là một “dòng họ pháp luật” hay một “hệ tộc pháp luật” hay một “gia đình pháp luật”.
Theo nghĩa này, cụm từ “hệ thống pháp luật” được dùng để chỉ tập hợp các hệ thống pháp luật của một số nước có những nét tương tự nhau nhất định do cùng dựa trên một nền tảng pháp luật, chính trị, tư tưởng hoặc văn hoá chung.
Ví dụ: hệ thống Common Law, hệ thống Civil Law, hệ thống pháp luật Hồi giáo, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa…
a – Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law)
Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa còn được gọi bằng những tên khác như hệ thống pháp luật Continental, hệ thống dân luật La Mã -Đức, hệ thống Civil Law… Hệ thống này bao gồm pháp luật của phần lớn các nước châu Âu lục địa mà điển hình là Pháp, Đức, Italia…
Hệ thống pháp luật này có một số đặc trưng nổi bật như: Chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp luật La Mã cổ đại, nguồn luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh đó còn có các tư tưởng pháp luật, học thuyết chính trị pháp lý, các nguyên tắc pháp luật…; pháp luật được phân định thành công pháp và tư pháp; quy trình tố tụng thẩm vấn được coi trọng trong quá trình tố tụng…
b – Hệ thống pháp luật Anh Mỹ (Common Law)
Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ còn có các tên gọi khác như hệ thống pháp luật Ănglô – Xắcxông, hệ thống pháp luật Common Law, hệ thống Thông luật… Đây là hệ thống bao gồm pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Canada, úc…
Hệ thống này có một số đặc trưng nối bật như: Hình thành và phát triển trên co sở pháp luật của nước Anh là pháp luật coi trọng tiền lệ, nguồn pháp luật chủ yếu của hệ thống này là án lệ, hệ thống này không chia pháp luật thành công pháp và tư pháp, nguyên tắc tranh tụng được áp dụng rộng rãi trong quá trình tố tụng…
c – Hệ thống pháp luật Hồi giáo (Islamic Law)
Hệ thống này gồm pháp luật của các nước theo đạo Hồi như Pakistan, Afganistan, Arập Xêut, Iran, Marốc… Hệ thống pháp luật này có một số đặc trưng cơ bản như: nguồn của pháp luật bao gồm các quy định do nhà nước ban hành và cả các quy định do các tổ chức tôn giáo ban hành. Các văn bản pháp luật mà các nhà nước Hồi giáo ban hành không làm thay đổi luật Hồi giáo, mà chỉ là sự chi tiết hóa hoặc bổ sung những chỗ còn trống trong luật Hồi giáo. Đặc biệt, Hiến pháp của các nước này thường khẳng định các quy định trong Hiến pháp cũng như trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, lao động… đều không được trái với Kinh Koran. Đối với những người theo đạo Hồi thì nhà thờ cũng là nhà nước và ngược lại nên luật pháp nhà nước và luật pháp tôn giáo chỉ là một, không có sự phân biệt. Pháp luật Hồi giáo chỉ áp dụng đối với những người theo đạo Hồi.
d – Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa
Cụm từ “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa” được đề cập ở đây là hệ thống pháp luật của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX.
Hệ thống này có nhiều điểm tương đồng với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như nguồn pháp luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động tố tụng theo mô hình tố tụng thẩm vấn, các thẩm phán chỉ tiến hành hoạt động xét xử và không được tạo ra các quy phạm pháp luật… Song hệ thống pháp luật này khác với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa ở những điểm cơ bản là pháp luật được xây dựng dựa trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; pháp luật là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cộng sản nhằm bảo đảm cho đường lối, chính sách đó được triển khai thực hiện trong toàn xã hội; hệ thống này không được phân chia thành công pháp, tư pháp mà được phân chia thành các ngành luật như luật hiến pháp, luật hành chính, luật kinh tế…
Sau khi hệ thống này bị sụp đổ, những nước còn lại trong hệ thống này như Việt Nam, Trung Quốc đã chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, hệ thống pháp luật của các nước này cũng được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Cũng theo nghĩa rộng, hệ thống pháp luật còn được xem xét dưới tên gọi là hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật liên quốc gia.
Hệ thống pháp luật quốc tế là tổng thể các quy phạm pháp luật do các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên hoặc thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ có tính chất công phát sinh trong đời sống quốc tế. Hệ thống pháp luật này có hai loại nguồn cơ bản là điều ước quốc tế và tập quán quốc tế.
Hệ thống pháp luật liên quốc gia là tổng thể các quy phạm pháp luật do một nhóm quốc gia thỏa thuận xây dựng nên và chỉ có giá trị tôn trọng và thực hiện đối với các quốc gia thuộc nhóm đó, ví dụ: Pháp luật của Liên minh châu Âu, pháp luật của ASEAN…
2 – Theo nghĩa hẹp
Khái niệm hệ thống pháp luật có thể được hiểu theo nghĩa là hệ thống pháp luật thực định của một quốc gia, Ví dụ: hệ thống pháp luật Việt Nam. Dưới góc độ này, hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm phÁp luật có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, được phân định thành các ngành luật, các chế định pháp luật, được thể hiện trong cảc hình thức pháp luật mà cơ bản là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ và tập quán pháp.
Hệ thống pháp luật thực định của một quốc gia có thể được xem xét trên các phương diện: Hình thức cấu trúc, nội dung và hình thức thể hiện.
a – Xét về mặt hình thức cấu trúc
Hệ thống pháp luật là thể thống nhất các ngành luật, trong đó mỗi ngành luật lại được coi là một hệ thống nhỏ hơn bao gồm các chế định pháp luật và mỗi chế định lại bao gồm nhiều quy phạm pháp luật.
– Ngành luật: là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một hoặc một số loại quan hệ xã hội có tính chất giống nhau phát sinh trong một lĩnh vực hoạt động của đời sống bằng những phương pháp điều chỉnh nhất định.
– Chế định pháp luật: Là một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có đặc điểm chung, có mối liên hệ mật thiết với nhau thuộc cùng một loại.
– Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích của nhà nước.
Các yếu tố này có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau để tạo nên một thể thống nhất là hệ thống pháp luật.
b – Xét về mặt nội dung
Hệ thống pháp luật là sự phản ánh các điều kiện kinh tế – xã hội, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý dân tộc của một đất nước trong một giai đoạn phát triển cụ thể của lịch sử. Do vậy, nội dung của hệ thống pháp luật của các nước khác nhau sẽ khác nhau và nội dung pháp luật của cùng một nước nhưng ở các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử cũng khác nhau.
c – Xét về mặt hình thức thể hiện
Hệ thống pháp luật thực định được thể hiện trong các hình thức pháp luật như tập quán pháp, án lệ, văn bản quy phạm pháp luật mà chủ yếu là trong một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao thấp khác nhau, bao gồm các văn bản luật và văn bản dưới luật.
Ví dụ: ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp như sau:
– Hiến pháp;
– Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội;
– Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
– Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
– Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
– Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trả lời