Địa vị pháp lý của hội trong hoạt động xây dựng pháp luật
Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
TÓM TẮT
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động quản lý nhà nước là một xu thế phát triển của quản trị hiện đại. Trong điều kiện hiện nay, sự tham gia của các tổ chức xã hội thông qua hoạt động xây dựng pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết sẽ đánh giá địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội (không phải là thành viên của Mặt Trận tổ quốc Việt Nam) trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Xem thêm bài viết về “Địa vị pháp lý”
- Địa vị pháp lý của nhà giáo trong pháp luật Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động quản lý nhà nước là một xu thế phát triển của quản trị hiện đại.[1] Trong đó, tham gia thông qua các tổ chức một mặt chính là sự bảo đảm quyền của cá nhân vào đời sống chính trị, mặt khác nó cũng là sự bảo đảm cho quyền cá nhân có tác dụng, hiệu ứng mạnh mẽ hơn khi quyền này được thực hiện trong một tập thể, một tổ chức. Quy định về hội ảnh hưởng kép tới quyền cá nhân và công dân. Thứ nhất, nó ảnh hưởng tời quyền lập hội và thứ hai, nó ảnh hưởng tới quyền của hội với tư cách là quyền tập thể của cá nhân và công dân. Hơn nữa, nó cũng ảnh hưởng tới một loại quyền quan trọng khác – quyền được tham gia vào đời sống chính trị của cá nhân và công dân. Với ý nghĩa này, quy định pháp luật về quyền nói chung và quyền của hội có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật – một quyền chính trị quan trọng. Bài viết đánh giá địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội (không phải là thành viên của Mặt Trận tổ quốc Việt Nam) trong hoạt động xây dựng pháp luật qua các nội dung: địa vị hiến định, vai trò trong kiến nghị, soạn thảo dự thảo và đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật.
1. Quy định trong hiến pháp về địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội
Nhiều quan điểm nghi ngờ việc ghi nhận bằng hiến pháp và luật là phương cách quan trọng nhất để bảo đảm quyền con người nói chung và quyền tham gia thông qua các tổ chức xã hội nói riêng. Họ cho rằng, ghi nhận trong hiến pháp chỉ mang tính hình thức hoặc trong những điều kiện nhất định, việc ghi nhận bằng luật là vô nghĩa và không phù hợp.[2] Tuy nhiên, xét trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng ghi nhận bằng hiến pháp là phương thức rất quan trọng để bảo vệ quyền của cá nhân và công dân cũng như bảo vệ sự vận hành của thể chế.[3]
Về mặt lý thuyết, hiến pháp và các luật cần phải ghi nhận địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội (không là thành viên của Mặt Trận tổ quốc Việt Nam). Dù ghi nhận không hẳn là các tổ chức này tồn tại và hoạt động trên thực tế nhưng nó là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của nhà nước về việc thực hiện quyền dân chủ một cách rộng rãi. Cam kết này thể hiện qua: (1) ghi nhận địa vị pháp lý rõ ràng trong hiến pháp và thể hiện qua quyền tự do hội họp và tự do lập hội; (2) ghi nhận một cách bình đẳng về địa vị pháp lý của các tổ chức trong xã hội so với các loại tổ chức khác.
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền tham gia của công dân vào bộ máy nhà nước và trách nhiệm bảo đảm thực hiện ở các điều 3, 6, 8, 9, 28. Đặc biệt, khoản 3 Điều 9 ghi nhận các tổ chức xã hội nói chung hoạt động trong khuôn khổ pháp luật (cũng có thể hiểu là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật) và trách nhiệm tạo điều kiện của Nhà nước cho các tổ chức này hoạt động nhưng không ghi rõ là các tổ chức này có quyền tham gia và tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước nói chung. Ngược lại, khoản 1 Điều 9 ghi nhận rất rõ quyền và phạm vi hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây viết tắt là MTTQ) và các thành viên, đặc biệt là quyền giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Như vậy, có thể kết luận rằng: (1) các tổ chức không là thành viên của MTTQ có thể được tồn tại và hoạt động nhưng phải tuân thủ pháp luật; (2) các tổ chức xã hội (không là thành viên của MTTQ) không là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” và không được trực tiếp tham gia vào các hoạt động chính trị quy định ở khoản 1 Điều 9.
Tóm lại, địa vị pháp lý nói chung của các tổ chức xã hội không là thành viên của MTTQ trong lĩnh vực tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng pháp luật được quy định rất chung chung và quy định có phân biệt với các tổ chức thuộc MTTQ. Với thang điểm 3 mức (thấp nhất là 0 và cao nhất là 2) lĩnh vực này được đánh giá ở mức 1 về sự thừa nhận trong hiến pháp nhưng lại là mức 0 về địa vị pháp lý pháp lý trong lĩnh vực chính trị.
2. Vai trò của hội trong quá trình xây dựng pháp luật
Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây viết tắt là Luật BHVBQPPL năm 2015) quy định rất rõ:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.”;
“Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”;
“Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản”.
So với Luật BHVBQPPL năm 2008, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định các tổ chức xã hội không chỉ có quyền mà còn được tạo điều kiện tham gia không chỉ vào việc đóng góp xây dựng đối với dự thảo mà còn có quyền góp ý kiến về đề nghị xây dựng luật. Hơn nữa, khoản 9 Điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định rõ Hội có quyền “tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của hội theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa tinh thần của Điều 6 Luật BHVBQPPL năm 2015 và Điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thành các quy định cụ thể, có tính thực tiễn còn khoảng cách nhất định và sẽ được phân tích cụ thể dưới đây.
Khung đánh giá của bài viết về các loại quyền tham gia của các tổ chức xã hội gồm các hình thức sau đây: (1) có ghi nhận quyền kiến nghị lập pháp hay không; (2) có quy định quyền được góp ý kiến hay không; (3) có được tham gia vào các hoạt động mang tính kỹ thuật của quá trình soạn thảo hay không; (4) có được quyền thảo luận, tranh luận trong quá trình soạn thảo (một cách gián tiếp – thông qua hội thảo khoa học hay trực tiếp – với tư cách thành viên cuộc họp tư vấn thẩm định, thẩm tra) hay không.
Về biện pháp bảo đảm, các hình thức bao gồm: (1) có quy định nghĩa vụ lấy ý kiến hay không; (2) có quy định nghĩa vụ mời hay không; (3) có quy định bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin và tiếp nhận thông tin đóng góp hay không.
Thang mức được đánh giá quyền và biện pháp bảo đảm theo ba bậc từ thấp nhất đến cao nhất: 0, 1 và 2 cho từng loại quyền và các hình thức bảo đảm.
2.1. Kiến nghị lập pháp, tham gia chương trình xây dựng pháp luật
Điều 84 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Tinh thần này cũng đã được thể hiện trong Điều 32 Luật BHVBQPPL năm 2015 về quyền trực tiếp kiến nghị lập pháp trước Quốc hội của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là MTTQ và các thành viên nhưng quyền này không quy định cho các tổ chức xã hội khác. Có lẽ nên xem xét trao quyền kiến nghị lập pháp trực tiếp tới Quốc hội cho các tổ chức xã hội nói chung bởi lẽ một mặt nó tạo ra sự bình đẳng giữa các tổ chức xã hội với MTTQ và các thành viên trong MTTQ. Mặt khác, quyền thẩm định, quyết định cuối cùng chương trình xây dựng pháp luật vẫn thuộc về Quốc hội. Việc không quy định quyền này cho các tổ chức xã hội khác đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức trong xã hội và do vậy không bảo đảm tiêu chí bình đẳng trước pháp luật nói chung.
Trước đây, theo Điều 1 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/03/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các tổ chức xã hội không thuộc MTTQ tuy không có quyền trình dự án luật nhưng có thể “gửi kiến nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (sau đây gọi chung là luật, pháp lệnh) đến bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực bằng văn bản hoặc thông qua Trang thông tin điện tử của các cơ quan này”. Tuy nhiên, xét cho cùng, kiến nghị xây dựng luật, nghị quyết và pháp lệnh theo hình thức này sẽ khác về tính chất pháp lý so với quyền trình dự án luật trực tiếp đến Quốc hội của cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của MTTQ.
Sáng quyền lập pháp một mặt phản ánh địa vị chính trị của các tổ chức, cơ quan, mặt khác nó phản ánh quyền lợi liên quan đến lĩnh vực pháp luật tương ứng. Hơn nữa, nó cũng phản ánh sự tham gia có tính chuyên môn, nghề nghiệp của các tổ chức xã hội. Việc quy định quyền kiến nghị làm luật và quyền trình dự án luật mở rộng phạm vi lựa chọn cho Quốc hội, gia tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực này (tránh tình trạng lợi ích cục bộ), thu hút được sự tham gia dân chủ và trí tuệ của toàn bộ xã hội. Quy định quyền này không ảnh hưởng tới quyền làm luật của Quốc hội, ngược lại nó gia tăng ảnh hưởng của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp.
Tổ chức, cá nhân không được tham gia vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhưng có thể đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ (khoản 2 Điều 84 Luật BHVBQPPL năm 2015) và có ý kiến về đề nghị xây dựng nghị định nếu được yêu cầu (khoản 5 Điều 85 Luật BHVBQPPL năm 2015). Cơ quan, tổ chức nói chung vẫn có thể có quyền tham gia thẩm định đề nghị xây dựng nghị định nhưng phải được Bộ Tư pháp mời tham gia (khoản 1 Điều 88 Luật BHVBQPPL năm 2015) và có thể tham gia đóng góp ý kiến (nếu được mời) khi Chính phủ xem xét, thông qua việc xây dựng nghị định (khoản 4 Điều 89 Luật BHVBQPPL năm 2015). Như vậy, quyền kiến nghị xây dựng luật và pháp lệnh có phân biệt giữa MTTQ và các thành viên so với các tổ chức xã hội khác nhưng trong xây dựng nghị định không còn phân biệt.
2.2. Tham gia soạn thảo dự thảo
Khoản 3 Điều 52 Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định: “Dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác, tổ chức trình thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm thành lập Ban soạn thảo và chủ trì soạn thảo”. Tuy nhiên, như đã phân tích, các tổ chức xã hội không thuộc MTTQ, không có quyền trình dự thảo, do vậy cũng không thể đóng vai trò là Ban chủ trì soạn thảo dự luật, pháp lệnh một cách chính thức.
Điều 53 Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định các thành viên trong Ban soạn thảo là “tổ chức có liên quan” nhưng không rõ là có thành viên của các tổ chức xã hội hay không. Quy định như vậy vẫn có thể được hiểu là các tổ chức xã hội nói chung và tổ chức xã hội không là thành viên của MTTQ vẫn có “cơ hội” là thành viên được mời. Tuy nhiên, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định thành viên Ban soạn thảo có thể là các tổ chức xã hội nói chung nhưng không quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với Ban soạn thảo phải mời thành viên là các tổ chức xã hội có liên quan tham gia quá trình soạn thảo (Điều 54 Luật BHVBQPPL năm 2015). Nói cách khác, cơ chế bảo đảm cho sự tham gia vào Ban soạn thảo dự thảo luật, pháp lệnh nhìn chung không quy định nghĩa vụ bắt buộc của cơ quan nhà nước phải mời các tổ chức xã hội có liên quan. Do vậy, có thể hiểu là cơ quan chủ trì soạn thảo có quyền chứ không phải là nghĩa vụ mời các tổ chức xã hội tham gia vào Ban soạn thảo. Tương tự như quá trình soạn thảo dự thảo luật, pháp lệnh, việc tham gia vào Ban soạn thảo đối với dự thảo nghị định về mặt hình thức có thể có sự tham gia của các tổ chức xã hội nhưng không có quy định bắt buộc có thành viên là các tổ chức xã hội có quyền và lợi ích liên quan đến dự thảo (Điều 54, 90 Luật BHVBQPPL năm 2015) và việc mời không là trách nhiệm của Ban soạn thảo.
Các cơ quan tổ chức có thể được mời họp và phát biểu ý kiến để thông qua và lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội (Điều 41, 43) và trong phiên họp cho ý kiến đối với những dự thảo không do Chính phủ trình, đề nghị xây dựng nghị định (Điều 89), thông qua dự thảo nghị định (khoản 4 Điều 96). Tuy nhiên, việc mời các tổ chức xã hội họp để có ý kiến cũng không là nghĩa vụ cho nên khả năng tham gia và phát biểu ý kiến là rất hạn chế.
Đối với quá trình soạn thảo nghị định, các tổ chức nói chung có thể được mời tham gia Ban soạn thảo (điểm b, khoản 2 Điều 90), Hội đồng thẩm định dự thảo (khoản 1 Điều 92) nhưng việc mời cũng không phải là nghĩa vụ của Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo.
Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể huy động các tổ chức có đủ điều kiện và năng lực tham gia vào việc: “1. Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; 2. Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án, dự thảo; 3. Tập hợp, nghiên cứu, so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến dự án, dự thảo phục vụ cho việc soạn thảo; 4. Tham gia vào hoạt động đánh giá tác động của văn bản”. Thực chất, đây là sự tham gia có tính chất hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn chứ không phải là sự tham gia có tính chất chính trị nhằm thể hiện quan điểm và bảo vệ lợi ích của các tổ chức đó.
2.3. Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật và pháp lệnh
Điều 57, 86, 91 Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định rất chi tiết về trách nhiệm lấy ý kiến của Ban soạn thảo dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết và cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị định, chủ trì soạn thảo nghị định. Điều này cũng quy định trách nhiệm giải trình và thông tin về giải trình, chỉnh lý dự thảo. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 57, Điều 86 cũng quy định: “Đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày (đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết) và 15 ngày (đối với nghị định) kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến”. Có thể hiểu Điều 57, Điều 86 quy định lấy ý kiến là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo nhưng chưa rõ là việc góp ý kiến có là quyền của các tổ chức, cá nhân hay không. Các văn bản quy phạm pháp luật khác không quy định rõ quyền tham gia soạn thảo, lấy ý kiến của các tổ chức xã hội.
Về mặt lý thuyết, các tổ chức xã hội có thể tham gia vào cuộc họp và phát biểu ý kiến về thẩm tra dự thảo luật, pháp lệnh và nghị quyết theo khoản 3 Điều 63 Luật BHVBQPPL năm 2015, tham gia phối hợp thẩm định đề nghị xây dựng nghị định (Điều 88), Hội đồng thẩm định dự thảo nghị định (Điều 92) nếu Bộ Tư pháp mời nhưng việc mời không phải là nghĩa vụ của cơ quan thẩm tra và thẩm định.
Xem thêm bài viết về “Xây dựng pháp luật”
- Vai trò của ý thức pháp luật đối với xây dựng và thực hiện pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích các nguyên tắc của hoạt động xây dựng pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xây dựng pháp luật là gì? Phân tích khái niệm xây dựng pháp luật? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Xây dựng văn bản pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
3. Kết luận và kiến nghị
Nhìn chung, việc quy định cụ thể các quyền tham gia trong quá trình xây dựng luật của các chủ thể về mặt hình thức dường như mở rộng tính dân chủ của quá trình xây dựng pháp luật. Cũng có những quy định thể hiện khả năng tham gia và điều kiện tham gia khá tiến bộ của các tổ chức xã hội không thuộc MTTQ như: (1) quy định về quyền tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (2) các cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện, tổ chức lấy ý kiến và nghiên cứu tiếp thu ý kiến (Điều 6 Luật BHVBQPPL năm 2015); (3) quy định rất rõ về việc tạo điều kiện tiếp cận thông tin dự thảo, địa chỉ, trách nhiệm nhận ý kiến đóng góp (đăng tải trên trang thông tin điện tử, thời hạn đăng tải, trách nhiệm thu thập ý kiến, tổ chức hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến, thông tin rõ về tiếp thu, giải trình). Tuy nhiên, căn cứ vào những đánh giá đã nêu ở trên, vẫn còn những rào cản cơ bản cho việc tham gia của các tổ chức xã hội không là thành viên của MTTQ như sau: (1) không xác định địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội không thuộc MTTQ một cách rõ ràng trong hiến pháp và các đạo luật; (2) việc quy định địa vị pháp lý đặc biệt cho MTTQ và các thành viên so với các tổ chức xã hội khác nhìn chung là chưa thực sự hợp lý; (3) các quy định trong Luật BHVBQPPL năm 2015 với tư cách là luật cụ thể hóa quyền tham gia còn rất chung chung (cơ quan, tổ chức hữu quan…) mà không xác định loại tổ chức nào được quyền tham gia, nội dung, hình thức tham gia; (4) không quy định quyền đưa sáng kiến lập pháp và tham gia đề nghị xây dựng chương trình làm luật và pháp lệnh (trừ trường hợp tham gia để đề nghị xây dựng chương trình làm nghị định của Chính phủ); (5) không quy định quyền trình dự thảo luật, pháp lệnh cho nên các tổ chức xã hội (không thuộc MTTQ) cũng không thể trở thành cơ quan chủ trì và cơ quan soạn thảo những dự thảo này; (6) các tổ chức xã hội có thể tham gia vào Ban soạn thảo nhưng không quy định nghĩa vụ mời của cơ quan chủ trì; (7) không quy định rõ trách nhiệm mời các tổ chức xã hội tham gia vào các phiên họp thẩm định, thẩm tra và xem xét trình dự án văn bản quy phạm pháp luật và thông qua dự án (đối với nghị định). Do vậy, quyền tham gia bằng hình thức phát biểu trong các phiên họp chỉ có thể được suy luận là có và dựa trên quyền (chứ không phải trách nhiệm mời) của cơ quan chủ trì và soạn thảo; (8) các văn bản dưới nghị định không quy định rõ trách nhiệm tham gia soạn thảo, góp ý kiến…
Có thể nói, xét về mặt kỹ thuật lập pháp, trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Nguyên tắc pháp lý về địa vị của các tổ chức xã hội nói chung và vai trò, địa vị của các tổ chức này trong sự tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật nói riêng chưa thực sự tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật của các tổ chức xã hội (giữa các tổ chức là thành viên và không là thành viên của MTTQ). Tiếp theo, xét về tính khả thi, các quy định về việc bảo đảm cho sự tham gia từ phía cơ quan nhà nước không phải là nghĩa vụ, trách nhiệm mà được coi là quyền, là sự chủ động. Vì vậy, quyền tham gia của các tổ chức xã hội vốn được coi là loại quyền chủ động đã biến thành quyền thụ động và giảm đi tính khả thi trên thực tế. Với việc xác định địa vị pháp lý như trên, các quyền, cơ chế, hình thức tham gia của các tổ chức xã hội chưa được quy định đầy đủ và toàn diện. Cuối cùng, việc quy định địa vị, các hình thức tham gia của các tổ chức xã hội không là thành viên của MTTQ khá hạn chế và chưa rõ ràng, cho nên khó có thể xác định tính đồng bộ của các quy định này.
Đánh giá và so sánh vai trò xây dựng pháp luật của hội
STT | Loại quyền | MTTQ | TCXH |
---|---|---|---|
1 | Thừa nhận sự tồn tại trong luật | 2 | 2 |
2 | Xác định địa vị pháp lý - chính trị | 2 | 0 |
3 | Quyền kiến nghị lập pháp trực tiếp tới Quốc hội | 2 | 0 |
4 | Kiến nghị thông qua cơ quan hành pháp | 2 | 1 |
5 | Chủ trì soạn thảo dự luật, pháp lệnh | 2 | 0 |
6 | Thành viên Ban soạn thảo | 2 | 1 |
7 | Tham gia kỹ thuật | 2 | 2 |
8 | Đóng góp ý kiến được quy định là quyền | 2 | 1 |
9 | Quy định có ý kiến trong phiên họp | 2 | 2 |
10 | Quy định trách nhiệm mời tham dự của nhà nước | 0 | 0 |
11 | Quy định thành viên bắt buộc | 0 | 0 |
12 | Trách nhiệm tạo điều kiện của nhà nước | 2 | 2 |
13 | Quy định cơ quan nhà nước bắt buộc lấy ý kiến | 2 | 2 |
Tổng | 22 | 13 |
* MTTQ: Mặt Trận tổ quốc Việt Nam
* TCXH: Tổ chức xã hội (không thuộc MTTQ)
Trên cơ sở những đánh giá quy định pháp luật hiện hành về sự tham gia của các tổ chức xã hội không là thành viên của MTTQ, có thể đưa ra những kiến nghị cơ bản cho quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật này như sau:
– Cần xác định địa vị một cách bình đẳng trong việc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật của các tổ chức xã hội nói chung dù là thành viên của MTTQ Việt Nam hay không bởi lẽ các chủ thể cần phải được bình đẳng trước pháp luật và pháp luật là sự thể hiện ý chí chung của xã hội. Do đó, việc tạo ra địa vị khác nhau trong việc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật là trái với nguyên tắc quan trọng và cốt lõi nhất của pháp luật – bình đẳng trước pháp luật.
– Cần quy định rõ điều kiện, hình thức, cách thức tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng pháp luật. Sự khác nhau trong điều kiện, hình thức, cách thức tham gia vào quá trình này phải dựa trên sự khác nhau về tính chất và chức năng của các tổ chức xã hội và không nên căn cứ vào sự phân định thức bậc về địa vị chính trị của các tổ chức này.
– Cần quy định các quyền tham gia, hình thức tham gia một cách đa dạng nhằm thu hút sự tham gia dân chủ của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân và các tổ chức này. Từ đó, góp phần phát huy trí tuệ tập thể trong việc xây dựng pháp luật.
– Cần quy định rõ, đa dạng và khả thi các hình thức, biện pháp nhằm bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng pháp luật. Đặc biệt, cần nhấn mạnh các quy định về trách nhiệm bảo đảm của cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho sự tham gia này. Ví dụ, quy định rõ trách nhiệm thông tin, trách nhiệm mời tham gia… của cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật./.
Xem thêm bài viết “Luật về Hội”
- Quy chế pháp lý về tài chính, tài sản của hội trong Dự thảo Luật về Hội – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
- Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội – ThS. Nguyễn Tú Anh
- Chính sách, pháp luật về hội và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội – ThS. Nguyễn Văn Huệ
- Góp ý về định hướng xây dựng Luật về Hội và một số vấn đề khác – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Bàn về quyền và nghĩa vụ của hội có đăng ký trong dự thảo Luật về Hội – TS. Lê Minh Hùng
CHÚ THÍCH
[1]* TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
Hubert Heinelt, Governing Modern Societies Towards Participatory Governance, Routledge, 2010, tr. 8.
[2] Linda Camp Keith, C. Neal Tate, Steven C. Poe, “Is The Law A Mere Parchment Barrier To Human Rights Abuse?”, The Journal of Politics, Vol. 71, No. 2, April 2009, tr. 644 – 660.
[3] C. Neal Tate, Linda Camp Keith, “Conceptualizing and Operationalizing Judicial Independence Globally” URL: https://scholar.google.com.vn/scholar?cluster=12745498252063680488&hl=vi&as_sdt=0,5&as_vis=1.
- Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(105)/2017 – 2017, Trang 36-41
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời