Cân bằng yếu tố quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lập hội của người dân trong Dự thảo Luật về Hội từ kinh nghiệm của Vương Quốc Anh
TÓM TẮT
Quyền lập hội là một trong những quyền dân sự chính trị căn bản của người dân được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế quan trọng cũng như trong pháp luật nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi xây dựng Dự thảo Luật về Hội, việc cân bằng yếu tố quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lập hội của người dân và cách thể hiện quy định này trong Dự thảo Luật về Hội là một trong những yếu tố rất được quan tâm. Kinh nghiệm xây dựng luật liên quan đến hoạt động của của một số tổ chức xã hội tại Vương Quốc Anh sẽ cung cấp thêm thông tin cho việc trả lời câu hỏi này trong quá trình xây dựng Luật về Hội tại Việt Nam.
Xem thêm:
- Bảo đảm quyền tự do hiệp hội trong Luật Quốc tế và pháp luật của Đức: Một số góp ý cho Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam – TS. Trần Việt Dũng
- Góp ý về định hướng xây dựng Luật về Hội và một số vấn đề khác – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Bàn về quyền và nghĩa vụ của hội có đăng ký trong Dự thảo Luật về Hội – TS. Lê Minh Hùng
- Địa vị pháp lý của hội trong hoạt động xây dựng pháp luật – TS. Đỗ Minh Khôi
- Quy chế pháp lý về tài chính, tài sản của hội trong Dự thảo Luật về Hội – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
- Thực tiễn ban hành văn bản pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và giải pháp hoàn thiện – TS. Thái Thị Tuyết Dung& ThS Mai Thị Lâm & ThS. Trương Tư Phước
- Vai trò của quản lý nhà nước đối với giá đất trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam – ThS. Châu Hoàng Thân
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ
- [PHÂN BIỆT] Hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động lập pháp và tư pháp? Nêu ví dụ? – Xóm Luật
- Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Luật về Hội, Quản lý nhà nước, Quyền lập hội,
Quyền lập hội là một trong những quyền căn bản của người dân được ghi nhận từ những ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 20/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 102/SL-L004 về Quyền lập hội của công dân. Theo đó, quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm.[1] Mọi người có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác.[2]
Sau Sắc lệnh số 102/SL-L004, cho đến nay các vấn đề cụ thể liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động của hội vẫn được điều chỉnh thông qua hai nghị định của Chính phủ, bao gồm Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội[3] và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.[4] Tuy nhiên, nội dung cả hai Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP đều chưa có những quy định hoặc ghi nhận cụ thể, sâu sắc về quyền lập hội của công dân mà tập trung vào các quy định quản lý nhà nước về hội, về các thủ tục và điều kiện thành lập hội, tổ chức hoạt động, các quyền và nghĩa vụ của hội. Do vậy, Luật về Hội được trông đợi như một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn để ghi nhận và đảm bảo quyền lập hội của công dân, đồng thời góp phần hoàn thiện quản lý nhà nước về hội. Tuy nhiên, tổng thể Dự thảo Luật về Hội hiện nay vẫn mang nhiều yếu tố về quản lý nhà nước đối với hội hơn là đảm bảo quyền lập hội của công dân.
1. Quy định về quyền lập hội của công dân trong pháp luật Việt Nam
Quyền lập hội được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người của Liên hợp quốc 1948[5] và một số công ước quốc tế như Công ước về các Quyền dân sự và chính trị 1966,[6] Công ước về Xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ 1996,[7] Công ước về Quyền trẻ em 1989,[8] Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội, văn hóa 1966.[9] Theo đó, mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình và không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.[10] Quyền tự do hiệp hội cũng được hiểu là tự do của mọi người lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc thực hiện quyền lập hội không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe của công chúng hoặc nhân cách, hoặc các quyền và tự do của những người khác.[11]
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 là cơ sở quan trọng ghi nhận quyền lập hội của công dân. Tuy nhiên, do Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất để ghi nhận các quyền của công dân chứ không quy định chi tiết các quyền này nên quyền lập hội cũng được quy định khái quát: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Như vậy, sự mong đợi của xã hội về những quy định cụ thể quyền lập hội là gì? Các yếu tố của quyền lập hội như thế nào được đặt vào Dự thảo Luật về Hội như một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn để ghi nhận và đảm bảo quyền lập hội của công dân, đồng thời góp phần hoàn thiện quản lý nhà nước về hội.
Dự thảo Luật về Hội đã cụ thể hóa điều này khi dành Điều 5 quy định riêng về “Quyền lập hội”. Theo đó, quyền lập hội bao gồm 6 loại quyền: quyền sáng lập hội, quyền đăng ký thành lập hội, quyền gia nhập hội, quyền hoạt động hội, quyền lãnh đạo, điều hành hội và quyền ra khỏi hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng việc quy định như thế vẫn chưa rõ ràng về quyền lập hội của người dân. Quyền lập hội cần quy định chi tiết hơn nữa.[12] So sánh với quy định của pháp luật tại Vương quốc Anh về việc ghi nhận quyền tự do hội họp, lập hội của người dân, thì cách ghi nhận hiện nay trong Dự thảo Luật về Hội và pháp luật Việt Nam nói chung có nhiều điểm tương đồng. Khi Luật về Hội được thông qua, quyền lập hội sẽ được quy định trong pháp luật Việt Nam theo cách thức: ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013[13] và cụ thể hóa thêm tại Điều 5 và Điều 6 của Luật về Hội. Theo đó, nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam, tạo điều kiện cho hội hoạt động và phát triển theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Công dân, pháp nhân Việt Nam có quyền lập hội dưới những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, có đăng ký hoặc không đăng ký.
Tại Vương quốc Anh, quyền lập hội cũng được ghi nhận theo cách thức tương tự. Theo đó, quyền tự do hội họp một cách hòa bình và tự do lập hội của người dân được ghi nhận tóm lược như một quyền con người tại Điều 11 Bộ luật Nhân quyền năm 1998 của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.[14] Sau đó, quyền này được cụ thể hóa trong các đạo luật khác. Vương quốc Anh không có một đạo luật riêng về hội mà từng nhóm tổ chức hoặc nhóm hội sẽ có luật riêng điều chỉnh. Hệ thống các tổ chức hội nói chung của Vương quốc Anh rất đa dạng dựa trên các nhóm mục tiêu và hoạt động như tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, hội nghề nghiệp, công đoàn, các hội nhóm nghiên cứu… Trong đó, nhóm hội lớn nhất dựa trên số lượng tổ chức và số lượng thành viên là nhóm tổ chức xã hội – tình nguyện.[15] Nhằm mục đích quy định về lĩnh vực hoạt động, đăng ký, quản lý và tổ chức hoạt động của các tổ chức xã hội – tình nguyện tại Vương quốc Anh, nhà nước đã ban hành Luật về các Tổ chức xã hội – tình nguyện 2011. Nhìn chung, cách quy định về quyền lập hội trong Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam và các văn bản luật của Vương quốc Anh cơ bản cũng đã thể hiện được tinh thần về quyền lập hội của con người trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 và không mang khoảng cách lớn về kỹ thuật lập pháp. Do vậy, một số quan điểm cho rằng Dự thảo Luật về Hội không thể hiện được quyền lập hội của người dân hoặc/ và kỹ thuật lập pháp của Dự thảo Luật về Hội không phù hợp với cách thức thể hiện của các quốc gia trên thế giới cũng chưa hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, để ghi nhận và thực hiện được hiệu quả quyền lập hội của người dân trong Dự thảo Luật về Hội, mối quan hệ giữa yếu tố quản lý nhà nước và quyền lập hội của người dân cũng cần được cân nhắc cụ thể.
2. Mối quan hệ giữa quyền lập hội của nhân dân và quản lý nhà nước trong Dự thảo Luật về Hội
Như đã phân tích, quyền lập hội của nhân dân là một trong những quyền dân sự và chính trị căn bản của người dân. Thực hiện tốt quyền lập hội của người dân không chỉ hỗ trợ sự phát triển và vai trò của cá nhân trong xã hội, mà còn hỗ trợ sự tiến bộ và phát triển của nhà nước. Sự liên kết giữa những cá nhân có cùng quan điểm, định hướng, chuyên môn, mục tiêu có thể tạo ra những giá trị về xã hội, giá trị chuyên môn lớn hơn giá trị đơn lẻ của từng cá nhân. Sự kết nối của các cá nhân dưới hình thức hội cũng tạo nên tính hệ thống cho một tập hợp lớn cá nhân nhằm hỗ trợ hiệu quả cho sự triển khai hoặc phản biện các chính sách, định hướng chung của nhà nước. Tuy nhiên, do các tổ chức hội là tập hợp đông đảo các cá nhân với sự tác động lớn đến xã hội nên việc tạo ra những khuôn khổ quản lý của nhà nước nhằm phát huy tính hiệu quả của hội và hạn chế những hoạt động mang tính chất tiêu cực với tác động lớn là cần thiết. Trong Dự thảo Luật về Hội, nhìn tổng thể, dự thảo vẫn mang nhiều yếu tố về quản lý nhà nước đối với hội hơn là đảm bảo quyền lập hội của công dân. Đây là một yếu tố cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thứ nhất, về sự hạn chế quyền lập hội của người dân trong Dự thảo Luật về Hội.
Với những quy định tại Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng như pháp luật về quyền lập hội tại Vương quốc Anh, quyền lập hội của người dân được hiểu như là quyền tự do lựa chọn liên kết của mọi người với nhau trong những tổ chức phù hợp với nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, Điều 11 Bộ luật Nhân quyền 1998 cũng ghi nhận về sự hạn chế quyền lập hội đặc biệt là trong những trường hợp cần thiết vì lợi ích của an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng, để phòng ngừa các hành vi phạm tội hoặc gây rối loạn, để bảo vệ sức khỏe, đạo đức hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác. Như vậy, quyền tự do lập hội của người dân không phải quyền tuyệt đối mà trong mối quan hệ tương tác với nhà nước, quyền này cũng cần những yếu tố điều phối nhất định của nhà nước. Do vậy, vấn đề quản lý nhà nước liên quan đến quyền lập hội cũng là sự hợp lý trong xây dựng Dự thảo Luật về Hội.
Dự thảo Luật về Hội tại Việt Nam cơ bản đã thể hiện được tinh thần của quyền lập hội trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, bao gồm một số quy định về nghiêm cấm quyền lập hội vì lý do chủ quyền, an ninh, quốc phòng, xâm phạm quyền con người, danh dự của người khác. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định về nghiêm cấm quyền lập hội tại Điều 8, Dự thảo Luật về Hội còn đề xuất những quy định về hạn chế quyền lập hội của một số nhóm đối tượng công dân và pháp nhân đặc thù tại Điều 7 của dự thảo. Trong đó, việc quy định “hạn chế quyền sáng lập hội, đăng ký thành lập hội lãnh đạo, điều hành hoạt động hội đối với cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công” là một sự hạn chế đáng kể của quyền lập hội.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng số lượng cán bộ, công chức[16] trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015 là 276.055.[17] Do vậy, số lượng tổng thể của các cá nhân thuộc nhóm “cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân” bị hạn chế quyền lập hội theo Điều 7 Dự thảo Luật về Hội sẽ là rất lớn. Hơn nữa quy định tại Điều 7 có thể được hiểu bao gồm cả hạn chế quyền lập hội đối với cả hội không cần đăng ký theo quy định tại Chương II của Dự thảo. Như vậy, với quy định tại Điều 7, Điều 8 của Dự thảo Luật về Hội về các trường hợp bị hạn chế và bị nghiêm cấm lập hội, đặc biệt là “quy định quét” tại khoản 9, Điều 8 “nghiêm cấm việc lập hội nếu vi phạm các hành bị cấm do luật khác quy định” mở rộng khả năng có thể làm hạn chế quyền lập hội của người dân. Đây là những điểm mà Ban soạn thảo và Quốc hội cần cân nhắc trước khi thông qua dự luật. Để quản lý thời gian làm việc cũng như loại trừ khả năng ảnh hưởng từ nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức trong hoạt động hội[18] thì có thể cân nhắc sử dụng những quy định hoặc quy tắc sử xự khác trong quản lý nhân sự tại các đơn vị hơn là quy định về sự hạn chế quyền hiến định của công dân. Nếu Dự thảo Luật về Hội quy định về quyền lập hội của người dân nhưng cũng đồng thời đưa ra nhiều quy định hạn chế và nghiêm cấm thì những quy định về quyền không mang nhiều ý nghĩa như dự kiến về mục tiêu của luật.
Thứ hai, về những điều kiện bảo đảm hoạt động và yếu tố độc lập trong hoạt động hội.
Bên cạnh những quy định chi tiết về quản lý nhà nước, Dự thảo Luật về Hội đã ghi nhận quyền thành lập và tham gia những hội không đăng ký tại Chương II bên cạnh những hội có đăng ký quy định tại Chương III Dự thảo Luật về Hội. Việc phân chia và ghi nhận hai dạng hội có đăng ký và không đăng ký cũng là phù hợp với cách thức ghi nhận về quyền lập hội của một số quốc gia khác như Vương quốc Anh hay Malaysia.[19] Tuy nhiên, bên cạnh những quy định về quyền và nghĩa vụ của hội theo Dự thảo Luật về Hội thì một số yếu tố khác nhằm ghi nhận, tạo nền tảng và thúc đẩy việc thực thi quyền lập hội, quyền tự do quyết định hoạt động của hội của các tổ chức hội cũng cần được ghi nhận cụ thể. Trong đó, quy tắc bảo đảm sự độc lập trong hoạt động, bao gồm việc độc lập trong quyết định kế hoạch làm việc, nội dung làm việc của các tổ chức hội không đăng ký và có đăng ký với các yếu tố quản lý nhà nước cần được cân nhắc bổ sung trong Dự thảo Luật về Hội. Quy định rõ ràng này sẽ góp phần tăng cường hơn yếu tố đảm bảo quyền lập hội và quyền tự do hoạt động của hội.
Đối với quyền lập hội, bao gồm quyền tự do liên kết giữa các cá nhân và quyền của tập thể hội được bảo đảm sự độc lập của mình trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước thì yếu tố độc lập là rất quan trọng nhằm tạo động lực thúc đẩy quyền này. Một số quan điểm cho rằng, yếu tố độc lập của hội thể hiện qua quy định các hội có thể không cần đăng ký hoặc nhà nước thúc đẩy sự độc lập và quyền lập hội thông qua việc tạo thuận lợi cho việc đăng ký của hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn tại Vương quốc Anh, quan điểm này cần được nghiên cứu thêm. Các tổ chức xã hội – tình nguyện tại Vương quốc Anh được yêu cầu đăng ký với các tổ chức quản lý xã hội – tình nguyện, gồm có Ủy ban Quản lý hoạt động xã hội – tình nguyện[20] tại Vương quốc Anh và Wales, văn phòng Quản lý hoạt động xã hội tình nguyện tại Scotland[21] và Ủy ban Quản lý hoạt động xã hội – tình nguyện tại Bắc Ai-len.[22] Tuy nhiên, các tổ chức hội này vẫn đạt được sự độc lập của mình thông qua việc được quyền độc lập xác định chương trình làm việc và nội dung hoạt động của mình mà chúng chịu ảnh hưởng của những quy tắc quản lý nhà nước. Việc đăng ký với các tổ chức quản lý hoạt động xã hội – tình nguyện nhằm mục tiêu tạo sự minh bạch trong hoạt động và sự tin cậy trước công chúng hơn là vì lý do nhà nước cần phải quản lý và điều phối hoặc tạo ảnh hưởng đến các tổ chức này.[23]
Trong Dự thảo Luật về Hội, yếu tố “quyền quyết định tôn chỉ, mục đích điều lệ hội phù hợp với quy định của pháp luật” quy định tại Điều 10 về quyền của hội không đăng ký và “quyền tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội” được quy định tại Điều 24 về quyền của hội có đăng ký đã phần nào thể hiện sự độc lập của các hội. Tuy nhiên, quy định như trên chưa thể hiện rõ nét yếu tố độc lập và quyền tự quyết định nội dung những hoạt động của hội và các cá nhân trong hội. Việc can thiệp ở những góc độ không hợp lý của các cơ quan quản lý vào việc quyết định chương trình hoạt động, nội dung hoạt động của các tổ chức hội sẽ là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của hội. Bất cập này sẽ làm thiếu cân bằng về quyền lập hội của người dân và yếu tố quản lý nhà nước trong Dự thảo Luật về Hội. Do vậy, việc ghi nhận yếu tố “độc lập” trong hoạt động hội được điều chỉnh tại Điều 2, Điều 10, Điều 24 về quyền của hội cần được cân nhắc và làm rõ trong Dự thảo Luật về Hội..
CHÚ THÍCH
[1]* TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Điều 1 Sắc lệnh số 102/SL-L004 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 20/5/1957 về Quyền lập Hội.
[2] Điều 2 Sắc lệnh số 102/SL-L004 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 20/5/1957 về Quyền lập hội.
[3] Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội .
[4] Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP .
[5] UN General Assembly, Universal Declaration of Human Rights, 10 December 1948, 217 A (III).
[6] UN General Assembly, International Covenant on Civil and Political Rights, 16 December 1966, United Nations, Treaty Series, vol. 999, tr.171.
[7] UN Committee on the Elimination of Discrimination Against Women (CEDAW), UN Committee on the Elimination of Discrimination against Women: State Party Report, Italy, 1 November 1996, CEDAW/C/ITA/2
[8] UN General Assembly, Convention on the Rights of the Child, 20 November 1989, United Nations, Treaty Series, vol. 1577, tr. 3.
[9] UN General Assembly, International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, 16 December 1966, United Nations, Treaty Series, vol. 993, tr. 3.
Xem thêm tại: Nguyễn Võ Linh Giang, Góp ý dự thảo Luật về Hội, <http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/32079/Mot_so_y_kien_dong_gop_cho_Du_thao_Luat_ve_Hoi>, truy cập ngày 28/9/2016.
[10] Điều 20 Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948.
[11] Điều 22 Công ước về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966.
[12] Tham khảo các ý kiến trình bày tại “Hội thảo đóng góp ý kiến Luật về Hội’’ do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 29/9/2015 tại Thanh Hóa.
<http://hoiluatgiavn.org.vn/gop-y-kien-du-thao-luat-ve-hoi-d885.html>
[13] Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
[14] The Human Rights Act 1998.
[15] “Tổ chức xã hội – tình nguyện” được dịch từ tên gốc là tổ chức “Charities” hoạt động theo Luật về các Tổ chức xã hội – tình nguyện 2011 của Vương Quốc Anh.
[16] Khái niệm “cán bộ”, “công chức” được quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
[17].Xem.thêm.tại:.<http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-phe-duyet-tong-bien-che-cong-chuc-nam-2015-2014120410046640.htm>, truy cập ngày 01/10/2016.
[18] Xem thêm về nội dung thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV, ngày 22/9/2016 về Dự thảo Luật về Hội.
[19] Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Hội trong xã hội dân sự và Dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12/2016, trang 25 – 27.
[20] Dịch từ tên gốc: Charity Commission in England and Wales.
[21] Dịch từ tên gốc: Office of the Scottish Charity Regulator in Scotland.
[22] Dịch từ tên gốc: Charity Commission for Northern Ireland.
[23] Regulation of Charities, United Kingdom
<http://www.charitycommissionni.org.uk/About_us/Regulation/Registering_charities_index.aspx>, truy cập ngày 02/10/2016.
- Tác giả: TS. Đặng Tất Dũng
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(105)/2017 – 2017, Trang 55-59
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời