Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội
Tác giả: ThS. Nguyễn Tú Anh
TÓM TẮT
Mục đích của bài nghiên cứu nhằm phân tích cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn của việc hoàn thiện chế định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội tại Dự thảo Luật về Hội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định về nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hội, tác giả nêu lên những bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung của chế định này trong Dự thảo Luật về Hội.
Xem thêm bài viết “Luật về Hội”
- Chính sách, pháp luật về hội và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội – ThS. Nguyễn Văn Huệ
- Góp ý về định hướng xây dựng Luật về Hội và một số vấn đề khác – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Bàn về quyền và nghĩa vụ của hội có đăng ký trong dự thảo Luật về Hội – TS. Lê Minh Hùng
- Địa vị pháp lý của hội trong hoạt động xây dựng pháp luật – TS. Đỗ Minh Khôi
- Quy chế pháp lý về tài chính, tài sản của hội trong Dự thảo Luật về Hội – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
Lập hội là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền này đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người như UDHR[1] và ICCPR.[2] Đặc biệt, quyền lập hội còn là sự thể hiện mức độ dân chủ của một nhà nước nên quyền này thường được các nước ghi nhận trong những văn bản có giá trị pháp lý rất cao như hiến pháp, luật do cơ quan lập pháp ban hành.[3] Cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình (freedom of peaceful assembly), quyền tự do lập hội (freedom of association) là những phương tiện quan trọng giúp thực thi nhiều quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Quyền tự do lập hội đã là “thành tố thiết yếu của một xã hội dân chủ” vì nó cho phép các thành viên “bày tỏ quan điểm chính trị, tham gia vào các mục tiêu văn học, nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác, hình thành và gia nhập các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, bầu chọn những người lãnh đạo đại diện cho mình và buộc họ phải chịu trách nhiệm”.[4]
Cũng như đối với những quyền cơ bản của con người khác, Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do lập hội. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chi, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tinh. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hiện nay, quyền lập hội của công dân được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật (các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ liên quan).[5] Các văn bản quy phạm pháp luật về hội do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, ban hành Luật về Hội nhằm triển khai thi hành Hiến pháp và để hiện thực hóa quyền tự do lập hội trên cơ sở đảm bảo có sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật là nhu cầu tất yếu.
Dự thảo Luật về Hội quy định: “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của cá nhân, tổ chức cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động”. Điều khoản này đã xác định hội là tổ chức (organization) và nội hàm của tổ chức ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp “tổ chức là một tập thể của con người tập hợp nhau lại để thực hiện một nhiệm vụ chung hoặc nhằm đạt tới một mục tiêu xác định của tập thể đó”.[6] Với tư cách là một tổ chức, để tồn tại và phát triển, hội cần có những chuỗi hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung của các thành viên. Với thực trạng hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới rất đa dạng về cả quy mô, phạm vi hoạt động như hiện nay, bên cạnh việc đưa ra những điều khoản cụ thể điều chỉnh cách thức tổ chức và thực hiện các chuỗi hoạt động của hội thì cần thiết hơn nhất là xác định được nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội. Ngay cả khi Luật về Hội đã ban hành với quy định cụ thể nhưng thực tiễn luôn sinh động và các quy định pháp luật nhiều khi không dự liệu được hết những phát sinh trong thực tiễn. Do vậy để quyền lập hội được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thì việc xây dựng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội trở nên tối quan trọng. Cũng với vai trò, ý nghĩa của việc định ra những nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của hội, Điều 4 Dự thảo Luật về Hội quy định 05 nguyên tắc bao gồm:
“ 1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.2. Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.3. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội.4. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.5. Hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận.”
Đây là những nguyên tắc có tính pháp lý, vì chúng không chỉ được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng, mà còn được ghi nhận trong văn bản pháp luật. Trong suốt quá trình xây dựng Dự thảo Luật về Hội, các nguyên tắc này cũng được hoàn thiện dần sau khi Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp.
1. Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật
Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật là nguyên tắc bao trùm các nguyên tắc khác với lý do đây là công cụ quan trọng nhất nhằm thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc này có cơ sở pháp lý là Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 còn quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của hội bởi nó sẽ đảm bảo trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của hội. Nhà nước quản lý đối với tổ chức và hoạt động của hội không có nghĩa Nhà nước hạn chế sự phát triển của hội, mà trái lại Nhà nước xây dựng một hành lang pháp lý xác định những bảo đảm quyền lập hội được hiện thực hóa. Tất cả các hội hình thành, phát triển một cách bền vững, dân chủ, bình đẳng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nguyên tắc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật với ý nghĩa là các hội được làm tất cả những việc mà Hiến pháp và pháp luật không cấm. Nguyên tắc phải được hiểu ở hai phương diện bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của hội. Ở phương diện thứ nhất, nguyên tắc này hàm chứa quy định các hội có quyền tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đồng thời được bảo đảm thực hiện quyền bởi Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, không được phép cản trở hoặc can thiệp vào quyền sáng lập hội. Ở phương diện thứ hai, nguyên tắc này hàm chứa yêu cầu về nghĩa vụ của hội phải tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Nội dung của nguyên tắc này đặt ra yêu cầu phải tuân thủ triệt để các quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều này bao hàm cả việc tuân thủ từ phía các cơ quan nhà nước, đến các hội và các chủ thể khác có liên quan. Để nguyên tắc này được tuân thủ triệt để, bản thân Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội đồng bộ, khả thi, công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong quá trình tham gia vào tổ chức và hoạt động của hội. Hệ thống văn bản quy phạm đó phải đảm bảo được việc tổ chức và hoạt động hội ở tất cả các lĩnh vực được Hiến pháp, pháp luật cho phép. Ở địa phương, các cơ quan nhà nước thống nhất với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội trong việc tuân thủ pháp luật. Có thể nói, đây là yêu cầu và là điều kiện cần để việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật được thực hiện. Mặt khác việc thực hiện, triển khai các quy định vào cuộc sống cũng phải được đảm bảo có hiệu quả, thống nhất. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Hiến pháp và pháp luật về hội tới các hội, thành viên hội phải được thực hiện hiệu quả nhằm đảm bảo cho cá nhân, tổ chức trong xã hội hiểu biết sâu sắc về những gì mình được làm và phải chịu trách nhiệm khi tham gia hội. Để tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong quá trình tổ chức và hoạt động có hiệu quả, cần phải có hệ thống kiểm tra, đánh giá để kịp thời xử lý những vi phạm cũng như điều chỉnh những hạn chế, bất cập. Việc “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật” là nguyên tắc đầu tiên trong năm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội cho thấy tầm quan trọng của nguyên tắc này đối với tổ chức và hoạt động của hội. Tuy nhiên, xét về góc độ nghiên cứu, đánh giá về mặt nội dung của quy định này thì cần cân nhắc có nên quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội là vừa tuân thủ Hiến pháp, vừa tuân thủ pháp luật hay không, vì những lý do sau:
– Thứ nhất, mặc dù Hiến pháp là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất nhưng cũng vẫn là một trong những văn bản pháp lý thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung.[7] Việc quy định vừa tuân thủ Hiến pháp và vừa tuân theo pháp luật như trên có được coi là trùng lắp về mặt nội hàm hay không?
– Thứ hai, nếu nói nguyên tắc này có sự trùng lắp về nội hàm thì tại sao cơ sở pháp lý của nguyên tắc xuất phát từ Điều 8 và khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đều có quy định theo công thức “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”? Có thể thấy nếu Điều 8 chính là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước được quy định tại Chương I “Chế độ chính trị” thì khoản 1 Điều 14 là nguyên tắc bảo đảm quyền con người và quyền công dân được quy định tại Chương II “Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây chính là hai nội dung quan trọng hàng đầu được ghi nhận trong Hiến pháp của mỗi một quốc gia. Trách nhiệm quản lý xã hội và công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền con người thuộc về Nhà nước – một thiết chế chính trị đặc biệt trong tương quan so sánh về địa vị pháp lý thì hội chỉ là một trong những thiết chế chính trị – xã hội hoặc thiết chế xã hội chịu sự quản lý của Nhà nước. Hơn thế, với quan điểm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, do vậy, Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật nhằm bảo đảm và nhấn mạnh tính tối cao của Hiến pháp trong quản lý xã hội. Do đó, việc đề cao tính tối thượng của Hiến pháp trong tổ chức và hoạt động nhà nước là hoàn toàn phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, với những lý giải như trên, đối với tổ chức và hoạt động của hội chỉ cần quy định nguyên tắc “tuân thủ pháp luật” là đủ.
2. Nguyên tắc “Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”
Có nhiều định nghĩa về “hội”. Trong tiếng Anh, “hội” thường được thể hiện qua hai thuật ngữ đó là: (i) “Association” – chỉ hình thức liên kết của các cá nhân có cùng mối quan tâm, và (ii) “Society” – chỉ một cộng đồng có tổ chức. Cả hai khái niệm này đều có từ gốc Latin là socius/ socielis – được hiểu là sự liên hệ, giao lưu, đồng hành giữa con người với nhau trong đời sống. “Hội” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là sự thỏa thuận, liên kết, tập hợp, quy tụ của nhiều người với nhau thành nhóm để hướng đến các mục đích, lợi íich hay sự quan tâm chung. Như vậy “hội” là tập hợp các thành viên có cùng mối quan tâm chung đến lợi ích về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị… hoặc đơn thuần chỉ để hỗ trợ, chia sẻ thông tin với nhau. Về hình thức, hội cũng có nhiều dạng như câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận… Về mặt pháp lý, khái niệm hội được nêu trong Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội được hiểu là “…tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đich tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Dự thảo Luật về Hội đưa ra định nghĩa: “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của cá nhân, tổ chức cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động”. Qua định nghĩa và khái niệm pháp lý, cũng như trong thực tiễn, có thể thấy hội là nơi hội tụ của nhiều người có chung mục đích, sở thích. Do vậy, việc tham gia hội thường là tự nguyện. Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều có những hội không đăng ký cố ý lôi kéo cá nhân trong xã hội tham gia, những hội có mục đích không rõ ràng, thậm chí mục đích xâm hại quyền và lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội. Do vậy, cần thiết phải quy định nguyên tắc tự nguyện khi tham gia hội để đảm bảo không ai bị bắt buộc tham gia hội. Quyền lập hội nên được quan niệm là một quyền dân sự, một dạng tự do hợp đồng của các cá nhân, chủ yếu do luật dân sự[8] điều chỉnh nên tính tự nguyện, tự thỏa thuận được đề cao và trở thành một nguyên tắc cần thiết cho tổ chức và hoạt động của hội.
Nguyên tắc thứ hai “Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” bắt nguồn từ đặc trưng cơ bản của xã hội dân sự bởi hội được coi là trọng tâm của xã hội dân sự.[9] Những đặc trưng cơ bản đó là: (i) là tổ chức ở ngoài Nhà nước, (ii) hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, (iii) tự chủ, độc lập về tài chính (tự trang trải), (iv) quy mô, hình thức tồn tại, các thiết chế tổ chức rất đa dạng, (v) mục tiêu chung là vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là tổ chức không vì lợi nhuận. Khi nhà nước là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì xã hội cũng hình thành một loại các thiết chế xã hội đa dạng và các thiết chế xã hội sẽ lớn lên, vai trò của tự quản trong cộng đồng mạnh lên là xu hướng tất yếu. Do vậy, bên cạnh đề cao tính tự nguyện cần thiết phải thiết lập nguyên tắc tự quản, tự chủ trong quá trình tổ chức và hoạt động của hội. Để các hội được tự chủ tối đa thì hội phải có khả năng độc lập về tài chính, tự trang trải được kinh phí hoạt động.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nội vụ, qua thực tiễn thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù, cả nước đã có 8.792 hội được xác định là hội có tính chất đặc thù (gồm 28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương). Số biên chế đã giao là 7.445 biên chế (gồm 674 biên chế cho 28 hội đặc thù hoạt động phạm vi cả nước, 6.771 biên chế cho 8.764 hội đặc thù hoạt động phạm vi địa phương). Nếu tiếp tục thực hiện quy định về hội có tính chất đặc thù, số biên chế giao cho các hội có tính chất đặc thù là rất lớn, không phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay, gây khó khăn đối với ngân sách nhà nước. Điều này cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng (tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28 tháng 8 năm 2012) và Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI của Đảng.[10] Do vậy, nhiệm vụ của Dự thảo Luật về Hội phải thiết kế theo hướng đề cao nguyên tắc: tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lo kinh phí. Như vậy việc quy định nguyên tắc “tự nguyện, chủ chủ, tự trang trải kinh phí hoạt động” hoàn toàn phù hợp về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn nữa, nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” vẫn tồn tại một số điểm bất cập.
Như đã trình bày, hội là tổ chức do cá nhân, tổ chức có cùng sở thích, mục đích, ý chí thành lập. Do đó, hội phải được tổ chức và hoạt động theo tinh thần tự nguyện. Hội với tính chất là một tổ chức xã hội nên phải “tự chủ, tự quản” trong hoạt động của mình. Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam thì “tự chủ” (tự: chính mình, chủ: làm chủ) là “tự mình điều khiển mình, không phụ thuộc vào ai, không để ai chi phối mình”.[11] Do đó, một khi đã quy định hội tự chủ trong tổ chức và hoạt động thì không cần phải thêm cụm từ “tự trang trải kinh phí hoạt động” bởi đây là sự lặp từ không chính xác.[12] Khi đã là một tổ chức “tự chủ” có nghĩa là hội phải tự chủ về các hoạt động của hội trong đó có tự chủ về tài chính và kinh phí hoạt động.
Ở nguyên tắc thứ hai này còn quy định nội dung “tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Trong mối liên hệ với nguyên tắc số một là “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật” có thể thấy việc đưa ra thêm nội dung “tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” ở nguyên tắc thứ hai là không cần thiết bởi nguyên tắc “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật” đã bao hàm đầy đủ cả nội dung “tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Như vậy để chuẩn hóa nguyên tắc thứ hai này thì chỉ cần quy định ngắn gọn là “tự nguyện, tự chủ, tự quản” là đã đầy đủ nội dung cần thiết.
3. Nguyên tắc “Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội”
Bất kỳ một thiết chế nào trong xã hội khi được sáng lập đều phải có tôn chỉ, mục đích rõ ràng bởi “tôn chỉ” (key principle) chính là nguyên tắc chính chi phối mục đích hoạt động của một tổ chức, đoàn thể và “mục đích” (target, goal) là những gì tổ chức, đoàn thể đó hướng tới, phấn đấu để đạt được. Theo đó, hội với tư cách là một trong những thiết chế quan trọng của xã hội khi hình thành cũng cần phải hướng tới tôn chỉ, mục đích nhất định. Như vậy, xét về logic, quy định “thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích” là một trong những nguyên tắc của tổ chức và hoạt động của hội là hợp lý. Tuy nhiên, việc đưa “thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích” trở thành một nguyên tắc được quy định trong Dự thảo Luật về Hội phải được nghiên cứu toàn diện trong mối quan hệ với điều lệ hội. Trên cơ sở Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015[13] thì Điều 16 của Dự thảo quy định Điều lệ của hội gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, biểu tượng, tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội; nguyên tắc tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của hội; tiêu chuẩn hội viên, thủ tục vào hội, ra khỏi hội; cơ cấu tổ chức của hội; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên, giải thể hội; tài sản, tài chính của hội và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật. Điều lệ hội đã quy định những vấn đề cơ bản nhất của hội trong đó đã bao gồm “tôn chỉ, mục đích” của hội và điều lệ được coi là khung pháp lý để hội tổ chức, hoạt động. Nghiên cứu thực tế điều lệ của một số hội[14] có thể thấy trong điều lệ của các hội bao giờ cũng quy định “tôn chỉ, mục đích” của hội. Do vậy, nếu thực hiện đúng điều lệ của hội cũng đã bao hàm cả việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của hội. Do vậy, nên chăng Dự thảo Luật về Hội chỉ cần quy định nguyên tắc “tuân thủ điều lệ hội” hoặc “thực hiện đúng điều lệ hội”. Để ngắn gọn và hoàn chỉnh hơn nữa, nên lồng ghép luôn nguyên tắc số 1 và nguyên tắc số 3 của Điều 4 Dự thảo Luật về Hội thành một nguyên tắc “tuân thủ pháp luật, điều lệ hội” hoặc “tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng điều lệ hội”.
4. Nguyên tắc hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận
Cũng như cơ thể một con người, muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập với cộng đồng phải có những hoạt động thường xuyên. Những hoạt động đó có thể là hoạt động nội tại hoặc hoạt động bên ngoài tương tác với các chủ thể khác trong xã hội. Một tổ chức hội muốn tồn tại và phát triển tốt, đảm bảo thực hiện được tôn chỉ, mục đích của mình thì phải thường xuyên hoạt động để hòa mình vào đời sống xã hội. Do vậy, quyền lập hội[15] không chỉ bao gồm quyền sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, gia nhập hội, ra khỏi hội mà cả quyền hoạt động, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội. Đưa nội dung hoạt động thường xuyên vào trở thành một phần của nguyên tắc số 5 về tổ chức và hoạt động hội là một điều cần thiết bởi nếu thành lập hội được ví như gieo mầm thì hoạt động thường xuyên sẽ chăm bón cho cây xanh tốt. Nguyên tắc này không chỉ được cụ thể hóa trong Điều 6 của Dự thảo Luật về Hội khi quy định về quyền mà còn được thể hiện thông qua tinh thần của quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội đối với hội có đăng ký; qua các quy định về cơ chế tổ chức và hoạt động của hội mà trọng tâm là kỳ đại hội; qua các quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia tách, đổi tên, giải thể hội, đình chỉ hoạt động của hội. Để Nhà nước quản lý về việc hội có hoạt động thường xuyên hay không, Dự thảo Luật về Hội cũng đã có quy định nghĩa vụ báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[16] Hội có nghĩa vụ chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về phía nhà nước, Dự thảo Luật về Hội cũng quy định nội dung quản lý nhà nước đối với hội và trách nhiệm quản lý nhà nước về hội. Nội dung “hoạt động thường xuyên” được quy định trong nguyên tắc số 5 như vậy là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, để cụ thể hóa việc thực hiện nguyên tắc này một cách chặt chẽ, nên chăng trong khoản 1 Điều 28 của Dự thảo Luật về Hội cần quy định nếu trong một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày được thành mà hội không hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động có khoảng thời gian bị gián đoạn quá nhiều sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Một yêu cầu của nguyên tắc số 5 này là “không vì vụ lợi”. Đây cũng là một nội dung có cơ sở để được đưa vào nguyên tắc. Thực hiện pháp luật về quản lý tài sản, tài chính, Dự thảo Luật về Hội quy định nguyên tắc theo đó việc quản lý, sử dụng tài sản của hội phải công khai, minh bạch theo điều lệ hội và quy định của pháp luật. Tài sản, tài chính của hội được sử dụng để thực hiện tôn chỉ, mục đích, quyền và nghĩa vụ của hội, không được chia cho hội viên. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do ngân sách nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tại khoản 6 Điều 3 Dự thảo Luật về Hội có giải thích “không vì lợi nhuận là không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì không chia cho hội viên mà để sử dụng cho các hoạt động của hội theo điều lệ hội”. Tuy nhiên, yêu cầu “không vì lợi nhuận” cũng có nhiều vấn đề cần làm rõ. Trong tiếng Việt có nhiều thuật ngữ có liên quan như “không vụ lợi”, có nghĩa là không thu lợi, kiếm lợi cho chủ thể của hành vi. Thông thường, “không vụ lợi” hay được dùng với ý nghĩa tiêu cực để chỉ một cá nhân thu vén, kiếm lợi riêng tư cho chính bản thân mình. Đối với một tổ chức, “không vụ lợi” được hiểu là tổ chức này không đi tìm kiếm lợi ích riêng cho mình. Trong khi đó, trên thực tế, các tổ chức hội có tôn chỉ mục đích riêng của mình, có mối quan tâm về lợi ích đặc thù của tổ chức. Lợi ích ở đây không chỉ bao hàm các lợi ích về vật chất mà là các lợi ích về tinh thần. Đây là mối quan tâm và tìm kiếm lợi ích một cách chính đáng, cao đẹp. Trong khi đó, vụ lợi là một khái niệm chỉ hành vi tư lợi và thường mang ý nghĩa tiêu cực. Cũng có thể lựa chọn thuật ngữ “phi lợi nhuận” hay “không vì mục đích lợi nhuận” như một tiêu chí của hội. Tuy nhiên, “phi lợi nhuận” còn có thể được hiểu là không có lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với ý là hội không thể có những hoạt động mang lại lợi nhuận. Trong khi đó, pháp luật ở nhiều quốc gia quy định việc thành lập hội không xuất phát từ mục đích lợi nhuận, nhưng hội vẫn có quyền tiến hành những hoạt động mang lại lợi nhuận. Lợi nhuận đó phải từ những hoạt động hợp pháp, không được chia cho các hội viên và phải dành vào việc chi tiêu cho các hoạt động của hội theo Điều lệ. Do vậy, Dự thảo Luật về Hội đưa ra quy định sử dụng thuật ngữ “không vì mục đích lợi nhuận” hàm ý là vẫn có thể có thu nhập, có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không phải là mục đích cơ bản, mà chỉ là phương tiện đạt được mục tiêu đã nêu trong điều lệ hội.
Liên quan đến yêu cầu “không vì lợi nhuận”, Dự thảo Luật về Hội còn quy định về quyền của hội được “tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu; tư vấn, cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội; đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề cho hội viên khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, điểm b, c khoản 2 Điều 29 Dự thảo Luật về Hội về nguồn thu của hội trong đó có “nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn, thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động hợp pháp khác” và “các khoản sinh lời từ tài sản của hội”. Thực tiễn cho thấy bất cứ hội nào để hoạt động cũng cần có ngân sách để hoạt động. Như vậy, liệu có thể loại trừ khả năng “không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” hay không? Nên chăng cần quy định rõ nguyên tắc số 5 là “hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận cá nhân”. Việc quy định như vậy sẽ tạo sự linh hoạt và điều kiện phát triển của hội, đảm bảo nguồn thu cho tập thể hội nhưng đồng thời tránh được việc chia lợi nhuận cho cá nhân hội viên.
CHÚ THÍCH
[1]* ThS, Phó trưởng phòng Thanh tra, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người.
[2] Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.
[3] Ở các nước châu Âu như Pháp, Ba Lan, Hà Lan, một số nước ở châu Mỹ như Brazin, Colombia và một số nước ở châu Á như Việt Nam, Philippines, quyền lập hội được ghi nhận trong hiến pháp. Ở một số nước khác như Anh, Hoa Kỳ… quyền lập hội được ghi nhận trong đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành.
[4] Lời nói đầu của Nghị quyết số 15/21 của Hội đồng Nhân quyền.
[5] Tờ trình 579/TTr- CP của Chính phủ trình tóm tắt Dự theo Luật về Hội.
[6].https://voer.edu.vn/m/khai-niem-ve-to-chuc/31dd111f.
[7] Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[8] Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Hội trong xã hội dân sự và Dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12/2016.
[9] Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Hội trong xã hội dân sự và Dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12/2016.
[10] Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 “về một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” và Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 “về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
[11] Nguyễn Lân (2002), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2002, tr. 1974.
[12] Cao Vũ Minh, “Luật về Hội cần thể hiện rõ nết hơn tư duy đổi mới quản lý nhà nước về Hội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11/2016.
[13] Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[14] Xem: Điều lệ của Hội cựu chiến binh Việt Nam, Điều lệ Hội cựu giáo chức Việt Nam, Điều lệ Hội sinh viên Viêt Nam, Điều lệ Hội khuyến học Hà Nội, Điều lệ Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Điều lệ Hội sinh vật cảnh quận Tân Phú…
[15] Điêu 6 Dự thảo Luật về Hội ngày 16/9/2016.
[16] Khoản 3 Điều 26 Dự thảo Luật về Hội.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Tú Anh
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(105)/2017 – 2017, Trang 24-30
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời