Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Tác giả: ThS. Ngô Thị Anh Vân – ThS. Đặng Lê Phương Uyên
TÓM TẮT
Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thể hiện sự phát triển một cách phù hợp của pháp luật hôn nhân và gia đình với thực tiễn kinh tế – xã hội. Hiện nay, chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại ngày càng được nhiều cặp vợ chồng quan tâm. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba liên quan đến quá trình phân chia này cũng là vấn đề được quan tâm, xem xét.
Xem thêm:
- Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng – ThS. Ngô Thị Vân Anh
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài – TS. Nguyễn Văn Tiến & ThS. Bành Quốc Tuấn
- Quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – ThS. Ngô Thị Vân Anh
TỪ KHÓA: Tài sản, Tài sản chung, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2019, Thời kỳ hôn nhân, Vợ chồng
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014 cho phép vợ chồng “có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung” trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp quy định tại Điều 42 – chia tài sản làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể thứ ba). Thông thường, tài sản chung của vợ chồng là một khối thống nhất (thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất), cùng được cả hai chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, nhằm mang lại những giá trị vật chất hoặc tinh thần cho gia đình. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều hoàn cảnh khiến vợ, chồng có mong muốn phân định khối tài sản chung. Có thể kể đến là các trường hợp: vợ chồng chia tài sản chung để một bên có thể thực hiện nghĩa vụ riêng về tài sản của mình, chia tài sản chung để việc đầu tư kinh doanh giảm thiểu rủi ro đối với gia đình, chia tài sản để hạn chế hành vi phá tán tài sản hoặc chia tài sản do vợ chồng có những mâu thuẫn trong đời sống tình cảm. Với tư cách là đồng sở hữu chủ, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo cách hiểu chung nhất, phạm vi tài sản chung được chia (một phần hay toàn bộ) sẽ do vợ chồng quyết định dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh thực tế của gia đình. Vấn đề đặt ra là liệu vợ chồng có được thỏa thuận chia cả những tài sản có khả năng hình thành trong tương lai hay không?
Tài sản là một khái niệm được sử dụng phổ biến trong pháp luật dân sự (hiểu theo nghĩa rộng). Với các lĩnh vực như lao động, thương mại, hôn nhân – gia đình, dân sự thì tài sản và quan hệ về tài sản là một nội dung không thể thiếu. Dù rằng ở mỗi lĩnh vực, ý nghĩa của quan hệ tài sản đều chứa đựng những khác biệt nhất định, nhưng cách hiểu về tài sản luôn có sự thống nhất. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản là bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Khái niệm kể trên đã xác định một cách cụ thể nội hàm của “tài sản”, đồng thời có sự phân chia một cách cơ bản về các loại tài sản.
So với quy định của BLDS năm 2005, quy định này không có sự thay đổi đột biến, khái niệm được nêu chỉ làm rõ trên tinh thần kế thừa nội dung đã từng tồn tại trong quá khứ. Thực ra, hai loại tài sản (hiện có và hình thành trong tương lai) đã “manh nha tồn tại trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng BLDS năm 2005 chỉ có một vài quy định đơn lẻ ghi nhận các tài sản hình thành trong tương lai trong phần “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” chứ không có trong phần những quy định chung. Việc đưa hai loại tài sản này vào phần quy định chung là thuyết phục, bảo đảm tính khái quát cũng như phạm vi áp dụng”.[1]
Việc phân loại tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai được thực hiện dựa trên thời điểm hình thành tài sản hoặc thời điểm mà chủ thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản. Với cách hiểu như trên, khái niệm tài sản được xác định rất rộng. Trong đó, tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. Tài sản hình thành trong tương lai là những tài sản chưa hình thành hoặc tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.[2] Ngày nay, sự tồn tại của tài sản hình thành trong tương lai không thể thiếu vắng trong các giao dịch dân sự nói chung.
Nếu áp dụng cách hiểu thống nhất của pháp luật dân sự về tài sản (bao gồm tài sản hình thành trong tương lai) thì việc ghi nhận thỏa thuận chia tài sản chung hình thành trong tương lai của vợ chồng là hoàn toàn có cơ sở. Trong cả quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, tài sản hình thành trong tương lai đều là những tài sản mà khả năng phát sinh (tồn tại) là rất cao. Mặc dù sự hiện diện của tài sản chỉ mang tính dự đoán, nhưng sự tiên liệu này là hoàn toàn có căn cứ. Thông qua hoàn cảnh thực tế hoặc mục đích của việc xác lập giao dịch, mà các chủ thể hoàn toàn có thể tin tưởng về khả năng hình thành trong tương lai của một loại tài sản cụ thể. Đây cũng là cơ sở để giao dịch liên quan đến loại tài sản đặc biệt này được xác lập.
Tương tự như vậy, trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, cũng có những loại tài sản mà khả năng hình thành là hoàn toàn có thể dự đoán được. Đây thường là những khoản thu nhập có tính ổn định, đều đặn. Tiền lương, tiền trợ cấp (trừ trợ cấp về ưu đãi người có công với cách mạng)[3] hoặc thậm chí là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên (gọi chung là thu nhập và thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng)[4] đều là những tài sản phát sinh thường xuyên và không thể thiếu khi duy trì đời sống gia đình. Cũng có những loại tài sản mà sự hình thành luôn được dự liệu sẵn hình thức sở hữu chung hoặc riêng. Chẳng hạn: tiền thưởng, tiền trúng xổ số phát sinh trong thời kỳ hôn nhân luôn là tài sản chung của vợ chồng; ngược lại, quyền tài sản gắn liền với nhân thân của một bên là tài sản riêng…Tóm lại, trong quan hệ giữa vợ và chồng, ở một chừng mực nhất định, những tài sản hình thành trong tương lai có thể được dự đoán không chỉ về khả năng tồn tại, phát sinh, mà còn cả về hình thức sở hữu tài sản (sở hữu chung hoặc riêng) theo sự dự liệu của quy định pháp luật.
Việc cho phép vợ chồng chia tài sản chung hình thành trong tương lai khiến cho thỏa thuận của hai bên có khả năng tác động đến không chỉ những tài sản đang tồn tại, mà còn cơ cấu lại quyền sở hữu, tạo nên thay đổi sâu sắc đến những tài sản có khả năng phát sinh sau đó. Hiện nay, thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vẫn có khả năng tác động đến nhóm tài sản hình thành trong tương lai. Cụ thể, theo Điều 40 Luật HNGĐ năm 2014, sau khi chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đều là tài sản riêng[5] (trước khi chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên là tài sản chung của vợ chồng).[6] Trong quá khứ, thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tạo nên những biến động rất lớn đến khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi chia tài sản chung, thậm chí, thu nhập do hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác hình thành sau khi chia tài sản, đều là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận khác.[7]
Có thể nhận thấy, sự tác động đến những tài sản hình thành trong tương lai (thu nhập, thu nhập hợp pháp khác hay hoa lợi, lợi tức) đều là sự áp đặt mà pháp luật mang lại chứ không hoàn toàn là ý chí của các bên. Những tài sản này, thậm chí có thể không xuất hiện trong thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng nhưng vẫn được cơ cấu lại như một lẽ tất yếu khi xác định hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung. Khác với những điều này, việc thừa nhận khả năng chia tài sản hình thành trong tương lai của vợ chồng tạo nên sự chủ động cho các chủ thể đối với quá trình cơ cấu lại quyền sở hữu tài sản chung.[8]
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng muốn tạo nên sự độc lập đáng kể về mặt tài chính.[9] Trong bối cảnh pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam không ghi nhận chế định “ly thân”, thì việc bảo đảm vợ chồng có thể bằng một thỏa thuận, chia toàn bộ tài sản chung và có sự phân định rõ ràng tài sản riêng của mỗi bên trong tương lai là điều cần thiết.
Ngoài ra, thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng, để một bên có tài sản riêng, nhằm đầu tư kinh doanh, sẽ thực sự có ý nghĩa nếu thỏa thuận này không chỉ tác động lên những tài sản hiện có, mà còn phân định quyền sở hữu cả những tài sản hình thành trong tương lai. Việc xác định cụ thể hình thức sở hữu tài sản theo ý chí các bên là cơ sở để hạn chế rủi ro có thể xảy đến đối với đời sống gia đình. Tùy theo nhu cầu của vợ chồng – chia một phần hay toàn bộ tài sản – tác động lên những tài sản hiện có hay cả những tài sản hình thành trong tương lai, mà nội dung thoả thuận của họ cũng nên được pháp luật thừa nhận tương ứng. Nếu chỉ gói gọn việc chia tài sản hiện có, trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có thể phải tiếp tục thực hiện nhiều thỏa thuận khác để giải quyết những tài sản mới phát sinh. Việc không thể đưa ra thỏa thuận có tính triệt để ít nhiều sẽ gây bất lợi đối với quá trình tổ chức đời sống gia đình. Thỏa thuận chia tài sản lúc này không chỉ xác định tài sản chung, tài sản riêng một cách đơn thuần mà quan trọng hơn, đây là nguyên tắc xác định quyền sở hữu của vợ chồng đối với cả những tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân.
Vấn đề còn lại ở đây là liệu rằng việc cởi mở trong quy định về thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có làm mất đi tính khuôn mẫu của chế độ tài sản theo luật định so với chế độ tài sản theo thỏa thuận. Thực ra, thỏa thuận chia tài sản chung chỉ tác động đến quá trình xác định quyền sở hữu đối với tài sản, về mặt nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng (đặc biệt là trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Quyền lợi của gia đình và của chủ thể thứ ba vẫn được bảo đảm bởi các quy định khác của Luật HNGĐ năm 2014.
Hiện nay, Việt Nam chỉ ghi nhận hai loại chế độ tài sản: chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Để áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, nam nữ phải lựa chọn chế độ tài sản này trước khi kết hôn.[10] Nói cách khác, trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng mới bắt đầu lựa chọn và áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận là điều không thể. Nếu không thỏa thuận từ trước, sau khi kết hôn vợ chồng chỉ có thể áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Trong khi đó, pháp luật của một số quốc gia khá cởi mở trong việc áp dụng thỏa thuận trước hôn nhân, thỏa thuận trong hôn nhân (cũng như nhiều thỏa thuận khác).[11] Với bối cảnh hiện tại, việc cho phép thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (thuộc chế độ tài sản theo luật định) điều chỉnh cả những tài sản hình thành trong tương lai, giúp mở rộng sự tự do ý chí trong quan hệ gia đình, cũng như bảo đảm việc điều chỉnh mềm dẻo, linh động của pháp luật.
Như đã trình bày trước đó, vợ chồng có thể tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vì rất nhiều lý do khác nhau. Một trong những trường hợp phổ biến nhất là một bên (hoặc cả hai) mong muốn chia tài sản để vợ, chồng đầu tư, kinh doanh riêng. Hoạt động kinh doanh thường mang lại lợi nhuận nhưng cũng luôn ẩn chứa những rủi ro nhất định. Khi một người đã kết hôn, tình trạng tài chính của người này luôn nằm trong mối liên hệ với điều kiện kinh tế của cả gia đình. Mong muốn chia tài sản chung để giảm thiểu rủi ro khi một bên đầu tư kinh doanh vì thế là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề được đặt ra ở đây là lợi nhuận trong kinh doanh mà một bên có được sau khi chia tài sản chung của vợ chồng được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng? Điều này liên hệ mật thiết với việc nhận diện một số nhóm tài sản (thu nhập và lợi tức). Xác định hình thức sở hữu đối với lợi nhuận có được do kinh doanh không chỉ giúp làm rõ hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phân định trách nhiệm của vợ, chồng phát sinh từ hoạt động này.
Theo Điều 40 Luật HNGĐ năm 2014: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP lý giải: “Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình”.[12] Những quy định kể trên có thể khiến ta nhanh chóng đưa ra lời giải rằng: lợi nhuận có được từ hoạt động đầu tư, kinh doanh của vợ, chồng là lợi tức. Một khi đã được xếp trong nhóm lợi tức thì tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của một bên vợ, chồng (nếu phát sinh sau khi chia tài sản chung).
Tuy nhiên, cùng với những quy định kể trên, Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014 – tài sản chung của vợ chồng – có nội dung như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này”. Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014 ghi nhận “thu nhập do … hoạt động kinh doanh … trong thời kỳ hôn nhân” là tài sản chung của vợ chồng. Rõ ràng hoa lợi, lợi tức đã được tách khỏi nhóm tài sản thu nhập hợp pháp này. Như đã nêu trước đó, xác định lợi nhuận từ kinh doanh là “lợi tức” là điều rõ ràng, nhưng cũng rất khó lòng phủ nhận lợi nhuận là “thu nhập do hoạt động kinh doanh”. Với việc xác định lợi nhuận thuộc từng nhóm tài sản khác biệt như vậy, hệ quả mang lại cũng rất khác biệt. Nếu khoản thu này là “lợi tức” thì đây là tài sản riêng của một bên theo Điều 40 Luật HNGĐ năm 2014. Ngược lại, khi xác định lợi nhuận là “thu nhập do hoạt động kinh doanh” thì đây lại là tài sản chung (Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014).
Trong quá khứ, NĐ 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn cho Luật HNGĐ năm 2000 có quy định tại Điều 8 như sau: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Với quy định này (dù tính hợp lý vẫn là một vấn đề còn tranh cãi), lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh của một bên (phát sinh sau khi chia tài sản chung) dễ dàng được xác định là tài sản riêng. Trong khi đó, Điều 40 của Luật HNGĐ năm 2014 hoàn toàn không đề cập nhóm “thu nhập và các khoản thu nhập hợp pháp khác”. Vì thế, không đơn giản để đưa ra nhận định chắc chắn cho hình thức sở hữu đối với loại tài sản này trong bối cảnh hiện tại.
Để gỡ rối cho hoàn cảnh này, có quan điểm cho rằng, nên áp dụng Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Quy định này có nội dung như sau: “…từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng”. Quy định trên, một mặt phù hợp với nguyên tắc suy đoán pháp lý: tài sản không chứng minh được là tài sản riêng của một bên thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng,[13] mặt khác, bảo vệ tốt lợi ích chung cho gia đình, theo hướng càng có nhiều tài sản thuộc sở hữu chung thì đời sống gia đình càng bảo đảm. Tuy vậy, nhóm tác giả cho rằng không nên áp dụng điều khoản này để giải quyết vấn đề đang được bàn luận. Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP chỉ nên được áp dụng nếu về chứng cứ, không thể chứng minh được tài sản đang tranh chấp là lợi tức hay là thu nhập do hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể nhận thấy rằng, việc nhận dạng tài sản đang tranh chấp là lợi tức hay là thu nhập đều xoay quanh quá trình khai thác tài sản. Đơn cử: nếu người chồng sử dụng chiếc xe tải (tài sản riêng) để chở hàng thuê, số tiền nhận được từ hoạt động này thường được nhìn nhận là “thu nhập”. Trong khi đó, cùng với chiếc xe tải là tài sản riêng, nếu được cho người khác thuê để chở hàng, thì xu hướng thường xác định tiền cho thuê này là “lợi tức”. Thực ra, về mặt bản chất, lợi tức cũng là một dạng thu nhập. Ở cả cách hiểu thông thường (theo từ điển tiếng Việt) và về mặt thuật ngữ pháp lý, không có nhiều sự phân biệt rõ nét giữa hai khoản thu này. Thậm chí, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) cũng không định nghĩa về “thu nhập” một cách cụ thể mà chỉ liệt kê các loại thu nhập, trong số đó, không ít khoản thu nhập có dạng lợi tức (tiền cho vay hoặc lợi tức cổ phần).[14]
Pháp luật một số quốc gia khác trình bày thuật ngữ “lợi tức” bằng cách liệt kê. Điều này có ưu điểm là rất cụ thể và ít gây nhầm lẫn. Theo Bộ luật Dân sự Pháp, lợi tức là tiền thuê nhà, lãi từ tiền cho vay, các khoản tiền trả định kỳ; tiền thuê đất canh tác cũng được coi là lợi tức.[15] Trong Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan, lợi tức được gọi là “thành quả theo pháp luật” và được định nghĩa là lợi nhuận, lãi, tiền cho thuê, tiền lời hoặc những khoản thu khác mà người sở hữu định kỳ kiếm được từ người khác do cho sử dụng vật đó, nhưng khoản này được tính toán và có thể thu được hàng ngày.[16] Có thể thấy, tính chất “định kỳ” được nhà lập pháp của các quốc gia trên xem trọng khi xác định lợi tức. So với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi tức là khoản thu nhập đều đặn và có thể tính toán mức thu hàng ngày bằng cách chia cơ học. Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh bị chi phối bởi thị trường, dẫn đến sự biến động, tăng giảm theo từng giai đoạn. Sự khác nhau này cũng là một trong những căn cứ để phân biệt lợi tức với thu nhập do lao động và sản xuất kinh doanh.
Cũng về vấn đề đang được bàn luận, Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan theo hướng công nhận sở hữu riêng hoàn toàn sau khi chia tài sản chung, cụ thể là: bất kỳ tài sản nào vợ hoặc chồng có được sau sự kiện phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đều trở thành tài sản riêng của một bên, kể cả tài sản mà vợ chồng có được do được tặng cho chung hoặc thừa kế chung (trong trường hợp này, tài sản sẽ được chia đều cho mỗi bên). Điều luật còn khẳng định minh thị rằng “hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng”.[17]
Để phân biệt giữa thu nhập từ hoạt động kinh doanh và lợi tức (tài sản có được từ việc khai thác tài sản), nhóm tác giả đưa ra một số tiêu chí như sau. Một là, hoạt động sản xuất kinh doanh phải diễn ra trên thị trường và phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể kinh doanh với những chủ thể khác trong xã hội. Hoạt động kinh doanh thường có chi phí cố định, chi phí biến đổi… Tài sản phát sinh từ những hoạt động như vậy được xác định là thu nhập. Trong khi đó, hành vi khai thác tài sản nhưng không có những đặc điểm trên thì được xem là khai thác tài sản để thu hoa lợi, lợi tức. Hai là, hoa lợi, lợi tức sau khi tách khỏi tài sản gốc không làm ảnh hưởng đến trạng thái ban đầu của tài sản gốc, còn việc sản xuất kinh doanh có thể cần tiêu hao tài sản gốc để tạo ra sản phẩm. Ba là, hoa lợi, lợi tức được thu định kỳ và đều đặn, ít thay đổi; trong khi thu nhập từ sản xuất kinh doanh thường biến động do chịu sự chi phối của thị trường.
Căn cứ vào những đặc điểm tiêu biểu kể trên mà một tài sản có thể được xác định là thu nhập từ hoạt động kinh doanh hoặc lợi tức. Tuy vậy, dù được xác định là thu nhập hay lợi tức thì xét theo tính hợp lý của vấn đề, tài sản là lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh riêng của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung, nên được xác định là tài sản riêng hay tài sản chung? Xuất phát từ mục đích của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhóm tác giả cho rằng nên xác định đây là tài sản riêng của một bên. Thông thường, tài sản chung của vợ chồng là một khối thống nhất. Thỏa thuận phân chia cho thấy về mặt ý chí, vợ chồng đã mong muốn có sự độc lập trong quan hệ về tài sản. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro đối với tình hình kinh tế gia đình, mà còn tạo sự chủ động đối với bên vợ, chồng trực tiếp kinh doanh (khi có thể sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư). Tất nhiên, những điều này chỉ nên được ghi nhận khi vợ chồng không có thỏa thuận khác.
Việc xác định lợi nhuận có được từ hoạt động đầu tư, kinh doanh riêng do một bên thực hiện sau khi chia tài sản chung là tài sản chung hay tài sản riêng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của vợ, chồng đối với các giao dịch xuất phát từ hoạt động kinh doanh của người còn lại. Theo Điều 45 Luật HNGĐ năm 2014, vợ, chồng chịu trách nhiệm riêng lẻ đối với “nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng”. Điều này khiến cho mục đích hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh thực hiện được. Ngoại lệ chỉ diễn ra khi một bên sử dụng lợi nhuận có được để “để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình”. Lúc này, gia đình cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư kinh doanh nên việc đặt ra trách nhiệm liên đới là điều cần thiết.[18] Tuy vậy, vấn đề không hề đơn giản khi trách nhiệm liên đới đòi hỏi cả vợ và chồng cùng phải thực hiện nghĩa vụ, trong khi lợi ích mà một bên nhận được từ hoạt động đầu tư kinh doanh riêng không có sự tương thích (bên kinh doanh đóng góp ít vào khối tài sản chung, nhưng người vợ, chồng còn lại phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản rất lớn). Trong tương lai, pháp luật cũng cần có những quy định cụ thể điều chỉnh về vấn đề xác định phạm vi nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc thực hiện nghĩa vụ liên đới.
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là giao dịch dân sự giữa vợ và chồng, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể thứ ba, nhất là trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng có nghĩa vụ dân sự riêng cần thực hiện. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba bằng cách không thừa nhận việc chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại, nếu mục đích của của thỏa thuận là nhằm trốn tránh các nghĩa vụ luật định.[19] Các nghĩa vụ này bao gồm: nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014, BLDS năm 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.[20]
Theo Điều 131 BLDS năm 2015 – Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trong trường hợp đang được nhắc đến, việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, kèm theo hàng loạt các hệ quả pháp lý phát sinh nhằm “khôi phục tình trạng ban đầu” đều hướng đến bảo vệ quyền lợi của người thứ ba. Tuy vậy, để thực hiện ý đồ trốn tránh trách nhiệm, không ít trường hợp trên thực tế, vợ, chồng đã tẩu tán tài sản. Khả năng khôi phục khối tài sản chung và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba vì vậy gần như không thể thực hiện được thông qua quy định của pháp luật hiện hành.
Pháp luật Pháp tạo cơ hội để người thứ ba tự nhận định xem quyền lợi của mình có bị ảnh hưởng bởi việc chia tài sản chung của vợ chồng hay không. Bộ luật Dân sự Pháp cho phép người có quyền (chủ nợ) được thông báo về việc chia tài sản của vợ chồng.[21] Quy định này tạo điều kiện cho bên thứ ba biết về việc chia tài sản chung và sớm tham gia vào quá trình phân chia (ở một chừng mực nhất định), để bảo đảm quyền lợi của mình không bị xâm phạm. Theo Điều 1447 Bộ luật Dân sự Pháp: “Khi xuất hiện yêu cầu chia tài sản chung, người có quyền có thể thông qua luật sư của mình, yêu cầu luật sư của vợ chồng cung cấp đơn xin chia tài sản và các chứng từ có liên quan, người có quyền yêu cầu cũng có thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu quyết định chia tài sản gây bất lợi cho người có quyền thì người đó có thể kháng cáo với tư cách là người thứ ba kháng cáo theo những điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Thực tiễn xét xử tại Califonia cho thấy, nếu việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến một trong hai bên không có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ riêng của mình, thì bên thứ ba có thể trực tiếp khởi kiện bên vợ hoặc chồng còn lại (bên không có nghĩa vụ). Cụ thể là vụ việc Sesha Reddy kiện Mellina Gonzalez,[22] được giải quyết bởi Tòa án Tối cao bang California. Sesha Reddy là chủ nợ của Gilbert Gonzalez – chồng của Mellina Gonzalez. Năm 1985, Gilbert tham gia vào một giao dịch bất động sản không thành công với nguyên đơn Sesha Reddy. Nguyên đơn sau đó kiện Gilbert vì những tổn thất phát sinh từ hậu quả giao dịch và đã có bản án chống lại Gilbert. Tuy nhiên, nguyên đơn chỉ có thể nhận được 1.300 đô la từ tiền lương của Gilbert, phần còn lại của phán quyết không được thi hành do Gilbert không còn tài sản nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với nguyên đơn.
Trong khi đó, Gilbert và vợ – bị đơn Mellina Gonzalez – cùng sở hữu một ngôi nhà tại Milpitas. Ngôi nhà này được mua bằng tài sản chung của hai vợ chồng. Ngày 23/3/1987, Gilbert và bị đơn đã thực hiện chứng thư chuyển nhượng ngôi nhà sang cho bị đơn để bảo đảm rằng bên có quyền tài sản đối với Gilbert sẽ không thể xác lập quyền đối với ngôi nhà. Khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại Tòa án, cả hai cấp xét xử đều ra phán quyết rằng việc chia tài sản chung của vợ chồng bị đơn và Gilbert là một hành vi gian lận và bị xử lý như trong các vụ việc lừa đảo chủ nợ.
Có thể thấy, trong trường hợp trên, bên thứ ba có khả năng trực tiếp khởi kiện người vợ/chồng (trên thực tế sở hữu tài sản) dù người này không phải người có nghĩa vụ với bên thứ ba. Điều này không chỉ trao cho bên có quyền cơ hội chủ động bảo vệ quyền lợi của mình mà còn cho thấy người vợ/chồng tham gia vào việc chia tài sản chung nhằm giúp bên còn lại trốn tránh nghĩa vụ riêng cũng phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ riêng đó.
Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay đề cao ý chí tự nguyện của vợ chồng và không bắt buộc việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải do Tòa án tiến hành. Thậm chí, thủ tục công chứng cũng chỉ phát sinh khi vợ chồng có yêu cầu hoặc pháp luật quy định.[23] Từ quy định của điều luật, có thể suy ngược lại, nếu vợ chồng tự tiến hành phân chia tài sản chung, không cần sự can thiệp của Tòa án, pháp luật không quy định bắt buộc về hình thức và vợ chồng cũng không có nhu cầu, thì thỏa thuận chia tài sản hoàn toàn là chuyện nội bộ giữa vợ và chồng. Trong những trường hợp này, không có cơ quan nào kiểm soát sự lưu chuyển khối tài sản giữa vợ, chồng và khi bị phát hiện thì quyền lợi của người thứ ba đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong thực tế rất khó kiểm soát việc phân chia của vợ chồng, đặc biệt là xác định các trường hợp thỏa thuận phân chia để trốn tránh các nghĩa vụ riêng về tài sản của một bên. Cơ chế giám sát hiệu quả nhất là từ phía người có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, người này cũng khó biết được khi nào thì vợ, chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung.[24] Có ý kiến cho rằng việc chia tài sản chung của vợ chồng do tự thỏa thuận với nhau dứt khoát phải được Tòa án công nhận hoặc phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (nhằm hạn chế tối đa hành vi của vợ chồng lợi dụng việc chia tài sản chung để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ tài sản đối với người khác).[25] Đây cũng là giải pháp được thừa nhận trong pháp luật dân sự Hà Lan. Theo đó, việc chấm dứt chế độ tài sản chung trong hôn nhân chỉ được viện dẫn với bên thứ ba khi đơn yêu cầu hoặc thỏa thuận liên quan đến việc chấm dứt sở hữu chung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký tài sản hôn nhân một cách công khai.[26] Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng điều này là chưa thực sự phù hợp. Về mặt nguyên tắc, với tư cách là đồng sở hữu chủ, vợ chồng được phép thỏa thuận định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Việc buộc chủ thể phải trải qua một số thủ tục nhất định để đạt được sự chấp thuận, rồi mới có thể định đoạt tài sản, phần nào đi ngược lại với những quyền năng mà chủ sở hữu tài sản được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ.
Tác giả cho rằng khi thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm tẩu tán tài sản, không chỉ một bên có nghĩa vụ với người thứ ba mà bên vợ, chồng còn lại (trước đây không có nghĩa vụ) cũng phát sinh nghĩa vụ với người thứ ba. Khoản 5 Điều 275 BLDS năm 2015 xác định căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ là việc: “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Ở đây, đã có thiệt hại về vật chất, do chủ thể thứ ba không thể thực hiện quyền của mình (chẳng hạn không thể đòi nợ vì người vợ hoặc chồng không có hoặc có rất ít tài sản riêng); đồng thời, có hành vi trái pháp luật (chia tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ).
Vấn đề tiếp theo cần xác định là nghĩa vụ của vợ chồng trong trường hợp này là nghĩa vụ riêng rẽ hay nghĩa vụ liên đới. Ở đây, vợ chồng đã cùng xác lập một giao dịch dân sự, mặc dù giao dịch xảy ra trong nội bộ vợ chồng, nhưng nhằm mục đích xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba. Chính vì hành vi của cả vợ và chồng mà bên thứ ba đã không thực hiện được quyền của mình. Để tạo nên chế tài mang tính răn đe và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thứ ba, nhóm tác giả cho rằng pháp luật nên theo hướng quy định trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng đối với bên có quyền, nếu vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Điều này có nghĩa rằng, bên vợ, chồng trước đó không có nghĩa vụ, nhưng sau giao dịch chia tài sản chung nhằm trốn tránh trách nhiệm, sẽ bị ràng buộc cùng người chồng, vợ còn lại để cùng bảo đảm quyền lợi cho người thứ ba.
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là một chế định mang lại sự tự do và chủ động cho vợ chồng đối với quá trình tổ chức đời sống gia đình. Thông qua thỏa thuận, với sự công nhận của pháp luật, vợ chồng có thể không chỉ dừng lại việc phân định khối tài sản chung – riêng, một cách đơn thuần, mà hơn thế, có thể tạo nên những nguyên tắc để xác định quyền sở hữu đối với tài sản hình thành trong tương lai. Việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân mang đến những hệ quả to lớn đối với đời sống gia đình cũng như với chủ thể thứ ba. Vì vậy, việc quy định và giải thích pháp luật vừa mang tính tự do, cởi mở, vừa tạo nên những khuôn khổ hợp lý là điều vô cùng cần thiết.
CHÚ THÍCH
[1] Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 124.
[2] Điều 108 BLDS năm 2015.
[3] Xem thêm Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.
[4] Xem thêm Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014 và Điều 9, Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.
[5] Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP cũng có nội dung tương tự: “từ thời điểm phân chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thoả thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ chồng là tài sản riêng”.
[6] Xem Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014.
[7] Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP.
[8] Về vấn đề này cũng có quan điểm giải thích rằng: “Từ câu chữ của quy định hiện hành, có thể thấy vợ chồng có quyền thỏa thuận cả về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng hình thành trong tương lai khác với các quy định của điều luật. Theo khoản 2 Điều 41 Luật HNGĐ năm 2014: “Kể từ ngày thoả thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này (thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung) có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật này”. Điều này cho phép nghĩ rằng khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền xác định lại cách cấu tạo khối tài sản chung, tài sản riêng khác với quy định của luật, chứ không chỉ có quyền chia các tài sản hiện có. Với cách xác định như thế, thì việc phân chia tài sản chung chi phối cả những tài sản sẽ có”. Xem: Nguyễn Ngọc Điện – Đoàn Thị Phương Diệp, Pháp luật về quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 62.
[9] Tất nhiên, điều này chỉ được thừa nhận nếu không làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình và lợi ích của chủ thể thứ ba.
[10] Điều 47 Luật HNGĐ năm 2014.
[11] Xem Luật Thống nhất về thỏa thuận trước hôn nhân và thỏa thuận hôn nhân Hoa Kỳ năm 2012. Hoặc RCWs > Title 26 > Chapter 26.16 Điều RCW 26.16.120 (Revised Code of Washington) – Điều luật cho phép vợ chồng xác lập bất cứ thỏa thuận nào nhằm xác định tình trạng hoặc định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Thỏa thuận không làm tổn hại đến quyền lợi của chủ nợ hay làm mất quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu bởi Tòa án khi phát hiện sự gian lận; John De Witt Gregory, Peter N. Swisher, Robin Fretwell Wilson, Understand family law, LexisNexis, 4th, 2013, p. 99, 118. (Chapter 4. Marital contracts and agreements).
[12] Khái niệm này tương tự với khái niệm về “lợi tức” theo quy định của pháp luật dân sự. Khoản 2 Điều 109 BLDS năm 2015: “Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”.
[13] Khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
[14] Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
[15] Điều 584 Bộ luật Dân sự Pháp (văn bản hợp nhất năm 2013).
[16] Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan (sửa đổi, bổ sung năm 2005).
[17] Điều 1492 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan (sửa đổi, bổ sung năm 2005).
[18] Xem Điều 37 Luật HNGĐ năm 2014.
[19] Thông thường bên vợ, chồng có nghĩa vụ sẽ được chia một lượng tài sản rất ít, trong khi đó người kia sở hữu phần lớn tài sản. Khi người thứ ba yêu cầu, bên có nghĩa vụ sẽ không thể thực hiện được trách nhiệm của mình. Quyền lợi của người thứ ba vì thế mà bị ảnh hưởng rất lớn. Cũng cần nói thêm rằng: Luật HNGĐ năm 2014 theo hướng “việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu”. Thực ra hướng của Luật HNGĐ năm 2014 chỉ phù hợp với việc chia tài sản được thể hiện dưới dạng thỏa thuận, còn nếu việc chia tài sản được thực hiện dưới quyết định của Tòa án thì không thực sự tương thích (một vụ việc trên thực tế cho thấy: vợ chồng đã yêu cầu Tòa án công nhận yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và được Tòa án (cấp sơ thẩm) chấp nhận. Tuy nhiên, tình tiết của vụ việc cho thấy thỏa thuận này được thực hiện nhằm “không thi hành bản án” đã có hiệu lực trước đó. Tòa án cấp phúc thẩm sau đó đã bác yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân). Xem: Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Sách tình huống Luật Hôn nhân và gia đình (chủ đề 17), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2018, tr. 201, 203.
[20] Khoản 2 Điều 42 Luật HNGĐ năm 2014.
[21] Điều 1447 Bộ luật Dân sự Pháp (văn bản hợp nhất năm 2013).
[22] Xem: https://law.justia.com/cases/california/court-of-appeal/4th/8/118.html, truy cập ngày 16/2/2019.
[23] Khoản 2 Điều 38 Luật HNGĐ năm 2014.
[24] Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr. 240.
[25] Phan Tấn Pháp – Nguyễn Nho Hoàng, “Một số vấn đề về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 1, 2012, tr. 20.
[26] Khoản 2 Điều 1:99 Bộ luật Dân sự Hà Lan – Quyển 1 năm 1992.
- Tác giả: ThS. Ngô Thị Anh Vân & ThS. Đặng Lê Phương Uyên
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(127)/2019 – 2019, Trang 24-36
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời