Mục lục
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
TÓM TẮT
Bài viết phân tích và đánh giá quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ, việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới theo cấp Tòa án tại Việt Nam. Trên cơ sở chỉ ra những vướng mắc, bất cập, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý hiện hành.
Xem thêm:
- Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới – TS. Trần Việt Dũng
- Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người – ThS. Đặng Công Cường
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ – TS. Cao Vũ Minh
- Việc sử dụng quyết định của Tòa án trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại Cộng hòa Pháp – GS. Pierre Macqueron
- Kinh nghiệm về sử dụng bản án, quyết định của Tòa án trong đào tạo nghề luật – PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng
TỪ KHÓA: Biên giới, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09/2015, Thẩm quyền, Tòa án
Trong xã hội dân chủ, Tòa án là thiết chế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình bảo vệ quyền con người. Khi bảo vệ quyền con người, Tòa án nhân danh nhà nước, với quyền lực nhà nước hành xử quyền tài phán. Tài phán – thẩm quyền xét xử của Tòa án được tiếp cận dưới bốn góc độ: thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, thẩm quyền theo cấp Tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ bàn đến thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ, việc về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới theo cấp Tòa án tại Việt Nam. Bài viết cũng chỉ ra những vướng mắc bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý hiện hành.
1. Các vụ việc hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, thẩm quyền là “quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật”.[1] Như vậy, chỉ có cơ quan nhà nước, nhân danh nhà nước mới được phân định thẩm quyền để thực hiện quyền năng của mình. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự[2] của Tòa án là quyền thụ lý, xét và ban hành các phán quyết khi giải quyết các vụ việc dân sự.
Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 xác định hệ thống tổ chức Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Tòa án nhân dân cấp tỉnh) và Tòa nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương (Tòa án nhân dân cấp huyện), Tòa án quân sự. Các Tòa án quân sự trong hệ thống Tòa án chỉ có chức năng xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật.
Trong hoạt động tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thực hiện thẩm quyền hai cấp xét xử, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và trong những trường hợp đặc biệt, Tòa án xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.Xét theo góc độ thẩm quyền dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS năm 2004) đã phân quyền cho Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp dân sự (vụ án dân sự), yêu cầu dân sự (việc dân sự) phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (gọi chung là vụ việc dân sự). Theo đó, các vụ, việc phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình, do Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
Theo Điều 27 BLTTDS năm 2004, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự các tranh chấp về hôn nhân và gia đình sau: ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ, tranh chấp về cấp dưỡng, tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
Điều 28 BLTTDS năm 2004 cũng quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các yêu cầu về hôn nhân gia đình gồm: hủy kết hôn trái pháp luật, công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn, chấm dứt việc nuôi con nuôi, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định. Khác với các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, những yêu cầu về hôn nhân gia đình không có tranh chấp và được Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự.
Về nguyên tắc, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về hôn nhân và gia đình. Song không phải mọi tranh chấp và yêu cầu phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết những tranh chấp và yêu cầu về hôn nhân và gia đình đã được luật hóa. Các tranh chấp, yêu cầu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 27, Điều 28 BLTTDS năm 2004 sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức khác. Chẳng hạn, yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[3] nơi cư trú của một trong hai bên người kết hôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của công dân Việt Nam ở khu vực biên giới, yêu cầu công nhận tính hợp pháp về văn bản thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thuộc thẩm quyền của các tổ chức hành nghề công chứng (nếu vợ chồng đã thỏa thuận được việc chia tài sản và theo quy định của pháp luật, văn bản thỏa thuận liên quan đến tài sản được chia đó phải được công chứng).
2. Thẩm quyền của các cấp Tòa án Việt Nam trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
Là quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền ước tính dài trên 4.600 km. Theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm danh sách xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/1/2014 quy định về Quản lý cửa khẩu biên giới đất liền thì Việt Nam có 103 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 435 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới thuộc 25 tỉnh có chung đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với với ba nước láng giềng: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.[4] Như vậy, trong hệ thống cơ quan tư pháp, Việt Nam có 103 Tòa án cấp huyện và 25 Tòa án cấp tỉnh khu vực biên giới.
Về địa lý và điều kiện tự nhiên, các tuyến biên giới trên đất liền của Việt Nam chủ yếu dọc theo vùng núi non hiểm trở, cấu trúc địa hình tương đối phức tạp, độ chia cắt lớn, điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Trong lúc đó, cư dân ở khu vực biên giới (cư trú hai bên biên giới các nước) đa phần là dân tộc ít người, vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp. Trên thực tế, công dân Việt Nam và cư dân các quốc gia láng giềng có mối quan hệ gắn bó lâu đời trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa. Không chỉ các giao dịch dân sự đơn thuần, các quan hệ hôn nhân, gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân các nước đã, đang được xác lập như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Và cho dù quan niệm về hôn nhân, gia đình của cư dân khu vực biên giới thường giản đơn, nặng về phong tục, tập quán song xét về tính chất, các quan hệ hôn nhân và gia đình đó nếu được xác lập giữa một bên là công dân Việt Nam với một bên là công dân nước láng giềng (xét về chủ thể, một bên tham gia quan hệ là người nước ngoài) cũng như các tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ các quan hệ này phải được xác định là vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật ở nước ta nhiều năm qua cho thấy phân quyền đăng ký việc hộ tịch (như kết hôn, khai sinh, giám hộ, nhận nuôi con nuôi…) có yếu tố nước ngoài cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (theo thủ tục hành chính, và được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước) và phân quyền giải quyết các tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ quan hệ đó cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh (theo thủ tục tố tụng và được thực hiện bởi cơ quan tư pháp) là hợp lý. Nguyên do là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phức tạp về nội dung, nhiều trường hợp có thể phải tiến hành điều tra, xác minh hay ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo các thủ tục tương thích. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của các quan hệ hôn nhân và gia đình ở khu vực biên giới và để đảm bảo tính khả thi của cơ chế pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, pháp luật đã dự liệu cơ chế giải quyết các việc hộ tịch theo hướng đơn giản hóa. Thẩm quyền giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài giữa công dân Việt Nam với với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam (nếu tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam) do vậy đã được chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới nơi công dân Việt Nam thường trú bắt đầu từ ngày 2/1/2003[5] trở đi.[6]
Ở góc độ tố tụng, quy định thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài – giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – bằng con đường Tòa án cũng phải tính đến đặc thù về địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, cho hoạt động của Tòa án vì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án có điều kiện tốt nhất để giải quyết vụ việc ấy, cụ thể là điều tra, giải quyết kịp thời, thuận tiện cho sự đi lại của hai bên đương sự.[7] Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ năm 2014) trên cơ sở kế thừa Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ năm 2000) đã xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của BLTTDS. Tuy nhiên, việc hủy kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì do Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết.
Pháp luật hiện hành quy định trong trường hợp pháp luật Việt Nam được áp dụng để xác định thẩm quyền thì thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được ghi nhận tại các Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 410, Điều 411, 412 BLTTDS năm 2004 và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/1012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất của BLTTDS năm 2004. Theo cơ chế pháp lý này, về nguyên tắc, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.[8]
Tuy nhiên, đối với các “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam”[9] và các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân gia đình mà có tài sản ở nước ngoài[10] hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài[11] được quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 thì Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, đối với các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình mà có đương sự ở nước ngoài thì khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 cũng không quy định cho Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Có nghĩa là các vụ việc hôn nhân và gia đình nếu có “đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc hôn nhân gia đình, đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc hôn nhân gia đình, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc hôn nhân và gia đình, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc hôn nhân gia đình”[12] thì về nguyên tắc, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, cần lưu ý là pháp luật tố tụng Việt Nam có ngoại lệ không áp dụng yếu tố “người nước ngoài” trong trường hợp này. Trên cơ sở và phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 về Thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất của BLTTDS xác định: “Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam”.
Hiện nay, Việt Nam với các nước láng giềng đều đã ký các Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và lợi ích của nhau. Điều 2 Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề Dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 19/10/1998, Điều 1 Hiệp định Tương trợ tư pháp về Dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 6/7/1998, Điều 2 Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 21/1/2013 đều thỏa thuận cơ chế bảo hộ pháp lý về tố tụng cho công dân các bên. Theo đó, công dân của bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của bên ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của bên ký kết kia, có quyền liên hệ và thực hiện các hành vi tố tụng trước Tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền về dân sự của bên ký kết kia theo cùng các điều kiện mà bên ký kết kia dành cho công dân nước mình. Theo các hiệp định này, cũng như công dân Việt Nam, công dân nước láng giềng với tư cách là đương sự cũng có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình. Khi công dân các bên có tranh chấp, yêu cầu giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình trước cơ quan nhà nước của Việt Nam thì việc xác định Tòa án cấp nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết phải được đặt ra.
3. Vướng mắc trong cơ chế xác định thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới và kiến nghị hoàn thiện
Có thể nói cơ chế phân quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới là phù hợp thực tiễn – nơi quan hệ hôn nhân và gia đình có nhiều biến động và phức tạp. Đặc biệt, việc giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình phát sinh giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực ở khu vực biên giới với Việt Nam không chỉ tháo gỡ phần nào tình trạng quá tải, tồn đọng vụ việc cho Tòa án cấp tỉnh mà còn tạo thuận lợi cho các đương sự ở khu vực biên giới trong việc thực hiện quyền tham gia tố tụng, đảm bảo quyền được Tòa án bảo vệ cho các bên tham gia quan hệ.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, các cơ chế này đã, đang phát sinh những vướng mắc bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, hoàn thiện.
Bất cập rõ nhất đó là sự khiếm khuyết của pháp luật tố tụng dân sự trong việc xác định các vụ, việc hôn nhân và gia đình (thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) so với luật nội dung – Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể, BLTTDS năm 2004 liệt kê các loại vụ, việc hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án tại Điều 27, Điều 28. Tuy nhiên, các điều luật này lại không bao quát hết các loại tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình hiện đã được Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ năm 2014) luật hóa. Do vậy, đối với các vụ việc không được BLTTDS năm 2004 dự liệu thì về nguyên tắc, Tòa án không có quyền thụ lý giải quyết dù có tranh chấp, yêu cầu kể cả trong trường hợp có yếu tố nước ngoài. Đây là sự bất hợp lý.
Hiện nay, Dự thảo BLTTDS sửa đổi (dự thảo lần 4) đã bổ sung một số tranh chấp và yêu cầu về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án gồm: tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ (khoản 6 Điều 28 Dự thảo Luật); tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật (khoản 7 Điều 28 Dự thảo Luật); yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; yêu cầu nhận cha, mẹ, con. Ghi nhận này cho thấy nhà làm luật có tham chiếu luật nội dung khi sửa đổi, bổ sung cơ chế pháp lý và theo chúng tôi, cơ chế bổ sung của Dự thảo BLTTDS sửa đổi là phù hợp, cần thiết. Tuy nhiên, để tương thích với Luật HNGĐ năm 2014 và tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình nói chung, giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam nói riêng, chúng tôi cho rằng cần mở rộng xác định các yêu cầu về hôn nhân gia đình sau thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Một là, yêu cầu không công nhận vợ chồng và công nhận sự thỏa thuận về tài sản, con. Luật hóa yêu cầu này là cần thiết bởi Luật HNGĐ năm 2014 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.[13] Nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng mà không đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì quan hệ này không có giá trị pháp lý (Điều 9). Do vậy, trừ trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn trước ngày 1/1/2001 nhưng đủ tiêu chí xác định là hôn nhân thực tế theo Nghị quyết số 35 và Thông tư liên tịch số 01,[14] các bên có đủ điều kiện kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu là giữa các bên không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Điều 14). Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận nam nữ là vợ chồng (khoản 2 Điều 53). Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo Điều 15, Điều 16 Luật HNGĐ năm 2014.
Hai là, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc thay đổi phương thức cấp dưỡng. Luật HNGĐ năm 2014 xác định nghĩa vụ cấp dưỡng có thể phát sinh giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột, giữa vợ và chồng. Nhằm bảo vệ quyền được cấp dưỡng giữa các thành viên gia đình, Điều 107 Luật HNGĐ năm 2014 quy định trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì chủ thể quy định tại Điều 119 của Luật HNGĐ năm 2014 có quyền yêu cầu Tòa án ra phán quyết buộc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trong trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được xác định bởi thỏa thuận của các bên hoặc phán quyết của Tòa án mà “người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ” thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi mức cấp dưỡng khi không thỏa thuận được (Điều 117 Luật HNGĐ năm 2014)
Ba là, yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Luật HNGĐ năm 2014 quy định trong chế độ tài sản pháp định, vợ chồng bình đẳng về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Do vậy, việc định đoạt tài sản chung quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014 phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, trừ trường hợp một bên có tư cách đại diện theo ủy quyền, theo pháp luật hoặc đại diện đương nhiên phù hợp với cơ chế đại diện. Theo Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 hướng dẫn thi hành Luật HNGĐ năm 2014 thì “Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.
Bất cập khác cũng rất đáng quan ngại đòi hỏi phải sớm tháo gỡ, đó là cơ chế thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới hiện bất nhất, chồng chéo. Bất cập này dẫn đến hậu quả là có nhiều cách hiểu, cách áp dụng pháp luật khác nhau trên thực tế.
Cụ thể, Điều 123 Luật HNGĐ năm 2014 xác định về nguyên tắc, thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (tức Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tuc sơ thẩm các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài). Song đối với việc hủy kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
Quy định này thực chất là sự lặp lại nội dung của Luật HNGĐ năm 2000 (Điều 102). Mặc dù trong Luật HNGĐ năm 2000, “yếu tố nước ngoài” được thừa nhận bởi ba yếu tố: đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp. Tuy nhiên, tại thời điểm Luật HNGĐ năm 2000 được ban hành, quan hệ tố tụng dân sự được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 với nội hàm “yếu tố nước ngoài” chỉ hạn hẹp với đối tượng là “người nước ngoài” (Điều 11 Pháp lệnh) nên khi nhận diện “yếu tố nước ngoài” trong các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới, nhà làm luật dường như chỉ mới lưu tâm đến yếu tố quốc tịch – nơi cư trú và yếu tố chủ thể quan hệ – một bên là người nước ngoài. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, nếu vụ việc trên có liên quan đến tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết hay không? Luật HNGĐ năm 2014 hiện chưa có giải pháp minh bạch cho vấn đề này.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 xác định những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết. BLTTDS năm 2004 không dự liệu thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 (về thi hành một số quy định của BLTTDS) tại khoản 2 Điều 7 hướng dẫn xác định các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân gia đình ở khu vực biên giới thuộc thẩm quyền của Tòa án sơ thẩm tương tự Luật HNGĐ (như khoản 3 Điều 102 Luật HNGĐ năm 2000, khoản 2 Điều 123 Luật HNGĐ năm 2014). Mặc dù vậy, cơ chế phân quyền giải quyết của các cấp Tòa án đối với các loại vụ việc này được Nghị quyết hướng dẫn cụ thể hơn và có sự khác biệt so với luật nội dung. Ở đây, dù chưa thật sự tách bạch song dựa vào cách bố cục, sắp xếp các khoản của Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012,[15] đồng thời căn cứ quy định thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/09/2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007,[16] có thể suy luận pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành ghi nhận thẩm quyền giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình phát sinh giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam đối với Tòa án cấp huyện chỉ khi các tranh chấp, yêu cầu đó không liên quan đến tài sản ở nước ngoài hoặc vụ việc không cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Để giải quyết sự không nhất quán giữa pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này, hiện nay, khoản 4 Điều 35 Dự thảo BLTTDS sửa đổi đã luật hóa thẩm quyền của Tòa án cấp huyện đối với các vụ việc hôn nhân gia đình phát sinh ở khu vực biên giới đất liền. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo BLTTDS sửa đổi theo chúng tôi là chưa hợp lý vì hai lý do. Một là, quy định của Dự thảo BLTTDS sửa đổi còn chung chung, chưa thể hiện rõ đối với các vụ việc hôn nhân gia đình phát sinh giữa các bên công dân ở khu vực biên giới đất liền mà có liên quan đến tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết không? Hai là, Dự thảo BLTTDS sửa đổi vẫn tiếp tục liệt kê có giới hạn các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện khu vực biên giới. Liệt kê này thực chất là sự sao chép một cách rập khuôn khoản 3 Điều 123 Luật HNGĐ năm 2014, khoản 3 Điều 102 Luật HNGĐ năm 2000. Hậu quả là nhiều vụ, việc hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án đã được BLTTDS quy định (chẳng hạn, tranh chấp về cấp dưỡng giữa ông bà và cháu, tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ…) sẽ không được áp dụng để giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu giữa đối tượng là công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới nếu phát sinh (vì chưa được luật hóa).
Chính vì vậy, nhằm tạo cơ chế, bảo đảm quyền được bảo vệ bởi Tòa án của con người đặt trong bối cảnh tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thiết nghĩ cần luật hóa thẩm quyền sơ thẩm của các cấp Tòa án đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân các nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam một cách minh bạch. Theo đó:
– Cần bãi bỏ khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 (vì khi được luật hóa, nội dung này sẽ thừa. Hơn nữa, việc khoản 2 Điều 7 Nghị quyết đã căn cứ khoản 3 Điều 102 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 – đạo luật hết hiệu lực để liệt kê các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân gia đình là khó chấp nhận trong bối cảnh hiện nay);
– Cần sửa đổi Điều 123 Luật HNGĐ năm 2014 như sau: “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và Bộ luật Tố tụng dân sự”.
– Cần bổ sung khoản mới cho Điều 33 của BLTTDS năm 2004 (khoản 4 Điều 35 Dự thảo BLTTDS sửa đổi) theo hướng xác định rõ thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện đối với vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới như sau:
“a. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, kể cả tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình có tài sản nằm ở nước láng giềng.
- Trong quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam mà phát sinh tương trợ tư pháp thì Tòa án nhân dân cấp huyện khu vực biên giới nơi công dân Việt Nam cư trú có thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước láng giềng hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước láng giềng mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết”
– Cần đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế giữa Việt Nam và các nước láng giềng, đồng thời tạo sự thống nhất đồng bộ giữa pháp luật tương trợ tư pháp và BLTTDS (về khuyến nghị quyền tương trợ tư pháp của Tòa án cấp huyện), cần sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/09/2011 theo hướng thừa nhận quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện ở khu vực biên giới.
CHÚ THÍCH
* ThS, Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** NCS.ThS, Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 847.
[2] Theo Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự , vụ việc dân sự được hiểu là các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động.
[3] Kể từ ngày 1/1/2016 trở đi, Luật Hộ tịch xác định việc đăng ký kết hôn có yêu tố nước ngoài tại Việt Nam chỉ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới.
[4] Trong đó, biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chạy dọc theo 7 tỉnh phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào dọc theo 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Vương quốc Campuchia chạy dọc theo 10 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
[5] Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết Thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có hiệu lực.
[6] Xem thêm Khoản 2 Điều 3 Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (hết hiệu lực); Điều 26 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Nghị định này thay thế Nghị định 68/2002, hết hết lực); Điều 48 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016).
[7] Thông tư số 3-NCPL ngày 3/3/1966 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự giải quyết việc ly hôn.
[8] Điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 33, Điều 34 BLTTDS và khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
[9] Khoản 6 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
[10] Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 về thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011) hướng dẫn: “Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự”.
[11] Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012).
[12] Hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ –HĐTP.
[13] Xem Điều 7, Điều 17, Điều 37 và Điều 53 Luật Hộ tịch năm 2014 về thẩm quyền đăng ký kết hôn áp dụng kể từ ngày 1/1/2016 trở đi.
[14] Nghị quyết số 35/2000/QH 10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 7 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Thông tư liên tịch số.01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.ngày 3/1/2001 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10.
[15] Điều 7 của Nghị quyết Hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về ba yếu tố mà khi có sự hiện diện của nó trong một tranh chấp, yêu cầu thì Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết: 1) Đương sự ở nước ngoài; 2) Tài sản ở nước ngoài; 3) Cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Trong đó, ngoại lệ về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam được bố cục ngay sau khoản 1 – “Đương sự ở nước ngoài”. Điều đó có nghĩa ngoại lệ này được áp dụng trong trường hợp chỉ xét về yếu tố chủ thể là con người – một bên tham gia quan hệ là người nước ngoài.
[16] Theo các văn bản này thì “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự thì Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này, gửi tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh để thực hiện theo thủ tục chung”.
- Tác giả: ThS. Lê Thị Mận – TS. Lê Vĩnh Châu
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 18-26
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online