Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
TÓM TẮT
Cung cấp thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình xác lập giao dịch dân sự nói chung và thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nói riêng. Đây là yêu cầu cần thiết để quyền lợi của mỗi bên được đảm bảo một cách công bằng. Xuất phát từ đặc điểm của mối quan hệ hôn nhân, nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thỏa thuận về chế độ tài sản được nhìn nhận khác biệt với các giao dịch dân sự thông thường.
Xem thêm:
- Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân – ThS. Ngô Thị Anh Vân & ThS. Đặng Lê Phương Uyên
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài – TS. Nguyễn Văn Tiến & ThS. Bành Quốc Tuấn
- Quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – ThS. Ngô Thị Vân Anh
TỪ KHÓA: Quyền và nghĩa vụ, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2016, Tài sản, Tài sản chung, Thời kỳ hôn nhân, Vợ chồng
Thỏa thuận trước hôn nhân là một trong những chế định quen thuộc đối với pháp luật hôn nhân và gia đình của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi nơi quy định về thỏa thuận trước hôn nhân lại chứa đựng những khác biệt tùy thuộc vào quan điểm lập pháp, trình độ phát triển kinh tế – xã hội hoặc quan niệm về đạo đức. Tuy vậy, dù được biết đến với tên gọi gì và chứa đựng những nội dung cụ thể thế nào thì dạng thỏa thuận đặc biệt này luôn là biểu hiện cho sự tự do và chủ động của các chủ thể khi bước vào đời sống hôn nhân.
Với sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014, lần đầu tiên pháp luật hôn nhân – gia đình nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung có sự điều chỉnh cụ thể đối với những thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn, nhưng lại phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân.[1] Những thỏa thuận này được biết đến với tên gọi: “thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng”. Như vậy, bên cạnh việc chấp nhận những quy định mang tính khuôn mẫu mà pháp luật đề ra, nam nữ còn có thể lựa chọn giải pháp tự xây dựng nên những nguyên tắc điều chỉnh cho mối quan hệ tài sản của chính mình.
Cũng như các giao dịch dân sự khác, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ thể hiện ý chí thống nhất của các chủ thể khi giữa họ có một quá trình trao đổi, thảo luận thẳng thắn và trung thực. Để đạt được điều này thì nghĩa vụ cung cấp thông tin luôn là yêu cầu không thể thiếu. Vậy đối với thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nghĩa vụ này cần được hiểu một cách cụ thể là gì và được thể hiện thông qua những quy định pháp lý nào? Nội dung của bài viết sẽ lần lượt làm rõ những vấn đề kể trên.
1. Cơ sở pháp lý về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
1.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong pháp luật hôn nhân – gia đình
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được hiểu là sự thể hiện ý chí một cách thống nhất của nam nữ về những nguyên tắc sẽ được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ tài sản giữa họ trong thời kỳ hôn nhân. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.[2] Thỏa thuận phải tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan. Về nội dung, thỏa thuận không được vi phạm một trong các quy định chung nhằm bảo vệ quan hệ tài sản giữa vợ chồng và gia đình (được thể hiện từ Điều 29 đến Điều 32 Luật HNGĐ năm 2014). Đồng thời, nội dung thỏa thuận không được vi phạm quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.[3]
Luật HNGĐ hiện hành không có quy định riêng biệt về điều kiện phát sinh hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản. Hơn nữa, từ Điều 47 đến Điều 50 Luật HNGĐ năm 2014 cũng không có quy định nào đề cập đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của mỗi bên khi tham gia thỏa thuận. Vậy cung cấp thông tin có được xem là một điều kiện bắt buộc, một nghĩa vụ pháp lý làm phát sinh hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hay không?
1.2. Nghĩa vụ cung cấp thông tin nhìn từ góc độ pháp luật dân sự
Liên quan đến nội dung này, Luật HNGĐ năm 2014 có mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của pháp luật dân sự. “Trong một chừng mực nào đó, có thể nói luật về quan hệ tài sản giữa vợ chồng là sự pha trộn (đúng hơn là sự kết hợp) giữa luật gia đình và luật dân sự”.[4] Thực chất, thỏa thuận về chế độ tài sản cũng mang những đặc điểm của một giao dịch dân sự nói chung và một hợp đồng dân sự nói riêng. Điều này xuất phát từ bản chất của quan hệ pháp luật dân sự (hiểu theo nghĩa rộng) – đều được xác lập và thực hiện dựa trên sự tự nguyện và tự do ý chí của các chủ thể. “Tất cả các loại giao dịch dân sự đều có một đặc điểm chung là sự thống nhất ý chí và sự bày tỏ ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch. Giao dịch dân sự là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham giao giao dịch”.[5] Việc viện dẫn Bộ luật Dân sự khi pháp luật hôn nhân và gia đình không có quy định trực tiếp điều chỉnh về vấn đề này, cũng được xem là điều phù hợp.
Trước hết, việc cung cấp thông tin giữa các bên trong giao dịch dân sự được chi phối bởi nghĩa vụ thiện chí và trung thực. Theo đó, “các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”[6] . Khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự, mỗi chủ thể đều hướng đến những lợi ích (về vật chất hoặc tinh thần) nhất định. Để mục đích của các bên đều đạt được thì đòi hỏi mỗi người không chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình mà còn phải tôn trọng lợi ích của những chủ thể khác. Mỗi giao dịch dân sự phải thực sự dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên. Giao dịch được xác lập và thực hiện với sự thiện chí, trung thực là cách thức tốt nhất hạn chế những tranh chấp hoặc mâu thuẫn phát sinh sau này. Biểu hiện đầu tiên của sự thiện chí và trung thực chính là việc cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến giao dịch mà không có bất cứ sự giấu giếm hay lừa dối nào.
Tiếp đến, một trong những điều kiện làm phát sinh hiệu lực của giao dịch dân sự là “người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”.[7] Yêu cầu về sự tự nguyện được đảm bảo nếu như các chủ thể hoàn toàn nhận biết, ý thức được nội dung của giao dịch, cũng như các hệ quả pháp lý có thể xảy ra, nhưng vẫn chấp nhận xác lập giao dịch. “Do bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, nên người tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện trong việc xác lập ý chí và bày tỏ ý chí của mình… Điều đó có nghĩa là các chủ thể được tự do lựa chọn tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự mà không bị chi phối hay bị can thiệp của bất kỳ một tác động chủ quan nào khác”.[8] Bất cứ yếu tố nào làm một bên (hoặc cả hai bên) không thể nhận thức, đánh giá đúng bản chất của giao dịch hoặc phải thực hiện giao dịch trái với ý muốn, nguyện vọng của mình đều được xem là vi phạm sự tự nguyện.
Với cách hiểu như trên thì một giao dịch không được xem là đảm bảo yếu tố tự nguyện nếu như đó là: giao dịch dân sự giả tạo, giao dịch dân sự bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, hoặc giao dịch được thực hiện khi chủ thể không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Trong tất cả những trường hợp này thì ý chí đích thực của chủ thể không được thể hiện qua nội dung của giao dịch mà họ đã giao kết. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ pháp luật dân sự nói chung.
Trong số những trường hợp được xem là không đảm bảo sự tự nguyện kể trên thì nghĩa vụ cung cấp thông tin có mối liên hệ mật thiết đối với trường hợp giao dịch bị lừa dối. Sự thiện chí và tôn trọng giữa các chủ thể luôn được thể hiện thông qua việc cung cấp một cách đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến giao dịch. Nói một cách khác, thỏa thuận cần được thiết lập dựa trên những hiểu biết đúng đắn về đối tác hay đối tượng của giao dịch. Trên cơ sở các thông tin có được, các bên mới có điều kiện kiểm tra, cân nhắc để tự mình đi đến quyết định có hay không việc thiết lập hợp đồng, đồng thời chịu trách nhiệm về những gì mình đã cam kết.[9] Ngược lại, việc không cung cấp thông tin hoặc đưa ra thông tin sai lệch luôn gây trở ngại lớn đến quá trình đánh giá, nhìn nhận và đưa ra quyết định của một bên. Giao dịch bị lừa dối thường là kết quả của những nhận thức sai lệch về chủ thể hoặc nội dung của giao dịch, do lỗi cố ý đến từ một phía.
Mặc dù quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình không đề cập nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, nhưng trường hợp một bên tham gia thỏa thuận vì những đánh giá sai lệch về nội dung hoặc tính chất của sự việc, do lỗi cố ý của bên còn lại, được xem là không đáp ứng điều kiện về sự tự nguyện. Với những trường hợp như vậy, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu.[10] Tuy nhiên, đây chỉ là hướng xử lý đối với những thỏa thuận đã xảy ra sai phạm. Ngược lại, bản thân các quy định hiện hành của pháp luật hôn nhân và gia đình, cũng như quy định được viện dẫn của Bộ luật Dân sự vẫn chưa tạo nên sự định hướng cụ thể đối với quá trình xác lập và xây dựng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.
2. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận trước hôn nhân theo pháp luật Hoa Kỳ
Đối với một đất nước mà quyền tự do và dân chủ luôn được đề cao như Hoa Kỳ thì thỏa thuận trước hôn nhân luôn là điều được các cặp đôi có dự định kết hôn đặc biệt lưu tâm. Trong quá khứ, thỏa thuận trước hôn nhân thường được sử dụng bởi những cặp đôi lớn tuổi, những người chuẩn bị tái hôn – họ đã dành được một lượng tài sản lớn từ cuộc hôn nhân trước đó và có mong muốn tự mình kiểm soát khối tài sản này. Ngày nay thỏa thuận trước hôn nhân được sử dụng bởi cả những người trẻ tuổi – những người đã có hoặc sẽ có một khối tài sản lớn trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Thỏa thuận có thể được sử dụng ở lần kết hôn đầu tiên hoặc những lần kết hôn tiếp đó nhằm duy trì sự độc lập giữa nhóm tài sản riêng với tài sản chung của gia đình.[11]
Hiện nay, thỏa thuận trước hôn nhân tại Hoa Kỳ được điều chỉnh một cách tập trung bởi quy định của Luật thống nhất về thỏa thuận trước hôn nhân và thỏa thuận hôn nhân (2012)[12] . Các bang có thể thông qua (bằng cách chấp nhận) luật này hoặc tự mình xây dựng những điều khoản riêng biệt. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án cũng có thể đưa ra hướng giải quyết hợp lý và thỏa đáng (trong phạm vi không trái với các quy định chung, nhằm bảo vệ quyền lợi công cộng). Mặc dù vậy, nội dung của Luật Thống nhất vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho quá trình thiết lập nên thỏa thuận trước hôn nhân của các chủ thể. Về phía Tòa án, Luật Thống nhất cung cấp các cơ sở pháp lý một cách hệ thống và cụ thể để việc xem xét, đánh giá liệu lực của thỏa thuận được diễn ra khách quan và có tính nhất quán đối với các vụ việc.
Thông qua 15 điều khoản, Luật thống nhất điều chỉnh những nội dung chính yếu nhất liên quan đến thỏa thuận trước hôn nhân và thỏa thuận hôn nhân, trong đó không thể không kể đến các quy định về điều kiện phát sinh hiệu lực của một thỏa thuận trước hôn nhân. Theo đó, khi xác lập thỏa thuận trước hôn nhân, các chủ thể phải thỏa mãn một số yêu cầu: một là, bên đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện và không bị cưỡng ép; hai là,các bên phải nhận được sự tư vấn độc lập về mặt pháp lý; ba là,nếu như điều kiện thứ hai không được đáp ứng thì nội dung của thỏa thuận phải bao gồm những sự lưu ý rõ ràng về việc từ bỏ quyền lợi (để bên không được tư vấn có thể nhận biết và hiểu rõ trước khi chấp nhận ký kết[13] ); bốn là,trước khi chấp nhận thỏa thuận, các bên nhận được sự công khai tài chính một cách thích đáng.
Có thể nhận thấy, pháp luật Hoa Kỳ đã đưa ra những tiêu chí rất cụ thể để xác định giá trị pháp lý của thỏa thuận trước hôn nhân. Đây là cơ sở để phân biệt điều kiện phát sinh hiệu lực của một thỏa thuận về hôn nhân với những hợp đồng dân sự thông dụng khác. Pháp luật Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận. Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin được hiểu là: “sự công khai tài chính một cách thích đáng”. Cụ thể, “một bên được xem là có sự công khai thỏa đáng về tài chính nếu như bên còn lại: (1) nhận được sự mô tả chính xác (trong một giới hạn hợp lý) và sự đánh giá đáng tin cậy về giá trị tài sản, nghĩa vụ và thu nhập; (2) có sự từ chối rõ ràng (được thể hiện bằng văn bản có chữ ký) quyền được cung cấp thông tin tài chính vượt quá nghĩa vụ cung cấp thông tin do pháp luật quy định; (3) có được sự hiểu biết thỏa đáng hoặc là một cơ sở hợp lý để có được những thông tin được nêu ở (1)”[14] . Cũng cần nói thêm: pháp luật Hoa Kỳ có sự phân biệt giữa điều kiện về ý chí chủ thể (sự tự nguyện) với điều kiện về nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến thỏa thuận. Pháp luật Australia lại mang đến một cách nhìn có phần khác biệt khi đề cập đến vấn đề này. Khoản 1 Điều 90 K Luật Gia đình Australia đã quy định về các trường hợp một thỏa thuận tài chính liên quan đến hôn nhân bị vô hiệu, trong đó có trường hợp “thỏa thuận đạt được bởi sự lừa dối (bao gồm việc không công khai tài sản)”. Với quy định này, chúng ta có thể nhận thấy nghĩa vụ cung cấp thông tin chính là một nội dung nằm trong điều kiện về ý chí chủ thể. Pháp luật cũng chỉ ra rằng: việc không cung cấp thông tin chỉ được xem là cơ sở để vô hiệu thỏa thuận khi “thông tin này phải liên quan đến việc chấp nhận một điều khoản nhất định của thỏa thuận”.[15] Mặc dù tồn tại những điểm khác biệt nhất định, nhưng ở cả Hoa Kỳ và Australia nghĩa vụ cung cấp thông tin vẫn luôn là một điều kiện bắt buộc để thỏa thuận trước hôn nhân phát sinh hiệu lực.
Pháp luật Hoa Kỳ hầu như không đặt ra giới hạn về mặt nội dung đối với thỏa thuận trước hôn nhân. Các bên hoàn toàn tự do trong việc tổ chức và sắp xếp đời sống hôn nhân thông qua việc cùng nhau thỏa thuận những nguyên tắc liên quan đến mối quan hệ nhân thân và tài sản.[16] Để thực sự bình đẳng trong quá trình trao đổi, thảo luận, yêu cầu đầu tiên là mỗi bên phải thực sự thành thực và thẳng thắn trong việc cung cấp thông tin liên quan đến khả năng tài chính của bản thân. Một thỏa thuận được xác lập dựa trên những thông tin sai lệch sẽ không thể là sự phản ánh chân thực ý chí của các bên. Cũng chính vì vậy mà mục đích và ý nghĩa của thỏa thuận trước hôn nhân sẽ không thể đạt được. Ngược lại, những thỏa thuận được xây dựng trên sự trung thực và tin tưởng lẫn nhau luôn là một tiền đề tốt cho sự tồn tại và phát triển của mối quan hệ hôn nhân. Đây cũng chính là lý do tại sao nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận trước hôn nhân luôn là vấn đề được pháp luật Hoa Kỳ quan tâm và chú trọng.
Án lệ Jenese A. Peters-riemers, Plaintiff and Appellee, v. Roland C. Riemers(Tòa án tối cao North Dakota – 2002) – phần nội dung thứ 9,là một ví dụ điển hình cho nội dung này. Trong quá trình giải quyết ly hôn cho Jenese và Roland, Tòa án đã xem xét thỏa thuận trước hôn nhân của họ và nhận thấy một số điểm như sau: Thứ nhất, thỏa thuận chỉ được đưa cho Jenese ba ngày trước khi cưới, hơn nữa, Jenese phải nhận bản thảo của thỏa thuận và đọc các nội dung trong cùng một căn phòng có Roland và luật sư riêng của Roland. Điều này gây nên một áp lực về mặt tâm lý cũng như khiến cho Jenese không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ về những nội dung của bản thỏa thuận (cũng cần lưu ý là Jenese đã có con cùng Roland và tại thời điểm gặp gỡ thì Jenese không có quốc tịch Mỹ, nếu không chấp nhận thỏa thuận thì hôn lễ không thể được tiến hành). Thứ hai, Tòa án nhấn mạnh rằng Jenese không được tư vấn pháp lý một cách độc lập (không có luật sư riêng). Thứ ba,Jenese không nhận được những thông tin tài chính của Roland một cách chân thực. Trong thỏa thuận hôn nhân Roland cung cấp số tài sản của mình trị giá 473.724$. Tuy nhiên, chỉmột vài tháng trước đó, trong đơn xin vay vốn, Roland đã tiết lộ một giá trị tài sản là 1.341.500$, 683.683$ và 706,178$. Roland cũng không cung cấp lời giải thích cho những khoản tiền rất khác nhau kể trên.[17] Chính vì những lý do này, Tòa án đã tuyên bố thỏa thuận trước hôn nhân của Jenese và Roland vô hiệu.
3. Đề xuất về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
3.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng cần được ghi nhận một cách minh thị bởi quy định của pháp luật hôn nhân – gia đình
Như đã trình bày ở trên, hiện nay pháp luật hôn nhân và gia đình không có bất cứ quy định nào đề cập đến nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Điều 50 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu khi “không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch”. Trong khi quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005 và Điều 117 BLDS năm 2015 đều không đề cập cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin mà chỉ ghi nhận một cách khái quát nhất về sự tự nguyện trong giao dịch. Mặc dù nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng được thể hiện tại Điều 387 BLDS năm 2015[18] nhưng Luật HNGĐ năm 2014 lại không trực tiếpdẫn chiếu đến nội dung này. Hướng xử lý (khi nghĩa vụ bị vi phạm) mà Điều 387 BLDS năm 2015 đưa ra cũng chưa thực sự thỏa đáng khi áp dụng đối với mối quan hệ hôn nhân.
Bản thân việc viện dẫn quy định của pháp luật dân sự cũng chỉ nên là một giải pháp được áp dụng hạn chế bởi những khác biệt thuộc về mặt bản chất của mối quan hệ pháp luật hôn nhân – gia đình với mối quan hệ pháp luật dân sự. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không chỉ đơn thuần là một hợp đồng hay một giao dịch dân sự thông thường. Khác với các hợp đồng dân sự, phạm vi của thỏa thuận về chế độ tài sản chỉ giới hạn trong mối quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng. Nội dung thỏa thuận vì thế cũng chịu sự tác động mạnh mẽ bởi yếu tố tình cảm. Lợi ích mà vợ chồng nhận được thông qua thỏa thuận không mang tính đền bù ngang giá. Quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ cũng luôn được đặt trong sự gắn bó mật thiết với lợi ích chung của gia đình. Đặc biệt, mục đích của việc xác lập thỏa thuận giữa vợ chồng là nhằm tạo nên sự minh bạch, rõ ràng trong mối quan hệ tài sản. Tất cả những điều này không nằm ngoài mục tiêu hướng đến việc xây dựng nên một mối quan hệ hôn nhân, một gia đình tồn tại lâu dài và bền vững. Đây là điều không thể tìm thấy trong bất cứ hợp đồng dân sự nào khác bởi mục đích của các giao dịch này đều hướng đến những giá trị vật chất (hoặc tinh thần) nhất định. Chính vì vậy, cho dù thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có nhiều điểm tương đồng với một hợp đồng dân sự nhưng không vì thế mà thỏa thuận về chế độ tài sản lại được xem là hợp đồng dân sự một cách đơn thuần.[19]
Về vấn đề này cũng có quan điểm cho rằng: thỏa thuận hôn nhân không giống với tất cả những loại thỏa thuận khác. Hầu hết các bên trong hợp đồng thương mại chỉ thiết lập thỏa thuận trong thời gian hạn định. Những rủi ro về mặt tài chính cũng chỉ giới hạn trong hợp đồng mà không phải đối với toàn bộ tài sản của công ty. Trong khi đó, thỏa thuận trước hôn nhân có thể tác động lên cuộc hôn nhân đổ vỡ sau hơn 30 năm được áp dụng. Thỏa thuận không chỉ tác động lên những tài sản mà mỗi bên “mang theo” khi thiết lập quan hệ hôn nhân, mà còn có thể là toàn bộ khối tài sản hình thành sau đó. Các bên phải đặt lòng tin vào những điều khoản chỉ được thể hiện vẻn vẹn trong một văn bản. Với rất nhiều những lý do khác, việc áp dụng một cách đơn thuần nguyên tắc tự do trong hơp đồng đối với thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là điều không thực sự tương thích[20] .
Xuất phát từ tính chất đặc biệt của mình, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng cần có những điều kiện riêng biệt và cụ thể để được công nhận và phát sinh hiệu lực. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng cũng vì thế không nên được đồng nhất với nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thỏa thuận của vợ chồng. Hơn nữa, bản thân quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng dân sự còn mang tính khái quát cao, nên không chỉ riêng pháp luật hôn nhân – gia đình mà các ngành luật khác cũng thường có xu hướng cụ thể hóa nội dung này. Chẳng hạn như: khi BLDS 2005 đang phát sinh hiệu lực, mặc dù trong phần các hợp đồng dân sự thông dụng có đề cập (tại Điều 573) nhưng Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) vẫn làm rõ về “trách nhiệm cung cấp thông tin” khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Các quy định chuyên biệt về hợp đồng tiêu dùng hoặc hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng lần lượt ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách phù hợp với đối tượng điều chỉnh của mình[21] . Theo lẽ đó, việc tồn tại quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thỏa thuận trước hôn nhân của vợ chồng cũng là điều hợp lý.
3.2. Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Đứng trước một giao dịch, bất kỳ chủ thể nào cũng mong muốn nhận được những thông tin hữu ích từ phía đối tác. Khi thực sự muốn tiến đến thỏa thuận, các chủ thể thường có xu hướng tìm hiểu một cách nghiêm túc và cụ thể về các thông tin liên quan đến đối tượng, chủ thể, nội dung giao dịch. Ngoại trừ những thông tin có thể tự tìm hiểu trong khả năng của mình, một bên có thể yêu cầu đối tác cung cấp những thông tin mà họ cho là cần thiết và liên quan đến giao dịch. Lúc này việc cung cấp thông tin được thực hiện trên cơ sở sự yêu cầu của một phía. Mặt khác, cũng có những trường hợp, xuất phát từ sự thiện chí khi tham gia giao dịch, một bên chủ động thông báo những thông tin mà họ cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định của đối tác. Sự thiện chí hoặc trung thực thúc đẩy một bên cung cấp những thông tin mà bản thân họ, cũng mong muốn nhận được từ phía đối phương.
Với một hợp đồng thông dụng hay một giao dịch dân sự bất kỳ, việc yêu cầu các chủ thể tham gia phải cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến khả năng tài chính của mình là điều không cần thiết. Nghĩa vụ cung cấp thông tin chỉ giới hạn trong phạm vi những vấn đề liên quan đến đến nội dung của giao dịch. Tuy nhiên, đối với thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, việc cần được biết và hiểu về tình trạng tài chính của một người là điều vô cùng quan trọng. Thứ nhất,hôn nhân là một mối quan hệ dân sự vô cùng đặc biệt. Nhắc đến mối quan hệ này không thể nào không nhắc đến tính chất ổn định và lâu bền. Khi tiến đến quan hệ hôn nhân, các chủ thể thường có xu hướng gắn bó với nhau trọn đời. Yếu tố tự nguyện là điều không thể thiếu trong mối quan hệ này. Sự tự nguyện được trước hết được hiểu trên phương diện tình cảm. Theo đó, cả hai cần có sự yêu thương và gắn bó với nhau sâu sắc. Mặt khác, quan hệ hôn nhân còn là sự phát triển cao hơn của tình yêu đôi lứa. Trong hôn nhân, yếu tố tình cảm và vật chất luôn tồn tại một cách hài hòa, mật thiết. Việc thấu hiểu về tình trạng tài chính của một người cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự tự nguyện khi kết hôn. Thứ hai,thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có nội dung xoay quanh mối quan hệ tài sản giữa những người tồn tại mối quan hệ hôn nhân. Để việc thỏa thuận, bàn luận, ra quyết định thực sự xuất phát từ sự tự nguyện và mong muốn của mỗi người, thì các bên có quyền được hiểu rõ về lượng tài sản, cũng như những nghĩa vụ tài chính của bên còn lại. Đây là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho quá trình thỏa thuận được diễn ra một cách công bằng. Hơn nữa, nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản luôn được xây dựng dựa trên sự nhận thức về tình trạng kinh tế và khả năng tài chính của các chủ thể. Nếu các thông tin tài sản không được công khai thì việc thiết lập nên thỏa thuận có nội dung phù hợp với ý chí và nguyện vọng đích thực của cả hai bên nam nữ là điều rất khó đạt được.[22] Vì vậy, trước khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được thiết lập, các bên cần nhận được các thông tin trung thực và đầy đủ về giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của mỗi bên, khả năng thu nhập, cũng như những nghĩa vụ tài sản một bên phải thực hiện.
Thực ra, việc không được cung cấp một cách đầy đủ và thỏa đáng các thông tin liên quan đến tài sản, dẫn đến sự nhầm lẫn hoặc bị lừa dối đều được xem là trường hợp vi phạm sự tự nguyện và ít nhiều đã được đề cập bởi quy định của luật dân sự. Tuy nhiên với nhiệm vụ thiết lập một hành lang pháp lý an toàn nhất có thể, để những thỏa thuận đã được xác lập phát sinh hiệu lực trên thực tế, việc pháp luật hôn nhân và gia đình đưa ra những quy định cụ thể đảm bảo cho ý chí đích thực, cũng như sự tự nguyện của các bên được tôn trọng là điều cần thiết. Hơn nữa, việc điều chỉnh của pháp luật nên được nhìn nhận dưới góc độ đưa ra định hướng để các bên ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình hơn là chỉ quy định các chế tài xử lý khi quyền lợi đã bị xâm phạm. Chính vì vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình hình tài chính của mỗi bên nên được bổ sung và trở thành một trong những điều kiện bắt buộc để thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phát sinh hiệu lực. Tất nhiên, hai bên cũng có thể có những thỏa thuận khác, nếu muốn.
3.3. Hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin được hiểu là việc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chuẩn xác các thông tin liên quan đến thỏa thuận, khiến cho một bên chấp nhận xác lập thỏa thuận vì sự lầm tưởng xuất phát từ những thông tin sai lệch (hoặc việc thiếu đi những thông tin) đó. “Trong thực tiễn xét xử, bản thân việc không cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến hợp đồng là yếu tố làm cho hợp đồng vô hiệu trên cơ sở quy định về lừa dối mà không cần kết hợp với các quy định chuyên biệt về nghĩa vụ cung cấp thông tin”.[23] Xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện trong giao dịch dân sự, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được hình thành trên cơ sở những thông tin sai lệch (hoặc thiếu thông tin) không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của chủ thể, và theo đó, sẽ bị tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu.
Hậu quả pháp lý về giao dịch vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015 khi áp dụng cho thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được nhìn nhận dưới hai khía cạnh.Thứ nhất:thỏa thuận vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên kể từ thời điểm xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đối với quan hệ dân sự nói chung, đây được xem là hệ quả cơ bản nhất khi thỏa thuận bị tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần áp dụng quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015 thì hậu quả pháp lý phát sinh đối với thỏa thuận của vợ chồng bị vô hiệu vẫn chưa được giải quyết một cách trọn vẹn. Thỏa thuận được lập nên với mục đích duy trì trật tự và ổn định của mối quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Những lợi ích mà một bên hoặc cả hai bên nhận được thông qua thỏa thuận là kết quả của sự phân công quyền hạn và trách nhiệm giữa vợ chồng trong quá trình vận hành mối quan hệ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu cũng đồng nghĩa việc nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ tài sản mà họ áp dụng trong quá khứ đã không còn được công nhận và không thể phát sinh hiệu lực nữa. Hậu quả quan trọng nhất cần giải quyết là quan hệ tài sản giữa vợ chồng sẽ chịu sự điều chỉnh của những nguyên tắc nào? Giải pháp nào được đưa ra để khôi phục và cân bằng lợi ích cho cả hai bên? Về vấn đề này, Điều 7, Nghị định số 126/ 2014/ NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ, đã cho chúng ta câu trả lời: “chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng… có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình”. Như vậy, khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu thì các nguyên tắc thuộc chế độ tài sản theo luật định sẽ được sử dụng để điều chỉnh mối quan hệ tài sản của vợ chồng.
Thứ hai, thỏa thuận vô hiệu làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) của bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Thực ra, yêu cầu bồi thường thiệt hại để bù đắp cho những tổn thất do lỗi của một bên là chế tài thường gặp trong pháp luật dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế và đặc biệt là đối với mối quan hệ vợ chồng lại không phải là điều dễ dàng. Sự gắn kết về quyền lợi tài sản cũng như quan hệ tình cảm khiến việc một bên yêu cầu người còn lại thực hiện nghĩa vụ bồi thường khi hôn nhân đang tồn tại là điều rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản được diễn ra cùng với quá trình giải quyết ly hôn (quan hệ hôn nhân có nguy cơ chấm dứt và giữa các bên tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng) thì quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có thể được áp dụng.
Quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu khi có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin chỉ nên đặt ra đối với bên bị vi phạm. Điều này có nghĩa, khi phát hiện ra mình bị lừa dối thì bên vợ, chồng vẫn có thể chọn lựa giữa việc yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu và chuyển sang áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc vẫn giữ nguyên hiệu lực của thỏa thuận và tiếp tục áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Rõ ràng trong trường hợp này, quyết định có yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu hay không được thực hiện dựa trên sự cân nhắc về những quyền lợi mà họ nhận được gắn liền với nội dung của thỏa thuận đã phát sinh hiệu lực. Quyết định của một bên cũng có thể dựa trên mức độ hiệu quả của thỏa thuận trong quá trình điều chỉnh, vận hành mối quan hệ tài sản của vợ chồng.
Ngoài ra, các vấn đề phát sinh liên quan đến việc tuyên bố thỏa thuận của vợ chồng vô hiệu như thời hiệu khởi kiện hoặc quyền lợi của người thứ ba liên quan đến thỏa thuận vẫn chịu sự điều chỉnh bởi các quy định tương ứng của pháp luật dân sự.
Việc được cung cấp những thông tin liên quan đến nội dung của thỏa thuận là một yêu cầu không thể thiếu đối với quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong trường hợp này được hiểu là sự công khai về tình trạng tài chính (bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản). Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành nên có những quy định chuyên biệt, phù hợp với thuộc tính của quan hệ hôn nhân hơn là chỉ đơn thuần viện dẫn các quy định của pháp luật dân sự. Quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin là sự định hướng cần thiết để các bên hiểu rõ được hoàn cảnh của nhau và luôn làm chủ được những nội dung mà họ đã giao kết. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không chỉ là biểu hiện của ý chí thống nhất mà còn là sự dung hòa quyền lợi của các chủ thể tham gia. Việc ghi nhận một cách cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là cơ sở quan trọng để áp dụng một cách thống nhất các quy định về hậu quả pháp lý khi thỏa thuận vô hiệu theo pháp luật HNGĐ./.
CHÚ THÍCH
* Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Trong lịch sử phát triển, pháp luật hôn nhân – gia đình đã từng tồn tại những quy định tương tự như “chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận”. Vào những giai đoạn này, pháp luật gọi tên văn bản thể hiện sự thỏa thuận của nam nữ trước khi kết hôn là “hôn ước” hoặc “ước”. Đây là những quy định sơ khai cho phép nam nữ tự mình thiết lập nên những nguyên tắc được áp dụng trong thời kỳ hôn nhân.
Chẳng hạn như Dân luật Trung kỳ (Hoàng – Việt Trung – kỳ hộ luật, Điều thứ 102) quy định: “về đường tài sản của vợ chồng, chỉ khi nào vợ chồng không có tùy ý lập ước riêng với nhau thời pháp luật mới can thiệp đến; lời ước riêng ấy cốt không trái với phong hóa và không trái với quyền lợi của người chồng là người chủ trương gia thất”. Có thể thấy, trước Luật HNGĐ năm 2014, việc một số quy định ghi nhận nội dung liên quan đến thỏa thuận tài sản trước hôn nhân chủ yếu vì sự ảnh hưởng của pháp luật Cộng hòa Pháp (chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của các mối quan hệ xã hội).
[2] Điều 47 LHNGĐ năm 2014 – Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.
[3] Điều 50 LHNGĐ năm 2014 – Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.
[4] Nguyễn Ngọc Điện (2002), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Tập II, NXB. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 10.
[5] Bộ Tư pháp – Viện khoa học pháp lý, “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 282.
[6] Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS 2005). Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn tiếp tục bảo lưu và ghi nhận nội dung này tại Khoản 3 Điều 3: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực” (sau đây gọi tắt là BLDS 2015).
[7] Điều 122 BLDS năm 2005.
[8] Bộ Tư pháp – Viện Khoa học pháp lý, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 286.
[9] Lê Trường Sơn (2016), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, NXB. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 45.
[10] Điều 50 Luật HNGĐ năm 2014, Điều 127 BLDS năm 2005.
[11] John De Witt Gregory, Peter N. Swisher, Robin Fretwell Wilson, Understand family law(tìm hiểu về Luật gia đình), Matthew Bender, 4th, 2013, tr. 105.
[12] Sau đây gọi tắt là Luật Thống nhất.
Thỏa thuận trước hôn nhân được hiểu là “thỏa thuận giữa những người có ý định kết hôn nhằm ghi nhận, thay đổi hoặc từ bỏ quyền hoặc nghĩa vụ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân, khi ly thân hoặc khi ly hôn; khi một trong hai bên vợ chồng chết hoặc việc xảy ra, không thể xảy ra hay bất cứ sự kiện nào khác. Thỏa thuận có thể được sửa đổi, bổ sung và được ký kết trước khi kết hôn” – khoản 5 Điều 2 Luật Thống nhất.
[13] Thậm chí pháp luật còn quy định cả những điều khoản mẫu để hướng dẫn cụ thể cho nội dung này, chẳng hạn như: “Khi một bên ký vào thỏa thuận này, người đó sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tiền hoặc tài sản” – những quy định như vậy được xem là rõ ràng và minh thị khi một bên tuyên bố từ bỏ một quyền lợi cụ thể của mình (Xem thêm Điều 9 Mục C Luật Thống nhất).
[14] Mục D Điều 9 Luật Thống nhất.
[15] Xem thêm Patrick Parkinson, Juliet Behrens, “Australian Family law in context – Commentary and Materials” (Những vấn đề liên quan đến Luật gia đình Australia), 3rdedition, Tomson lawbook co., tr. 618.
[16] Điều đáng nói ở đây là mặc dù quy định của pháp luật không có sự ngăn cấm nhưng có một thực tế là: các tòa án gần như đều đồng thuận rằng sẽ không công nhận hiệu lực của một điều khoản cụ thể nếu chủ đề của điều khoản này vượt quá trách nhiệm về tài chính của các bên (trích phần bình luận và giải thích cho Điều 10 Luật Thống nhất). Một số tòa án đã từ chối công nhận hiệu lực của các điều khoản quy định về đạo đức, hạnh kiểm trong thời kỳ hôn nhân. Gần như đã trở thành một thông lệ rằng các điều khoản trong thỏa thuận trước hôn nhân quy định về tư cách đạo đức trong thời kỳ hôn nhân không được công nhận hiệu lực (xem thêm: Brett R. Turner and Laura W. Morgan (2012), “Attacking and defending marital agreement”(Công kích và bảo vệ thỏa thuận hôn nhân), 2nd, ABA Section on Family law, tr. 379). Tuy nhiên, điều này cũng không loại trừ một số ít Tòa án vẫn chấp nhận hiệu lực của thỏa thuận trước hôn nhân liên quan đến một dạng “đạo đức” đặc biệt đó là những thỏa thuận mang tính tôn giáo (như yêu cầu các bên phải có mặt trước Tòa án tôn giáo và chấp nhận quyết định của Tòa án này liên quan đến việc giải quyết ly hôn – Xem thêm án lệ: Avitzur v Avitzur (Tòa án New York 1983 – http://www.invispress.com/law/family/avitzur.html truy cập lần cuối ngày 20/10/2015).
[17] Xem thêm: https://www.ndcourts.gov/court/opinions/20010135.htm (truy cập lần cuối ngày 06/12/2015).
[18] Điều 387. “Thông tin trong giao kết hợp đồng
- Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.
- Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
- Bên vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
[19] Việc nhìn nhìn nhận và đánh giá vấn đề này không chỉ đơn thuần là việc dựa trên những dấu hiệu bề ngoài mà còn là quá trình xem xét về bản chất của mối quan hệ hôn nhân và mối quan hệ pháp luật dân sự.
Bản thân thực tiễn xét xử của Hoa Kỳ trước đây cũng có một thời gian dài khá dè chừng với thoả thuận trước hôn nhân, bởi những quan ngại trước nguy cơ mối quan hệ hôn nhân sẽ bị nhầm lẫn với những mối quan hệ có tính dân sự khác. Và nghiêm trọng hơn cả là những giá trị của mối quan hệ này có thể bị nhìn nhận và trao đổi như những giá trị vật chất khác. “Dựa trên sự quan tâm của xã hội đối với đối với quan hệ gia đình và niềm tin về việc các quyền lợi liên quan đến hôn nhân không thể là chủ đề của sự thương lượng nên thông luật không công nhận một hợp đồng giữa vợ chồng.” – Dennis I. Belcher and Laura O. Pomeroy (1998), “For richer, for poorer: Strategies for Premarital agreement” (Cho những người giàu và người nghèo: chiến lược xây dựng thỏa thuận trước hôn nhân).
Hơn nữa, thỏa thuận trước hôn nhân (“Premarital agreement”) và hợp đồng (“contract”) luôn có sự phân biệt không chỉ về mặt thuật ngữ mà còn còn sự phân biệt về mặt bản chất – nguồn luật điều chỉnh rất tách biệt. Các thuật ngữ và chế định pháp lý này luôn tồn tại song song và không phủ định lẫn nhau.
[20] Xem thêm: Australian Family law in context – Commentary and Materials” (Những vấn đề liên quan đến Luật gia đình Australia), 3rdedition, Tomson lawbook co., tr. 620
[21] Xem thêm: Lê Trường Sơn (2016), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr 66. – tr. 72.
[22] Giả sử như A và B cùng nhau thiết lập nên thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Vì B chỉ biết được A có việc làm ổn định và hàng tháng được trả lương 20 triệu đồng nên khi A đề xuất mỗi tháng A sẽ đóng góp vào khối tài sản chung 10 triệu đồng thì B hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, ngoài tiền lương hàng tháng A còn có thu nhập thường xuyên từ tiền cho thuê nhà là 50 triệu đồng/ tháng. Như vậy, nếu biết được tổng số thu nhập và tài sản của A, B rất có thể không đồng ý với đề xuất mà A nêu lên. Cũng chính vì lẽ đó, ý chí đích thực của B là không trùng khớp với nội dung của thỏa thuận mà B đã xác lập.
[23] Lê Trường Sơn (2016), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, NXB. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 179.
- Tác giả: ThS. Ngô Thị Anh Vân
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(99)/2016 – 2016, Trang 52-61
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời