Luật Nuôi con nuôi đã quy định rõ căn cứ của việc chấm dứt nuôi con nuôi, đồng thời Luật Hôn nhân và gia đình cũng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm chấm dứt quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. Song, nghiên cứu Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Nuôi con nuôi cũng nhu thực tiễn giải quyết của Tòa án đối với quan hệ này thấy còn có một số bất cập như: Căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi và quy định về quyền và nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi tại Luật Hôn nhân và gia đình không thống nhất; Căn cứ mà Tòa án viện dẫn để giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong một số trường hợp chưa phù hợp pháp luật. Bài viết nhằm làm rõ thực trạng áp dụng pháp luật về việc chấm dứt quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi thông qua thực tiễn giải quyết của Tòa án tại một số địa phương ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật. Chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu: Thực tiễn áp dụng pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện.
- Quyền trẻ em về giữ mối liên hệ với ông bà: Quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam
- [TUYỂN TẬP] Đề thi Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
- [TUYỂN TẬP] Đề thi Luật Hôn nhân gia đình
- Quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng hỗ trợ sinh sản
- Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Nghĩa vụ cung cấp thông tin về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng
TỪ KHÓA: Áp dụng pháp luật, Góp ý sửa đổi Luật, Luật Nuôi con nuôi
1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về chấm dứt nuôi con nuôi tại Việt Nam
Nuôi con nuôi là việc một người độc thân hoặc cặp vợ chồng đăng ký nhận con đẻ của người khác làm con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập thì kể từ thời điểm này cha mẹ nuôi và con nuôi phát sinh quyền và nghĩa vụ của cha mẹ con theo Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, sau khi nhận nuôi con nuôi, do những điều kiện khác nhau mà việc nuôi con nuôi chấm dứt. Chấm dứt việc nuôi con nuôi là quyền của cha mẹ nuôi được thực hiện khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi 2010.
Việc giải quyết yêu cầu về chấm dứt việc nuôi con nuôi được thực hiện do Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Trên cơ sở yêu cầu của cha mẹ nuôi về việc chấm dứt nuôi con nuôi, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Nuôi con nuôi để giải quyết. Cha nuôi, mẹ nuôi có quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ tại Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Theo đó, “Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
– Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
– Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
– Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này”.
Như vậy, khi có một trong những căn cứ nêu trên thì cha nuôi, mẹ nuôi có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi. Tuy nhiên, tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 lại có quy định gây cách hiểu không thống nhất: Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ
định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật Dân sự1. Đây có phải là một trong những căn cứ để chấm dứt nuôi con nuôi hay Luật Hôn nhân và gia đình chỉ muốn xác định quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đối với con trong trường hợp quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt?
Theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có thể hiểu theo hai cách: một là, nếu con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà cha đẻ, mẹ đẻ không có đủ điều kiện nuôi dưỡng thì Tòa án vẫn có quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi theo yêu cầu và sẽ chỉ định người giám hộ cho người con nuôi đó; hai là, nếu cha đẻ, mẹ đẻ không đủ điều kiện nuôi con thì quyền và nghĩa vụ sẽ được xác định theo chế định giám hộ trong Bộ luật Dân sự. Cụm từ “thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ” đã làm cho Điều luật trở nên khó hiểu. Neu hiểu theo cách thứ nhất thì sẽ mâu thuẫn với Luật Nuôi con nuôi về căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi, còn nếu hiểu theo cách thứ hai thì cụm từ “thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi…” là không cần thiết.
Mặt khác, thực tiễn giải quyết yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi của cha nuôi, mẹ nuôi cũng không thống nhất với quy định tại Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Để rõ hơn về vấn đề này, tác giả phân tích một số vụ việc cụ thể sau đây:
Vụ việc thứ nhất:
“Bà Lê Thị B, sinh năm 1958 trú tại số nhà 6/21B, khu phố C, phường H, thị xã K, tỉnh Bình Dương. Do không có con nên vào năm 2015 làm thủ tục nhận con nuôi đối với cháu Phạm Lê Thanh T2, sinh ngày 16/7/2010 là con bà Lê Thị T1 và ông Phạm Quốc K (bà T1 là em ruột của bà), sau đó UBND phường H, thị xã K, tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận nuôi con theo số 03/2015, quyển số 01/2015 ngày 20/10/2015. Thực tế, từ khi làm thủ tục nhận cháu T2 làm con nuôi thì cháu T2 vẫn ở với cha mẹ của cháu, bản thân bà không nuôi dưỡng ngày nào. Ngày 03/8/2017, ông K chết do tai nạn giao thông, do vậy bà T1 và bà có bàn bạc hủy bỏ việc nhận cháu T làm con nuôi của bà cho đúng với thực tế và hoàn cảnh hiện tại của bà.
Nguyện vọng của cháu T2 là được tiếp tục sinh sống với mẹ ruột là bà T1 vì cha ruột là ông K đã chết, nay mẹ nuôi là bà B yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, cháu T2 đồng ý với yêu cầu trên của bà B.
Tại Quyết định số 02/2017/QĐST-HNGĐ ngày 19/12/2017, Tòa án đã quyết định: Xét yêu cầu của bà Lê Thị B về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu T2. Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, khoản 1 Điều 78 Luật HNGĐ năm 2014 thì yêu cầu trên của bà B là không trái quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do vậy, yêu cầu trên của bà B có cơ sở chấp nhận, đồng thời cũng khôi phục quyền, nghĩa vụ giữa mẹ đẻ là bà T1 đối với con là cháu T2 theo đúng quy định của pháp luật”.
Tại Quyết định nêu trên, Tòa án đã căn cứ Khoản 1, Điều 25 Luật Nuôi con nuôi để quyết định việc chấm dứt quan hệ mẹ nuôi và con nuôi giữa bà B và cháu T2: “Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”. Tuy nhiên, cháu T2 sinh ngày 16/7/2010 nhưng Quyết định của Tòa án được ban hành ngày 19//12/2017 thì cháu T2 mới được 7 tuổi. Do đó, Tòa án áp dụng Khoản 1 Điều 25 nêu trên là không thuyết phục mặc dù cháu T2 đồng ý với yêu cầu của bà B.
Vụ việc thứ hai:
Vào năm 2010, bà Lê Xuân T1 có nhận nuôi con nuôi đối với cháu Lê Thị Thu T2, sinh năm 2001 là con đẻ của vợ chồng anh Lê Minh T và chị Võ Mỹ H. Việc nuôi con nuôi đã được sự đồng ý của bên cho làm con nuôi, bên nhận con nuôi và đã được làm thủ tục hợp pháp tại UBND phường 1, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm nhận nuôi con nuôi, được thể hiện tại các chứng cứ: Lời khai của người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Sau khi làm thủ tục nuôi con nuôi, cháu T2 ở cùng bà T1 được khoảng 1 năm sau đó về nhà cha mẹ đẻ ở từ năm 2011 đến nay. Trong thời gian chung sống, hai bên có thực hiện các nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi và con nuôi đối với cha mẹ nuôi, hai bên không có mâu thuẫn gì. Lý do và mục đích của việc yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là do bà T1 đã lớn tuổi, sức khỏe không còn tốt. Bà T1 muốn cháu T2 về sống với cha mẹ để để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dạy cháu sau này và trên thực tế cháu T2 đã về ở với cha mẹ đẻ từ năm 2011 sau khi làm con nuôi được khoảng 01 năm.
Về phía người nhận nuôi con nuôi, cha mẹ đẻ của con nuôi đều đồng ý, tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Hơn nữa nguyện vọng của cháu T2 hiện nay cũng mong muốn được tiếp tục sống chung với cha mẹ đẻ. Tại Quyết định số 01/2018/QĐST-HNGĐ ngfay 27/9/2018, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của anh T, chị H và bà T1, đồng thời căn cứ Điều 27 Luật Nuôi con nuôi, Điều 78 Luật HNGĐ tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa bà T1 đối với con nuôi là T2.
Tại Quyết định này, cháu T2 sinh năm 2001, Tòa án không nêu rõ ngày sinh của cháu T2 và Quyết định được ban hành ngày 27/9/2018, có thể cháu T2 đã đủ tuổi thành niên hoặc chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, Tòa án không căn cứ vào quy định tại Điều 25 về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi mà lại căn cứ vào Điều 27 của Luật Nuôi con nuôi về hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi là chưa thuyết phục. Vì để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự thì Tòa án phải căn cứ vào quy định của điều luật tương ứng. Đối với việc chấm dứt nuôi con nuôi, sau khi thụ lý việc dân sự, Tòa án phải áp dụng Điều 25 Luật Nuôi con nuôi, trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ được xuất trình để quyết định là có chấp nhận yêu cầu hay không. Những quy định liên quan khác chỉ để nhằm mục đích xác định quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi Tòa án đã đưa ra quyết định.
Vụ việc thứ ba:
“Vợ chồng ông A và bà B nhận nuôi anh D từ năm 1971. Từ năm 1991 đến nay, giữa ông A, và B và anh D có mâu thuẫn. Ông A và bà B làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi đối với anh D, đồng thời chấp nhận hoàn trả một số sân bê tông do anh D làm hiện ông bà đang sử dụng. Anh D không đồng ý yêu cầu của ông A và bà B về việc ông bà từ chối nhận anh làm con nuôi, vì vậy anh cũng không có yêu cầu về tài sản. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết và căn cứ Khoản 2 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông A và bà B: Chưa đủ cơ sở xác định anh D đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi. Đề nghị hủy quyết định sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Quyết định này được ban hành khi Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đang có hiệu lực, nhưng theo kháng nghị của Viện Kiểm sát thì Tòa án đã căn cứ vào Khoản 2 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 (tương ứng Khoản 2 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010) để chấp nhận yêu cầu của ông A và bà B là chưa phù hợp, vì không có căn cứ chứng minh anh D đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi. Mặt khác, anh D lại không đồng ý việc chấm dứt quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi giữa ông A, bà B đối với mình nên Tòa án không thể vận dụng Khoản 1. Vì vậy, quyết định của Tòa án sơ thẩm là không có căn cứ pháp lý, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của anh D.
2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng pháp luật về chấm dứt quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi đã trình bày trong mục 1 của bài viết, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, về quy định tại Khoản 3, Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 không nên để cụm từ “thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật Dân sự” vì nó làm cho điều luật trở nên tối nghĩa và gây hiểu nhầm thành đây là một trong những căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi. Tác giả đề nghị sửa đổi quy định này như sau:
Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi.
3.Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được phục từ thời quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt.Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì việc chăm sóc, giáo dục con được xác định theo quy định về giám hộ của Bộ luật Dân sự.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định Tòa án chỉ định người giám hộ cho con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là không phù hợp với Bộ luật Dân sự, vì đây không phải đối tượng là người được giám hộ. Mặt khác, việc xác định người giám hộ cho con chưa thành niên và con đã thành niên mất mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bộ luật này đã quy định rõ các loại giám hộ và thẩm quyền Tòa án chỉ định giám hộ trong những trường hợp nào. Vì vậy, việc quy định Khoản 3 Điều 78 nói trên là không cần thiết, cần sửa đổi để phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Thứ hai, thực tiễn Tòa án chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi nhưng căn cứ Tòa án viện dẫn trong Quyết định giải quyết việc dân sự là không thuyết phục. Chẳng hạn, trong vụ việc thứ nhất, Tòa án viện dẫn Khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi để chấp nhận yêu cầu của đương sự. Mặc dù trong phần lập luận, Tòa án có đề cập đến vấn đề mẹ nuôi và mẹ đẻ của cháu T2 cũng như cháu T2 đều đồng ý việc chấm dứt quan hệ mẹ nuôi – con nuôi giữa bà B và cháu T2, nhưng tại thời điểm Tòa án ban hành Quyết định, cháu T2 mới được 7 tuổi, không phải là người chưa thành niên nên không thể áp dụng Khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi. Tuy nhiên, trong Quyết định này, sẽ thuyết phục hơn nếu Tòa án vận dụng nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Nuôi con nuôi: “Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc”. Trong trường hợp này, thực tế cháu T2 chưa về sống với bà B ngày nào mà vẫn chung sống với cha mẹ đẻ, mặc dù việc nhận nuôi con nuôi giữa bà B và cháu T2 đã hoàn tất thủ tục theo quy định tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, nguyện vọng của cháu T2 được sống trong gia đình gốc cần được tôn trọng và bảo đảm, đặc biệt là trong trường hợp mẹ đẻ của cháu T2 cũng đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa bà B và cháu T2.
Vì lẽ đó, tác giả kiến nghị nên bổ sung căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi trong Điều 25 trên cơ sở nguyên tắc tại Điều 4 Luật Nuôi con nuôi như sau:
“Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau
(…)
Trường hợp con nuôi chưa thành niên nhưng cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi. Trường hợp con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên thì việc chấm nuôi con nuôi phải được sự đồng ỷ của con. Việc chấm dứt nuôi con nuôi phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này”.
Thứ ba, trong quá trình giải quyết yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi, Tòa án cần đánh giá chứng cứ, tài liệu thu thập đuợc một cách khách quan và áp dụng đúng căn cứ luật định để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thuyết phục của phán quyết và tuân thủ pháp luật. Tránh trường hợp viện dẫn căn cứ pháp lý không thuyết phục, làm giảm sút uy tín của ngành Tòa án.
3. Kết luận
Chấm dứt việc nuôi con nuôi là một trong những quyền của cha nuôi, mẹ nuôi, tuy nhiên không phải bất cứ khi nào cha nuôi, mẹ nuôi thực hiện quyền này cũng được Tòa án chấp nhận. Việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu còn phụ thuộc vào việc đánh giá chứng cứ, tài liệu cũng như căn cứ trên cơ sở quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực tiễn giải quyết cũng như thực trạng quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện quy định này là điều cần thiết, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và chất lượng xét xử./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Thu Hà (2011), vẩn đề áp dụng và hoàn pháp thực xét xử vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình,NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Quyết định số 02/2017/QĐST-HNGĐ ngày 19/12/2017 việc yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”của TAND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. http://congbobanan.toaan.gov.vn/, (cập nhật 14/12/2018).
- Quyết định số 01/2018/QĐST-HNGĐ ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, http://congbobanan.toaan.gov.vn/, (cập nhật 14/12/2018).
Tác giả: Phan Thị Hồng – ThS., Giảng viên Khoa luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế;
Trả lời