Thực trạng và ý nghĩa của việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở Việt Nam: Việc không sử dụng bản án và phương pháp Socrates trong đào tạo luật ở Việt Nam là một hạn chế phải khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án Việt Nam…
- Kinh nghiệm về sử dụng bản án, quyết định của Tòa án trong đào tạo nghề luật – PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng
- Sử dụng bản án của Tòa án trong giảng dạy thảo luận – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Việc sử dụng quyết định của Tòa án trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại Cộng hòa Pháp – TS. Pierre Macqueron
- Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật – TS. Phan Nhật Thanh
- Sử dụng bản án trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Luật TP. HCM – những vấn đề nhìn từ góc độ đảm bảo chất lượng – ThS. Vũ Duy Cương – ThS. Phạm Đình Phú
- Sử dụng bản án trong giảng dạy: Góc nhìn từ người làm thực tiễn – LS. Trương Nhật Quang
- Sử dụng bản án để xây dựng tình huống trong đào tạo luật – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Bàn về việc sử dụng bản án làm chất liệu thiết kế bài giảng môn học chuyên ngành luật – TS. Phan Thị Thành Dương
- Sơ lược về sử dụng bản án trong công tác nghiên cứu khoa học – PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương
- Sử dụng bản án trong giảng dạy pháp luật phần lý thuyết – kinh nghiệm qua một trường hợp ở Anh – TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
TỪ KHÓA: Bản án,
TÓM TẮT
Bài viết chỉ ra rằng chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập và cải cách tư pháp do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về phương pháp giảng dạy. Việc không sử dụng bản án và phương pháp Socrates trong đào tạo luật ở Việt Nam là một hạn chế phải khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án Việt Nam.
Đào tạo luật ở nước ta đang có khoảng cách khá xa so với các nước phương Tây và các quốc gia trong khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, của hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền. Một trong những hạn chế cơ bản của đào tạo luật ở Việt Nam là về phương pháp giảng dạy. Bài viết này trình bày khái quát về thực trạng sử dụng bản án trong giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật ở nước ta và phân tích những ý nghĩa, vai trò của việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở Việt Nam.[1]
1. Vài nét về thực trạng sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật
Ở các nước phát triển, việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học pháp lý đã có truyển thống từ lâu. Tuy nhiên, việc sử dụng bản án (hay có thể gọi là phương pháp sử dụng bản án – case method) trong công tác đào tạo luật ở các nước theo truyền thống thông luật (common law system) có mức độ cao hơn các quốc gia theo truyền thống luật dân sự.[2] Ở Mỹ, đào tạo luật (chương trình Juris Doctor (J.D.)) là đào tạo sau đại học và sinh viên phải là những người đã tốt nghiệp đại học và vượt qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao với tỷ lệ cạnh tranh khá cao.[3] Ở Mỹ, việc sử dụng bản án trong đào tạo luật (case method) với phương pháp Socrates đã có truyền thống hơn 140 năm qua; trong quá trình học, sinh viên sẽ phải tìm, phân tích, tranh luận và giải quyết các vấn đề pháp lý dưới sự dẫn dắt của các giảng viên.[4] Phương pháp tranh luận Socrates được sử dụng rộng rãi trong các trường luật ở Hoa Kỳ, Anh, Úc, Singapore… để rèn luyện kỹ năng tư duy, lập luận và tranh luận của sinh viên luật, đòi hỏi sinh viên phải “tư duy như một luật sư” ngay trong trường đại học.
Ở các nước theo truyền thống luật châu Âu lục địa, bản án cũng đã được sử dụng trong đào tạo luật học từ lâu, song mức độ sử dụng bản án trong giảng dạy và phương pháp Socrates không như ở Mỹ.[5] Công tác đào tạo luật ở các nước theo truyền thống luật dân sự (civil law) vẫn còn nặng kiểu hàn lâm hơn là tập trung vào đào tạo nghề gắn với thực tiễn, mục tiêu của đào tạo luật ở các nước này không phải là đào tạo nghề để sinh viên trở thành luật sư, vào làm trong các công ty luật[6]. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ đào tạo luật có mục tiêu chính là đào tạo nghề luật, gắn chặt với thực tiễn; sinh viên tốt nghiệp có thể dự thi hành nghề luật sư, làm việc trong các công ty luật. Ở châu Âu người tốt nghiệp đại học luật được cấp bằng cử nhân luật (LLB),[7] thì ở Mỹ người tốt nghiệp trường luật sẽ được cấp bằng J.D.[8] Rõ ràng có sự khác nhau nhất định về mục tiêu và phương pháp đào tạo luật ở Mỹ và các nước châu Âu lục địa.[9] Cho đến nay, khó có thể khẳng định mô hình đào tạo luật nào là ưu việt tuyệt đối; song không thể phủ nhận rằng, cho dù theo mô hình đào tạo nào đi nữa thì cũng đều cần sử dụng bản án trong hoạt động đào tạo luật.
Ở Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau mà suốt mấy chục năm qua, kể từ khi trường đại học luật đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thành lập năm 1979 là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (sau này thành lập thêm Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh ở phía Nam và nhiều khoa luật thuộc các đại học ở mọi vùng miền), việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật rất ít được quan tâm,[10] đặc biệt là trong những thập niên cuối của thế kỷ XX.
Suốt mấy chục năm qua, các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy luật với những lý luận đôi khi là giáo điều và giảng viên thường phân tích, giảng giải cho sinh viên hiểu các điều luật thành văn. Rất ít vụ việc thực tế và các bản án được đưa vào nội dung giảng dạy hoặc nếu có đưa ra thì thường chỉ là một vài tình tiết nhỏ thiếu tính hệ thống.
Một trong các lý do cơ bản là cho đến gần đây, tòa án nhân dân vẫn lưu giữ và coi các bản án như tài liệu mật, không công bố và chỉ những người có liên quan được biết. Các giảng viên luật phải dựa vào mối quan hệ cá nhân mới có thể xin photocopy một vài bản án chứ không thể nói đến cả một hồ sơ vụ án; nên thầy dạy chay, trò học chay là phổ biến. Phương pháp giảng dạy chủ đạo vẫn là thuyết giảng; thầy giảng, trò nghe và ghi chép, mặc dù nhiều môn luật có khối lượng khá lớn các bản án có thể đưa vào nghiên cứu và giảng dạy, như luật dân sự, luật hình sự hay hôn nhân gia đình…
Nghị quyết 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đã khẳng định “Từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án, trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục.”[11] Gần đây, việc lựa chọn phát triển án lệ và công bố án lệ đã lần đầu tiên được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2014.[12] Nhưng cho đến cách đây vài năm, việc sưu tầm bản án, quyết định của Tòa án vẫn là việc làm rất khó khăn. Hiện nay ngành tòa án vẫn chưa thực hiện việc công bố rộng rãi các bản án, quyết định của mình; vẫn chưa có các quy định bắt buộc Tòa án phải công khai các bản án hay cung cấp cho các cơ sở đào tạo luật các bản án đã tuyên; vì vậy, mặc dù đã thuận lợi hơn xưa, nhưng các bản án vẫn được thu thập hoàn toàn dựa vào mối quan hệ cá nhân giữa người nghiên cứu, giảng dạy và cán bộ tòa án.
Gần đây, tình hình sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học đã có những tín hiệu lạc quan, khi mà Tòa án nhân dân tối cao bắt đầu tuyển chọn và phát hành ra công chúng một số quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm,[13] khi mà có nhiều bài bình luận án trong Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Khoa học Pháp lý và một số tạp chí chuyên ngành khác, và có sự xuất hiện của một số cuốn sách bình luận án.[14] Việc công bố các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là việc làm hữu ích không những cho công tác nghiên cứu, đào tạo luật mà còn rất hữu ích cho những người hành nghề luật, các luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ tòa án và viện kiểm sát. Việc công bố các bản án còn giúp cho người dân và doanh nghiệp hiểu biết thêm về pháp luật và có thể dự đoán trước kết quả giải quyết các vụ việc tương tự phát sinh.
Việc sưu tầm và đưa bản án vào nghiên cứu giảng dạy đã được các trường đại học luật chú trọng hơn trong những năm gần đây và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đi đang tiên phong trong việc xây dựng hệ thống sách tình huống, sách bình luận án bên cạnh hệ thống giáo trình, tập bài giảng đã biên soạn. Song, một trong những khác biệt và thách thức của đào tạo luật ở Việt Nam so với các nước phát triển là hàng năm các trường luật ở nước ta, đặc biệt là các khoa luật thuộc trường đại học đa ngành đã và đang tuyển sinh đào tạo hàng ngàn cử nhân luật, thạc sĩ luật với điều kiện quá dễ dàng… tạo cảm giác như ai cũng có thể học đại học luật, không chính quy thì học vừa làm vừa học, học từ xa..; khác xa với con số tuyển sinh chỉ hơn trăm sinh viên hàng năm của các khoa luật (law school) ở các nước phát triển. Vì thế, việc nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam đang đối mặt với những thách thức quá lớn do chất lượng đầu vào thấp và ý thức thái độ của người học chưa cao, trong khi chất lượng giảng viên nhìn chung còn hạn chế, phương pháp giảng dạy lạc hậu và cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
2. Ý nghĩa, vai trò của việc sử dụng bản án trong đào tạo luật ở Việt Nam
Thứ nhất: sử dụng bản án trong đào tạo luật góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo hiện nay “còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”. Quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng đã khẳng định “học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn”.[15]
Để nâng cao chất lượng đào tạo luật đòi hỏi thực hiện nhiều biện pháp, trong đó phải gắn giảng dạy lý thuyết, phân tích pháp luật thành văn với thực tiễn áp dụng, mà trong đó đỉnh cao của việc áp dụng pháp luật chính là hoạt động xét xử của tòa án. Các bản án, quyết định của Tòa án là kết tinh trí tuệ của nhiều người và trải qua quá trình tố tụng chặt chẽ. Việc đào tạo luật cần phải hướng tới đào tạo ra những cử nhân luật không chỉ biết luật, hiểu luật mà còn biết cách dùng kiến thức pháp luật để giải quyết các vấn đề đa dạng và phức tạp trong thực tế. Có thể so sánh đào tạo luật mà không sử dụng bản án với việc đào tạo bác sĩ mà không cho tiếp xúc với bệnh nhân.
Cho đến nay, sinh viên luật ở Việt Nam khi tốt nghiệp thường bị người sử dụng lao động đánh giá thiếu kỹ năng làm việc, yếu kém về cả kỹ năng viết, lập văn bản lẫn khả năng tranh luận. Lâu nay, sinh viên luật đến trường với “hành trang” khá gọn và đơn giản đến khó tin, hầu hết chỉ có cuốn tập ghi chép và một số có mang theo tập bài giảng hay giáo trình, có thể là thêm một vài văn bản luật.
Hầu hết sinh viên luật ở Việt Nam vẫn chưa có thói quen tìm kiếm bản án, chưa biết cách thức và phương pháp đọc hiểu bản án, phân tích về vụ án và bản án (kể cả ở bậc cử nhân và sau đại học).[16] Phương pháp giảng dạy của giảng viên chủ yếu vẫn là thuyết giảng, rất ít giờ thảo luận, quy mô lớp khá lớn lên đến hàng trăm sinh viên, phương pháp Socrates hầu như không được sử dụng.[17] Vì thế, sinh viên luật thường yếu về khả năng tư duy như luật sư; thiếu kỹ năng tìm kiếm, phát hiện, xử lý vấn đề một cách chủ động; khả năng tranh luận, kỹ năng viết văn bản còn yếu. Sinh viên ra trường thường bị các công ty luật cho là “thiếu kỹ năng nghiên cứu và phân tích của luật sư mà chỉ có kiến thức pháp lý về các luật cơ bản được học thuộc lòng.”[18] Đành rằng, đào tạo luật ở Việt Nam có mục tiêu khác với Hoa Kỳ, không phải đào tạo nghề, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật đều có mong muốn hoặc sẽ trở thành luật sư hoặc làm giúp việc cho tổ chức hành nghề luật; nhưng việc giảng dạy quá nặng về lý thuyết mà thiếu sự gắn kết với thực tiễn áp dụng pháp luật sẽ không thể đào tạo được những cử nhân luật vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng tối thiểu để làm việc sau khi ra trường.
Ở các nước theo truyền thống luật án lệ, sinh viên luật phải đọc bản án khá nhiều, để hiểu được các lý thuyết, các nguyên tắc pháp lý (theory và principle); sinh viên ở các nước như Mỹ, Anh hay Úc… phải đọc bản án, phải tìm hiểu các nguyên tắc pháp lý, phải tìm luật từ chính các án lệ và sau đó phải chuẩn bị để tranh luận theo phương pháp Socrates khi đến trường trong khi giảng viên chủ yếu làm nhiệm vụ hướng dẫn, định hướng cho sinh viên. Chẳng hạn, để hiểu thế nào là consideration trong luật hợp đồng hay tư cách pháp nhân (a separate legal entity) hay chế độ trách nhiệm vô hạn (unlimited liability) trong luật công ty thì sinh viên luật phải đọc nhiều bản án để hiểu được các lý thuyết và nguyên tắc pháp lý đó. Những bản án, với những tình huống cụ thể của giao dịch trong đời sống thực tiễn về offer và acceptance (chào hàng và chấp nhận chào hàng) sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bản chất của chào hàng và chấp nhận chào hàng trong luật hợp đồng hơn là những câu chữ trong giáo trình. Khác với Việt Nam, giáo trình của nhiều môn luật được biên soạn cũng dẫn chiếu đến nhiều bản án, thậm chí là những bản án từ thế kỷ thứ XIX để hiểu được nguồn gốc và triết lý sâu xa của những nguyên tắc pháp lý hay điều luật.[19]
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật thực định không thống nhất, khá trừu tượng, không rõ ràng, thiếu tính minh bạch gây nên những cách hiểu khác nhau. Nếu chỉ phân tích lý thuyết và nêu lên những quan điểm khác nhau thì chưa chắc chắn những quan điểm đó đã đúng đắn và hợp lý. Việc nghiên cứu, phân tích, bình luận các bản án của Tòa án trong giảng dạy giúp cả giảng viên và sinh viên hiểu được thêm quan điểm của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật, giúp cho sinh viên luật biết được cách thức, đường lối giải quyết các vụ việc tương tự sau này.
Việc nghiên cứu, sử dụng bản án trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng giảng dạy luật học chỉ là lý thuyết với sự diễn giải, phân tích điều luật. Nó không chỉ giúp sinh viên hiểu tốt hơn kiến thức pháp luật, hiểu được thực tiễn áp dụng mà còn giúp các giảng viên luật hiểu rõ hơn việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn, biết nhiều hơn về các quan điểm khoa học xung quanh các vấn đề pháp lý phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Việc nghiên cứu bản án giúp sinh viên hiểu được cách thức, quá trình và những lập luận để đi đến quyết định trong bản án; hiểu được quan điểm và cách nhìn khác nhau của các bên có liên quan trong quá trình tố tụng (của viện kiểm sát và luật sư bào chữa; của phía nguyên đơn và bị đơn) thể hiện trong bản án.[20] Cùng với việc “mang” bản án vào giảng đường để gắn kết lý thuyết với thực tế, các cơ sở đào tạo luật cũng nên hướng dẫn sinh viên hoặc tự sinh viên chủ động đi thực tế tại tòa án để quan sát, theo dõi quá trình xét xử tại phiên tòa và những lời khai, lập luận, tranh luận và bản án công bố tại phiên tòa.
Việc sử dụng bản án trong giảng dạy sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên tích lũy kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng tư duy, lập luận và có kinh nghiệm phát hiện các vấn đề pháp lý từ thực tiễn. Kinh nghiệm và kỹ năng là những yếu tố rất quan trọng để một cử nhân luật ra trường có thể làm tốt công việc của mình. Việc sử dụng bản án trong đào tạo luật cũng góp phần tạo thói quen cho cả người dạy và người học về việc phải cập nhật thực tiễn pháp luật để biết đến sự thay đổi của thực tiễn, biết đến quan điểm lập luận của các luật sư, của kiểm sát viên và của hội đồng xét xử.
Thứ hai: sử dụng bản án trong đào tạo luật sẽ góp phần thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy luật học ở Việt Nam
Một trong những điểm yếu của đào tạo luật ở Việt Nam là duy trì quá lâu phương pháp thuyết giảng, thiếu sự tương tác qua lại giữa giảng viên và sinh viên, người học còn thụ động, học tập mang tính đối phó, và yếu về phương pháp tư duy pháp lý cũng như khả năng lập luận, kỹ năng trình bày bằng giấy và bằng lời nói nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nghị quyết số 29- NQ/TW đã nhấn mạnh phải “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.”
Sinh viên luật hệ chính quy đều là những người chỉ vừa tốt nghiệp trung học, còn chưa đi làm, ít kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội còn hạn chế. Cách học và phương pháp giảng dạy từ phổ thông đã làm cho học sinh và sinh viên quen tiếp nhận truyền thụ một chiều mà thiếu tư duy phản biện và rất thụ động khi xử lý, giải quyết vấn đề.
Sử dụng bản án trong đào tạo luật sẽ là một yếu tố quan trọng để thay đổi phương pháp giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật ở nước ta. Phương pháp Socrates và phương pháp sử dụng bản án, kể cả phương pháp tình huống không phải là những phương pháp giảng dạy chính được áp dụng trong các cở sở đào tạo luật ở Việt Nam suốt mấy chục năm qua.[21] Phương pháp giảng dạy thầy đọc trò ghi, giảng dạy theo lối truyền thụ một chiều đã không còn phù hợp với một xã hội văn minh, hiện đại, một “thế giới phẳng” với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Trước đây, bị ảnh hưởng bởi truyền thống phương Tây, trường luật ở miền Nam đã sử dụng án lệ trong nghiên cứu và giảng dạy; các tập giảng văn, giáo trình của Đại học Luật khoa Sài Gòn xưa cũng có nhiều án lệ được dẫn chiếu. Rất tiếc rằng, sau này các trường luật và hàng loạt khoa luật của chế độ mới lại bỏ quên án lệ, bỏ quên việc nghiên cứu, đánh giá, sử dụng bản án trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; đây là một hạn chế lớn của công tác đào tạo luật nước nhà. Bên cạnh đó, ngành tòa án đã có quan niệm không hợp lý về tính công khai của bản án và không muốn đưa các bản án vào trường luật để nghiên cứu, đánh giá, bình luận công khai.
Sử dụng bản án trong đào tạo luật không nên hiểu giản đơn là bình luận án. Bình luận án là một cách sử dụng bản án trong đào tạo luật, song còn có những cách khác để sử dụng bản án trong đào tạo luật cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.
Khi sử dụng bản án trong giảng dạy, có thể dùng toàn bộ tình tiết và các vấn đề pháp lý, nhưng cũng có thể chỉ sử dụng một phần các tình tiết, sự việc và một vài câu hỏi pháp lý của vụ án có liên quan đến chủ đề giảng dạy và giảng viên muốn sinh viên phải học. Việc sử dụng bản án trong giảng dạy luật cũng có thể bằng cách cho sinh viên đánh giá, bình luận về quan điểm xét xử của tòa án và gợi mở các hướng giải quyết khác với quyết định mà tòa án đã tuyên. Bởi vì, chắc chắn không phải mọi bản án đều chuẩn mực, không phải mọi bản án đều tuân thủ đúng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung, không phải mọi bản án đều phán xử công bằng và không phải tất cả các bản án đều có thể trở thành án lệ.
Khi lựa chọn bản án để phục vụ cho công tác giảng dạy cũng cần phải cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, nên chọn những bản án mà hội đồng xét xử có những lập luận, có quan điểm thuyết phục về một vấn đề pháp lý mới, những bản án làm sáng tỏ những điều luật còn gây tranh cãi, trừu tượng với những quan điểm khác nhau, hoặc những bản án có giá trị tạo lập án lệ cho những vấn đề chưa được văn bản pháp luật quy định. Bản án của Tòa án được lựa chọn cũng có thể là những bản án chuẩn mực cho thấy việc vận dụng pháp luật trong thực tiễn, hoặc là những bản án, quyết định “có vấn đề”.
Để sử dụng bản án trong đào tạo luật, các giảng viên sẽ phải làm việc nhiều hơn so với giảng dạy theo phương pháp thuyết giảng truyền thống là nghiên cứu luật thành văn và biên soạn bài giảng, xây dựng một số bài tập tình huống và đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức của sinh viên. Phương pháp truyền thống lâu nay chỉ dựa vào văn bản luật để tư duy, phân tích, thuyết giảng… không thể vất vả bằng việc phải thu thập các bản án có liên quan đến chủ đề giảng dạy; phân loại, xác định các vấn đề pháp lý và tìm cách thức đưa bản án vào giảng dạy. Việc dạy sinh viên cách đọc bản án, phân tích bản án, xác định các vấn đề pháp lý và luật áp dụng đòi hỏi giảng viên phải đầu tư nhiều cho phương pháp giảng dạy và không những thế còn đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm thực tiễn.
Hiệu quả của việc sử dụng bản án như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào năng lực và phương pháp giảng dạy của giảng viên và sự tham gia (ý thức và thái độ) của sinh viên. Cho nên cùng một bản án nhưng các giảng viên khác nhau sẽ có cách phân tích, dẫn dắt, gợi ý, yêu cầu… khác nhau đối với sinh viên.[22] Tóm lại, việc áp dụng phương pháp giảng dạy case method gắn với phương pháp Socrates sẽ có tác động tích cực làm thay đổi căn bản phương pháp đào tạo luật ở Việt Nam mặc dù chắc chắn sẽ không thể hiệu quả như ở Hoa Kỳ hay các nước phát triển.
Một trong những bất cập của pháp luật hiện hành là không cho các giảng viên luật là viên chức, công chức hành nghề luật sư. Chưa thấy nơi nào trên thế giới mà các giáo sư, giảng viên luật, những người được đào tạo bài bản, hiểu biết các học thuyết pháp lý và luật thành văn tốt, có ngoại ngữ, lại bị cấm hành nghề luật sư như ở Việt Nam.[23] Những lý do mà Ủy ban Thường vụ quốc hội đưa ra để không cho giảng viên là công chức, viên chức được hành nghề luật sư thật sự là bất hợp lý, là sự lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo luật.[24] Việc ngăn cấm này cũng không khác gì việc cấm giảng viên ngành y hành nghề y dược. Trong khi các giảng viên ngành y đều đang hành nghề y thì giảng viên ngành luật bị cấm hành nghề luật sư và pháp luật đã buộc giảng viên luật phải chọn cách hành nghề theo dạng làm “chui”, “lách luật”. Nếu giảng viên luật được hành nghề luật, các cơ sở đào tạo luật sẽ có những giảng viên luật vừa có kiến thức lý luận vừa có kinh nghiệm thực tiễn, họ sẽ là những “cỗ máy cái” tuyệt vời cho việc đào tạo những thế hệ cử nhân luật có chất lượng hơn.
Thứ ba, sử dụng bản án trong đào tạo luật góp phần nâng cao chất lượng xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật
Trong thực tế, hoạt động xét xử của ngành tòa án Việt Nam chưa gây dựng được niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, vì chất lượng xét xử chưa cao, còn hiện tượng tiêu cực và áp dụng pháp luật không thống nhất; còn có vi phạm thủ tục tố tụng mà những vụ án báo chí nêu gần đây là những ví dụ điển hình.
Các bản án đều phải có những nhận định, lập luận của thẩm phán về các vấn đề pháp lý cụ thể trong thực tiễn để từ đó áp dụng các quy định của pháp luật, đưa ra quyết định về vụ án. Trong thực tế, một số bản án được viết cẩu thả, nhiều lỗi về ngôn ngữ hay lập luận sơ sài, áp dụng pháp luật không đúng. Một số bản án ghi nhận rất sơ sài hoặc không đúng hay phiến diện quan điểm của các bên tranh tụng. Có lẽ, đây cũng là một lý do quan trọng khiến cho nhiều thẩm phán không muốn người khác biết đến bản án của mình đã tuyên và cũng chẳng ủng hộ việc coi án lệ là một loại nguồn của luật. Nếu các Tòa án sẵn sàng cung cấp các bản án, quyết định của mình cho các cơ sở đào tạo luật để từ đó các cơ sở đào tạo luật sắp xếp, phân loại bản án để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác đào tạo luật và cũng hữu ích cho ngành tòa án để nâng cao chất lượng xét xử.
Pháp luật không bao giờ hoàn thiện, pháp luật nhìn một cách tổng thể luôn là một “cơ thể sống” đang phát triển, chứa đựng trong nó cả những hạn chế, bất cập, nhược điểm nhất định; một quy định pháp luật có thể thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện ở giai đoạn này nhưng không còn thích hợp ở giai đoạn khác, hoàn cảnh khác. Đối với đất nước ta, các thể chế mới đang trong giai đoạn hình thành và hoàn chỉnh thì những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật chắc chắn đang tồn tại và cần phải được khắc phục, vì thế những bản án của Tòa án có giá trị án lệ sẽ rất quý giá cho hoạt động đào tạo luật và áp dụng pháp luật.
Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Tòa án nhân tối cao đã khẳng định việc công bố bản án, quyết định của Tòa án sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của Tòa án, làm “tăng cường tính trách nhiệm của Thẩm phán trong công tác xét xử, trong việc soạn thảo bản án, quyết định và do đó nâng cao chất lượng trong việc ra quyết định tư pháp và cũng là công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của hệ thống tòa án nhân dân; làm cho công chúng thấy được vai trò của Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.[25] Khi các cơ sở đào tạo luật sử dụng bản án, quyết định trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thì chắc chắn các thẩm phán phải cẩn trọng hơn trong hoạt động xét xử, viết bản án và thể hiện quan điểm, lập luận, áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử. Việc này, trong một chừng mực nhất định, chắc chắn sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án. Những bản án có chất lượng kém cả về ngôn ngữ lẫn lập luận pháp lý chắc chắn sẽ giảm bớt nếu như các bản án được công bố công khai và được các cơ sở đào tạo luật nghiên cứu, phân tích, bình luận trong quá trình giảng dạy.
Kết luận: Việc tích cực đưa bản án vào trong giảng dạy và học tập sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực đối với cả thầy và trò, giúp thu hẹp dần khoảng cách về công tác đào tạo luật ở nước ta và các nước phát triển, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không thể và không nên sao chép nguyên văn cách thức đào tạo luật bằng phương pháp sử dụng án (case method) với phương pháp Socrates theo chương trình J.D ở nước Mỹ vào Việt Nam – một nước có nền kinh tế chuyển đổi với hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của hệ thống luật châu Âu lục địa với sự pha trộn mô hình xã hội chủ nghĩa, nơi mô hình giảng dạy truyền thống là thuyết giảng vẫn giữ vai trò chủ đạo và án lệ chưa được công nhận chính thức. Ở nước ta, không phải tất cả các lĩnh vực pháp luật đều có nhiều bản án để các giảng viên lựa chọn, không phải tất cả các chương, các chủ đề của môn học luật đều có bản án của Tòa án. Nhưng, chắc chắn cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy luật ở Việt Nam và một trong các việc phải làm là sử dụng bản án trong giảng dạy và học tập.
CHÚ THÍCH
[1] Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập việc sử dụng bản án, quyết định của Tòa án trong đào tạo luật ở Việt Nam mà không trình bày về việc sử dụng tình huống trong giảng dạy luật học; bởi vì tình huống thực tế không chỉ bao gồm bản án, quyết định của Tòa án mà còn có thể là các phán quyết trọng tài, các quyết định hành chính, các vụ việc thực tế có chứa đựng các vấn đề pháp lý cần phải giải quyết.
Về tình huống và phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong đào tạo luật ở Việt Nam, tham khảo thêm Phan Huy Hồng, “Sử dụng bản án để xây dựng tình huống trong đào tạo luật”, Tài liệu Hội thảo khoa học Sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 1 năm 2015; và Nguyễn Văn Tuyến (Chủ nhiệm đề tài), Xây dựng và sử dụng tình huống pháp luật trong giảng dạy luật học, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2010.
[2] Xem thêm Phan Nhật Thanh, “Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật”, Tài liệu Hội thảo khoa học Sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 1 năm 2015.
[3] Các trường đại học luật và khoa luật ở nước ta hàng năm thường tuyển sinh hàng ngàn sinh viên vào học ngành luật, trong khi mỗi khoa luật ở Hoa Kỳ chỉ tuyển khoảng 100 đến 200 sinh viên luật một năm và họ không có xu hướng tăng quy mô đào tạo như các đại học ở Việt Nam. Một số trường đại học đa ngành ở Việt Nam mới được đào tạo thêm ngành luật đã lấy chỉ tiêu 300 đến 500 sinh viên luật mỗi năm trong khi chỉ có hai chục giảng viên có trình độ chưa cao.
[4] Case method được áp dụng đầu tiên tại trường luật Harvard vào cuối thế kỷ thứ XIX, được khởi xướng bởi giáo sư Christopher Columbus Langdell – Trưởng khoa luật của Đại học Harvard (1870-1895), phương pháp này đòi hỏi sinh viên phải đọc bản án, phải chuẩn bị để tranh luận theo phương pháp Socrates.
[5] Xem thêm Kevin D. Ashley, Case-Based Models of Legal Reasoning in a Civil Law Context, University of Pittsburgh, 2003, tr. 2 (trích lại từ Phan Nhật Thanh, tlđd).
[6] Bình luận về sự khác nhau trong đào tạo luật ở các nước theo truyền thống thông luật và dân luật, xem thêm Phan Nhật Thanh, tlđd.
[7] Để hành nghề luật sư, người có bằng LLB phải tham dự các khóa đào tạo nghề luật; mô hình này tương đối giống ở Việt Nam hiện nay.
[8] Cần lưu ý rằng, bằng JD có thể hiểu là một văn bằng sau đại học vì sinh viên đều đã tốt nghiệp đại học ngành khác, song đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy định chính thức để xếp JD vào loại văn bằng nào trong hệ thống thứ bậc văn bằng ở nước ta; trong thực tiễn, một số người gọi là tiến sĩ luật (vì cho rằng có chữ doctor trong Juris Doctor).
[9] Xem thêm, Phạm Duy Nghĩa, Phương pháp nghiên cứu luật học, Nxb CAND, 2014, tr. 7 – 8.
[10] Trường ĐH Pháp lý Hà Nội sau này được đổi tên thành Trường Đại học Luật Hà Nội năm 1993, là trường đại học chuyên ngành luật đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1996, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chi Minh được thành lập trên cơ sở kiểm tra từ điểm sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật Tp.Hồ Chi Minh và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chi Minh. Đến nay, trên cả nước khoảng trên ba chục khoa luật thuộc các trường đại học đa ngành cũng đã được thành lập.
[11] Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tr 5.
[12] Điểm c, khoản 2, Điều 22 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
[13] Việc công bố các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã bắt đầu từ cách đây khoảng chục năm với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế; song số lượng bản án, quyết định được công bố qua sách xuất bản còn rất hạn chế, và có giá trị chưa như mong đợi.
[14] Ví dụ, Tạp chí Khoa học Pháp lý đã xây dựng một mục riêng về bình luận án; tác giả Đỗ Văn Đại đã có một số cuốn sách bình luận án về một số lĩnh vực của pháp luật dân sự; tác giả Trần Thị Thùy Dương có một số sách xuất bản bình luận về một số vụ kiện và phán quyết của WTO…
[15] Xem thêm Nghị quyết số 29-NQ/TW tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
[16] Gần đây, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã mở thêm chương trình cao học theo định hướng ứng dụng – một hướng đi đúng đắn. Nhưng thực tiễn cho thấy, nhiều học viên cao học đăng ký theo định hướng này vẫn còn rất thụ động trong việc học từ thực tiễn, chưa tích cực tham gia tìm, phân tích, đánh giá các bản án, các phán quyết trọng tài, các vụ việc thực tiễn; khả năng tranh luận còn nhiều hạn chế.
[17] Cách nhìn của luật sư về vấn đề này, xem thêm Trương Nhật Quang, Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn, Nxb Lao Động, 2013, tr. 6.
[18] Trương Nhật Quang, tlđd, tr. 6.
[19] Ví dụ, để hiểu được tư cách pháp nhân của một công ty, các giáo trình luật công ty ở nhiều nước theo hệ thống thông luật thường nhắc đến vụ án Salomon v. Salomon & Co. Ltd [1897] của Viện Nguyên lão Hoàng gia Anh từ năm 1897.
[20] Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bản án chỉ ghi lại quan điểm, lập luận, lý sự của các bên một cách rất sơ sài. Tất nhiên, không phải tất cả các ý kiến tranh tụng đều cần được ghi vào bản án, song việc bỏ qua nhiều lý lẽ quan trọng của các bên đã trình bày là một điểm hạn chế cần phải được khắc phục trong việc viết bản án, quyết định của ngành tòa án. Một số bản án cũng lý giải khá sơ sài vì sao áp dụng điều luật đó để giải quyết vụ án.
[21] Xem thêm Trương Nhật Quang, tlđd, tr. 6.
[22] Tuy nhiên, không phải môn học luật nào của trường luật cũng có nhiều bản án để nghiên cứu và giảng dạy, vì vậy, mức độ khó khăn và đòi hỏi của các môn luật trong việc biên soạn sách tình huống và sách bình luận án chắc chắn sẽ rất khác nhau.
[23] Khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư (sửa đổi năm 2012) quy định: những người đang là cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
[24] Khi thảo luận thông qua Luật Luật sư sửa đổi (năm 2012), nhiều đại biểu đã đề nghị cho giảng viên luật hành nghề luật sư, chẳng hạn đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Trương Trọng Nghĩa, Trần Du Lịch…; đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc cho giảng viên luật hành nghề luật sư “là việc phù hợp với tập quán của nhiều nước, Việt Nam là một trong những quốc gia không cho người dạy luật được hành nghề luật, tức là dạy người ta việc mà mình không làm. Thầy giáo đi dạy việc mà mình không biết, không làm thì chỉ là lý thuyết”. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật luật sư lần này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.
[25] Phát biểu của ông Bùi Ngọc Hòa tại Tọa đàm Về việc xuất bản bản án của Tòa án nhân dân Việt Nam do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức ngày 27/5/2015 tại Hà Nội.
Tác giả: Bùi Xuân Hải – PGS-TS Luật học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2015 (89) – 2015, Trang 03-10
Trả lời