• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM

Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM

09/05/2020 23/05/2021 TS. Bùi Xuân Hải & TS. Phan Nhật Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái quát quá trình xây dựng và phát triển
  • 2. Mục tiêu đào tạo
  • 3. Chương trình đào tạo
    • 3.1. Nhóm chương trình chất lượng cao chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế
    • 3.2. Chương trình cử nhân Luật Chất lượng cao nhóm chuyên ngành Hành chính – Tư pháp
    • 3.3. Chương trình chất lượng cao Quản trị – Luật và chất lượng cao Quản trị kinh doanh
  • 4. Về công tác tuyển sinh và đào tạo, cấp bằng
  • 5. Đội ngũ giảng viên và cố vấn học tập
  • 6. Chương trình ngoại khóa
  • 7. Tài liệu giảng dạy, học tập và cơ sở vật chất
  • 8. Khó khăn và thách thức
  • 9. Nhiệm vụ và giải pháp
  • Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM

Tác giả: TS. Bùi Xuân Hải & TS. Phan Nhật Thanh

TÓM TẮT

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo luật đi tiên phong ở Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức đào tạo chương trình cử nhân luật chất lượng cao. Mục tiêu của chương trình là nhằm đào tạo sinh viên giỏi về kiến thức, nắm chắc kỹ năng nghề nghiệp và tốt về ngoại ngữ trong điều kiện giảng dạy tốt. Bài viết này giới thiệu một cách khái quát về Chương trình Chất lượng cao của nhà trường; sau đó đi sâu phân tích những thành công cũng như những thách thức, khó khăn mà nhà trường phải vượt qua để đáp ứng nhu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế hiện nay.

Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM

Xem thêm bài viết về “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học
  • Sứ mạng đào tạo sau đại học của trường Đại học Luật TP. HCM
  • Đề xuất bổ sung các nguyên lý quản lý nhà nước trong chương trình đào tạo môn học Luật Hành chính ở Việt Nam
  • Kinh nghiệm về đào tạo sau đại học chuyên ngành luật của một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam
  • Phương pháp học tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành pháp lý cho sinh viên Đại học Luật TP.HCM
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Quyền quản lý của người sử dụng lao động trong quan hệ đào tạo nghề theo pháp luật lao động Việt Nam
  • Nhà nước kiến tạo phát triển - Những thách thức thể chế
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam
  • Bàn về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu Thạc sĩ Luật – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Kinh nghiệm về đào tạo sau đại học chuyên ngành luật của một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
  • Sứ mạng đào tạo sau đại học của trường Đại học Luật TP. HCM – GS.TS. Mai Hồng Quỳ & ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Một số suy nghĩ về đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách thường xuyên – đánh giá quá trình – ThS. Vũ Duy Cương
  • Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học – PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển

1. Khái quát quá trình xây dựng và phát triển

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo luật đi tiên phong trong cả nước về việc xây dựng và tổ chức đào tạo chương trình cử nhân luật chất lượng cao với khóa tuyển sinh đầu tiên vào năm 2009 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao,[1]đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Năm 2008, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác để tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài và điều kiện thực tiễn của Việt Nam để xây dựng một chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao (được gọi là chương trình đào tạo đặc biệt).[2]Sau một thời gian tham khảo chương trình đào tạo LLB và JD ở nước ngoài, cân nhắc điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam, Tổ công tác xây dựng chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao đã xây dựng được Đề án và Chương trình đào tạo cụ thể. Sau đó, các dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các khoa chuyên môn, rồi được đưa ra Hội đồng Khoa học và Đào tạo, thảo luận thông qua và trình Hiệu trưởng ký quyết định ban hành. Năm 2012, để có căn cứ pháp lý riêng cho việc thực hiện chương trình, Hiệu trưởng đã ban hành bản Quy định về đào tạo trình độ đại học hệ chính quy các chương trình đào tạo đặc biệt.[3]Năm 2009 Nhà trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên (K34) vào lớp đào tạo cử nhân luật chất lượng cao theo chương trình mới. Từ đó đến nay, quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được phát triển, nâng cao.

Nếu trong năm đầu tiên triển khai thực hiện đào tạo chất lượng cao (2009) Nhà trường chỉ tuyển 1 lớp cử nhân Luật chất lượng cao thì từ năm 2011 đến nay mỗi năm nhà trường đều tuyển sinh nhiều lớp chất lượng cao. Năm học 2011-2012, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minhđã tuyển chọn được gần 250 sinh viên K36 (mới nhập học) vào các Chương trình đặc biệt nói trên, bao gồm: 2 lớp đào tạo cử nhân luật chất lượng cao, 1 lớp Đào tạo theo chuẩn cử nhân Luật chất lượng cao, 1 lớp đào tạo cử nhân Luật tăng cường tiếng Pháp (được trợ giúp của Tổ chức các trường đại học nói tiếng Pháp –  AUF) và 1 lớp cử nhân Luật tăng cường tiếng Nhật (theo thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Nagoya – một đại học nổi tiếng của Nhật Bản). Năm học gần đây (2015-2016) nhà trường tuyển được 7 lớp cử nhân Luật và Quản trị – Luật chất lượng cao với số lượng tổng cộng khoảng trên 300 sinh viên, chiếm khoảng gần 20% tổng số sinh viên chính quy tuyển sinh trong năm học 2015-2016.

Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo tổng cộng 12 lớp cử nhân Luật và quản trị – Luật chất lượng cao (chuyên về ngoại ngữ là tiếng Anh), 4 lớp cử nhân Luật chất lượng cao (chuyên về ngoại ngữ là tiếng Pháp) và 4 lớp cử nhân Luật chất lượng cao (chuyên về ngoại ngữ là tiếng Nhật). Mỗi lớp nói trên có quy mô khoảng 50 sinh viên, sinh viên được học trong điều kiện cơ sở vật chất tốt, được giảng dạy bởi các giảng viên có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong đó có nhiều giảng viên đã tốt nghiệp sau đại học ở nước ngoài.

2. Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu của chương trình là nhằm đào tạo cử nhân trình độ đại học hệ chính quy có chất lượng cao: (i) nắm chắc luật thực định của Việt Nam qua các môn được học; hiểu được một số lĩnh vực quan trọng của pháp luật nước ngoài; (ii) có khả năng đọc, viết và tư duy độc lập, có tính sáng tạo, có kiến thức lý luận hiện đại về luật học; (iii) có khả năng vận dụng kiến thức đã học để phân tích, xử lý các tình huống thực tế; (iv) có trình độ tiếng Anh, hoặc Pháp, Nhật đủ để làm việc cho các cơ quan, văn phòng luật sư, các doanh nghiệp, làm việc với khách hàng nước ngoài, hoặc du học lên bậc cao; đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Các chương trình đào tạo đặc biệt đã đáp ứng thực tiễn công tác đào tạo chất lượng cao, đáp ứng đúng định hướng phát triển của Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh thành một trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ngành luật có chất lượng và trình độ chuyên môn, nắm vững kiến thức lý luận và có kỹ năng thực hành, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, chương trình này cung cấp dịch vụ đào tạo đại học chất lượng tốt nhất với phương pháp đào tạo tiên tiến, nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo sinh viên theo chuẩn chất lượng cao (về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ), đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực cử nhân luật chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, các văn phòng luật sư, công ty luật và các doanh nghiệp… trong bối cảnh hội nhập. Mục tiêu cụ thể của chương trình cử nhân Luật chất lượng cao và chương trình Quản trị – Luật chất lượng cao là đào tạo những cử nhân Luật nắm chắc pháp luật Việt Nam, biết một số lĩnh vực của pháp luật nước ngoài (ví dụ như Luật hợp đồng, Luật công ty, Luật trách nhiệm ngoài hợp đồng Luật so sánh, Luật Hiến pháp Nhật Bản, Luật Dân sự Nhật Bản…). Ngoài ra, chương trình cũng rèn luyện sinh viên biết những kỹ năng cơ bản của nghề luật và có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tiếng Nhật trong công việc.

Ngoại ngữ không chỉ là điểm mạnh mà còn là thách thức lớn của chương trình đào tạo chất lượng cao từ khi thành lập đến nay. Sinh viên trúng tuyển vào học các lớp này sẽ được bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và học thêm các môn luật bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật tùy thuộc vào chương trình sinh viên theo học. Sinh viên lớp Cử nhân Luật chất lượng cao được học một số môn luật nước ngoài và luật Việt Nam bằng tiếng Anh do giảng viên của Trường hoặc giáo sư, luật sư nước ngoài và trong nước giảng dạy. Những sinh viên tốt nghiệp các lớp này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để làm việc sau khi ra trường hoặc học tiếp các chương trình sau đại học ở các nước nói tiếng Anh, Pháp, Nhật sau khi tốt nghiệp. Có thể thấy là ngoài chuyên môn, ngoại ngữ là yêu cầu tiên quyết khi các em vào các lớp thuộc chương trình đặc biệt, nhất là khối tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Trong suốt khóa học, sinh viên sẽ được cung cấp khối lượng giờ chuẩn đề tăng cường các kỹ năng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Chương trình tiếng Anh sẽ được đào tạo bởi Hội Anh văn Việt – Mỹ (VASS); chương trình tiếng Pháp có liên kết với cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF). Chương trình tiếng Nhật có sự liên kết với Trường Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật Bản.

3. Chương trình đào tạo

Năm 2009, Trường chỉ có 1 chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao (nhóm chuyên ngành Luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế) thì đến nay đã phát triển thêm các chương trình chất lượng cao của 3 ngành: Luật, Quản trị kinh doanh và Quản trị -luật. Cụ thể hiện nay Nhà trường có các chương trình đào tạo chất lượng cao sau đây:

  1. Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao nhóm chuyên ngành luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế (chuyên tiếng Anh).
  2. Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao nhóm chuyên ngành luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế (chuyên tiếng Pháp).
  3. Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao nhóm chuyên ngành luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế (chuyên tiếng Nhật).
  4. Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao nhóm chuyên ngành Hành chính – Tư pháp.
  5. Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị – Luật chất lượng cao
  6. Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao hệ vừa học vừa làm
  7. Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh chất lượng cao

Các chương trình này đều bảo đảm tuân thủ theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và đào tạo, chương trình chất lượng đặc biệt được triển khai đào tạo với giáo trình hiện đại, phương pháp giảng dạy tiên tiến giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm. Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu cho từng tổ hợp chuyên ngành (Thương mại – Dân sự – Quốc tế hoặc Hành chính – Tư pháp). Tuy nhiên, dù là chuyên ngành nào cũng phải đảm bảo mục tiêu đào tạo thỏa mãn 3 yêu cầu cơ bản của đầu ra là: kiến thức, kỹ năng làm việc và thành thạo ngoại ngữ. Nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy cũng khác các lớp đại trà. Một số môn luật được rút ngắn thời gian giảng dạy, nhưng lại bổ sung thêm nhiều môn luật mới, nhiều môn luật nước ngoài. Phương pháp giảng dạy phải khác các lớp đại trà, tăng cường sự tương tác thầy – trò, tăng cường tự học, tích cực làm việc nhóm, khuyến khích khả năng phản biện tranh luận, tăng cường thảo luận…

 Mỗi học kỳ, sinh viên đều được cung cấp Bộ Tài liệu giảng dạy chất lượng cao có đầy đủ đề cương chi tiết, danh mục các tài liệu tham khảo mới nhất; hệ thống các câu hỏi, bài tập của môn học và đặc biệt là các vụ việc thực tế, các vụ án, vụ việc, vấn đề của thực tiễn. Tất cả tài liệu này đều phải được cập nhật mới nhất trước khi sinh viên bắt đầu học kỳ mới. Đây là một điểm mạnh rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo.

3.1. Nhóm chương trình chất lượng cao chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế

Chương trình này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về đào tạo những cử nhân luật chất lượng cao có kiến thức pháp luật tốt, có kỹ năng thực tiễn và có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật) để làm việc cho các doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề luật sư và có thể du học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ luật ở nước ngoài. Mục tiêu cơ bản của chương trình là đào tạo mang tính hệ thống kiến thức pháp luật Việt Nam và những lĩnh vực nền tảng cơ bản của pháp luật nước ngoài thuộc lĩnh vực kinh doanh – thương mại.

Về kiến thức luật:Ngoài kiến thức chung đối với tất cả sinh viên ngành luật, sinh viên còn được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực Dân sự, Thương mại và Quốc tế như: Pháp luật về kinh doanh chứng khoán; Pháp luật kinh doanh bất động sản; Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế; Nghiệp vụ thanh toán quốc tế; Luật quốc tế về sở hữu trí tuệ; Kỹ thuật soạn thảo và giải quyết tranh chấp hợp đồng; Pháp luật ASEAN; Pháp luật nước ngoài, chủ yếu là pháp luật về kinh doanh – thương mại của một số nước. Nhiều môn được giảng bằng tiếng Anh như Contract law, Corporation law, Tort law, Antitrust and Competition law… hoặc bằng tiếng Pháp như: Introduction au système de droit Romano – germanique et au droit francais; Droit d’auteur francais; Droit international privé comparé; Droit de l’Organisation Mondiale du Commerce …

Về kỹ năng: Sinh viên thuộc chương trình này được tập trung đào tạo vào các lĩnh vực tư vấn, soạn thảo các văn bản pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp; tư vấn các vấn đề pháp lý và giải quyết tình huống pháp lý phát sinh cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến các lĩnh vực doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp thương mại, thuế, ngân hàng, đất đai, môi trường, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán.

Phân tích, bình luận bản án, quyết định của cơ quan tài phán cũng là điểm nhấn của chương trình đào tạo. Ngoài ra, sinh viên còn biết nghiên cứu, giải quyết những vấn đề pháp lý về tài sản, thừa kế, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình, lao động; kỹ năng đàm phán, thương lượng, soạn thảo hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể.

Sinh viên cũng được hướng dẫn tư vấn và giải quyết các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn kinh doanh thương mại giữa các đối tác trong nước và nước ngoài; tư vấn về hoạt động kinh doanh và áp dụng luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế; đàm phán, ký kết và thực hiện cũng như giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại quốc tế.

Ngoại ngữ:nhóm chuyên ngành này có 3 ngoại ngữ để sinh viên lựa chọn: chuyên tiếng Anh, chuyên tiếng Pháp và chuyên tiếng Nhật.

Nếu chuyên tiếng Anh thì sẽ có khoảng 20% các môn chuyên ngành được giảng, học và thi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ học một số môn luật điển hình của pháp luật nước ngoài theo trường phái thông luật common law (ví dụ:Contract law, Corporation law, Tort law….). Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Anh là 650 TOEIC hoặc tương đương. Với chuẩn ngoại ngữ này, sinh viên có thể tự tin khi công tác ở các công ty, văn phòng nước ngoài. Trên thực tế, đã có nhiều sinh viên vượt chuẩn ngoại ngữ khi còn đang học năm 2, năm 3, nhiều sinh viên thuộc chương trình này có trình độ tiếng Anh rất thành thạo, đạt IELTS 7.0, 7.5 hoặc 8.0.

Đối với chương trình chuyên tiếng Pháp thì sinh viên sẽ được học thêm tiếng Pháp chuyên ngành luật và học một số môn luật nước ngoài hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Pháp là DELF B1, có thể làm việc cho các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng luật sư nước ngoài sử dụng tiếng Pháp, tiếp cận các học bổng du học sau đại học tại châu Âu.

Đối với chương trình chuyên tiếng Nhật thì sinh viên sẽ được học thêm tiếng Nhật phổ thông, sau đó học thêm các môn luật Nhật Bản bằng tiếng Nhật, chủ yếu là luật hiến pháp và luật dân sự Nhật Bản. Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Nhật là JLPT N3. Tổng số tín chỉ của chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật cao hơn chương trình cử nhân Luật đại trà khoảng 40%. Với trình độ ngoại ngữ này, sau khi ra trường sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty Nhật Bản tại Việt Nam (các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ nhận học bổng sau đại học tại Nhật do Bộ Giáo dục Nhật Bản hoặc Đại sứ quán Nhật Bản cấp).

3.2. Chương trình cử nhân Luật Chất lượng cao nhóm chuyên ngành Hành chính – Tư pháp

Khác với Chương trình đào tạo chất lượng cao nhóm chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế; chương trình đào tạo chất lượng cao nhóm chuyên ngành Hành chính – Tư pháp được xây dựng nhằm đào tạo những cử nhân luật chất lượng cao có kiến thức pháp luật về lĩnh vực hành chính, dân sự, hình sự tốt, có kỹ năng thực tiễn để làm việc cho các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính nhà nước.

Về kiến thức luật: Ngoài kiến thức chung đối với tất cả sinh viên ngành luật, sinh viên còn được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật hành chính, dân sự, hình sự, hiến pháp, hành chính và hình sự như pháp luật thanh tra và khiếu nại, tố cáo; thủ tục hành chính; quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; chính quyền địa phương; quyền con người, quyền công dân; Giám định pháp y; Tâm lý học tư pháp; Khoa học điều tra hình sự; Luật thi hành án hình sự; Kỹ thuật soạn thảo văn bản hành chính…

Về kỹ năng: Ngoài những kỹ năng chung đối với tất cả sinh viên ngành luật, sinh viên được rèn luyện thêm các kỹ năng sau: thực hành các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực hành chính và hình sự; tư vấn và thực hiện các thủ tục hành chính,giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của công dân; tư vấnban hành các quyết định quản lý; hoạt động thanh tra.

Ngoại ngữ:Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Anh là 480 TOEIC hoặc tương đương. Do đặc thù đây là nguồn tuyển dụng cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ cơ quan hành chính cho nên chuẩn đầu ra ngoại ngữ có thấp hơn so với chương trình chất lượng cao chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế.

3.3. Chương trình chất lượng cao Quản trị – Luật và chất lượng cao Quản trị kinh doanh

Chương trình đào tạo chất lượng cao Quản trị kinh doanh nhằm mục đích đào tạo các cử nhân Quản trị kinh doanh có kiến thức hiện đại về quản trị kinh doanh với nhiều môn học được tiếp thu giảng dạy bằng giáo trình ở các nước phát triển; có kiến thức thực tiễn và được đào tạo nhiều về thực tiễn, sử dụng thành thạo tiếng Anh đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên chính quy được tuyển vào chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh hàng năm chỉ khoảng trên 100, cho nên chưa thể tuyển sinh đủ số lượng cần thiết để mở lớp chất lượng cao ngành đào tạo là quản trị kinh doanh.

Chương trình đào tạo chất lượng cao Quản trị – Luật là sự kết hợp hai chương trình chất lượng cao Quản trị kinh doanh và chất lượng cao nhóm chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế.

Về kiến thức chuyên môn:chương trình đào tạo chất lượng cao quản trị – luật có mục tiêu đào tạo những cử nhân Luật chất lượng cao và đồng thời cũng là cử nhân Quản trị kinh doanh chất lượng cao. Sinh viên tốt nghiệp không những được trang bị kiến thức pháp luật tốt, hiểu biết thêm pháp luật nước ngoài, có kỹ năng thực tế của người hành nghề luật (như sinh viên chất lượng cao cử nhân Luật nhóm chuyên ngành Luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế) mà còn có kiến thức tốt về quản trị kinh doanh, hiểu biết các kiến thức hiện đại về quản trị kinh doanh ở nước ngoài (chương trình chất lượng cao quản trị kinh doanh) để làm việc thành công trong nhiều môi trường khác nhau trong thực tiễn. Với khối lượng kiến thức như vậy, sinh viên tốt nghiệp chương trình này thực sự sẽ là những người có rất nhiều cơ hội để thành công trong tương lai và đóng góp tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta.

Về kỹ năng: ngoài những kỹ năng của cử nhân luật chất lượng cao, sinh viên còn được học thêm những kỹ năng trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, để giải quyết các vấn đề pháp lý và vấn đề kinh doanh phát sinh trong công việc.

Ngoại ngữ: Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Anh là 650 TOEIC hoặc tương đương.

4. Về công tác tuyển sinh và đào tạo, cấp bằng

Việc tuyển sinh vào các lớp cử nhân luật chất lượng cao được thực hiện trên tinh thần tự nguyện đăng ký của sinh viên và qua kiểm tra tuyển chọn của nhà trường. Không phải sinh viên nào muốn học chương trình chất lượng cao cũng được chấp nhận. Hàng năm, ngay khi tổ chức tiếp sinh, nhà trường tạo điều kiện cho tân sinh viên tìm hiểu về chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường để đăng ký xét tuyển. Sau đó, sẽ tổ chức phỏng vấn và kiểm tra trình độ tiếng Anh, kiểm tra kiến thức tổng hợp bằng việc trả lời nhanh hàng loạt câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức tổng hợp và thiên hướng tư duy. Phòng Đào tạo phối hợp với các đơn vị chức năng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và đánh giá số sinh viên có đơn dự sơ tuyển về trình độ tiếng Anh, thi trắc nghiệm (đánh giá kiến thức chung)và phỏng vấn (đánh giá khả năng tư duy, chỉ số IQ, tư chất và năng khiếu). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Phòng đào tạo cùng Ban điều hành các Chương trình đào tạo đặc biệt sẽ trình Hiệu trưởng quyết định điều kiện tuyển sinh cụ thể hàng năm vào các lớp chất lượng cao.

Hàng năm, trên cơ sở kết quả học tập, Nhà trường sẽ loại một số sinh viên lớp chất lượng cao không đạt kết quả học tập và trình độ ngoại ngữ thích hợp để tiếp tục theo học chương trình chất lượng cao; đồng thời tuyển thêm một số sinh viên các lớp đại trà có kết quả học tập loại khá trở lên và trình độ ngoại ngữ tốt. Vì vậy, không phải đã được vào học lớp chất lượng cao là sẽ theo học suốt chương trình. Sinh viên hệ đại trà được xét tuyển bổ sung vào học lớp chất lượng cao theo nhóm các chuyên ngành Luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế phải có kết quả học tập năm trước loại khá trở lên và trình độ tiếng Anh ở từng năm học như sau: năm thứ 2: đạt từ 480 điểm TOEIC, năm thứ 3: đạt từ 530 điểm TOEIC. Sinh viên nộp chứng chỉ TOEIC hoặc được Phòng Đào tạo phối hợp với đơn vị có chức năng tổ chức kiểm tra trước khi vào học chính thức. Tuy nhiên, số lượng tuyển bổ sung hàng năm sẽ bị giới hạn để đảm bảo sĩ số lớp hợp lý.

Cuối khóa học, sinh viên có thể làm khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật. Cơ hội đạt được học bổng để du học nước ngoải của sinh viên các lớp chất lượng cao rất cao.

Về cấp bằng, danh hiệu khi tốt nghiệp khóa học: chỉ những sinh viên lớp chất lượng cao có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên, đạt yêu cầu về chuẩn tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nhật theo quy định đối với từng khóa học mới được Hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp đại học với danh hiệu “Bằng cử nhân chất lượng cao”. Những sinh viên không đạt chuẩn theo quy chỉ được cấp bằng tốt nghiệp đại học với danh hiệu “Bằng cử nhân”bình thường khi có đủ các điều kiện quy định của chương trình đào tạo hệ chính quy đại trà. Cho đến nay đã có 3 khóa sinh viên cử nhân luật chất lượng cao tốt nghiệp, tất cả đều có việc làm tốt, đặc biệt trong số đó có nhiều bạn đang là nhân tố được đánh giá cao trong các công ty luật nổi tiếng bởi kiến thức, khả năng tư duy xử lý vấn đề và tiếng Anh rất thành thạo.[4]

5. Đội ngũ giảng viên và cố vấn học tập

Giảng viên tham gia giảng dạy, thảo luận các lớp thuộc chương trình đặc biệt phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên (trừ các môn ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng), có uy tín về chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy, có phương pháp và kỹ năng giảng dạy hiện đại. Trong quá trình phân công giờ giảng, ưu tiên phân công các giảng viên có trình độ cao, đã học tập ở nước ngoài, có phương pháp giảng dạy tốt, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy các lớp thuộc chương trình đặc biệt.

Phương pháp giảng dạy phải kết hợp lý thuyết và thảo luận; tăng cường làm việc nhóm và tạo điều kiện cho sinh viên được thảo luận, tranh luận, khuyến khích tính sáng tạo của sinh viên; tạo điều kiện cho sinh viên học tập về kỹ năng… Các giảng viên được Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Phương pháp giảng dạy (AQAC) lấy phiếu đánh giá của sinh viên trong từng học kỳ. Điều này giúp không chỉ nắm được yêu cầu của sinh viên mà con là cơ hội để giảng viên điều chỉnh và hoàn thiện hơn phương pháp giảng dạy.

Ngoài việc được học với những giảng viên trong nước có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên còn tham gia những khóa học ngắn hạn với các giáo sư, luật sư, chuyên gia đến từ các nước có nền giáo dục pháp lý tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Úc, Thụy Điển… (như giáo viên Đại học của Vương quốc Anh, Khoa luật thuộc Trường Quản trị Singapore của Singapore; Đại học Nagoya của Nhật Bản…).

Để đảm bảo quá trình học tập của sinh viên được tốt nhất, đồng thời cũng nhằm khắc phục những khó khăn khi sinh viên gặp phải các vấn đề về chuyên môn hoặc ngoại ngữ, mỗi lớp học sẽ có một cố vấn học tập phụ trách. Cố vấn học tập được chọn từ các giảng viên đã từng học tập và làm việc ở nước ngoài (Mỹ, Australia, Anh, Nhật bản…) nhằm giúp các em nâng cao thêm cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ.

6. Chương trình ngoại khóa

Các buổi ngoại khóa được tổ chức khá thường xuyên và linh động. Chương trình ngoại khóa rất đa dạng, bao gồm các buổi thuyết trình của các giáo sư, luật sư, chuyên gia đến từ các nước phát triển.

 Ban điều hành chương trình chất lượng cao cũng thường xuyên mời các thẩm phán có uy tín và kinh nghiệm, các luật sư có uy tín của các hãng luật nổi tiếng, các nhà quản lý, chuyên gia đến nói chuyện chuyên đề về các vấn đề thực tiễn, giao lưu trao đổi với sinh viên để sinh viên có thêm kiến thức thực tiễn, nắm bắt thêm kỹ năng.

Ngoài ra sinh viên có cơ hội thực hành tư vấn pháp luật ở Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

7. Tài liệu giảng dạy, học tập và cơ sở vật chất

Ngoài bộ giáo trình đã được nhà trường biên soạn phát hành, các lớp thuộc chương trình đặc biệt còn có Bộ Tài liệu giảng dạy riêng, chuyên sâu hơn đáp ứng yêu cầu theo quy định của Ban điều hành các Chương trình đặc biệt. Bộ tài liệu giảng dạy được cập nhật mới nhất theo mỗi học kỳ và cung cấp miễn phí cho sinh viên ngay từ hai tuần đầu của học kỳ. Bộ tài liệu các môn học trong phải được xây dựng với 3 phần cụ thể bao gồm đề cương chi tiết môn học (dưới dạng power point hay word), tài liệu tham khảo (phải liệt kê các văn bản pháp luật, có các vụ việc thực tiễn, các vụ án, bản án, vấn đề pháp lý trong thực tiễn…), hệ thống câu hỏi lý thuyết và bài tập. Mỗi phần đều có quy định rõ các yêu cầu để giảng viên phải soạn theo đúng chuẩn mực tài liệu dành cho chương trình đặc biệt. Phải thể hiện tính nâng cao so với các lớp đại trà, có sự khác biệt nhất định với chương trình giảng dạy cho các lớp đại trà (ví dụ: khác nhau về cấu trúc bài giảng, nội dung giảng…, có phần sinh viên tự học, tự nghiên cứu…). Đặc biệt, các môn học mỗi học kỳ phải cập nhật kiến thức mới, thay đổi ít nhất 30% phần nội dung hoặc câu hỏi lý thuyết lẫn bài tập. Ban điều hành có trách nhiệm thẩm định sự thay đổi này trước khi in ấn phát hành cho sinh viên.

Về cơ sở vật chất, phòng học có trang thiết bị hiện đại, các phòng nhỏ phù hợp cho lớp 40 – 50 sinh viên. Tất cả các phòng học đều được trang bị máy lạnh và thiết bị chiếu PW, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế tốt tạo điều kiện tốt cho việc giảng dạy và học tập của sinh viên.

8. Khó khăn và thách thức

Mặc dù Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo cử nhân chất lượng cao, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra:

+ Thứ nhất, về chương trình đào tạo, các chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao đã được xây dựng từ 2009 và sau đó sửa đổi bổ sung tháng 11 năm 2012. Tuy nhiên mãi cho đến tháng 7 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT quy định về Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Nhìn chung, các chương trình đào tạo chất lượng cao mà Trường đang triển khai đáp ứng các tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học theo như quy định tại Thông tư số 23 /2014/TT-BGDĐT. Tuy nhiên Nhà trường cũng phải hoàn thành các thủ tục, quy trình theo yêu cầu của Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT, mất thời gian nhất định.

+ Thứ hai, về đội ngũ giảng viên, theo quy định của Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT thì giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ thạc sĩ tốt nghiệp ở các trường đại học của các nước phát triển đúng ngành hoặc thuộc ngành gần. Đội ngũ giảng viên của nhà trường gần như đáp ứng đủ tiêu chí này. Tuy vậy, chúng ta cần thấy được thực tế là một môn học cần ít nhất 2 -3 giảng viên; khi mở rộng quy mô đào tạo chất lượng cao với nhiều hơn 7 lớp/năm như hiện nay thì việc đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung đội ngũ giảng viên là điều cần thiết và phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.

Về trình độ ngoại ngữ và cơ sở đào tạo của giảng viên, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 12 Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT thì phải có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng ngoại ngữ, trong đó có ít nhất 1/2 số tín chỉ nêu trên do giảng viên có uy tín của các trường đại học nước ngoài (bao gồm cả giảng viên Việt Nam có quốc tịch nước ngoài) hoặc giảng viên Việt Nam đã tham gia giảng dạy trình độ đại học trở lên ở nước ngoài hoặc giảng viên đã được đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài tham gia giảng dạy. Đây cũng là một thách thức với nhà trường.

Đối với các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh thì giảng viên nhà trường có thể đáp ứng tốt các yêu cầu vì rất nhiều tiến sĩ của Trường đã tốt nghiệp ở các trường đại học nước ngoài; nhưng số lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình chất lượng cao giảng bằng tiếng Pháp còn rất hạn chế; đặc biệt là thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu có thể giảng pháp luật Nhật Bản bằng tiếng Nhật cho chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Nhật.

9. Nhiệm vụ và giải pháp

Nhà trường đang tiến hành các thủ tục, quy trình theo yêu cầu của Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT để hoàn thiện Đề án theo quy định. Đồng thời, Nhà trường rà soát, sửa đổi bổ sung các chương trình đào tạo chất lượng cao để đảm bảo chương trình tuân thủ đúng quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT. Trường sẽ thẩm định đề cương chi tiết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành theo yêu cầu của Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT bởi 2 chuyên gia ngoài cơ sở đào tạo (trong nước hoặc quốc tế) am hiểu lĩnh vực chuyên môn và bổ sung số tín chỉ được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên về chuyên môn, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy. Ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hiện có đáp ứng tốt về yêu cầu chuyên môn, Nhà trường sẽ đào tạo, tìm kiếm bổ sung nguồn nhân lực nhằm tăng cường giảng viên cho các môn học giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Nhà trường sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan, tổ chức, trường đại học ở trong nước và nước ngoài để trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên; trao đổi học hỏi về chương trình và kinh nghiệm đào tạo. Đồng thời, cần tiếp tục mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề cho các lớp chất lượng cao.

Cuối cùng Nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá, tiếp thu phương pháp giảng dạy tiên tiến của nước ngoài, tích cực sử dụng bản án, vụ việc thực tế đưa vào giảng dạy và khuyến khích phương pháp tư duy phản biện của sinh viên.

Kết luận

Là cơ sở đào tạo luật đầu tiên trong cả nước tổ chức đào tạo chương trình cử nhân Luật chất lượng cao với khóa tuyển sinh đầu tiên vào năm 2009, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có thể tự hào rằng, qua hơn gần 7 năm xây dựng và triển khai đào tạo, các lớp chất lượng cao đã chứng minh được hiểu quả thiết thực của chương trình, đạt mục tiêu đề ra. Với vai trò là một trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, Nhà trường đã và sẽ đào tạo được những sinh viên chất lượng cao, nắm chắc kiến thức chuyên môn, hiểu biết thực tiễn và có kỹ năng làm việc, có kỹ năng và phương pháp tư duy năng động; sử dụng tốt ngoại ngữ. Thông qua đó Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ Chiến lược Cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

CHÚ THÍCH

* PGS-TS Luật học, Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban điều hành các chương trình đặc biệt, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

** TS, Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Ví dụ như, Trường Đại học Luật Hà Nội mới chỉ bắt đầu triển khai đào tạo cử nhân luật chất lượng cao từ năm 2014.

[2] Các lớp Chất lượng cao được đào tạo trước đây theo Quyết định số 889/QĐ-CTCLC ngày 29/12/2003 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh chưa đạt được yêu cầu như mong đợi bởi vì nhiều lý do, trong đó có các lý do về cơ chế, chính sách, về giảng viên, về chưong trình đào tạo.

[3] Ngày 29 tháng 09 năm 2011, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Ban Điều hành các Chương trình đặc biệt. Ban Điều hành các Chương trình đặc biệt là bộ phận giúp việc cho Hiệu trưởng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chuẩn chất lượng cao và các chương trình đào tạo đặc biệt khác (bao gồm cả các chương trình đào tạo cử nhân luật tăng cường tiếng Pháp và tăng cường tiếng Nhật).

[4] Khi ra trường (và ngay cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường), sinh viên đã thể hiện được tư duy pháp lý một cách nhạy bén và tự tin trong việc thể hiện quan điểm bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nhật. Nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp đã được nhận vào làm bán thời gian trong các công ty luật có uy tín và nhiều doanh nghiệp lớn.

  • Tác giả: PGS.TS. Bùi Xuân Hải & ThS. Phan Thanh
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016, Trang 14-22
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chuyên mục: Học luật Từ khóa: Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2016

Previous Post: « Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam
Next Post: Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng