Mục lục
Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học
Tác giả: PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển
TÓM TẮT
Bài viết điểm lại những thành tựu trong công tác đào tạo chính quy trình độ đại học của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trong 20 năm kể từ khi được thành lập trên cơ sở hợp nhất Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc khẳng định những bước phát triển vượt bậc của Nhà trường trong hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo, bài viết chỉ ra những điểm còn hạn chế và đề xuất các giải pháp khắp phục để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trở thành một trong các cơ sở đào tạo luật trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, giữ thứ hạng cao trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước, từng bước sánh vai cùng các trường đại học trong khu vực.
Xem thêm bài viết về “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM – TS. Bùi Xuân Hải & ThS. Phan Thanh
- Sứ mạng đào tạo sau đại học của trường Đại học Luật TP. HCM – GS.TS. Mai Hồng Quỳ & ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1234/QĐ-TTg ngày 30/3/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở hợp nhất Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội)và Khoa Luật (thuộc Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh). Hiện nay, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trải qua chặng đường 20 năm phát triển, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn nhất ở khu vực phía Nam, hướng đến hội nhập với các trường đại học có uy tín về đào tạo pháp luật trong khu vực và trên thế giới.
Công tác đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ở Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 1996-2016 diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều thay đổi của môi trường kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế nói chung, của giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Hàng loạt vấn đề mới của giáo dục đại học xuất hiện trong các trường đại học ở Việt Nam nói chung và ở Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Các yêu cầu về kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, xếp hạng trường đại học, công bố quốc tế, tham gia vào mạng lưới trường đại học, đào tạo theo học chế tín chỉ, internet và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục đại học, đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của người học… đã làm thay đổi “định hướng hoạt động thường niên” của trường và tác động mạnh đến nhận thức của giảng viên, sinh viên Nhà trường; cơ cấu ngành đào tạo của trường cũng có sự thay đổi, chiến lược phát triển cũng được đặt trong tổng thể chung, phù hợp với sứ mệnh và chiến lược phát triển của đất nước.
Với những đặc điểm nêu trên, trong 20 năm qua, Chiến lược phát triển của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là phát triển thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và tiên phong trong đổi mới, hội nhập với giáo dục đại học quốc tế. Chiến lược đó luôn được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động trong từng giai đoạn cụ thể, được triển khai đồng bộ trên tất cả các phương diện, từ chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương thức tuyển sinh, phương thức tổ chức, quản lý đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo với mục tiêu những năm đầu là giữ vững chất lượng đào tạo, sau đó nâng cao và mở rộng cơ cấu ngành đào tạo, chương trình đào tạo đến mục tiêu phát triển các ngành đào tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn 1996-2016, đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ở Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành quả rất cơ bản, góp phần đưa Nhà trường trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.
1. Kết quả thực hiện công tác đào tạo
1.1. Xây dựng và từng bước phát triển hoạt động đào tạo theo hướng đa ngành, đảm bảo quy mô đào tạo hợp lý
Năm 1996, Nhà trường bắt đầu đi vào hoạt động với nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và đào tạo đơn ngành (ngành Luật), với nhiều chương trình và hình thức đào tạo (chính quy, chính quy bán thời gian, mở rộng, chuyên tu, hoàn chỉnh đại học chính quy). Việc xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, với nguyên tắc đảm bảo chất lượng và có tính khả thi, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Hội đồng Khoa học – Đào tạo, cựu sinh viên, giảng viên, các đơn vị tuyển dụng, các chuyên gia và có sự tham khảo các chương trình đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Từ năm 2009, với định hướng từng bước chuyển hướng đào tạo từ đơn ngành sang đào tạo đa ngành, đến nay Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo 4 ngành ở trình độ đại học hệ chính quy, với nhiều chương trình đào tạo.
Như vậy, nếu như trước năm 2009, ở trình độ đại học hệ chính quy, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh chỉ đào tạo ngành Luật,[1] với 05 chuyên ngành: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Quốc tế, Luật Hành chính và Luật Hình sự,[2] thì từ năm 2009 đến nay, Nhà trường cơ bản trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.[3] Ngoài 4 ngành đào tạo (Luật, Quản trị – Luật, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh), Nhà trường cũng đã xây dựng xong Đề án Đăng ký mở ngành đào tạo Luật Thương mại quốc tế,[4] trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho phép tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2016-2017.
Trong 20 năm qua, Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 29.308sinh viên hệ chính quy, trong đó hình thức văn bằng 1 có 25.780 sinh viên, hình thức văn bằng 2 có 3.136 sinh viên và hệ cử tuyển có 392 sinh viên. Chỉ tiêu tuyển mới của Nhà trường đối với trình độ đại học hệ chính quy được giữ ổn định trong 7 năm gần đây.[5] Tính đến ngày 31/12/2015, quy mô sinh viên đại học hệ chính quy của Nhà trường là8.514sinh viên, trong đó có 6.817 sinh viên văn bằng 1, 1.590 sinh viên văn bằng 2 và 107 sinh viên hệ cử tuyển.
Như vậy, nếu lấy số sinh viên được tuyển mới (thực tuyển) và quy mô sinh viên của năm 2015 để so sánh với năm 2006 thì số lượng sinh viên tuyển mới tăng gấp 2,09 lần (1.914/ 1.009) và quy mô đào tạo tăng gấp1,9 lần (8.514/ 4.071). Các ngành đào tạo của Trường được phát triển theo nhóm khoa học pháp lý và nhân văn hướng đến mục tiêu thực thi nhiệm vụ là sứ mệnh đầu tàu trong giáo dục đại học về lĩnh vực pháp luật ở khu vực phía Nam, đáp ứng các nhu cầu trực tiếp của xã hội dựa vào khả năng đáp ứng tốt nhất của nền tảng học thuật và nhân lực của Nhà trường.
1.2. Chương trình đào tạo phong phú, đa dạng và có chất lượng
1.2.1. Các chương trình đào tạo đại trà
Chương trình đào tạo của các ngành của Trường được xây dựng trên cơ sở quy định về chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Về cấu trúc, khối lượng kiến thức tối thiểu và năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp, các chương trình đào tạo của Nhà trường đáp ứng chương trình giáo dục trình độ đại học theo Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.[6] Ngoài ra, khi xây dựng mới cũng như sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo, Nhà trường cũng tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của một số nước trên thế giới (Nga, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Úc, Singapore) và của một số trường uy tín trong nước có cùng ngành đào tạo (Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh); lấy ý kiến của cựu sinh viên, của đơn vị sử dụng lao động, của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm, của các chuyên gia… khi xác định thời lượng của chương trình đào tạo, thời lượng của từng học phần, hàm lượng kiến thức của từng học phần; sự hợp lý của các học phần trong chương trình đào tạo, trong việc sắp xếp các khối kiến thức.
Theo đó, hiện nay, đối với bậc đào tạo đại học hệ chính quy, Nhà trường có 5 chương trình đào tạo,[7] áp dụng cho 4 ngành đào tạo: Luật, Quản trị – Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh. Trong đó đáng chú ý là chương trình đào tạo ngành Luật hình thức văn bằng 2 và chương trình đào tạo ngành Quản trị – Luật đã góp phần tạo được uy tín, danh tiếng và thế mạnh trong đào tạo mũi nhọn của Nhà trường. Ngành Quản trị – Luật, tính đến thời điểm hiện nay, là ngành đang được đào tạo duy nhất tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang bị cho sinh viên 02 khối kiến thức ở 02 lĩnh vực là: Kinh doanh – Quản lý và Luật. Đây là hai khối kiến thức cần phải có của những người làm công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh, lập kế hoạch và ra quyết định quản trị trong môi trường hiện đại…
Chương trình đào tạo của mỗi ngành học được xác định rõ. Mục tiêu của chương trình đào tạo đều thể hiện rõ khối lượng kiến thức toàn khóa học, chuẩn kiến thức tối thiểu, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của sinh viên khi ra trường; xác định rõ tỷ lệ khối lượng kiến thức lý thuyết và thảo luận của từng học phần; kế hoạch đào tạo chi tiết theo từng học kỳ; phương pháp và cách thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên; các điều kiện thực hiện chương trình… và một số ưu thế của từng chương trình, ngành đào tạo.[8]
Mỗi ngành được gắn với một chương trình đào tạo (ngành Ngôn ngữ Anh) hoặc với một vài chương trình đào tạo[9] (ngành Luật, Quản trị – Luật và Quản trị kinh doanh) và được cấu trúc từ các học phần thuộc hai khối kiến thức: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp. Đề cương chi tiết của từng học phần đã thể hiện rõ số lượng tín chỉ, điều kiện tiên quyết, mục tiêu của học phần, nội dung lý thuyết và thảo luận, cách thức đánh giá học phần, giáo trình, tài liệu tham khảo và giảng viên, bộ môn phụ trách học phần.
Chương trình đào tạo của các ngành đào tạo được định kỳ sửa đổi, bổ sung dựa trên cơ sở tham khảo chương trình tiên tiến, tham khảo ý kiến các bên liên quan (sinh viên, cựu sinh viên, đơn vị sử dụng lao động) nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của Tp. Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước. Hàng năm, các chương trình đào tạo đều được Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường xem xét, rà roát để sửa đổi, bổ sung, tái cấu trúc sao cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo[10] và đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
1.2.2. Các chương trình đào tạo đặc biệt
Bên cạnh các chương trình đào tạo đại trà, để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao theo nhu cầu của xã hội và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2003, Nhà trường đã mở lớp cử nhân chất lượng cao ngành Luật cho sinh viên hệ chính quy Khóa 28, Khóa học 2003-2007 (bắt đầu tuyển từ học kỳ 2 năm học 2003-2004, với 17 sinh viên). Từ năm 2012, trên cơ sở đánh giá của sinh viên, phụ huynh và nhà tuyển dụng lao động, Nhà trường đã xây dựng và ban hành các chương trình chất lượng cao trình độ đại học hệ chính quy, bao gồm các các ngành: Luật, Luật Thương mại – Dân sự – Quốc tế; Luật Hành chính – Tư pháp; Luật Tăng cường tiếng Pháp (AUF); Luật Tăng cường tiếng Nhật (CJL). Bên cạnh đó, Nhà trường đã ban hành chương trình đào tạo chất lượng cao các ngành: Quản trị – Luật, Quản trị kinh doanh (Gọi chung là các Chương trình đào tạo đặc biệt).
Trong số các chương trình đào tạo chất lượng cao, đáng chú ý là chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật, nhóm các chuyên ngành Hành chính – Tư pháp đã tạo được uy tín, danh tiếng của Nhà trường. Chương trình này được xây dựng nhằm thực hiện sứ mạng của Nhà trường trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu đào tạo chất lượng cao tập trung vào: (i) Kiến thức luật, (ii) Rèn luyện kỹ năng thực hành nghề luật, và (iii) Sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật (tùy vào từng chương trình) thành thạo. Đồng thời, trong mỗi chương trình đều có mục tiêu chuyên biệt, thể hiện sự khác biệt của từng Chương trình. Cụ thể:
(i) Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật, nhóm chuyên ngành Hành chính – Tư pháp[11] cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, công an, thi hành án dân sự, các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng luật sư…
(ii) Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật, nhóm chuyên ngành Thương mại – Dân sự – Quốc tế[12] cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế;
(iii) Trong chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Pháp và tăng cường tiếng Nhật, sinh viên sẽ được học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật và được học một số môn luật bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật; khi tốt nghiệp sinh viện có thể sử dụng thành thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp trong công việc, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế hoặc du học nước ngoài.
Hàng năm, Nhà trường tuyển khoảng 280 – 330[13] sinh viên vào học tại các lớp theo chương trình chất lượng cao bằng hình thức sơ tuyển từ những sinh viên đã trúng tuyển vào Trường và nhập học theo đúng ngành đã đăng ký thi tuyển (hoặc xét tuyển). Nội dung sơ tuyển bao gồm: kiểm tra trình độ tiếng Anh, thi trắc nghiệm và phỏng vấn (nhằm đánh giá khả năng tư duy, chỉ số IQ, tư chất và năng khiếu). Sinh viên theo học các lớp này được Nhà trường bố trí học tại các phòng học có tiêu chuẩn cao, với các phương tiện nghe nhìn hiện đại, số lượng sinh viên mỗi lớp ít (khoảng 50 người). Sinh viên thuộc chương trình đào tạo đặc biệt được học tập, được hướng dẫn thảo luận bởi các giảng viên, chuyên gia có uy tín và có nhiều kinh nghiệm.
Theo Quy định về Đào tạo trình độ đại học hệ chính quy các chương trình đào tạo đặc biệt, sinh viên được giảng viên hướng dẫn và rèn luyện các kỹ năng thực hành, được viết khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng nước ngoài khi đạt được điều kiện theo quy định của Nhà trường. Ngoài ra, sinh viên còn được ưu tiên tham dự các hội thảo trong nước và quốc tế do Nhà trường và các trường đối tác tổ chức; được xét cho hưởng các loại học bổng do các tổ chức, cá nhân ngoài trường tài trợ; giao lưu với giáo sư, luật sư, sinh viên nước ngoài và được xét cấp học bổng du học nước ngoài và xét tuyển để trở thành viên chức của Nhà trường. Tốt nghiệp khóa học, sinh viên được cấp bằng đại học với danh hiệu “Bằng cử nhân chất lượng cao”khi có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên và đạt yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ quy định đối với từng khóa học.
1.3. Chuẩn hóa công tác tổ chức và quản lý đào tạo
Quản lý đào tạo là hoạt động quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệu vụ, quyền hạn và hiện thực hóa sứ mạng của Nhà trường, tạo nên uy tín, danh tiếng và là sự kiểm chứng thực tế cho chất lượng và tính phù hợp, tính hiện đại và tính hội nhập của chương trình đào tạo đối với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động đào tạo không thể tự vận hành, khó có thể đảm bảo chất lượng nếu không được kiểm định theo một quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn nhất định.
Để chuẩn hóa và hiện đại hóa công tác tổ chức, quản lý đào tạo của Nhà trường khi chuyển sang phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ,[14] cơ cấu và cách thức tổ chức, quản lý đào tạo đã phải được thay đổi cho phù hợp. Nhà trường đã tổ chức những chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm về tổ chức đào tạo theo tín chỉ ở một số trường đại học trong nước như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và ở một số trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ, Úc. Từ các kinh nghiệm này, Nhà trường đã xây dựng được lộ trình chuyển đổi công tác tổ chức và quản lý đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ hợp lý. Từ mô hình quản lý đào tạo trong đó hầu hết công việc thường xuyên là ủy thác cho Phòng Đào tạo, giờ đây có sự phân công và phối hợp giữa phòng chức năng với các đơn vị phục vụ hoạt động đào tạo. Phương thức này đã nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, quản lý và phục vụ đào tạo của toàn trường; xây dựng và hoàn thiện các quy trình tác nghiệp tổ chức, quản lý, nâng cao tính chủ động trong học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng như chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động đào tạo.
Trên cơ sở Quy chế Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Nhà trường thực hiện kế hoạch xây dựng và công bố đầy đủ chương trình đào tạo và Quy chế Đào tạo tại Phòng Đào tạo và ở các Khoa và Bộ môn trên website của Trường và của khoa. Trường áp dụng cách thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên phù hợp với thông lệ quốc tế theo các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và công bố công khai vào đầu khóa học để sinh viên biết và thực hiện. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn của từng loại hình đào tạo và để phù hợp với nhu cầu của người học, hiện nay, đối với đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, Nhà trường vẫn đang áp dụng song song cả 2 phương thức đào tạo: niên chế(áp dụng đối với hình thức văn bằng 2) và tín chỉ(áp dụng đối với hình thức văn bằng 1). Tuy nhiên, khi áp dụng phương thức đào tạo theo niên chế đối với loại hình đào tạo hình thức văn bằng 2, Nhà trường cũng có những quy định mềm dẻo, linh hoạt trên cơ sở kết hợp niên chế với học chế tín chỉ.
Những hoạt động cốt lõi của quy trình tổ chức đào tạo mới như đăng ký học phần, đăng ký học lại, học cải thiện điểm, phân công và theo dõi lịch giảng của giảng viên, tổ chức thi, quản lý học vụ, xét tốt nghiệp đều được triển khai thực hiện và kiểm soát bằng công nghệ thông tin thông qua phân hệ “quản lý đào tạo và quản lý người học” của Công ty Pyramid Software & Consulting (viết tắt PSC) – nhà cung cấp giải pháp hệ thống thông tin tổng thể quản trị trường đại học/cao đẳng có uy tín ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Về cơ bản, phần mềm chuyên dụng này đã giúp cho việc cập nhật và lưu giữ hồ sơ đầy đủ, chính xác; kết quả học tập, học phí, khen thưởng, kỷ luật, nghiên cứu khoa học của người học được thông tin kịp thời, đầy đủ, từ đó, thiết lập được nguồn cơ sở dữ liệu phong phú về người học, thuận tiện cho công tác đánh giá người học sau khi tốt nghiệp. Ngoài phần mềm này, Nhà trường đã triệt để áp dụng và áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào việc đăng tải các thông báo, các quy định liên quan đến việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, trong đó có việc sử dụng hệ thống hộp thư điện tử của Trường để đảm bảo việc liên lạc, chuyển tải thông tin thường xuyên giữa sinh viên, cố vấn học tập và Nhà trường.
1.4. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội
Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đại học đang là một trong những xu thế toàn cầu, đó là xu thế tăng cường sự gắn kết giữa Chính phủ, trường đại học và các tổ chức kinh tế – xã hội, nhằm tạo nên những thay đổi căn bản trong phương thức hoạt động, tổ chức quản lý và cấu trúc nguồn lực, hướng tới mục tiêu tối thượng là chất lượng sản phẩm đào tạo. Với nhận thức đó, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội, thực hiện sứ mạng là một trong hai trường đại học trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật của cả nước, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tích cực đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong khuôn khổ của các quy định pháp luật. Từ chỗ chỉ có một hình thức đào tạo chính quy dành cho học sinh phổ thông, từ năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cao tính thích ứng của nguồn nhân lực ngành Luật trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Nhà trường đã thực hiện theo đúng quy trình để tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học hệ chính quy hình thức văn bằng 2 ngành Luật, dành cho những đối tượng đã tốt nghiệp một bằng đại học hệ chính quy thuộc các nhóm ngành kinh tế, tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, xã hội nhân văn… Tính đến ngày 31/12/2015, Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 8 khóa, với 3.136 sinh viên theo học, trong đó đã có 5 khóa tốt nghiệp, với 770 sinh viên được nhận bằng thứ 2 – Bằng cử nhân ngành Luật. Trong quá trình tổ chức đào tạo, các quy định, quy chế về hoạt động đào tạo của các hình thức đào tạo luôn được Nhà trường tuân thủ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có việc tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu đã đăng ký.
Công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy hình thức văn bằng 1 của Nhà trường trong thời gian qua tương đối thuận lợi. Với uy tín và thương hiệu của mình, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh. Thí sinh đăng ký dự thi, xét tuyển vào Trường ngày càng nhiều, điểm chuẩn trúng truyển ngày càng cao, chất lượng đầu vào của sinh viên ngày càng được nâng lên. Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều sớm tìm được việc làm theo đúng chuyên môn được đào tạo tại Trường. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trường, trong 5 năm gần đây (năm 2010, 2011, 2012, 2013 và 2014) về việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên cho thấy, tỷ lệ bình quân sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp là 88,18%, trong đó tỷ lệ trung bình sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo là 84,2%. Kiến thức và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh[15] được các đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động đánh giá cao.[16]
Trong những năm qua, với tinh thần cầu thị, trên cơ sở ý kiến phản hồi của các nhà tuyển dụng và của cựu sinh viên, dự báo và nắm bắt nhu cầu xã hội (bao gồm cả nhu cầu của các đại học đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam), Nhà trường đã có những điều chỉnh và phát triển chương trình đào tạo một cách mạnh mẽ, với những mô hình và phương thức tuyển sinh phong phú, đa dạng. Theo đó, mô hình đào tạo bằng kép được áp dụng đối với sinh viên ngành Quản trị – Luật, sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện tốt nghiệp, sinh viên được nhận 2 văn bằng: bằng cử nhân ngành Luật và bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh; hay mô hình xét tuyển đầu vào ngành Luật theo hình thức văn bằng 2 dành cho sinh viên của Trường đã tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ngành Ngôn ngữ Anh. Ngoài ra, việc một số môn học mang tính thực tiễn còn có sự tham gia giảng dạy của nhà doanh nghiệp, luật sư, thẩm phán… là biểu hiện cụ thể của việc tiếp cận những tiêu chuẩn CDIO[17] nhằm tạo nên các chương trình đào tạo chuẩn, mềm dẻo và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu xã hội.
1.5. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và thực hiện việc đánh giá trình độ ngoại ngữ của sinh viên theo chuẩn quốc tế
Theo quy định của Nhà trường, bên cạnh chuẩn ngoại ngữ đầu ra của sinh viên hệ chính quy là tiếng Anh theo chương trình TOEIC quốc tế (hoặc TOEFL, IELTS và các tiêu chuẩn quốc tế tương đương) với số điểm dao động từ 450-600 điểm[18] (tùy theo ngành, khoa chuyên ngành hoặc chương trình đào tạo sinh viên theo học), Nhà trường công nhận sinh viên đạt chuẩn về ngoại ngữ nếu đạt được trình độ nhất định về tiếng Pháp và tiếng Nhật đối với những sinh viên theo học chương trình đào tạo đặc biệt tăng cường tiếng Pháp (AUF)[19] và tăng cường tiếng Nhật (CJL).[20]
Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành được chuẩn đầu ra về trình độ tiếng Anh, Nhà trường đã liên kết với Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS), Hệ thống Trường Việt – Mỹ (VASS) triển khai đào tạo tiếng Anh theo chương trình TOEIC quốc tế ngay tại trường ở cả 2 cơ sở (Nguyễn Tất Thành và Bình Triệu), với những ưu đãi về học phí.[21] Tính đến ngày 31/12/2015, VUS và VASS đã tham gia kiểm tra trình độ, xếp lớp và đào tạo cho 10.559 sinh viên hệ chính quy của Trường, trong đó có 6.383 sinh viên văn bằng 1 và 4.176 sinh viên văn bằng 2. Đồng thời, để tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình theo học có nhu cầu đánh giá trình độ tiếng Anh của mình, Nhà trường đã liên kết với Công ty Đầu tư quốc tế (tên tiếng Anh: International Investment Group) (viết tắt là IIG Việt Nam), đại diện chính thức của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tại Việt Nam tổ chức đăng ký, thi và trả kết quả TOEIC quốc tế tại Trường cho sinh viên.[22] Tính từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2015, Nhà trường đã liên kết với IIG Việt Nam tổ chức 42 đợt thi và cấp phiếu kết quả thi cho 10.578 lượt sinh viên đăng ký dự thi TOEIC Tại trường.
Việc liên kết đào tạo và tổ chức thi, đánh giá trình độ tiếng Anh theo chuẩn TOEIC quốc tế cho sinh viên tại Trường đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên trong quá trình theo học, góp phần tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
2. Những hạn chế và hướng khắc phục
2.1. Về ngành đào tạo
2.1.1. Một số hạn chế
Mặc dù Nhà trường xác định mục tiêu xây dựng một đại học đa ngành và đa lĩnh vực, do những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên nên tiến độ của việc chuyển hướng sang đào tạo đa ngành còn chậm. Hiện nay, Nhà trường chỉ mới đào tạo được 4 ngành. Việc tiếp tục mở thêm ngành mới và hoạt động thu hút người học vào những ngành mới này của Nhà trường đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và những nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo Nhà trường, của đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ hỗ trợ.
2.1.2. Hướng khắc phục
Nhà trường đang có kế hoạch hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án, mở thêm các ngành mới gồm: Quản lý Nhà nước, Chính trị học và Quan hệ quốc tế.
2.2 Về áp dụng học chế tín chỉ
2.2.1. Một số hạn chế
Do điều kiện cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên còn một số hạn chế nhất định nên việc áp dụng theo học chế tín chỉ chưa được triệt để, một số nội dung còn áp dụng theo quy định về đào tạo theo niên chế, ví dụ như: sinh viên chưa được lựa chọn giảng viên giảng dạy, sinh viên chưa được đăng ký học vượt số tín chỉ của học kỳ. Về chương trình đào tạo, mặc dù Nhà trường đã quyết định bỏ hình thức thi tốt nghiệp cuối khóa cho sinh viên, nhưng các học phần chuyên môn thay thế cho các môn thi tốt nghiệp chưa được bổ sung kịp thời.
2.2.2. Hướng khắc phục
Trong năm 2016, Nhà trường sẽ tiến hành rà soát, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định về công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tiến tới áp dụng cơ bản các quy định cần thiết về đào tạo theo học chế tín chỉ, tạo thuận lợi cho việc người học chủ động lựa chọn giảng viên, lựa chọn thời gian học tập phù hợp với bản thân, lựa chọn học phần để tích lũy ở từng học kỳ/ năm học cũng như liên thông giữa các ngành nghề đào tạo trong cùng khối ngành, đồng thời, tích cực khắc phục hạn chế như đã nêu trên về vấn đề này.
2.3. Về chương trình đào tạo và việc thực hiện mục tiêu đáp ứng yêu cầu xã hội
2.3.1. Một số hạn chế
Trong quá trình xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, dù Trường đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, nhưng hoạt động này chưa được thực hiện trên quy mô rộng và thường xuyên, việc thu thập và tham khảo các chương trình đào tạo khác chưa thực sự đầy đủ và khoa học. Các hình thức đào tạo trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh và hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đã được thực hiện, song chưa mang tính đột phá và thực sự có hiệu quả.
2.3.2. Hướng khắc phục
Từ năm học 2016-2017, Nhà trường sẽ tạo diễn đàn (forum) trên website của Trường để người học, giảng viên và nhà tuyển dụng có thể trao đổi, góp ý kiến về các chương trình đào tạo. Nhà trường dự kiến định kỳ 4 năm hoặc 5 năm (tùy chương trình đào tạo) sẽ tổ chức lấy ý kiến phản hồi rộng rãi của những đối tượng trên để bổ sung, điều chỉnh các chương trình đào tạo của Trường cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Nhà trường sẽ mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới để đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy; mở rộng hình thức đào tạo các chương trình trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh; tiếp thu có chọn lọc các chương trình đào tạo tiên tiến. Trước mắt, Trường đẩy mạnh các chương trình trao đổi sinh viên sẵn có với đại học Nagoya, các đại học sử dụng tiếng Pháp và các nước khác trong khu vực, tăng cường trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên của Trường với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài, cụ thể là các trường đã có hoạt động hợp tác với Nhà trường như: các trường đại học trong hệ thống AUF (Pháp), các trường trong Đại học London, Đại học Tây Anh Quốc (Vương quốc Anh), Đại học San Francisco, Đại học Wisconsin, Đại học St. John’s (Hoa Kỳ), Đại học Nagoya (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Đại học Malaya (Malaysia). Nhà trường cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng đàm phán quốc tế, đào tạo kiến thức pháp luật thực định của Anh, Mỹ, Úc, Nhật, Trung Quốc cho các doanh nghiệp với các giảng viên là các luật sư nước ngoài, các chuyên viên hợp tác kinh tế quốc tế của Chính phủ…
2.4. Về công tác tổ chức và quản lý đào tạo
2.4.1. Một số hạn chế
Công tác tin học hóa trong quản lý của Nhà trường đã được thực hiện, nhưng chưa được triệt để và toàn diện. Cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của Trường hiện đã có nhưng số liệu còn nằm rải rác ở nhiều đơn vị và việc lưu trữ chưa được đồng bộ hóa; chưa có cơ chế giám sát việc truy cập và nắm bắt thông tin của cán bộ, giảng viên. Những hạn chế đó một phần dẫn đến việc số cán bộ, giảng viên chưa thường xuyên truy cập thông tin trên website của Trường. Bên cạnh đó, việc chấm điểm một số môn học, việc nộp điểm kiểm tra bộ phận, điểm thi kết thúc học phần cho Phòng Đào tạo chưa đúng thời hạn quy định. Việc không thực hiện đúng tiến độ đó, mặc dù không ảnh hưởng quá trình đăng ký học lại, học cải thiện của sinh viên, nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên.
2.4.2. Hướng khắc phục
Nhà trường cần có cơ chế cụ thể để giám sát việc thực thi các quy định do Nhà trường ban hành, tăng cường hơn nữa tin học hóa trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo của Trường, thực hiện tốt công tác quản lý và bổ sung cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo hàng năm. Đồng thời, Trường cần tăng cường tập huấn công nghệ thông tin cho tất cả cán bộ, giảng viên. Ngoài ra, các đơn vị liên quan như: Phòng Đào tạo, Trung tâm Khảo thí và các Khoa, Bộ môn, Trung tâm cần phối kết hợp để giám sát chặt chẽ quá trình chấm, gửi kết quả bài kiểm tra, bài thi kết thúc học phần của giảng viên theo đúng thời hạn quy định. Đồng thời, Nhà trường cần sớm làm việc với Công ty PSC thiết kế các giải pháp nhằm cảnh báo những trường hợp sắp hết hạn nộp kết quả điểm học tập của giảng viên.
2.5. Về công tác đào tạo và đánh giá trình độ ngoại ngữ
2.5.1. Một số hạn chế
Hiện nay, Nhà trường đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên tất cả các hình thức đào tạo hệ chính quy chủ yếu là tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, do khá nhiều sinh viên của Trường đến từ các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nên chưa có điều kiện để được học tập ngoại ngữ khi trước khi vào Trường, xuất phát điểm về trình độ ngoại ngữ họ còn thấp. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Nhà trường. Sau 4 năm áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế (từ năm 2012), tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện về ngoại ngữ để tốt nghiệp và được nhận bằng đúng thời hạn theo khóa học còn hạn chế, trung bình khoảng 57,25%[23] .
2.5.2. Hướng khắc phục
Nhà trường sẽ có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ thí sinh trúng tuyển hàng năm một cách hợp lý, ưu tiên tuyển thí sinh khối D1(Toán – Văn – tiếng Anh)và khối A1(Toán – Lý – tiếng Anh). Đồng thời, Nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với VASS để thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo tiếng Anh, có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được học ngoại ngữ tại Trường với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của phần đông sinh viên.
[23] Tỷ lệ sinh viên các khóa học tốt nghiệp hàng năm như sau: năm 2012: tốt nghiệp 47%, năm 2013: tốt nghiệp 53%, năm 2014: tốt nghiệp 62% và năm 2015: tốt nghiệp 67% .
3. Kết luận
Sau 20 năm thành lập và phát triển, tuy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, nhưng nhìn chung công tác đào tạo đại học hệ chính quy của Nhà trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều phương diện.
Với định hướng phát triển rõ ràng, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy – Ban Giám hiệu, cùng với sự đồng lòng chung sức của toàn thể cán bộ, giảng viên, chuyên viên Nhà trường, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng Nhà trường sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trở thành một cơ sở đào tạo luật trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, giữ thứ hạng cao trong số các cơ sở giáo dục đại học trong nước, từng bước sánh vai cùng các trường đại học khu vực.
CHÚ THÍCH
[1] Cụ thể, năm 2009, Trường đã xây dựng Đề án, xây dựng Chương trình và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho phép tuyển sinh và đào tạo ngành Quản trị – Luật, với mục tiêu đào tạo đội ngũ cử nhân trình độ đại học vừa có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, vừa có kiến thức tốt về kinh tế và quản trị. Đến năm 2011, Trường mở thêm ngành đào tạo thứ 3 là ngành Quản trị kinh doanh, với mục tiêu đào tạo đội ngũ cử nhân kinh tế có am hiểu về công tác quản trị, lập kế hoạch và ra quyết định; và có khả năng vận dụng tốt kiến thức pháp luật để phục vụ cho hoạt động kinh doanh sau khi tốt nghiệp. Tiếp sau đó, năm 2013, Nhà trường mở thêm ngành Ngôn ngữ Anh – chuyên ngành Anh văn pháp lý.
[2] Năm 1996, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chỉ có 02 chương trình đào tạo ngành Luật ở trình độ trung cấp và đại học với 2 loại hình đào tạo là chính quy và vừa làm vừa học.
[3] Tính đến năm 2013, Nhà trường đã đào tạo đa ngành (gồm các ngành: Luật, Quản trị – Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh), đa lĩnh vực (gồm các lĩnh vực: Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật, Nhân văn).
[4] Ngày 12/01/2016, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn số 041/CV-ĐHL về việc đăng ký mở ngành đào tạo Luật Thương mại quốc tế trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế đã được Hội đồng Khoa học và Đào tạo thông qua và Hiệu trưởng Nhà trường ký quyết định ban hành thì thời gian đào tạo ngành này là 4,0 năm, với 125 tín chỉ. Trong đó có 27 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương và 98 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp(chưa kể 11 tín chỉ thuộc kiến thức giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng – an ninh; và 5/13 chuyên đề được giảng dạy bằng tiếng Anh).
[5] Từ năm 2011 đến nay, chỉ tiêu tuyển mới của Nhà trường là 1.500 chỉ tiêu, đào tạo các ngành: Luật (1.250 chỉ tiêu), Quản trị – Luật (100 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (100 chỉ tiêu)và Ngôn ngữ Anh (50 chỉ tiêu).
[6] Quy chế này được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012, có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2013.
[7] 5 chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính của Trường, bao gồm: ngành Luật hình thức văn bằng 1, ngành Luật hình thức văn bằng 2, ngành Quản trị – Luật, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh.
[8] Chẳng hạn như đối với chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Quản trị kinh doanh thì ngoài kiến thức ngành mà sinh viên được trang bị theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên của 02 ngành này theo học tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh còn được cung cấp một lượng kiến thức cơ bản pháp luật về kinh doanh, đầu tư, giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, nếu muốn nâng cao hơn nữa kiến thức pháp lý hoặc đi sâu vào lĩnh vực pháp luật sẽ được học theo hình thức văn bằng 2 hệ chính quy ngành Luật, với những thuận lợi như: được xét miễn thi tuyển đầu vào, thời gian đào tạo chỉ 2,0 năm (trong khi với những người tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh và Quản trị kinh doanh từ các trường đại học khác thì để theo học và nhận bằng cử nhân hệ chính quy ngành Luật theo hình thức văn bằng 2, người học phải dự thi đầu vào và thời gian đào tạo là 2,5 năm).
[9] Vừa có chương trình đào tạo đại trà và vừa có chương trình đào tạo chất lượng cao, gồm: ngành Luật chất lượng cao Thương mại – Dân sự – Quốc tế, ngành Luật chất lượng cao Hành chính – Tư pháp, ngành Luật chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, ngành Luật chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật, ngành Quản trị – Luật chất lượng cao và ngành Quản trị kinh doanh chất lượng cao.
[10] Khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đều đảm bảo số tín chỉ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là: thời gian đào tạo 4,0 năm thì khối lượng kiến thức tích lũy tối thiểu là 120 tín chỉ và thời gian đào tạo 5,0 năm thì khối lượng kiến thức tích lũy tối thiểu là 140 tín chỉ. Theo đó, đối với ngành Quản trị – Luật: thời gian đào tạo là 5,0 năm với 178 tín chỉ; ngành Luật hình thức văn bằng 1: thời gian đào tạo là 4,0 năm với 120 tín chỉ; ngành Luật hình thức văn bằng 2: thời gian đào tạo là 2,5 năm với 110 đvht; ngành Quản trị kinh doanh: thời gian đào tạo là 4,0 năm với 120 tín chỉ; và ngành Ngôn ngữ Anh: thời gian đào tạo là 4,0 năm với 130 tín chỉ.
[11] Chương trình này có: (i) bổ sung thêm một số môn học mới; (ii) thay đổi nội dung giảng dạy các môn học so với các lớp đại trà hiện nay; (iii) tăng cường đào tạo về kỹ năng thực hành nghề luật thông qua việc mời các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên… cùng tham gia giảng dạy với giảng viên của Trường; và (iv) chuẩn đầu ra tiếng Anh tối thiểu phải đạt 530 điểm theo chuẩn TOEIC quốc tế, sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công việc.
[12] Chương trình này có: (i) tăng cường các môn về kỹ năng thực hành nghề luật; (ii) sinh viên được học và thực hành tiếng Anh pháp lý thông qua việc học tập một số môn chuyên ngành luật bằng tiếng Anh và một số môn luật nước ngoài; (iii) được chú trọng trong việc tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết); và (iv) chuẩn đầu ra tiếng Anh tối thiểu phải đạt 600 điểm theo chuẩn TOEIC quốc tế, sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công việc.
[13] Gấp hơn 15 lần so với giai đoạn đầu tuyển sinh (từ Khóa 28 đến Khóa 33, Nhà trường chỉ mở được một lớp chất lượng cao/ khóa học, với số lượng sinh viên tuyển vào khoảng trên dưới 20 sinh viên).
[14] Ngày 05/5/2009, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 548/QĐ-ĐHL về việc ban hành Quy chế tạm thời đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Quy chế này quy định về đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bao gồm: tổ chức đào tạo; kiểm tra và thi học phần; xét và công nhận tốt nghiệp đối với sinh viên hệ chính quy trình độ đại học. Sau 6 năm triển khai áp dụng, dự kiến năm 2016, Nhà trường sẽ tiến hành rà soát và hoàn thiện Quy định về đào tạo theo học chế tín chỉ để ban hành chính thức.
[15] Tính đến cuối tháng 8/2014, Nhà trường đã đào tạo và cấp bằng cho sinh viên ở 2 khối ngành: ngành Luật (thuộc lĩnh vực pháp luật) và ngành Quản tri kinh doanh (thuộc lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý). Trước đó, Trường chỉ đào tạo và cấp bằng cho duy nhất một ngành, một lĩnh vực là Luật và Pháp luật.
[16] Theo đánh giá của nhà tuyển dụng: tỷ lệ sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc, có thể sử dụng được ngay vào khoảng 45%; tỷ lệ sinh viên cơ bản đáp ứng yêu cầu của công việc, nhưng phải đào tạo thêm khoảng 45% và tỷ lệ sinh viên phải được đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung ít nhất 6 tháng là 10%.
[17] CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng của các khối ngành kỹ thuật thuộc Đại học Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Giải pháp này cũng có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành kỹ sư (với những sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết), trong đó có khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh.
[18] Chuẩn trình độ tiếng Anh của sinh viên các ngành đào tạo được quy định cụ thể như sau:
+ Đối với sinh viên ngành Quản trị – Luật: tối thiểu 500 điểm;
+ Đối với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh: tối thiểu 500 điểm;
+ Đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh: khi ra trường, trình độ tiếng Anh đạt ở cấp độ 5 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung của Hội đồng châu Âu (CEFR), đồng thời ngoại ngữ 2 đạt ở cấp độ 3 của khung năng lực ngoại ngữ.
+ Đối với sinh viên ngành Luật:
○ Khoa Luật Hình sự và Hành chính: tối thiểu 450 điểm;
○ Khoa Luật Dân sự và Quốc tế: tối thiểu 470 điểm;
○ Khoa Luật Thương mại: tối thiểu 500 điểm;
+ Đối với chương trình chất lượng cao (ngành Luật, ngành Quản trị – Luật và ngành Quản trị kinh doanh): tối thiểu 600 điểm.
[19] Chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ của sinh viên chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Pháp (AUF): tối thiểu DELF-B1.
[20] Chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ của sinh viên chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Nhật: tối thiểu JLPT3.
[21] Khi tham gia học tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ liên kết, sinh viên chỉ đóng học phí bằng 60% so với mức học phí nếu đăng ký học cùng Trung tâm của VASS nhưng ở bên ngoài trường.
[22] Khi đăng ký thi TOEIC tại Trường, sinh viên chỉ phải đóng lệ phí bằng 80% so với mức lệ phí của IIG áp dụng cho các thí sinh thi tại các Trung tâm bên ngoài trường.
- Tác giả: PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016, Trang 3-13
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời