Sứ mạng đào tạo sau đại học của trường Đại học Luật TP. HCM
Tác giả: GS. TS. Mai Hồng Quỳ & ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
TÓM TẮT
Trong hoạt động đào tạo của Nhà trường, hoạt động đào tạo sau đại học phải được xây dựng và triển khai với yêu cầu cao hơn về chất lượng và tầm vóc. Sứ mạng của đào tạo sau đại học được xác định trên cơ sở mục tiêu chính trị của cơ sở chuyên đào tạo về pháp luật và các quy định của Luật Giáo dục năm 2005, các quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Bài viết trình bày các định hướng chiến lược nhằm hiện thực hóa sứ mệnh này tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, vốn có bề dày đào tạo sau đại học qua 20 năm.
Xem thêm bài viết về “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”
- Một số suy nghĩ về đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách thường xuyên – đánh giá quá trình – ThS. Vũ Duy Cương
- Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học – PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM – TS. Bùi Xuân Hải & ThS. Phan Thanh
- Bàn về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu Thạc sĩ Luật – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Kinh nghiệm về đào tạo sau đại học chuyên ngành luật của một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
KEYWORDS:
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn ở khu vực phía Nam, đã và đang trở thành một địa chỉ đào tạo có thương hiệu, được xã hội ghi nhận, được người học tin tưởng, trân trọng và được công nhận là một trong hai trường trọng điểm đào tạo về pháp luật trên toàn quốc.
Với ý thức rằng, khác với cơ sở đào tạo các chuyên ngành khác, sứ mạng của một trường đại học đào tạo chuyên về pháp luật thì mục tiêu chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phải gắn liền với các nhiệm vụ chính trị của đất nước và trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Quán triệt tinh thần ấy, ở tất cả các bậc đào tạo, hoạt động đào tạo được xây dựng trên sự gắn kết với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chính trị đối với đất nước và trọng trách xã hội đối với cộng đồng. Sứ mạng này đã được hiện thực hóa qua việc xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên, của người học cũng như trong việc tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước ở tất cảcác hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp và cácvấnđề quốc kế dân sinh khác. Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo sau đại học, những hoạt động nói trên phải được thực hiện với yêu cầu cao hơn về chất lượng và rộng hơn về tầm vóc. Vì, theo quy định của Luật Giáo dục, Quy chế Đào tạo sau đại học, trên cơ sở bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức ngành, chuyên ngành ở bậc thạc sĩ, đào tạo trình độ tiến sĩ hướng đến mục tiêu đào tạo những nhà khoa học có trình độ cao về thuyết và năng lực thực hành phù hợp; có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo; khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo.
Do vậy, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa sứ mạng đào tạo sau đại học bằng các nhiệm vụ như sau:
1. Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đi đôi với những cải cách hành chính, tư pháp, vì thế cho nên bên cạnh sự gia tăng về số lượng nguồn nhân lực[1]bao gồm và không giới hạn đội ngũ thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên và cán bộ pháp luật cần phải có sự gia tăng đáng kể về chất lượng cho đội ngũ cán bộ. Nói cách khác, nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và cho cán bộ tư pháp nói riêng là nhiệm vụ hàng đầu của bậc đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.
2. Tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Namgắn liền với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế nên đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh không tách rời trọng trách đào tạo và cung cấp cho Nhà nước, Chính phủ đội ngũ cán bộ đủ năng lực, kiến thức về pháp luật, về ngoại ngữ phục vụ cho công tác đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và tham gia hoạt động tranh tụng. So với các lĩnh vực khác như cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hiểu biết về pháp luật trong hội nhập kinh tế quốc tế quan trọng hơn rất nhiều bởi lẽ hoạt động đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế và thực thi các cam kết của quốc gia đòi hỏi không chỉ những hiểu biết về pháp luật quốc gia mà còn là những hiểu biết về pháp luật các nước.
Thực tiễn thương mại trong những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam và một số cơ quan nhà nước của Việt Nam đã từng phải đối mặt với nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế phức tạp ở các cấp độ khác nhau như vụ Vietnam Airlines, UBND tỉnh Bình Thuận, Vinashines… hoặc những vụ kiện bán phá giá tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ… đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Những tranh chấp thương mại quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều nhưng Việt Nam lại thiếu đội ngũ cán bộ pháp luật, các luật sư giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, hiểu biết sâu rộng pháp luật thương mại quốc tế và pháp luật nước ngoài.
Gần đây nhất, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được nhận định: bên cạnh những cơ hội thuận lợi, hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý.
3. Bên cạnh nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, sứ mạng đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài mục tiêu, nhiệm vụ nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được,[2]định hướng phát triển củađào tạo sauđại họctại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh phải đảm bảo tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng của các trụ cột: chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên; cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy và người học.
– Về chương trình đào tạo: Việc rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo sẽ thực hiện tối thiểu 02 năm một lần. Trường sẽ mở thêm và đa dạng hóa chuyên ngành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học trong điều kiện cạnh tranh về đào tạo hiện nay. Về đào tạo tiến sĩ, sẽ mở thêm các ngành tương ứng với chương trình đào tạo thạc sĩ (các chuyên ngành được mở thêm bao gồm: Luật Hành chính, Luật Quốc tế, Luật Dân sự và tố tụng dân sự và Luật Thương mại quốc tế). Ngoài ra, có thể xin mở thí điểm một số chuyên ngành hẹp trong đào tạo thạc sĩ thực hành như: Thuế, Sở hữu trí tuệ… Các chương trình đào tạo đưa vào áp dụng đều phải có hoạt động đánh giá thường xuyên, liên tục theo kế hoạch thực hiện lịch giảng.
– Về đội ngũ giảng viên: Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về đào tạo sau đại học, đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao uy tín, danh tiếng của cơ sở đào tạo. Vì thế, các quyết định của Nhà trường về việc hỗ trợ cho giảng viên tham gia các khóa đào tạo tiến sĩ trong nước, nước ngoài cũng như đảm bảo thời gian nghiên cứu, hoàn thành luận văn, luận án cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh là giảng viên của trường sẽ tiếp tục được triển khai.
– Về phương pháp giảng dạy: Thực tiễn triển khai giảng dạy sau đại học tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua cho thấy đã có sự áp dụng đa dạng về phương pháp giảng dạy. Các phương pháp giảng dạy như tự học theo nhóm, phương pháp tình huống, phương pháp thuyết giảng đều đã được đưa vào giảng dạy ở các lớp sau đại học. Tuy nhiên, hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp này cần phải được rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc.[3]Đối với cả hai định hướng đào tạo nghiên cứu và ứng dụng của bậc thạc sĩ, việc đưa thực tiễn vào giảng dạy không thể tách rời với việc trang bị nền tảng lý luận, tư duy pháp lý, phương pháp nhận diện và xử lý vấn đề.
– Về người học: Tiếp tục thực hiện chủ trưởng của Đảng ủy, Ban giám hiệu: ưu tiên tuyển sinh và đào tạo cho các đối tượng là cán bộ trong diện quy hoạch của Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành thuộc khối Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhưng không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn đầu vào cũng như chuẩn đầu ra. Việc thi tuyển sinh và nội dung đào tạo cần có xem xét, cân nhắc đến sự khác biệt về năng lực, trình độ, thâm niên, loại hình công việc của người học.
– Về cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy và học tập: Nhà trường tiếp tục có sự đầu tư xây dựng và làm mới hệ thống giảng đường có thể đáp ứng nhu cầu áp dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng và hiện đại; cần có sự xây dựng, biên soạn hệ thống giáo trình giảng dạy ở tất cả các bậc đào tạo và đặc biệt là sự quan tâm xây dựng tài liệu, bao gồm tài liệu cập nhật của nước ngoài phục vụ cho việc giảng dạy các chuyên đề ở bậc tiến sĩ, thạc sĩ; thư viện điện tử và Trung tâm tư liệu của trường nên có sự kết nối với các cơ sở đào tạo khác.
– Về phương pháp quản lý và đánh giá: Nâng cao trách nhiệm của các khoa chuyên môn trong đào tạo sau đại học. Các khoa chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chương trình đào tạo; gắn hoạt động nghiên cứu của các nghiên cứu sinh với sinh hoạt chuyên môn của các khoa; tăng cường sinh hoạt chuyên môn định kỳ, đánh giá kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh sau 3 tháng hoặc 6 tháng một lần; đề cao trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học là cán bộ hướng dẫn. Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định đánh giá luận văn cao học và luận án tiến sĩ theo hướng chuẩn hóa và chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong tiêu chí đánh giá luận văn cao học, cần giữ vững định hướng của Nhà trường: điểm luận văn phải có sự hài hòa với kết quả học tập và đảm bảo “học thật và điểm thật”./.
Xem thêm bài viết về “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”
- Một số suy nghĩ về đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách thường xuyên – đánh giá quá trình – ThS. Vũ Duy Cương
- Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học – PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM – TS. Bùi Xuân Hải & ThS. Phan Thanh
- Bàn về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu Thạc sĩ Luật – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Kinh nghiệm về đào tạo sau đại học chuyên ngành luật của một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
CHÚ THÍCH
[1] Thông tin về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực có thể xem thêm trong Quyết định số 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Quy hoạch phát triển nhân lực nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
[2] Về thành tựu đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có thể xem thêm trong Kỷ yếu Hội thảo “Đào tạo sau đại học: Sứ mạnh, thành tựu và định hướng phát triển” tổ chức ngày 24/3/2016 tại Hội trường UBND tỉnh Vĩnh Long.
[3] Về hiệu quả áp dụng các phương pháp giảng dạy sau đại học tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có thể tham khảo tại các bài viết của Đỗ Văn Đại “Bàn về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu thạc sĩ luật”; Bùi Xuân Hải “Đổi mới phương pháp giảng dạy sau đại học”; Văn Thị Hồng Nhung “Trường Luật có gì mà cứ phải chen nhau vào như thế” trong Kỷ yếu Hội thảo “Đào tạo sau đại học: Sứ mạng, thành tựu và định hướng phát triển” tổ chức ngày 24/3/2016 tại Hội trường UBND tỉnh Vĩnh Long.
- Tác giả: GS. TS. Mai Hồng Quỳ & ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016, Trang 23-25
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời