Kinh nghiệm về đào tạo sau đại học chuyên ngành luật của một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam
Tác giả: TS. Trần Thăng Long*
TÓM TẮT
Bài viết có mục tiêu khái quát kinh nghiệm đào tạo sau đại học của một số nước tiêu biểu và là khuôn mẫu cho hoạt động đào tạo sau đại học của nhiều nước trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia và Cộng hòa Liên bang Đức. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những đánh giá và nhận định dựa trên sự so sánh giữa các chương trình đào tạo sau đại học của Việt Nam nói chung, của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng với các nước này. Ở phần cuối cùng, bài viết đưa ra những đề xuất và giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chương trình sau đại học về luật tại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cũng như có thể áp dụng tại các cơ sở đào tạo sau đại học về luật khác tại Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”
- Sứ mạng đào tạo sau đại học của trường Đại học Luật TP. HCM – GS.TS. Mai Hồng Quỳ & ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Một số suy nghĩ về đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách thường xuyên – đánh giá quá trình – ThS. Vũ Duy Cương
- Sự phát triển của trường Đại học Luật TP. HCM nhìn từ công tác đào tạo chính quy trình độ đại học – PGS.TS. Trần Hoàng Hải & ThS. Lê Văn Hiển
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường Đại học Luật TP. HCM – TS. Bùi Xuân Hải & ThS. Phan Thanh
- Bàn về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu Thạc sĩ Luật – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
Đào tạo sau đại học ở Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh được bắt đầu kể từ năm 1997 với trình độ thạc sĩ và từ năm 2004 với trình độ tiến sĩ. Cho đến nay, Nhà trường đã đào tạo sau đại học ở tất cả 5 chuyên ngành luật ở cả hai bậc thạc sĩ, tiến sĩ và đã cấp bằng thạc sĩ luật cho gần 2000 học viên và đào tạo được 107 nghiên cứu sinh.[1]
Kể từ năm 2014, Nhà trường đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp tục triển khai Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Những văn kiện quan này là cơ sở quan trọng để Nhà trường vững bước tới tương lai với sự khẳng định vị trí là cơ sở đào tạo luật hàng đầu của cả nước và khu vực phía Nam. Một trong những mũi nhọn và hướng phát triển mạnh mẽ của Nhà trường là mảng đào tạo sau đại học.
Bài viết có mục tiêu khái quát kinh nghiệm đào tạo sau đại học của một số nước tiêu biểu và là khuôn mẫu cho hoạt động đào tạo sau đại học của nhiều nước trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia và Cộng hòa Liên bang Đức. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những đánh giá và nhận định dựa trên sự so sánh giữa các chương trình đào tạo sau đại học của Việt Nam nói chung, của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng với các nước này. Ở phần cuối cùng, bài viết đưa ra những đề xuất và giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chương trình sau đại học về luật tại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cũng như có thể áp dụng tại các cơ sở đào tạo sau đại học về Luật khác tại Việt Nam.
1. Kinh nghiệm đào tạo sau đại học về luật của các nước
1.1. Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, luật là một văn bằng chuyên sâu và được gọi là Juris Doctor(J.D).Sinh viên muốn theo học ngành luật phải đạt được một bằng cấp ở một lĩnh vực nào đó (gọi là bậc cử nhân – bachelor’s degree). Các bằng cấp sau đại học(graduate level)bao gồm thạc sĩ luật (LL.M), tiến sĩ luật, bao gồm Ph.D và SJD.
+ Thạc sĩ luật (Master of Laws, LL.M)
Khác với nhiều nước, chương trình thạc sĩ luật của Hoa Kỳ thường ít phổ biến hơn và thường chuyên về một lĩnh vực cụ thể như thuế, quyền tác giả, tài chính, ngân hàng, luật quốc tế, luật so sánh, quyền con người…. Một số trường luật có chương trình thạc sĩ luật trong khi chủ yếu đào tạo J.D.[2] Đối với những sinh viên quốc tế, bằng cấp thạc sĩ luật tạo điều kiện cho họ có thể đủ tiêu chuẩn để thi vào các đoàn luật sư (Bar Association) để hành nghề tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, chẳng hạn như các tiểu bang Alabama, California, New Hampshire, New York, Texas…[3] Khác biệt quan trọng giữa bằng cấp J.D và LL.M là ở chỗ, với bằng J.D thì đây là điều kiện tiên quyết để có thể hành nghề luật, trong khi đó LL.M thường là một bằng cấp ở trình độ thạc sĩ và sẽ khó có cơ hội được chấp nhận để hành nghề luật, hoặc thích hợp cho các sinh viên quốc tế và những sinh viên đến từ các nước không thuộc hệ thống thông luật (common law).
+ Tiến sĩ khoa học về luật (Ph.D in law, Philosophiae Doctor theo tiếng latin)
Đây là bằng cấp học thuật chuyên về nghiên cứu cao nhất ở Hoa Kỳ và được hầu hết các trường ở Hoa Kỳ cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.[4] Tùy thuộc vào lĩnh vực cụ thể hoặc tùy trường đại học, ứng viên thông thường phải có bằng cấp thạc sĩ (một số trường có thể chấp nhận ứng viên có bằng cấp ở bậc cử nhân trong một lĩnh vực có liên quan).[5] Ứng viên phải chứng minh về điểm số học tập ở một mức độ tương đối cao, một số thư giới thiệu từ các nhà khoa học, giáo sư có uy tín, tham gia các môn học có liên quan, viết một bài luận có sức thuyết phục về vấn đề quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu và có các chứng chỉ đạt trình độ chuyên môn nhất định được công nhận ví dụ như chứng chỉ GRE, GMAT.[6]
Để có thể hoàn thành một khóa học tiến sĩ, sinh viên về cơ bản phải trải qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, sinh viên phải hoàn thành một khóa học kéo dài từ một đến ba năm. Sau đó, ứng viên phải trải qua một kỳ thi xét tuyển sơ bộ hoặc một kỳ thi toàn diện, tập trung vào những kiến thức rộng hơn là những kiến thức chuyên sâu. Tiếp theo đó, ứng viên phải trải qua một kỳ thi vấn đáp và một bài thi viết trong lĩnh vực chuyên sâu của ngành học mà ứng viên đang nghiên cứu và ở đây đòi hỏi mức độ chuyên sâu về kiến thức (khác với kỳ thi thứ nhất). Nhìn chung, các khóa học tiến sĩ về luật thường kéo dài từ bốn đến tám năm sau khi có được bằng cử nhân, đối với những người đã có bằng thạc sĩ thì thời gian này có thể ngắn hơn.[7] Nghiên cứu sinh phải hoàn tất một luận án có độ dài từ 50 đến 450 trang, trong đó bao gồm việc đánh giá tình hình nghiên cứu, mô tả về phương pháp nghiên cứu và phân tích chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu. Sau đó, nghiên cứu sinh phải trải qua kỳ bảo vệ luận án trước một hội đồng khoa học với những giáo sư có chuyên môn cao.
Các nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ được chấp nhận vào trường và nghiên cứu thường được cấp học bổng, hoặc được miễn học phí hoặc hưởng các hình thức trợ cấp nghiên cứu khác hoặc hưởng các nguồn tài trợ từ các quỹ bên ngoài và được nhà trường khuyến khích. Trong quá trình nghiên cứu, các ứng viên có thể được mời làm trợ giảng (teaching assistant)hoặc trợ lý nghiên cứu (research assistant)tại trường và được nhận thù lao.
+ Tiến sĩ luật (Doctor of Juridical Science, tiếng latin là Scientiae Juridicae)
Bên cạnh bằng tiến sĩ khoa học về luật (PhD in Law)như trên, bằng cấp SJD cũng là một bằng cấp trình độ tiến sĩ về nghiên cứu và tương đương với bằng cấp tiến sĩ nghiên cứu về luật là PhD. Khác với bằng cấp tiến sĩ khoa học (PhD) vốn được áp dụng phổ biến cho các ngành khoa học khác nhau, bằng cấp SJD thường được áp dụng cho ngành luật. Hiện nay, nhiều trường có tên tuổi ở Hoa Kỳ cấp bằng SJD như là học vị cao nhất về luật, bao gồm Indiana University, Haward Law School, Yale Law School, George Washington University, New York University, Stanford University, UCLA; University of Kansas School of Law và Tulane University.[8]
Để tham gia chương trình này, các ứng viên phải có các bằng cấp về luật, (chẳng hạn như có bằng JD hoặc cử nhân khoa học về luật) và bằng thạc sĩ luật (LL.M.),[9] mặc dù vậy, bằng thạc sĩ luật không phải là bắt buộc. Các ứng viên SJD thường mất từ 3-5 năm để hoàn thành,[10] và đòi hỏi phải có một nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật và hoàn thành luận văn, luận văn SJD phải có giá trị đóng góp về tính mới (original)cho các lĩnh vực học thuật của pháp luật.[11]
1.2. Vương quốc Anh
Các chương trình sau đại học (postgraduate) về luật ở Anh, cũng như nhiều nước thuộc hệ thống thông luật bao gồm các chương trình thạc sĩ luật (LL.M) và cao nhất là tiến sĩ luật (Ph.D). Khác với hệ thống đào tạo luật của Hoa Kỳ, bằng cử nhân luật là bằng đầu tiên và không đòi hỏi sinh viên phải có một bằng cử nhân khác trước đó. Trên cơ sở bằng cử nhân luật, các sinh viên có thể theo đuổi các chương trình sau đại học về luật, cơ bản dựa trên hai cấp độ là thạc sĩ luật và tiến sĩ luật.
+ Thạc sĩ luật (Master of Laws, LL.M)
Ở Vương quốc Anh, chương trình thạc sĩ luật được thiết kế cho những sinh viên đã có bằng cấp về pháp lý được công nhận, nhìn chung là bằng cấp đại học về luật (như cử nhân luật) hoặc những người có chứng chỉ sau đại học về luật (CPE – Common Professional Examination in Law). Các chương trình CPE, còn gọi là GDL (Graduate Diploma in Law)là những chương trình sau đại học phổ biến ở Anh và xứ Wales dành cho những người không có bằng cử nhân luật hay không hành nghề trong các lĩnh vực liên quan đến luật hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp để hành nghề luật. Với tính chất là một chương trình sau đại học, sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ luật vẫn chưa đủ điều kiện để hành nghề luật ngay, thay vào đó, họ phải được yêu cầu hoàn thành một khóa học về thực hành nghề luật hay các khóa đào tạo do Đoàn Luật sư tổ chức. Mặc dù vậy, chương trình thạc sĩ luật giúp cho người học có được kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể của pháp luật và/ hoặc có kiến thức về hệ thống pháp luật của các quốc gia khác.
Để được nhận vào học chương trình thạc sĩ luật, điều kiện đầu tiên là sinh viên đăng ký phải có bằng cử nhân luật như đã đề cập. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học ở Vương quốc Anh đều cho phép người học không có bằng cấp đầu tiên là về luật. Những người này phải chứng minh khóa học bậc đại học trước đó của mình có một khối lượng kiến thức liên quan đến luật ở một mức độ nhất định, hoặc là những bằng chứng về quá trình công tác trong lĩnh vực nghề nghiệp đáng kể.[12]
Hầu hết các trường đại học của Anh đều có chương trình thạc sĩ luật về nghiên cứu (Master of Philosophy – Mphil).Nhìn chung, chương trình này thường kéo dài trong vòng 2 năm đối với sinh viên toàn thời gian (full time)và 5 năm đối với sinh viên bán thời gian (part-time). Học viên phải hoàn thành một luận án nghiên cứu trong đó là nghiên cứu nguyên thủy (original)của mình. Bằng thạc sĩ nghiên cứu (MPhil)thông thường là một điều kiện quan trọng bắt buộc đối với những ứng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ. Theo đó, các ứng viên phải hoàn thành chương trình thạc sĩ nghiên cứu và sau đó sẽ được chuyển tiếp, hoặc nâng cấp lên chương trình tiến sĩ luật, thông thường là sau khi đã hoàn tất chương trình thạc sĩ nghiên cứu ở năm đầu tiên hoặc năm thứ hai. Ngoài ra, ứng viên phải nộp một báo cáo nghiên cứu hoặc luận văn và có thể trải qua một kỳ thi vấn đáp hoặc thực hiện bài thuyết trình về đề tài của mình. Tại nhiều trường đại học của Anh, trong trường hợp một nghiên cứu sinh được hội đồng khoa học đánh giá là chưa đạt đủ điều kiện để cấp bằng tiến sĩ luật, nghiên cứu sinh này cũng có thể được đề nghị nhà trường cấp bằng thạc sĩ nghiên cứu. Mặc dù vậy, các học viên theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu không nhất thiết phải chuyển lên bậc học tiến sĩ.
Tại một số ít trường đại học của Anh, sinh viên có thể hoàn thành khóa học sau một năm học tập và được cấp bằng thạc sĩ nghiên cứu được xem là tương đương với bằng thạc sĩ khoa học (MA hoặc M.Sc). Tuy nhiên, tại các trường đại học danh tiếng khác, chẳng hạn như Đại học London và Đại học Aberdeen (Scotland), sinh viên muốn được cấp bằng thạc sĩ nghiên cứu cần phải đáp ứng một số các yêu cầu bắt buộc, theo đó các học viên phải nộp và bảo vệ luận án của mình trước các giám khảo trong và ngoài trường (quá trình này có thể kéo dài đến một năm)[13] thậm chí một bằng thạc sĩ nghiên cứu như vậy có thể coi như là một bằng “tiểu tiến sĩ” (mini-PhD).[14]
Trong khi đó, các chương trình thạc sĩ do hai đại học lớn hàng đầu của Vương quốc Anh là Oxford và Cambridge bao gồm chương trình thạc sĩ 01 năm và chương trình thạc sĩ 02 năm. Chương trình thạc sĩ luật 2 năm nhìn chung là phổ biến hơn và yêu cầu cao hơn về độ dài luận văn và các kỳ thi so với chương trình thạc sĩ 01 năm. Đối với Đại học Cambridge, các chương trình thạc sĩ 01 năm áp dụng cho các sinh viên có bằng cử nhân theo học trong vòng 01 năm mà không đòi hỏi việc nghiên cứu tiếp theo.
+Tiến sĩ luật (PhD in Law)
Cũng giống như các ngành khác, các trường đại học của Vương quốc Anh xét tuyển ứng viên vào chương trình tiến sĩ trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể. Các trường đại học thường có quy định xét tuyển đối với những ứng viên đã có bằng thạc sĩ luật hoặc có bằng cử nhân luật với xếp hạng khá giỏi (at least upper second-class honours). Các sinh viên hoàn tất chương trình thạc sĩ nghiên cứu được xem xét có đủ điều kiện làm nghiên cứu sinh không thông qua việc chọn lựa, hoặc nâng cấp lên từ thạc sĩ nghiên cứu tùy thuộc vào quá trình và kết quả học tập ở bậc thạc sĩ. Thông thường thời gian này ít nhất phải là 02 năm và hoàn thành một nghiên cứu. Trái lại, nếu những ai không đủ điều kiện để được cấp bằng tiến sĩ, nghiên cứu sinh đó sẽ được xem xét cấp bằng thạc sĩ nghiên cứu.
Thông thường, trong suốt khóa học tiến sĩ, các nghiên cứu sinh phải trải qua một thủ tục đánh giá sơ bộ (preliminary assessment) để xem xét triển vọng của nghiên cứu sinh trong giai đoạn tiếp theo. Các luận án được nộp sau khi nghiên cứu sinh đã hoàn thành năm thứ ba hoặc năm thứ tư của chương trình bốn năm. Đối với nghiên cứu sinh bán thời gian, thời gian này có thể kéo dài hơn và các nghiên cứu sinh có thể được gia hạn tối đa là 04 năm nếu như họ không thể hoàn thành khóa học.
Gần đây, các trường đại học của Vương quốc Anh đã đưa ra mô hình kết hợp (integrated)của chương trình nghiên cứu sinh và thạc sĩ nghiên cứu. Chẳng hạn các khóa học sẽ bao gồm một chương trình thạc sĩ nghiên cứu trong năm đầu tiên, kết thúc giai đoạn này ứng viên sẽ được cấp bằng thạc sĩ nghiên cứu và sẽ hoàn thành nghiên cứu của mình trong vòng 03 năm tiếp theo.
1.3. Australia
+ Thạc sĩ luật (Master of Laws)
Tại Australia, chương trình thạc sĩ luật nhìn chung chỉ áp dụng cho những sinh viên đã tốt nghiệp luật. Tuy nhiên, một số trường đại học của Australia hiện nay cũng có khuynh hướng chấp nhận những người không có bằng luật được tham gia các chương trình thạc sĩ luật khác nhau. Về cơ bản, các chương trình thạc sĩ luật của Australia cũng tương tự như ở Vương quốc Anh và các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, trong đó cũng bao gồm các chương trình thạc sĩ nghiên cứu (master by research)và thạc sĩ thực hành, theo đó sinh viên sẽ được cấp bằng sau khi hoàn thành các môn theo khóa học mà mình đăng ký (master by coursework).
Chương trình thạc sĩ nghiên cứu phù hợp với những người làm công tác nghiên cứu ở các viện, trường đại học hoặc những người có mong muốn làm nghiên cứu chuyên sâu về luật pháp. Chương trình này thường kéo dài trong thời gian hai năm theo hình thức tập trung. Yêu cầu đối với chương trình này khắt khe hơn và đòi hỏi tính mới trong luận văn. Trái lại, chương trình thạc sĩ thực hành được thiết kế dành cho những người làm công tác thực tiễn có nhu cầu nâng cao tri thức và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật, phục vụ cho yêu cầu công việc và bản thân. Xuất phát từ vấn đề này mà các trường đại học của Australia xét tuyển các sinh viên học chủ yếu dựa trên kết quả học tập ở bậc đại học và không phải thi tuyển đầu vào.[15]
+ Tiến sĩ luật (PhD in Law)
Để được xét tuyển vào một chương trình tiến sĩ ở Australia, đòi hỏi ứng viên phải chứng minh năng lực để thực hiện nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mà mình đề xuất nghiên cứu. Cũng giống như ở Vương quốc Anh, các yêu cầu cơ bản cho các nghiên cứu sinh là những ứng viên có bằng thạc sĩ nghiên cứu (master by research) hoặc thạc sĩ theo khóa học (master by coursework)với điều kiện là tỷ lệ nghiên cứu là 25% hoặc tương đương. Các trường đại học cũng xét tuyển từ những ứng viên có bằng cử nhân luật loại giỏi (first class) hoặc trên loại khá (upper second class). Các ứng viên cần phải có thư giới thiệu của hai giáo sư có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn dự định nghiên cứu. Ngoài ra, cũng tương tự như Vương quốc Anh, các sinh viên chương trình thạc sĩ nghiên cứu có thể được “nâng cấp” lên chương trình tiến sĩ nếu ứng viên này có thể chứng minh là có khả năng.
Điều kiện hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ tùy thuộc vào các trường đại học. Hầu hết các chương trình tiến sĩ của Australia không yêu cầu nghiên cứu sinh phải hoàn thành một thành phần các môn học bắt buộc (coursework component).Tổng tín chỉ của chương trình được đi kèm với việc cấp bằng thông qua kết quả nghiên cứu mà nghiên cứu sinh trình bày. Thông thường, một luận án tiến sĩ đòi hỏi khoảng 80.000 từ và đóng góp mới vào lĩnh vực nghiên cứu của luận án. Các luận án tiến sĩ được gửi cho các chuyên gia ngoài trường thuộc về lĩnh vực nghiên cứu và không tham gia vào đề tài được chấm. Các giám khảo thông thường do các trường mà nghiên cứu sinh theo học đề xuất và tên tuổi của họ được giữ kín cho đến khi kết quả chấm được công bố. Khác với các nước, quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ ở Australia thường không bao gồm buổi bảo vệ trước hội đồng, phần lớn do khoảng cách không thuận tiện cho việc đi lại của các giám khảo.
Hiện nay, hướng đào tạo tiến sĩ của các trường luật ở Australia có sự điều chỉnh theo hướng thiên về ứng dụng. Một số trường đã đưa vào đào tạo chương trình tiến sĩ chuyên ngành Luật (SJD) như ở Hoa Kỳ. Khác với chương trình PhD, các nghiên cứu sinh sẽ phải theo học một số môn học tín chỉ ở lĩnh vực đang nghiên cứu. Thời gian của chương trình SJD sẽ ngắn hơn so với chương trình PhD và đề tài luận án của chương trình SJD thường sẽ chỉ gắn liền với một lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu sinh sẽ chỉ giải quyết vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn đó. Do yêu cầu và đặc thù của mình, các luận án SJD sẽ không đặt ra yêu cầu nặng nề về lý luận, phương pháp luận hoặc tính mới như các luận án tiến sĩ (PhD thesis).[16]
Cuối cùng, các trường đại học ở Australia còn đào tạo các chương trình cấp bằng sau đại học. Đây là những khóa học không cấp bằng thạc sĩ luật mà là các chứng chỉ sau đại học(postgraduate diploma)và thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Mục đích của những chương trình này được thiết kế nhằm phù hợp nhu cầu của xã hội và người học, thông thường là những người chưa có bằng luật hoặc không muốn theo học để lấy bằng thạc sĩ, cùng với quy trình tuyển chọn đầu vào khá linh hoạt. Đáng chú ý là, những người được cấp chứng chỉ một số môn học trong chương trình này sẽ giúp cho họ được miễn các môn học tương ứng trong chương trình nếu sau đó họ muốn tiếp tục theo đuổi chương trình đào tạo thạc sĩ nhằm nâng cao trình độ hoặc có bằng cấp chuyên môn chính thức về luật.
1.4. Đức
Tại Đức, chương trình thạc sĩ luật được xem là một cấp học cao và chuyên sâu hơn bậc cử nhân. Các chương trình thạc sĩ luật thông thường được mở ra dành cho những người đã tốt nghiệp luật nhưng cũng đồng thời dành cho những người đã tốt nghiệp những ngành học có các môn học/ học phần liên quan tới luật và những người có quan tâm đến ngành luật hoặc làm việc trong những ngành gắn với luật. Những sinh viên có thể chọn theo học thạc sĩ luật ngay sau khi họ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất của chương trình đào tạo pháp lý chính thức và hoàn thành bậc đại học về luật (còn gọi là “erstes juristisches Staatsexamen”); hoặc sau khi hoàn thành giai đoạn thứ hai và giai đoạn cuối cùng của chương trình đào tạo pháp lý chính thức (những người tốt nghiệp được gọi là “Volljuristen”) và sau đó tham gia hành nghề ở những khía cạnh pháp lý khác nhau. Một số những người khác chọn học các chương trình thạc sĩ luật ở những lĩnh vực có tầm quan trọng đối với nghề nghiệp hoặc những ngành mới mẻ thường xuyên có những thay đổi, ví dụ như luật pháp về truyền thông hoặc pháp luật Liên minh châu Âu. Các trường đại học thường thiết kế chương trình riêng của mình. Kết thúc khóa học, sinh viên sẽ phải trải qua thủ tục bảo vệ luận văn để có thể được nhận học vị thạc sĩ luật.
Đối với chương trình tiến sĩ luật, ở Đức việc xét tuyển vào chương trình tiến sĩ nói chung dựa trên cơ sở của việc ứng viên đã có một bằng cấp ở bậc cao hơn (ví dụ, bằng thạc sĩ luật, chứng chỉ sau đại học về luật (Diploma in Law). Tiêu chí xét chọn là ứng viên phải có định hướng nghiên cứu chủ yếu là về một lĩnh vực có liên quan và có kết quả học tập trên trung bình. Ứng cử viên phải tìm cho mình một giáo sư từ các trường đại học để làm người hướng dẫn (Betreuer)luận án trong suốt chương trình tiến sĩ. Giáo sư hướng dẫn giám sát này được chính thức gọi là Doktorvaterhoặc Doktormutter. Tùy thuộc vào các trường đại học, các nghiên cứu sinh (Doktoranden)có thể được yêu cầu phải tham dự các lớp học chính thức hoặc đi nghe các bài giảng, một số trong số họ cũng có thể được yêu cầu tham dự các kỳ thi hoặc làm bài tập trong chương trình chính thức để có được một hoặc nhiều chứng chỉ về trình độ (Qualifikationsnachweise).Tuy nhiên, những chứng chỉ này là không bắt buộc, tùy thuộc vào các quy định về đào tạo tiến sĩ (Promotionsordnung) của từng trường đại học. Các nghiên cứu sinh sẽ tiến hành việc nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của giáo sư và ngoài việc nghiên cứu, họ có thể được tuyển dụng làm các công việc chuyên môn như trợ giảng, trợ lý nghiên cứu hoặc giảng viên.
Do ảnh hưởng của truyền thống châu Âu lục địa, quy trình đào tạo tiến sĩ luật học ở Đức mang nặng tính hàn lâm. Luận án tiến sĩ luật ở Đức theo tiêu chuẩn thường có độ dày từ 200 đến 400 trang, phải đáp ứng tiêu chí về tính khoa học, tính mới và phải bao gồm giá trị lý luận và thực tiễn. Các luận án này thường được yêu cầu in thành sách và điều này tạo điều kiện cho các tân tiến sĩ có cơ hội trở thành giáo sư đại học.[17]
2. Một số ý kiến về khả năng áp dụng tại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung
Trước hết có thể thấy rằng, hệ thống chương trình đào tạo sau đại học bao gồm hai trình độ thạc sĩ và tiến sĩ của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là tương tự và cập nhật những ưu điểm từ các nước. Trong đó, mô hình hiện hành có khuynh hướng chịu sự ảnh hưởng của mô hình đào tạo của châu Âu nhưng có sự kết hợp hiệu quả với những ưu điểm và tích cực của các mô hình đào tạo sau đại học của hệ thống Anh – Mỹ. Ngoài ra, việc đào tạo sau đại học ở Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung còn chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của các quy định về đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong tương lai, để tiếp tục đưa chương trình đào tạo sau đại học lên một tầm cao và vị thế mới, trên cơ sở tiếp thu và học tập kinh nghiệm đào tạo sau đại học của các nước, Nhà trường có thể nghiên cứu áp dụng những giải pháp dưới đây. Những đề xuất này cũng có thể được nghiên cứu áp dụng bởi các cơ sở đào tạo sau đại học tại Việt Nam.
2.1. Về điều kiện đầu vào
2.1.1. Đối với học viên cao học
Hiện nay, trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đang thực hiện tuyển sinh đào tạo cao học luật học đối với năm ngành: Luật Kinh tế (mã số 62380107), Luật Hình sự và tố tụng hình sự (mã số 62380104), Luật Dân sự và tố tụng dân sự (mã số 62380103), Luật Quốc tế (mã số 62380108), Luật Hiến pháp và Luật Hành chính (mã số 62380102) theo chỉ tiêu hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường tổ chức thi tuyển mỗi năm hai đợt với ba môn thi là môn cơ bản (Triết học – Logic học), môn chủ chốt của ngành (Lý luận nhà nước và pháp luật) và môn ngoại ngữ (tiếng Anh).[18]
Trong tương lai, Nhà trường có thể áp dụng những bổ sung sau đây:
– Về đối tượng đăng ký dự thi: Có thể mở rộng cho đối tượng là người nước ngoài đáp ứng điều kiện về tiếng Việt và chuyên ngành như các thí sinh là công dân Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hiện nay, Nhà trường cần bắt đầu hướng tới việc thu hút các sinh viên nước ngoài đến theo học nhằm tìm hiểu, học tập và nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc thậm chí hành nghề tại Việt Nam như là hệ quả của việc tham gia Hiệp định TPP và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.
– Về bằng cấp: Hiện nay, điều kiện đầu vào là ứng viên phải có bằng cử nhân luật do Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cấp hoặc được cấp bằng bởi các cơ sở đào tạo theo quy định của Nhà trường và cơ sở đào tạo luật nước ngoài cấp.[19] Đối với những thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật nhưng không do các cơ sở trên cấp, các thí sinh này phải bổ sung kiến thức các môn hoặc học phần còn thiếu so với chương trình đào tạo cử nhân của Nhà trường từ 10-40%. Với việc mở rộng các loại hình đào tạo luật như hiện nay thì việc mở rộng cho thí sinh được cấp bằng cử nhân luật tại các cơ sở đào tạo luật khác có uy tín và được kiểm chứng qua thực tiễn cũng là cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà trường có thể xem xét để chấp nhận cho đăng ký dự thi tuyển đối với những thí sinh không có bằng cử nhân luật nhưng thuộc khối ngành khoa học xã hội. Những thí sinh này sẽ phải trải qua các học phần luật bắt buộc để đủ điều kiện dự thi. Ngoài ra, với việc thực hiện đào tạo các chuyên ngành cử nhân của Nhà trường Quản trị – Kinh doanh, Quản trị – Luật và Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý thì việc mở rộng cơ hội thi tuyển thạc sĩ luật cũng là một giải pháp cho đầu ra của các hệ đào tạo này.
2.1.2. Đối với nghiên cứu sinh
Hiện nay, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đang thực hiện tuyển sinh đào tạo tiến sĩ luật học đối với ba ngành: Luật Kinh tế (mã số 62380107), Luật Hình sự và tố tụng hình sự (mã số 62380104), Luật Hiến pháp và Luật hành chính (mã số 62380102) theo chỉ tiêu hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các quy định về xét tuyển đầu vào đang được áp dụng tại trường về cơ bản phù hợp với mô hình tuyển chọn nghiên cứu sinh của các trường đại học trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là các ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu về văn bằng và bài báo khoa học phù hợp với chuyên ngành đào tạo cùng với bài luận về định hướng nghiên cứu và hai thư giới thiệu của nhà khoa học có chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành.[20] Ngoài ra, điều kiện bắt buộc là ứng viên phải có bằng thạc sĩ luật hoặc cử nhân luật loại giỏi hoặc khá. Điều này cũng làm hạn chế cơ hội những ứng viên thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội có sự liên hệ chặt chẽ với chuyên ngành luật như kinh tế, triết học… Trong trường hợp này, điều kiện xét tuyển đầu vào có thể áp dụng mở rộng với các ứng viên này kèm theo các điều kiện như bài báo khoa học chuyên ngành luật hoặc công trình nghiên cứu chuyên ngành luật. Các ứng viên phải hoàn tất các học phần bổ sung hoặc chuyển đổi để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn để làm nghiên cứu sinh chuyên ngành luật.
2.2. Về chương trình thạc sĩ kết hợp hai ngành học (thạc sĩ song bằng)
Mô hình đào tạo kết hợp để lấy bằng thạc sĩ của hai ngành cùng lúc là một mô hình tương đối phổ biến ở các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. Việc nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình này tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là cần thiết vì những lý do sau. Thứ nhất, với sự phát triển ồ ạt của các cơ sở đào tạo luật trong cả nước,[21] số lượng người học luật ở bậc cử nhân sẽ đến lúc bão hòa, trong khi đó với thực tế có nhiều cơ sở đào tạo được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thạc sĩ luật, xu thế theo học sau đại học trình độ thạc sĩ ngày càng tăng. Thứ hai, cùng với sự gia tăng của các chương trình thạc sĩ luật thì yêu cầu về đào tạo thạc sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội về chuyên môn luật và các lĩnh vực liên ngành khác là rất cần thiết, đồng thời cũng tạo ra sự khác biệt giữa chương trình thạc sĩ của trường với các chương trình thạc sĩ của các cơ sở đào tạo khác. Thứ ba, với xu thế hội nhập đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì đòi hỏi của trình độ thạc sĩ không chỉ dừng lại ở một lĩnh vực luật pháp mà các tân thạc sĩ luật còn phải nắm vững các kiến thức chuyên môn ở các lĩnh vực khác. Thứ tư, hiện nay không chỉ riêng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có chương trình đào tạo cử nhân hai ngành (Quản trị – Luật) mà một số cơ sở đào tạo cũng đã và đang đi theo mô hình này. Chính vì vậy, trong tương lai các chương trình đào tạo song bằng sẽ phổ biến và dẫn đến nhu cầu ở cấp tiếp theo là thạc sĩ cũng phải có những chương trình tương ứng.
Do đó, trong tương lai, Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo sau đại học về luật tại Việt Nam có thể xây dựng, đề xuất và thuyết phục Bộ cho phép đào tạo các chương trình thạc sĩ luật kết hợp với các chuyên ngành khác như: Thạc sĩ luật – Chính sách công; Luật – Quản trị Kinh doanh; Luật – Kinh doanh quốc tế; Luật – Tài chính Ngân hàng; Luật – Anh văn pháp lý….
2.3. Về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng và thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành hẹp
Chủ trương đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 05 năm 2014. Hiện tại, chương trình này đã được áp dụng tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đối với các chuyên ngành là Luật Kinh tế, Luật Quốc tế, Luật Dân sự và tố tụng dân sự.
Trên thế giới, hầu hết các trường đại học đều có các chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu (master by research)với thời gian học lâu hơn và yêu cầu cao hơn về nội dung nghiên cứu và tính học thuật và chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng (master by coursework) với yêu cầu đơn giản hơn về luận văn, thời gian ngắn hơn và thiên về khả năng ứng dụng, hành nghề trên thực tế. Tại Việt Nam, một số trường đại học đã áp dụng mô hình đào tạo thạc sĩ luật theo hai chương trình nghiên cứu và thực hành.[22] Từ lý do đó, Nhà trường có thể tiếp tục theo đuổi và áp dụng các chương trình đào tạo thạc sĩ theo hai hình thức “định hướng nghiên cứu” và “định hướng ứng dụng”, đồng thời áp dụng cho mọi chuyên ngành đào tạo. Để thực thi định hướng này một cách có hiệu quả, Nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện quy định về hướng dẫn đối với hai chương trình này nhằm tạo ra sự khác biệt về định hướng, nội dung môn học và tính khả thi, ứng dụng trong thực tế.
Bên cạnh đó, ở các nước, ngoài chương trình thạc sĩ luật học (master of laws) các trường đại học còn có các chương trình thạc sĩ luật với chuyên ngành hẹp, tập trung vào một lĩnh vực luật pháp rất cụ thể.[23] Các chương trình này thực chất là các chương trình thạc sĩ theo định hướng ứng dụng và thường được thiết kế trong một thời gian rất ngắn và hẹp hơn so với một lĩnh vực pháp luật nói chung (như luật thương mại, luật hành chính, luật quốc tế…). Các chương trình này được thiết kế nhằm trang bị cho học viên kiến thức luật chuyên sâu và cụ thể ở một vấn đề pháp lý để có thể hành nghề hiệu quả trong chính lĩnh vực đó. Đây cũng là một hướng để xem xét nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo thạc sĩ luật ở Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và tại các cơ sở đào tạo khác của Việt Nam trong tương lai.
Đồng thời, trên cơ sở đó, Nhà trường có thể nghiên cứu để đề xuất xây dựng chương trình tiến sĩ luật chuyên về thực hành, ứng dụng hoặc chuyên sâu vào một lĩnh vực pháp lý cụ thể, bên cạnh chương trình tiến sĩ luật học đòi hỏi ở một mức độ cao về phạm vi và mức độ hàn lâm. Ở khía cạnh này, mô hình tiến sĩ luật chuyên biệt như mô hình SJD (Doctor of Juridical Science) vốn rất phổ biến ở Hoa Kỳ là một mô hình có thể tham khảo.
2.4. Về các chương trình sau đại học về luật
Theo kinh nghiệm của Anh quốc và Australia, đây là các khóa sau đại học mà không cấp bằng thạc sĩ luật, thay vào đó là chứng chỉ sau đại học (postgraduate diploma) cũng có thể là một khả năng có thể áp dụng nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo pháp lý ở bậc sau đại học. Các chương trình này được mở cho các đối tượng không có bằng cử nhân luật, hoặc có một bằng cử nhân trong ngành khoa học xã hội nhưng có nguyện vọng hoặc đang công tác trong các ngành có liên quan hoặc sử dụng các kiến thức pháp lý như kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn thuế hay chứng khoán. Hiện nay, Nhà trường có Trung tâm Đào tạo ngắn hạn cung cấp những khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn và trung hạn và cấp chứng chỉ cho người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để thực hiện các chương trình sau đại học cấp chứng chỉ như đã phân tích.
Bên cạnh việc xúc tiến hợp tác để hình thành các chương trình đào tạo sau đại học bằng tiếng Việt, Nhà trường cũng có thể nghiên cứu để đưa ra các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Những người theo học chương trình này sẽ được cấp chứng chỉ, có kiến thức chuyên sâu ngang tầm thạc sĩ về kiến thức, kỹ năng và thực hành pháp luật bằng tiếng Anh. Chúng cũng có thể giúp cho người theo học miễn các môn học/ học phần tương ứng của các chương trình thạc sĩ chính thức, đặc biệt là đối với các chương trình liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài.
2.5. Về nội dung đào tạo
Đối với chương trình thạc sĩ, Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo luật sau đại học tại Việt Nam nên nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy hệ thống môn học tự chọn phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu người học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của nguồn nhân lực cho xã hội. Đặc biệt có thể định hướng các môn học về những chủ đề pháp lý liên quan đến khía cạnh hội nhập kinh tế, bối cảnh của hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi Hiệp định TPP.
2.6. Về tạo điều kiện nghiên cứu
Kết quả hoàn thành nghiên cứu của nghiên cứu sinh cũng phụ thuộc vào điều kiện mà cơ sở đào tạo cung cấp hoặc hỗ trợ cho mình. Hiện tại, Nhà trường rất chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu sinh của Nhà trường có điều kiện nghiên cứu tốt nhất để hoàn thành luận án một cách có hiệu quả, cụ thể là việc hỗ trợ truy cập tài liệu từ các nguồn tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại thư viện của trường. Các nghiên cứu sinh cũng được khuyến khích đăng tải các bài viết nghiên cứu khoa học trên tạp chí của Nhà trường bên cạnh đáp ứng yêu cầu về bài viết nghiên cứu khoa học trong chương trình nghiên cứu sinh theo quy chế đào tạo.[24]
Trong tương lai, Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo luật sau đại học tại Việt Nam có thể tiếp tục tạo các điều kiện hơn nữa cho các nghiên cứu sinh như sau:
– Một là,trang bị phòng làm việc cho các nghiên cứu sinh để họ có điều kiện hoàn thành tốt nhất luận án của mình.
– Hai là,có cơ chế để mời các nghiên cứu sinh tham gia giảng dạy hoặc trợ giảng một số môn học, học phần thuộc chương trình đào tạo hoặc giảng, báo cáo chuyên đề cho các sinh viên thuộc chương trình cử nhân luật.
– Ba là, thường xuyên có kế hoạch tổ chức các hội thảo, tọa đàm, báo cáo chuyên đề học thuật hàng năm dành cho các nghiên cứu sinh của Nhà trường.
– Bốn là,hỗ trợ kinh phí để các nghiên cứu sinh tham gia các hội thảo khoa học ngoài nước, hỗ trợ kinh phí để tham gia nghiên cứu ở nước ngoài (như đối với các nghiên cứu sinh thuộc chương trình 911).
– Năm là,hỗ trợ kinh phí để xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo phù hợp với chuyên ngành làm nghiên cứu sinh để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường.
Đối với học viên chương trình thạc sĩ, đặc biệt chương trình thạc sĩ ứng dụng, Nhà trường có thể nghiên cứu đưa vào chương trình các chuyến tham quan học tập (field study)như một môn học. Các chuyến tham quan, học tập này có thể tiến hành trong nước hoặc ở nước ngoài.
2.7. Về chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ
Thực tiễn đào tạo tiến sĩ và sau tiến sĩ ở nhiều nước cho thấy, chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) là một trong những điểm đáng để nghiên cứu và áp dụng. Những nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình tiến sĩ luật có thể tiếp tục tham gia nghiên cứu cùng với các giáo sư hướng dẫn theo các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành luật với thời gian từ 1-2 năm và được trả lương từ kinh phí cấp cho các dự án. Những người đã đạt được học vị tiến sĩ và tiếp tục thực hiện đề án nghiên cứu sẽ không được cấp thêm bằng cấp khoa học nào nhưng đây sẽ được xem như những đóng góp về mặt khoa học của các tân tiến sĩ và có giá trị nâng cao uy tín của người đó. Như vậy, Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo luật sau đại học tại Việt Nam có thể nghiên cứu xây dựng mô hình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ để thu hút những chuyên gia giỏi tiếp tục cộng tác để phát triển sự nghiệp nghiên cứu.
2.8. Về chương trình thạc sĩ luật đào tạo từ xa
Chương trình thạc sĩ luật từ xa có thể được Nhà trường nghiên cứu nhằm thiết kế cho sinh viên đã có bằng luật và những sinh viên cần có sự linh hoạt trong việc học vì các lý do như công việc bận rộn, công tác thường xuyên. Chương trình LLM học từ xa có thể được tiến hành thông qua việc cung cấp tài liệu, băng đĩa, các lớp học qua mạng internet có giảng viên, thảo luận qua video conference và hệ thống tương tác Nhà trường – giảng viên – sinh viên (blackboard). Các chương trình này, do đặc thù của nó, có thể thiết kế với thời gian kéo dài hơn so với các chương trình truyền thống. Hiện nay, Nhà trường đã có chủ trương xây dựng hệ thống e-learning, đây là một hướng đi táo bạo và thức thời, nắm bắt được sự phát triển của công nghệ và sẽ là cơ sở để thực hiện mô hình này.
2.9. Về chương trình liên kết
Các chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài cũng là một hướng đi có hiệu quả mà các trường đại học nước ngoài áp dụng, đặc biệt với các quốc gia có thị trường giáo dục và đào tạo tiềm năng. Các chương trình này đem lại những lợi ích cho cả cơ sở đào tạo và người học. Thứ nhất, các chương trình này giúp cho Nhà trường có nguồn kinh phí lớn so với các nguồn thu từ các chương trình đào tạo trong nước. Thứ hai, các chương trình liên kết cho phép Nhà trường phát huy thế mạnh và sử dụng hiệu quả, tối đa năng lực của đội ngũ giảng viên đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài và làm quen với môi trường giáo dục năng động, hiện đại. Thứ ba, các chương trình liên kết này đang trở nên phổ biến ở Việt Nam với sự muôn màu muôn vẻ về chất lượng và số lượng, việc hướng đến những chương trình liên kết sau đại học có chất lượng cũng góp phần nâng cao thương hiệu và uy tín của nhà trường. Thứ tư, chúng giúp cho người học, đặc biệt là những người học có điều kiện kinh tế và nhu cầu được học tập, nghiên cứu như ở nước ngoài với chi phí thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và đặc biệt là được cấp bằng theo tiêu chuẩn quốc tế của các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.
Hiện tại, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đang liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ với các trường đại học của nước ngoài. Cụ thể là Chương trình Thạc sĩ liên kết với Cộng hòa Pháp, chuyên ngành “Luật kinh doanh quốc tế và so sánh” do Trường Đại học Jean Moulin Lyon 3 (CH Pháp) cấp. Chương trình thứ hai là chương trình thạc sĩ Đại học Tây Anh quốc cấp có giá trị trên toàn thế giới bao gồm hai chuyên ngành Thạc sĩ luật Thương mại và Kinh tế quốc tế (LLM in International Trade and Economic Law)và Thạc sĩ luật Tài chính và Ngân hàng quốc tế (LLM in International Banking and Finance Law).Các sinh viên thuộc các chương trình này được học bằng hoàn toàn bằng ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) do các giảng viên nước ngoài và Việt Nam có chuyên môn và uy tín giảng dạy.[25]
Trong tương lai, ngoài việc tiếp tục các chương trình liên kết, Nhà trường có thể phát triển mô hình đào tạo sau đại học liên kết theo các hướng sau đây:
– Một là,bên cạnh việc tiếp tục các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật, Nhà trường có chủ trương và kế hoạch tìm kiếm đối tác nhằm xây dựng các chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ luật.
– Hai là,nghiên cứu thiết kế các các chương trình liên kết đào tạo luật theo mô hình do trường đối tác cấp bằng và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh tham gia giảng dạy ngoài các chương trình liên kết với Pháp và Anh quốc như hiện nay. Trước mắt có thể hướng tới việc hợp tác với các trường, viện đại học trên thế giới và khu vực đặc biệt là với các nước trong khu vực ASEAN vốn có những chương trình liên kết đào tạo từ lâu và khá phổ biến.[26]
– Ba là, xây dựng các chương trình liên kết đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, Anh văn pháp lý ở trình độ thạc sĩ.
– Bốn là, nghiên cứu và tìm kiếm đối tác xây dựng chương trình liên kết cấp bằng theo dạng học xen kẽ (do trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và trường đối tác cùng cấp bằng).[27]
CHÚ THÍCH
*TS Luật học, Phó Trưởng Bộ môn Anh văn Pháp lý, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Tổng quan về Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh..http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=10700:2014-09-16-07-25-17&catid=628:c-ctctsv-sotaysv&Itemid=772.
[2] Mặc dù có từ Doctor nhưng bằng cấp J.D thường được coi như tương đương với bằng cử nhân Luật (LL.B). Trong khi J.D là một bằng cấp chuyên sâu về Luật cho phép người học có cơ hội thực hành nghề Luật thì bằng cử nhân luật (LL.B) thường được xem là một bằng cấp ở trình độ cử nhân về khoa học pháp lý (Bachelor of Art in Legal Studies).
[3] Mỗi tiểu bang thông thường có những quy định khác nhau liên quan đến việc kết nạp của luật sư nước ngoài được đào tạo để tham gia Đoàn luật sư.
[4] Bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ được cấp đầu tiên bởi Trường Đại học Yale vào năm 1861. Office of Public Affairs at Yale – News Release at the Wayback Machine (archived September 9, 2006).
[5] Ví dụ trường Đại học Vanderbilt, xem Vanderbilt Owen Graduate School of Management: Ph.D. Admissions hay Đại học Purdue, xem “Admissions Information” tại www.purdue.edu.
[6] .“Wharton Doctoral Programs: Application Requirements”. Wharton.upenn.edu. 2009-12-15.
[7] .“Research Doctorate Programmes”. US Department of Education. 2006-06-18.
[8] Xem “S.J.D. Courses & Academics” law.harvard.edu; “Yale Law School – Contact the Graduate Programs Office”. law.yale.edu; The George Washington University. “SJD | Full List of Programs | Find a Graduate Program | Graduate & Professional | Learn | The George Washington University”. www.gwu.edu; “NYU Law – LL.M. & J.S.D.: J.S.D. Program”. law.nyu.edu; Stanford Law School. “Doctor of Science of Law (JSD) | Stanford Law School”. law.stanford.edu.
[9] University of George Washington, “Doctor of Juridical Science Degree”. Law.gwu.edu.
[10] Georgetown Law School, “Doctor of Juridical Science (Admissions)”. Law.georgetown.edu.
[11] Duke University, “Doctor of Juridical Science (SJD) Requirements”. Law.duke.edu; Tulane University, “Tulane Law School Prospective Students”. Law.tulane.edu.
[12] Chẳng hạn như các chương trình Thạc sĩ nghiên cứu pháp luật tại tại Đại học Oxford, các chương trình thạc sĩ luật tại Đại học Edinburgh và Đại học Leicester.
[13] Tại Đại học Manchester, các ứng viên cũng có thể phải trải qua một kỳ thi viết hoặc vấn đáp. Mỗi ứng viên sẽ được chấm thi bởi hai hoặc nhiều giám khảo trong đó ít nhất một giám khảo là một chuyên gia từ bên ngoài.
[14] Chẳng hạn, thạc sĩ nghiên cứu của Đại học Aberdeen phải nộp một luận án dày đến 70.000 từ nhiều hơn so với yêu cầu của các đại học khác. Xem University of Aberdeen, https://www.abdn.ac.uk/library/documents/guides/gen/qggen009.pdf.
[15] Xem Nguyễn Văn Quang, “Đào tạo Luật ở các trường luật của Australia: một vài phân tích và kinh nghiệm cho đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Luật học, số 11/2012.
[16] Xem Nguyễn Văn Quang, “Đào tạo luật ở các trường luật của Australia: một vài phân tích và kinh nghiệm cho đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Luật học, số 11/2012, tr. 66.
[17] Xem thêm Nguyễn Văn Nam, “Đào tạo luật và nghề luật ở Cộng hòa Liên bang Đức”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 8/2005.
[18] Thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ luật học khóa 25 (2016-2018) của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, số 1897/TB-ĐHL ngày 12/10/2015.
[19] Bao gồm Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.
[20] Xem Thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ luật học năm 2015 của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, số 987 /TB-ĐHL ngày 18/6/2015.
[21] Hiện có 39 cơ sở đào tạo luật trong cả nước.
[22] Theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2014.
[23] Chẳng hạn như các chương trình thạc sĩ luật so sánh về Luật châu Âu.
[24] Theo Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thì nghiên cứu sinh phải có ít nhất hai bài báo khoa học đăng trong tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc ít nhất một bài báo được đăng tại tạp chí chuyên ngành ở nước ngoài.
[25] Hai chương trình này hiện đã chiêu sinh khóa thứ 6 (chương trình liên kết với Pháp) và khóa thứ 10 (chương trình liên kết với Đại học Tây Anh Quốc).
[26] Ví dụ như các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của trường Đại học Mở Malaysia (Malaysia Open University – MOU) với các trường đại học của Việt Nam như Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH).
[27] Đây là chương trình đã được áp dụng trong khuôn khổ dự án hợp tác với Đại học Lund (Thụy Điển) do dự án SIDA tài trợ.
- Tác giả: TS. Trần Thăng Long*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời