Ý nghĩa của việc xác định loại cấu thành tội phạm: Việc xác định loại cấu thành tội phạm có ý nghĩa xác định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, của việc định tội danh và định khung hình phạt đối với tội phạm.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Cấu thành tội phạm – cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự Việt Nam khẳng định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự…”. Khoản 2 của Điều này cũng khẳng định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân thực hiện trong trường hợp được luật hình sự quy định.
Như vậy, xét về mặt pháp lí, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ đã thực hiện hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Muốn biết hành vi có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không và do vậy có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xác định hành vi đó có thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm hay không. Nếu hành vi có đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm thì có nghĩa hành vi đó là hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự và người thực hiện phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, pháp nhân thương mại cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cùng nếu thoả mãn các quy định về “điều kiện chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 75 Bộ luật Hình sự) và về “phạm vi chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 76 Bộ luật Hình sự).
Khi nói về trách nhiệm hình sự cần phải hiểu trước hết là trách nhiệm hình sự của cá nhân và trách nhiệm hình sự của cá nhân phải dựa trên cơ sở pháp lý là cấu thành tội phạm. trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tuy có quan hệ với cấu thành tội phạm vì có quan hệ với hành vi phạm tội của cá nhân nhưng trực tiếp dựa trên quy định về điều kiện và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự tại các điều 75 và 76 Bộ luật Hình sự. Do vậy, khi nói cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự thì cần hiểu trước hết là trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Vì phải dựa vào những dấu hiệu của cấu thành tội phạm để nhận định hành vi có phải là tội phạm hay không và người thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cho nên cấu thành tội phạm được coi là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, là điều kiện cần và đủ của trách nhiệm hình sự. Chủ thể thực hiện hành vi chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ có đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm và khi hành vi đã thoả mãn tất cả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì đã có đầy đủ cơ sở để có thể buộc người có hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự mà không đòi hỏi gì thêm.
Xem thêm bài viết về “Cấu thành tội phạm“
- Các căn cứ phân loại cấu thành tội phạm? Cho ví dụ minh họa? – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Cấu thành tội phạm là gì? Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm? – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Một số vấn đề cần trao đổi về cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” trong BLHS năm 2015 – TS. Nguyễn Quyết Thắng & ThS. Bùi Trương Ngọc Quỳnh
- Các tội xâm phạm sức khỏe: Khái niệm, Cấu thành tội phạm và Hình phạt – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
2. Cấu thành tội phạm – cơ sở pháp lý để định tội danh
Định tội là việc xác định hành vi đã thực hiện phạm tội cụ thể trong luật hình sự. Định tội là cơ sở cần thiết để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại trong những trường hợp nhất định. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, từng tội phạm được quy định đều có tội danh. Do vậy, định tội ở đây cũng đồng nghĩa với định tội danh. Muốn định tội danh cho hành vi cụ thể, người áp dụng luật hình sự phải căn cứ vào các cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Việc xác định tội danh là quá trình xác định hành vi thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự.
Nếu các tình tiết của hành vi phạm tội phù hợp với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì hành vi được định theo tội danh của cấu thành tội phạm đó.
Như vậy, cấu thành tội phạm là căn cứ pháp lý của việc định tội danh. Chỉ có thể căn cứ vào cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự mới có thể định tội danh được.
3. Cấu thành tội phạm – cơ sở pháp lý để định khung hình phạt
Định khung hình phạt là việc xác định hành vi phạm tội đã thoả mãn cấu thành tội phạm cơ bản có thuộc khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ không và thuộc khung nào (trong trường hợp điều luật có quy định các khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ khác nhau). Trong những trường hợp như vậy, cấu thành tội phạm tăng nặng cũng như cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cơ sở pháp lý để xác định khung hình phạt.
Nếu các tình tiết của hành vi phạm tội phù hợp với dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì khung hình phạt được áp dụng là khung hình phạt có dấu hiệu định khung hình phạt đó.
Nếu hành vi phạm tội không có tình tiết nào phù hợp với dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì khung hình phạt được áp dụng là khung hình phạt cơ bản. Khi đó cấu thành tội phạm cơ bản tuy là cơ sở pháp lý để định tội danh nhưng cũng có thể được coi đồng thời là cơ sở pháp lý để xác định khung hình phạt./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời