Khác với đương nhiên được xóa án tích, đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, người bị kết án phải tiến hành thực hiện các thủ tục tại Tòa án và chỉ khi có quyết định của Tòa án thì mới được coi là đã được xóa án tích. Vậy “Xóa án tích theo quyết định của Tòa án” là gì? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu nhé! Let’s go!
Xem thêm bài viết về “Án tích“, “Xóa án tích”
- Án tích là gì? Đặc điểm và hậu quả pháp lý của án tích? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về “Đương nhiên xóa án tích” trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án theo BLHS 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt theo quy định BLHS 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Đối tượng phải có quyết định xóa án tích của Tòa án
1.1. Thế nào là Xóa án tích theo quyết định của Tòa án?
Điều 71 BLHS 2015 quy định về xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Xoá án tích do Toà án quyết định là trường hợp xóa án tích áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII – các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội quy định tại Chương XXVI – các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh do Tòa án quyết định sau khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện nhất định.
1.2. Phân biệt trường hợp đương nhiên xóa án tích và Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
So với trường hợp đương nhiên xóa án tích, trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án có 02 điểm khác nhau cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, người bị kết án phải tiến hành thực hiện các thủ tục tại Tòa án và chỉ khi có quyết định của Tòa án thì mới được coi là đã được xóa án tích;
Thứ hai, xóa án tích theo quyết định của Tòa án chỉ áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (tại Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (tại Chương XXVI).
1.3. So sánh xóa án tích trong BLHS 1999 và BLHS 2015
So với BLHS năm 1999, quy định về xóa án tích theo quyết định của Tòa án trong BLHS năm 2015 có một số điểm mới sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung quy định về chấp hành xong (hết) thời gian thử thách án treo tại khoản 1 Điều 71 làm căn cứ để xóa án tích án tích theo quyết định của Tòa án.
Thứ hai, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo quyết định của Tòa án theo hướng còn 05 năm đối với trường hợp bị phạt tù trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Thứ ba, bổ sung quy định về cách xác định thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 BLHS năm 2015.
2. Các điều kiện để được Tòa án xem xét, quyết định xóa án tích
Về điều kiện để được Tòa án xem xét xóa án tích, theo quy định của điều luật, để được Tòa án xem xét quyết định xóa án tích thì người bị kết án phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
2.1. Người bị kết án về các tội thuộc Chương XIII và Chương XXVI BLHS 2015
Theo đó, chỉ những người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) hoặc các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) thì mới thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
Quy định này xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội đối với những hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, nên người bị kết án bên cạnh việc phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi hơn so với những tội phạm khác (như không áp dụng chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, không áp dụng chế định thời hiệu thi hành bản án…), thì cũng không được xem xét đương nhiên xóa án tích mà việc xóa án tích này phải được cơ quan Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp xem xét, quyết định với những điều kiện, trình tự, thủ tục chặt chẽ.
Bên cạnh đó, theo quy định của điều luật, khi Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII – các tội xâm phạm an ninh quốc gia và Chương XXVI – các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của BLHS năm 2015, thì Tòa án phải căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
Đây là quy định cần thiết được kế thừa từ BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, toàn diện trong việc Tòa án xem xét, quyết định xóa án tích cho người bị kết án.
2.2. Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án
Về điều kiện này, về cơ bản giống như điều kiện thứ hai đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, theo đó, người bị kết án đã chấp xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo, đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án (khoản 2 Điều 71) hoặc hết thời hiệu thi hành bản án (khoản 3 Điều 71).
2.3. Người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn nhất định
Người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 71, đã xác định thời hạn mà người bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội mới làm căn cứ để Tòa án xem xét, quyết định xóa án tích cụ thể như sau:
“2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung”.
Như vậy, cũng giống với thời hạn trong trường hợp đương nhiên xóa án tích, thì các thời hạn trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án là: 01 năm, 03 năm, 05 năm, 07 năm được quy định tại khoản 2 Điều 71 BLHS năm 2015 là các mức thời hạn phụ thuộc vào loại hình phạt và mức hình phạt chính mà Tòa án đã tuyên đối với người phạm tội, theo hướng loại hình phạt, mức hình phạt càng nặng thì thời hạn buộc người bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội làm căn cứ đương nhiên xóa án tích càng cao.
Bên cạnh đó, so với BLHS năm 1999, thì thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 71 BLHS năm 2015 cũng được rút ngắn, cụ thể: từ 07 năm xuống 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; từ 10 năm xuống 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Khi so sánh về thời hạn mà người bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội mới làm căn cứ trong trường hợp đương nhiên xóa án tích, thấy rõ ràng thời hạn này trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án là dài hơn. Điều này là hợp lý nhằm thể hiện chính sách hình sự nhất quán đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được quy định tại Chương XIII và Chương XXVI BLHS năm 2015.
Xem thêm bài viết về “Tòa án”
- Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người – ThS. Đặng Công Cường
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ – TS. Cao Vũ Minh
- Một niềm tin, bốn triển vọng và năm thách thức trong tiến trình thừa nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án – TS. Cao Vũ Minh
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 – ThS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 nhằm bảo đảm quyền con người trong hoạt động của Tòa án nhân dân – PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Phương
3. Thủ tục Tòa án xem xét, quyết định xóa án tích
Do tính chất nguy hiểm của đối tượng được xóa án tích theo quyết định của Tòa án mà thủ tục xóa án tích trong trường hợp theo quyết định của Tòa án cũng phức tạp hơn trường hợp đương nhiên xóa án tích.
Khoản 2 Điều 369 BLTTHS năm 2015 đã quy định:
“2. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập”.
Trong những trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 BLHS) thì người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú, làm việc, học tập về nhận thức, thái độ, xử sự hoặc các vi phạm pháp luật của họ.
Để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, điều luật quy định trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xóa án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển tài liệu cho Tòa án.
Khác với tính chất của thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, với thủ tục xóa án tích, không cần có Hội đồng xét và phiên họp xét. Điều luật quy định nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích. Quyết định xóa án tích, hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích phải được giao cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Như vậy, giấy tờ pháp lý chứng minh việc được xóa án tích trong trường hợp này là Quyết định xóa án tích do Tòa án cấp sơ thẩm ban hành.
Thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án được quy định cụ thể như sau:
3.1. Gửi đơn xin xóa án tích kèm hồ sơ chứng minh đủ điều kiện xóa án tích
Người muốn xin xoá án tích phải làm đơn gửi cho Toà án đã xử sơ thẩm tội phạm cũ của mình và kèm theo đơn, phải có những giấy tờ chứng minh họ có đủ những điều kiện xoá án tích:
- Bao gồm bản sao bản án, biên lai nộp tiền án phí và các khoản về dân sự trong vụ án bồi thường thiệt hại, sung công quỹ…;
- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, xác nhận của cơ quan công an cấp huyện với nội dung từ khi chấp hành xong bản án đến nay chưa phạm tội mới;
- Đồng thời cũng phải có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi họ thường trú về thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của họ ở địa phương.
3.2. Tòa án nhận đơn và kiểm tra điều kiện xóa án tích
Sau khi nhận đơn, Tòa án kiểm tra những điều kiện được xoá án tích và nếu cần thì tiến hành những biện pháp xác minh.
Nếu hồ sơ đầy đủ thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp để Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến về người bị kết án có đủ điểu kiện được xoá án tích hay không.
Trong thời hạn 10 ngày (BLTTHS 2015 quy định 05 ngày) kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện trưởng Viện Kiểm sát phải phát biểu ý kiến và gửi trả hồ sơ cho Toà án. Tòa án cấp sơ thẩm sẽ lập một Hội đồng xét duyệt do Chánh án chủ trì để quyết định xem có đủ điều kiện để xóa án tích hay không.
Chánh án có quyền ra Quyết định xoá án tích hoặc bác đơn xin xoá án. Quyết định xoá án tích phải gửi cho người bị kết án, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người được xoá án thường trú. Trường hợp bác đơn xin xoá án tích thì phải nói rõ lý do.
3.3. Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định xóa án tích
Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đối với quyết định xoá án tích. Nếu quyết định của Chánh án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm thì có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
3.4. Thời hạn xin xóa án tích lần tiếp theo trong trường hợp bị bác đơn xin xóa án tích
Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích. Nếu bị bác đơn lần thứ hai thì phải sau hai năm mới lại được xin xóa án tích. Những lần sau xin xóa án tích thì người đã bị kết án chỉ cần nộp thêm những giấy tờ chứng minh đã khắc phục những thiếu sót trước đây đã là nguyên nhân làm cho họ chưa được xóa án tích.
Như vậy, thủ tục ra Quyết định xóa án tích được quy định chặt chẽ hơn với sự phối hợp, tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan có thẩm quyền liên quan (Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Ủy ban nhân dân…). Điều này thể hiện sự thận trọng trong việc xóa án tích đối với những tội phạm có tính nguy hiểm cao này.
Đối với những trường hợp bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích. Kế thừa quy định trong BLHS năm 1999, đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, BLHS năm 2015 tiếp tục quy định những người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng) – TS. Phan Anh Tuấn
- Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo tinh thần của các Công ước quốc tế về quyền con người – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện – ThS. Mai Khắc Phúc
Trả lời