Mục lục
Tư tố trong tố tụng hình sự của Trung Quốc
Tác giả: Ngũ Hồng Quang
Tóm tắt
Trong tố tụng hình sự Trung Quốc có một loại hình thức truy tố là tư tố, tức là do người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự truy tố bị cáo. Bài viết được giới thiệu về phạm vi vụ án tư tố, những vấn đề đưa ra tư tố và thù tục xét xử vụ án tư tố của Trung Quốc. Tác giả bài viết cho rằng chế độ tư tố có giá trị và ý nghĩa riêng trong tố tụng hình sự, có thể là một hình thức truy tố bổ sung của công tố trong tố tụng hình sự.
Hiện nay, trên thế giới có hai loại hình thức truy tố chủ yếu: một loại là quyền truy tố hoàn toàn thuộc cơ quan công tố nhà nước, người bị hại không có quyền truy tố bị cáo, chẳng hạn như nước Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, v.v… Một loại khác là ở các nước Đức, Pháp, Trung Quốc, có cả công tố và tư tố, nhưng công tố là chủ yếu, tư tố là thứ yếu. Tư tố là một khái niệm sánh ngang với công tố, có nghĩa là trong một số vụ án hình sự, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự truy tố bị cáo theo quy định của pháp luật, mà không cần phải do cơ quan công tố nhà nước truy tố bị cáo. Bài này sẽ giới thiệu chế định tư tố của pháp luật tố tụng hình sự Trung Quốc.*
Xem thêm bài viết về “Tư tố”
1. Phạm vi của vụ án tư tố [1]
Vụ án tư tố có nghĩa là vụ án do người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự truy tố bị cáo, yêu cầu toà án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Theo quy định của Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự của Trung Quốc, các vụ án tư tố bao gồm:
1.1. Các vụ án chỉ có thể xử lý dựa trên cơ sở có tố cáo. Tức là những vụ về tội làm nhục, phỉ báng người khác, tội dùng vũ lực can thiệp vào tự do hôn nhân của người khác, tội ngược đãi thành viên trong gia đình, tội chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của các Điều 246,257,260,270 Bộ luật Hình sự, những tội nói trên đều là có sự tố cáo thì mới được đưa ra xử lý [2].
1.2. Các vụ án ít nghiêm trọng mà người bị hại có chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án. Các vụ án này cần phải có 2 điều kiện mới có thể tư tố: một phải là vụ án ít nghiêm trọng, hai là người bị hại phải có chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án. Nếu không thì nên xử lí theo vụ án công tố. Sau khi nhận hồ sơ mới phát hiện vụ án không có đủ chứng cứ và xét thấy vụ việc có thể do cơ quan công an thụ lý, toà án nên chuyển hồ sơ cho cơ quan công an khởi tố và điều tra theo vụ án công tố.
1.3. Các vụ án mà người bị hại có chứng cứ chứng minh rằng bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật bởi vì hành vi của bị cáo xâm phạm đến các quyền nhân thân hoặc quyền tài sản của họ, trong khi đó, cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân lại không truy cứu trách nhiệm hình sự của bị cáo. Loại vụ án này vốn do cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát khởi tố vụ án và điều tra, sau khi kết thúc điều tra thì do Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo trình tự công tố, nhưng thực tế thì cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát lại không khởi tố vụ án, hoặc trong khi điều tra đã xoá bỏ vụ án, hoặc Viện kiểm sát ra quyết định không truy tố bị cáo, mà người bị hại có chứng cứ chứng minh rằng bị cáo cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, người bị hại có thể lên toà án truy tố vụ án trực tiếp, tòa án phải thụ lý những vụ như vậy.
2. Về vấn đề đưa ra tư tố
2.1. Chủ thể có quyền đưa ra tư tố
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Trung Quốc, chủ thể có quyền đưa ra tư tố có 3 loại như sau:
Người bị hại. Người bị hại là người bị hành vi phạm tội xâm phạm những lợi ích của mình, do vậy đối với những vụ án tư tố, người bị hại đương nhiên có quyền truy tố trước tòa án, các nước có chế độ tư tố đều quy định như vậy.
Người đại diện hợp pháp của người bị hại. Ở đây bao gồm có bố mẹ, người giám hộ của người bị hại. Vì bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại trong tình hình đặc biệt, luật tố tụng hình sự Trung Quốc quy định người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền đưa ra tư tố. “Tình hình đặc biệt” nghĩa là trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc đã chết.
Họ hàng gần của người bị hại. Theo quy định, họ hàng gần bao gồm có chồng, vợ, bố, mẹ, con, anh em cùng bố mẹ. Đối với vụ án tư tố, nếu người bị hại đã chết hoặc bị mất khả năng tố tụng, thì họ hàng gần có thể đưa ra tư tố.
2.2. Điều kiện đưa ra tư tố
Tuy rằng tư tố là do cá nhân đưa ra, nhưng vẫn có thể tạo nên quá trình tố tụng hình sự và đạt được kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, để phòng ngừa cá nhân lạm dụng quyền tư tố và bảo vệ tính nghiêm túc của tố tụng hình sự cũng như quyền và lợi ích của bị cáo, pháp luật quy định để đưa ra tư tố phải đáp ứng một số điều kiện.
Một là, người đưa ra tư tố cần phải là người bị hại, nếu người bị hại đã chết hoặc mất khả năng tố tụng thì cũng có thể là người đại diện hợp pháp, họ hàng gần của người bị hại.
Hai là, vụ án đưa ra tư tố phải có bị cáo rõ ràng, tức là đối tượng truy tố phải xác định. Người đưa ra tư tố phải cung cấp thông tin về họ và tên, giới tính, chỗ ở, chỗ làm việc của bị cáo cho toà án để có thể thông báo cho bị cáo ứng tố.
Ba là, vụ án phải thuộc phạm vi tòa án có thẩm quyền thụ lý trực tiếp, giống như ở phần 1 của bài viết đã nêu.
Bốn là, vụ án phải chưa hết thời hiệu truy tố theo quy định của pháp luật.
2.3 Trình tự đưa ra tư tố
Người đưa ra tư tố phải gửi đơn kiện bằng văn bản cho toà án. Nếu viết bằng văn bản gặp khó khăn thì cũng có thể cáo trạng bằng lời nói. Trường hợp cáo trạng bằng lời nói phải do nhân viên tòa án ghi chép thành bản ghi, sau đó đọc cho người ấy nghe để xác định không có sai sót, bản ghi này phải được người ấy ký tên vào. Đơn kiện và bản ghi cáo trạng nên bao gồm nội dung như thông tin cơ bản của người đưa ra tư tố và người bị cáo, các tình tiết về hành vi phạm tội của bị cáo, những yêu cầu cụ thể của người đưa ra tư tố, các tình tiết về chứng cứ và người làm chứng, v.v…
3. Thủ tục xét xử của vụ án tư tố
3.1. Thẩm tra vụ án
Sau khi nhận được đơn kiện hoặc cáo trạng bằng lời nói của người đưa ra tư tố, toà án cần tiến hành thẩm tra và xử lý theo từng trường hợp như sau:
Đối với những vụ án đáp ứng đủ điều kiện tư tố, sự thật phạm tội rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, toà án cần thụ lý vụ án và thông báo cho người đưa ra tư tố bằng văn bản trong vòng 15 ngày sau khi nhận được đơn kiện.
Đối với những vụ án thiếu chứng cứ buộc tội, toà án có thể yêu cầu người đưa ra tư tố bổ sung chứng cứ trong kỳ hạn quy định, nếu không thể xuất trình được chứng cứ bổ sung, tòa án phải thuyết phục người này rút lại việc truy tố hoặc ra lệnh bác bỏ việc truy tố. Sau khi rút lại việc truy tố hoặc bị ra lệnh bác bỏ việc truy tố, nếu người này tìm được chứng cứ buộc tội đầy đủ và tiếp tục đưa ra tư tố, thì tòa án cần phải thụ lý vụ án.
Tòa án không thụ lý vụ án nếu có một trong những tình tiết như sau: (1) hành vi phạm tội đã quá thời hiệu truy tố; (2) người bị cáo đã chết; (3) tung tích của người bị cáo không rõ ràng; (4) người đưa ra tư tố đã rút lại việc truy tố rồi lại đưa ra truy tố bằng cùng một sự thật (trừ trường hợp không đủ chứng cứ buộc tội); (5) sau khi tòa án đã hòa giải thành, người đưa ra tư tố lại thay đổi quyết định và tiếp tục đưa ra truy tố bằng cùng một sự thật; (6) tòa án dân sự đã kết án, lại truy tố án hình sự bằng cùng một sự thật.
Đối với những vụ không đủ điều kiện thụ lý, toà án phải thông báo cho người đưa ra tư tố bằng văn bản trong vòng 15 ngày sau khi đưa ra truy tố, đồng thời phải giải thích lý do không thụ lý. Nếu người đưa ra tư tố khăng khăng truy tố, toà án phải ra lệnh bác bỏ việc truy tố, nếu người đưa ra tư tố không nhất trí với quyết định của toà án, người ấy có quyền kháng cáo lên toà án cấp trên trực tiếp.
3.2. Xét xử vụ án
Đối với các vụ tư tố đã thụ lý, toà án phải mở phiên toà xét xử. Quá trình xét xử của vụ án tư tố không có nhiều điểm khác biệt so với vụ án công tố, tuy nhiện vụ án tư tố dù sao cũng khác với vụ án công tố, nên việc xét xử của vụ án tư tố cũng có một số đặc điểm riêng.
Thứ nhất, trong quá trình xét xử, nếu người đưa ra tư tố đã được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng, hoặc nếu bỏ ra khỏi phiên toà mà không được sự cho phép của toà án, vụ án có thể bị coi là đã bị người này rút lại.
Thứ hai, tòa án có thể hòa giải vụ án trong khi xét xử. Tức là tòa án có thể giáo dục và thuyết phục hai bên người đương sự để họ đạt được thoả thuận về việc giải quyết vụ án trên cơ sở sự thật và pháp lý của vụ án. Nếu đạt được kết quả như vậy thì tòa án kết án bằng bản hòa giải trên cơ sở thoả thuận của hai bên người đương sự, mà không cần kết án bằng phán quyết. Sự hòa giải phải tiến hành trên tiền đề tự nguyện, hợp pháp và không được gây tổn hại cho lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân. Đối với các vụ kết án bằng hòa giải, tòa án phải làm một bản hòa giải hình sự, thẩm phán và thư ký tòa án ký tên rồi đóng dấu của tòa án. Bản hòa giải có hiệu lực pháp lý từ ngày người đương sự nhận được văn bản này. Cách kết án bằng hòa giải có thể giải quyết vấn đề nhanh, với lại có thể giảm bớt gánh nặng tố tụng cho người đương sự, lại có thể phát huy sự đoàn kết của nhân dân, nên những vụ án tư tố nếu có thể kết án bằng cách này thì toà án đều chủ trương hòa giải. Nhưng theo Điều 172 của Bộ luật Tố tụng hình sự Trung Quốc quy định, nếu có những tình tiết như ở Mục 1.3 của bài viết này đã nêu thì không được hòa giải.
Thứ ba, trước khi tuyên án người đưa ra tư tố có thể tự hoà giải với bị cáo hoặc rút lại việc truy tố. Hai bên đương sự được quyền tự trao đổi với nhau để giải quyết vấn đề, đạt được thoả thuận mà không có thẩm phán chủ trì, miễn là vụ án này vẫn chưa tuyên án. Sau khi hai bên đương sự hoà giải, người đưa ra tư tố phải xin rút lại việc truy tố với toà án. Đương nhiên, sự hòa giải không phải là điều kiện tất yếu của việc rút truy tố, chỉ cần người đưa ra tư tố muốn thì cò thể được xin rút lại việc truy tố. Tòa án cần thẩm tra người đưa ra tư tố có phải là tự nguyện rút lại truy tố không, nếu do ngưới khác đe dọa, cưỡng bức thì không cho phép rút lại truy tố.
Thứ tư, trong quá trình tố tụng, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo trong một vụ án tư tố có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với người đưa ra tư tố.
4. Một số bình luận
Khảo sát lịch sử phát triển của chế độ truy tố của xã hội nhân loại, lúc đầu tất cả việc truy tố đều do cá nhân tư tố. Việc có truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội hay không, hoàn toàn do người bị hại có quyết định đưa ra việc truy tố cho cơ quan xét xử của nhà nước hay không, không có tư tố thì không có sự xét xử. Theo đà phát triển của tư tưởng nhà nước, bộ máy nhà nước ngày càng hùng mạnh, chế độ công tố được lập nên và dần dần chiếm vị trí chủ yếu trong việc truy tố [3]. Vì thế, một vấn đề đáng thảo luận là hiện nay có cần giữ lại chế độ tư tố không? Chế độ tư tố có ý nghĩa và giá trị gì trong tố tụng hình sự? Chúng tôi phân tích chế độ tư tố hiện nay của Trung Quốc có thể thấy rằng tư tố có tính cần thiết và tính hợp lý như sau:
Thứ nhất, chế độ tư tố có thể bảo vệ lợi ích và bảo đảm quyền tố tụng cho người bị hại. Trước hết, người bị hại là người bị hành vi phạm tội gây tổn hại quyền lợi trực tiếp, đáng lẽ đương nhiên có quyền yêu cầu trừng phạt người phạm tội. Nhưng sau khi chế độ công tố ra đời, quyền truy tố của người bị hại lại được chuyển sang cho cơ quan công tố nhà nước sử dụng trong các trường hợp thông thường. Nhưng đối với một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng thì có thể cho người bị hại tự sử dụng quyền truy tố. Như vậy, tư tố không những không làm tổn hại lợi ích của xã hội và nhà nước, mà còn có thể tiết kiệm tài nguyên tư pháp để tập trung lực lượng giải quyết những vụ phạm tội nghiêm trọng khác. Kế tiếp, nếu tất cả vụ án hình sự đều do cơ quan công tố nhà nước truy tố, thì quyền và lợi ích của người bị hại sẽ không được bảo vệ trong trường hợp cơ quan công an và viện kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự của bị cáo cho dù người bị hại có chứng cứ chứng minh người bị cáo cần phải bị truy cứu
trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này nếu cho phép người bị hại tự sử dụng quyền truy tố thì vấn đề nêu trên sẽ có thể được giải quyết, đồng thời lại còn có thể đốc thúc cơ quan Công an và Viện kiểm sát sử dụng quyền lực một cách chính xác, nghiêm minh.
Thứ hai, một số vụ án chỉ liên quan đến thành viên của cùng một gia đình, người bị hại và người phạm tội có mối quan hệ đặc biệt. Nếu cơ quan nhà nước không cưỡng chế tiến hành truy tố, mà do người bị hại tự quyết định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, hoặc cho phép hai bên đương sự hòa giải, thì có lợi cho việc giải quyết vấn đề, và có lợi trong việc giáo dục, cảm hóa người phạm tội, đạt được kết quả trị bệnh cứu người.
Thứ ba, một số vụ án chỉ liên quan đến danh dự, việc riêng phải giữ kín, nếu cơ quan công tố cưỡng chế tiến hành tố tụng, làm mọi người đều biết rõ sự việc, thì có lẽ càng gây tổn hại nhiều hơn cho người bị hại. Hơn nữa, trong những vụ án như vậy, nếu người bị hại không muốn tố cáo mà phủ nhận việc có hành vi phạm tội xảy ra thì cơ quan nhà nước rất khó điều tra sự thật của vụ án một cách rõ ràng. Cho nên, pháp luật cho phép người bị hại tự sử dụng quyền truy tố, có truy tố hay không do người bị hại tự quyết định, như thế sẽ tốt cho người bị hại khi bảo vệ lợi ích của mình.
Nói tóm lại, chế độ tư tố có giá trị và ý nghĩa riêng trong tố tụng hình sự. Trong khi công tố đã trở thành loại hình thức truy tố chủ yếu trên thế giới thì tư tố vẫn có thể là một hình thức truy tố bổ sung trong tố tụng hình sự.
Xem thêm bài viết về “Trung Quốc”
- Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc – TS. Nguyễn Tiến Vinh
- Học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại: Giá trị lịch sử và ý nghĩa đương đại – TS. Đỗ Đức Minh
- Văn minh Trung Quốc – ThS. LS. Phạm Quang Thanh & LS. Hoàng Minh Hùng
- Giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty – một công cụ để thực hiện hành vi thao túng dưới dạng thâu tóm hoặc trợ giúp và kinh nghiệm từ Trung Quốc – ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
Tài liệu tham khảo
[1] Luật tố tụng hình sự Trung Quốc, năm 1996.
[2] Luật Hình sự Trung Quốc, năm 1997.
[3] Phạm Tụng Nghĩa: Giáo trình Luật tố tụng hình sự, NXB Đại học Chính pháp Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2007.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời