Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
TÓM TẮT
Hiện tại, Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã có những quy định ban đầu về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và các thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Những quy định mới này đã phản ánh sự thay đổi lớn về tư duy của nhà làm luật, mặt khác khẳng định vai trò của pháp luật hình sự trong việc xử lý nghiêm minh đối với một số hành vi nghiêm trọng do pháp nhân thực hiện, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng cho người dân và xã hội. Bài viết nhằm chia sẻ một số ý kiến đối với các quy định của BLHS và BLTTHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Xem thêm:
- Tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội’’ và phương hướng hoàn thiện quy định của BLHS đáp ứng yêu cầu phòng, chống bỏ lọt tội phạm – ThS. Trần Đình Hải
- Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo BLDS năm 2015 – ThS. Lê Nhật Bảo
- Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (chủ thể không có tư cách pháp nhân) theo BLDS năm 2015 – TS. Phan Huy Hồng & ThS. Nguyễn Thanh Tú
- Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự – ThS. Võ Minh Kỳ & ThS. Nguyễn Phương Anh
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
TỪ KHÓA: Pháp nhân, Pháp nhân thương mại, Thủ tục, Trách nhiệm hình sự, Truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
1.1. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Ngày nay, pháp luật của nhiều quốc gia đã ghi nhận pháp nhân có quyền khởi kiện và bị kiện, đồng thời có thể bị cáo buộc phạm tội.[1] Ở khía cạnh hình sự, pháp nhân chỉ có thể phạm tội thông qua hành vi của một hay một vài cá nhân của pháp nhân [2] .
Việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân sẽ không là yếu tố loại trừ TNHS đối với cá nhân. Câu hỏi đặt ra là, việc cá nhân là người của pháp nhân (giám đốc, nhân viên, chuyên viên, đại lý, công ty con, cổ đông) bị cáo buộc phạm tội (về hành vi có liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân) có đồng nghĩa với việc truy cứu TNHS của pháp nhân từ hành vi phạm tội của cá nhân đó hay không? Câu hỏi này cần được làm sáng tỏ. Ở tình huống thứ nhất, chế tài hình sự (nếu có) đối với cá nhân sẽ do chính cá nhân phải gánh chịu; nhưng ở tình huống thứ hai, người phải gánh chịu TNHS chỉ có thể là pháp nhân. Đây chính là tiền đề để đặt câu hỏi liên quan đến quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015 về điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại.[3] Theo quy định tại khoản 1 của điều luật, pháp nhân chỉphải chịu TNHS khi hội đủ 4 điều kiện.[4] Tình huống đặt ra là, nếu cá nhân hay các đại lý hoặc công ty con của pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi phạm tội nhằm trục lợi cho riêng mình nhân danh vì lợi ích chung của công ty, trong phạm vi công việc thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền nhưng không có sự chỉ đạo của công ty thì sẽ truy cứu TNHS đối với công ty hay cá nhân? Rõ ràng, theo Điều 75 khoản 1 BLHS năm 2015, trường hợp này sẽ không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân vì thiếu điều kiện thứ 3 (hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại). Mặc dù vậy, câu chuyện vẫn cần phải được giải quyết: hậu quả nguy hiểm mà người đại diện pháp nhân gây ra sẽ như thế nào, trách nhiệm hình sự của pháp nhân có được đặt ra hay không?
Thực tế cho thấy, pháp luật không thể trực tiếp ngăn chặn khả năng phạm tội của pháp nhân mà chỉ có thể ngăn chặn các hành vi trái pháp luật của người đại diện. Do đó, pháp luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một pháp nhân từ những hành vi sai phạm của cá nhân là người của pháp nhân gây ra. Điều này có tác động trực tiếp đến lợi ích chính đáng của pháp nhân và của chính cá nhân (đến danh tiếng, doanh thu, sự ổn định nhân sự…), đồng thời sẽ là một động lực khuyến khích các cá nhân là người của pháp nhân không nên thực hiện hành vi phạm pháp hoặc để xảy ra rủi ro hay sai sót. Mặt khác, sự trừng phạt đối với pháp nhân còn có ý nghĩa nâng cao ý thức và kinh nghiệm về quản trị nhân sự của pháp nhân. Rõ ràng, nội bộ cần phải phân định rạch ròi về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm gánh chịu sai phạm khi đề bạt và trao quyền cho cánhân.[5] Theo đó, cách diễn đạt của Điều 75 dường như đã bó hẹp khả năng truy cứu TNHS của pháp nhân trong trường hợp trên vì “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:…”.[6]
Để việcáp dụng pháp luật hình sự được chính xác và phục vụ tốt cho công tác tố tụng, câu hỏi liên quan đến nội dung khoản 1 Điều 75 cần phải được làm rõ đó là: Pháp nhân phải chịu TNHS bởi hành vi phạm tội của ai? nhân viên, đại lý công ty, ban giám đốc hay hội đồng quản trị?
1.2. Phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Cần nhìn nhận lại yếu tố “lợi ích công” hay phúc lợi xã hội phải là khía cạnh quan trọng để truy cứu TNHS pháp nhân theo nghĩa rộng. Thực tế cho thấy, có nhiều thiệt hại do pháp nhân gây ra cho người dân và xã hội thông qua việc ban hành những chính sách và quyết định sai lầm về kinh tế, giáo dục, y tế, xây dựng… hoặc vô trách nhiệm lỏng lẻo trong quản lý, giám sát nhưng kết quả là chỉ bị nhắc nhở nội bộ, khiển trách hay kỷ luật và xử phạt trách nhiệm dân sự. Theo chúng tôi, BLHS năm 2015 (Điều 76) chỉ quy định việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại và chỉ giới hạn 30 tội danh là chưa thực sự coi trọng lợi ích chung của cộng đồng, yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của một xã hội. Các khảo sát cho thấy, đã từ lâu ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Mỹ, pháp nhân có thể bị truy cứu TNHS ở hầu hết mọi loại tội, trừ những tội phạm đòi hỏi phải do khả năng tự nhiên của con người gây ra như giết người, hiếp dâm.[7] Thậm chí, những quy định ngoại lệ đặc biệt cũng được tìm thấy trong pháp luật của nước Anh và xứ Wales về hành vi của pháp nhân về tội ngộ sát hay giết người.[8] Do đó, cần mở rộng quy định của pháp luật đối với những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội của pháp nhân mà không chỉ bó hẹp như quy định tại Điều 76 chỉ đối với pháp nhân thương mại. Rõ ràng, những hành vi đe dọa hay gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng từ trách nhiệm của pháp nhân, theo nghĩa rộng, cần thiết phải được xử lý nghiêm minh (ví dụ những hành vi dung túng của công ty vận tải cho tài xế đi ẩu, lấn tuyến, vượt tốc độ bất chấp sự an toàn và gây nguy hiểm đến tính mạng; hay doanh nghiệp áp dụng các chính sách bất hợp pháp gây nguy hại đến an toàn của người lao động…).
1.3. Hình thức chế tài mang tính xãhội
BLHS năm 2015 đã quy định khá chi tiết các biện pháp chế tài hình sự đối với hành vi phạm tội của pháp nhân. Hầu hết các biện pháp đều tập trung vào mục đích tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân như phạt tiền, cấm kinh doanh, đình chỉ hoạt động, cấm huy động vốn… và một số biện pháp tư pháp khác. Điều này là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa lôi kéo được vai trò của các cơ quan chức năng và xã hội tham gia trong việc phát hiện và xử lý hành vi phạm tội của phápnhân.
Ở một số nước, các hình thức chế tài về danh tiếng của pháp nhân được vận dụng khá linh hoạt và hiệu quả qua các kênh thông tin từ các cơ quan chức năng như ủy ban chứng khoán, các cơ quan quản lý về thuế, môi trường, thực phẩm, y tế… hay từ chính thái độ và niềm tin của xã hội đối với sản phẩm được cung cấp. Thậm chí, ở Mỹ, cơ quan công tố thường xuyên theo dõi các báo cáo đánh giá của tạp chí chuyên ngành như Wall Street Journal để phát hiện và xử lý hình sự đối với các sai phạm của phápnhân.[9] Theo đó, nếu một pháp nhân thương mại có danh tiếng tốt nhưng lại cung cấp những hàng hóa hay dịch vụ kém chất lượng gây ảnh hưởng đáng kể đến khách hàng, ngay lập tức có thể bị áp dụng hình phạt về danh tiếng bởi nguy cơ có thể bị tước đoạt cơ hội cạnh tranh cho đến khi tự nó phục hồi lại chất lượng sản phẩm.[10] Bản chất của hình phạt về danh tiếng nhằm mục đích trừng phạt pháp nhân bằng cách làm giảm lợi nhuận kinh doanh trong các khoản đầu tư vào phát triển danh tiếng thông qua hệ thống chính sách trừng phạt thương mại.[11]
Vấn đề là Nhà nước cần phải xây dựng hệ thống các hình thức trừng phạt linh hoạt bên cạnh hình phạt tiền hay đình chỉ kinh doanh. Có thể nhận thấy, các thông số và tình trạng hoạt động kinh doanh của các pháp nhân thương mại được công bố qua những báo cáo, đánh giá của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc sớm phát hiện và xử lý chứng cứ về mặt tố tụng cho việc cáo buộc. Theo đó, việc báo cáo và đưa những thông tin gian dối về hoạt động của các công ty cũng cần được xử lý nghiêm minh.[12]
2. Một số vấn đề cơ bản về thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Hiện tại, BLTTHS năm 2015 đã dành hẳn Chương 29 quy định về thủ tục truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Có thể nói, những quy định này là khá đầy đủ, bao gồm các quy định liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, Bộ luật này cũng đã xây dựng những điều khoản về các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân là bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng, cũng như quyền và nghĩa vụ của ngườiđại diện của pháp nhân tham gia tố tụng. Theo đó, quy trình tố tụng trong vụ án truy cứu TNHS của pháp nhân có những đặc điểm sau:
– Tuân thủ quy trình tố tụng chung về khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với cá nhân bị buộc tội thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
– Không áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự đối với cá nhân bị buộc tội như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền đề để bảo đảm và bảo lãnh. Ngược lại, có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thông qua người đại diện của pháp nhân, bao gồm: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ hoạt động, nộp tiền đảm bảo thi hành án.
– Hoạt động chứng minh cần đặc biệt tập trung phân biệt làm rõ giữa lỗi của pháp nhân và lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.
Trong phần này, chúng tôi mong muốn được bàn thêm một số khía cạnh cơ sở cho việc quy định các thủ tục truy cứu TNHS đối với pháp nhân, đồng thời đưa ra những nhận xét về các quy định liên quan của BLTTHS năm 2015.
2.1. Các vấn đề về khởi tố, điều tra
a. Thiết lập các cơ quan điều tra chuyênngành vàthiết kế cácchương trình, phương pháp đào tạo đội ngũ cán bộ điều tra
Việc điều tracác vụ án liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân có tính đặc thù. Do đó, việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, cần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống các đạo luật liên quan, ví dụ như các luật về doanh nghiệp, hợp đồng, lao động, thuế, môi trường, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh thương mại, xây dựng, giao thông… trên cơ sở liên thông luật về hình sự và tố tụng hình sự với các đạo luật khác có liên quan. Hiện nay, BLHS năm 2015 mới chỉ quy định một số tội danh có thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Điều này, như đã đề cập ở trên, có thể sẽ phải cân nhắc để bổ sung quy định theo hướng mở rộng hơn phạm vi pháp nhân phạm tội [13] . Theo đó, việc chuyên môn hóa hoạt động điều tra đối với các vụ án mà người phạm tội là pháp nhân là cần thiết trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều tra. Các nghiệp vụ cần được chú trọng đào tạo bao gồm kỹ năng thu thập chứng cứ, kỹ thuật thẩm vấn, kỹ năng về đánh giá chứng cứ và vận dụng nguồn luật liên quan…
b. Thiết lập cơ chế hợp tác phòng chống tội phạm giữa cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng ở cấp độ nhà nước
Như đã trình bày, vai tròcủa các cơ quanchức năng như Ủy ban Chứng khoán Bộ Công thương, cơ quan quản lý về thuế, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và người lao động, Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan bảo vệ môi trường… là vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và thông tin về hành vi phạm tội của pháp nhân. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan này với các cơ quan điều tra sẽ nâng cao hiệu quả điều tra tội phạm. Việc hợp tác cần phải được triển khai bằng nhiều hình thức, bao gồm tổ chức tọa đàm, báo cáo và chia sẻ thông tin về hoạt động của pháp nhân có nguy cơ phạm tội (lưu ý: việc cung cấp thông tin của pháp nhân phải đảm bảo sự tuân thủ đúng pháp luật và chỉ phục vụ cho mục đích truy cứu TNHS). Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các cơ quan chức năng trong việc tham gia tố cáo và thông tin về tội phạm.
c. Thiết lập cơ chế pháp lý quản lý và kiểm soát thông tin về tội phạm
Hiện nay, BLTTHS năm 2015 đã có những quy định bổ sung khá đầy đủ về các nguồn của chứng cứ, bao gồm cả chứng cứ điện tử và việc thu thập phương tiện điện tử cũng như dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa quy định việc cung cấp thông tin về tội phạm cho các hãng truyền thông. Trên thực tế, nhu cầu đưa tin về hành vi phạm tội của pháp nhân và công bố qua các phương tiện truyền thông cần được quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt để bảo vệ người làm chứng và người tố cáo, đồng thời bảo đảm quyền và lợi chính đáng của pháp nhân bị tình nghi phạmtội.
Theo kinhnghiệm của các nước, cần phải có bộ phận điều tra chuyên tiếp nhận, kiểm soát và xử lý thông tin truyền thông về hành vi phạm tội của pháp nhân. Việc cung cấp thông tin từ phía cơ quan điều tra hoặc cơ quan chức năng có liên quan nếu gây thiệt hại cho nạn nhân, nhân chứng hoặc người tố cáo cần phải được xử lý bằng các biện pháp chế tài tương ứng. Điều này cũng cần được hiểu tương tự trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cung cấp các kết luận điều tra về pháp nhân là bị can, bị cáo cho truyền thông trước khiTòa án tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. Rõ ràng, trường hợp này, nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội có thể bị xem là không được tuân thủ. Học tập kinh nghiệm các nước, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng riêng một đạo luật về chứng cứ và bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo.
d. Các biện pháp điều tra đặc biệt và cách thức điều tra
BLTTHS năm 2015 lần đầutiên đã quy định một số biện pháp điều tra đặc biệt. Theo đó, các biện pháp thu âm, thu hình, nghe lén điện thoại, thu thập bí mật dữ liệu điện tử có thể được áp dụng đối với một số loại tội, bao gồm: (1) tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; (2) tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.[14] Theo các quy định của BLHS năm 2015 thì các tội danh có thể truy cứu TNHS đối với hành vi phạm tội của pháp nhân không thuộc trường hợp liệt kê tại khoản 1 Điều 224 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, theo khoản 2 của Điều luật này, các biện pháp điều tra đặc biệt có thể áp dụng với vụ án có người bị buộc tội là pháp nhân (đối với các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) không? Theo chúng tôi, cần làm rõ quy định của điều khoản này theo hướng cho phép áp dụng. Bởi lẽ, việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để thu thập các thông tin về hành vi phạm tội của pháp nhân ở những giai đoạn đầu vụ án là vô cùng quan trọng, tương xứng với quy mô phức tạp và khó khăn trong các vụ án mà bị can, bị cáo là pháp nhân. Cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là tòa án chỉ có thể sử dụng những chứng cứ được thu thập với mục đích duy nhất là phục vụ cho việc chứng minh tội phạm.[15] Trong những vụ này, việc chứng minh phải được đặc biệt cân nhắc giữa lợi ích của pháp nhân với lợi ích của cá nhân là người của pháp nhân bị cáo buộc; phải làm sáng tỏ giữa hành vi phạm tội của pháp nhân với hành vi phạm tội của cá nhân là người của pháp nhân.
Cách thức thu thập chứng cứ cần tuânthủ các quy định của BLTTHS năm 2015 về việc lấy lời khai người đại diện của pháp nhân (Điều 442) và phải tập trung vào những vấn đề cần chứng minh theo Điều 441.[16] Việc điều tra cần triển khai theo cách thức gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao vai trò của Viện kiểm sát trong việc định hướng và giám sát hoạt động điều tra. Ở khía cạnh này, BLTTHS năm 2015 đã quy định khá đầy đủ(cụ thể ở các điều khoản quy định vai trò của Viện kiểm sát trong việc phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng trong hoạt động điều tra; hay tham gia trực tiếp hoạt động điều tra khi cần thiết).
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 quy định việc lấy lời khai người đại diện của pháp nhân theo khoản 6 Điều 442 được áp dụng theo trình tự quy định về hoạt động hỏi cung bị can quy định tại Điều 178 là chưa hợp lý. Theo chúng tôi, cần hoàn thiện Điều 442 hoặc Điều 178 theo hướng làm rõ hơn về thủ tục hỏi cung bị can và lấy lời khai người đại diện của pháp nhân. Đồng thời, khái niệm về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cần được quy định rõ theo hướng chỉ dẫn tham chiếu đến quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 75, Điều 137) và Luật Doanh nghiệp năm 2015 (Điều 13, Điều 14). Các quy định khác liên quan đến việc triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng cũng cần quy định bổ sung hình phạt đối với pháp nhân trong trường hợp pháp nhân đã tuyên bố phá sản, sáp nhập hoặc chia tách doanh nghiệp.
2.2. Các vấn đề về truy tố và xét xử
Việc xây dựng chính sách hình sự đối với pháp nhân thương mạicần phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà pháp nhân gây thiệt hại cho lợi ích của xã hội. Theo đó, truy cứu TNHS của pháp nhân cần phải nhìn nhận hiệu quả của nó đối với xã hội so với các cách thức xử phạt trách nhiệm dân sự hay hành chính. Mục đích của các chế tài hình sự phải nhằm thu hồi và bù đắp lại cho xã hội và người dân những thiệt hại về lợi ích mà pháp nhân xâm phạm. Theo quan điểm của nhiều quốc gia, đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại, chính sách hình sự và tố tụng hình sự nên được xây dựng trên tiêu chí cân nhắc năng lực và hiệu quảphục hồi tài chính đối với các tổn thất cho xã hội mà phápnhân gây ra. Nếu khả năng phục hồi cao, yếu tố giảm nhẹ và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nên được xem xét.[17]
Tuy nhiên, với những quy định của BLHS năm 2015, cácchế tài hình sự về hình phạt tiền với pháp nhân có thể gây khó khăn đối với việc xác định thời hạn điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng hình sự. Bởi lẽ, hầu hết các điều khoản về các tội danh có áp dụng hình phạt tiền đều chỉ dừng ở mức ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là thời hạn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là pháp nhân chỉ dừng lại ở thời hạn đối với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng ngay cả khi có căn cứ cho rằng mức độ phạm tội của pháp nhân là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù các quy định của BLHS năm 2015 có quy định mức phạt tiền đối với hành vi phạm tội của pháp nhân nhưng không có sự phân hóa mức độ nghiêm trọng nên không thể triển khai áp dụng về mặt thời hạn và thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng.
Kết luận
Qua khảo sát các quy định của BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, chúng tôi nhận thấy nhà làm luật đã đưa ra một quy trình tố tụng khá rõ ràng và đầy đủ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân so với những quy định tương ứng về chính sách xử lý về hình sự được ghi nhận trong BLHS năm 2015.
Khó có thể đưa ra những kết luận đánh giá cụ thể về hiệu quả áp dụng của các quy định trên tại thời điểm này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, đồng thời tham khảo pháp luật một số nước, chúng tôi nhận thấy việc pháp luật Việt Nam ghi nhận trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đã thể hiện rất rõ quan điểm của Nhà nước trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Điều này nên được tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở rộng hơn nữa chính sách truy cứu TNHS không chỉ đối với pháp nhân thương mại đang là xu hướng được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới.[18]
Cuối cùng, theo chúng tôi, khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về TNHS của pháp nhân cần lưu ý những khía cạnhsau:
– Tăng cường vai trò các biện pháp thực thi trong công tác kiểm tra, giám sát và thông tin về tội phạm.
– Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện BLHS về mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở các tội danh được quy định đối với pháp nhân nhằm tạo sự thống nhất trong việc áp dụng đúng quy trình tố tụng hình sự về thời hạn và thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử. Mọi đánh giá về các biện pháp chế tài phải được cân nhắc dựa trên mức độ thiệt hại của xã hội.
– Đề cao vai trò của hoạt động điều tra thu thập chứng cứ ở giai đoạn tiền xét xử. Chứng cứ phải được thu thập và đánh giá, đồng thời phải phân tích rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của pháp nhân và cá nhân là người của pháp nhân phạm tội.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đã được chính thức bàn bạc từ hơn một thế kỷ trước ở nước Anh với nhiều tranh cãi. Các quan điểm trái chiều thời điểm đó chủ yếu xoay quanh sự khẳng khái cho rằng đây là điều không thể, bởi pháp nhân là “không có linh hồn để nguyền rủa và không có cơ thể để bị đánh đuổi” (“no soul to be damned, and no body to be kicked”). Xem: No Soul to Damn, No Body to Kick”: An Unscandalized Inquiry Into the Problem of Corporate Punishment, 79 Mich. L. Rer. 386, 386 (1980), thamkhảo từ Mihir Naniwadekar & V. Umakanth, Corporate criminal liability and securities offerings: rationalizing the iridium-motorola case, truy cập http://ssrn.com/abstract=1801628 ngày 30/3/2016. Trong nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thực tế đã được bàn bạc từ khá lâu, vào khoảng thế kỷ 16-17. Tuy nhiên, vấn đề này đã gặp phải 3 cản trở cơ bản. Cản trở đầu tiên chính là lý thuyết về mối liên hệ giữa yếu tố đạo đức (ý định phạm tội) và hành vi của pháp nhân (trong suốt thế kỷ 18, các quan điểm pháp lý đều cho rằng không thể có cái gọi là đạo đức của pháp nhân và điều này đã cản trở sự phát triển của các ý kiến tiến bộ khác cho đến tận đầu thế kỷ 20). Cản trở thứ hai là học thuyết “ultra vires doctrine” – cái thừa nhận đặc quyền đối với pháp nhân mà quan tòa không thể can thiệp. Cản trở cuối cùng chính là những khó khăn về thủ tục tố tụng, Tòa án cần thiết phải yêu cầu cụ thể ai đó đại diện cho pháp nhân phạm tội ra trước tòa và chứng minh rằng họ có mục đích phạm tội. Đây chính là những khó khăn nhất đối với nhiệm vụ chứng minh của Tòa án. (Xem: V.S. Khanna, Corporate Criminal Liability: What Purpose Does It Serve?,Harvard Law Review, Volum 109, Number 7, 1996. Truy cập: http://www.masonlec.org/site/files/2012/04/Khanna_Corp-Crim-Liability.pdf,ngày 30/3/2016).
[2] Theo học thuyết quy trách nhiệm từ người có quyền thực thi (“the doctrine of respondeat superi-or”), một pháp nhân có thể bị truy cứu TNHS do hành vi vi phạm pháp luật của giám đốc, nhân viên, chuyên viên và đại lý của pháp nhân. Việc truy cứu TNHS sẽ có thể được tiến hành nếu (i) những người này thưc hiện hành vi vi phạm trong phạm vi và nhiệm vụ của mình; và (ii) họ có ý định thực hiện hành vi vi phạm vì (ít nhất một phần) lợi ích của pháp nhân. Ngoài ra, trong mọi trường hợp liên quan đến hành vi sai trái của người đại diện (đại lý, cổ đông, công ty con, giám đốc, chuyên viên, nhân viên) công ty, cơ quan THTT và người THTT cần phải xem xét chính xác trách nhiệm cá nhân cũng như pháp nhân, nhằm xác định mục đích phạm tội tiềm ẩn từ đâu. (Học thuyết này của người Mỹ. Xem: (Xem: V.S. Khanna, “Corporate Criminal Liability: What Purpose Does It Serve?”, Harvard Law Review, Volum 109, Number 7, 1996. Truy cập: http://www.masonlec.org/site/files/2012/04/Khanna_Corp-Crim-Liability.pdfngày 30/3/2016).
[3] Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá
nhân.
[4] Xem chú thích 3.
[5] Lewis A. Kornhauser, “An Economic Analysis of the Choice Between Enterprise and Personal Liability for Accidents”, 70 CAL. L. REV. 1345 passim (1982). Xem: V.S. Khanna, chú thích 1.
[6] Có thể tham khảo Luật hình sự của Úc, theo đó pháp nhân có thể bị truy cứu TNHS nếu có 1 trong 4 dấu hiệu sau:
1) Hội đồng quản trị thực hiện hoặc cho phép thực hiện các hành vi bị cấm.
2) Quản lý cấp cao tham gia hoặc cho phép tiến hành.
3) “Văn hóa của doanh nghiệp” khuyến khích hoặc dung túng cho các hành vi phạm tội.
4) Các công ty không tạo ra và duy trì một “văn hóa doanh nghiệp” tuân thủ pháp luật.
Theo Luật Hình sự Úc, văn hóa doanh nghiệp có nghĩa là “một thái độ, chính sách, quy định, chuỗi hành động hoặc thực hành hiện có trong công ty nói chung hoặc trong một bộ phần của công ty trong đó các hoạt động có liên quan xảy ra.” Cách hiểu tương tự cũng được tìm thấy trong pháp luật củaCanada.
[7] Xem: V.S. Khanna, “Corporate Criminal Liability: What Purpose Does It Serve?”, Harvard Law Review, Volum 109, Number 7, 1996. Truy cập: http://www.masonlec.org/site/files/2012/04/Khanna_Corp-Crim-Liability.pdf,ngày 30/3/2016.
[8] Xem: Đạo luật về Hành vi gâyngộ sát và giết người của Anh (Corporate Manslaughter and Corporate Homicide Act 2007 (U.K.). Theo Luật này, công ty (tổ chức) bất kỳnàocũng cóthể bị cáo buộc phạm tội nếu có những bằng chứng cho thấy sựcẩu thảhoặc thiếu trách nhiệm thực hiện các dịch vụchăm sóc sức khỏedẫn đến cái chết.
[9] Xem: V.S. Khanna, chú thích 7
[10] Xem: V.S. Khanna, Sđd.
[11] Những nước áp dụng hình phạt này đều chỉra rằng, nếu pháp nhân không trung thực và cung cấp những sản phẩm chất lượng cao như chính danh tiếng mà họ đãtạo dựng thìđiều đó có nghĩa là họ đãtự đốt cháy chính những nỗlực đầu tư của mình. Xem: V.S. Khanna, chú thích7vàJonathan M. Karpoff & John R. Lott, Jr. “The Reputational Penalty Firms Bear from Committing Criminal Fraud, 36 J.L. & ECON. 757, 761 – 63 (1993) từV.S. Khanna, Corporate Defendants and the Protections of Criminal Procedure: 19 An Economic Analysis, Draft”,University of Michigan Law School Scholarship Repository, Published by University of Michigan Law School Scholarship Repository, 2004, http://repository.law.umich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1029&context=law_econ_archive, truy cập 30/3/2016.
[12] Xem: V.S. Khanna, chú thích 7.
[13] Theo Luật tố tụng hình sự Đức, bên cạnh pháp nhân thương mại, vấn đề TNHS còn đặt ra đối với hiệp hội. Mỹ, Anh, Úc và nhiều nước châu Âu quy định pháp nhân và tổ chức nói chung mà không giới hạn quy định TNHS chỉ đối với pháp nhân thương mại.
[14] Điều 223, Điều 224 BLTTHS năm 2015.
[15] Điều 227 BLTTHS năm 2015.
[16] Điều 441 BLTTHS năm 2015. Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự.
- Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.
- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
[17] Theo pháp luật TTHS của Nam Phi, hình thức ân xá của Tổng thống cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội của pháp nhân. Xem: Sadhana Singh, “Corporate crime and the criminal liability of corporate entities”, tài liệu tập huấn quốc tế tại Nam Phi, truy cập:http://www.unafei.or.jp/english/pdf/RS_No76/No76_10PA_Singh.pdf, ngày 30/3/2016.
[18] Ở nhiều nước châu Âu, TNHS của pháp nhân được xem xét phổ biến với các tội như: tội phạm mạng và vi phạm bảo vệ dữ liệu; tống tiền và tham nhũng; gian lận thương mại; khủng bố; ngộ sát và vi phạm pháp luật về sức khỏe và an toàn; rửa tiền; cản trở cơ quan tư pháp. Mặc dù vậy, ở một số nước cũng vẫn tồn tại quan điểm cho rằng việc xử phạt vi phạm của pháp nhân bằng cơ chế xử lý trách nhiệm dân sự vẫn là cách thức tối ưu. Những quan điểm này dựa trên lý thuyết trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với cá nhân phạm tội. Do đó, thẩm phán chỉ nên phán quyết TNHS đối với cá nhân người quản lý, người đại diện theo pháp luật về những vấn đề liên quan đến hoạt động của pháp nhân, và chỉ xử lý trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân. Theo đó, Nhà nước được khuyến khích nên sử dụng các công cụ thực thi mạnh mẽ hơn qua vai trò của các cơ quan chức năng. Đại diện điển hình cho quan điểm này là nước Nhật. Pháp luật của Nhật không quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên nước Nhật cũng vẫn quy định liên đới trách nhiệm bồi thường dân sự đối với hành vi phạm tội của người quản lý, nhân viên hoặc người lao động của pháp nhân gây ra. Chính vì thế, tiếp tục nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của cách thức xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân là việc cần làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Mihir Naniwadekar & V. Umakanth, “Corporate Crime and the Criminal Liability of Corporate Entities”,.http://ssrn.com/abstract=1801628, truy cập ngày 30/3/2016.
- S. Khanna, “Corporate Criminal Liability: What Purpose Does It Serve?”, Harvard Law Review, Volum 109, Number 7, 1996, http://www.masonlec.org/site/files/2012/04/Khanna_Corp-Crim-Liability.pdf, truy cập ngày 30/3/2016.
- Sadhana Singh, “Corporate Crime and the Criminal Liability of Corporate Entities”, http://www.unafei.or.jp/english/pdf/RS_No76/No76_10PA_Singh.pdf, truy cập ngày 30/3/2016.
- Sadhana Singh, “Corporate Crime and the Criminal Liability of Corporate Entities”, http://www.unafei.or.jp/english/pdf/RS_No76/No76_10PA_Singh.pdf, truy cập ngày 28/3/2016
- Corporate Manslaughter and Corporate Homicide Act 2007 (U.K.), http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2007/19/pdfs/ukpga_20070019_en.pdf, truy cập ngày 30/3/2016.
- Roman Tomasic, “Corporate Crime and Corporation Law Enforcement Strategies in Australia”, Centre for National Corporate Law research, 1993, http://www.criminologyresearchcouncil.gov.au/reports/2-91.pdf, truy cập 30/3/2016.
- Voronezh, Criminal liability of legal persons in EU – countries, VSU Publishing House, 2015, http://ww.eurasialaw.ru/PDF/Biriukov-PCriminalliabilityoflegalpersonsinEUcounties.pdf, truy cập 30/3/2016.
- Joanna Kyriakakis, “Australia Prosecution of Corporations for Unternational Crimes”, Jounal of International Criminal Justice (5) 2007, p. 809 – 826, http://www.geneva-academy.ch/RULAC/pdf_state/Joanna-Kyriakakis-paper.pdf, truy cập 30/3/2016.
- Markus Wagner, “Corporate Criminal Liability – National & International Responses”, 1999, 13th International Conferene, Commercial & Finance Fraud: A Comparative Perspective, Malta, 7/1999, http://icclr.law.ubc.ca/sites/icclr.law.ubc.ca/files/publications/pdfs/CorporateCriminal.pdf, truy cập 30/3/2016.
TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(101)/2016 – 2016, Trang 24-30
Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com
Trả lời