• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hình sự » Tội phạm về ma túy theo các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy và BLHS Việt Nam: Nghiên cứu so sánh

Tội phạm về ma túy theo các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy và BLHS Việt Nam: Nghiên cứu so sánh

18/05/2020 02/01/2021 PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Dẫn nhập
  • 2. Quy định tội phạm về ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy
    • 2.1 Mô hình quy định tội phạm về ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy
    • 2.2. Các tội phạm liên quan đến cung cấp ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy
    • 2.3. Các tội phạm liên quan đến việc sử dụng ma túy
  • 3. So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với quy định của các Công ước của Liên hợp quốc
    • 3.1. Cơ sở xác định tính chất bất hợp pháp của các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy theo Công ước và theo luật hình sự Việt Nam
    • 3.2. Các loại hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy bị coi là tội phạm: so sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với quy định của Công ước
  • 4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
  • CHÚ THÍCH

Tội phạm về ma túy theo các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy và BLHS Việt Nam: Nghiên cứu so sánh

TÓM TẮT

Năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước thống nhất về Kiểm soát ma túy năm 1961, Công ước về Kiểm soát các chất hướng thần năm 1971 và Công ước về Chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần năm 1988 của Liên hợp quốc. Từ khi phê chuẩn các Công ước của Liên hợp quốc, pháp luật hình sự Việt Nam có những thay đổi quan trọng trong việc tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Bộ luật hình sự hiện hành đã dành một Chương quy định các tội phạm về ma túy. Nhìn chung, Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa hầu hết các hành vi bất hợp pháp về ma túy nêu trong các Công ước của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, so sánh với yêu cầu của Công ước, Bộ luật hình sự Việt Nam vẫn chưa tội phạm hóa hành vi sản xuất trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc trồng cây có chứa chất ma túy. Vì vậy, Chúng tôi xin có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định liên quan của pháp luật hình sự Việt Nam.

  • Hoàn thiện quy định của BLHS đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý các chất ma túy – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
  • Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại việt nam hiện nay – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
  • Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại TP.HCM hiện nay và một số kiến nghị về phòng ngừa tội phạm – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh

TỪ KHÓA: Các tội phạm về ma túy, Công ước Liên hợp quốc, Luật hình sự phần các tội phạm, Tạp chí Khoa học pháp lý

1. Dẫn nhập

Hội nghị quốc tế tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 1909 đánh dấu những cố gắng đầu tiên của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn các tác hại nghiêm trọng của tệ nạn ma túy. Sau hội nghị này, năm 1912, Công ước quốc tế về Kiểm soát thuốc phiện đã được các quốc gia ký kết tại La Haye.[1] Tiếp sau Công ước La Haye 1912, hàng loạt các điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy đã được ký kết. Sự tồn tại một số lượng lớn các văn bản pháp lý trong lãnh vực này gây ra những cản trở nhất định vì vậy năm 1961, với hoạt động tích cực của Liên hợp quốc, Công ước thống nhất về Các chất ma túy đã được ký kết, pháp điển hóa và thay thế 9 điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy trước đó.[2] Công ước thống nhất về Kiểm soát ma túy năm 1961 được coi là một thành tựu quan trọng trong lịch sử hợp tác quốc tế về kiểm soát ma túy (“Công ước 1961”).[3] Công ước 1961 đưa ra 4 Bảng (Schedule) chất ma túy bị kiểm soát căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của chúng và giá trị sử dụng trong y khoa. Đồng thời, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa những hành vi bất hợp pháp liên quan đến các chất ma túy.[4]

Mười năm sau khi Công ước 1961 được ký kết, hiện tượng nghiện các chất hướng thần, như thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc an thần, chất gây ảo giác ở nhiều nước trên thế giới gia tăng và một lần nữa gây lo lắng cho cộng đồng quốc tế. Vì vậy, năm 1971, các quốc gia đã ký kết Công ước về Kiểm soát các chất hướng thần (“Công ước 1971”). Với Công ước này, phạm vi kiểm soát quốc tế đã được mở rộng đến chất hướng thần. Tương tự như Công ước 1961, những chất hướng thần được liệt kê trong 4 Bảng (Schedule) tương ứng với tính nguy hiểm của chúng và giá trị sử dụng trong y khoa. Các quốc gia thành viên của Công ước 1971 có nghĩa vụ tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến các chất bị kiểm soát.

Tuy nhiên, Công ước 1961 và 1971 chú trọng chủ yếu vào việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và chỉ có một điều luật về tội phạm hóa. Các yêu cầu tội phạm hóa của hai Công ước này khá “mềm” khi cho phép các quốc gia thực hiện việc tội phạm hóa trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật quốc gia. Nói cách khác, các quốc gia có thể viện dẫn các nguyên tắc của pháp luật quốc gia để từ chối tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến chất ma túy và chất hướng thần. Xuất phát từ lý do này, năm 1988, các quốc gia đã ký kết Công ước về Chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần (“Công ước 1988”).[5] Công ước này củng cố và phát triển đáng kể các quy định về tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy và tiền chất sử dụng vào việc sản xuất ma túy.

Năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn các Công ước 1961, 1971 và 1988 của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy và pháp luật hình sự Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong việc tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Bộ luật hình sự 1985 chỉ có một điều luật (Điều 203) quy định về tội tổ chức dùng chất ma túy. Năm 1997, Bộ luật này được sửa đổi, bổ sung thêm Chương VIIA “Các tội phạm về ma tuý” với 13 điều (từ Điều 185a đến 185n).

Tiến bộ của pháp luật Việt Nam về tội phạm hóa những hành vi liên quan đến ma túy không chỉ thể hiện trong pháp luật hình sự. Sự tiến bộ còn thể hiện ở việc xây dựng và ban hành đồng bộ các quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để trên cơ sở đó xác định như thế nào là hành vi phạm tội về ma túy. Ở khía cạnh này, có thể đề cập hệ thống các quy định về các chất bị kiểm soát, quản lý các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu liên quan đến chất ma túy, quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Tuy quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội phạm ma túy đã tiến bộ rõ nét từ khi tham gia các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, một số hạn chế vẫn còn tồn tại. Trong bối cảnh nước ta đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trong bài viết này chúng tôi sẽ so sánh, đối chiếu các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia với quy định của các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, phân tích những thành công cũng như hạn chế của BLHS Việt Nam trong các quy định tội phạm về ma túy. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số điểm cần sửa đổi, bổ sung nhằm đóng góp vào dự thảo sửa đổi BLHS Việt Nam.

Tội phạm về ma túy theo các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy và BLHS Việt Nam: Nghiên cứu so sánh

2. Quy định tội phạm về ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy

2.1 Mô hình quy định tội phạm về ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy

Để đấu tranh với hoạt động buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần (sau đây gọi tắt là ma túy), cả ba Công ước đều cố gắng khắc phục những điểm khác biệt trong luật hình sự của các quốc gia để tạo ra sự thống nhất tương đối trong việc tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Thế nhưng, điều thú vị là mỗi Công ước áp dụng một mô hình khác nhau.

Công ước 1961 quy định một danh mục cụ thể các tội phạm về ma túy mà các quốc gia thành viên phải tội phạm hóa trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc của hiến pháp. Ngoài ra, để tránh những kẽ hở có thể có trong danh mục hành vi cụ thể,[6] Công ước bổ sung thêm một điều khoản có tính chất “khái quát”, yêu cầu các quốc gia thành viên quy định “các hành vi khác” là tội phạm nếu theo quốc gia, những hành vi đó “trái với các quy định của Công ước”.[7] Quy định bổ sung này đã làm cho danh mục hành vi bất hợp pháp về ma túy cần phải coi là tội phạm của Công ước có tính mở. Mô hình của Công ước này có thể tóm tắt bằng công thức sau:

“Danh mục hành vi cụ thể + Các hành vi khác do quốc gia quyết định”

Khác với Công ước 1961, Công ước 1971 không đưa ra một danh mục hành vi cụ thể mà chỉ yêu cầu các quốc gia thành viên quy định là tội phạm “bất cứ hành vi nào trái với luật và các quy định của quốc gia được ban hành nhằm thực hiện nghĩa vụ của quốc gia theo Công ước”.[8] Với cách quy định này, Công ước 1971 trao cho các quốc gia một phạm vi rộng quyền “tự quyết”. Hệ quả của quy định này là tạo ra rất ít sự thống nhất trong việc tội phạm hóa. Có những hành vi ở nước này coi là tội phạm nhưng ở nước khác chỉ bị xử phạt hành chính, hoặc không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, điều này cản trở sự hợp tác quốc tế trong dẫn độ và tương trợ tư pháp.[9] Cách tiếp cận của Công ước này có thể tóm tắt như sau:

“Các hành vi do quốc gia quyết định”

Cung cấp danh mục các hành vi bất hợp pháp về ma túy cụ thể mà các quốc gia phải nội luật hóa sẽ tạo ra sự hài hòa cao hơn trong luật hình sự giữa các quốc gia và từ đó, hoạt động hợp tác quốc tế sẽ thuận lợi hơn. Xuất phát từ quan sát này, Công ước 1988, giống như Công ước 1961, xây dựng một danh mục các tội phạm ma túy cụ thể mà các quốc gia phải quy định trong luật của mình. Tuy nhiên, khác với Công ước 1961, Công ước này không đưa vào quy định “khái quát” như nêu trên. Mô hình quy định của Công ước 1988 như sau:

“Danh mục hành vi cụ thể”

So với các Công ước trước đó, Công ước 1988 đạt được nhiều tiến bộ trong việc đấu tranh với các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Công ước quy định một số tội phạm mới để đấu tranh toàn diện với các hành vi bất hợp pháp. Đồng thời, tiến xa hơn Công ước 1961, Công ước 1988 thiết lập danh mục một số tội phạm có tính chất “bắt buộc”mà các quốc gia không thể từ chối tội phạm hóa bằng cách viện dẫn các giới hạn của hiến pháp hay nguyên tắc của luật quốc gia. Kết quả là Công ước 1988 tạo ra tính thống nhất cao nhất trong việc tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp về ma túy.

Để tiện việc nghiên cứu, chúng tôi phân chia các hành vi liên quan đến ma túy nêu trong Công ước 1961 và 1988 thành hai nhóm: nhóm hành vi liên quan đến cung cấp ma túy và nhóm hành vi liên quan đến sử dụng ma túy. Các Công ước còn yêu cầu quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi đồng phạm, phạm tội chưa đạt liên quan đến ma túy.

2.2. Các tội phạm liên quan đến cung cấp ma túy trong các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy

2.2.1. Các tội phạm liên quan đến cung cấp ma túy trong Công ước 1961

Để tạo ra sự thống nhất tương đối giữa pháp luật hình sự của các quốc gia thành viên trong việc tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy, Điều 36(1)(a) của Công ước 1961 cung cấp một danh mục các hành vi cụ thể mà quốc gia thành viên cần xác lập là tội phạm:

– Trồng cây thuốc phiện, cây cần sa và cây côca;

– Sản xuất, điều chế, chiết xuất, pha chế chất ma túy;

– Tàng trữ, biếu tặng, chào hàng, phân phối, mua, bán, giao hàng theo bất kỳ điều kiện nào, môi giới, gửi, gửi quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy.[10]

Khi yêu cầu các quốc gia tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp về ma túy, Công ước quy định rằng việc tội phạm hóa sẽ “tùy theo các hạn chế do Hiến pháp đặt ra”.[11] Điều này có nghĩa là các quốc gia không buộc phải quy địnhcác hành vi liệt kê tại Điều 36(1)(a) của Công ước là tội phạm nếu các nguyên tắc của Hiến pháp không cho phép. Quy định này tạo ra sự linh hoạt cho các quốc gia khác nhau, đồng thời khuyến khích việc dễ chấp nhận và tham gia Công ước,[12] Tuy nhiên, quy định này bị phê bình là làm cho toàn bộ các điều khoản về tội phạm của Công ước 1961 trở thành các “quy định mềm”.[13]

2.2.2. Các tội phạm liên quan đến cung cấp ma túy trong Công ước 1971

Như đã nêu trên, khi yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến chất hướng thần, Công ước 1971 chỉ đưa ra một yêu cầu chung đối với quốc gia thành viên là tội phạm hóa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến chất hướng thần bị kiểm soát theo quy định của Công ước. Quy định này không tạo được sự tương đồng trong pháp luật hình sự của các quốc gia thành viên về tội phạm liên quan đến chất hướng thần.

2.2.3. Các tội phạm liên quan đến cung cấp ma túy trong Công ước 1988

Như trên đã phân tích, toàn bộ quy định về tội phạm của Công ước 1961 không có tính bắt buộc, vì các quốc gia có thể viện dẫn hiến pháp của mình để từ chối tội phạm hóa. Khi soạn thảo Công ước 1988, Ban thư ký Liên hợp quốc không nhận thấy hiến pháp của quốc gia nào cấm tội phạm hóa một số hành vi liên quan đến việc cung cấp ma túy trái phép.[14] Chính vì vậy, Công ước 1988 thiết lập một danh mục các hành vi, mà các quốc gia có nghĩa vụ phải tội phạm hóa (tội phạm bắt buộc). Danh mục này gồm:

– Các tội phạm “truyền thống” về ma túy;[15]

– Các tội phạm sản xuất, vận chuyển hay phân phối các dụng cụ, nguyên liệu hoặc tiền chất, mà biết rõ các thứ đó được dùng để trồng, sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần;

– Các tội phạm tổ chức, chỉ đạo hoặc tài trợ cho bất cứ tội phạm nào liên quan đến việc cung cấp ma túy trái phép;

– Các tội phạm rửa tiền liên quan đến một tội phạm về cung cấp ma túy.

Ngoài ra, Công ước 1988 còn quy định các tội phạm mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tội phạm hóa trên cơ sở phù hợp với những quy định của hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia. Các tội phạm này (tội phạm tùy nghi) gồm:

– Có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản mà vào thời điểm thực hiện hành vi biết rõ các tài sản đó có được do thực hiện hoặc tham gia vào việc thực hiện một tội phạm quy định tại Điều 3(1)(a) của Công ước;

– Tàng trữ các dụng cụ, nguyên liệu hoặc tiền chất, mà biết rõ các thứ đó đang được hoặc sẽ được dùng để trồng trọt, sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần.

Như vậy, so với các Công ước trước đó, Công ước 1988 đã có tiến bộ rõ nét trong yêu cầu đấu tranh với các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy.

Thứ nhất, Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi sản xuất, vận chuyển hay phân phối các dụng cụ, nguyên liệu hoặc tiền chất, mà biết rõ các thứ đó được dùng để trồng, sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần. Đây là một loại tội phạm mới, một thành tựu của Công ước 1988. Đối tượng của hành vi phạm tội này là các dụng cụ, nguyên liệu hoặc tiền chất có vai trò quan trọng đối với việc điều chế, sản xuất ma túy. Vì vậy, với việc tội phạm hóa hành vi này, các cơ quan thi hành pháp luật đã được trao một công cụ cần thiết để tấn công vào một mắt xích quan trọng của các hoạt động bất hợp pháp về ma túy.

Thứ hai, Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi tổ chức, chỉ đạo hoặc tài trợ về tài chính cho bất cứ tội phạm nào liên quan đến việc cung cấp ma túy trái phép. Công ước 1961 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hoạt động tài chính liên quan đến tội phạm về ma túy, phù hợp với các giới hạn mà hiến pháp cho phép. Công ước 1988 tiếp tục củng cố nguyên tắc này và quy định đây là tội phạm có tính bắt buộc. Ngoài ra, các hoạt động tổ chức và chỉ đạo cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy được thực hiện trên quy mô rộng lớn, một cách có tổ chức. Vì vậy, Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi tổ chức, chỉ đạo bất cứ tội phạm nào liên quan đến việc cung cấp ma túy. Các tội phạm này được thực hiện một cách cố ý. Xét về bản chất, các hành vi tổ chức, chỉ đạo, hoặc tài trợ về tài chính là những hành vi đồng phạm. Tuy nhiên, Công ước 1988 tách riêng các hành vi này với các hành vi đồng phạm khác, đồng thời thiết lập chúng là tội phạm có tính bắt buộc, nhằm đấu tranh triệt để với những người “lãnh đạo” của các tổ chức bất hợp pháp về ma túy.

Thứ ba, Công ước 1988 là Công ước đầu tiên quy định về tội phạm rửa tiền. Các quy định về tội phạm rửa tiền tại Điều 6(1) của Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (“Công ước Parlemo năm 2000”) là “bản sao” của các quy định tại Điều 3(1)(b) của Công ước 1988.[16] Tuy nhiên, Công ước 1988 chỉ áp dụng đối với tội phạm nguồn là tội phạm về ma túy, còn Công ước Parlemo năm 2000 áp dụng với nhiều loại tội phạm nguồn khác nhau. Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia đấu tranh với các hành vi rửa tiền liên quan đến tội phạm về ma túy như sau:

– Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản, biết rằng tài sản đó là do thực hiện hoặc tham gia vào việc thực hiện một tội phạm quy định tại Điều 3(1)(anh)[17] mà có, nhằm mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc nhằm giúp bất cứ người nào tham gia vào việc thực hiện tội phạm nguồn trốn tránh hậu qủa pháp lý đối với hành vi của họ.

– Che giấu hoặc ngụy trang bản chất thật sự, nguồn gốc, địa điểm, sự phân tán, sự di chuyển, quyền sở hữu hay những quyền khác có liên quan đến tài sản, biết rằng tài sản đó do thực hiện hoặc tham gia vào việc thực hiện một tội phạm quy định tại Điều 3(1)(a) mà có.[18]

2.3. Các tội phạm liên quan đến việc sử dụng ma túy

2.3.1. Các tội phạm liên quan đến việc sử dụng ma túy trong Công ước 1961

Khi liệt kê hàng loạt hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy mà các quốc gia phải tội phạm hóa, Công ước 1961 không nói rõ liệu có yêu cầu các quốc gia quy định là tội phạm những hành vi liên quan đến ma túy nhưng chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân. Ví dụ: trồng cây thuốc phiện, điều chế thuốc phiện cho bản thân sử dụng hoặc mua, tàng trữ ma túy để cá nhân sử dụng.

Theo chính xác ngôn ngữ tại Điều 36(1) của Công ước 1961, thì các quốc gia phải tội phạm hóa tất cả các loại hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy không phân biệt là để dùng cho cá nhân hay vì lợi ích khác. Tuy nhiên, quá trình dự thảo Công ước cho thấy Công ước không buộc các quốc gia phải tội phạm hóa các hành vi liên quan đến ma túy chỉ nhằm để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân (như “trồng”, “tàng trữ” ma túy để dùng); bởi vì Công ước chủ yếu hướng đến việc đấu tranh với nạn buôn bán ma túy.[19] Tuy nhiên, các quốc gia hoàn toàn có thể quy định những hành vi như vậy là tội phạm.

Trên thế giới, nhiều nước quy định hành vi “tàng trữ” ma túy để sử dụng và “sử dụng” ma túy là tội phạm, nhưng hình phạt áp dụng đối với các tội phạm này nhẹ hơn hình phạt áp dụng đối với tội “tàng trữ” ma túy để buôn bán. Trong thực tiễn tố tụng, việc chứng minh người phạm tội tàng trữ, mua chất ma túy để sử dụng hay để bán gặp khó khăn; nên các quốc gia thường dùng dấu hiệu định lượng chất ma túy liên quan là tình tiết khách quan để phân biệt hai loại tội phạm trên (nghĩa là nếu số lượng ma túy tàng trữ vượt quá mức quy định thì coi là tàng trữ để buôn bán).[20]

2.3.2. Các tội phạm liên quan đến việc sử dụng ma túy trong Công ước 1988

Khác biệt với các Công ước trước, Công ước 1988 có một chính sách rõ ràng đối với các hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân.

Điều 3(2) của Công ước yêu cầu các quốc gia tội phạm hóa các hành vi “cố ý sử dụng, tàng trữ hoặc trồng các loại cây có chứa chất ma túy hoặc chất hướng thần phục vụ cho nhu cầu cá nhân trái với những quy định của Công ước 1961, Công ước 1961 sửa đổi hoặc Công ước 1971”. Tuy nhiên, do sự mâu thuẫn giữa các nước sản xuất và các nước tiêu thụ ma túy, việc tội phạm hóa các hành vi này không có tính bắt buộc, mà phải phù hợp với những quy định của hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của hệ thống luật quốc gia.[21]

3. So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với quy định của các Công ước của Liên hợp quốc

Trong phần này, chúng tôi sẽ so sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành về các tội phạm về ma túy với quy định của các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy. Trước khi làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa luật hình sự quốc gia với quy định quốc tế, cần nhấn mạnh rằng khi yêu cầu quốc gia thành viên tội phạm hóa những hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy, các Công ước chủ yếu nêu “tên gọi”của những hành vi mà không định nghĩa chi tiết các hành vi này.[22] Khi nội luật hóa, quốc gia có thể xây dựng những tội phạm khác với mỗi hành vi liệt kê trong công ước (ví dụ: một vài hành vi nêu trong Công ước có thể tương ứng với một tội phạm trong luật quốc gia hoặc ngược lại, một vài tội phạm trong luật quốc gia tương ứng với một hành vi nêu trong Công ước). Điều quan trọng là các tội phạm trong luật hình sự quốc gia phản ánh được các hành vi mà Công ước yêu cầu tội phạm hóa. Chính vì vậy, trong phần này chúng tôi sẽ tập trung vào phân tích sự tương đồng và khác biệt về hành viliên quan đến ma túy bị coi là tội phạm theo luật hình sự Việt Nam so với quy định của Công ước.

Trước hết, cần khẳng định rằng không phải tất cả các hành vi liên quan đến chất ma túy đều là bất hợp pháp. Ma túy có thể được sử dụng vào các hoạt động hợp pháp trong y khoa và nghiên cứu khoa học, vì vậy các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy chỉ yêu cầu quốc gia thành viên tội phạm hóa những hành vi trái với quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy quy định tại các Công ước và Nghị định thư bổ sung năm 1972. Vì lẽ đó, khi so sánh, chúng tôi sẽ làm rõ hai vấn đề: (i)cơ sở xác định tính chất bất hợp pháp của các hành vi liên quan đến ma túy theo quy định của Công ước và theo luật hình sự Việt Nam và (ii) các loại hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy bị coi là tội phạm trong luật hình sự Việt Nam so với yêu cầu của Công ước.

3.1. Cơ sở xác định tính chất bất hợp pháp của các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy theo Công ước và theo luật hình sự Việt Nam

Như đã nêu, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa những hành vi về ma túy trái với quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nêu trong Công ước và Nghị định thư bổ sung. Nói cách khác, tính chất bất hợp pháp của các hành vi liên quan đến ma túy bị coi là tội phạm được xác định dựa trên quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Để thực hiện điều này, việc quan trọng đầu tiên là xác định các chất bị đặt dưới sự kiểm soát, do vậy danh mục cụ thể của các chất này được đính kèm trong phụ lục của mỗi Công ước.[23] Đồng thời, Công ước đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các quốc gia thành viên về kiểm soát toàn bộ các hoạt động liên quan đến ma túy phục vụ cho y khoa và nghiên cứu khoa học từ giai đoạn sản xuất, điều chế (bao gồm việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca), vận chuyển, mua bán, phân phối, xuất nhập khẩu đến việc dự trữ, sử dụng. Như vậy, để so sánh cơ sở xác định tính chất bất hợp pháp của các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy trong luật hình sự Việt Nam với Công ước, cần so sánh: (i) phạm vi những chất bị kiểm soát theo pháp luật Việt Nam so với quy định của Công ước và (ii) hệ thống quy định kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo pháp luật Việt Nam so với quy định của Công ước.

Các chất ma túy và tiền chất bị kiểm soát theo pháp luật Việt Nam được liệt kê tại các Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ban hành ngày 1/10/2001 về danh mục chất ma túy và tiền chất, Nghị định số 133/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 bổ sung một số chất vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 và Nghị định số 163/2007/NĐ-CP ngày 12/11/2007 sửa tên, bổ sung, chuyển, loại bỏ một số chất thuộc danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001. Các Nghị định này đã ghi nhận toàn bộ chất bị kiểm soát nêu tại 4 bảng chất ma túy của Công ước 1961, 4 bảng chất hướng thần của Công ước 1971 và 2 bảng tiền chất của Công ước 1988. Như vậy, thứ nhất, tất cả các chất ma túy và chất hướng thần bị kiểm soát theo các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy đều đặt trong phạm vi kiểm soát ở Việt Nam và gọi chung là chất ma túy.[24] Do đó, danh mục các chất bị kiểm soát theo pháp luật Việt Nam có sự tương đồng với quy định của Công ước. Đây là tiền đề quan trọng đầu tiên để đánh giá sự phù hợp giữa quy định của luật hình sự Việt Nam với yêu cầu của Công ước, bởi lẽ nếu pháp luật Việt Nam không kiểm soát những chất nhất định nêu trong Công ước thì phạm vi những hành vi bị coi là tội phạm trong luật hình sự Việt Nam sẽ hẹp hơn so với quy định của Công ước.

Thứ hai, như đã đề cập, cơ chế kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên thế giới đã bắt đầu được xây dựng từ Hội nghị Thượng Hải năm 1912 và đã phát triển qua một thời gian dài. Trong đó, các Công ước 1961, 1971 và 1988 tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát này một cách có hệ thống, từ việc thành lập các cơ quan kiểm soát ma túy thế giới[25] đến việc củng cố các quy định liên quan đến kiểm soát hoạt động sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, sử dụng chất ma túy, chất hướng thần vào mục đích y khoa và nghiên cứu khoa học. Việt Nam là một nước thành viên của Công ước, do vậy Việt Nam đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy trong y khoa và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, đó là các quy định tại Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước; Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành… Như vậy, đối chiếu với quy định của các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, quy định về kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của Việt Nam phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của các Công ước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy.[26] Đây là cơ sở quan trọng để xác định những hành vi nào bị coi là tội phạm, để từ đó đánh giá mức độ tương thích của việc tội phạm hóa các hành vi liên quan đến ma túy trong luật hình sự Việt Nam với Công ước.

Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, một cách tổng quát, các hành vi liên quan đến ma túy bị coi là tội phạm là những hành vi “trái phép”, có nghĩa là những hành vi trái với quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Như vậy, tương tự như các Công ước, tính chất bất hợp pháp của những hành vi phạm tội liên quan đến ma túy ở Việt Nam được xác định dựa vào quy định về kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Như nêu trên, Việt Nam đã ban hành hệ thống các quy định để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phù hợp với đòi hỏi của Công ước, vì vậy cơ sở xác định tính chất bất hợp pháp của các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy theo pháp luật Việt Nam phù hợp với yêu cầu của Công ước.

3.2. Các loại hành vi bất hợp pháp liên quan đến ma túy bị coi là tội phạm: so sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với quy định của Công ước

Nhìn chung, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam đối với các tội phạm về ma túy khá tương đồng với các quy định của Công ước 1961 và 1988. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự Việt Nam đã “cấu trúc” lại một cách đáng kể các hành vi nêu trong Công ước. Ngoài ra, vượt xa hơn yêu cầu của Công ước, Bộ luật hình sự Việt Nam quy định một số hành vi trái phép liên quan đến việc sử dụng ma túy là tội phạm, cụ thể là: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, Bộ luật hình sự Việt Nam cũng quy định hành vi chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là tội phạm. Mặt khác, Bộ luật hình sự Việt Nam chưa tội phạm hóa một số hành vi nêu trong Công ước liên quan đến tiền chất, dụng cụ, nguyên liệu dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

3.2.1. Các loại hành vi về ma túy bị coi là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam phù hợp với quy định của Công ước

Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa hầu hết các hành vi nêu trong các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy. Tuy nhiên, một số hành vi nêu trong Công ước được gộp lại thành một tội phạm trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Cụ thể, Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa các hành vi sau đây:

a) Trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192 Bộ luật hình sự 1999)

Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(ii), Điều 3(2) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa và cây coca, vì vậy quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự Việt Nam phù hợp với đòi hỏi của Công ước. Cần nói thêm rằng Công ước 1988 có sự phân hóa yêu cầu về tội phạm hóa. Cụ thể, các quốc gia bắt buộc phải tội phạm hóa hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa và cây coca để sản xuất chất ma túytrái với quy định của Công ước 1961 và 1971 (quy định cứng). Trong khi đó, các quốc gia có thể tội phạm hóa tùy theo nguyên tắc của hiến pháp và các khái niệm cơ bản của quốc gia hành vi trồng những cây này để sử dụngchocá nhân trái với quy định của Công ước 1961 và 1971 (quy định mềm).[27] Khi tội phạm hóa hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép, Bộ luật hình sự Việt Nam không dùng dấu hiệu mục đích làm dấu hiệu định tội. Mặt khác, Bộ luật hình sự Việt Nam chỉ coi hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép chỉ bị coi là tội phạm khi người thực hiện hành vi đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm.[28] Cần nhắc lại rằng Công ước chỉ yêu cầu các quốc gia xác lập những hành vi nêu trong Công ước là tội phạm, khi tội phạm hóa các quốc gia thành viên quy định dấu hiệu định tội cụ thể. Do vậy, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước. Mặt khác, Công ước chỉ yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa. Bộ luật hình sự Việt Nam quy định hành vi trồng các cây kháccó chứa chất ma túycũng bị coi là tội phạm, như vậy luật hình sự Việt Nam quy định đối tượng tác động của tội phạm rộng hơn Công ước.

Về tội phạm này, trên thực tế, ở vùng núi phía bắc Việt Nam, người dân thường trồng thuốc phiện một vụ trong một năm và theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hạn để được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là 6 tháng đến 1 năm (tùy theo hình thức xử phạt) kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt. Do vậy, với điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca gặp khó khăn và những người cố tình trồng cây thuốc phiện trái phép có thể “khai thác” điều kiện này để tránh khỏi bị xử lý về hình sự.[29]

b) Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193 Bộ luật hình sự 1999)

Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi sản xuất (manufacture), điều chế (production), chiết xuất (extraction) trái phép chất ma túy, chất hướng thần. Bộ luật hình sự Việt Nam đã “gộp” các hành vi này lại và quy định chung trong tội sản xuất trái phép chất ma túy. Hành vi sản xuất trái phép chất ma túy theo Bộ luật hình sự Việt Nam được hiểu “làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.[30]

c) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194 Bộ luật hình sự 1999)

Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i),(iii) và Điều 3(2) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi tàng trữ, biếu tặng, chào hàng, phân phối, mua, bán, giao hàng theo bất kỳ điều kiện nào, môi giới, gửi, gửi quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép chất ma túy và chất hướng thần. Tương tự như đối với hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa và cây coca; Công ước 1988 có sự phân hóa trong yêu cầu tội phạm hóa hành vi tàng trữ, sở hữu (acquisition, possession) chất ma túy cho mục đích sử dụng của cá nhân với mục đích thực hiện một trong các tội phạm liên quan đến buôn bán trái phép chất ma túy.[31] Bộ luật hình sự Việt Nam không dùng mục đích làm dấu hiệu định tội của các tội này. So với các hành vi liệt kê trong Công ước, Bộ luật hình sự Việt Nam chỉ nêu 3 loại hành vi là tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy, nhưng cùng với chế định đồng phạm, những hành vi này đã phản ánh được các hành vi nêu tại Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i),(iii) và Điều 3(2) Công ước 1988 và do đó, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành phù hợp với đòi hỏi của Công ước.

d) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 195 Bộ luật hình sự 1999)

Điều 3(1)(a)(iv) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi vận chuyển, phân phối tiền chất, mà biết rõ các tiền chất đó được dùng để sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần (tội phạm bắt buộc). Đồng thời, Điều 3(1)(c)(ii) Công ước 1988 khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi tàng trữ tiền chất mà biết rõ tiền chất đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (tội phạm tùy nghi). Quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự Việt Nam phù hợp với với yêu cầu bắt buộc cũng như khuyến nghị của Công ước và đã tội phạm hóa tất cả các dạng hành vi liên quan nêu trong Công ước.

e) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196 Bộ luật hình sự 1999)

Điều 3(1)(a)(iv) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi vận chuyển, phân phối phương tiện dụng cụ mà biết rõ các phương tiện, dụng cụ đó được dùng để sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần. Đây là quy định cứng, mang tính chất bắt buộc. Ngoài ra, Điều 3(1)(c)(ii) Công ước 1988 khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi tàng trữ những phương tiện, dụng cụ mà biết rõ những phương tiện, dụng cụ đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Đây là quy định mềm, có tính chất tùy nghi. Điều 196 Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa tất cả các dạng hành vi nêu trong Công ước vì vậy hoàn toàn phù hợp với yêu cầu bắt buộc cũng như khuyến nghị của Công ước.

f) Rửa tiền liên quan đến các tội phạm nguồn về ma túy

Như đã nêu, Công ước 1988 là công ước đầu tiên quy định về tội phạm rửa tiền. Vào năm 1997 khi Việt Nam phê chuẩn các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 đã được bổ sung thêm một chương quy định tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này chưa quy định tội phạm rửa tiền. Bộ luật hình sự năm 1999, lần đầu tiên, đã quy định tội phạm hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Sau đó, trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, tội phạm này đã được sửa tên thành tội rửa tiền và hành vi khách quan của tội phạm được quy định rõ hơn. Tội phạm rửa tiền được quy định trong Chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và được áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm nguồn.[32] Như vậy, so với quy định của Công ước 1988, Việt Nam đã thực hiện yêu cầu tại Điều 3(1)(b) Công ước 1988 về tội phạm hóa hành vi rửa tiền liên quan đến ma túy, tuy nhiên, khi quy định hành vi rửa tiền là tội phạm, Việt Nam áp dụng với tất cả các loại tội phạm nguồn.

g) Các hành vi đồng phạm, chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

Điều 36(2)(a)(ii) Công ước 1961 và Điều 3(1)(c)(i), (iv) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa những hành vi đồng phạm và hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt liên quan đến việc thực hiện các tội phạm ma túy phù hợp với các giới hạn của hiến pháp và hệ thống luật quốc gia. Ngoài ra, Điều 3(1)(a)(v) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi tổ chức, chỉ đạo hoặc tài trợ cho bất cứ tội phạm nào liên quan đến việc cung cấp ma túy trái phép. So sánh với quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam có thể thấy rằng chế định đồng phạm và các giai đoạn phạm tội đã đáp ứng yêu cầu của Công ước.

Đặc biệt, Điều 3(1)(c)(iii) Công ước 1988 khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi xúi giục, khuyến khích, thúc đẩy người khác bằng bất cứ cách thức công cộng nào thực hiện một trong các tội phạm về ma túy hoặc sử dụng ma túy.[33] Quy định này có tính chất tùy nghi, có nghĩa là các quốc gia tội phạm hóa trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc của hiến pháp và các khái niệm cơ bản của luật quốc gia.[34] Theo khoa học pháp lý hình sự Việt Nam, hành vi xúi giục phải trực tiếp, cụ thể và về mặt chủ quan, người phạm tội phải có ý định rõ ràng thúc đẩy người khác phạm tội.[35] Vì vậy Việt Nam không coi hành vi nêu tại Điều 3(1)(c)(iii) Công ước 1988 là tội phạm. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước, bởi lẽ đây chỉ là một khuyến nghị của Công ước, việc tội phạm hóa phải phù hợp với các khái niệm cơ bản của luật quốc gia.[36]

h) Các hành vi khác

Như chúng tôi đã đề cập, bên cạnh việc tội phạm hóa các hành vi theo yêu cầu của Công ước, Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa một số hành vi không nêu trong Công ước. Cụ thể là hành vi chiếm đoạt chất ma túy; hành vi chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác.

Quy định này của luật hình sự Việt Nam cũng được coi là phù hợp với Công ước, bởi lẽ quy định của Công ước là những quy định tối thiểu mà quốc gia thành viên cần phải đáp ứng. Dựa trên các điều kiện kinh tế, xã hội và chính sách hình sự của mình, quốc gia thành viên có thể tội phạm hóa những hành vi không nêu trong Công ước. Điều này đã được nêu rõ tại Điều 36(4) Công ước 1961, Điều 22(5) Công ước 1971 và Điều 3(11) Công ước 1988.

3.2.2. Các hành vi về ma túy phải tội phạm hóa theo yêu cầu của Công ước nhưng Bộ luật hình sự Việt Nam chưa quy định

Điều 3(1)(a)(iv) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi sản xuấttiền chất, mà biết rõ tiền chất đó được dùng để trồng, sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy hoặc chất hướng thần (quy định cứng). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là luật hình sự Việt Nam chưa quy định những hành vi này là tội phạm. Chúng tôi cho rằng hành vi sản xuất tiền chất, mà biết rõ tiền chất đó được dùng để sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy nguy hiểm hơn hành vi tàng trữ, mua bán tiền chất này khi biết rõ chúng được dùng vào việc trồng, sản xuất hoặc điều chế trái phép chất ma túy. Hơn nữa, nếu chúng ta đấu tranh hiệu quả với hành vi sản xuất tiền chất trái phép thì cũng góp phần hạn chế, đẩy lùi các hành vi tàng trữ, mua bán tiền chất trái phép. Do vậy, chúng tôi thiết nghĩ trong lần sửa đổi, bổ sung sắp tới, Bộ luật hình sự Việt Nam cần quy định hành vi này là tội phạm. Ngoài ra, Điều 3(1)(a)(iv) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi sản xuất, vận chuyển, phân phối phương tiện, dụng cụ mà biết rõ phương tiện, dụng cụ đó dùng vào việc trồng trái phépcây có chứa chất ma túy (quy định cứng).[37] Đồng thời, Điều 3(1)(c)(ii) Công ước 1988 khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi tàng trữphương tiện, dụng cụ mà biết rõ phương tiện, dụng cụ đó dùng vào việc trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (quy định mềm). Điều 195 của Bộ luật hình sự Việt Nam chưa tội phạm hóa hành vi tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ mà biết rõ phương tiện, dụng cụ đó dùng vào việc trồng trái phépcây có chứa chất ma túy.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Sau khi so sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với các quy định của Công ước về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, chúng tôi nhận thấy rằng từ khi phê chuẩn các Công ước đến nay, quy định của luật hình sự Việt Nam về tội phạm ma túy ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, Bộ luật hình sự Việt Nam đã tội phạm hóa hầu hết các hành vi nêu trong các Công ước này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, Bộ luật hình sự nước ta vẫn chưa tội phạm hóa một số hành vi về ma túy theo yêu cầu “cứng” của Công ước 1988. Với phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 195 và 196 Bộ luật hình sự Việt Nam để tội phạm hóa hành vi sản xuất trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc trồng cây có chứa chất ma túy. Cụ thể Điều 195 và 196 nên sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 195. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

1- Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2- ….

Điều 196. Tội sản xuất,tàng trữ, vận chuyển mua báncác phương tiện, dụng cụdùng vào việc trồng trái phépcây có chứa chất ma túy, sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

1- Người nào sản xuất,tàng trữ, vận chuyển mua báncác phương tiện, dụng cụdùng vào việc trồng trái phépcây có chứa chất ma túy, sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- ….

Ngoài ra, chất ma túy và chất hướng thần nêu trong phụ lục của Công ước 1961 và 1971 được xếp theo từng bảng với tính nguy hiểm khác nhau. Trong khi đó, Bộ luật hình sự của chúng ta chỉ mới phân hóa trách nhiệm hình sự theo trọng lượng đối với một số loại ma túy phổ biến (heroin, cocain, nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, nhựa coca…). Các chất ma túy còn lại được quy về chung là chất ma túy theo thể lỏng hoặc thể rắn khi xác định trọng lượng làm căn cứ xác định khung hình phạt. Do mỗi loại chất ma túy có tính nguy hiểm khác nhau, pháp luật hình sự của chúng ta nên xem xét phân hóa trách nhiệm hình sự theo từng nhóm ma túy dựa trên tính nguy hiểm của chúng. . Tuy nhiên, đối với vấn đề này chúng tôi chưa thể đưa ra kiến nghị cụ thể vì cần có sự nghiên cứu tiếp tục của các nhà chuyên môn hiểu biết về tính năng, độc dược của các chất, hỗ trợ cho các nhà làm luật.

CHÚ THÍCH

[1]  Xem Alfons Noll (1977), “International Treaties and the Control of Drug Use and Abuse”, tạp chí Contemporary Drug Problems số 6/1977, tr. 17.

[2] Xem Điều 44(1) Công ước thống nhất về Các chất ma túy năm 1961. Công ước có Nghị định thư sửa đổi, bổ sung năm 1972

[3] Xem Stephen Walsh (1988), “Some Aspects of International Drug Control and Illicit Drug Trafficking’”trong quyển International Drug Traffickingdo Dennis Rowe chủ biên (Nxb. University of Illinois at Chicago), tr. 103 – 104.

[4] Xem Nguyễn Thị Phương Hoa (2006), “Hoàn thiện khái niệm “chất ma túy” trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3(34), tr. 23 – 6.

[5] Các công ước này thường được gọi là công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy.

[6] Xem United Nations (1973), Commentary on the Single Convention on Narcotic Drugs1961 , Nxb. New York, United Nations, tr. 427.

[7] Điều 36(1)(a) của Công ước thống nhất về Các chất ma túy năm 1961.

[8] Điều 22(1)(a) của Công ước về các chất hướng thần năm 1971.

[9]  Xem Neil Boister (2001), Penal Aspects of the UN Drug Conventions, Nxb. Kluwer Law International, London, tr. 73.

[10] Có bình luận cho rằng danh mục liệt kê trong Điều 36(1)(a) của Công ước chỉ đơn giản là những “động từ” chứ không phải là những “tội phạm” theo nghĩa đầy đủ. Luật quốc gia quy định cụ thể về tên gọi, các yếu tố cấu thành và hình phạt đối với tội phạm. Xem Neil Boister, Sđd (chú thích số 9), tr. 131 – 2.

[11] Xem câu dẫn nhập của Điều 36(1)(a) của Công ước thống nhất về Các chất ma túy năm 1961.

[12] Quy định trên được đưa vào Công ước 1961 trong bối cảnh là, trước đây, Công ước Geneva về trấn áp các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy nguy hiểm năm 1936 không được sự phê chuẩn rộng rãi. Xem UN Commentary on the Convention 1961, Sđd (chú thích số 6), tr. 434.

[13] Xem Duncan E Alford (1994), “Anti-Money Laundering Regulations: A Burden on Financial Institutions”, Tạp chí International Law & Commercial Regulationsố 19, tr. 443.

[14] UN Commentary on the Convention 1961, Sđd (chú thích số 6), tr. 429; United Nations (1976), Commentary on the Convention on Psychotropic Substances 1971, Nxb. United Nations, New York, tr. 353 và United Nations (1998), Commentary on the United Nations Convention against Illicit Traffic in Narcotic Drugs and Psychotropic Substances 1988, Nxb. United Nations, New York, tr. 50.

[15] Tạm gọi đây là tội phạm “truyền thống” về ma túy vì đã được quy định trong Điều 2(a) của Công ước Giơvevơ về trấn áp các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy nguy hiểm năm 1936 và Điều 36(1)(a) của Công ước 1961.

[16] United Nations Office on Drugs and Crime, Sđd (chú thích số 14),trang 44.

[17] Điều 3(1)(a) Công ước 1988 quy định về tất cả các tội phạm đã phân tích ở trên.

[18] Xem Điều 3(1)(b) Công ước 1988.

[19] Xem UN Commentary on the Convention 1961, Sđd (chú thích số 14), tr. 428, Neil Boister, Sđd (chú thích số 9), tr. 81 và Alfons Noll, Bđd (chú thích số 13), tr. 24 – 5.

[20] Dusan Cotic (1988), Drugs and Punishment: An Up-To-Date Interregional Survey on Drug-Related Offenses, Nxb. United Nations Social Defence Research Institute, Rome Ytalia, tr. 59, 65 và 69.

[21] Theo Boister, các quy định của Công ước 1988 về tội phạm hóa các hành vi sử dụng ma túy là kết quả thỏa hiệp giữa các nước sản xuất ma túy với các nước tiêu thụ ma túy, và được coi là “chiến thắng” của các nước sản xuất ma túy đối với các nước tiêu thụ ma túy. Xem Neil Boister, Sđd (chú thích số9), tr. 124.

[22] Công ước chỉ nêu định nghĩa về 2 loại hành vi đó là hành vi sản xuất (manufacture), điều chế (production). Xem Điều 1(1)(t) và (n) Công ước 1961.

[23] Đáng chú ý là cho đến nay trên thế giới không có một khái niệm thống nhất về “ma tuý” (drugs), “chất ma túy” (narcotic drugs) và “chất hướng thần” (psychotropic substances). Phương pháp liệt kê áp dụng tại các điều ước hiện hành về kiểm soát ma túy là kết quả kế thừa kinh nghiệm của các điều ước kiểm soát ma túy trước đó, đặc biệt là Công ước về hạn chế việc sản xuất, phân phối chất ma túy năm 1931 (gọi tắt là Công ước 1931). Trong quá trình dự thảo Công ước 1931, một nhóm các chuyên gia quốc tế đã được yêu cầu nghiên cứu và đề xuất khái niệm “chất ma túy” để sử dụng trong Công ước; nhưng các chuyên gia cho rằng không thể đưa ra một khái niệm chung về “chất ma túy” mà chỉ có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để mô tả các chất được Công ước 1931 kiểm soát, bởi vì Công ước 1931 điều chỉnh nhiều loại chất có thuộc tính khoa học khác nhau. Để tránh những khó khăn mà các nhà chuyên môn, các nhà làm luật đã lựa chọn phương pháp liệt kê để chỉ ra một cách cụ thể các chất bị kiểm soát. Xem Bertil A Renborg (1972), International Drug Control – a Study of International Administration by and through the League of Nations(tái bản lần 2, Nxb Kraus Reprint Co., Washington), tr. 51.

[24] Ở Việt Nam, những chất này được gọi chung là chất ma túy. Xem Điều 2 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008).

[25] Như Ủy ban kiểm soát ma túy thế giới (International Narcotic Control Board). Xem Điều 5 Công ước 1961.

[26] Xem Nguyễn Thị Phương Hoa, Sự thực hiện về mặt pháp lý của Việt Nam đối với các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy(Luận án tiến sỹ năm 2008, Trường đại học Wollongong, Úc), tr 113-60.

[27] Xem Điều 3(1)(a)(ii), Điều 3(2) Công ước 1988.

[28] Điềunày cho thấy ở Việt Nam quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cần sa và cây coca chủ yếu nhằm đấu tranh với truyền thống trồng cây thuốc phiện ở vùng núi phía bắc. Xem Đinh Văn Quế (2004), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự – Phần các tội phạm: Các tội phạm về ma túy(Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh), tr. 22.

[29] Xem thêm Đỗ Văn Hòa, Xác định mô hình cơ cấu cây trồng thích hợp trên đất vùngcao miền núi phía Bắc góp phần bổ sung các giải pháp cho chương trình thay thế cây thuốc phiện (Luận án tiến sỹ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, 1996), trang 65; Vũ Quang Vinh, Hoạt động phòng ngừa các tội phạm về ma túy của lực lượng cảnh sát nhân dân (Luận án tiến sỹ, Học viện cảnh sát nhân dân, 2003) trang 138-9 và Vũ Quang Vinh, “Hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm về ma túy “(Bài viết trình bày tại Hội thảo về thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy và vấn đề hoàn thiện pháp luật phòng, chống ma túy, Hà Nội, 2002), tr. 9.

[30] Xem Mục 2.1 Thông tư Liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTPxngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp.

[31] Xem Điều 3(1)(a)(i),(iii) và Điều 3(2) Công ước 1988

[32] Xem Điều 251 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[33] Nguyên văn tiếng Anh: “Publicly inciting or inducing others, by any means, to commit any of the offences established in accordance with this article or to use narcotic drugs or psychotropic substances illicitly” (Điều 3(1)(c)(iii) Công ước 1988).

[34] Xem lời dẫn nhập của Điều 3(1)(c) Công ước 1988.

[35] Xem Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, trang 210-11 và Trường đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, tr. 184-5.

[36] Liên quan đến điều này cũng cần đề cập rằng, Điều 200 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm. Vậy, có thể xem tội phạm này tương đồng nhất định với khuyến nghị tại Điều 3(1)(c)(iii) Công ước 1988 ở loại hành vi xúi giục, khuyến khích người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

[37] Theo hướng dẫn tạiMục II(1) và (2)Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca hoặc cây khác có chứa chất ma túy khác rõ nét với hành vi sản xuất chất ma túy.

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 49-60

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Công ước Luật Biển 1982
Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc
Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam khi gia nhập Công ước chống tra tấn
PLHS Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
PLHS Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
Cấm tra tấn và việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn - hai mặt của một đồng xu?
Cấm tra tấn và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại TP.HCM hiện nay và một số kiến nghị về phòng ngừa tội phạm
Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại TP.HCM hiện nay và một số kiến nghị về phòng ngừa tội phạm
Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Việt Nam hiện nay
Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Việt Nam hiện nay

Chuyên mục: Hình sự, Luật Hình sự - Phần các tội phạm Từ khóa: Các tội phạm về ma túy, Công ước Liên hợp quốc

Previous Post: « Hành vi hạn chế cạnh tranh của các hiệp hội ngành nghề
Next Post: Bảo đảm quyền của nạn nhân của tội buôn bán người tại Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Đề Thi Luật | 350+ Đề thi
  • Nhận định Luật | 3590+ Nhận định
  • Trắc nghiệm Luật | 8669+ Trắc nghiệm
  • Bài tập tình huống | 657+ Bài tập
  • Ebook – Sách Luật | 100+ Cuốn sách
  • Giáo trình Luật | Tải miễn phí
  • Từ điển Luật học | 6890+ Thuật ngữ pháp lý

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Nguyễn khải trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • Thanh Trúc trong [EBOOK] Giáo trình Luật Quốc tế pdf
  • Louis trong [EBOOK] Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam pdf
  • Bui Thu Thuỷ trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • Nguyễn Tấn Phát trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021
  • Một số vấn đề Kiểm sát viên lưu ý khi tham gia xét hỏi bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự về Tội Giết người 25/01/2021
  • Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hành chính của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay 24/01/2021
  • Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong BLHS 2015 23/01/2021
  • Một số vướng mắc, bất cập về thủ tục tố tụng được áp dụng trong trường hợp kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự trong bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 21/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng