Đánh giá tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi với quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
Tác giả: Lê Thị Vân Anh [1]
TÓM TẮT
Buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là một vấn nạn mang tính toàn cầu và đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại trên phạm vi toàn thế giới, bất chấp những nỗ lực quốc tế và quốc gia đã và đang được tiến hành. Bài viết này phân tích, đánh giá về tính tương thích giữa quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi với Nghị định thư về ngăn ngừa, trừng trị và trấn áp việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nêu ra một số điểm chưa tương thích, phù hợp của Bộ luật hình sự với Nghị định thư này cũng như những khó khăn, thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Trên cơ sở đó, bài viết nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Do tính chất “xuyên quốc gia” của hoạt động buôn bán người mà việc đấu tranh phòng, chống buôn bán người hiện nay không còn nằm trong phạm vi một quốc gia hay giới hạn ở một khu vực nào mà đang được toàn thế giới tích cực phối hợp thực hiện và cần phải có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các cơ quan chức năng của các quốc gia hữu quan. Chính vì vậy từ lâu cộng đồng quốc tế đã cố gắng xây dựng nhiều văn kiện pháp lý cũng như đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động liên quan đến phòng ngừa và chống buôn bán người. Có thể nói Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em2 (sau đây gọi tắt là NĐT phòng, chống buôn bán người) bổ sung cho Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là văn bản có ý nghĩa tiến bộ nhất cả về mặt chính trị và pháp lý, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống buôn bán người cũng như trong việc bảo vệ nạn nhân.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ở phạm vi quốc tế, cùng với việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các nước trong khu vực về phòng, chống mua bán người, Việt Nam đã gia nhập nhiều điều ước quốc tế, trong đó có NĐT về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hơp quôc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ quốc gia, Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống mua bán người, mà trọng tâm là những sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nhằm đáp ứng các yêu cầu đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm này, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay thì vấn đề hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này có ý nghĩa và vai trò hết quan trọng.
Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung đã đánh dấu một bước tiến lớn trong vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật để đấu tranh với loại tội phạm này. Những sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015 về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi đã khắc phục cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tiệm cận rất gần với các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, mà cụ thể là yêu cầu của NĐT về phòng, chống buôn bán người, góp phần tích cực vào việc tăng cường và thúc đẩy hợp tác quốc tế có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Tuy nhiên, một số quy định của BLHS năm 2015 về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi vẫn có những điểm chưa tương thích, phù hợp với NĐT về phòng, chống buôn bán người. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là các hoạt động tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm này.
1. Đánh giá tính tương thích của Bộ luật hình sự năm 2015 với Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người
Có thể thấy rằng, Điều 150 về Tội mua bán người và Điều 151 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là tiệm cận với các yêu cầu mà NĐT về phòng, chống buôn bán người đặt ra cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, cũng khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế của Điều 119 và Điều 120 của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng hai điều luật này. Điều này thể hiện ở một số điểm như: (i) cấu thành tội phạm được mô tả rõ ràng, cụ thể hơn và tạo thuận lợi cho việc xác định chính xác tội danh cũng như phân định rõ ràng giữa Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội danh khác của BLHS có cấu thành tương tự, phân định rạch ròi giữa trường hợp phạm Tội mua bán người, phạm Tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số trường hợp vi phạm pháp luật khác như môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc đưa người đi lao động nước ngoài trái pháp luật; (ii) phân hoá trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội một cách rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo chính sách xử lý phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; (iii) chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh với tội phạm này trong thời gian qua, phù hợp với xu hướng phát triển của loại tội phạm này.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, phân tích các chuẩn mực quốc tế về tội phạm buôn bán người thì có thể thấy, quy định của BLHS năm 2015 về Tội mua bán người (Điều 150) và Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) vẫn có những bất cập, hạn chế nhất định cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian tới. Cụ thể:
Để cấu thành nên tội buôn bán người theo quy định tại Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người và Tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 thì đều cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố về hành vi, thủ đoạn và mục đích, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về độ tuổi của nạn nhân. Thể hiện qua bảng so sánh sau:
Yếu tố cấu thành | Nghị định thư | BLHS năm 2015 |
---|---|---|
Hành vi (Thực hiện một trong các hành vi) | - Tuyển mộ người; - Vận chuyển người; - Chuyển giao người; - Nhận người; | - Chuyển giao người; - Tiếp nhận người; - Tuyển mộ người; - Vận chuyển người; - Chứa chấp người. |
Thủ đoạn (Sử dụng một trong các thủ đoạn) | -Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; - Các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hoặc man trá; - Lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hoặc bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với người khác. | - Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; - Lừa gạt; - Thủ đoạn nào khác. |
Mục đích (Nhằm một trong các mục đích) | - Bóc lột mại dâm'' Các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức; - Nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai; - Lấy các bộ phận cơ thể. | - Giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; - Bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác đối với hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; - Thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người với mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc với mục đích bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người. |
Nạn nhân | Người tử đủ 18 tuổi trở lên | Người tử đủ 16 tuổi trở lên |
Từ bảng so sánh về cấu thành có bản của Tội mua bán người nêu trên có thể thấy rằng, có nhiều điểm tương đồng giữa quy định của NĐT về phòng, chống buôn bán người và quy định của BLHS năm 2015 trong từng yếu tố về hành vi, thủ đoạn và mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm chưa tương thích giữa quy định của BLHS năm 2015 với Nghị định thư, thể hiện ở một số điểm sau:
– Xét về yếu tố hành vi: Nếu Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người đề cập lần lượt các hành vi từ tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người thì Điều 150 BLHS năm 2015 lại đề cập lần lượt các hành vi theo một trật tự khác, theo đó đầu tiên là chuyển giao, tiếp nhận người rồi sau đó lần lượt tới tuyển mộ, vận chuyển và chứa chấp người. Việc sắp xếp thứ tự các hành vi này thể hiện mục đích cũng như quan điểm về tội phạm mua bán người. Theo cách quy định của NĐT về phòng, chống buôn bán người thì thấy rõ, quan điểm của cộng đồng quốc tế luôn coi tội phạm buôn bán người là loại tội phạm có tổ chức, được thực hiện một cách chuyên nghiệp với quy trình rõ ràng, từ việc tuyển mộ, vận chuyển người đến chuyển giao, chứa chấp, và tiếp nhận người. Trong khi đó, với cách quy định của BLHS năm 2015 thì thấy rằng, dù cũng quy định đầy đủ các hành vi như NĐT nhưng hành vi “chuyển giao người” và “tiếp nhận người” vẫn là hai loại hành vi trung tâm, chủ yếu của loại tội phạm này, việc thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người cũng là nhằm phục vụ cho mục tiêu thực hiện hành vi chuyển giao và tiếp nhận người. Điều này cho thấy rằng, các yếu tố về hành vi quy định tại BLHS của Việt Nam có phần thu hẹp hơn so với NĐT khi yêu cầu các hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người phải nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người mà không phải nhằm mục đích trực tiếp là bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân như quy định của Nghị định thư.
– Xét về yếu tố thủ đoạn: NĐT về phòng, chống buôn bán người và BLHS năm 2015 đều xác định một số thủ đoạn cụ thể để thực hiện hành vi buôn bán người. Nếu Nghị định thư liệt kê cụ thể, rõ ràng các thủ đoạn thì Điều 150 BLHS không liệt kê nhiều thủ đoạn nhưng lại có quy định mang tính “quét”, đó là “thủ đoạn khác”. Như vậy, yếu tố thủ đoạn của BLHS năm 2015 rộng hơn và bao trùm các thủ đoạn được quy định tại NĐT.
– Xét về yếu tố mục đích: NĐT phòng, chống buôn bán người đề cập tới một mục đích duy nhất của tội buôn bán người, đó là “bóc lột”, tuy nhiên Nghị định thư cũng quy định rõ bốn hình thức bóc lột của tội phạm này, đó là bóc lột mại dâm; cưỡng bức lao động hay dịch vụ cưỡng bức; nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai; lấy các bộ phận cơ thể. Trong khi đó, BLHS năm 2015 quy định tới ba mục đích của tội phạm này: một là mục đích giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; hai là mục đích bóc lột (gồm các hình thức bóc lột như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác đối với hành vi chuyên giao hoặc tiếp nhận người); ba là mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người (áp dụng đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người). Như vậy, trong khi NĐT coi việc giao, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất (để đạt được sự đồng thuận của người có quyền kiểm soát đối với nạn nhân bị buôn bán) là một thủ đoạn thực hiện hành vi buôn bán người thì BLHS năm 2015 lại coi việc giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là mục đích của hành vi mua bán người. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng coi việc “để chuyển giao hoặc tiếp nhận người” là mục đích của hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người. Tuy nhiên, mục đích của người thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người mà mục đích còn xa hơn nữa và cuối cùng dừng lại ở một trong hai mục đích là giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Như vậy, có thể thấy yếu tố mục đích của BLHS năm 2015 rộng hơn so với yêu cầu mà NĐT đặt ra cho các quốc gia thành viên.
– Xét về yếu tố nạn nhân: Yêu cầu về độ tuổi của nạn nhân bị mua bán là điểm khác biệt giữa Nghị định thư và BLHS năm 2015. Theo quy định của NĐT thì độ tuổi của nạn nhân bị buôn bán trong tội buôn bán người là người từ đủ 18 tuổi trở lên, còn đối với nạn nhân là người dưới 18 tuổi thì NĐT coi là phạm vi của tội buôn bán trẻ em. Trong khi đó, theo quy định của BLHS năm 2015 thì nạn nhân của tội phạm mua bán người là người từ đủ 16 tuổi trở lên, trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì được coi là phạm Tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Với tội buôn bán trẻ em quy định tại NĐT về phòng, chống buôn bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015 thì cả NĐT và BLHS đều không yêu cầu yếu tố thủ đoạn trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, điểm khác biệt đó chính là quy định về độ tuổi của nạn nhân. Theo quy định của NĐT thì nạn nhân của tội buôn bán trẻ em là những người dưới 18 tuổi, còn theo quy định của BLHS thì nạn nhân của Tội mua bán trẻ em là những người dưới 16 tuổi.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra một vài đánh giá, nhận xét về sự tương thích, phù hợp giữa pháp luật Việt Nam và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là NĐT về phòng, chống buôn bán người như sau:
Thứ nhất, về các yếu tố hành vi, thủ đoạn và mục đích của tội buôn bán người. NĐT với tư cách là một công cụ pháp lý quốc tế mang tính toàn cầu, các yêu cầu của Nghị định thư là những yêu cầu chung, mang tính bao quát cho tất cả các quốc gia thành viên, bởi việc tiếp cận của Liên Hợp quốc về tội phạm buôn bán người mang tính quốc tế tổng thể tại các quốc gia gốc, các quốc gia quá cảnh và các quốc gia đến của tội phạm này3. Do đó, tội buôn bán người và tội buôn bán trẻ em được NĐT nhìn nhận dưới góc độ là một tội phạm có tổ chức, được thực hiện trong mạng lưới, đường dây xuyên quốc gia với quy trình, chu trình chặt chẽ và chuyên nghiệp từ khâu tuyển mộ người, vận chuyển, chuyển giao người đến khâu chứa chấp và tiếp nhận người. Đây được xem là một chu trình khép kín của tội phạm buôn bán người và cũng là quy trình được thực hiện bởi một nhóm tội phạm có tổ chức với quy mô lớn, mang tính chuyên nghiệp cao, có sự bố trí, sắp xếp, phân chia theo từng vai trò, giai đoạn cụ thể và chặt chẽ. Các dấu hiệu về hành vi, thủ đoạn và mục đích của tội phạm được NĐT quy định trên tinh thần đó. Tuy nhiên, dưới góc độ của từng quốc gia thì việc nhìn nhận tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em sẽ tỉ mỉ hơn, cụ thể hơn, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế thì cũng phải đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm này trong nội tại mỗi quốc gia đó. Điều này lý giải tại sao có sự chưa đồng nhất giữa quy định của một số quốc gia với quy định của NĐT về tội phạm buôn bán người, trong đó có Việt Nam.
Như đã phân tích ở trên, các yếu tố về thủ đoạn và mục đích trong Tội mua bán người của BLHS năm 2015 có phần mở rộng hơn so với yêu cầu của NĐT là do Việt Nam coi Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi không chỉ là những tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia mà còn là những tội phạm đơn lẻ, được thực hiện độc lập trong nội địa quốc gia bởi một hoặc một vài cá nhân. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công an thì tội phạm mua bán người ở Việt Nam xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước và mua bán ra nước ngoài. Mua bán người trong nước chiếm gần 15% số vụ mua bán người qua việc lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào các nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động trên tàu cá hoạt động trên biển…4. Với thực tế này, việc BLHS năm 2015 quy định Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi với các yếu tố về hành vi, thủ đoạn và mục đích rộng hơn so với quy định của NĐT là vừa phù hợp với yêu cầu thực tế đấu tranh với tội phạm này vừa đáp ứng được yêu cầu của NĐT, bởi NĐT là công cụ pháp lý quốc tế sẽ đưa ra nhưng yêu cầu cơ bản nhất, tối thiểu nhất mà các quốc gia thành viên cần tuân thủ. Việc các quốc gia thành viên có thể nội luật hoá yêu cầu của chuẩn mực quốc tế theo hướng quy định rộng hơn để phù hợp tình hình thực tế của mỗi quốc gia là hoàn toàn hợp lý, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không được trái hoặc mâu thuẫn với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, với yếu tố về hành vi của Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 đã thu hẹp hơn so với yêu cầu của NĐT khi điểm c Khoản 1 Điều 150 và điểm c Khoản 1 Điều 151 BLHS quy hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người để nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người mới được coi là hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, còn đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột lại không được coi là hành vi mua bán người. Quy định này là chưa phù hợp và tương thích với yêu của NĐT. Hơn nữa, với quy định này của BLHS năm 2015 sẽ dẫn tới một thực tế là trường hợp một người thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức sức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì không thể vận dụng quy định tại Điều 150 hoặc Điều 151 BLHS để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người hoặc Tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng cũng không thể vận dụng quy định về một số tội danh có liên quan khác của BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự, như tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội cưỡng bức lao động (Điều 297), tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154), bởi theo quy định của BLHS về các tội danh này thì hành vi xâm hại tình dục/bóc lột tình dục, hành vi cưỡng bức lao động hoặc hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người phải đã xảy ra trên thực thế mà không chỉ là trong ý định của người phạm tội.
Thứ hai, về yếu tố độ tuổi của nạn nhân bị mua bán. Theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em thì “trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”5. Mặc dù Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em không bắt buộc mọi quốc gia phải tuân thủ yêu cầu quy định độ tuổi của trẻ em là người dưới 18 tuổi, nhưng việc coi trẻ em là người dưới 18 tuổi được cả cộng đồng quốc tế công nhận và tuân thủ. Việc khẳng định độ tuổi của trẻ em được quy định lại tại Điều 3 Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, theo đó, “trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi”. Với quan điểm này, NĐT yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hoá hành vi buôn bán trẻ em là người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 3 và Điều 5 NĐT là yêu cầu bắt buộc. Như vậy, theo NĐT thì việc buôn bán người dưới 18 tuổi được coi là tội phạm hình sự khi những hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột ngay khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất cứ một cách thức hoặc thủ đoạn nào, hay nói cách khác, hành vi buôn bán trẻ em được hình thành chỉ cần hai yếu tố, đó là hành vi và mục đích, trong khi hành vi buôn bán người thực hiện với người từ đủ 18 tuổi trở lên thì phải cần đủ ba yếu tố mới hình thành nên tội buôn bán người, đó là hành vi, thủ đoạn và mục đích.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi6. Theo đó, mua bán trẻ em là mua bán người dưới 16 tuổi và được quy định tại Điều 151 BLHS về Tội mua bán người dưới 16 tuổi. Theo quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi thì cấu thành cơ bản của Tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 151 chỉ cần đủ hai yếu tố là hành vi và mục đích mà không cần yếu tố thủ đoạn. Như vậy, mặc dù yếu tố cấu thành nên Tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 là cơ bản phù hợp với yêu cầu của NĐT về phòng, chống buôn bán người, tuy nhiên, đối tượng nạn nhân của Tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 chưa có sự tương thích, phù hợp với NĐT. Theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi mua bán người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải cần đầy đủ ba yếu tố là hành vi, thủ đoạn và mục đích để cấu thành Tội mua bán người, trường hợp chỉ có hai yếu tố là hành vi và mục đích mà không có yếu tố thủ đoạn thì hành vi mua bán người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vừa không cấu thành Tội mua bán người vừa không cấu thành Tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, với quy định của NĐT về phòng, chống buôn bán người thì hành vi buôn bán người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chỉ cần hai yếu tố là hành vi và mục đích là đã cấu thành nên tội buôn bán trẻ em.
Trong khi theo thống kế của Tổ chức Unicef tại Việt Nam, trong số 66 quốc gia có thông tin về độ tuổi trẻ em, chỉ có 08 quốc gia quy định tuổi trẻ em thấp hơn 18 tuổi. Ở khu vực Châu Á, chỉ có ba quốc gia là Việt Nam, Myamar và Singapore quy định tuổi trẻ em thấp hơn 18 tuổi7.
Như vậy, việc chưa phù hợp và tương thích với chuẩn mực quốc tế cũng như với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về độ tuổi của nạn nhân bị mua bán sẽ dẫn tới khó khăn trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự khi cùng một hành vi vi phạm nhưng theo chuẩn mực quốc tế và nhiều quốc gia khác thì đó là tội phạm hình sự, nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hành vi đó lại không cấu thành tội phạm. Điều này sẽ dẫn tới những khó khăn, vướng mắc nhất định trong hoạt động hợp tác quốc tế để đấu tranh với loại tội phạm này.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Như phân tích ở trên, mặc dù BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá cơ bản và toàn diện về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi, tuy nhiên, một số quy định của hai điều luật này vẫn chưa thực sự tương thích, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Với bản chất là tội phạm có tính “xuyên quốc gia”, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hai tội phạm này cần phù hợp với yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa một số kiến nghị, đề xuất sau:
Một là, cần mở rộng phạm vi xử lý hình sự về Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với người thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Với hướng sửa đổi này, nội dung điểm c Khoản 1 Điều 150 và điểm c Khoản 1 Điều 151 cần quy định hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người không chỉ để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản 1 mà còn để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Hai là, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng8, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa phát triển triển đầy đủ về sức khoẻ và nhận thức, đặc biệt về nhận thức xã hội, về trình độ nhận thức, về ý thức… chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, người thành niên, bởi các em đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh về thể lực và tâm lý. Ở giai đoạn này các em cần có sự quan tâm đặc biệt, cần có sự bảo vệ, chăm sóc của gia đình và xã hội nhiều hơn để tạo đà cho các em phát triển đầy đủ, trở thành người có ích cho xã hội, tránh rơi vào các tệ nạn hoặc vi phạm pháp luật. Việc phân chia độ tuổi trẻ em như hiện nay dẫn tới có sự phân biệt trong chính sách xử lý hình sự đối với hành vi mua bán người, mua bán trẻ em. Do đó, để đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như tương thích với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới về độ tuổi của nạn nhân bị mua bán, xét ở phạm vi rộng và bao quát thì cần nghiên cứu khả năng nâng độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật (điều này không có nghĩa là mọi chính sách đều như nhau đối với tất cả người dưới 18 tuổi), xét ở phạm vi hẹp hơn thì cần nâng độ tuổi của nạn nhân bị mua bán tại Điều 151 BLHS lên 18 tuổi, theo đó, đối tượng nạn nhân được bảo vệ tại điều luật này là người dưới 18 tuổi. Việc sửa đổi này bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới còn nhằm bảo vệ tốt hơn cho đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là những người chưa phát triển đầy đủ, trọn vẹn về thể chất và tinh thần. Với sửa đổi, bổ sung này thì tên gọi và nội dung điều luật sẽ có những sửa đổi phù hợp. Ba là, cùng với sửa đổi, bổ sung Điều 151 BLHS năm 2015 về việc nâng độ tuổi đối tượng được bảo vệ của Tội mua bán người dưới 16 tuổi lên đến dưới 18 tuổi thì cần nghiên cứu sửa đổi độ tuổi của trẻ em tại Luật trẻ em để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong chính sách đối với lứa tuổi này. Do vậy, để vừa đảm bảo tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này, vừa đảm bảo các chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ đối tượng đang ở độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi thì Luật trẻ em có thể nghiên cứu sửa đổi theo hướng nâng độ tuổi của trẻ em từ dưới 16 tuổi lên là dưới 18 tuổi, theo đó, trẻ em là những người dưới 18 tuổi.
Bốn là, để tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng cũng như các tội phạm khác nói chung thì việc sửa đổi, bổ sung Luật tương trợ tư pháp là rất cần thiết. Hiện nay, Luật tương trợ tư pháp đang điều chỉnh nhiều lĩnh vực, gồm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án. Do đó, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi trong quá trình hợp tác quốc tế đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em thì trong thời gian tới, có thể nghiên cứu tách nội dung tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự để quy định tại một đạo luật riêng, trong đó quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn thực hiện tương trợ tư pháp.
Năm là, sự hợp tác tích cực và hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, tội phạm mua bán trẻ em là kênh quan trọng thúc đẩy quá trình giảm thiểu và tiến tới xoá bỏ nạn buôn bán người. Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án về Tội mua bán người, Tội mua bán trẻ em giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quốc gia khác, đặc biệt là những nước có đông nạn nhân là người Việt Nam, các nước là điểm đến hoặc địa bàn trung chuyển về mua bán người ở Châu Âu, Châu Phi và một số nước Đông Nam Á khác để tăng cường./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, Hành chính, Bộ Tư pháp.
- Nghị định thư phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua ngày 15/11/2000 và có hiệu lực từ ngày 25/12/2003.
- Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc, lời mở đầu.
- Báo cáo số 358/BC-BCA-C02 ngày 19/8/2018 về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017.
- Điều 1 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
- Điều 1 Luât trẻ em năm 2016.
- Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tháng 4/2015.
- Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Trẻ em, (2015), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2015), Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Trẻ em.
- Bộ Công an (2018), Báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017.
- Liên Hợp quốc (2000), Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
- Liên Hợp quốc (1989), Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
- Liên Hợp quốc (2000), Nghị định thư phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Trả lời