Mục lục
Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về tài phán BLHS Việt Nam
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam khi gia nhập Công ước chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội
- Cấm tra tấn và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
- Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984
- PLHS Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước quốc tế chống tra tấn về hỏi cung bị can
- Hoàn thiện một số quy định của BLHS theo Công ước về chống tra tấn
TỪ KHÓA: Nghĩa vụ, Nội luật hóa, Công ước chống tra tấn, Tạp chí Khoa học pháp lý
TÓM TẮT
Bài viết có kết cấu gồm 4 phần:
1/ Khái quát các quy định của Công ước về trách nhiệm của các cơ quan thành viên liên quan đến tố tụng hình sự;
2/ Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trong mối tương quan với Công ước của Liên hợp quốc về Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tán ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục (CAT);
3/ Đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nhằm nội luật hóa đầy đủ các quy định của Công ước.
4/ Kết luận.
1. Các quy định của Công ước về trách nhiệm của quốc gia thành viên liên quan đến tố tụng hình sự
Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục (CAT) đã quy định toàn diện, đầy đủ về trách nhiệm của quốc gia thành viên liên quan đến tố tụng hình sự. Trong đó có các nội dung quan trọng như trách nhiệm về xác lập quyền tài phán, về biện pháp ngăn chặn, thủ tục tố tụng và chứng minh, hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự liên quan đến xử lý các tội phạm tra tấn. Có thể khái quát về các nội dung cơ bản liên quan như sau:
1.1. Trách nhiệm về xác định quyền tài phán
Điều 5 Công ước quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên về xác định quyền tài phán đối với các tội phạm liên quan đến tra tấn. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội liên quan đến tra tấn theo lãnh thổ (khi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia hay trên tàu thủy hoặc máy bay đăng ký ở quốc gia) hoặc theo đối tượng (khi người bị tình nghi phạm tội hoặc nạn nhân là công dân của quốc gia).
Công ước cũng quy định trách nhiệm quốc gia thành viên xác lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội được thực hiện bất kỳ ở đâu nhưng người bị tình nghi đang có mặt trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình và không dẫn độ người đó đến quốc gia có thẩm quyền.
Đồng thời, theo Công ước thì quốc gia phát hiện người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm trên lãnh thổ của mình có trách nhiệm truy tố, nếu không dẫn độ người bị tình nghi cho quốc gia có thẩm quyền tài phán (khoản 1 Điều 7).
1.2. Trách nhiệm về biện pháp ngăn chặn
Điều 6 Công ước quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc bắt giam hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác đối với người bị tình nghi phạm tội tra tấn đang có mặt trên lãnh thổ của mình để đảm bảo sự hiện diện của người đó.
Việc giam giữ và các biện pháp pháp lý khác phải tuân theo các quy định pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ có thể được duy trì trong một thời gian cần thiết để tiến hành thủ tục tố tụng hay dẫn độ.
Người bị giam giữ phải được giúp đỡ liên hệ ngay với đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc quốc gia nơi người không quốc tịch thường trú. Đồng thời, quốc gia bắt giữ phải thông báo ngay cho quốc gia có thẩm quyền tài phán về việc bắt giữ và lý do bắt giữ.
1.3. Trách nhiệm về thủ tục tố tụng và chứng minh
Theo Điều 12 Công ước, quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.
Bất kỳ người nào là đối tượng của quá trình tố tụng phải được bảo đảm đối xử công bằng trong mọi giai đoạn tố tụng. Các tiêu chuẩn về chứng cứ và thủ tục chứng minh cần thiết để truy tố và kết tội phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật quốc gia; không kém nghiêm ngặt hơn những tiêu chuẩn áp dụng chung.
Quốc gia bắt giữ người bị tình nghi phạm tội tra tấn phải tiến hành ngay việc điều tra sơ bộ sự việc và phải nhanh chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho quốc gia có thẩm quyền tài phán.
1.4. Trách nhiệm trong hợp tác quốc tế
Theo Công ước (Điều 8), các tội tra tấn phải được coi là các tội có thể dẫn độ theo điều ước quốc tế về dẫn độ giữa các quốc gia thành viên (nếu có). Các quốc gia thành viên cam kết đưa những hành vi phạm tội này vào danh mục các tội có thể dẫn độ trong các điều ước quốc tế về dẫn độ sẽ được ký kết giữa họ với nhau.
Nếu giữa các quốc gia thành viên không có điều ước quốc tế về dẫn độ, thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ.
Tuy nhiên, Điều 3 Công ước cũng quy định không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nếu có lý do thực tế để tin rằng người đó có nguy cơ bị tra tấn.
Điều 9 Công ước quy định các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội tra tấn, kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết mà họ có được cho việc tiến hành tố tụng…
2. Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trong mối tương quan với Công ước
Từ góc độ tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cơ bản đã phù hợp với Công ước, bao gồm việc xác định quyền tài phán, áp dụng biện pháp ngăn chặn, các thủ tục tố tụng và hợp tác quốc tế.
2.1. Quy định thẩm quyền tài phán
Theo quy định của Điều 2, Điều 170, Điều 171, Điều 172 BLTTHS năm 2003, mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của Bộ luật. Mọi tội phạm liên quan đến tra tấn theo pháp luật hình sự Việt Nam do bất kỳ ai thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam hoặc do người Việt Nam thực hiện ở nước ngoài đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam. Các quy định này hoàn toàn phù hợp với Công ước.
Về quyền tài phán, pháp luật Việt Nam chưa có quy định quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội được thực hiện bất kỳ ở đâu nhưng người bị tình nghi đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam và không dẫn độ người đó đến quốc gia có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Điều 28, Điều 30 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Việt Nam và quốc gia có hiệp định định tương trợ tư pháp song phương có quyền đề nghị quốc gia đối tác truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không dẫn độ người phạm tội cho quốc qua có quyền tài phán.
2.2. Quy định biện pháp ngăn chặn
Theo chúng tôi, các quy định về biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS năm 2003 đã hoàn toàn tương thích với quy định của Công ước về việc bắt, giam giữ người bị nghi phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để dẫn độ.
Có lẽ một số vấn đề cần và đang được cơ quan soạn thảo BLTTHS năm 2003 cân nhắc, xem xét là: 1/ thời hạn tố tụng nói chung và thời hạn giam giữ người bị nghi thực hiện tội phạm nói riêng theo hướng rút ngắn đến mức cần thiết trong điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, thể hiện nguyên tắc bảo vệ quyền con người, nhất là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người; 2/ cân nhắc các căn cứ bắt, giam giữ để một mặt đảm bảo cho hoạt động tố tụng hiệu quả; mặt khác tôn trọng và bảo vệ quyền con người, không để lạm dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc này; 3/ hoàn thiện chế độ giam giữ phù hợp…
2.3. Quy định về chứng minh và thủ tục tố tụng tố tụng hình sự
Chúng tôi cho rằng, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể trình tự, thủ tục tố tụng để truy cứu một cách chính xác, khách quan các hành vi phạm tội liên quan đến tra tấn ở Việt Nam từ góc độ chứng cứ, chứng minh cũng như các trình tự, thủ tục tố tụng khác.
Đồng thời, Chương III Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam quy định tương đối đầy đủ về tương trợ, ủy thác tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các quốc gia khác với phạm vi rất rộng, bao gồm: 1/ Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự; 2/ Triệu tập người làm chứng, người giám định; 3/ Thu thập, cung cấp chứng cứ; 4/ Truy cứu trách nhiệm hình sự; 5/ Trao đổi thông tin ; 6/ Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự.
Tuy vậy, theo Công ước thì quốc gia bắt giữ người bị tình nghi phạm tội tra tấn phải tiến hành ngay việc điều tra sơ bộ sự việc và phải nhanh chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho quốc gia có thẩm quyền tài phán. Nội dung này chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ kiểm tra xác minh để thực hiện việc bắt giữ người bị truy nã quốc tế đang có mặt ở Việt Nam chứ không thực hiện việc điều tra sơ bộ sự việc mà theo đó người bị tình nghi bị bắt giữ. Bởi vì, điều đó thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền tài phán đối với người bị bắt giữ.
2.4. Quy định về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Phần thứ tám của BLTTHS năm 2003 đã quy định cụ thể, chi tiết về hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự của Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của ngước ngoài như nguyên tắc hợp tác quốc tế, thực hiện tương trợ tư pháp và dẫn độ, chuyển giao.
Các quy định trên của BLTTHS năm 2003 được cụ thể hóa chi tiết trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 về tương trợ, ủy thác tư pháp hình sự, về dẫn độ, chuyển giao. Các quy định của BLTTHS năm 2003, của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã cơ bản thể hiện đầy đủ nội dung Công ước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế có hai vấn đề chưa có sự giống nhau hoàn toàn trong pháp luật Việt Nam và Công ước là:
– Về việc từ chối dẫn độ: theo điểm d khoản 1 Điều 344 BLTTHS năm 2003 và điểm d khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thì “Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị”. Trong khi đó, Điều 3 Công ước lại quy định quốc gia thành viên không được trục xuất, trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nếu có lý do thực tế để tin rằng người đó có nguy cơ bị tra tấn mà không gắn điều kiện chính trị vào quy định này.
– Theo Công ước thì quốc gia thành viên có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này nếu pháp luật quốc gia chưa có quy định (áp dụng trực tiếp Công ước). Còn theo khoản 2 Điều 344 BLTTHS năm 2003 thì Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu theo pháp luật hình sự Việt Nam hành vi đó không phải là tội phạm.
3. Hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nhằm nội luật hóa đầy đủ các quy định của Công ước
Qua phân tích nội dung Công ước và nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, chúng tôi thấy về pháp luật Việt Nam đã cơ bản tương thích với các quy định của Công ước. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực nhất định, trong đó có lĩnh vực tố tụng hình sự, vẫn còn có những điểm khác nhau hoặc chưa thể hiện tinh thần của Công ước. Việt Nam đã ký và Quốc hội Việt Nam đang nghiên cứu để phê chuẩn Công ước này.
Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quy định này là cơ sở hiến định quan trọng cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự… nhằm bảo vệ quyền con người, bảo đảm sự tương thích của pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng hình sự nói riêng đảm bảo cụ thể hóa Hiến pháp mới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là cần thiết.
Từ góc độ luật tố tụng hình sự, chúng tôi thấy cần rà soát để hoàn thiện các quy định của BLTTHS năm 2003 và các văn bản pháp luật khác theo các nội dung sau đây:
– Thứ nhất, về hoàn thiện các quy định về thẩm quyền: Nên nghiên cứu quy định bổ sung thẩm quyền xét xử đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài nhưng có mặt ở Việt Nam và tội phạm đó cũng được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam nhưng Việt Nam có lý do để không dẫn độ người đó cho quốc gia có thẩm quyền tài phán;
– Thứ hai, hoàn thiện các quy định về biện pháp ngăn chặn theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn, nhất là các biện pháp bắt, tạm giam; rút ngắn thời hạn tạm giam; hoàn thiện chế độ giam, giữ đảm bảo phù hợp với quan điểm bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong Hiến pháp;
– Thứ ba, hoàn thiện các quy định về địa vị tố tụng của người bị bắt, giam giữ; về thủ tục tố tụng và chứng minh để quán triệt tốt hơn nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền được suy đoán vô tội, quyền được giúp đỡ pháp lý, quyền bào chữa và quyền được xét xử kịp thời… tiệm cận với xu thế tố tụng tư pháp hiện đại; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các Công ước quốc tế có liên quan và các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước;
– Thứ tư, hoàn thiện các quy định về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Cụ thể: 1/ Hoàn thiện điểm d khoản 1 Điều 344 BLTTHS và điểm d khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo tinh thần của Công ước là từ chối dẫn độ nếu có căn cứ cho rằng người bị dẫn độ có thể bị tra tấn tại quốc gia yêu cầu dẫn độ mà không gắn các điều kiện về phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị vào quy định này ; 2/ Cần nghiên cứu bổ sung từ chối dẫn độ người không phải công dân Việt Nam cho quốc gia thứ ba để truy cứu trách nhiệm hình sự…
– Thứ năm, khi phê chuẩn Công ước, cần nghiên cứu tuyên bố bảo lưu một số quy định mà theo chúng tôi có thể gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích quan trọng khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là: 1/ Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước. Việc thực hiện các quy định của Công ước sẽ theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại ; 2/ Không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ theo khoản 2 Điều 8 Công ước; việc dẫn độ được thực hiện theo pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.
4. Kết luận
Việc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người ngày 07/11/2013 là sự kiện thể hiện quyết tâm chính trị của nước ta trong ghi nhận và bảo đảm thực thi nhân quyền theo các khuôn khổ pháp lý quốc tế. Việc ký kết này lại càng có ý nghĩa chính trị pháp lý quan trọng khi 11 ngày sau đó, ngày 28/11/2013 bản Hiến pháp mới, bản Hiến pháp mà quyền con người rất được đề cao, được ban hành.
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cơ bản đã phù hợp với các nội dung Công ước, với quy định của Hiến pháp mới. Tuy nhiên, cũng còn một số quy định chưa phù hợp hoặc thiếu một số quy định để nội luật hóa các quy định của Công ước. Cho nên, việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, mà chủ yếu là BLTTHS năm 2003, Luật Tương trợ tư pháp cần và đang được thực hiện. Việc hoàn thiện đó phải liên quan đến các nội dung chủ yếu là xác định quyền tài phán đối với tội tra tấn, quy định về biện pháp ngăn chặn, quy định về thủ tục tố tụng và chứng minh, quy định về dẫn độ… Đồng thời, việc hoàn thiện phải được đặt trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh… của Việt Nam theo các tuyên bố bảo lưu của Nhà nước Việt Nam khi phê chuẩn Công ước.
Like Fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Tác giả: Trần Văn Độ* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2014 – 2014, Trang 46-50
Trả lời