Một số vấn đề về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Tác giả: Ngô Thị Thùy Trang [1]
TÓM TẮT
Các biện pháp ngăn chặn là một chế định quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự. Nghiên cứu lịch sử lập pháp của Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sựđược quy định phong phú và đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau, đồng thời có sự kế thừa và bổ sung hoàn thiện qua từng thời kỳ. Qua quá trình tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện biện pháp ngăn chặn, trong thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vừa được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 27/11/2015 (có hiệu lực một phần từ ngày 01/7/20162, và có hiệu lực toàn phần từ ngày 01/01/20183) đã có những sửa đổi, đổi bổ sung đặc biệt quan trọng để góp phần triển khai thi hành có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và Các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó có các quy định về thời hạn của các biện pháp ngăn chặn. Bài viết phân tích những quy định của BLTTHS năm 2015 về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, một số khó khăn và đề xuất một số ý kiến góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới.
Theo Từ điển Bách khoa điện tử, “Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Trong quan hệ pháp luật: Thời hạn là sự liên hệ pháp lý đặc biệt theo đó quan hệ pháp luật được phát sinh”4. Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, “Thời hạn cho các hoạt động tố tụng hình sự được quy định trong BLTTHS”5. Thời hạn tố tụng hình sự là khoảng thời gian cần thiết để tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự như: thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam, thời hạn điều tra… Thời hạn tố tụng hình sự được xác định gồm hai loại là thời hạn giải quyết vụ án hình sự và thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn6.
Trong BLTTHS năm 2015, Các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Chương VII: Biện pháp ngăn chặn, Biện pháp cưỡng chế. Trong Chương này có 22 Điều (17 Điều quy định về các biện pháp ngăn chặn, 5 Điều quy định về các biện pháp cưỡng chế) và được phân chia thành hai mục. Mục 1: biện pháp ngăn chặn; Mục 2: biện pháp cưỡng chế. Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS năm 2015 gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt; tạm giữ; tạm giam; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Riêng biện pháp bắt người có các trường hợp: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Như vậy, so với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm một số biện pháp ngăn chặn mới đó là: tạm hoãn xuất cảnh; bắt người bị yêu cầu dẫn độ, giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Ở mỗi biện pháp ngăn chặn có quy định về thời hạn áp dụng khác nhau.
1. Quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn
– Giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Điều 110 BLTTHS, biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp chỉ mới tạm thời tước quyền tự do của người bị tạm giữ trong một thời gian ngắn (12 giờ) để cơ quan chức năng có đủ thời gian tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu để xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội trước khi ra quyết định tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó nếu không có đủ căn cứ tạm giữ.
– Bắt.
Bắt người là biện pháp ngăn chặn mang tính đặc thù được áp dụng liền trước các biện pháp tạm giữ7, tạm giam. Biện pháp này khi được tiến hành sẽ hạn chế và tiến đến tước các quyền tự do thân thể của người bị bắt trong một khoảng thời gian luật định. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 các trường hợp bắt người gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015), bắt người phạm tội quả tang (Điều 111 BLTTHS năm 2015), bắt người đang bị truy nã (Điều 112 BLTTHS năm 2015), bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113 BLTTHS năm 2015), bắt người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 503 BLTTHS năm 2015).
– Tạm giữ.
Biện pháp tạm giữ thường được áp dụng liền sau biện pháp bắt người nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có khoảng thời gian thích hợp để tiến hành các hoạt động điều tra. Thời hạn tạm giữ theo Điều 118 BLTTHS năm 2015 là không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Như vậy thời hạn tạm giữ nhiều nhất không được quá 09 ngày, qua hai lần gia hạn (Điều 118 BLTTHS năm 2015).
– Tạm giam.
Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn quan trọng và nghiêm khắc nhất được quy định trong BLTTHS8. Người bị áp dụng biện pháp này sẽ bị cách ly khỏi xã hội và bị hạn chế về quyền, lợi ích cơ bản của công dân đã được ghi nhận và bảo đảm trong Hiến pháp9 như quyền tự do đi lại, quyền bầu cử, ứng cử,… trong một khoảng thời gian nhất định, gọi là thời hạn tạm giam. “Thời hạn tạm giam là khoảng thời gian pháp luật cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được tạm giam bị can, bị cáo để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án”10. BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn tạm giam trong từng giai đoạn tố tụng cụ thể như: điều tra (Điều 173), truy tố (Điều 241), chuẩn bị xét xử sơ thẩm (Điều 278), sau khi tuyên án (Điều 329), xét xử phúc thẩm (Điều 347).
– Các biện pháp ngăn chặn khác.
+ Bảo lĩnh: Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù (Khoản 5, Điều 121).
+ Đặt tiền để bảo đảm: Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại BLTTHS. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt (Khoản 4, Điều 122).
+ Cấm đi khỏi nơi cư trú: Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù (Khoản 4, Điều 123).
+ Tạm hoãn xuất cảnh: Thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015. Theo đó, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh “không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS năm 2015. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”. Vì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng ngay trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nên về nguyên tắc thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn của giai đoạn này (quy định tại Khoản 1, 2 Điều 147 BLTTHS năm 2015).
2. Một số tồn tại, vướng mắc trong quy định về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Nói chung, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS năm 2015 đã có những chỉnh sửa, bổ sung hợp lý, đánh dấu một bước phát triển của quá trình hoàn thiện pháp Luật tố tụng hình sự, một mặt đưa hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trở nên nề nếp khoa học, mặt khác thể hiện sự tôn trọng đúng mực các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm được cả hai yêu cầu xử lý không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan, sai người vô tội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS năm 2015, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và biện pháp ngăn chặn “tạm giữ” còn chưa thống nhất.
BLTTHS năm 2015 chưa quy định về thời điểm người có thẩm quyền thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải tiến hành việc áp giải người bị giữ về trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trụ sở của cơ sở giam giữ. Điều này có thể dẫn đến thực tế việc áp dụng không thống nhất về thời điểm áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp về trụ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu họ bị tạm giữ.
Mặt khác, BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể thời hạn người có thẩm quyền phải bắt đầu thực hiện việc áp giải người bị giữ về trụ sở, nếu người có thẩm quyền chậm trễ trong việc bắt đầu áp giải người bị giữ về trụ sở thì sẽ gây bất lợi cho người bị tạm giữ. Ví dụ: trường hợp cơ quan điều tra ra lệnh giữ người và thi hành lệnh giữ người tại trụ sở công an cấp xã nhưng không áp giải ngay người bị giữ về trụ sở của mình mà vẫn giữ tại trụ sở công an cấp xã. Đến khi ra lệnh bắt người bị giữ và thi hành lệnh bắt người bị giữ thì địa điểm tiến hành là tại trụ sở công an xã. Sau đó mới áp giải người bị giữ về trại tạm giam thì nếu áp dụng đúng quy định của BLTTHS năm 2015 về thời điểm tính thời hạn tạm giữ sẽ bất lợi đối với người bị tạm giữ trong trường hợp này.
Thứ hai, một số nội dung trong quy định về thời hạn áp dụng cũng như việc thay thế, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam còn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến thiếu nhất quán trong nhận thức.
Điều 172 và Điều 173 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, các điều luật này không quy định thời hạn tạm giam để điều tra được tính từ khi nào và kết thúc khi nào. Điều này dẫn đến có thể hiểu là: Về nguyên tắc, tổng thời hạn tạm giam để điều tra không được vượt quá thời hạn điều tra đối với từng loại tội phạm và thời hạn đó tính theo thời hạn tạm giam thực tế mà không phụ vào thời hạn điều tra. Bên cạnh đó lại có quan điểm cho rằng thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự đều không được vượt quá thời hạn điều tra (không tính thời gian gia hạn) tùy theo từng loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Như vậy cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong nhận thức.
Điều 173 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về thời hạn tạm giam để điều tra nhưng không quy định thời hạn tạm giam khi có Quyết định tạm đình chỉ theo điểm c Khoản 1 Điều 229. Điều này gây ra một số lúng túng khi thi hành đối với một số vụ án thực tế khi đang áp dụng biện pháp tạm giam bị can mà cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra sau đó thời hạn tạm giam hết,…
Trong giai đoạn xét xử, tại Khoản 2 Điều 278 quy định “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Khoản 1 Điều 277”. Đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 277 BLTTHS thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày thụ lý vụ án cho đến khi Tòa án ra một trong các quyết định, trong đó có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, từ lúc có quyết định đưa vụ ánra xét xử đến khi mở phiên tòa sẽ có thêm một khoảng thời gian tố tụng nữa11. Nếu như theo quy định này thì trong thực tiễn phát sinh trường hợp nếu trong khoảng thời gian này, thời gian tạm giam đã chấm dứt tại thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo sẽ không bị tạm giam. Đây chính là điểm không rõ ràng trong luật, gây ra nhiều khó khăn cho quá trình áp dụng của Tòa án trên thực tiễn. Trong khi thời hạn tạm giam ở khâu chuẩn bị xét xử phúc thẩm lại được quy định rõ ràng, cụ thể12.
Đối với trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam để đảm bảo thi hành án sau khi Tòa sơ thẩm tuyên án, thời hạn tạm giam bị cáo được BLTTHS ấn định là 45 ngày. Điều này thực tế dẫn đến một số trường hợp thời hạn chấp hành án phạt tù sau khi đã trừ thời hạn tạm giam nhiều hơn hoặc ít hơn 45 ngày; mà trong trường hợp thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của bị cáo chỉ còn ít hơn 45 ngày trong khi Hội đồng xét xử phải ra quyết định tạm giam hoặc quyết định bắt tạm giam nhằm đảm bảo thi hành án với thời hạn 45 ngày đã gây khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn xét xử. Do đó, trên thực tiễn, nếu thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại dưới 45 ngày thì Hội đồng xét xử ghi thời hạn tạm giam bằng thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại và trong trường hợp này sẽ ghi thêm câu: “Hết thời hạn tạm giam này, Cơ sở giam giữ có trách nhiệm trả tự do ngay cho bị cáo nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác”13. Xét thấy, đây chỉ là hướng dẫn của TANDTC giúp Tòa án xét xử sơ thẩm có cách giải quyết linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, nhưng lại không thống nhất với quy định của BLTTHS. Cần phải sửa đổi quy định về thời hạn tạm giam bị cáo sau khi tòa tuyên án tại Khoản 3 Điều 329 theo hướng phù hợp với thực tiễn xét xử.
Về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại Điều 241 BLTTHS năm 2015. Quy định tại này được hiểu là áp dụng đối với những vụ án được giải quyết theo trình tự ban đầu. Tại Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại và thời hạn tạm giam nhưng trong giai đoạn truy tố Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về thời hạn truy tố và thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố đối với trường hợp Viện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án do điều tra bổ sung. Việc này sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Thứ ba, quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh” còn bất cập trong thi hành.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015, thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn truy tố. Theo quy định về thời hạn quyết định việc truy tố thì thời hạn quyết định việc truy tố được quy định dựa trên loại tội phạm bị can bị khởi tố, điều tra và có thể bao gồm cả tính phức tạp của vụ án là 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tính từ khi Viện kiểm sát nhận được kết luận điều tra đề nghị truy tố (Điều 240 BLTTHS năm 2015). Trường hợp sau khi ra quyết định truy tố thì Viện kiểm sát phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 240 BLTTHS năm 2015 trong thời hạn theo luật định là không quá 03 ngày hoặc 10 ngày. Trong thực tế, có trường hợp xác định trong khoảng thời gian này quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không còn hiệu lực áp dụng vì thời hạn quyết định việc truy tố đã hết dẫn đến trường hợp bị can có thể xuất cảnh ra nước ngoài, gây khó khăn cho giai đoạn tố tụng sau.
Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, ngày
19/10/2018 Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS (Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT) đã có hướng dẫn về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng chưa hướng dẫn việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015 “Có thể tạm hoãn xuất cảnh với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…”.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Trên cơ sở phân tích ở trên, tác giả kiến nghị một số giải pháp góp phần hoàn thiện quy định về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS năm 2015 như sau:
Một là, thống nhất trong quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và biện pháp ngăn chặn “tạm giữ”.
Đối với biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, vì đây là biện pháp lần đầu được quy định trong BLTTHS năm 2015, cần quy định cụ thể về thời điểm người có thẩm quyền thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải tiến hành việc áp giải người bị giữ về trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trụ sở của cơ sở giam giữ để không gây lúng túng trong thi hành của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị giữ trong trường hợp họ bị ra quyết định tạm giữ. Vì vậy, cần bổ sung quy định ở Khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 là “Sau khi thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền phải áp giải ngay người bị giữ về trụ sở của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.
Đối với biện pháp ngăn chặn “tạm giữ”, cần sửa lại quy định về thời điểm tính thời hạn tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp bị ra quyết định tạm giữ. Cụ thể: nếu cơ quan có thẩm quyền ra lệnh giữ người và ra quyết định tạm giữ thì thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày được tính từ khi “thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và thời điểm này được xác định căn cứ vào thời gian ghi trong biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nếu quy định thời điểm tính thời hạn tạm giữ như tác giả kiến nghị sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, đồng thời khắc phục được bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng quy định về thời hạn tạm giữ tính từ khi áp giải người bị giữ về trụ sở của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Hai là, hoàn thiện quy định quy định về thời hạn áp dụng biện pháp tạm giam trong BLTTHS năm 2015.
Qua nghiên cứu các quy định về thời hạn tạm giam trong BLTTHS năm 2015, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập, nhất là về thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử, thời hạn tạm giam khi có quyết định tạm đình chỉ điều tra,… Từ thực tiễn thi hành cho thấy, để áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về thời hạn tạm giam theo hướng: bổ sung quy định thời hạn tạm giam khi có Quyết định tạm đình chỉ điều tra theo điểm c Khoản 1 Điều 229 BLTTHS; cần sửa Khoản 2 Điều 278 theo hướng thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 BLTTHS cũng như bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp hoãn phiên tòa; sửa đổi quy định về thời hạn tạm giam bị cáo sau khi tòa tuyên án tại Khoản 3 Điều 329 theo hướng phù hợp với thực tiễn xét xử. Cụ thể như sau:
Điều 329. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án: “3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này là trong khoảng 45 ngày kể từ ngày tuyên án”.
Ba là, hoàn thiện quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh”.
Cần chỉnh sửa theo hướng xác định giai đoạn truy tố chỉ được coi là kết thúc khi Tòa án đã tiếp nhận hồ sơ thụ lý vụ án và khi đó mới chuyển sang giai đoạn tố tụng tiếp theo. Quy định này sẽ làm rõ được giai đoạn truy tố kết thúc thi Viện kiểm sát chuyển cáo trạng cùng hồ sơ vụ án sang cho Tòa án có thẩm quyền và Tòa án vào sổ thụ lý và trên thực tế sẽ không tồn tại trường hợp trong thời hạn Viện kiểm sát thực hiện việc gửi cáo trạng lên Tòa án có thẩm quyền thì hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh”.
Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT về trường hợp gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm theo hướng những quy định hiện hành về cách giải quyết khi gia hạn thời hạn điều tra và thời hạn quyết định việc truy tố của Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT14. Cụ thể: cũng được áp dụng ra quyết định thời hạn tạm hoãn xuất cảnh mới khi gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Tóm lại, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, hệ thống các quy định pháp luật về giữ gìn an ninh trật tự đóng vai trò thiết yếu, là nền tảng cơ bản góp phần đảm bảo các quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp cho tập thể cũng như cá nhân trong xã hội, quy định về thời hạn tố tụng hình sự, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo BLTTHS năm 2015 cần được quan tâm nghiên cứu, quán triệt và áp dụng một cách toàn diện, đầy đủ, sâu rộng từ trung ương đến địa phương./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.
- Nghị quyết số 144/2016/QH14 ngày 29/6/2016 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
- Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2007/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
- Wikipedia, https://vi.wiktionary.org/wiki/th%E1%BB%9Di_h%E1%BA%A1n#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t (truy cập vào lúc 19:00 ngày 02/7/2021).
- Bộ Công an, Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Công an nhân dân, tr. 1096-1097.
- Vũ Thị Hồng Phương, Ngô Thị Thùy Trang, Quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn tố tụng hình sự và một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, Chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu Trường Đại học CSND, 2021.
- Ngoại trừ biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Vì theo quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì mới quyết định có bắt người trong trường hợp khẩn cấp hay không.
- Ngô Thị Thùy Trang, Bàn về thời hạn tạm giam trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Một số đề xuất, kiến nghị, Tạp chí Công an nhân dân số chuyên đề Khoa học chiến lược An ninh, số tháng 12/2020.
- Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
- Bộ Công an, Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Công an nhân dân, tr. 1094.
- Khoản 3 Điều 277 BLTTHS 2015: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày”.
- Khoản 2 Điều 347 BLTTHS 2015: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 346 của Bộ luật này”.
- Biểu mẫu số 07, ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/09/2017 về ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS.
- Khoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, ngày 19/10/2018 Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS quy định: “Khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố”.
Trả lời