Sự kiện bất ngờ là gì? Trách nhiệm hình sự trong trường hợp sự kiện bất ngờ?
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
Trong thực tiễn đời sống hàng ngày, có những sự việc – sự biến pháp lý bất ngờ xảy ra, mà con người không thể lường trước được (Trong khoa học pháp lý gọi là “Sự kiện bất ngờ”). Vậy sự kiện bất ngờ là gì? Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
1. Sự kiện bất ngờ là gì?
Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trường hợp sự kiện bất ngờ như sau: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ có những đặc điểm rất giống với một tội phạm cụ thể về mặt khách quan như có hành vi và có gây thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tô chức nào đó. Cũng có môi quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Điểm khác biệt quan trọng nhất và cũng là do đặc điểm này mà một người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bât ngờ không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự đó là người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong sự bất ngờ không có lỗi (không cố ý và cũng không vô ý). Bởi lẽ họ không có tự do để lựa chọn cách xử sự (hành vi) của mình.
Xem thêm bài viết về “Sự kiện bất ngờ“
- Sự kiện pháp lý là gì? Phân loại sự kiện pháp lý? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng và thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam – ThS. Trần Chí Thành & ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
2. Trách nhiệm hình sự của người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ
Sự kiện bất ngờ là trường hợp đã gây ra hậu quả thiệt hại nhưng người có hành vi gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình hay nói cách khác vì họ không có lỗi.
Ví dụ: Một người lái xe đang đi đúng phần đường quy định, đúng tốc độ, thì có một người đột nhiên băng qua đường và bị xe đụng bị thương.
Sự kiện bất ngờ xảy ra có thể là do hoàn cảnh cụ thể:
Ví dụ: A và B đang đùa nghịch với nhau trên vỉa hè, họ cười đùa với nhau; A nghịch, xô nhẹ B xuống đường, không ngờ B khi bị xô lại dẫm phải dầu nhớt nên ngã, thái dương của B đập vào một viên đá ở lòng đường, B bị trọng thương.
Sự kiện bất ngờ do đặc điểm chủ quan của người thực hiện hành vi:
Ví dụ: Một công nhân mới vào học việc ở nhà máy, được giao đứng coi máy cho người phụ trách máy đi ra ngoài có việc cần; anh thấy có tia lửa ở một bộ phận của máy đó nên hoảng hốt vội vàng hãm máy, do không theo đúng trình tự hãm máy, bộ phận đáng lẽ hãm sau lại hãm trước, bộ phận đáng hãm trước lại hãm sau, anh công nhân đó đã làm hỏng máy.
Lưu ý: Trường hợp sự kiện bất ngờ và trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả có điểm giống nhau là chủ thể thực hiện đều không thấy trước hậu quả thiệt hại mà hành vi của mình đã gây ra. (Do có sự giống nhau dễ dẫn đến nhầm lẫn nên các Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999 đều xếp các điều luật quy định về hai trường hợp này kế tiếp nhau.)
Nhưng ở trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước và có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình. Người phạm tội đã không thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình là vì cẩu thả. Còn trong trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình hoặc tuy có nghĩa vụ phải thấy trước nhưng không có điều kiện để thấy trước hậu quả đó. Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể không thấy trước hậu quả thiệt hại mà hành vi của mình đã gây ra là do khách quan.
Cần phân biệt sự kiện bất ngờ với trường hợp bất khả kháng hay còn được gọi là tình trạng không thể khắc phục được. Đó là trường hợp chủ thể không có cách nào ngăn ngừa được hậu quả thiệt hại mà họ đã thấy trước./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời