Mục lục
Bài viết: Sự ảnh hưởng của luật nhân quyền quốc tế đối với BLTTHS Đan Mạch
- Tác giả: Peter Vedel Kessing*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(93)/2015 – 2015, Trang 71-75
TÓM TẮT
Phần 1, phân tích sự ảnh hưởng của các công ước quốc tế về nhân quyền đối với những thay đổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự của Đan Mạch. Phần 2, khái quát tóm tắt về nhân quyền trong quy định của Hiến pháp Đan Mạch và trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Đan Mạch đã phê chuẩn, qua đó làm rõ địa vị pháp lý của các Công ước này. Phần 3, phân tích thực trạng áp dụng các Công ước quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) trong hệ thống Tòa án của Đan Mạch. Phần 4, giải thích ảnh hưởng của Công ước châu Âu về nhân quyền dẫn đến một số thay đổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như hệ thống tư pháp hình sự của Đan Mạch.
ABSTRACT:
This paper focuses on 1, analysing the impacts of international human rights conventions on the changes within Danish criminal procedure code; 2, overviewing human rights norms used in the provisions of Danish Constitution and the international human rights conventions to which Denmark ratified and pointing out the role and status of these conventions; 3, analysing how international human rights conventions – in particular the European Convention for Human Rights (ECHR) – are used in Danish court proceedings; and 4, clarifying the impacts of ECHR on the changes in the code and in Danish criminal justice system.
TỪ KHÓA:
1. Địa vị chính thức của nhân quyền trong Hiến pháp Đan Mạch và các công ước nhân quyền quốc tế
1.1. Hiến pháp Đan Mạch (Grundloven)
Hiến pháp Đan Mạch được thông qua ngày 05/6/1849, trải qua ba lần sửa đổi, trong đó lần gần nhất vào năm 1953. Từ bản Hiến pháp Đan Mạch lần đầu tiên đã quy định về quyền con người, đặc biệt là các quyền dân sự và quyền chính trị, bao gồm: quyền tự do ngôn luận (Điều 77); quyền tự do hiệp hội (Điều 78); quyền tự do hội họp (Điều 79).
Hiến pháp là văn bản pháp luật có vị trí cao nhất trong hệ thống pháp luật Đan Mạch. Do đó, các quyền trong Hiến pháp được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có xung đột giữa văn bản pháp luật và án lệ.
1.2. Công ước châu Âu về nhân quyền
Công ước châu Âu về nhân quyền (Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms) (ECHR) được phê chuẩn tại Đan Mạch năm 1953. Quyền con người trong Công ước này chỉ được thừa nhận trong pháp luật Đan Mạch từ năm 1992, kể từ khi Quốc hội khẳng định Công ước là một phần trong hệ thống pháp luật và có địa vị pháp lý như các văn bản pháp luật khác.
Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) quy định giống với Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó đảm bảo các quyền dân sự và chính trị cơ bản, bao gồm: quyền được sống (Điều 2), quyền cấm tra tấn, đối xử vô nhân đạo và làm mất nhân cách (Điều 3), quyền tự do và được đảm bảo an toàn (Điều 5), quyền được xét xử công bằng (Điều 6), quyền có cuộc sống riêng tư và cuộc sống gia đình (Điều 8), quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 9), quyền tự do ngôn luận (Điều 10).
1.3. Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về nhân quyền
Đan Mạch đã phê chuẩn hầu hết các Công ước của Liên hợp quốc về nhân quyền, ngoại trừ Công ước về Chống mất tích cưỡng bức và Công ước về Lao động nhập cư.
Cơ sở pháp lý về nhân quyền cràng buộc Tòa án Đan Mạch (bao gồm cả Tòa Tối cao) bởi các Công ước mà Đan Mạch đã phê chuẩn. Các công ước về nhân quyền đã được thừa nhận ở Đan Mạch – chẳng hạn Công ước châu Âu về nhân quyền được Tòa án (và các cơ quan công quyền khác) áp dụng giống như các văn bản pháp luật khác. Tất cả Công ước của Liên hợp quốc về nhân quyền, có giá trị là nguồn luật để Tòa án viện dẫn và áp dụng.
2. Một số quyền con người được Tòa án Đan Mạch viện dẫn trong quá trình xét xử
Công ước châu Âu về nhân quyền chỉ bao gồm các quyền cơ bản về dân sự và chính trị, không bao gồm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là văn bản thường xuyên được viện dẫn và áp dụng tại Tòa án Đan Mạch. Mức độ viện dẫn Công ước này thậm chí còn hơn cả Hiến pháp năm 1953 – văn bản đề cập việc bảo đảm các quyền con người nhưng hiếm khi được áp dụng do đã quá cũ và ở một mức độ nào đó, đã trở lên lỗi thời.
Công ước châu Âu về nhân quyền được Tòa án Đan Mạch viện dẫn 04 lần (năm 1992) và 03 lần (năm 1993), 50 lần (năm 2012) và 32 lần (năm 2013). Từ năm 1999, mức độ áp dụng có xu hướng biến đổi, trung bình khoảng 40 lần mỗi năm. Điều này cho thấy xu hướng áp dụng Công ước châu Âu (ECHR) của luật sư và tòa án trong quá trình tố tụng tại Đan Mạch đang tăng lên. Ngoài ra, Tòa án Đan Mạch cũng rất hiếm khi sử dụng Công ước của Liên hợp quốc về nhân quyền. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2014 chỉ có 32 quyết định của Tòa án mà có áp dụng một trong bảy Công ước chính của Liên hợp quốc về nhân quyền.
Có thể nhận thấy, trong số các quy định về quyền dân sự và chính trị trong Công ước châu Âu về quyền con người được tòa án Đan Mạch áp dụng, hầu hết là quy định về quyền được xét xử công bằng theo Điều 6 Công ước. Nội dung này sẽ được giới thiệu trong phần 4.
Một số lượng lớn các vụ án liên quan đến quyền có cuộc sống riêng tư và gia đình theo nội dung Điều 8 Công ước châu Âu về nhân quyền. Hầu hết trong số đó là những trường hợp liên quan đến việc trục xuất người nước ngoài có gia đình, con cái đang sinh sống tại Đan Mạch mà phạm tội hoặc bị tước giấy phép cư trú. Một câu hỏi đặt ra là liệu rằng trong trường hợp này quyền có cuộc sống gia đình của người nước ngoài khi họ bị trục xuất khỏi Đan Mạch.
Năm 2014, Tòa Tối cao xét thấy có trường hợp vi phạm Điều 8 Công ước về quyền có cuộc sống gia đình khi trục xuất một công dân 31 tuổi người Ukraina ra khỏi Đan Mạch. Tòa án Cấp cao Đan Mạch đã xử phạt người này 60 ngày tù về hành vi bạo lực và trục xuất khỏi Đan Mạch trong 6 năm. Tòa án Tối cao nhấn mạnh rằng anh T đến Đan Mạch từ năm 26 tuổi, anh này đã kết hôn tại đây, đã được tuyển dụng và hội nhập tốt với xã hội Đan Mạch.
Một số ít các vụ án của tòa án Đan Mạch liên quan đến quyền tự do và an toàn cá nhân. Đó là những trường hợp về quyền chống tra tấn, đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo theo Điều 3 Công ước châu Âu về quyền con người.
Năm 2014, Tòa Cấp cao phía Đông xét thấy hệ thống nhà tù ở Đan Mạch đã đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo đối với một tù nhân vì đã nhốt người này vào ngục tối và đã trói vào giường trong một khoảng thời gian dài. Một trường hợp tương tự vào năm 2014 là Tòa Phúc thẩm phán quyết buộc một người mắc bệnh tâm thần phải vào bệnh viện tâm thần, tại đây người này bị đối xử vô nhân đạo khi bị trói tay chân trong suốt 24 giờ. Có trường hợp liên quan đến quyền tự do đi lại ở Đan Mạch, đây là quyền được quy định trong Nghị định thư bổ sung Công ước châu Âu về nhân quyền.
Năm 2014, Tòa Tối cao Đan Mạch xét thấy có trường hợp vi phạm quyền tự do đi lại của một người nước ngoài phạm tội và bị tước giấy phép cư trú ở Đan Mạch, nhưng không thể trục xuất người này vì anh ta có khả năng bị tra tấn ở đất nước của mình, do đó Tòa án buộc người này phải cư trú bắt buộc tại trại tị nạn của Đan Mạch trong nhiều năm.
Tòa Tối cao nhận thấy có 2 bản án trong năm 2012 và 2013, qua xem xét của Tòa án châu Âu về nhân quyền thì trường hợp cảnh sát bắn chết cả ba người trong cuộc truy đuổi là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với quyền được sống tại Điều 2 Công ước châu Âu về quyền con người. Một trong những tình huống tương tự đã được xem xét tại Tòa án châu Âu về nhân quyền trong năm 2015.
Các vụ án tại Đan Mạch liên quan đến quyền tự do ngôn luận tập trung vào quyền tự do báo chí, liên quan đến các thông tin đời tư, nhạy cảm và những câu hỏi gây khó chịu và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm con người.
Tòa Tối cao cũng giải quyết trường hợp vi phạm quyền tự do hiệp hội theo Điều 11 Công ước châu Âu về nhân quyền. Tòa tối cao xét thấy năm 1999, có trường hợp vi phạm quyền tự do hiệp hội của một công ty khi đuổi bất kỳ nhân viên nào không muốn trở thành thành viên của Liên minh công nhân Đan Mạch (SID) như yêu cầu của Liên minh. Quyết định này đã được xem xét tại Tòa án châu Âu về nhân quyền, Tòa này lên án Đan Mạch vi phạm quyền tự do hiệp hội tại Điều 11 Công ước ECHR. Do đó, Tòa Tối cao nhận thấy quyền tự do hiệp hội trong Công ước còn bảo vệ quyền của cả những người không phải là thành viên một hiệp hội, chẳng hạn như Liên minh Công nhân châu Âu.
Tóm lại, có thể kết luận rằng, các quyền dân sự và chính trị cơ bản được thể hiện trong Công ước châu Âu về nhân quyền đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tố tụng tại tòa án Đan Mạch. Luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Công ước châu Âu về nhân quyền thường được luật sư và toàn án sử dụng trong một số tình huống giúp bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở Đan Mạch, bao gồm cả tù nhân, người bị bệnh tâm thần và người nước ngoài.
3. Tác động của nhân quyền quốc tế đối với hệ thống tư pháp hình sự của Đan Mạch
Căn cứ Điều 6.1 và Điều 14 Công ước châu Âu về quyền con người thừa nhận: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai trong một khoảng thời gian hợp lý bởi một tòa án độc lập và vô tư được thành lập theo quy định của pháp luật”. Điều 6.2 và 6.3 đưa ra một số yêu cầu cụ thể của một phiên tòa công bằng, chẳng hạn được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội; được thông báo kịp thời và chi tiết về bản chất và nguyên nhân của những lời buộc tội; được thẩm tra nhân chứng.
Trong một số vụ án minh họa dưới đây, Tòa án châu Âu về nhân quyền và Tòa án Đan Mạch (bao gồm cả Tòa án Tối cao) nhận thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự Đan Mạch và/hoặc thực tiễn tư pháp hình sự của Đan Mạch có mâu thuẫn với những yêu cầu tại Điều 6.
3.1. Sự độc lập của thẩm phán Đan Mạch
Như đã trình bày, Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người yêu cầu rằng các thẩm phán phải độc lập. Để đáp ứng yêu cầu về tính độc lập, Tòa án châu Âu về nhân quyền đã nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng sau đây: người được trao quyền để bổ nhiệm thẩm phán, nhiệm kỳ của Thẩm phán, những sự bảo vệ để chống lại sức ép từ bên ngoài, biểu hiện về tính độc lập của quan tòa/Tòa án.
Tòa án Tối cao Đan Mạch vào năm 1994 đã xử lý một trường hợp về việc một công chức làm việc tại Bộ Tư pháp ở Đan Mạch nhưng đồng thời cũng làm việc như một thẩm phán chính thức một ngày mỗi tuần tại tòa án một quận tại Copenhagen. Đó là truyền thống cũ trong hệ thống pháp luật của Đan Mạch khi cho phép các quan chức trong Bộ Tư pháp làm việc bán thời gian một ngày một tuần như các thẩm phán chính thức tại các tòa án quận ở Copenhagen.
Tòa án Tối cao nhận thấy hệ thống của Đan Mạch với các thẩm phán chính thức nhưng lại làm việc tại Bộ Tư pháp có thể vi phạm tính độc lập của một phiên tòa theo Điều 6 ECHR. Tòa án nhấn mạnh rằng các quan chức làm việc tại Bộ Tư pháp đã có mối quan hệ chặt chẽ với cảnh sát và các công tố viên, và các thẩm phán phải thực sự độc lập.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Đan Mạch thấy rằng hệ thống này cần được Quốc hội Đan Mạch xem xét lại và thay đổi. Thực tế việc các thẩm phán chính thức làm việc tại Bộ Tư pháp sau đó đã bị Quốc hội Đan Mạch bãi bỏ.
3.2. Sự vô tư của các Thẩm phán Đan Mạch
Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người quy định hai cách thức để xác định tình vô tư của một Tòa án. Đầu tiên là một thử nghiệm mang tính chủ quan dựa trên niềm tin cá nhân của một thẩm phán cụ thể trong một trường hợp nhất định. Thứ hai, là một thử nghiệm mang tính khách quan để xác định rằng liệu thẩm phán có đưa ra những sự đảm bảo đủ để loại trừ bất kỳ nghi ngờ chính đáng nào về tính khách quan của mình hay không. Trong các thử nghiệm chủ quan, một thẩm phán phải được suy đoán là vô tư cho đến khi có có chứng cứ chứng minh điều ngược lại. Mặt khác, các trắc nghiệm khách quan xem xét những sự thật khách quan có thể làm tăng nghi ngờ về một thẩm phán nào đó. Biểu hiện về sự vô tư của thẩm phán có thể giúp chính anh ta.
Trong một vụ việc chống lại Đan Mạch tại Tòa án Nhân quyền châu Âu, người nộp đơn cho rằng ông đã không được xét xử công bằng bởi một tòa án Đan Mạch vô tư.[1] Người nộp đơn đã bị kết án về tội gian lận trong một phiên tòa hình sự của Đan Mạch. Người này khiếu nại rằng một số thẩm phán đã kết tội anh ta trong phiên tòa cuối cùng không được vô tư bởi vì họ có liên quan đến nhiều quyết định trước khi xét xử vụ án của anh ta. Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự của Đan Mạch, bị cáo có thể bị tạm giam (giam giữ trước khi xét xử) nếu tồn tại một “nghi ngờ được đặc biệt khẳng định” rằng bị cáo đã phạm một tội trong Bộ luật hình sự của Đan Mạch. Quyết định tạm giam phải được tòa án xem xét lại 4 tuần 1 lần.
Thông thường, trong hệ thống tư pháp hình sự của Đan Mạch, các thẩm phán vừa tham gia vào việc ra quyết định tạm giam trước khi xét xử, vừa tham gia vào phiên xét xử cuối cùng để xét xem người bị cáo buộc có vi phạm pháp luật hình sự của Đan Mạch hay không.
Người nộp đơn khiếu nại rằng các thẩm phán của Đan Mạch không thể được coi là vô tư ở phiên xét xử cuối cùng vì đã tham gia vào một số quyết định trước khi xét xử, khi đó họ đã phát hiện ra rằng có một “nghi ngờ được đặc biệt xác nhận” là người nộp đơn đã phạm tội gian lận.
Tòa án Nhân quyền châu Âu cho rằng, thực tế trong một hệ thống tư pháp giống như của Đan Mạch, nếu thẩm phán sẽ tham gia phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm được quyền ban hành các quyết định liên quan đến việc giam giữ người bị tình nghi trong các giai đoạn tố tụng trước đó thì khó có thể thuyết phục về tính khách quan của anh ta khi xét xử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong những trường hợp đặc biệt, thẩm phán vẫn có thể kết luận khác. Cụ thể là thẩm phán có quyền tiếp tục áp dụng việc giam giữ dựa trên “những suy đoán có căn cứ” rằng nghi can đã có hành vi gian lận về những gì mà anh ta bị cáo buộc.
Cụm từ “nghi ngờ được đặc biệt xác nhận” đã chính thức được giải thích với ý nghĩa rằng các thẩm phán phải được thuyết phục ở một mức độ cao về sự có tội của bị cáo. Như vậy, không có sự khác biệt lớn giữa các vấn đề thẩm phán phải giải quyết khi ra quyết định tạm giam (giam giữ trước khi xét xử) và các vấn đề mà họ sẽ phải giải quyết khi đưa ra phán quyết cuối cùng tại phiên tòa.
Do đó, Tòa án Nhân quyền châu Âu nhận thấy rằng, trong những vụ án mà sự vô tư của các thẩm phán Đan Mạch có thể bị nghi ngờ, sự e ngại của người nộp đơn về mặt này được coi là hợp lý một cách khách quan. Do đó, Tòa án thấy rằng đã có sự vi phạm Điều 6 của Công ước.
Do đó, hệ thống của Đan Mạch với các thẩm phán vừa được tham gia vào quyết định tạm giam (đòi hỏi sự “nghi ngờ được đặc biệt xác nhận”), lại vừa tham gia vào phiên xét xử cuối cùng sau đó đã bị Quốc hội Đan Mạch bãi bỏ.
3.3. Việc sử dụng các bằng chứng bất hợp pháp trong tố tụng hình sự
Điều 6 về quyền được xét xử công bằng trong Công ước châu Âu về quyền con người không trực tiếp xác định liệu Tòa án quốc gia có thể tham gia và đưa ra quyết định trên cơ sở các chứng cứ thu thập bất hợp pháp hay không. Trong một vài trường hợp, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã tuyên bố rằng việc sử dụng bằng chứng bất hợp pháp của Tòa án quốc gia phần lớn là trái luật pháp quốc gia và do đó, Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người không điều chỉnh Tòa án quốc gia trong vấn đề liên quan đến bằng chứng bất hợp pháp.
Tuy nhiên, liên quan đến việc sử dụng chứng cứ bất hợp pháp (tài liệu thu thập được thông qua tra tấn…) của Tòa án quốc gia, Tòa án Nhân quyền châu Âu cho là điều đó đặt ra một vấn đề liên quan đến Điều 6 và quyền được xét xử công bằng.
Vấn đề sử dụng các lời giải thích hay sự nhận tội… thu thập được thông qua tra tấn từ một nước khác, đã được thảo luận trong một quyết định của Tòa án cấp cao Đan Mạch trong năm 2008. Trong quá trình tố tụng, bên truy tố muốn sử dụng hai bản án của Colombia để chứng minh rằng tổ chức FARC đã tiến hành các hoạt động khủng bố tại Columbia. Bên bào chữa phản đối bằng chứng này, dựa vào lập luận rằng bản án Colombia đã dựa vào lời giải thích có được thông qua hoạt động tra tấn. Bên bào chữa cũng chỉ ra những bản báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có thông tin về việc các nhà chức trách Colombia đã sử dụng hình thức tra tấn. Tòa án cấp cao Đan Mạch đã quyết định rằng các công tố viên không thể sử dụng và tham khảo hai bản án của Colombia, vì Tòa án không thể phủ định rằng hai bản án đó được dựa trên bằng chứng thu được thông qua tra tấn.
3.4. Các nhân chứng chưa xác định
Theo Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người, người bị buộc tội có quyền được biết danh tính của nhân chứng đang làm chứng chống lại họ. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể, quyền này có thể bị giới hạn để đảm bảo cho sự an toàn của các nhân chứng.
Bộ luật Tố tụng hình sự của Đan Mạch được sửa đổi để phù hợp với Điều 6. Do đó, người bị tố cáo có quyền được biết danh tính của những người làm chứng chống lại họ trong một vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong một số ngoại lệ, nếu không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bị cáo, Tòa án có thể quyết định rằng tên, vị trí và địa chỉ của nhân chứng sẽ không được tiết lộ cho các bị cáo, nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ sự an toàn của các nhân chứng .
Trong một số trường hợp, Tòa án Đan Mạch phải cân đối giữa quyền bào chữa của bị cáo với quyền về an ninh và an toàn của nhân chứng. Quyết định phải được đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể các tình tiết của vụ án, bao gồm thông tin về mối quan hệ trước đó của người làm chứng với bị cáo và các thông tin về bản chất của vụ án.
3.5. Quyền được xét xử công bằng trong một khoảng thời gian hợp lý
Năm 2008, Đan Mạch bị Tòa án Nhân quyền châu Âu kết án trong hai trường hợp do không đảm bảo việc xét xử các bị cáo trong một thời gian hợp lý theo quy định tại Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người và Điều 14 (c) trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và quyền Chính trị (ICCPR).[2] Tòa án châu Âu về nhân quyền đã nhất trí rằng trong cả hai trường hợp đã có hành vi vi phạm Điều 6 về thời hạn của các thủ tục tố tụng hình sự đối với những người đã nộp đơn. Cụ thể, thời gian tố tụng đã kéo dài 10 năm 9 tháng trong vụ án của Hasslund và gần 10 năm trong trường hợp của Moesgaard Petersen.
Sau hai bản án của Tòa án châu Âu về nhân quyền, các Tòa án của Đan Mạch có một số lượng các vụ án phải giảm án phạt tù do cảnh sát và công tố viên đã quá hạn trong việc chuẩn bị phiên tòa hình sự.
Kết luận
Công ước nhân quyền quốc tế rất thường xuyên được các luật sư và thẩm phán của Đan Mạch sử dụng. Có rất nhiều ví dụ về việc Công ước châu Âu về quyền con người đã giúp bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở Đan Mạch, bao gồm tù nhân, người bị bệnh tâm thần và người nước ngoài.
Cụ thể hơn, liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự Đan Mạch, Công ước châu Âu về quyền con người đã tạo ra một số thay đổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự của Đan Mạch và do đó, dẫn đến những thay đổi quan trọng về cơ cấu trong hệ thống tư pháp hình sự của Đan Mạch. Bên cạnh những yếu tố khác thì sự thay đổi này liên quan đến tính độc lập và vô tư của các thẩm phán của Đan Mạch, việc sử dụng bằng chứng bất hợp pháp thu được thông qua tra tấn hoặc ngược đãi, việc sử dụng các nhân chứng vô danh và thời hạn của các thủ tục tố tụng hình sự.
* TS. Luật học, chuyên gia nghiên cứu Viện Nhân quyền Đan Mạch.
[1] See ECtHR, Hauschildt v Denmark, Appl. No 10486/83, 24 May 1989.
[2] See Hasslund v. Denmark, 11 December 2008, Appl. No. 36244/06; and Moesgaard Petersen v. Denmark, Appl. No. 32848/06, 11 December 2008. See likewise A and Others v. Denmark, Appl. No. 20826/92, 8 February 1996 and Kurt Nielsen v Denmark, Appl. No. 33488/96, 15 February 2000.
Trả lời