Mục lục
Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự.
Tóm tắt:
Bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ nhân phẩm, cuộc sống cũng như sự an toàn, khả năng phục hồi và hòa nhập cộng đồng của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi rất dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, điều này đã vô tình xâm hại người bị hại dưới 18 tuổi thêm một lần nữa. Bài viết nghiên cứu về người bị hại dưới 18 tuổi, quy định về quyền riêng tư và các quy định bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật quốc tế và một số luật chuyên ngành của Việt Nam. Từ đó đối chiếu với thực tế xâm hại quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi hiện nay và đưa ra một số kiến nghị. Từ khóa: Người bị hại dưới 18 tuổi, người chưa thành niên; quyền riêng tư.
Xem thêm:
- Bị hại là gì? Quy định về bị hại trong tố tụng hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Hoàn thiện BLTTHS về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Đinh Văn Đoàn
- Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự – ThS. Nguyễn Đức Thái
- Một số điểm mới của BLTTHS 2015 về bị hại, đương sự trong vụ án hình sự – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Ngô Quang Cảnh
- Bàn về “Xử lý chuyển hướng” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – TS. Phan Anh Tuấn
- Quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của người dưới 18 bị buộc tội – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
- Mô hình tư pháp người dưới 18 theo định hướng của Liên hợp quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Quyền của người dưới 18 tuổi có sự tham gia của gia đình, nhà trường – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong BLTTHS 2015 – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
1. Người bị hại dưới 18 tuổi
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”(1). Đây được coi là một trong những thay đổi nhận thức trong BLTTHS năm 2015 so với quy định trong BLTTHS năm 1988 và năm 2003(2). BLTTHS năm 1988 và năm 2003 chỉ ghi nhận bị hại là cá nhân (người bị hại) mà không phải là cơ quan hay tổ chức và thiệt hại của người bị hại phải là do tội phạm gây ra.
Người dưới 18 tuổi là người chưa đủ 18 tuổi hay còn gọi là người chưa thành niên. Đây là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách nên rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng hình sự, do vậy cần được pháp luật bảo vệ đặc biệt hơn so với người từ 18 tuổi trở lên.
Theo đó có thể hiểu, người bị hại dưới 18 tuổi là cá nhân chưa đủ 18 tuổi trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. BLTTHS năm 2015 sử dụng cụm từ “người bị hại là người dưới 18 tuổi” thay cho cụm từ “người bị hại là người chưa thành niên” được quy định trong BLTTHS năm 1988 và năm 2003. Sự thay đổi này xuất phát từ việc bộ luật thay cụm từ “người chưa thành niên” bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi” để đảm bảo sự tương thích với quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015.
Người bị hại dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt cần được pháp luật bảo vệ. Bởi đây là những người bị hạn chế hoặc hoàn toàn không có khả năng, điều kiện tự vệ hoặc bảo vệ mình. Hành vi xâm hại để lại hậu quả rất nặng nề, nó không chỉ gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển bình thường của người bị hại, nhất là các bị hại tuổi còn quá nhỏ.
2. Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi
Quyền riêng tư là một trong những quyền con người quan trọng nhất của thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Các vấn đề về quyền riêng tư đã được Liên hiệp quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ. Đa số các nước đều xác định quyền riêng tư trong Hiến pháp nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của con người. Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người 1948 (UDHR) quy định:
“1. Không ai phải chịu sự can thiệp tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; 2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy” (Điều 12).
Công ước về các quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR) ghi nhận rằng: “1. Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện và bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà , thư tín hoặc xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín; 2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những sự can thiệp hoặc xâm hại như vậy” (Điều 17).
Năm 2004, Tổ chức Bảo mật Quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử có báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền” với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997. Theo đó, quyền riêng tư có các nội dung cơ bản sau(1):
- Sự riêng tư về thông tin cá nhân: Bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
- Sự riêng tư về cơ thể: Liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
- Sự riêng tư về thông tin liên lạc: Bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
- Sự riêng tư về nơi cư trú: Liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Người dưới 18 tuổi trong hệ thống tư pháp hình sự có nguy cơ bị kỳ thị rất cao và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ những kỳ thị, định kiến trong xã hội. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu quan trọng của tư pháp người chưa thành niên là đảm bảo sự phục hồi và tái hòa nhập của họ. Vì vậy, các thông lệ quốc tế đều đưa ra những đòi hỏi về việc bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên. Công ước quốc tế về quyền trẻ em khẳng định: “mọi điều riêng tư của trẻ em phải được hoàn toàn tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng” (Điều 40bvii). Bởi việc tôn trọng quyền riêng tư này có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ ý thức về danh dự và nhân phẩm, cũng như giúp giảm những nguy cơ tổn thương đối với người chưa thành niên khi họ tham gia vào quá trình tố tụng. Điều 16, Công ước về Quyền trẻ em nêu rõ: “1. Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những công kích bất hợp pháp vào danh dự Toà thanh danh của các em; 2. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Như vậy, quyền riêng tư luôn được các quốc gia ghi nhận và thực thi một cách đặc biệt đối với trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ghi nhận: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (khoản 1 Điều 37).
Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cũng quy định rõ:
– Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (Điều 21);
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 54);
– Hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6).
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em giải thích rõ: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán, địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em (Điều 33).
Như vậy, có thể nhận thấy quyền riêng tư của trẻ bao gồm: Quyền bí mật thông tin (hình ảnh, thông tin nhận diện cá nhân, gia đình, tình trạng sức khỏe, cảm xúc, gia đình, học tập, các mối quan hệ, nơi ở; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức lưu trữ, trao đổi thông tin khác); quyền bảo vệ và được pháp luật bảo vệ chống lại các hành vi thu thập, khai thác, sử dụng, công bố thông tin, can thiệp vào đời sống riêng tư của trẻ. Việc khai thác, sử dụng các thông tin thuộc về quyền riêng tư của trẻ để phục vụ quá trình điều tra, tố tụng phải được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ được quy định bởi pháp luật và không được tiết lộ thông tin khiến người khác có thể nhận diện trẻ có liên quan. Tất cả những hành vi khai thác, thu thập, sử dụng, công bố thông tin khác đều phải được sự đồng ý của cha mẹ/người giám hộ và trẻ em.
Trong tư pháp hình sự quốc tế liên quan đến người bị hại là trẻ em thì vấn đề trước tiên và quan trọng nhất, cũng như trong các vấn đề khác liên quan đến trẻ em, nguyên tắc “lợi ích tốt nhất của trẻ em” phải được coi là trọng tâm trong việc ứng xử với người chưa thành niên là bị hại. Ngoài ra, còn một số các nguyên tắc cơ bản cần đảm bảo như: Quyền được đối xử dựa trên nhân phẩm và tình thương, quyền được bảo vệ khỏi bị phân biệt và đối xử; quyền được thông tin; quyền được người khác lắng nghe và được trình bày quan điểm của mình; quyền riêng tư; quyền được bảo vệ khỏi những khó khăn trong quá trình tư pháp; quyền được an toàn; quyền được bồi thường; quyền được hưởng các biện pháp đặc biệt phòng tránh tiếp tục bị xâm hại…
Quyền riêng tư có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ nhân cách và phẩm giá của người bị hại là người chưa thành niên, cũng như sự an toàn và phúc lợi của họ. Việc để lộ thông tin về người bị hại là người chưa thành niên ra công luận có thể đem lại những hậu quả hết sức nặng nề. Do đó, Hướng dẫn tư pháp trong các vấn đề liên quan đến trẻ em là người bị hại kêu gọi có những quy định chặt chẽ về quản lý thông tin liên quan đến người chưa thành niên là người bị hại trong các vụ án hình sự. Việc bảo mật thông tin cần được duy trì và cần có những hạn chế chặt chẽ về những thông tin có thể công khai. Đặc biệt, cần bảo đảm các vụ án có người bị hại là người chưa thành niên được xét xử kín.
Việc bảo vệ và tôn trọng quyền riêng tư của người bị hại là người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ nhân phẩm và cuộc sống của người chưa thành niên, cũng như sự an toàn, khả năng phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng của họ. Đoạn 26 – 28 Hướng dẫn tư pháp trong các vấn đề liên quan đến trẻ em người bị hại, người làm chứng của tội phạm quy định các tiêu chuẩn rõ ràng về bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại là người chưa thành niên:
“26. Quyền riêng tư của người bị hại, người làm chứng trẻ em phải được bảo đảm với tư cách là mối quan tâm hàng đầu.
27. Thông tin liên quan đến sự tham gia của trẻ em vào quá trình tư pháp cần được bảo vệ thông qua việc duy trì bảo mật thông tin và hạn chế việc tiết lộ thông tin có thể dẫn đến việc nhận dạng người bị hại, người làm chứng trẻ em trong quá trình tư pháp.
28. Cần tiến hành các biện pháp bảo vệ trẻ em tránh khỏi sự tiếp xúc không cần thiết với công chúng, vi dụ như quy định không cho phép người dân và các cơ quan truyền thông có mặt tại phòng xử án khi trẻ em ra làm chứng.”
BLTTHS năm 2015 đã đổi mới và xây dựng các thủ tục tố tụng chuyên biệt nhằm bảo vệ người chưa thành niên. Ngoài việc phải chịu sự chi phối chung của 27 nguyên tắc quy định tại chương II, BLTTHS năm 2015 còn bổ sung 07 nguyên tắc đặc thù áp dụng đối với các vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi(1) nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Khoản 2 Điều 414 quy định rõ khi tiến hành tố tụng đối với người bị hại dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc “bảo đảm giữ bí mật cá nhân” của họ. Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ người bị hại dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín (khoản 2 Điều 423).
Có thể nói, BLTTHS năm 2015 đã nội luật hóa nhiều các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ người bị hại dưới 18 tuổi nhằm “bảo đảm lợi ích tốt nhất” khi học tham gia vào quá trình tố tụng. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi vẫn chưa đáp ứng đủ các chuẩn mực quốc tế.
3. Thực trạng xâm hại quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi và một số kiến nghị
Bảo vệ người dưới 18 tuổi chính là bảo vệ sự phát triển trong tương lai của mỗi quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ người dưới 18 tuổi. Việt Nam cũng đã xây dựng được một hệ thống pháp luật khá đầy đủ tạo căn cứ pháp lý quan trọng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ trẻ em nói chung và người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng trong các vụ án hình sự.
Ở Việt Nam, mặc dù quyền riêng tư của người dưới 18 tuổi đã được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ trong Hiến Pháp, các luật chuyên ngành nhưng trên thực tế, quyền riêng tư của trẻ em lại rất dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay. Hình ảnh, thông tin về người bị hại dưới 18 tuổi bị tiết lộ rất nhiều trên báo chí, truyền thông. Theo kết quả điều tra của của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes)”), chỉ trong năm 2012 có đến 548 bài báo mà nội dụng của chúng không đảm bảo quyền riêng tư của trẻ em đã được đăng tải trên 5 tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam. Trong đó có 39% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, cùng với gia đình và nhà cửa/trường học. 47% bài báo cung cấp tên của ba mẹ và người giám hộ. Thông tin về nơi ở của các em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường – 41%). Chủ để chính của những bài báo là trẻ em bị xâm hại tình dục (47%), bị bạo hành/ bạo lực (23%) và nhân đạo, từ thiện (11%); đối tượng bài báo là nữ (74%) và trẻ em ở các vùng khó khăn như miền núi và nông thôn (79%). Những bài báo đó lại được trích dẫn nguyên văn hay một phần đến 2692 lượt trên các tờ báo điện tử khác. Ví dụ như đưa tin và hình ảnh người bị hại là trẻ em trong vụ giết người ở Bắc Giang, cung cấp tên chính xác của hai nạn nhân, năm sinh, địa chỉ cụ thể, tên thủ phạm, hình ảnh nhận diện thủ phạm trong vụ “Anh trai hiếp dâm em ruột và bé gái hàng xóm”, cung cấp họ tên cha mẹ ruột, năm sinh, nghề nghiệp, nơi công tác và họ tên, nơi công tác người bác ruột nạn nhân và đăng hình chụp bức thư của nạn nhân với tên thủ phạm và tên nạn nhân bị bôi xóa nhưng địa chỉ thôn, xã được giữ nguyên trong vụ “Bé gái bị cha dượng xâm hại tình dục nhiều lần”… Đây là những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi, điều này đã vô tình xâm hại người bị hại chưa thành niên thêm một lần nữa.
Để bảo vệ tốt hơn người bị hại dưới 18 tuổi, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần quy định theo hướng tất cả các vụ án liên quan đến người bị hại dưới 18 tuổi cần được xét xử kín.
Thứ hai, nếu các vụ án được đưa lên báo chí thì cần đặc biệt chú ý đến việc bảo mật danh tính của người bị hại dưới 18 tuổi.
Thứ ba, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà báo và các cơ quan báo chí trong việc viết bài, đưa tin về người bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự.
Thứ tư, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người lớn và người dưới 18 tuổi tự trang bị kiến thức về bảo vệ quyền riêng tư.
Việc bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong quá trình tố tụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ nhân phẩm và cuộc sống của họ. Bởi đây là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, rất dễ bị tổn thương nên hành vi xâm hại để lại hậu quả rất nặng nề, tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển bình thường của họ. Trong quá trình tham gia tố tụng hình sự, nếu quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm phạm thì vô tình chúng ta lại xâm hại họ thêm một lần nữa./.
Nguyễn Thị Lộc – Thạc sĩ, Trưởng phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
Trả lời