Mục lục
Quy định về Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
Quy định về Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa trong BLTTHS 2015
Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
1. Quy định mới về việc thay đổi, từ chối người bào chữa tại BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003
Vấn đề thủ tục lựa chọn người bào chữa và chỉ định người bào chữa đã có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau, thể hiện tại các khoản 1, 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc “người đại diện hợp pháp” của họ lựa chọn và một trong những trường hợp chỉ định bắt buộc người bào chữa khi bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.
Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 là “người khác” có thể nhờ người bào chữa cho người bị buộc tội. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở mức chung, mang tính nguyên tắc nên thực tiễn áp dụng không thống nhất, trong nhiều trường hợp gây cản trở việc thực hiện quyền bào chữa.
Khắc phục những bất cập này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 dành một điều quy định về thay đổi hoặc từ chối người bào chữa, trong đó quy định cụ thể, chi tiết về chủ thể, trình tự, thủ tục thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
2. Những người có quyền từ chối, thay đổi người bào chữa
2.1. Trường hợp thông thường
Mọi trường hợp từ chối hoặc thay đổi người bào chữa đối với người bị buộc tội từ đủ 18 tuổi, không có nhược điểm về thể chất (hoặc có nhược điểm về thể chất nhưng không ảnh hưởng đến việc tự bào chữa) và không có nhược điểm về tâm thần thì chỉ có họ mới có quyền từ chối hoặc thay đổi người bào chữa, người đại diện; mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải được sự đồng ý của họ và phải được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án.
2.2. Trường hợp đặc biệt
Trường hợp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì người đại diện hoặc người thân thích thay họ thực hiện quyền thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định diện người thân thích của người tham gia tố tụng khá rộng, bao gồm: “Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột”, nên những người này có quyền từ chối hoặc thay đổi người bào chữa.
3. Từ chối bào chữa do người thân thích nhờ khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam
Trong trường hợp người bị buộc tội đang bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối.
Đây là điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm giải quyết những vướng mắc, nghi ngờ tình trạng người bị buộc tội từ chối người bào chữa do bị áp lực từ cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.
Quy định theo hướng này nhằm bảo đảm xác nhận đề nghị của người bị buộc tội từ chối người bào chữa là do họ hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc trái nguyện vọng của họ.
Cũng có thể, sau khi người bị buộc tội được gặp Điều tra viên và người bào chữa do người thân thích của họ nhờ, qua trao đổi, giải thích các quy định của pháp luật về vai trò của người bào chữa trong quá trình tham gia tố tụng, họ sẽ thay đổi việc từ chối mà tiếp tục có nguyện vọng nhờ người bào chữa.
4. Thay đổi, từ chối người bào chữa trong trường hợp bào chữa chỉ định
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa đối với người bị buộc tội là bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi, nếu người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ không đồng ý thì vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì thủ tục chỉ định người bào chữa được thực hiện như đối với chỉ định lần đầu. Trường hợp từ chối thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Trả lời