Quy định về Phòng vệ chính đáng trong pháp luật hình sự
Tác giả: LS. Nguyễn Thị Lan Anh
Căn cứ pháp lý
– Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015;
– Điều 15 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
1. Phòng vệ chính đáng là gì?
Theo quy định của Bộ luật hình sự: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. (Khoản 1, Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015)
Phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phù hợp với lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Nhà nước muốn thông qua hành vi phòng vệ chính đáng của công dân sẽ ngăn chặn những hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, lợi ích chính đáng của họ hoặc của người khác.
Do đó, hành vi phòng vệ chính đáng đã làm loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên không phải là tội phạm mặc dù hành vi phòng vệ chính đáng có thể gây ra những thiệt hại nhất định.
Phòng vệ chính đáng là hành vi tích cực, là quyền của công dân và được Nhà nước khuyến khích chứ không phải là nghĩa vụ.
Lưu ý: Do phòng vệ là quyền của công dân nên khi phát sinh quyền phòng vệ người phòng vệ có quyền lựa chọn thực hiện hay không thực hiện quyền phòng vệ kể cả khi hành vi phòng vệ có thể gây thiệt hại trên thực tế, mà không cần phải xem xét đến các biện pháp khác. Tuy nhiên, đối với việc phòng vệ hành vi tấn công của trẻ em hoặc người không có năng lực trách nhiệm hình sự chỉ được xem là phòng vệ chính đáng khi hành vi phòng vệ là biện pháp cuối cùng và duy nhất, vì họ là những chủ thể cần được xã hội đối xử một cách đặc biệt ngay cả khi họ có hành vi tấn công.
Quy định phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ tính chất phạm tội của hành vi đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mọi người tích cực tham gia ngăn chặn các hành vi nguy hiểm, góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, hành vi phòng vệ chính đáng phải được thực hiện trong những khuôn khổ pháp lý nhất định, vì tuy là quyền của công dân nhưng công dân không thể thay Nhà nước để xử lý các hành vi vi phạm. Do vậy, hành vi phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể.
Xem thêm bài viết về “Phòng vệ chính đáng”
- Bồi thường thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín
- Một số ý kiến về quy định về phòng vệ chính đáng theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 – TS. Hoàng Thị Tuệ Phương
2. Các điều kiện của phòng vệ chính đáng
Một hành vi được xem là hành vi phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn 2 điều kiện:
- Thứ nhất, người thực hiện hành vi phòng vệ phải có quyền phòng vệ, tức là quyền phòng vệ phải phát sinh.
- Thứ hai, người đó thực hiện hành vi phòng vệ trong những nội dung, phạm vi và giới hạn nhất định.
2.1. Điều kiện phát sinh quyền phòng vệ
Có 03 điều kiện làm phát sinh quyền phòng vệ, nghĩa là khi hội tụ đủ cả 03 điều kiện này thì quyền phòng vệ sẽ khởi phát:
Thứ nhất, phải có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật
Sự tấn công ở đây phải là hành vi của con người, nếu nguồn nguy hiểm do thiên nhiên hoặc do súc vật gây ra thì không làm phát sinh quyền phòng vệ mà làm phát sinh tình trạng nguy hiểm của tình trạng cấp thiết.
Tuy nhiên, không phải mọi sự tấn công của con người cũng đều làm phát sinh quyền phòng vệ, quyền phòng vệ chỉ phát sinh khi sự tấn công là “nguy hiểm đáng kể” và “trái pháp luật”.
- Sự tấn công được xem là “nguy hiểm đáng kể” nếu tính nguy hiểm của hành vi tấn công đến mức của tội phạm, nghĩa là hành vi tấn công có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cần lưu ý, đây không phải là điều kiện bắt buộc vì hành vi tấn công có thể do người không đủ điều kiện về chủ thể (người chưa đủ tuổi hoặc không có năng lực trách nhiệm hình sự) thực hiện hoặc hành vi tấn công đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra nhưng không xác định được cụ thể mức độ thiệt hại nên chưa biết được là hành vi đó có cấu thành tội phạm hay không thì cũng là nguy hiểm đáng kể.
- Sự tấn công được xem là “trái pháp luật” là hành vi tấn công pháp luật không cho phép thực hiện. Nếu hành vi tấn công là hợp pháp như: hành vi của công an bắt tội phạm, hành vi của quần chúng nhân dân bắt giữ người phạm tội trong trường hợp phạm tội quả tang, người đang bị truy nã,… thì không làm phát sinh quyền phòng vệ.
Thứ hai, sự tấn công xâm phạm lợi ích được Nhà nước bảo vệ
Sự tấn công xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác chứ không nhất thiết chỉ có quyền phòng vệ khi bị xâm phạm quyền là lợi ích của chính mình, đây là những quyền và lợi ích được Nhà nước bảo vệ.
Các lợi ích bị xâm phạm thường là các lợi ích về lợi ích, về tài sản hoặc nhân thân như tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm.
Thứ ba, sự tấn công đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc
Hành vi tấn công phải đang hiện hữu (“đang xảy ra” hoặc “đe dọa xảy ra ngay tức khắc”) thì mới xác định và đánh giá được hành vi đó là có trái pháp luật và nguy hiểm cho xã hội hay không.
- Hành vi tấn công “đang xảy ra”: được hiểu là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc. Người phòng vệ được phép chống trả hành vi tấn công để tránh những nguy hiểm, thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội.
- Hành vi tấn công “đe dọa xảy ra ngay tức khắc”: được hiểu là hành vi tấn công chưa bắt đầu nhưng có khả năng xảy ra ngay lập tức. Do hành vi tấn công của con người thường bất ngờ và có tính nguy hiểm cao nên pháp luật cho phép người phòng vệ được phép chống trả hành vi tấn công khi nó chưa xảy nhưng đe dọa xảy ra ngay lập tức.
Nếu hành vi tấn công chưa xảy ra hoặc đã chấm dứt hoàn toàn trên thực tế thì không phát sinh quyền phòng vệ. Nếu phòng vệ trong trường hợp hành vi tấn công chưa xảy ra thì được xem là phòng vệ quá sớm, phòng vệ trong trường hợp hành vi tấn công đã chấm dứt thì được xem là phòng vệ quá muộn. Người thực hiện hành vi phòng vệ trong trường hợp phòng vệ quá sớm hoặc phòng vệ quá muộn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp mặc dù hành vi tấn công đã chấm dứt trên thực tế nếu hành động ngăn chặn đi liền ngay sau khi hành vi tấn công và có khả năng khắc phục thiệt hại thì cũng được xem là phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: Người bị cướp giật tài sản đuổi đánh người phạm tội nhằm lấy lại tài sản.
2.2. Điều kiện về nội dung và phạm vi phòng vệ
Thứ nhất, mục đích của phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công
Mục đích của hành vi phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công của người tấn công. Trường hợp hành vi phòng vệ không nhằm gạt bỏ sự tấn công mà vì mục đích khác thì không được xem là phòng vệ chính đáng.
Thứ hai, hành vi phòng vệ nhằm vào chính người có hành vi tấn công
Hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người có hành vi tấn công, nếu hành vi phòng vệ không nhằm vào người có hành vi tấn công thì không được xem là phòng vệ chính đáng.
Thứ ba, hành vi phòng vệ nằm trong giới hạn “cần thiết”
Người phòng vệ dựa trên cơ sở tự nhận thức về những điều kiện chủ quan và khách quan để quyết định biện pháp và mức độ chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn hành vi tấn công. Sự “cần thiết” của hành vi phòng vệ không đòi hỏi phải tương xứng về công cụ, phương tiện hoặc sự tương đồng về mức độ thiệt hại mà hành vi tấn công và hành vi phòng vệ gây ra. Có nghĩa là, nếu đủ căn cứ xác định hành vi phòng vệ vẫn nằm trong giới hạn “cần thiết” để ngăn chặn sự tấn công thì kể cả hành vi phòng vệ gây ra thiệt hại lớn hơn so với thiệt hại do hành vi tấn công gây ra thì vẫn được xem là phòng vệ chính đáng.
Các căn cứ đánh giá giới hạn cần thiết của sự phòng vệ
- Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm phạm
- Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra
- Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công
- Tính chất và mức độ của phương pháp, phương tiện, công cụ mà người tấn công sử dụng, thời gian, địa điểm, xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ
- Sức mạnh và khả năng phòng vệ
Nếu hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn “cần thiết” nhằm gạt bỏ sự tấn công thì trở nên nguy hiểm cho xã hội (không còn được hưởng tính chất loại trừ) nên người thực hiện phải chịu trách nhiệm hình sự.
2.3. Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, do đó người phòng vệ chính đáng không phải chịu TNHS.
3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
Theo quy định của Bộ luật hình sự: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”. (Khoản 2, Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015)
Điều kiện của “vượt quá” phòng vệ chính đáng
Người thực hiện hành vi phòng vệ có quyền phòng vệ nhưng đã thực hiện hành vi phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết nhằm gạt bỏ hành vi tấn công, trong khi không cần thiết phải gây thiệt hại như vậy.
Người thực hiện hành vi phòng vệ có quyền phòng vệ
Quyền phòng vệ của người gây thiệt hại đã phát sinh trên thực tế nhưng do đánh giá sai tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm nên lựa chọn “biện pháp” và “mức độ” phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết cho người có hành vi xâm hại và đã gây ra thiệt hại trên thực tế.
Người thực hiện hành vi phòng vệ thực hiện hành vi phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết
Người phòng vệ phải thực hiện hành vi phòng vệ “rõ ràng quá mức cần thiết”.
Để đánh giá hành vi phòng vệ có phải là “rõ ràng quá mức cần thiết” hay không phải xem xét tổng thể các tình tiết liên quan đến vụ việc, trong đó cần so sánh khách thể được phòng vệ và khách thể bị hành vi phòng vệ gây thiệt hại, mức độ gây thiệt hại do người phòng vệ và người tấn công gây ra, tương quan lực lượng, công cụ, phương tiện của người tấn công và người phòng vệ,…
Ví dụ: Ngày 20/10, Nguyễn Văn S sang nhà ông Đinh Văn H trộm gà. H phát hiện được nên dùng dao tự chế chém S gây thương tích 32% là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trách nhiệm hình sự đối với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Người gây ra thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự tuy nhiên thuộc trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Phòng vệ tưởng tượng
Trường hợp do lầm tưởng có sự tấn công của người khác (thực tế không tồn tại sự tấn công) nên có hành vi gây thiệt hại cho họ.
Các trường hợp phòng vệ tưởng tượng
- Trường hợp lầm trưởng có sự tấn công của người khác nên có hành vi gây thiệt hại cho họ.
- Trường hợp có sự tấn công của người khác nhưng người gây thiệt hại cho người khác không phải là đã có sự tấn công.
Trách nhiệm hình sự của phòng vệ tưởng tượng
Người phòng vệ tưởng tượng phải chịu trách nhiệm hình sự trong mọi trường hợp.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời