Quy định mới về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Hình sự 2015
Xem thêm bài viết về “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình”
Tóm tắt:
Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Nhà nước ta đã quy định về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; trong đó có nhiều quy định mới thể hiện quan điểm, chính sách hình sự của Nhà nước ta phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm hại chế độ hôn nhân và gia đình. Bài viết này phân tích, nêu rõ các quy định mới cùng biện pháp xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
Dẫn nhập
Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (gọi là BLHS năm 2015) của Nhà nước ta được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. BLHS năm 2015 đã được thiết kế với nhiều quy định mới so với BLHS năm 1999 cả về hình thức và nội dung; trong đó có các quy định về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ). Việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định mới này là rất cần thiết trong quá trình thực hiện, áp dụng BLHS; đặc biệt trong thời gian hiện nay khi chúng ta còn thiếu các văn bản quy định chi tiết thi hành hoặc hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bởi nhiều lý do khác nhau đã dẫn đến còn có nhiều quan điểm, nhận thức trái chiều trong quá trình thực thi, áp dụng các quy định của BLHS về các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ.
1. Tính giai cấp, quan điểm xử lý về hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Xét về cơ sở lý luận, từ xưa đến nay, trong xã hội có giai cấp, có nhà nước và pháp luật; Nhà nước luôn quy định bằng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội; bảo vệ các quan hệ xã hội khỏi sự xâm hại của tội phạm nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của giai cấp cầm quyền, của gia đình và xã hội. Theo thời gian, ở các chế độ xã hội khác nhau, hoặc ở những giai đoạn phát triển của xã hội, Nhà nước luôn thể hiện thái độ, quan điểm khác nhau khi quy định trong pháp luật hình sự về tội phạm và hình phạt đối với hành vi xâm hại các quan hệ xã hội trong lĩnh vực HN&GĐ. Bởi lẽ, gia đình luôn được coi là hạt nhân, là tế bào của xã hội, là điều kiện tiên quyết cho sự tồn vong và phát triển hưng thịnh của xã hội, của Nhà nước. Các bản Hiến pháp của Nhà nước ta, Luật HN&GĐ năm 1959, 1986, 2000 đều ghi nhận “gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của gia đình đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội; theo đó, gia đình luôn thực hiện các chức năng của mình đối với xã hội: Chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục, chức năng kinh tế… Các Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: Từ thời kỳ xa xưa, trong bước phát triển lịch sử của xã hội loài người, đã có mối quan hệ xã hội đặc biệt, thể hiện ở chỗ “con người ta thay đối hàng ngày cuộc sống của chính mình, bắt đầu sản xuất ra những con người khác, tức tự tái sản xuất; đó là quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, giữa cha mẹ và con cái, đó là gia đình.
Mặt khác, con người vừa là thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội, là sản phấm của xã hội, “trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa của tất cả các quan hệ xã hội ”.Hành vi xâm hại lợi ích của gia đình, của các thành viên gia đình bị coi là tội phạm và người đã thực hiện hành vi xâm hại đó phải chịu chế tài hình sự – hình phạt. Nhà nước quy định bằng pháp luật về chế độ HN&GĐ, điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các thành viên gia đình, của xã hội và nhà nước và cũng bằng pháp luật luôn bảo vệ các quan hệ HN&GĐ khỏi sự xâm hại của tội phạm. “Chế độ HN&GĐ là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước người và những vấn đề khác liên quan đến HN&GĐ ”. Chính vì vậy, bảo vệ lợi ích gia đình, của các thành viên gia đình khỏi sự xâm hại của tội phạm bằng pháp luật hình sự là rất cần thiết, mang tính tất yếu và thể hiện tính giai cấp sâu sắc.
Ở Việt Nam, theo cổ luật Việt Nam – Bộ luật Hồng Đức (Triều Lê) đã dự liệu bảo vệ chế độ HN&GĐ phong kiến thông qua các quy định về mười tội ác (thập ác); trong đó đã quy định về:
– Tội ác nghịch (là đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ, bác, chú, thím, cô, anh chị em, ông bà ngoại, ông bà cha mẹ chồng).
– Tội bất hiếu (là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo, nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ, lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường…).
– Tội bất mục (là giết hay đem bán những người trong họ từ hàng phải để tang 3 tháng trở lên, đánh đập và tố cáo chồng…).
– Tội bất nghĩa (là giết quan bản phủ và các quan đương chức tại nhiệm; giết thầy học; nghe thấy tin chồng chết không tổ chức tang lễ mà lại vui chơi, ăn mặc như thường, cùng là cải giá (lấy chồng khác).
– Tội nội loạn (là gian dâm với người trong họ từ hàng tiểu công trở lên, cùng nàng hầu của ông cha) (Điều 2).
Đồng thời, tùy theo tính chất và mức độ nguy hại của hành vi mà Bộ luật này quy định năm hình phạt (ngũ hình) được áp dụng cho người đã thực hiện hành vi phạm tội (suy, trượng, đồ, lưu, tử – Điều l).
Hệ thống pháp luật hình sự của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay, theo thời gian, đều quy định về tội phạm và hình phạt đối với các hành vi xâm hại các quan hệ HN&GĐ. Tuy nhiên, do tính chất của loại tội phạm này được quy định là đấu tranh nhằm xóa bỏ triệt để những tàn dư, tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu trong lĩnh vực HN&GĐ; nên mức hình phạt được quy định thường không cao so với các loại tội phạm khác. Chính sách xử lý hình sự đối với các loại tội phạm xâm hại chế độ HN&GĐ vừa thể hiện tính răn đe, trừng phạt. Đồng thời, kết hợp với biện pháp giáo dục, thuyết phục nhằm khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội gây ra và sự ổn định các quan hệ HN&GĐ.
Xem thêm bài viết về “Điểm mới của Luật”
- Một số điểm mới về chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Trịnh Duy Thuyên
- Một số điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bị hại, đương sự trong vụ án hình sự – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Ngô Quang Cảnh
- Một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Trương Thị Minh Thùy
- Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 – ThS. Dương Hồng Thị Phi Phi
- Những điểm mới của chương “Chính phủ” trong Hiến pháp 2013 – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
2. Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Đối với BLHS năm 1999 của Nhà nước ta trước đây, các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ được quy định từ Điều 146 đến Điều 152 (Chương XIV – 7 điều), bao gồm:
– Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146).
– Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147).
– Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148).
– Tội Đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149).
– Tội loạn luân (Điều 150).
– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151).
– Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152).
BLHS năm 2015 quy định các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ từ Điều 181 đến Điều 187 (Chương XVII – 7 điều), bao gồm:
– Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181).
– Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182).
– Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183).
– Tội loạn luân (Điều 184).
– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185).
– Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186).
– Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187).
Như vậy, xét về cơ cấu, hình thức, BLHS năm 2015 đã bỏ (phi hình sự hóa) không quy định về “tội tảo hôn”, thu hút “tội đăng ký kết hôn trái pháp luật” vào tội “đăng ký hộ tịch trái pháp luật” (Điều 336); quy định mới (hình sự hóa) về “tội cưỡng ép hoặc cản trở ly hôn”, “tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Đối với các tội khác, tuy giữ nguyên, nhưng việc quy định cụ thể về các hành vi phạm tội, về các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, về cá thể hóa hình phạt cũng đã được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất trong giải thích, nhận thức và áp dụng luật.
Thứ nhất, Điều 181 BLHS năm 2015 đã dự liệu bổ sung “tội cưỡng ép ly hôn, cản trở ly hôn tự nguyện” bên cạnh “tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” là hoàn toàn phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ Việt Nam được quy định trong hệ thống pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay. Nguyên tắc cơ bản này của hệ thống pháp luật HN&GĐ đã được ghi nhận từ trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Quan hệ hôn nhân bao gồm cả kết hôn và ly hôn. Bởi vậy, khi nói thực hiện quyền tự do, tự nguyện hôn nhân của cá nhân phải bảo đảm thực hiện cả quyền tự do, tự nguyện kết hôn và ly hôn; với quan điểm, nhà nước không thể bằng pháp luật bắt buộc nam, nữ phải kết hôn thì cũng không thể bằng pháp luật bắt buộc vợ chồng phải duy trì hôn nhân khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Thực tiễn không chỉ có các hành vi cưỡng ép, cản trở việc kết hôn của nam, nữ; mà còn có các hành vi cưỡng ép, cản trở việc ly hôn của vợ, chồng. Những hành vi này đều xâm hại đến khách thể là quyền tự do, tự nguyện trong quan hệ hôn nhân của nam, nữ, của vợ, chồng được pháp luật hình sự bảo vệ; bảo đảm thực hiện chế độ hôn nhân tự nguyện và tiến bộ trong xã hội ta.
Thứ hai, BLHS năm 2015 (Điều 183) đã không quy định về “tội tảo hôn” như Điều 148 BLHS năm 1999, mà chỉ quy định về “tội tổ chức tảo hôn”. Bởi lẽ, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật HN&GĐ quy định. Theo đó, Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định độ tuổi tối thiểu khi kết hôn đối với nam là từ đủ 20 tuổi (trở lên) và đối với nữ là từ đủ 18 tuổi (trở lên). Nếu một bên hoặc cả hai bên khi kết hôn dưới tuổi luật định thì bị coi là “tảo hôn”, vi phạm pháp luật HN&GĐ về độ tuổi tối thiểu khi kết hôn. Ngoài ra, thuật ngữ “tảo hôn” còn được hiểu là trong thực tiễn đời sống HN&GĐ, nam, nữ lấy nhau (chỉ được hai bên gia đình hoặc tổ chức, đoàn thể xã hội thực hiện lễ cưới theo phong tục, tập quán mà không đăng ký kết hôn theo thủ tục luật định). Do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi này không cao, các vụ việc (hành vi) tảo hôn trong xã hội ta vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng, nhiều địa phương do ảnh hưởng của các hủ tục, tập tục lạc hậu trong HN&GĐ phong kiến trước đây mà cách xử lý đối với hành vi này trong thực tiễn chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục người dân xóa bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu trong HN&GĐ; hoặc có thể xử lý hành chính; không cần thiết phải xử lý về hình sự. BLHS năm 2015 dự liệu xóa bỏ “tội tảo hôn” là phù hợp, đáp ứng được tình hình thực tiễn thi hành Luật HN&GĐ.
Thứ ba, BLHS năm 2015 đã thu hút (nhập) “tội đăng ký kết hôn trái pháp luật” (Điều 149 BLHS năm 1999) vào “tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật” (Điều 336 BLHS năm 2015) là hợp lý. Luật hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) đã quy định về hộ tịch, quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dừ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Theo đó, các việc hộ tịch được đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền bao gồm: Đăng ký khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử… đã bao gồm cả việc đăng ký kết hôn. Trường hợp người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch (trong đó có việc đăng ký kết hôn) trái pháp luật; (có thể) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc thu hút hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật theo Điều 149 BLHS năm 1999 vào “tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật “ (Điều 336 BLHS năm 2015) là phù hợp; tạo sự thống nhất khi pháp điển hóa và thi hành trong thực tiễn các hành vi liên quan đến đăng ký hộ tịch trái pháp luật.
Thứ tư, BLHS năm 2015 đã hình sự hóa đối với hành vi “tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”; đây là quy định mới nhằm đáp ứng với thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Trước đây, Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định theo nguyên tắc “trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học sẽ do Chính phủ quy định” mà chưa ghi nhận vấn đề về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quá trình thực hiện và thi hành Luật HN&GĐ năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học. Tại Nghị định này đã cấm đối với các hành vi Mang thai hộ, “chửa hộ, đẻ thuê”, cấm nhân bản vô tính người, cấm mua bán tinh trùng, noãn, phôi…Tuy nhiên, BLHS năm 1999 lại chưa có dự liệu gì về vấn đề này.
Xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội trong lĩnh vực HN&GĐ, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng bị vô sinh ở nước ta là rất cao (10%). Vì vậy, để đáp ứng với thực tiễn và nguyện vọng của các cặp vợ chồng bị vô sinh là mong muốn có con đẻ là con chung mang huyết thống của vợ chồng; Luật HN&GĐ năm 2014 của Nhà nước ta đã ghi nhận và bảo hộ vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quy định này thể hiện tính nhân văn cao cả của xã hội, của Nhà nước ta11 12 đối với một hiện tượng xã hội trong quan hệ HN&GĐ. Theo đó, “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản,bằng việc lấy noãn của vợ và tinh trùng của chồng để thụ tỉnh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định cụ thể về các điều kiện để việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực (văn bản thỏa thuận về mang thai hộ; điều kiện đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ; điều kiện đối với người nhận mang thai hộ; quyền, nghĩa vụ của các bên; hệ quả pháp lý của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo…). Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại; theo đó, “mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác’’.Hành vi này đã bị cấm theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014: Cấm “thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới thai nhi, sinh sản vô tính”. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về HN&GĐ phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
BLHS năm 2015 đã hình sự hóa hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187) là phù hợp.
Thứ năm, bên cạnh các quy định cụ thể hóa một số tình tiết định tội trong các điều 181, 185,… thì đối với “tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 182 BLHS năm 2015), nhà làm luật đã cụ thể hóa về hậu quả của hành vi phạm tội gây ra là tình tiết tăng nặng định khung, như: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn (Điểm a, Khoản 1, Điều 182); Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát (Điểm a, Khoản 2, Điều 182).
Thứ sáu, đối với “tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 185 BLHS năm 2015), nhà làm luật đã cụ thể hóa nguyên tắc bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế là trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật, người già yếu và người mắc bệnh hiểm nghèo. Đối với người đã thực hiện các hành viphạm tội xâm hại tới nhóm người này đã được quy định là tình tiết tăng nặng định khung. Theo đó, Khoản 2, Điều 185 BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a/Đối với người dưới 16 tuổi; phụ nữ biết rõ là có thai, người già yếu; b/Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt hoặc người mắc bệnh hiếm nghèo”.
Việc cụ thể hóa các tình tiết tăng nặng định khung đã bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta ghi nhận; bảo đảm được nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự (như các quy định đã gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân…) và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra (như làm cho vợ, chồng hoặc con của nạn nhân tự sát…) đã bảo đảm sự thống nhất trong thực tiễn thi hành và áp dụng các quy định này.
3. Một số ý kiến trao đổi
Qua nghiên cứu các quy định mới về các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ theo BLHS năm 2015, tác giả bài viết xin có một vài ý kiến trao đổi sau:
Thứ nhất, cần sửa tên của Điều 181 BLHS năm 2015 cho gọn và rõ nghĩa thành: “Tội cưỡng ép hoặc cản trở kết hôn, ly hôn”. Hiện nay, tên của Điều 181 là “tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện”. Với việc đặt tên Điều luật này như vậy là “không thoát ý” và “rườm rà”.
Thứ hai, nên sửa tên của Điều 182 BLHS năm 2015 từ “tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” thành: “Tội vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng”. Từ trước đến nay, trong pháp luật HN&GĐ đều ghi nhận nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ. Theo đó, Luật HN&GĐ quy định “cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”.
Đối với hành vi “nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng” thì cần phân biệt và làm rõ trường hợp nào thì hành vi đó bị coi là vi phạm pháp luật, bị xử lý theo quy định của pháp luật HN&GĐ, pháp luật hành chính, pháp luật hình sự; trường hợp nào thì không bị coi là vi phạm pháp luật, không thể áp dụng các loại chế tài để xử lý. về thuật ngữ, Khoản 7 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 đã giải thích: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Cần lưu ý phân biệt các trường hợp sau:
– Hai bên nam, nữ đã đủ tuổi kết hôn, tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng, không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn thì “không sao cả” (không vi phạm pháp luật).
– Hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng một hoặc hai bên vi phạm điều kiện kết hôn, vi phạm một trong các trường hợp cấm kết hôn (tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, những người có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, có quan hệ thích thuộc về trực hệ (giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể),… là vi phạm pháp luật.
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác là vi phạm pháp luật.
– Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, về nguyên tắc (thông thường) là hành vi vi phạm pháp luật; kể cả hành vi của người song tính (phù hợp với cả hai xu hướng tính dục – một người đang có vợ, có chồng, sinh con bình thường nhưng vẫn cặp đôi, chung sống như vợ chồng với một người cùng giới tính khác không phải là chồng, vợ mình).
– Đối với hiệu lực của quan hệ hôn nhân, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật về HN&GĐ của Nhà nước ta vẫn thừa nhận có hai loại (hình thức) hôn nhân:
i/Trường hợp vợ chồng đã đăng ký kết hôn theo thủ tục luật định: Nếu thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác đều bị coi là trái pháp luật.
ii/Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng (Đối với các cặp chung sống như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 – ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực; đã đủ tuổi kết hôn, không vi phạm một trong các trường hợp cấm kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng15). Trường hợp này trong thực tế cần phân biệt:
+ Được công nhận là vợ chồng (dù chưa đăng ký kết hôn) mà lại kết hôn với người khác (có đăng ký kết hôn) là trái pháp luật.
+ Được công nhận là vợ chồng (dù chưa đăng ký kết hôn) mà lại thực hiện hành vi chung sống như vợ chồng với người khác là trái pháp luật.
Thứ ba, đối với tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thưong mại (Điều 187 BLHS năm 2015): Lần đầu tiên được hình sự hóa trong pháp luật hình sự của Nhà nước ta, cũng cần làm rõ như thế nào là hành vi “tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” bị coi là phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Đồng thời, cũng cần phải dự liệu cụ thể đối với các trường hợp “chửa hộ, để thuê” nhằm thu lợi về tiền hoặc tài sản (hành vi thương mại) có bị coi là phạm tội? Hành vi vi phạm quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như nhờ người mang thai hộ không phải là chị, em cùng hàng với bên vợ, bên chồng mà không nhằm mục đích thu lợi về tiền hoặc tài sản thì không coi là hành vi phạm tội…/.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Dấu hiệu pháp lý Tội chứa mại dâm theo Bộ luật Hình sự 2015 – LS. Nguyễn Lan Anh
- Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Mai Thị Thủy
- Một số đề xuất hoàn thiện quy định về các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự 2015 – TS. Phan Anh Tuấn
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án theo Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
Tác giả: Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS. Trưởng Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội;
Fanpage Luật sư Online: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời