Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được quy định muộn hơn so với các hình phạt khác.
Cho đến khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời, hình phạt CTKGG được quy định tại một điều luật riêng rẽ (Điều 24) với tính cách là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt nước ta.
Đến nay, Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định trong phần chung Bộ luật hình sự năm 2015 tại các điều: 32, 36, 55, 63 và điều 100.
Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 với tính cách là một hình phạt chính. Với tính cách là hình phạt chính, hình phạt cải tạo không giam giữ được tuyên một cách độc lập, với mỗi tội phạm Tòa án chỉ tuyên một hình phạt chính và có thể kèm theo một hoặc nhiều hình phạt bổ sung.
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ là gì?
Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Trong các hình phạt, thì hình thức hình phạt này nhẹ hơn hình phạt tù, nhưng nặng hơn hình phạt tiền và cảnh cáo.
Xem thêm bài viết về “Hình phạt”
- Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Mai Thị Thủy
- Nguyên tắc và căn cứ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo tinh thần của các Công ước quốc tế về quyền con người – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Hình phạt là gì? Đặc điểm, mục đích và hệ thống các hình phạt? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
2. Phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ
Trích Điều 36 Bộ luật hình sự 2015 quy định về phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ:
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội…
Như vậy, để được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án phải đáp ứng được các điều kiện sau:
2.1. Tội phạm thuộc tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng
Tội phạm mà người đó thực hiện là thuộc vào tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với những tội ấy là đến ba năm tù hoặc đến bảy năm tù.
Như vậy, về mặt câu chữ nội dung, mặc dù hình phạt CTKGG theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành được áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng và nghiệm trọng, nhưng về mặt thực tế áp dụng pháp luật theo Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng với người phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là bảy năm tù.
2.2. Xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội
Hiện nay chưa có khái niệm rõ ràng về vấn đề như thế nào là không cần thiết và cũng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện này nhưng về mặt thực tiễn áp dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày thì có thể hiểu rằng việc không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội có nghĩa là việc Tòa án (mà cụ thể ở đây là Hội đồng xét xử) không cách ly người phạm tội khỏi xã hội cũng có căn cứ để giáo dục, cải tạo cảm hóa người phạm tội trở thành người có ích, và đồng thời cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm đó trên địa bàn nhất định.
2.3. Phải có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên
Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định điều kiện người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng hình phạt này các Tòa án vẫn xem xét các tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội, điều này có nghĩa là muốn áp dụng hình phạt CTKGG thì người đó phải có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.
Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung thêm hai tình tiết mới, chưa được hướng dẫn ở các văn bản pháp luật khác là “phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” và “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”. Còn tình tiết được bổ sung là “người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng” đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ – HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999. Thậm chí, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể tự mình xem xét, cân nhắc coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và ghi rõ lý do trong bản án (nhằm tránh sự tùy tiện, tiêu cực trong hoạt động xét xử).
2.4. Áp dụng đối với tội phạm có hình phạt là cải tạo không giam giữ hoặc được HĐXX áp dụng Điều 47
Đối với những loại tội mà bị cáo thực hiện có khung hình phạt quy định hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 47 quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với các tội mà trong điều luật không quy định hình phạt này.
Trong Bộ luật hình sự nước ta, hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định ở nhiều điều luật với tính cách là hình phạt tùy nghi cùng với các hình phạt khác như phạt tiền, tù có thời hạn.
Ngoài ra, Điều 70 BLHS 2015 quy định về thời gian thử thách của người bị kết án, theo đó, người bị kết án đương nhiên là được xóa án tích nếu người đó không phạm tội mới trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó cải tạo tốt và không phạm tội mới.
Tương tự, Điều 100 BLHS 2015 quy định về việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, hình phạt cải tạo không giam giữ, bên cạnh các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, là một trong các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tại điều này cũng quy định khi áp dụng hình phạt CTKGG đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Xem thêm bài viết về “Cải tạo không giam giữ”
- Góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án hình sự 2010 về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
3. Ý nghĩa của việc xác định nội dung của hình phạt
Quy định của Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ còn thiếu định nghĩa pháp lý của loại hình phạt này. Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định các điều kiện áp dụng hình phạt CTKGG chứ không hề có sự xác định nội dung hình phạt CTKGG là gì. Và việc xác định nội dung của hình phạt thông qua quy định của pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nó làm cho mọi người thấy được các dấu hiệu bắt buộc của hình phạt, cụ thể:
3.1. Đối với chủ thể áp dụng pháp luật (Tòa án)
Các nội dung pháp lý của hình phạt cho phép các Thẩm phán khi áp dụng hiểu được khả năng răn đe, giáo dục, cảm hóa của hình phạt, hiệu lực và hiệu quả của nó.
3.2. Đối với người bị kết án
Họ có thể thấy được họ phải chịu những hạn chế gì, phải làm những gì khi chấp hành hình phạt. Đây chính là tác động của hình phạt ngay từ đầu vào ý thức của người bị kết án.
3.3. Đối với cơ quan thi hành án
Việc xác định những nội dung của hình phạt chắc chắn là có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức thi hành các biện pháp thực tiễn sao cho phù hợp với những đòi hỏi của hình phạt. Đó cũng chính là tiêu chí để kiểm tra, đánh giá mức độ cải tạo của người bị kết án.
3.4. Đối với mọi công dân
Việc pháp luật xác định rõ trong một điều luật các nội dung chính thức của hình phạt sẽ giúp họ hiểu được nội dung trừng trị của hình phạt góp phần nâng cao ý thức pháp luật của công dân và có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung rất lớn.
4. Hình phạt cải tạo không giam giữ trong quy định tại phần các tội phạm của Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự năm 2015 giành nhiều điều luật quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ được liệt kê chi tiết tại các bảng sau:
Trong Bộ luật hình sự năm 2015 có 189/316 điều luật với 201 cấu thành tội phạm có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ.
Bảng 2.1. Tổng hợp các quy định về cải tạo không giam giữ tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự
Chương |
Nhóm tội cụ thể | Tổng số tội phạm quy định trong chương | Tổng số tội có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ |
XIII | Các tội xâm phạm an ninh quốc gia | 14 | 0 |
XIV | Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người | 34 | 16 |
XV | Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân | 11 | 11 |
XVI | Các tội xâm phạm sở hữu | 13 | 9 |
XVII | Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình | 7 | 6 |
XVIII | Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế | 50 | 32 |
XIX | Các tội phạm về môi trường | 12 | 9 |
XX | Các tội phạm về ma túy | 13 | 0 |
XXI | Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng | 70 | 48 |
XXII | Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính | 22 | 15 |
XXIII | Các tội phạm về chức vụ | 14 | 5 |
XXIV | Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp | 25 | 17 |
XXV | Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân | 26 | 21 |
XXVI | Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh | 5 |
0 |
(Nguồn: Tổng hợp từ Bộ luật hình sự năm 2015)
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh theo Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định mới về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ
- Dấu hiệu pháp lý Tội chứa mại dâm theo Bộ luật Hình sự 2015 – LS. Nguyễn Lan Anh
- Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Mai Thị Thủy
Trả lời