Mục lục
Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
Xem thêm bài viết về “Hình phạt“, “Hình phạt chính”
- Hình phạt là gì? Đặc điểm, mục đích và hệ thống các hình phạt? – ThS.LS. Phạm Quang Thanh
- Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về các hình phạt chính không tước tự do – TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
TÓM TẮT
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc Hội khóa XIII thông qua vào ngày 27/11/2015, hiện nay đang chờ Quốc Hội khóa XIV rà soát các sai sót để ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung cho BLHS năm 2015, đồng thời sẽ xác định lại thời điểm có hiệu lực. Do vậy, nghiên cứu các điểm mới, đánh giá về mặt lý luận và kỹ thuật lập pháp các quy định của BLHS năm 2015 là điều cần thiết cho khoa học pháp lý hình sự trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các hình phạt chính không tước tự do là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình xây dựng BLHS năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu thực tiễn. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu các điểm mới của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do quy định cho người phạm tội gồm hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất. Qua đó tác giả đánh giá những thành công, hạn chế của các quy định BLHS năm 2015 về các hình phạt này và kiến nghị hoàn thiện các quy định của BLHS năm 2015.
1. Điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
1.1. Các điểm mới về các hình phạt chính không tước tự do được quy định tại Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015
BLHS năm 2015 kế thừa phần lớn các quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các hình phạt chính không tước tự do, đồng thời có một số sửa đổi, bổ sung nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và khắc phục một số hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). BLHS năm 2015 tiếp tục quy định bốn hình phạt chính không tước tự do áp dụng cho người phạm tội trong hệ thống hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất. Tuy nhiên, các quy định trong Phần chung BLHS năm 2015 liên quan đến hình phạt cảnh cáo và trục xuất không có nhiều sự thay đổi, các điểm mới chủ yếu tập trung ở hình phạt phạt tiền và cải tạo không giam giữ.
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt phạt tiền và cải tạo không giam giữ
Điều 35 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.
BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hình phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính cho người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác. Trong khi đó, BLHS năm 2015 quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính cho người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và thậm chí là rất nghiêm trọng. Đối với trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng việc quy định và áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính không bị giới hạn về nhóm tội phạm. Đối với trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng thì bị giới hạn về nhóm tội phạm tương tự như quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, quy định “và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”ở điểm b khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 được hiểu rằng phạm vi áp dụng hình phạt tiền không bị giới hạn một cách rõ ràng về nhóm tội phạm.
Cùng với hình phạt tiền, BLHS năm 2015 quy định mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Khoản 1 Điều 100 BLHS năm 2015 quy định: “hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý”. BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ giới hạn phạm vi áp dụng của hình phạt cải tạo không giam giữ cho người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng nói chung, BLHS năm 2015 quy định phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cho ba nhóm chủ thể tội phạm khác nhau. Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội thì chỉ trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng (Điều 36 BLHS năm 2015); đối với người phạm tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mở rộng thêm cho trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; và người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi mở rộng thêm trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý. Phạm vi áp dụng của hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và BLHS năm 2015 đều không bị giới hạn bởi nhóm tội phạm. Việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 100 BLHS năm 2015 là sự cụ thể hóa nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khoản 1 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”. Xét về điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015 đã sửa đổi thuật ngữ người phạm tội đang “có nơi thường trú rõ ràng”ở BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bằng thuật ngữ “có nơi cư trú rõ ràng”. Sửa đổi này đã khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), bảo đảm điều kiện áp dụng của hình phạt cải tạo không giam giữ rõ ràng và có tính khả thi hơn.
b.Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung đối tượng được miễn hậu quả khấu trừ thu nhập của hình phạt tạo không giam giữ
Khoản 3 Điều 36 BLHS năm 2015 đã có điểm tiến bộ khi bổ sung quy định: “không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự”.Đây là quy định thể hiện tính hợp lý và phù hợp với thực tiễn vì các đối tượng này ít khả năng có thu nhập trong quá trình chấp hành hình phạt.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian chấp hành hình phạt
Khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định:“Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong 1 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.
Tính nghiêm khắc của hình phạt cải tạo không giam giữ thể hiện ở việc hạn chế tự do và tước bỏ tài sản thông qua khấu trừ thu nhập của người bị kết án, trong đó tính cưỡng chế của việc hạn chế tự do thường không rõ ràng. Nếu trường hợp người phạm tội không bị khấu trừ thu nhập do không có việc làm hoặc bị mất việc sẽ làm giảm tính nghiêm khắc của hình phạt. Do vậy, quy định về nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, tăng cường hiệu quả của hình phạt qua đó góp phần giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 cũng thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự khi quy định việc loại trừ áp dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
d.Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp phạm nhiều tội đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Khoản 1 Điều 103 BLHS năm 2015 quy định: “nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3 năm”. Sự khoan hồng của nhà nước đã thể hiện ở Điều 100 BLHS năm 2015 khi thời hạn hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm một tội tối đa chỉ là 1 năm 6 tháng và nếu trong trường hợp cộng hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ bị khống chế mức tối đa là 3 năm. Quy định này cho thấy sự tiến bộ của BLHS năm 2015 khi thể hiện tính nghiêm khắc trong tổng hợp hình phạt nhằm bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự.
e.Bộ luật Hình sựnăm 2015 hoàn thiện một số quy định về các biện pháp miễn, giảm chấp hành hình phạt, xóa án tích liên quan đến các hình phạt chính không tước tự do.
BLHS năm 2015 quy định các biện pháp miễn, giảm chấp hành hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ tại Điều 60, 62, 63, 105 BLHS năm 2015. So với quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), BLHS năm 2015 có các điểm mới sau:
– BLHS năm 2015 bổ sung thêm trường hợp miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ do“chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”theo điểm c khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015. Việc mở rộng thêm các biện pháp miễn, giảm chấp hành hình phạt là sự cụ thể hóa nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam.
– BLHS năm 2015 khắc phục hạn chế về kỹ thuật lập pháp của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi quy định biện pháp miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại về cùng một điều luật với các hình phạt khác tại khoản 5 Điều 62 BLHS năm 2015.
– Quy định của BLHS năm 2015 kế thừa các quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về thời hạn xóa án tích và cách tính thời hạn xóa án tích cho người bị kết án phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Điểm mới quan trọng về án tích của BLHS năm 2015 là quy định về các trường hợp không có án tích. Khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 quy định trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích khi thỏa điều kiện: “người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục III chương này”.Việc không quy định án tích cho các đối tượng trên đã thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự, tạo điều kiện cho họ có thể hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong bản án.
1.2. Những điểm mới về các hình phạt chính không tước tự do được quy định tại Phần Các tội phạm của Bộ luât Hình sự năm 2015
BLHS năm 2015 kế thừa các thành công của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi quy định các hình phạt không tước tự do trong Phần Các tội phạm, đồng thời có những điểm mới tích cực sau:
Thứ nhất,quy định của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do trong Phần Các tội phạm đã phản ánh đúng tinh thần cải cách tư pháp là “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.[1]
Đây là điểm mới quan trọng và thành công của BLHS năm 2015, thể hiện ở các nội dung:
– Gia tăng số lượng các điều luật có quy định hình phạt chính không tước tự do. BLHS năm 2015 có 12/14 chương trong Phần Các tội phạm có quy định các hình phạt chính không tước tự do. Tuy số chương có quy định hình phạt chính không tước tự do trong BLHS năm 2015 không có sự gia tăng so với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhưng số lượng điều luật có quy định hình phạt chính không tước tự do có sự gia tăng đáng kể. BLHS năm 2015 có tổng cộng 314 điều luật quy định các tội phạm cụ thể, trong đó có 211 điều luật có quy định các hình phạt chính không tước tự do, chiếm tỷ lệ 67,2% so với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là 168/273 (tỷ lệ 61,53%).
– Số lượng khung hình phạt có quy định các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ cũng có sự gia tăng so với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). BLHS năm 2015 có 279/917 khung hình phạt có quy định hình phạt chính không tước tự do chiếm tỷ lệ 30,43%, so với BLHS năm 1999 là 178/697 khung hình phạt (tỷ lệ 25,54%).
– Số lượng các khung hình phạt chỉ quy định các hình phạt chính không tước tự do đã có sự gia tăng đáng kể. BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hình phạt chính không tước tự do thường đi kèm với hình phạt tù có thời hạn. Chỉ có 6 khung hình phạt ở BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không quy định hình phạt tù. Điều này đã làm hạn chế khả năng áp dụng hình phạt chính không tước tự do trên thực tế, vì Tòa án luôn phải cân nhắc giữa hình phạt tù và hình phạt chính không tước tự do. BLHS năm 2015 đã phần nào khắc phục hạn chế này khi có 28 khung hình phạt không quy định hình phạt tù. Đây là quy định mang tính chất đột phá khi nhà làm luật đã mạnh dạn bỏ quy định hình phạt tù trong chế tài đối với một số tội phạm có tính nguy hiểm hạn chế. Trong BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hầu hết các hình phạt chính không tước tự do được quy định trong các chế tài lựa chọn với các hình phạt tước tự do, nên đã tạo điều kiện cho người áp dụng pháp luật lựa chọn hình phạt tước tự do khi họ có tâm lý nghi ngờ tính nghiêm khắc và tính hiệu quả của hình phạt chính không tước tự do.[2]Tuy nhiên, 28/917 (tỷ lệ 3,05%) khung hình phạt không quy định hình phạt tù vẫn là một con số khiêm tốn, nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục thu hẹp việc quy định hình phạt tù trong các chế tài và tăng cường quy định các hình phạt chính không tước tự do.
Thứ hai,BLHS năm 2015 đảm bảo tính thống nhất giữa Phần chung và Phần Các tội phạm trong quy định về các hình phạt chính không tước tự do. Các quy định của Phần chung BLHS năm 2015 về phạm vi, điều kiện áp dụng các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đã được tuân thủ ở Phần các tội phạm. BLHS năm 2015 đã khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về vấn đề này. Sự thống nhất giữa quy định của Phần chung và Phần Các tội phạm là yêu cầu của nguyên tắc thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quy định và áp dụng pháp luật hình sự.
Thứ ba,quy định các hình phạt chính không tước tự do trong từng nhóm tội phạm cụ thể có sự gia tăng so với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và thể hiện sự hợp lý. BLHS năm 2015 có 279 khung hình phạt có quy định các hình phạt chính không tước tự do. Trong đó, hình phạt cảnh cáo được quy định trong 25 khung hình phạt, phạt tiền được quy định trong 180 khung hình phạt và cải tạo không giam giữ được quy định trong 193 khung hình phạt. So với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), số lượng khung hình phạt quy định hình phạt cảnh cáo giảm từ 31 xuống còn 25 khung hình phạt. Số lượng khung hình phạt quy định hình phạt tiền tăng đột biến từ 82 khung tăng lên 180 khung hình phạt. Cải tạo không giam giữ tăng từ 161 lên 193 khung hình phạt. BLHS năm 2015 giảm dần sự quy định đối với hình phạt cảnh cáo, nhấn mạnh vai trò của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ là chính sách hình phạt hợp lý, phù hợp với các yêu cầu cải cách tư pháp và thực tiễn.
2. Các hạn chế, vướng mắc trong quy định của Bộ luât Hình sựnăm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
Các điểm mới của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do đã khắc phục được một số hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và có những điểm tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, một số quy định của BLHS năm 2015 cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Thứ nhất, phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được quy định quá rộng, chưa đảm bảo cơ sở lý luận và yêu cầu thực tiễn.
BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và không bị giới hạn một cách rõ ràng về nhóm tội phạm. Điều này cần được xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng về lý luận, cụ thể là tính tương xứng giữa tính nguy hiểm của tội phạm với tính nghiêm khắc của hình phạt và tính công bằng.
Hình phạt tiền là hình phạt nhẹ hơn hình phạt cải tạo không giam giữ trong thang bậc nghiêm khắc của hình phạt nhưng lại có phạm vi áp dụng rộng hơn hình phạt cải tạo không giam giữ. Hình phạt cải tạo không giam giữ được đánh giá nghiêm khắc hơn hình phạt tiền vì hạn chế quyền tự do và tước quyền về tài sản đối với người bị kết án thể hiện ở nội dung khấu trừ thu nhập của người bị kết án. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Trong khi đó, hình phạt tiền được đánh giá ít nghiêm khắc hơn lại được áp dụng cho cả trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Xét về sự tương xứng giữa tính nguy hiểm của tội phạm và tính nghiêm khắc của hình phạt cũng như nguyên tắc công bằng thì quy định này không hợp lý.
Việc cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 vào quy định tại Phần Các tội phạm còn nhiều hạn chế. Các hình phạt chính không tước tự do chủ yếu được quy định cho loại tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Phần Các tội phạm BLHS năm 2015 chỉ có 5 khung hình phạt[3]quy định hình phạt tiền là hình phạt chính thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, trong đó bốn khung hình phạt ở Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và một trường hợp ở Chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Thực tế quy định này phản ánh hai góc độ, đó là quy định của Phần Các tội phạm chưa cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 hoặc quy định tại khoản 1 Điều 35 không phù hợp khi quy định chế tài cho từng tội phạm cụ thể. Theo quan điểm của chúng tôi, quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 bộc lộ sự hạn chế, vì hình phạt tiền không phù hợp với tính nguy hiểm của loại tội rất nghiêm trọng.
Thứ hai, BLHS năm 2015 chưa khắc phục các hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
– Đối với hình phạt tiền, tương tự như BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 vẫn quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền là 1 triệu đồng. Quy định này không phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, không đảm bảo tính nghiêm khắc của hình phạt. Điều 35 BLHS năm 2015 quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền là 1 triệu đồng nhưng điều này không được quy định trong Phần Các tội phạm. Mức tối thiểu của hình phạt tiền quy định chế tài của các quy phạm pháp luật hình sự trong Phần Các tội phạm là 5 triệu đồng. Do vậy, cần nghiên cứu đánh giá về mức tối thiểu của hình phạt tiền. Bên cạnh đó, mức tối đa của hình phạt tiền được quy định theo mức tiền cụ thể trong từng chế tài. BLHS năm 2015 đã không sử dụng cách thức quy định mức tối đa của hình phạt tiền trong chế tài bằng bội số của số tiền vi phạm nên dễ dẫn đến tình trạng lạc hậu của quy phạm.
– Một số quy định về điều kiện áp dụng của hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ mang tính chất định tính, chưa khắc phục các hạn chế của BLHS năm 1999 BLHS năm 2015. Cụ thể là , quy định“chưa đến mức được miễn hình phạt”(Điều 34 BLHS năm 2015), quy định “xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”(khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015) là những quy định mang tính tùy nghi và không có chuẩn mực cụ thể trong việc áp dụng.
– BLHS năm 2015 chưa quy định trường hợp giảm mức tiền phạt, hoãn chấp hành hình phạt tiền, hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Đây là hạn chế từ BLHS năm 1999 BLHS năm 2015 mà BLHS năm 2015 chưa khắc phục nên cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo tính công bằng, hợp lý trong quy định của pháp luật hình sự.
Thứ ba, quy định các hình phạt chính không tước tự do trong các nhóm tội phạm cụ thể cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện nhằm đảm bảo tính khoa học và hợp lý.
Các hình phạt chính không tước tự do chủ yếu tập trung ở một số nhóm tội phạm nhất định như các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong một số nhóm tội phạm chỉ quy định hình phạt chính không tước tự do trong một vài khung hình phạt. Việc quy định các hình phạt chính không tước tự do trong các tội phạm cụ thể còn mang tính chủ quan, chưa dựa trên một cơ sở khoa học cụ thể. Trong một số khung hình phạt, quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ trong chế tài chưa đảm bảo sự phân hóa.
Trong Phần Các tội phạm của BLHS năm 2015, một số khung hình phạt quy định mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ là 1 năm, nghĩa là biên độ dao động của mức tối thiểu và tối đa chỉ 6 tháng. Các trường hợp này chưa thể hiện được sự phân hóa trách nhiệm hình sự, gây khó khăn cho hoạt động quyết định hình phạt đặc biệt là quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc quyết định hình phạt cho người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ tư, BLHS năm 2015 tồn tại một số lỗi về kỹ thuật lập pháp. Cụ thể, BLHS năm 2015 quy định các biện pháp miễn, giảm chấp hành hình phạt cho người dưới 18 tuổi phạm tội chưa thực sự hợp lý.
Cụ thể, tên Điều 105 BLHS năm 2015 là “Giảm mức hình phạt đã tuyên”mà quy định cả trường hợp miễn chấp hành hình phạt là không đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ trong lập pháp.[4]
Thứ năm, cần có văn bản hướng dẫn áp dụng cho một số quy định của BLHS năm 2015 liên quan đến hình phạt chính không tước tự do.
Điều 36 BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian chấp hành hình phạt. Đây là quy định nhằm đảm bảo hiệu quả thi hành đối với hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, cần có văn bản hướng dẫn về cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thực hiện lao động công cộng, tổng số giờ mà người bị kết án phải thực hiện và các công việc lao động công cộng cụ thể. Quy định về trường hợp miễn chấp hành hình phạt tại điểm c khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015 cần được hướng dẫn một cách cụ thể vì các quy định về điều kiện áp dụng còn mang tính chất định tính như “có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
Những điểm mới của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do chủ yếu tập trung ở hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ. Các quy định về hình phạt cảnh cáo và trục xuất không có nhiều sự thay đổi so với quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Do vậy, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.
(i) Thứ nhất,sửa đổi, bổ sung các quy định về hình phạt tiền tại Điều 35 BLHS năm 2015 như sau:
– Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính theo hướng chỉ áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng trong một số nhóm tội phạm. Hình phạt tiền đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hình phạt nhưng do tính chất đặc thù chỉ tước bỏ về tài sản nên chỉ phù hợp với tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm nhất định và những nhóm tội phạm nhất định. Nếu phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được mở rộng quá mức sẽ làm gia tăng các hạn chế của hình phạt tiền như tính chất bất bình đẳng xã hội, thiếu cơ chế bảo đảm thi hành, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm vì tâm lý nộp tiền phạt là có thể phạm tội.[5]
– Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 theo hướng tăng mức tiền phạt tối thiểu của hình phạt tiền là hình phạt chính. Việc tăng mức tối thiểu của hình phạt tiền là hình phạt chính sẽ đảm bảo cơ sở lý luận và tình hình thực tế của Việt Nam. Về lý luận, hình phạt tiền phải mang tính chất nghiêm khắc hơn biện pháp xử phạt hành chính và phải thể hiện trước hết ở mức tiền phạt, nhưng mức 1 triệu đồng thấp hơn rất nhiều so với mức tiền phạt tối đa trong từng lĩnh vực được quy định trong Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Bên cạnh đó, mức tối thiểu 1 triệu đồng của hình phạt tiền được quy định từ năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và đến nay đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam. Khi quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền, nhà làm luật có thể lựa chọn quy định riêng mức tối thiểu cho hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quan điểm của tác giả, trước mắt, khi ban hành Luật Sửa đổi bổ sung BLHS năm 2015 có thể quy định mức tối thiểu là 5 triệu đồng cho phù hợp với mức tối thiểu được quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật hình sự của các tội phạm cụ thể. Tuy nhiên, trong tương lai, trên cơ sở của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cần phải tiếp tục nghiên cứu về mức tối thiểu, mức tối đa của hình phạt tiền nhằm đảo bảo hiệu quả của hình phạt.
– Bổ sung quy định cho phép Tòa án quyết định cách thức chấp hành hình phạt tiền có thể là một lần hoặc nhiều lần theo như quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Hiện nay, cách thức thi hành hình phạt tiền chưa được quy định trong Luật Thi hành án hình sự năm 2010, nghĩa là quá trình thi hành hình phạt tiền sẽ do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Do vậy, cần thiết phải quy định về cách thức thi hành hình phạt tiền trong quy định của BLHS.
– Về kỹ thuật lập pháp, cần thay đổi trật tự của cụm từ “trật tự cộng cộng, an toàn công cộng”thành “an toàn công cộng, trật tự công cộng”cho phù hợp với tên nhóm tội phạm được quy định tại Chương 21 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, sửa đổi cụm từ “tình hình tài sản”thành “tình hình tài chính”sẽ phù hợp hơn về thuật ngữ.
Theo đó, Điều 35 BLHS năm 2015 được sửa đổi như sau:
“Điều 35: Phạt tiền
- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý, môi trường, an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
- Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
- Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài chính của người phạm tội, sự biến động của giá cả,nhưng không được thấp hơn năm triệu đồng.
- Tiền phạt có thể thi hành một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án.
- Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.”
(ii) Thứ hai,sửa đổi quy định của Điều 36 BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ
Cần bổ sung thêm cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục cho người bị kết án cải tạo không giam giữ là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về tổ chức thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó khoản 2 Điều 36 BLHS năm 2015 được sửa đổi như sau: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập, thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó”.
(iii) Thứ ba, sửa đổi tên Điều 105 BLHS năm 2015 theo hướng tên gọi của điều luật phải bao hàm được nội dung của điều luật.
Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định biện pháp miễn chấp hành và giảm chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tiền cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, tên điều luật phải là “Miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên”.
(iv) Thứ tư,tiếp tục hoàn thiện quy định về các hình phạt chính cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ trong chế tài của các quy phạm pháp luật hình sự.
– Cùng với kiến nghị về thu hẹp phạm vi áp dụng của hình phạt tiền, nhà làm luật nên bỏ quy định hình phạt tiền trong chế tài của 5 trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng là khoản 3 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 Điều 190, khoản 3 Điều 196 và khoản 4 Điều 283 BLHS năm 2015.
– Tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định các tội phạm cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định trong phần chế tài theo hướng gia tăng quy định các khung hình phạt chỉ quy định các hình phạt chính không tước tự do, nới rộng biên độ mức tối thiểu và mức tối đa cho hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm đảm bảo tính khả thi khi quyết định hình phạt trong các trường hợp đặc biệt.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện – ThS. Mai Khắc Phúc
- Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
- Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 – TS. Vũ Thị Thúy
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
- Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp 2013 trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
CHÚ THÍCH
* NCS.ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Mục 2.1 Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị.
[2] Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Trách nhiệm hình sự và hình phạt,Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 45.
[3] Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 Điều 190, khoản 3 Điều 196 và khoản 4 Điều 283 BLHS năm 2015.
[4] Điều 105 BLHS năm 2015 gồm có trường hợp miễn chấp hành một phần hình phạt tiền (khoản 3), miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ (khoản 2), giảm mức tiền phạt (khoản 3), giảm mức hình phạt cải tạo không giam giữ (khoản 1).
[5] NSW Sentencing Council, The Effectiveness of Fines as a Sentencing Option: Court-imposed fines and penalty notices (Interim Report), p. 18.
Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Hồng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2016 (102)/2016 – 2016, Trang 27-34
Trả lời