Mục lục
Tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội’’ và phương hướng hoàn thiện quy định của BLHS đáp ứng yêu cầu phòng, chống bỏ lọt tội phạm
TÓM TẮT
“Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” là một tội phạm mới được quy định tại Điều 294 BLHS năm 1999. Đây được coi là một trong những tội không đơn giản trong việc thống nhất nhận thức về mặt lý luận lại vừa khó phát hiện, xử lý trên thực tế, bởi vì hiện còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến hành vi khách quan, vấn đề chủ thể của tội phạm, việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội… Bài viết trao đổi về một số vấn đề còn tồn tại trong quy định của BLHS năm 1999 liên quan đến tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”. Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp để áp dụng luật hình sự có hiệu quả đối với tội phạm này.
Xem thêm:
- Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân – ThS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 29 BLHS năm 2015 từ góc độ tư pháp phục hồi – ThS. Nguyễn Thị Thùy Dung & ThS. Nguyễn Trần Minh Công
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
- Quy định của BLHS 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
TỪ KHÓA: Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, Trách nhiệm hình sự,
Hoạt động tư pháp là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án do Cơ quan điều tra(CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Toà án và Cơ quan thi hành án thực hiện, thông qua hành vi của người tiến hành tố tụng.Việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 liên quan đến nhóm tội phạm này để thông qua đó nâng cao hiệu quả trong áp dụng vào thực tiễn là vấn đề đáng được quan tâm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trao đổi về một số những vấn đề còn tồn tại và hướng khắc phục trong quy định tại Điều 294 của BLHS năm 1999 về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp để áp dụng luật hình sự có hiệu quả đối với tội phạm này trên thực tế.
BLHS năm 1999 quy định:
Điều 294. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội
“1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
Đây là tội phạm mới được quy định trong BLHS năm 1999, tuy nhiên nội dung điều luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời, cụ thể:
1. Về chủ thể của tội phạm
Có thể thấy, không truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) người có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng không khởi tố, không truy tố người mà mình biết rõ là có tội. Ở giai đoạn xét xử, nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có hành vi trên thì tùy từng trường hợp mà bị truy cứu TNHS về tội “Ra bản án trái pháp luật” (Điều 295) hoặc tội “Ra quyết định trái pháp luật” (Điều 296).
Như vậy, chủ thể của tội phạm này bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT; Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS; Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV). Ngoài những người nói trên, đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng còn có thể còn có người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân dội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Như vậy, đối với những tội phạm này thì cả những người có trách nhiệm trong việc phát hiện, bắt giữ tội phạm nhưng đã cố tình bỏ lọt tội phạm (bởi vì nếu không bắt giữ, không khởi tố vụ án thì những người có thẩm quyền sẽ không khởi tố bị can được) cũng có thể được xem là chủ thể của tội phạm.
Tuy nhiên, do điều luật quy định là “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu TNHS …” nên hiện còn tồn tại ý kiến cho rằng chỉ có những chủ thể có quyền đưa ra những quyết định tố tụng liên quan trực tiếp đến việc khởi tố, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, ký cáo trạng… (như Thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, viện trưởng, phó viện trưởng VKS nhân dân) mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Theo cách hiểu này, vấn đề đặt ra là những cán bộ không phải là lãnh đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng (ĐTV,KSV…) có thể được xem là chủ thể của tội phạm này không?
Bởi vì trên thực tế người có thẩm quyền ra các quyết định tố tụng hoặc chỉ đạo các hành vi liên quan đến tội phạm lại không phải là người trực tiếp tiến hành các hoạt động nghiệp vụ. Trong giai đoạn điều tra, thông thường người trực tiếp tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để giải quyết vụ án là các ĐTV, cán bộ của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (cán bộ Hải quan, Kiểm lâm…) hay cán bộ ở các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (cán bộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông…). Tương tự như vậy, nếu vụ án đang ở giai đoạn truy tố thì KSV là người trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi thẩm quyền của mình. Ví dụ: Trong trường hợp lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng ra Quyết định không khởi tố vụ án, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc chỉ đạo kết thúc điều tra, không truy tố hoặc không ra cáo trạng mà để ảnh hưởng trực tiếp đến việc “bỏ lọt” tội phạm, người thực hiện hoạt động nghiệp vụ mà không có thẩm quyền ra quyết định có thể coi là người thực hành trong tội phạm này hay chỉ có thể là người giúp sức nếu thủ trưởng, phó thủ trưởng của họ cũng là đồng phạm?
Nếu giải quyết được vấn đề trên về mặt lý luận, chúng ta sẽ tháo gỡ được vướng mắc trong việc xác định TNHS đối với tội phạm này, cụ thể là hoạt động quyết định hình phạt của vụ án sau này. Theo quan điểm của chúng tôi, nhóm chủ thể (không phải lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng) cũng là những người được pháp luật trao quyền và nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề liên quan đến khởi tố, điều tra, truy tố thông qua các hoạt động cụ thể (nhưĐTV không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung bị can…) nên cũng vẫn bị xem là phạm tội “Không truy cứu TNHS người có tội” theo quy định tại Điều 294 BLHS năm 1999.
Như vậy, để xác định chính xác chủ thể của tội này đòi hỏi phải có sự chỉnh sửa về mặt ngữ nghĩa ngay trong câu từ của điều luật để đảm bảo tính logic pháp lý và chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp.
2. Về hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm (CTTP)
Các hành vi phạm tội “Không truy cứu TNHS người có tội” xuất phát từ việc cố ý áp dụng sai các căn cứ pháp luật về nội dung và trình tự, thủ tục tố tụng để ra các quyết định, thực hiện hoặc không thực hiện hành vi thuộc thẩm quyền để nhằm mục đích không truy cứu TNHS người phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác trong việc xác định hành vi khách quan của tội phạm này khi cho rằng đó là những hành vi liên quan trực tiếp đến việc ra quyết định xác nhận việc một người không phạm tội (quyết định không khởi tố vụ án, quyết định đình chỉ vụ án…). Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng: “Những hành vi này [không truy cứu TNHS người có tội] có thể dưới dạng không hành động, thông qua việc không lập các văn bản quy kết TNHS cho người có tội trong bản kết luận điều tra hoặc trong bản cáo trạng… hoặc dưới dạng hành động thông qua việc lập ra các văn bản loại trừ TNHS cho người có tội ra các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, biết rõ hành vi của người phạm tội không thuộc trường hợp được miễn TNHS nhưng vẫn cố ý miễn TNHS hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng để xử lý bằng các biện pháp khác”[1]. Chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này vì trên thực tế hành vi khách quan của tội phạm này phong phú hơn rất nhiều. Đặc biệt ngoài hình thức thể hiện bằng văn bản, trên thực tế, còn có cả hành vi pháp lý của các chủ thể với mục đích bỏ lọt tội phạm, người phạm tội cũng thỏa mãn mặt khách quan của CTTP, đó có thể là một trong số các hành vi sau:
Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra vụ án; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với người mà mình biết rõ là có tội.
ĐTV không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung bị can và những người tham gia tố tụng khác; không quyết định áp giải bị can; không thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ; không tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nhiệm điều tra; không tiến hành các hoạt động điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng CQĐT.
Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS ra quyết định không khởi tố vụ án, không ra quyết định khởi tố bị can; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; quyết định không phục hồi điều tra; quyết định không phê chuẩn các quyết định của CQĐT; không yêu cầu CQĐT thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không quyết định việc truy tố.
KSV không kiểm sát việc khởi tố, không kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT; không đề ra yêu cầu điều tra; không triệu tập và hỏi cung bị can; không triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; không kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, không tham gia phiên toà; không đọc cáo trạng, quyết định của VKS liên quan đến việc giải quyết vụ án; không hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội.
Các hành vi trên của người tiến hành tố tụng chỉ thỏa mãn tội danh này nếu chúng đều nhằm mục đích để lọt người phạm tội hoặc để lọt tội phạm (mà chủ thể biết rõ là có tội). Về mặt hình thức, các hành vi phạm tội tồn tại ở cả hai dạng: văn bản (ra các quyết định để không truy cứu TNHS) và những hành vi tố tụng nhằm mục đích không truy cứu TNHS người phạm tội. Các trường hợp còn lại (không với mục đích bỏ lọt tội phạm, người phạm tội) chỉ là những vi phạm tố tụng và trách nhiệm được thực hiện theo các quy định pháp luật khác.Quy định như hiện nay của BLHS về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” sẽ gây ra cách hiểu không đầy đủ về hành vi khách quan như trên và hệ quả là tội phạm bị chính thức bỏ lọt.
Một vấn đề khác cần làm rõ là tội “Không truy cứu TNHS người có tội” sẽ hoàn thành vào thời điểm nào? Đây là vấn đề rất quan trọng vì sẽ liên quan đến vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định hình phạt khi xét xử người phạm tội. Nếu chỉ căn cứ vào câu chữ của điều luật thì rất khó để có thể xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Cụ thể, tội phạm được xem là hoàn thành khi (1) người có thẩm quyền chính thức ra quyết định hoặc thực hiện xong các hành vi nhằm bỏ lọt tội phạm và người phạm tội (ra quyết định không khởi tố vụ án, không kết thúc điều tra khi đã hết thời hạn luật định…) và đã tống đạt văn bản đó ra bên ngoài (chuyển sang các cơ quan có thẩm quyền, tống đạt cho người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can…) hay (2) người có thẩm quyền quyết định “miệng” về vấn đề “bỏ lọt tội phạm” và trên thực tế sau đó cũng cố ý giữ nguyên trạng thái quyết định và không có hành động nào nhằm truy cứu người phạm tội? Trong trường hợp thứ (2), ví dụ: Sau cuộc họp, thủ trưởng CQĐT chỉ đạo và cùng các ĐTV thống nhất không truy cứu người biết rõ là có tội nhưng chưa ra văn bản chính thức về việc không khởi tố bị can, hay quyết định đình chỉ điều tra…; nếu truy cứu người có thẩm quyền đó về tội “Không truy cứu TNHS người có tội” thì đã đủ căn cứ chưa và nếu có thì tội phạm đang ở giai đoạn nào?
Theo chúng tôi, đây là tội có cấu thành vật chất, tội phạm hoàn thành khi có hậu quả (việc để lọt tội phạm, người phạm tội) xảy ra, do đó tội phạm chỉ được hoàn thành trong trường hợp (1) nêu trên, tức là đã có văn bản hoặc hành vi pháp lý đầy đủ để người phạm tội không hoặc không tiếp tục bị truy cứu nữa. Bởi lẽ, khi mới quyết định “miệng” và mặc dù sau đó không có hành động gì để truy cứu người mà mình biết rõ là có tội nhưng thời hạn để giải quyết (điều tra, truy tố) vẫn còn hoặc đã ra quyết định nhằm loại trừ TNHS nhưng chưa ban hành ra bên ngoài thì người đó vẫn còn có thể thay đổi quyết định của mình bằng việc truy cứu TNHS đối tượng có tội trong vụ án đang thụ lý. Đồng thời, quyết định đó chỉ thực sự có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của công dân, tổ chức, của Nhà nước,qua đó xâm phạm đầy đủ trật tự hoạt động tư pháp khi được ban hành và tống đạt tới người, cơ quan liên quan.
Trong trường hợp này, nếu chủ thể có thẩm quyền bị phát hiện và bị truy cứu TNHS theo Điều 294 BLHS năm 1999 thì được coi là phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (với lý do khách quan ngoài ý muốn là do bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý qua đó hành vi phạm tội không thực hiện được đến cùng). Cũng tương tự như vậy, trường hợp nếu ĐTV, KSV cố ý có hành vi không truy cứu TNHS người có tội nhưng không được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS chấp thuận thì cũng được coi là phạm tội ở giai đoạn chưa đạt. Bên cạnh đó,hậu quả bỏ lọt tội phạm của việc không truy cứu TNHS người có tội sẽ vẫn có cơ hội được khắc phục nếu vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS. Đây cũng là một lý do để nhà làm luật quy định hình phạt nhẹ hơn so với một số tội phạm khác có liên quan (như tội “Truy cứu TNHS người không có tội” vàtội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”).
3. Về một số vướng mắc liên quan đến vấn đề định tội danh
Trên thực tế còn có một số trường hợp vướng mắc trong việc xác định có phạm tội “Không truy cứu TNHS người có tội”hay không hoặc có sự nhầm lẫn về tội danh giữa tội này và một số tội danh khác như sau:
Trong quá trình giải quyết vụ án ĐTV đã cố tình suy luận phiến diện và đưa ra quyết định, báo cáo, tham mưu lãnh đạo CQĐT theo hướng hành vi của đối tượng biết rõ là có tội vào trường hợp phòng vệ chính đáng, hoặc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết hay do sự kiện bất ngờ nhằm loại trừ việc truy cứu TNHS cho đối tượng phạm tội.
ĐTV cố ý vận dụng pháp luật hình sự để truy cứu TNHS đối tượng theo một tội phạm khác (có thể là tội nặng hay nhẹ hơn tùy theo động cơ cá nhân) chứ không truy cứu TNHS đối với một tội phạm cụ thể mà lẽ ra ĐTV cần phải truy tố nếu áp dụng đúng luật. Hoặc, có trường hợp ĐTV cố ý vận dụng sai pháp luật hình sự để xác định cho đối tượng phạm tội thuộc trường hợp miễn TNHS (như nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm) trong khi đó hành vi đáng lẽ ra phải bị truy cứu nếu vận dụng đúng trên thực tế… Ví dụ: Biết rõ là phạm tội “Giết người” nhưng lại truy cứu TNHS về tội “Cố ý gây thương tích”; hay biết rõ đối tượng phạm tội “Giết người” nhưng lại kết luận hoàn toàn không đúng tính chất của hành vi và áp dụng tình tiết tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với người đó để được miễn TNHS về tội “Giết người”.
Với giả thiết cả hai trường hợp nêu trên chủ thể đều làm đúng trình tự, không có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, chúng tôi cho rằng ĐTV trên vẫn bị xem là phạm tội “Không truy cứu TNHS người có tội”. Bởi vì, suy cho cùng mục đích của người đó cũng nhằm bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, việc cố ý lập luận, áp dụng sai pháp luật hình sự chỉ là thủ đoạn nhằm không truy cứu TNHS người có tội.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng Điều 294 BLHS về tội “Không truy cứu TNHS người có tội”
Cần phải thống nhất về mặt lý luận khái niệm truy cứu TNHS: Có thể hiểu truy cứu TNHS là hoạt động của cơ quan, của người được pháp luật trao quyền thực thi nhằm đặt người bị tình nghi thực hiện tội phạm trước sự phán xét của pháp luật về hành vi và hậu quả do mình gây ra. Thông qua hoạt động truy cứu TNHS, người bị tình nghi sẽ phải đối mặt với việc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Các hoạt động nêu trên sẽ là căn cứ để trả lời có tội phạm xảy ra hay không? Người bị tình nghi có phạm tội hay không? Các vấn đề khác có liên quan được quy định tại Điều 63 BLTTHS? Nếu có tội, người đó phải chịu TNHS theo quy định của BLHS bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Ngược lại, nếu không chứng minh được người tình nghi phạm tội, hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sẽ phải bị dừng lại bằng hình thức ra các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền tùy vào từng giai đoạn giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể khái niệm “Truy cứu TNHS” trong luật cũng giúp cho việc xác định chính xác chủ thể (đặc biệt trong vụ án có đồng phạm) của tội “Không truy cứu TNHS người có tội”. Theo đó, chỉ những người có thẩm quyền trong hoạt động khởi tố, truy tố, xét xử mới có thể là người thực hành trong vụ án, những người khác chỉ có thể là đồng phạm (không phải với vai trò người thực hành).
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung định nghĩa“Truy cứu TNHS”vào quy định của BLHS như sau : “Truy cứu TNHS là hành vi của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm để đảm bảo hành vi phạm tội và tội phạm được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”.
+ Sửa tên điều luật “Không truy cứu TNHS người có tội” thành tội “Bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố”. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phát hiện, xử lý hành vi phạm tội và tội phạm. Vì vậy, việc đưa yếu tố “tội phạm” vào tên điều luật là hết sức cần thiết, hàm chứa nội dung quy định nhiệm vụ của các cơ quan nêu trên là không những không được bỏ lọt người phạm tội mà còn không được bỏ lọt tội phạm. Việc sửa tên điều luật cũng đồng thời tạo căn cứ pháp lý để xử lý triệt để hơn những hành vi cố ý không xử lý tin báo, tố giác,kiến nghị khởi tố nhằm mục đích không truy cứu TNHS người phạm tội.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi BLTTHS về quy định liên quan đến điều tra theo hướng xác định hoạt động điều tra của CQĐT được tính từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm cho đến khi ra bản kết luận điều tra hoặc quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra chứ không chỉ xác định từ khi khởi tố vụ án như hiện nay. Điều này hoàn toàn phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. BLTTHS đã có những quy định về một số hoạt động được tiến hành trước khi khởi tố vụ án nhưng kết quả của chúng vẫn được coi là chứng cứ và có giá trị chứng mình tội phạm như hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…Do đó, trong trường hợp chủ thể cố ý không ra quyết định khởi tố vụ án sau khi đã xác minh tin báo, tố giác tội phạm mà biết rõ đối tượng bị tố giác đã phạm tội thì hoàn toàn có thể truy cứu người đó tội “Bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố”.
“Hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố” bao hàm toàn bộ nội dung liên quan đến các hoạt động tố tụng từ giai đoạn khởi tố (quyết định khởi tố, quyết định không khởi tố vụ án) tới điều tra (bao gồm cả những hoạt động liên quan đến các biện pháp điều tra, khởi tố bị can, thu thập chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn, các quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định của CQĐT của VKS…) và mọi hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của VKS. Chủ thể không thực hiện, hoặc không thực hiện đúng bất cứ hoạt động nào thuộc thẩm quyền của mình nhằm mục đích bỏ lọt tội phạm, người phạm tội thì đều phải chịu TNHS về tội phạm này.
Ngoài ra, tên gọi điều luật như hiện nay là chưa thật sự chính xác, bởi vì rõ ràng việc một người được coi là không bị truy cứu TNHS chỉ đúng nếu vụ án không được khởi tố, điều đó có nghĩa cũng không thể có việc điều tra, truy tố tiếp theo. Còn trong các trường hợp khác, nếu đã khởi tố, điều tra và thậm chí cả truy tố rồi mới có quyết định đình chỉ thì rõ ràng người đó đã bị truy cứu TNHS. Việc vụ án phải dừng lại vì một lý do nào đó khiến cho một người không phải chịu TNHS không đồng nghĩa với việc cho họ được coi là chưa từng bị truy cứu TNHS. Trong thực tế, một người có thể được tòa án tuyên không có tội nhưng không thể nói người đó chưa từng bị truy cứu TNHS (vì trước đó đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử). Vì vậy, việc sửa lại tên của điều luật là hoàn toàn cần thiết.
Bên cạnh đó, tên gọi mới của điều luật cũng sẽ giúp cho việc xác định chủ thể của tội phạm dễ dàng hơn. Cụ thể là những người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS trong việc khởi tố, điều tra, truy tố; những người khác nếu cũng có hành vi “bỏ lọt” tội phạm thì tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu TNHS về tội “Không tố giác tội phạm” hoặc tội “Che dấu tội phạm”…
+ Tại khoản 1 của điều luật, kiến nghị sửa cụm từ“thẩm quyền”thành “thẩm quyền và trách nhiệm trong việc khởi tố vụ án, điều tra, truy tố”và sửa đổi cụm từ “không truy cứu TNHS”thành “mà không hoặc không thực hiện tiếp việc truy cứu TNHS nhằm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội..”vào nội dung điều luật. Cách quy định trên sẽ hợp lý ở một số điểm sau:
1. Đề cao trách nhiệm của cán bộ cơ quan tố tụng trong việc chống bỏ lọt tội phạm;
2. Loại trừ được chủ thể là thẩm phán, Hội thẩm;
3. Xác định được đây là tội phạm xảy ra ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. Hoạt động không hoặc không tiếp tục thực hiện việc truy cứu TNHS bao hàm được toàn bộ nội dung liên quan đến các hoạt động tố tụng từ khởi tố tới điều tra (bao gồm cả những hoạt động liên quan đến các biện pháp điều tra, khởi tố bị can, thu thập chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn…) và hoạt động truy tố của VKS;
4. Xác định tội phạm hoàn thành khi tội phạm và người phạm tội chính thức được bỏ lọt; và
5. Không gây vướng mắc trong việc xác định chủ thể (đặc biệt là người thực hành) trong tội phạm này do thông thường hay có sự nhầm lẫn người có thẩm quyền phải là thủ trưởng, phó thủ trưởng của đơn vị – những người có thẩm quyền ký các quyết định tố tụng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án.Theo đó, chủ thể của tội phạm cần phải được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những người đứng đầu trong các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn có thể là nhân viên cấp dưới hay bất cứ người có năng lực TNHS nào cũng có thể trở thể chủ thể của tội này với tư cách người đồng phạm.
+ Sửa cụm từ “mà mình biết rõ là có tội”thành “mà mình biết rõ là phạm tội”để tránh nhầm lẫn. Bởi lẽ phạm tội là việc thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS, trong khi đó một người bị xem là “có tội” là đã bị tòa án tuyên bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi điều luật trở thành “Người nào có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc khởi tố vụ án, điều tra, truy tố mà không hoặc không thực hiện tiếp việc truy cứu TNHS người mà mình biết rõ là phạm tội dẫn đến tội phạm hoặc người phạm tội bị bỏ lọt… ”
+ Bổ sung dấu hiệu định khung tăng nặng TNHS “Phạm tội vì động cơ vụ lợi”vào quy định của điều luật. Đặc thù của tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và tội “Không truy cứu TNHS người có tội” nói riêng, là thông thường người phạm tội thực hiện hành vi này liên quan đến yếu tố vụ lợi, nhận hối lộ… Động cơ này thể hiện sự xảo quyệt, toan tính của người phạm tội, sự coi thường pháp luật, mức độ quyết tâm thực hiện tội phạm; qua đó có thể thấy mức độ nguy hiểm của hành vi cao hơn bình thường. Vì vậy, bổ sung quy định trên nhằm nghiêm trị người phạm tội, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể có chức trách, thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
+ Đề xuất tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy định của Điều 294 BLHS năm 1999 về hình phạt theo hướng tăng nặng mức hình phạt trong từng khung hình phạt. Người phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và phạm tội “Không truy cứu TNHS người có tội” nói riêng là những đối tượng có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết pháp luật sâu sắc, nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng nên việc xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những đối tượng trên gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi hình phạt phải tương xứng, đủ tính răn đe, nghiêm trị. Do vậy, trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm này (Khoản 1) hiện nay chỉ là tội ít nghiêm trọng là điều chưa hợp lý. Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để làm căn cứ áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng TNHS…
Việc hoàn thiện quy định của luật hình sự về tội “Không truy cứu TNHS người có tội” không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng về mặt lý luận, nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của BLHS về tội phạm này mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung. Việc áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền đạt hiệu quả cao trong việc giải quyết các vụ án về hành vi không truy cứu TNHS người có tội. Thông qua đó, có thể phần nào giáo dục, trừng trị người phạm tội, giảm bớt số lượng tội phạm, người phạm tội bị bỏ lọt, góp phần đảm bảo “mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”[2].
CHÚ THÍCH
* ThS, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội.
[1] TS. Trần Văn Luyện (chủ biên), Bình luận khoa học BLHS 1999, phần các tội phạm, Nxb Công an nhân dân năm 2010, tr. 817
[2] PGS.TS Nguyễn Thái Phúc,“Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Tạp chí kiểm sátsố 17.2012, tr. 11
ThS. Trần Đình Hải – Giảng viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội!
Trả lời