Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta hiện nay
Tác giả: Phạm Xuân Việt [1]
TÓM TẮT
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Hàng giả được hiểu là những vật phẩm hàng hóa được sản xuất, buôn bán trái pháp luật, không có công dụng hoặc có mức chất lượng thấp hơn mức chất lượng của hàng hóa mà nó mang tên hay công bố, gây thiệt hại cho lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội. Hiện nay, vấn đề phòng, chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả đã và đang trở thành một trong những yêu cầu cấp bách đối với mỗi quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh quôc tế đang có nhiêu diên biên phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại. Các cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA) bắt đầu có hiệu lực và tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta vẫn còn nhiều dấu hiệu phức tạp, khó lường. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ tập trung làm rõ thực trạng, nguyên nhân của tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả và một số giải pháp kiến nghị nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội phạm này.
1. Tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta hiện nay
Theo Báo cáo Tổng kết Chương trình 168 giai đoạn II trong năm 2015 và giai đoạn 2012 – 2015 về hành động phòng, chống hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ thì từ năm 2012 đến năm 2015 toàn lực lượng Thanh tra Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp phát hiện 717 vụ sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 62.430 vụ; lực lượng Hải quan đã phát hiện gần 200 vụ; ngành Tòa án đã giải quyết 177 vụ việc đã xét xử: 55 vụ (trong đó có 12 vụ án hình sự), đã công nhận thỏa thuận 16 vụ; chuyển 15 vụ và đình chỉ 91 vụ; lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện là 2.047 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có 1.434 vụ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể: Quyền tác giả, quyền liên quan: 13 vụ; sáng chế: 6 vụ; kiểu dáng công nghiệp: 201 vụ; nhãn hiệu: 915 vụ; chỉ dẫn địa lý: 64 vụ; tên thương mại: 218 vụ; cạnh tranh không lành mạnh: 8 vụ; quyền đối với giống cây trồng: 9 vụ. Đã khởi tố 381 vụ, 553 bị can; chuyển xử lý hành chính 1564 vụ, phạt tổng số tiền 28,5 tỷ đồng (VND). Tổng hàng hóa thu giữ khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; 6.500 sản phẩm rượu ngoại các loại; 26.292 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón; hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giày dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát; lương thực thực phẩm các loại xâm phạm nhãn mác, kiểu dáng của các thương hiệu có uy tín trong và ngoài nước2.
Theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91.0000 tỷ đồng, khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng buôn lậu. Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu từ lực lượng thuế và hải quan tăng mạnh, lần lượt là 98% và 44%), khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1.346 đối tượng3.
Kết quả trên cho thấy, tình hình xâm phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi thời gian tới các cơ quan, lực lượng chức năng cần tiếp tục có nhiều giải pháp phù hợp để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả cũng như góp phần đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ, phòng, chống hàng giả mà Việt Nam đã tham gia. Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như sau:
Một là, hệ thống pháp luật có liên quan vẫn còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta nhìn chung vẫn còn thấp so với thực tế hậu quả mà hành vi này gây ra đối với chủ thể quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng nên vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Ví dụ: Theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hay Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan thì mức xử phạt cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, còn tổ chức là 500.000.000 đồng. Còn tại điểm e Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng thì mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này (trừ các trường hợp tại khoản 2, Điều này) là “Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”…
Biện pháp xử lý hình sự: Những quy định mới của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã cơ bản khắc phục những tồn tại, qua đó tạo thuận lợi hơn trong quá trình phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả bằng biện pháp hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn một số tồn tại nhất định, điển hình như:
+ Các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ chưa được BLHS năm 2015 quy định đầy đủ. Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 4) đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; quyền sở hữu công nghiệp gồm: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh; quyền đối với giống cây trồng gồm giống cây trồng mới. Tuy nhiên, theo BLHS năm 2015 mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với hai nhóm quyền (Điều 225 Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) mà không đặt trách nhiệm hình sự đối với quyền đối với giống cây trồng. Hơn nữa, BLHS năm 2015 cũng chưa quy định hết phạm vi các đối tượng thuộc quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan mới chỉ quy định với tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (2 trong số 6 đối tượng) và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mới chỉ quy định đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn (2 trong số 7 đối tượng). Như vậy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các đối tượng còn lại sẽ không bị xử lý bằng biện pháp hình sự.
+ Chưa có một khái niệm thống nhất, cụ thể về hàng giả trong xử lý hình sự tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung. Mặc dù, hiện nay Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đưa ra khái niệm về hàng giả nhưng đã liệt kê 06 trường hợp được coi là hàng giả (khoản 7, Điều 3 Nghị định số 98/2020). Tuy nhiên, đây lại là quy định trong xử lý vi phạm hành chính về hàng giả chứ không phải là quy định trong xử lý hình sự. Do đó, trong thực tế khi áp dụng pháp luật sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định trong định hướng biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật tương tự.
+ Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khó khăn, bất cập. BLHS năm 2015 đã quy định thêm yếu tố “thu lời bất chính” “giá trị hàng hóa vi phạm” thay vì chỉ có yếu tố “quy mô thương mại” như BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 là tình tiết bắt buộc trong định tội. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà làm luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về các yếu tố này để thống nhất trong xác định tội danh. Ngoài ra, để xử lý hình sự tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1, Điều 226 BLHS năm 2015) còn phải có thêm điều kiện là yêu cầu của bị hại (khoản 1 Điều 155 Bộ luật TTHS năm 2015) thì mới đủ căn cứ xử lý tội phạm này.
+ Khó khăn trong công tác giám định hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, để xác định hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cần thiết phải tiến hành công tác giám định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này thường có thời gian kéo dài, chi phí giám định cao, nhiều trường hợp còn khó khăn trong việc thu thập mẫu giám định nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết vụ việc.
+ Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nói chung trong đó có tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, hiện nay các nhà làm luật vẫn chưa có hướng dẫn, giải thích về một số vấn đề: trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật cho pháp nhân thương mại phạm tội; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại đồng thời cũng chịu trách nhiệm hình sự cá nhân; chứng minh lỗi của pháp nhân thương mại phạm tội; hình phạt của pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
+ Hình phạt đối với các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thấp, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. So với BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì BLHS năm 2015 đã có điều chỉnh theo hướng tăng hình phạt của khoản 1 đối với cả hai tội danh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (…mức phạt cải tạo không giam giữ đối với hành vi phạm tội đến 03 năm, trước đây, mức phạt cải tạo không giam giữ chỉ đến 02 năm) và giữ nguyên khung hình phạt tại Khoản 2 của điều luật “…phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo tác giả, so với hậu quả mà hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ra, thiệt hại trực tiếp không chỉ về tài sản mà còn ở uy tín, danh tiếng của chủ sở hữu quyền, ảnh hưởng gián tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như môi trường phát triển kinh tế cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam thì khung hình phạt trên vẫn còn khá thấp chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm này.
Biện pháp xử lý dân sự: Riêng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được xử lý bằng biện pháp dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng biện pháp này vẫn còn một số tồn tại như: việc xác định thiệt hại (vật chất, uy tín, danh tiếng…) đối với chủ thể quyền do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra làm căn cứ xử lý, bồi thường thiệt hại đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi, phức tạp. Trong khi đó Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ năm 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2019 chỉ quy định một cách chung chung là mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định nhưng không quá 500 triệu đồng, mà không quy định Tòa án có quyền tăng mức bồi thường lên gấp ba đối với hành vi xâm phạm do lỗi cố ý4. Ngoài ra, cơ quan xét xử cũng phải thu thập nhiều loại chứng cứ, tài liệu pháp lý liên quan để chứng minh vai trò chủ thể quyền, trong khi các chủ thể này chưa chú trọng nhiều đến việc xác lập bảo hộ quyền, đặc biệt là quyền tác giả, quyền liên quan… Đó là những lý do phổ biến khiến cho biện pháp xử lý dân sự thường diễn ra trong thời gian dài, tốn kém nhiều chi phí.
Hai là, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm chính hãng chưa thật sự quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của mình.
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam đó là việc chủ thể quyền, cơ sở sản xuất, kinh doanh chính hãng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, cụ thể như: chưa chú trọng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm chưa được quan tâm; một bộ phận chủ thể quyền chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong phối hợp như cung cấp thông tin, tài liệu về hành vi xâm phạm, mẫu sản phẩm thật…với cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả… Do đó, đây cũng được xem là một trong những lý do dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Ba là, xuất phát từ tâm lý, thói quen mua hàng hóa của người tiêu dùng.
Một bộ phận lớn người tiêu dùng vẫn còn nhận thức hạn chế về kiến thức về hàng thật – hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; tình trạng người tiêu dùng, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chấp nhận sử dụng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc tâm lý thích hàng ngoại nhưng đòi hỏi giá thành phải rẻ vẫn còn rất phổ biến… đây sẽ là môi trường lý tưởng để hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại, phát triển.
Bốn là, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi chưa cao.
Thời gian qua, công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác này vẫn còn bộc lộ một số vấn đề tồn tại nhất định như: hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chưa cao, vẫn còn mang tính hình thức, chưa mang tính chiều sâu. Thường chỉ phối hợp khi có công văn yêu cầu, cơ chế phối hợp còn thiếu tính đồng bộ, chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu tính chủ động.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đang có hiệu lực và Việt Nam là thành viên, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.
Đối với biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Để kịp thời răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, hàng giả, đối với biện pháp xử lý vi phạm hành chính thời gian tới theo tác giả cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này. Bởi hiện nay với mức xử phạt như đã trình bày theo tác giả vẫn còn khá thấp, chưa phù hợp so với thực tế hậu quả của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ra.
Đối với biện pháp xử lý hình sự: Thực tiễn công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả cho thấy, tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng… đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, trong khi đó xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Hơn nữa, để đảm bảo những cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP, EVFTA mà chúng ta đã tham gia, thời gian tới trước mắt cần thiết phải bổ sung thêm các đối tượng như kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp) và cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng (đối tượng thuộc quyền tác giả, quyền liên quan) vào đối tượng tác đông của tội phạm được BLHS bảo vệ.
Đối với thuật ngữ “quy mô thương mại” – yếu tố cấu thành tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết sớm phải được làm rõ, người viết cho rằng nên hiểu yếu tố này với tinh thần như sau: “quy mô thương mại” là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện một cách có chủ ý nhằm mục đích sinh lợi, không kể giá trị của hàng hóa vi phạm. Đối với hai yếu tố “thu lời bất chính” và “giá trị hàng hóa vi phạm” cần quy định căn cứ theo số lượng hàng hóa xâm phạm tại thời điểm bắt giữ, thu giữ và đã xuất bán có giá trị tương đương với giá trị hàng hóa chính hãng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, để nâng cao tính chủ động trong xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo tác giả cần thiết bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Khoản 1, Điều 226). Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung khung hình phạt các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo hướng bỏ hình phạt “cải tạo không giam giữ” và không quy định mức phạt tiền tối đa (hiện nay là 1.000.000.0000 đồng) mà thay vào đó là mức xử phạt tiền gấp 1,5 đến 2 lần số tiền thu lời bất chính, giá trị hàng hóa xâm phạm.
Bên cạnh đó, để tạo cơ sở, hành lang pháp lý trong xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả đạt hiệu quả cao, thời gian tới các nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể về hàng giả. Bởi thực tế hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định một cách rõ ràng về vấn đề này làm căn cứ trong xử lý hình sự, nếu có thì lại là quy định trong xử lý hành chính nên việc xử lý hình sự sẽ không phù hợp.
Đối với biện pháp xử lý dân sự: Để khuyến khích các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết bằng biện pháp dân sự, thời gian tới các cơ quan hữu quan ngoài việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho ngành Tòa án nhằm nâng cao chất lượng kết quả xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ thì cần thiết kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biên pháp này. Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Bích Thảo5 khi ngoài việc tiếp tục duy trì chế tài buộc bồi thường thiệt hại thực tế và lợi nhuận của bên xâm phạm, cần quy định về bồi thường theo luật định trong những trường hợp khó xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại theo luật định này phải đủ lớn để đảm bảo tính răn đe. Đối với hành vi xâm phạm cố ý thì tòa án cần có quyền buộc bên xâm phạm phải trả một khoản tiền bồi thường bổ sung, bao gồm cả khoản bồi thường bồi thường mang tính chất trừng phạt, răn đe.
Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ: Hậu quả do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chính hãng và chủ thể quyền là rất lớn, đó không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn là uy tín, danh tiếng, thương hiệu trên thị trường. Vì vậy, để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình yêu cầu đầu tiên và có tính tiên quyết đối với chủ thể quyền, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chính hãng là cần tiến hành ngay hoạt động đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp có chuyển nhượng, mua bán, chuyển giao (cấp li xăng) tài sản trí tuệ cần công bố công khai, rộng rãi những đơn vị hợp tác, phân phối sản phẩm chính hãng để cho doanh nghiệp, người tiêu dùng biết được. Đồng thời, khi phát hiện hành vi xâm phạm, sản xuất, buôn bán hàng giả cần nhanh chóng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến với cơ quan chức năng, cũng như chủ động phối hợp trong quá trình giải quyết vụ việc.
Đối với người tiêu dùng: Để nâng cao trình độ hiểu biết của người tiêu dùng về kiến thức hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các lực lượng chức năng cần chú ý tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, trong đó cần tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau đây: tình hình hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hậu quả, tác hại gây ra khi sử dụng; phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động phạm tội; khuyến cáo người tiêu dùng về những biện pháp tự bảo vệ mình khi mua sản phẩm, hàng hóa, như không mua những loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác có dấu hiệu sửa chữa, hay có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với những nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ, không ham rẻ; cách kiểm tra hàng chính hãng đã đăng ký bảo hộ,… Để tuyên truyền các nội dung trên đến các chủ thể này, các lực lượng thực thi cần phối hợp hiệu quả với cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin đại chúng khác hoặc qua tổ chức các hội chợ triển lãm phân biệt hàng giả – hàng thật – hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Hoạt động phòng, chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần thiết phải có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng liên quan khác nhau. Để làm tốt vấn đề này, cần chú trọng một số nội dung cơ bản sau đây: Hoàn thiện, bổ sung cơ chế phối hợp; chủ động, tích cực tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động mới của các đối tượng cũng như phối hợp trong xử lý các vụ việc phức tạp; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn những quy định pháp luật còn tồn tại, bất cập, chưa thống nhất…
Trước bối cảnh tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta đang còn nhiều dấu hiệu phức tạp, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên có hiệu lực, để phát huy tối đa những cơ hội và vượt qua những thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như xây dựng một môi trường phát triển kinh tế cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và đặc biệt để đảm bảo những cam kết về phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan, nâng cao hiệu quả các biện pháp thực thi pháp luật./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (2016), Những kết quả đạt được của Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II (2012 – 2015), https://thanhtra.most.gov.vn/thanhtra/tin- tuc/4/49/nhung-ket-qua-dat-duoc-cua-chuong-trinh-168-ve-phoi-hop-hanh-dong-phong-va-chong-xam-pham-quyen- so-huu-tri-tue-giai-doan-ii-2012-2015.aspx,ngày 02/8/2016
- Lê Quốc Hùng, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an (2020). “Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước”, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc- phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/820103/tang-cuong-dau-tranh-phong%2C-chong-buon-lau%2C-gian-lan-thuong-mai%2C-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc.aspx, ngày 21/10/2020.
- Nguyễn Bích Thảo, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2017). “Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ngày 01/02/2017, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208003.
- Nguyễn Bích Thảo, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2017), “Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ngày 01/02/2017, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208003.
Trả lời