• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Pháp luật một số khu vực, quốc gia trên thế giới về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật một số khu vực, quốc gia trên thế giới về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

27/04/2021 27/04/2021 TS. Nguyễn Thị Ly Leave a Comment

Mục lục

  • Tóm tắt:
  • 1. Pháp luật một số khu vực trên thế về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 1.1. Pháp luật ASEAN về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 1.2. Pháp luật về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự ở Liên minh Châu Âu
  • 2. Pháp luật một số quốc gia trên thế về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
    • 2.1. Pháp luật Liên bang Nga về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 2.2. Pháp luật của Liên bang Ô-xtrây-lia về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 2.3. Pháp luật của Trung Quốc về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 2.4. Pháp luật của Nhật Bản về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
    • 2.5. Pháp luật của Hàn Quốc về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự
  • 3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Lời cảm ơn
  • Tài liệu tham khảo

Pháp luật một số khu vực, quốc gia trên thế giới về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Ly

Tóm tắt:

Hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự (TTHS) là xu thế tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, do đó đã hình thành hệ thống các văn bản pháp luật có tính toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia điều chỉnh các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực hình sự. Mỗi quốc gia, khu vực do đặc điểm của mình lại có khung pháp lý khác nhau về hợp tác quốc tế trong TTHS và mức độ hiệu quả của nó cũng không giống nhau. Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế, thông qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, hình thành khung pháp lý về hợp tác quốc tế hình sự chuẩn mực, phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong TTHS.

Pháp luật một số khu vực, quốc gia trên thế giới về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xem thêm bài viết về “Hợp tác quốc tế“

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Minh bạch tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • So sánh một số quy định về hòa giải trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam
  • Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á
  • Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam
  • Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
  • Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống
  • Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí
  • Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á – PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao & TS. Nguyễn Thị Xuân Sơn
  • Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống – ThS. Hoàng Việt Hùng

Hợp tác quốc tế trong TTHS là xu thế tất yếu trong thời kí toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, do đó đã hình thành hệ thống các văn bản pháp luật có tính toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia điều chỉnh các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực hình sự. Mỗi quốc gia, khu vực do đặc điểm của mình lại có khung pháp lý khác nhau về hợp tác quốc tế trong TTHS và mức độ hiệu quả của nó cũng không giống nhau. Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế, thông qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, hình thành khung pháp lý về hợp tác quốc tế hình sự chuẩn mực, phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong TTHS.

1. Pháp luật một số khu vực trên thế về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

1.1. Pháp luật ASEAN về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

ASEAN được coi là một trong những khu vực năng động nhất thế giới với việc hình thành nên các trụ cột hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội gây ấn tượng mạnh cho cộng đồng quốc tế nhưng cũng xuất hiện mặt trái, có tính tiêu cực trong đó xu hướng tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, phức tạp liên quan đến nhiều khu vực và quốc gia khác. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ngăn ngừa và trừng trị tội phạm xuyên quốc gia, đại đa số các quốc gia thành viên ASEAN đã kí kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự vào ngày 29 tháng 11 năm 2004 (gọi tắt là Hiệp định). Việc kí kết Hiệp định không chỉ nhằm thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự giữa các quốc gia ASEAN mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn là tăng cường hợp tác an ninh, chính trị trong ASEAN và xây dựng Cộng đồng an ninh, chính trị ASEAN (ASC). Việt Nam đã tham gia hiệp định này và chính thức được phê chuẩn ngày 20/9/2005 [1].

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN gồm 32 điều khoản đề cập các vấn đề pháp lý cơ bản như phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự, hình thức và nội dung yêu cầu tương trợ, việc thực hiện yêu cầu tương trợ, vấn đề bảo mật và hạn chế sử dụng chứng cứ thu thập được… Xuất phát từ mối quan hệ đặc thù giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Hiệp định không điều chỉnh tất cả các vấn đề pháp lí liên quan đến tương trợ tư pháp, như vấn đề dẫn độ tội phạm không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp định và một số vấn đề pháp lí khác. Những nội dung chính của Hiệp định này bao gồm: Phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự bao gồm: Chuyển giao và tiếp nhận lời khai, tài liệu, giấy tờ liên quan đến vụ việc hình sự; Thực hiện khám xét, kiểm soát, kiểm tra các vật chứng và địa điểm gây án; Cung cấp các bản chính và bản sao các loại giấy tờ quan trọng, các tài liệu và thông tin chứng cứ; Xác định, truy tìm tài sản có được từ hành vi phạm tội và các công cụ phạm tội; Ngăn chặn việc phân chia và đóng băng các tài sản có được từ hành vi phạm tội, mà tài sản này có thể được trả lại, tịch biên hoặc tịch thu; Trả lại, tịch biên hoặc tịch thu các tài sản có được từ hành vi phạm tội; Xác định và nhận dạng các nhân chứng và nghi phạm. Ngoài ra, các quốc gia thành viên còn có thể thỏa thuận các vấn đề cần tương trợ tư pháp khác nhưng với điều kiện phải phù hợp với đối tượng điều chỉnh cũng như mục đích của Hiệp định và phù hợp với pháp luật của quốc gia được yêu cầu. Bên cạnh việc xác định rõ ràng phạm vi tương trợ tư pháp, các quốc gia thành viên Hiệp định còn thoả thuận nhất trí ghi nhận cụ thể các trường hợp không áp dụng các quy định của Hiệp định.

Hiệp định còn được cụ thể hoá rõ hơn qua việc ghi nhận quyền từ chối tương trợ tư pháp của quốc gia thành viên được yêu cầu với hai cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể phát sinh trong thực tiễn tương trợ tư pháp và trong tất cả các trường hợp từ chối quốc gia được yêu cầu phải thông báo ngay cho quốc gia yêu cầu được biết về cơ sở từ chối hoặc tạm đình chỉ tương trợ tư pháp theo Hiệp định (khoản 9 Điều 3 Hiệp định).

Dựa trên cơ sở quy định hiện hành về phạm vi tương trợ tư pháp hình sự trong khuôn khổ ASEAN, các quốc gia thành viên sẽ chỉ định cơ quan trung ương có thẩm quyền trong lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự và các cơ quan này sẽ liên lạc trực tiếp với nhau trong hoạt động tương trợ tư pháp hoặc thông qua kênh ngoại giao (Điều 4 Hiệp định).

Các vấn đề pháp lý về yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự, theo Điều 11 Hiệp định, quốc gia được yêu cầu, phù hợp với pháp luật nước mình, phải cố gắng thu thập được đầy đủ các chứng cứ, lời khai có tuyên thệ, tài liệu, hồ sơ từ nhân chứng để chuyển cho quốc gia yêu cầu nhằm mục đích phục vụ cho quá trình tố tụng. Hiệp định mở rộng phạm vi thu thập chứng cứ bằng việc cho phép sử dụng kết nối truyền hình trực tiếp hoặc các công cụ giao tiếp thích hợp khác nhằm thực hiện quá trình thu thập chứng cứ, lời khai… nếu việc làm đó là vì công lý. Đồng thời, khi có yêu cầu lấy lời khai của cá nhân, quốc gia được yêu cầu phải cố gắng và tận tâm lấy lời khai tự nguyện của họ. Trong việc sử dụng chứng cứ, quốc gia yêu cầu không có quyền tuyệt đối. Quốc gia được yêu cầu không được sử dụng, tiết lộ hoặc chuyển giao thông tin hay chứng cứ do quốc gia được yêu cầu cung cấp để phục vụ cho các mục đích khác với mục đích đã ghi trong văn bản yêu cầu tương trợ nếu không được sự đồng ý của quốc gia cung cấp chứng cứ. Đối với người bị giam giữ tại quốc gia được yêu cầu mà sự hiện diện của người này là cần thiết tại quốc gia yêu cầu trong quá trình điều tra thì quốc gia được yêu cầu có thể sẽđồng ý cho phép tạm thời chuyển giao người này cho quốc gia yêu cầu [2].

Như vậy, bên cạnh pháp luật quốc gia và các hiệp song phương giữa các nước nội khối, cộng đồng ASEAN đã có Hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự nên đã hình thành khung pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS. Việc hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động dẫn độ, tương trợ tư pháp, chuyển giao người bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác giữa các thành viên ASEAN đã khẳng định nỗ lực hướng tới xây dựng cộng đồng chung ASEAN, hướng tới sự hợp tác toàn diện trong đấu tranh, xử lý tội phạm bảo đảm an ninh, an toàn trong cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ mới có hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mang tính chất chung cho toàn cộng đồng còn thiếu các hiệp định về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, đang chấp hành hình phạt cho khu vực ASEAN. Hạn chế này là lực cản cho hợp tác phát triển nên cần sớm thỏa thuận, kí kết các điều ước chung còn thiếu như đã nêu.

1.2. Pháp luật về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự ở Liên minh Châu Âu

So với các khu vực khác trên thế giới, pháp luật về hợp tác quôc tế trong TTHS ở Liên minh Châu Âu khá đầy đủ, chi tiết, chuẩn mực phản ánh trình độ phát triển cao của khu vực này trên tất cả các lĩnh vực trong đó có hợp tác quốc tế về hình sự. Nhận định này được thể hiện trên các khía cạnh sau:

– Công ước Châu Âu về dẫn độ được kí vào ngày 13.12.1957 dựa trên những văn bản mang tính khu vực và nghị quyết chung, như: Bản dự thảo Hiệp định dẫn độ người phạm tội giữa các quốc gia Benelux năm 1950 (Dự thảo này trở thành Hiệp định chính thức vào ngày 27/6/1962); Công ước (thế hệ thứ hai) giữa Pháp và Đức ngày 29/12/1951; Nghị quyết chung ngày 28/12/1951 được nêu trong Khuyến nghị của Ban tư vấn Hội đồng Châu Âu liên quan đến việc thực hiện các biện pháp trù bị để hoàn thành công ước dẫn độ người phạm tội thống nhất (Khuyến nghị 16 năm 1951). Như vậy, hiệp ước về dẫn độ chung cho toàn cộng đồng được xây dựng trên nền tảng các điều ước, nghị quyết có tính khu vực trong cộng đồng nên việc thỏa thuận giữa các quốc gia cũng như chất lượng của Hiệp định có chất lượng cao.

– Công ước Châu Âu 1957 là công ước duy nhất giải quyết cả những vấn đề mang tính nguyên tắc và những vấn đề cụ thể, quy định tương đối toàn diện các vấn đề liên đến dẫn độ như: điều kiện dẫn độ (điều kiện liên quan đến người phạm tội, điều kiện liên quan đến hành vi phạm tội, liên quan đến tố tụng), thủ tục dẫn độ, hệ quả của việc dẫn độ… Công ước này đã được tất cả các quốc gia thành viên của Hội đồng Châu Âu phê chuẩn (nước Bỉ phê chuẩn công ước này năm 1960 vì khi đó mới hủy bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự) mặc dù một số nước còn bảo lưu khá nhiều điều của công ước, chẳng hạn như Anh và Thụy Điển.

– Có thể nói, sự ra đời của Công ước năm 1957 đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất cho các quốc gia trong khu vực Châu Âu trong việc thực hiện các hoạt động về dẫn độ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến những hạn chế nhất định khi hệ thống pháp luật của các quốc gia không đồng nhất như việc quy định khác nhau về hành vi phạm tội có thể gây ra những xung đột trọng quá trình dẫn độ. Thêm vào đó, thủ tục dẫn độ được quy định trong Công ước là một quy phạm mang tính tùy nghi. Điều 22 Công ước quy định “Các thủ tục liên quan đễn việc dẫn độ và bắt giữ người tạm thời sẽ chỉ bị chi phối bởi pháp luật của Bên được yêu cầu”. Quy định này cho phép các quốc gia được tự do sử dụng thủ tục mà nó cho là phù hợp nên tất yếu sẽ dẫn đến sự khó khăn cho quan hệ dẫn độ giữa các nướcvì không phải mọi quốc gia đều có những bảo đảm giống nhau đối với cá nhân bị yêu cầu dẫn độ.

– Ngoài các hiệp định về dẫn độ, tương trợ tư pháp, chuyển giao người bị kết án thì EU còn có hệ thống các hiệp định hợp tác chuyên sâu ở từng lĩnh vực, chẳng hạn: Trên cơ sở nhận thức: “hoạt động hối lộ xuyên quốc gia đặc biệt ở chỗ chúng không nhằm vào các nhân viên công quyền của nước mình, mà gây hại đến sự hoạt động bình thường của nhân viên công quyền của nước ngoài” [3, tr.1086] nên EU đã có nhiều công ước về đấu tranh chống tội hối lộ, đặc biệt Công ước hình sự của Hội đồng Châu  u chống hành vi hối lộ ngày 27 tháng 1 năm 1999, trong đó chương II chứa đựng quy định về tội hối lộ nhân viên công quyền nước ngoài [4. Điều 5]. Khác với công ước trước đó, điều 37 của Công ước này quy định cả hành vi hối lộ thụ động, và cũng không chỉ còn giới hạn áp dụng đối với các giao dịch thương mại quốc tế nữa. Đồng thời công ước này cũng quy định thủ tục hợp tác quốc tế trong đấu tranh xử lý tội hối lộ trong phạm vi Châu Âu. Liên minh Châu Âu đã tỏ ra đặc biệt tích cực trong việc trấn áp hình sự những hình thức mới của tội hối lộ. Liên minh đã đóng vai trò là người lập pháp nhằm hài hoà hoá các quy định của các nước thành viên.

Tương tự như vậy là công ước chống rửa tiền của Hội đồng Châu Âu cũng đã được xây dựng vào năm 2005; hoặc việc kí kết Hiệp ước Lisbonne năm 2009 về chống khủng bố đã đưa đến hy vọng rằng Europol sẽ có quyền thực hiện các cuộc điều tra và truy soát đối với một trong những lĩch vực trên đây [5. Điều 69]. Trong tương lai gần, tổ chức này có thể có một tính chất của một cơ quan cảnh sát thực sự của Châu Âu có thẩm quyền đối với mọi loại hành vi phạm tội có tổ chức của EU…

Xem thêm bài viết về “Tương trợ tư pháp”

  • Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984 – TS. Ngô Hữu Phước

2. Pháp luật một số quốc gia trên thế về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

2.1. Pháp luật Liên bang Nga về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

 Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, và đặc biệt là trong thời gian gần đây ở Liên bang Nga có xu hướng tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trong lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự. Xu hướng này được thể hiện trong việc Nga đã liên tiếp kí kết và tham gia các thỏa thuận quốc tế, như: Công ước Châu Âu về dẫn độ năm 1957, Công ước Châu Âu về hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề hình sự 1959, Công ước Châu Âu về việc Chuyển giao tài liệu, vật chứng trong hồ sơ vụ án hình sự năm 1972, Công ước về trợ giúp pháp lý và quan hệ pháp luật dân sự, gia đình và các vấn đề hình sự năm 1993 và các thỏa thuận khác trong khu vực và song phương. Ngoài ra, Nga còn ký hàng chục Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc ký các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Nga và các quốc gia khác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quá trình tương trợ tư pháp mang tính song phương giữa các quốc gia thuận lợi hơn.

Nga đã quy định các hoạt động hợp tác quốc tế trong Bộ luật Tố tụng hình sự thành một phần độc lập – Phần thứ năm “Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự” bao gồm cả tương trợ tư pháp, việc thực hiện truy tố người theo yêu cầu của một nhà nước nước ngoài, dẫn độ của một người sang bang khác để truy tố hoặc để chấp hành bản án của tòa án, cũng như việc chuyển giao người bị kết án phạt tù để thụ án trong nhà nước mà người đó mang quốc tịch. BLTTHS của Nga cũng quy định rõ ràng về thủ tục phối hợp hoạt động của tòa án, kiểm sát viên, dự thẩm viên và cơ quan điều tra ban đầu với các cơ quan và người có thẩm quyền tương ứng của quốc gia khác và với các tổ chức quốc tế [6].

Các quy định pháp luật TTHS của Liên bang Nga về tương trợ tư pháp cũng có những đặc trưng riêng, đó là quy định cụ thể về giá trị pháp lý của những chứng cứ thu thập được trên lãnh thổ nước ngoài. Điều 455 BLTTHS Liên bang Nga quy định các nguyên tắc bình đẳng về giá trị pháp lý của chứng cứ thu thập bởi các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền của Nga và các cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia nước ngoài trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý quốc tế. Đây là một trong những nguyên tắc chính của sự tương trợ tư pháp giữa các quốc gia và các cơ quan đó xác định nội dung và phạm vi trợ giúp pháp lý trong các vấn đề hình sự [5]. Việc Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định về giá trị pháp lý của những chứng cứ thu thập được trên lãnh thổ nước ngoài, đánh dấu bước tiến của nước này trong xu thế hội nhập quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế lĩnh vực TTHS nói riêng.

Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp và được thể hiện rõ ràng trong các điều khoản của thỏa thuận hay hiệp định tương trợ tư pháp giữa Nga với các quốc gia khác.

2.2. Pháp luật của Liên bang Ô-xtrây-lia về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

Luật tương trợ tư pháp về hình sự 1987 (Liên bang Ô-xtrây-lia) điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Ô-xtrây lia. Theo đó, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp Ô-xtrây-lia là Cơ quan trung ương về hợp tác chống tội phạm quốc tế thuộc Vụ hợp tác chống tội phạm quốc tế của Cơ quan Tổng chưởng lý. Chỉ Tổng chưởng lý, Bộ trưởng Tư pháp hoặc người được ủy quyền mới được lập yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đến cơ quan có thẩm quyền hợp tác nước ngoài theo đề nghị của một cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan công tố, toà án Ô-xtrây-li-a hoặc theo yêu cầu của bị cáo trong vụ án hình sự. Thành viên các cơ quan hành chính công của Ô-xtrây-lia không được lập yêu cầu tương trợ tư pháp.

Phạm vi tương trợ hoạt động tương trợ tư pháp của Ô-xtrây-lia bao gồm: Thực hiện lệnh khám xét để thu thập chứng cứ như sao kê tài khoản từ các tổ chức tài chính; Thu thập chứng cứ của người làm chứng tại Ô xtrây-lia phục vụ quá trình tố tụng ở nước ngoài; Sắp xếp cho người làm chứng (nếu tự nguyện) đến nước khác để cung cấp chứng cứ trong quá trình tố tụng ở nước ngoài; Xin phê chuẩn và thực hiện lệnh tạm giữ và tịch thu tài sản do phạm tội mà có.

Theo luật, Ô-xtrây-lia có thể nhận và gửi yêu cầu tương trợ tới bất kỳ quốc gia nào. Quy trình nhận, chuyển yêu cầu tương trợ được quy định trong các hiệp định tương trợ tư pháp song phương và các hiệp ước quốc tế đa phương mà Ô-xtrây-lia là thành viên. Thủ tục yêu cầu được quy định như sau: Yêu cầu tương trợ có thể được gửi tới Tổng chưởng lý hoặc người được ủy quyền. Nếu các cơ quan khác hoặc toà án Ô xtrây-lia nhận được yêu cầu, thì sẽ phải gửi lại Cơ quan trung ương của Ô-xtrây-lia về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự, đó là Cơ quan trung ương về hợp tác chống tội phạm quốc tế thuộc Vụ Hợp tác hình sự quốc tế của Cơ quan Tổng chưởng lý.Hình thức của yêu cầu tương trợ tư pháp được quy định:bằng văn bản,miêu tả bản chất của vụ việc hình sự, tóm tắt nội dung vụ án và tóm tắt luật áp dụng (bao gồm hình phạt cho tội phạm đang bị điều tra)…

2.3. Pháp luật của Trung Quốc về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

1. Hợp tác quốc tế trong TTHS Trung quốc được điều chỉnh bởi ba loại nguồn quy phạm quy định rõ ràng trong Điều 17 BLTTHS Trung Quốc, đó là: Điều ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia và pháp luật trong nước.

Theo GS.TS. Ngũ Quang Hồng các điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia những năm gần đây, có: các “Công ước thống nhất về danh mục các chất ma túy”, “Công ước Hague”, “Công ước Montreal”, “Công ước về các chất hướng thần”, “Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các loại chất ma túy và chất hướng thần”, “Công ước chống tội phạm xuyên quốc gia” của Liên hợp quốc và “Công ước phòng chống tham nhũng” của Liên Hợp quốc,… Các công ước này đều quy định, đối với các tội phạm quốc tế, nước tham gia kí kết công ước, khi đưa ra tố tụng hình sự đối với tội phạm, phải cung cấp sự hợp tác tư pháp lẫn nhau ở giới hạn cao nhất, bao gồm cung cấp các chứng cứ… Các điều ước quốc tế Trung Quốc đã kí kết và tham gia, thì đều sẽ là do cơ quan tư pháp tiến hành cung cấp các căn cứ pháp luật hỗ trợ tư pháp” [7].

Từ năm 1987 trở lại đây, Trung Quốc đã các hiệp định có các nội dung về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự với hơn 20 quốc gia như: Ba Lan, Mông Cổ, Romania, Bulgaria, Nga, Hy Lạp, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Hàn Quốc,… Đồng thời cũng kí kết các thỏa ước dẫn độ tội phạm với hơn 10 nước như: Thái Lan, Nga, Belarus, Romania, Bulgaria, Kazakhstan, Mông Cổ, Ukraine… [7]

1. Nguyên tắc và căn cứ hợp tác quốc tế hình sự ở Trung Quốc theo quy định: “Căn cứ theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kí kết hoặc tham gia; hoặc căn cứ theo các nguyên tắc ưu đãi lẫn nhau, các cơ quan tư pháp Trung Quốc và các cơ quan tư pháp nước ngoài có thể đề nghị hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự”. (Điều 17 BLTTHS Trung Quốc).

Chủ thể của hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự ở Trung Quốc bao gồm: (1)Tòa án nhân dân Trung Quốc và tòa án nước ngoài; (2) Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc và cơ quan kiểm sát nước ngoài; Cơ quan công an Trung Quốc và cơ quan cảnh sát nước ngoài.

Nguyên tắc ưu đãi lẫn nhau được quán triệt trong hoạt động hợp tác quốc tế về hình sự. Theo đó, “trong trường hợp Trung Quốc và một quốc gia nào đó không kí kết các điều ước hợp tác hỗ trợ tư pháp hoặc hai nước không cùng tham gia một công ước quốc tế có các điều khoản về hợp tác hỗ trợ tư pháp, nếu cơ quan tư pháp nước này căn cứ theo thỉnh cầu của cơ quan tư pháp Trung Quốc cung cấp các hỗ trợ tư pháp, thì cơ quan tư pháp Trung Quốc cũng phải có các hỗ trợ tư pháp theo các thỉnh cầu của cơ quan tư pháp nước ấy. Làm như vậy, có lợi trong việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và nước ngoài trên cơ sở bình đẳng, cũng có lợi trong việc tiến hành thuận lợi các hoạt động tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài và xử lý chính xác các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Trung Quốc” [7].

1. Các nội dung của hợp tác quốc tế trong TTHS Trung Quốc bao gồm: (i) Tiến hành các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ như: thẩm vấn các đương sự, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người giám định; tiến hành giám định, khám nghiệm, kiểm tra, khám xét lục soát, kiểm tra niêm phong, giam giữ, nhận dạng…; (ii) Tống đạt văn thư các loại tài liệu và văn thư pháp luật được cơ quan tư pháp lập ra trong quá trình tố tụng hình sự, như bản phán quyết, bản xét định, quyết định, giấy triệu tập, thông báo hầu tòa… Các văn thư ngoài tố tụng là các văn thư hoặc các tài liệu văn tự ngoài các văn thư tố tụng, nhưng có liên quan đến trình tự tố tụng hình sự, như chứng minh thư, công hàm gửi đi và phúc đáp…; (iii) Chuyển giao tài liệu, chứng cứ; (iv)Thông báo kết quả tố tụng; (v) Dẫn độ; (vi) trao đổi và hợp tác về thông tin tình báo tội phạm.

2. Trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong TTHS Trung Quốc

Pháp luật về hợp tác quốc tế trong TTHS Trung Quốc phân chia hai loại thủ tục: Thủ tục yêu cầu hợp tác của cơ quan tư pháp Trung Quốc đối với cơ quan tư pháp nước ngoài và thủ tục yêu cầu hợp tác của cơ quan tư pháp nước ngoài đối với các cơ quan tư pháp Trung Quốc. Các thủ tục này được quy định cụ thể trong BLTTHS Trung Quốc và trong các điều ước quốc tế đa phương, hiệp định song phương mà Trung Quốc là thành viên. Chẳng hạn: Đối với dẫn độ thì nước có yêu cầu phải có đơn yêu cầu dẫn độ đến Bộ ngoại giao Trung Quốc và đơn đó cần ghi rõ các nội dung: tên cơ quan thỉnh cầu, họ tên, giới tính, tuổi, quốc tịch, loại và số giấy tờ tùy thân, nghề nghiệp, đặc điểm bên ngoài, nơi ở, nơi cư trú và các thông tin hỗ trợ nhận dạng thân phận hoặc để tìm người bị thỉnh cầu dẫn độ; Vụ việc phạm tội, bao gồm thời gian, địa điểm, hành vi, kết quả phạm tội…; Các quy định pháp luật về thời hạn truy tố và khung hình phạt… Đồng thời, nước có yêu cầu dẫn độ phải cung cấp các tài liệu: Lệnh truy nã hoặc bản sao các văn bản có giá trị tương đương khác; Khi thỉnh cầu dẫn độ để thực hiện hình phạt thì phải kèm theo văn bản phán quyết đã có hiệu lực hoặc bản sao bản tuyên án, đối với tội phạm đã thực hiện một phần hình phạt, còn phải kèm theo giấy chứng nhận đã thực hiện hạn tù; Chứng cứ phạm tội hoặc tài liệu, chứng cứ bắt buộc khác, ảnh, dấu vân tay của người bị yêu cầu dẫn độ và các tài liệu khác… Sau khi nhận được yêu cầu dẫn độ Bộ ngoại giao Trung Quốc tiến hành thẩm tra đơn và các tài liệu, xác định phù hợp với quy định của “Luật dẫn độ” và Điều ước dẫn độ… Nếu cho rằng phù hợp thì đơn và hồ sơ yêu cầu dẫn độ gửi đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết…

2.4. Pháp luật của Nhật Bản về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

Hợp tác quốc tế trong TTHS Nhật Bản có từ khá sớm từ thế kỷ thứ XIX và hiện nay các vấn đề về dẫn độ, hỗ trợ tư pháp, chuyển giao người phạm tội để chấp hành hình phạt được điều chỉnh bởi tổ hợp các văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước. Theo đó, những nội dung chủ yếu của Tương trợ tư pháp trong điều tra theo luật TTHS Nhật bản bao gồm:

a. Cơ sở pháp lý

Trong trường hợp có điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương được kí kết giữa Nhật Bản với các quốc gia khác về dẫn độ, tương trợ tư pháp điều tra, chuyển giao người phạm tội thì thực hiện theo các quy định đã thỏa thuận được ghi nhận trong các điều ước quốc tế, theo nguyên tắc áp dụng trực tiếp quy phạm của điều ước quốc tế, không cần phải nội luật hóa như một số nước, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, các điều ước quốc tế tương trợ điều tra có thể được thay đổi nếu xuất hiện các căn cứ: (i) Bảo đảm nguyên tắc có đi có lại bị ảnh hưởng; cần nới lỏng điều kiện tính lưỡng phạt; (ii) Thủ tục giữa các nhà chức trách trung ương cùng cấp không thông qua con đường ngoại giao.

Các điều ước quốc tế về tương trợ điều tra giữa Nhật Bản đã được kí kết với các nước sau: Hiệp ước về tương trợ điều tra Nhật – Mỹ được kí tháng7/2006; Hiệp ước về tương trợ điều tra Nhật – Hàn được kí tháng 1/2007; Hiệp ước về tương trợ điều tra Nhật – Trung được kí tháng 11/2008; Hiệp ước về tương trợ điều tra Nhật – Hồng Kông được kí tháng 9/2009; Hiệp ước về tương trợ điều tra Nhật – EU được kí tháng 1/2011; Nhật – Nga được kí tháng 2/2011.

b. Thẩm quyền và thủ tục tương trợ tư pháp

Vụ việc, dù được thực hiện trong trường hợp có điều ước quốc tế hoặc trường hợp không có điều ước quốc tế thì việc giải quyết đều phải theo quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục do pháp luật Nhật Bản quy định tại các Luật: Luật Tố tụng hình sự 1993, Luật tương trợ điều tra quốc tế và Luật về xử lý tội phạm có tổ chức và quy chế thu lợi từ tội phạm có tổ chức. Theo đó, hợp tác điều tra (Điều 192 Luật Tố tụng hình sự) quy định: “Kiểm sát viên và Ủy ban công an tỉnh thành phố và Cảnh sát tư pháp phải hợp tác với nhau về việc điều tra”. Trong đó Kiểm sát viên có các thẩm quyền: Đưa ra chỉ thị chung, chỉ huy chung và chỉ huy cụ thể đối với Cảnh sát tư pháp Điều 193 Luật tố tụng hình sự khi tiến hành hoạt động điều tra vụ án. Kiểm sát viên có quyền hạn lớn trong TTHS và trong hợp tác quốc tế điều tra. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong mô hình TTHS tranh tụng thì kiểm sát viên là một bên (bên buộc tội) đối trọng và tranh tụng với bên bị cáo buộc phạm tội (bên gỡ tội) và kiểm sát viên thực hành chức năng công tố nhà nước trong đó việc điều tra vụ án thuộc trách nhiệm của Kiểm sát viên.

c. Nội dung tương trợ tư pháp

Nội dung tương trợ tư pháp, bao gồm: (i) Cảnh sát, Cơ quan công tố tiến hành các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ ở những người có liên quan vụ án như người bị tình nghi phạm tội, bị cáo, bị hại, người làm chứng…; (ii) ủy thác giám định; (iii) khám nghiệm hiện trường; (iv) yêu cầu giao nộp tài liệu và vật khác ở những người tổ chức có liên quan; (v) hỏi, tham chiếu tài liệu ở các cơ quan, tổ chức (công sở); yêu cầu bảo toàn hồ sơ điện tử của lịch sử các cuộc nghe, gọi, nhắn tin; (vi) Khám xét, thu giữ tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ án; (vii) yêu cầu tòa án thẩm vấn nhân chứng; (viii) tiến hành biện pháp bảo toàn bằng tịch thu, truy thu tài sảntrong việc thi hành bản án tịch thu, bản án truy thu tài sản; (ix) các vấn đề trong điều tra tội phạm liên quan đến người nước ngoài, gồm: Đảm bảo có người phiên dịch; Xác định nhân thân bị can; Thu thập chứng cứ tại nước ngoài; Sự khác nhau về chế độ pháp luật, văn hóa, tập quán; Đảm bảo về người được tham khảo (nhân chứng, người bị hại) mà là người nước ngoài; (x) cách thức viết văn bản yêu cầu hợp tác điều tra, gồm những vấn đề sau: Danh mục về xác định nhân thân người phạm tội; Tình tiết của đối tượng điều tra (chi tiết); Giai đoạn thủ tục tại nước yêu cầu; Tội danh, điều luật áp dụng hình phạt, nội dung điều luật; Muốn yêu cầu làm gì; Tại sao việc đó lại cần thiết; Đính kèm tài liệu chứng minh nội dung nghi vấn và sự cần thiết của chứng cứ; Đến khi nào cần chứng cứ và tại sao; Họ tên, số điện thoại, địa chỉ email của người phụ trách (người hiểu tiếng Nhật hoặc tiếng Anh); Bản dịch ra tiếng Nhật.

2.5. Pháp luật của Hàn Quốc về hợp tác quốc tế trong Tố tụng hình sự

Hợp tác quốc tế trong TTHS Hàn Quốc được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau: Thông qua hiệp định song phương giữa hai quốc gia trên cơ sở bình đẳng thỏa thuận, các hiệp định đa phương giữa nhiều quốc gia với nhau [8,Tr.27]. Các quốc gia có thể áp dụng một hoặc nhiều hiệp ước quốc tế song phương hoặc đa phương để hỗ trợ hoặc yêu cầu quốc gia khác hỗ trợ hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Hàn Quốc có một mạng lưới hiệp định dẫn độ và tương trợ tư pháp, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù khá rộng với nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Hợp tác cũng có thể được thực hiện thông qua Hiệp định giữa hoặc trên cơ sở có đi có lại. Hàn Quốc cũng đã ban hành luật cụ thể để thực hiện các hiệp định này về dẫn độ và tương trợ tư pháp mà không có một hiệp ước dựa trên cơ sở có đi có lại. Để việc hợp tác đạt hiệu quả, Hàn Quốc chỉ định Bộ Tư pháp làm cơ quan trung ương dẫn độ và tương trợ tư pháp, và bằng cách ấn định thời hạn hoàn thành các bước khác nhau trong quá trình dẫn độ, tương trợ tư pháp. Tính đến nay, Hàn Quốc đã kí Hiệp định về Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự với 73 quốc gia, Hiệp định dẫn độ với 77 quốc gia, 69 quốc gia với Hiệp định chuyển giao người chấp hành hình phạt tù [9]. Ngoài ra, Hàn Quốc có luật riêng về tương trợ tư pháp và dẫn độ, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù cụ thể là Luật về Tương trợ tư pháp Quốc tế về Hình sự và Luật dẫn độ và Luật Chuyển giao quốc tế người bị kết án năm 2007. Đồng thời, luật này cũng quy định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan đến hình sự ở Hàn Quốc.

Về dẫn độ thì tội phạm yêu cầu dẫn độ phải là tội phạm được quy định theo pháp luật của quốc gia yêu cầu dẫn độ và quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Tội phạm kép là yêu cầu bắt buộc cho phép dẫn độ tội phạm cũng như là tương trợ tư pháp, trừ trường hợp các có các quy định khác theo Hiệp định mà Hàn Quốc kí kết với các nước khác. Theo Điều 6 Luật dẫn độ Hàn quốc thì: “Dẫn độ tội phạm chỉ được yêu cầu trong trường hợp tội phạm dẫn độ có hình phạt tương ứng với hình phạt tử hình, phạt tù hoặc phạt tù mà không có lao động trong tù để sống hoặc phạt tù không ít hơn một năm theo quy định pháp luật của Hàn Quốc và quốc gia có yêu cầu”.

Việc dẫn độ phải tuân thủ các quy định về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Dẫn độ Hàn Quốc.

Tương trợ tư pháp: Nếu mục đích của dẫn độ tội phạm là quốc gia nước ngoài gửi người bị buộc tội, hoặc tội phạm trốn chạy tới quốc gia đó cho quốc gia có yêu cầu để người đó tham gia xét xử hoặc chấp hành hình phạt, thì mục đích của tương trợ tư pháp là quốc gia nước ngoài hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ để sử dụng trong một vụ án hình sự từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử. Các hình thức hỗ trợ thường bao gồm lấy lời khai cần trong quá trình điều tra và xét xử; cung cấp tài liệu, hồ sơ, chứng cứ của vụ án và hỗ trợ ban hành thông báo triệu tập,… Quốc gia được yêu cầu cũng có thể hỗ trợ trong việc định vị và nhận dạng một cá nhân, chuyển giao cá nhân đang bị giam giữ để ra làm chứng tại tòa và thi hành các yêu cầu về tìm kiếm và tịch thu tài sản.

Luật Tương trợ tư pháp quốc tế Hàn Quốc quy định chi tiết về vấn đề này nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn tội phạm theo yêu cầu của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào có liên quan đến điều tra, xét xử vụ án hình sự. Luật này quy định về phạm vi và thủ tục trong tương trợ tư pháp trong việc đưa ra yêu cầu và trả lời yêu cầu của quốc gia nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật này còn cho phép, trường hợp quy định của Luật này khác với quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp mà Hàn quốc kí kết với quốc gia nước ngoài khác nhau, thì ưu tiên áp dụng Hiệp định đã có kí kết với nước đó.

Chuyển giao người chấp hành hình phạt tù là hệ thống trong đó công dân của một nước, người mà đang chấp hành hình phạt tù ở nước khác, có thể được chuyển giao cho nước mà người đó là công dân để thi hành phần còn lại của hình phạt. Mục đích của chuyển giao người chấp hành hình phạt tù về nước nguời đó mang quốc tịch để giúp người đó phục hồi quyền công dân và tái hòa nhập cộng đồng. Luật chuyển giao người chấp hành hình phạt tù Hàn Quốc quy định điều kiện, thẩm quyền, thủ tục chuyển giao người chấp hành hình phạt tù.

Mặc dù Hàn Quốc có Luật dẫn độ tội phạm và Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều các quốc gia trên thế giới, nhưng trong thực tiễn, số lượng các trường hợp dẫn độ tội phạm còn nhỏ. Từ năm 2004 đến 2015, Hàn Quốc yêu cầu dẫn độ tội phạm cho 18 người và nhận yêu cầu cho phép dẫn độ là 7 người trung bình mỗi năm. Trong cùng khoảng thời gian này, hằng năm, Hàn Quốc yêu cầu tương trợ tư pháp từ các nước khác cho 81 trường hợp và nhận được yêu cầu hỗ trợ tư pháp từ các nước khác cho 70 trường hợp [10]. Trung bình hàng năm số người bị tình nghi trở về Hàn Quốc từ năm 2011 đến 2015 là 131 người [11].

3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ việc phân tích, khái quát pháp luật một số khu vực, quốc gia trên thế giới có thể rút ra một sô bài học kinh nghiệm sau đây cho Việt Nam:

Thứ nhất, tăng cường đàm phán, kí kết điều ước về hợp tác quốc tế về hình sự.Trong xu thế toàn cầu hóa thì hội nhập quốc tế trong đó có lĩnh vực tư pháp hình sự là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần được triển khai theo hai hướng: (i) Nghiên cứu gia nhập những điều ước quốc tế đã có; (ii) Cùng với các quốc gia khác đàm phán, thỏa thuận, kí kết các điều ước quốc tế về hình sự, chẳng hạn: Khu vực ASEAN chỉ mới có Hiệp định về tương trợ tư pháp mà chưa có các hiệp định về dẫn độ, hiệp định về chuyển giao người bị kết án, người đang chấp hành hình phạt tù nên Việt Nam với vai trò quan trọng trong cộng đồng này cần có các hoạt động thúc đẩy để các hiệp định còn thiếu nói trên được kí kết, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác tư pháp góp phần bảo vệ an ninh khu vực và mỗi quốc gia.

Thứ hai, trên cơ sở rà soát toàn bộ các hiệp định về dẫn độ, hiệp định trợ tư pháp nhằm phát hiện những tồn tại, bất cập, những quy định không phù hợp với các quy định về dẫn độ trong BLTTHS năm 2015, Luật tương trợ tư pháp cũng như thực tiễn dẫn độ trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở này, Việt Nam có thể đàm phán lại với các quốc gia đã kí kết hiệp định theo hướng thay vì việc kí kết một hiệp định với nhiều nội dung như dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, lao động… như trước đây thì các nước cần chủ động đàm phán và kí kết các điều ước quốc tế riêng biệt về từng lĩnh vực. Do vậy, với các hiệp định tương trợ tư pháp gồm nhiều nội dung có thể đã phân tách từng nội dung của hợp tác quốc tế để kí kết.

Tiếp tục đàm phán, kí kết hiệp định về hợp tác quốc tế trong TTHS với các quốc gia khác, nhất là đối với các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ kinh tế, chính trị phát triển.

Thứ ba, mặc dù BLTTHS năm 2015 đã được hoàn thiện nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn hợp tác quốc về hình sự. Do vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, nhất là Hàn Quốc có thể xây dựng các đạo luật riêng biệt cho từng lĩnh vực hợp tác quốc tế trong TTHS. Theo phương án này, ngoài BLTTHS quy định các vấn đề chung về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn hợp tác quốc tế trong TTHS sẽ có ba đạo luật là: Luật Dẫn độ tội phạm; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Chuyển giao người chấp hành hình phạt. Thực hiện phương án sẽ không còn Luật Tương trợ tư pháp (năm 2007) với các nội dung như hiện nay.

Lời cảm ơn

Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài CA.16.1A “Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí chủ nhiệm từ 2016 – 2018.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguồn http://www.aseansec.org/Ratification.pdf.

[2] Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự trong ASEAN năm 2004.

[3] J. LeLieur và M. Pieth, Mười năm áp dụng Công ước của OECD về chống hối lộ xuyên quốc gia, Receuil Dalloz 2008.

[4] Công ước hình sự về hối lộ, Strabourg, ngày 27 tháng 1 năm 1999.

[5] Điều 69 Hiệp ước Lisbonne.

[6] Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga, Bản dịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[7] Ngũ Quang Hồng, Chế độ hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự Trung Quốc, Tạp chí Khoa học, chuyên trang Luật học, ĐHQGHN năm 2017.

[8] OECD, Mutual legal Assistance, Extradition and Recovery of Proceeds of Corruption in the Asia and the Pacific.

[9] Supreme Prosecutors’ Office Republic of Korea, International cooperation, truy cập đường link: http://www.spo.go.kr/. Ngày truy cập: 31/3/2018. Institute of Justice ,White Paper on Crimes 2016.

[10] Statistics, National Police Agency. Truy cập đường link: www.police.go.kr/. Ngày truy cập: 31/4/2018.

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam
Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam
Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á
Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á
Minh bạch tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Minh bạch tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống
Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống
So sánh một số quy định về hòa giải trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam
So sánh một số quy định về hòa giải trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam

Chuyên mục: Hình sự/ Tố tụng hình sự Từ khóa: Hợp tác quốc tế/ Tư pháp hình sự

Previous Post: « Nhu cầu và những quan điểm cơ bản hoàn thiện chế định hình phạt bổ sung trong Luật Hình sự Việt Nam
Next Post: Chức năng của Tòa án trong Tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng